WESTMINSTER (NV) - Nhà Xuất Bản Sống vừa cho ra mắt tuyển tập được cho là “một thư viện thu nhỏ” về thơ – văn - nhạc - họa của thi sĩ Du Tử Lê vào chiều Chủ Nhật, 28 Tháng Chín, tại hội trường Nhật Báo Người Việt.
Riêng với người thi sĩ, đây là một “may mắn” của ông, khi “chân dung của mình được tổng hợp để trở thành một bức tranh phản ảnh đầy đủ nhất những giai đoạn đi tìm cái 'tôi' khác trong sáng tác, dù thành công hay thất bại.”
“Du
Tử Lê
tôi với người, chung một
trái tim”
Đó là tựa đề tuyển tập hơn 400 trang mà Nhà Xuất Bản Sống dành hẳn tám tháng để thực hiện. Chẳng biết tình cờ hay hữu ý, cuốn sách gói gọn 60 năm sáng tác của nhà thơ Du Tử Lê cũng là cuốn sách thứ 60 từng xuất bản về những tác phẩm của thi-họa sĩ này.
Sách với hai màu đơn giản, đối lập, cùng khổ sách hình vuông lạ mắt, tạo nên một cảm giác nghệ thuật có sức hút kỳ lạ ngay từ phút đầu tiên người đọc chạm vào sách.
Sau đôi lời giới thiệu của nhà xuất bản và nhân vật Du Tử Lê, “thư viện thu nhỏ” về cuộc đời và tác phẩm Du Tử Lê được mở ra với bảy phần chính.
Phần một, rất ngắn, giới thiệu tiểu sử nhân vật chính. Trong phần này, những ai chưa biết về Du Tử Lê có thể nhanh chóng tìm hiểu đôi nét về ông, như quê quán, các đợt di tản, lần đầu sáng tác, số sách đã xuất bản, các buổi thuyết trình cho đại học Hoa Kỳ…
Nữ tài tử Kiều Chinh đợi thi sĩ Du Tử Lê ký tặng sách. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Phần hai là “Tùy Bút Du Tử Lê.” Ông viết về những người quen xưa cũ, về những ngày cuối cùng của ca nhạc sĩ Việt Dzũng, người vừa mất hơn một năm nay. Ông trở ngược dòng thời gian, viết về “thuở còn ngậm ti,” về thời đi học, về những “ký ức hắt bóng.” Những kỷ niệm về mẹ, nỗi buồn khi mẹ mất, và những người phụ nữ bên cạnh ông trong giai đoạn khó khăn này, được nhắc nhiều trong những bài bút ký sau đó.
Trong phần ba, “Về Thơ - Văn Du Tử Lê,” sưu tầm một số bài viết mới, cũ của các thi sĩ, nhạc sĩ, nhà báo... từng làm việc với ông hoặc với các tác phẩm của ông. Tạ Tỵ, Lê Vương Ngọc, Linh mục Trần Cao Tường, Vũ Thư Hiên, Nguyên Sa, Nguyễn Ngọc Bảo, Cổ Ngư, Hoàng Đình Bình, Khuất Kim Ngữ, Lê Văn, Đăng Khánh, Brian Đoàn, hay Phạm Phú Thiện Giao… Mỗi người một ý, thể hiện qua bài viết phân tích của mình.
Phần bốn, “Thơ Du Tử Lê Phổ Nhạc” là một phần khá đặc biệt. Đặc biệt vì Du Tử Lê được cho là người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất, và đặc biệt riêng trong tuyển tập này, vì cách trình bày giúp mang được cả thơ lẫn nhạc đến người đọc. Xen kẽ, bài thơ nguyên bản, với một số lời tác giả tâm tình về hoàn cảnh sáng tác, được đăng song song với những bản nhạc để người xem có thể đàn, hát theo. Qua gần 20 bài hát, người yêu thơ Du Tử Lê được trở về với những bản tình ca được yêu thích nhất của mọi thời, từ Khúc Thụy Du, Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, đến Khi Cuộc Tình Đã Chết, hay Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời...
Phần năm do những người thân thiết nhất của thi sĩ Du Tử Lê viết về đời thường của ông. Cô con gái Orchid Lâm Quỳnh “nói xấu bố” qua những mẩu chuyện hài hước khiến người đọc phải phì cười. “Bố tôi. Ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” cô dùng chính lời thơ của ông để kết luận. Người bạn Vương Hồng Anh kể lại những câu chuyện cũ từ thời ông mới gặp thi sĩ Du Tử Lê khi cùng làm việc cho Cục Tâm Lý Chiến. Bài viết của Lê Vương Ngọc hé lộ nhiều chi tiết hấp dẫn về “Đời Tình Du Tử Lê”...
