(Tiếp theo và hết).
Giai đoạn hai của hành trình thi ca Tuệ Mai / Trần thị Gia Minh theo tôi, có thể được đánh dấu bằng sự kiện họ Trần rời bỏ tháp ngà, bước xuống nắng, gió đời thường qua cuộc tình với một người cùng giới.
Từ đó, tôi nghĩ, có dễ chính tình yêu kia, với những bảng chỉ đường của riêng nó, đã đem lại cho thơ Tuệ Mai, không chỉ hơi thở khác, mà còn là niềm hăm hở tiếp cận với mọi thực tế xã hội đời thường. Phải chăng tình yêu mở những cửa khác cho tài năng đích thực của người con gái họ Trần, bước qua vòng phấn trói buộc của ý thức duy trì gia phong(?!?)
Thơ của họ Trần, không còn là những tình yêu chung chung, “phải đạo”, không cá tính nữa. Thí dụ:
“Sữa ngọt cho đời tôi hài
nhi
đùa nghịch cho đời tôi con
trẻ
Tình yêu cho đời tôi lớn
khôn
lớn khôn bắt đầu bằng
tiếng hát
Tiếng hát mẹ cha tôi yêu nòi
giống
tiếng hát lịch sử tôi yêu
đất đai
Tiếng hát thiên nhiên tôi yêu
nhân loại
tiếng hát trái tim tôi yêu
người tình
Tiếng hát của mẹ cha
lịch sử, thiên nhiên…”
(Tuệ Mai, trích “Tiếng hát trái tim”).
Tình yêu với những bảng chỉ đường của nó, đã cởi trói, tái tạo cho thơ Tuệ Mai một nhan sắc khác - - Dù cho những bảng đường tình yêu kia, vốn luôn có hai mặt, đối-đãi như: Trắng và đen. Đêm và ngày. Hạnh phúc và khổ đau. Hạnh ngộ hay bi kịch! Cũng từ dưới những bản chỉ đường của tình yêu này, thơ Tuệ Mai, bắt đầu có nhiều thao-thức-trăn-trở, nhiều cật vấn tình yêu và lẽ chết… Những vấn nạn mà người đọc gần như không bắt gặp trong thơ Tuệ Mai trước đó. Theo tôi, hóa thân tuyệt vời của người con gái họ Trần, có thể tính từ thi phẩm “Như Nước Trong Nguồn” (XB năm 1968) và, càng lúc càng sắc nét hơn ở những thi phẩm kế tiếp như “Trên Nhánh Sông Mưa”, “Bay Nghiêng Vòng Đời” v.v…
Dưới những bảng chỉ đường của tình yêu, ở vị trí của một người nữ đã thực sự bước chân tất tả buồn, vui nhân thế, Tuệ Mai không ngừng nhìn lại, cật vấn chính mình. Những vần thơ đi ra từ một người nữ, nửa đời mới bắt đầu sống và, được sống (với cả bất trắc, tai ương) như Tuệ Mai - - Hôm nay, đọc lại tôi thấy xót xa, không chỉ cho riêng bà mà, cho bất cứ người nữ nào, không được sống cái gọi là đời thường như những người nữ khác!
Cũng kể từ cuộc “cách mạng xanh” bất ngờ, dữ dội mà, Người con gái họ Trần đóng vai chủ động, cùng những đổi thay thi ca tận gốc, người ta mới thấy thơ Tuệ Mai xuất hiện trên tạp chí Văn, với những bài thơ nếu không ký tên Tuệ Mai, nhiều người có thể nghĩ đó là thơ của một người nào khác(?!!)
Dòng thương nét nhớ miên man
tôi năm dấu chữ trên trang
thư tình
Tim dồn nhịp chấm âm thanh
lửa người hồn khói lênh
đênh tưởng vời
Sầu mi giọt đọng thương
hoài
tôi viên thuốc ngủ đưa
người qua đêm
(Tuệ Mai, trích “Lời đêm”)
Hoặc”
“Tôi có miệng mà lạ lùng
cách nói
Nên ý mình chưa đủ thoát qua
môi
Như có mắt mà tia nhìn khờ
dại
Nên tin yêu gởi mãi vẫn nhầm
nơi
(…)
Vành tai nhỏ sao lắng nhiều
âm hưởng
Óc nông sờ sao tưởng nhớ
mênh mang
Tim rất mảnh sao bắt lòng
phải cứng
Trời ôi, tôi! Sao sống được
như thường”
(Tuệ Mai, trích “Lạc Loài”)
Tôi nghĩ, có thể sẽ có người căn cứ vào những câu thơ như “Trời ôi, tôi! Sao sống được như thường”, để dẫn tới kết luận thơ Tuệ Mai dung dị, mộc mạc. Với tôi, chính câu thơ mà đôi người có thể cho là dung dị, mộc mạc kia, lại là một câu thơ hay (một cách tội nghiệp) - - Bởi tính chân thật, đầy nữ tính của nhà thơ này. Tôi lại nghĩ, một nhà thơ nữ nào khác, nếu không ở trường hợp, hoàn cảnh như Tuệ Mai, e khó có thể viết xuống một câu thơ nao lòng, đến thế.