Hai phần cuối cùng của sách viết về các tác phẩm hội họa của Du Tử Lê, lĩnh vực mà ông chỉ mới theo đuổi vài năm gần đây.
Buổi ra mắt sách
Những chiếc ghế chật kín người ngồi từ sớm. Những gương mặt có tên tuổi trong nhiều lĩnh vực ngồi lẫn với khán giả, tất cả cùng vì tình cảm quý mến dành cho nhà thơ Du Tử Lê. Người thi sĩ ngồi tại bàn đặt gần phía cửa ra vào, thăm hỏi và ký tặng sách cho người tham dự.
Đại diện Nhà Xhttp://dutule.com/D_1-2_2-150_4-6413_15-2/sap-ra-mat-du-tu-le-toi-voi-nguoi-chung-mot-trai-tim.htmluất Bản Sống, nhà báo Vũ Đình Trọng và chủ nhiệm Khánh Hòa giới thiệu sơ lược “thư viện thu nhỏ” về thi sĩ Du Tử Lê. Nhà xuất bản cũng mời một số diễn giả chia sẻ cảm nghĩ về nhân vật và nội dung sách.
Nhà thơ Trần Dạ Từ chia sẻ, phân tích về tác giả và tác phẩm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Du Tử Lê có nhiều cái nhất,” nhà thơ Trần Dạ Từ nói. Ông nhắc về những bản nhạc phổ thơ Du Tử Lê, những cuốn sách được xuất bản, và “những tiếng ru ngọt” mà thi sĩ dành cho cuộc đời. Nhà thơ Trần Dạ Từ cũng khen bìa sách và cách sắp xếp trang sách của tuyển tập “Du Tử Lê, tôi với người chung một trái tim.”
“Một người xa, nhưng không cách” là những gì nhà báo Phạm Phú Thiện Giao nói về nhà thơ Du Tử Lê. Ông cũng nhắc lại những ngày cũ ở Việt Nam, khi phải lén “sang lậu” cho bằng được những tape nhạc có nguồn gốc từ trước 1975. “Thi sĩ lớn có tác phẩm nuôi dưỡng tâm hồn cả một thế hệ. Du Tử Lê là một trong những thi sĩ như vậy,” ông nói.
“Thơ của thi sĩ Du Tử Lê đã cứu tôi trong một sai lầm của tuổi trẻ,” Nguyễn Vũ Nhã, đến từ San Jose, chia sẻ về một kỷ niệm khá đặc biệt. Ông nói trong một lần nửa sống nửa chết vì đã uống thuốc quyên sinh, ông viết lại một câu thơ “con dế buồn tự tử giữa đêm sương” của người thi sĩ, sau đó được một người bạn thấy được và cứu sống.
“Hơn 50 năm sáng tác, thơ của ông luôn đẹp và luôn mới. Ba năm miệt mài với cây cọ, chữ tiếp màu, màu tiếp chữ.” nhà thơ Đặng Phú Phong nói về các tác phẩm của Du Tử Lê, thi ca và hội họa. “Làm thơ, chẻ chữ, ghé chữ, rồi bây giờ ghép chữ với màu. Chữ biến màu, màu hóa chữ. Bàng bạc nhưng cuốn hút. Xa xăm nhưng cận kề. Gợi cảm...” ông nhận định.
Với nhà báo Ngọc Lan, người tự nhận “không biết gì về thơ,” thì sách của Nhà Xuất Bản Sống giúp cô hiểu thêm được nhiều về người thi sĩ, cũng như những miền ký ước của ông qua những trang sách. “Gọi là 'thư viện thu nhỏ' của nhà nhơ Du Tử Lê cũng không có gì là quá đáng,” cô nhận xét.
Nhà thơ Du Tử Lê tại buổi ra mắt sách. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Nhà thơ Du Tử Lê là diễn giả cuối cùng. Ông cám ơn những người tham dự và tình cảm của họ dành cho mình, dành cho cuốn tuyển tập mà ông nói rằng “ sách tổng kết hành trình viết lách 60 năm mà có lẽ tôi sẽ trong những năm cuối đời tôi không có đủ sức để thực hiện một cuốn tương tự nữa.”
Buổi ra mắt sách khép lại với phần trình diễn của một số nam, nữ bằng hữu, hoàn toàn với các tác phẩm có nguồn gốc từ thơ Du Tử Lê. Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, Khi Tôi Chết Hãy Đưa Tôi Ra Biển, Trên Ngọn Tình Sầu, Môi Nhớ Tàn Phai... những lời ca da diết theo chân khán giả trên nẻo đường về.
***
Tuyển tập
Thơ - Văn - Nhạc - Họa
DU TỬ LÊ
tôi với người, chung một trái tim
Nhà Xuất Bản Sống
Điện thoại: 714-856-4635
Ấn phí: $38
–