Dưới những bảng chỉ đường của tình yêu, vẫn những là câu thơ mang tính nhìn lại mình (như một thứ tự thán), nhưng bóng bảy, mới mẻ hơn, Người con gái họ Trần viết:
Xót nhau đăm đắm cõi mòn
Hồn mây lạc đã khôn nương
cánh chiều
Đêm chìm, ngày mất tôi theo
Lẻ thân một kiếp-cái bèo
vượt sông
(Tuệ Mai, trích “Hồn mây lạc”)
Về phương diện mỹ học, tôi rất thích cụm từ… “ngày mất tôi theo”. Theo tôi, nó mới mẻ với chính tác giả và, cũng khá mới mẻ đối với lục bát ở thời kỳ đó.
Nói về ảnh hưởng của những tấm bảng tình yêu chỉ đường cho thi ca Tuệ Mai / Trần Thị Gia Minh mà, không nói tới nỗ lực đem đời thường vào trong thơ của bà, tôi cho là một thiếu sót đáng trách.
Ở mảng thơ gần gũi với mặt đất, nhân gian, của Người con gái họ Trần, tôi rất thích hai chữ “phiến tôn” trong câu thơ “Mưa cũng về theo gõ phiến tôn”
“Tôn” là vật liệu lợp mái nhà, rẻ hơn ngói, rất phổ thông thuộc những khu nhà nghèo miền Nam, trước tháng 4-1975. Do đấy, tôi cho, đó cũng là nét hiện thực đặc trưng của đời sống dân gian:
“Khi đêm về trên mái nhà
âm-thầm
Mưa cũng về theo gõ phiến tôn
Để người chăn cũ run thân
chiếc
Đốt nến tìm hơi dỗ giấc
buồn.”
(Tuệ Mai, trích “Nhánh sầu câm”)
Cũng trong bài “Nhánh sầu câm” kể trên, từ một khung cảnh đìu hiu, đơn chiếc của người đắp chiếc chăn cũ (tình xưa?) tôi nghĩ nó không thể thích hợp hơn khi bà viết tiếp hai câu:
“Đêm đêm trời ơi vào ra
âm-thầm
Làm sao gìn-giữ được dư-âm…”
Đó là những câu thơ Người con gái họ Trần viết cho sự đứt đoạn vì hoàn cảnh, của mối tình dữ dội thứ nhất, khởi đi từ giữa thập niên 1960s. (4)...
.
Hôm nay, khi viết về tiếng thơ của Người con gái họ Trần, chẳng may có một cuối đời cô lẻ, tôi xin linh hồn bà hãy đón nhận những ghi lại trên của tôi, như một nén hương thắp muộn, tưởng nhớ bà, không chỉ của riêng tôi mà, còn của những người từng chân thành thương mến bà nữa.
Du Tử Lê
(Garden Grove, Oct. 30th-2014)
________
(4) Theo Wikipedia – Mở thì
Nhà thơ Tuệ Mai / Trần thị Gia Minh mất năm 1983, tại
Saigon. Tuy nhiên, căn cứ theo những tư liệu do thân hữu Hồ Đình Vũ (hiện cư ngụ tại San Jose, bắc Cali) sưu tầm được thì, nhà thơ Tuệ Mai mất năm 1982, chứ không phải 1983, như Wikipedia - Mở đã ghi. Hồ Đình Vũ căn cứ vào hai tư liệu quan trọng. Một là của nhà thơ Hoàng Hương Trang, với bài thơ tựa đề "Nhớ Tuệ Mai", viết nhân tang lễ của nhà thơ Tuệ Mai. Nguyên văn bài thơ đó: "Sao mai đã mọc về phương lạ / Khép nửa trang thơ, tiếng thở dài / Hoa mai đã nở về phương lạ / Thế giới ba nghìn, ai, những ai!" Hoàng Hương Trang (SG. Tháng giêng Nhâm Tuất 1982). Tư liệu thứ hai là của cô Lan Hinh, em ruột nhà thơ Tuệ Mai. Trong một bài viết về cái chết của chị mình, đăng tải trên trang Web của Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm (http://gdptvinhnghiem.org/truong-huynh-tue-mai-tran-thi-gia-minh/), cô viết: "...Trưởng đang viết dở truyện
lịch sử Huyền Trân Công chúa, dài 5 chương, nhưng mới viết được 3 chương thì
Trưởng mất. Trưởng ra đi giữa mùa Mai nở Xuân Nhâm Tuất 1982." Chúng tôi xin ghi nhận, để rộng đường dư luận.