Hành trang nỗi buồn nhân thế

26 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 8326)
Hành trang nỗi buồn nhân thế

 

 Lnđ: Nhân dịp nhà XB Chương Văn ở California, tái bản tập truyện “Hành trang ngày trở về” của Trương Văn Dân, qua mạng lưới toàn cầu Amazon, chúng tôi được tác giả gửi cho bài viết cũ của nhà văn Phạm Xuân Nguyên.

Để bạn đọc, thân hữu có cái nhìn gần cận hơn với cõi-giới văn xuôi của Trương Văn Dân, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết của nhà văn tên tuổi vừa kể, thể theo lời yêu cầu tác giả giả “Hành trang ngày trở về”. .

Trân trọng.

Ban Điều hành web-site dutule.com 

 

truongvandan-content
nhà văn Trương Văn Dân cùng vợ là Elena Pucillo Truong, 

 

Tôi gặp Trương Văn Dân khoảng dăm năm trước. Một phóng viên báoĐại Đoàn Kết giữ mục Nhịp cầu liên hệ với người Việt Nam ở nước ngoài gọi điện bảo tôi là có một cộng tác viên của báo ở Italia thường về nước, anh có viết văn, nên muốn giới thiệu với tôi để làm quen và giao lưu. Thế là tôi gặp anh Dân, hình như buổi gặp đầu tiên ở quán nước cạnh Viện Văn học cơ quan tôi trên phố Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ấn tượng ban đầu anh Dân gây cho tôi là con người anh chất phác và đôn hậu. Cái chất người đó của anh hiển hiện tự nhiên ở dáng vẻ bên ngoài và ở cách trò chuyện. Sau này còn gặp nhau nhiều lần, khi một mình anh, khi có cả chị vợ anh người Italia, tôi càng thấy sự chất phác và đôn hậu đậm rõ ở anh Dân. Sống ở nước ngoài hơn ba mươi năm có lẻ, mà lại là ở những trung tâm văn hóa lớn của châu Âu, nhưng hình như cái chất dân quê ở người chuyên gia hóa dược đã qua tuổi tri thiên mệnh này chẳng hề phai nhạt, vơi giảm. Quen nhau rồi, mỗi lần gặp, anh thường đưa tôi một vài truyện ngắn, một vài bài viết lẻ, nói đọc chơi cho ý kiến, nói có thể đăng đâu đó được thì đăng, cho vui. Từ lần gặp đầu tiên anh đã nhờ tôi sắp xếp gặp một số nhà văn ở Hà Nội và sau đấy mỗi lần anh về nước ra bắc là Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà và tôi lại được hội ngộ cùng anh. Ngay từ đầu anh đã khiêm nhường không coi mình là nhà văn, chỉ là người thỉnh thoảng có viết văn như một nhu cầu thúc bách nội tâm, như một giãi bày tâm trạng, với chính mình trước hết. Giữa đám anh em văn sĩ ồn ào cười nói, vui đùa chọc quấy, nói đủ thứ trên trời dưới bể, bàn hết chuyện đông tây trong ngoài, anh Dân ngồi lẳng lặng nghe, bia rượu không uống, đồ mồi ít chạm, thi thoảng góp đôi ba câu chuyện nhỏ nhẹ, hiền lành. Cứ thế, anh đã thành bạn của tôi, của chúng tôi một cách tự nhiên, giản dị.

 Bây giờ những truyện ngắn mà tôi đã đọc rải rác những lần anh đưa trước đây được gom lại thành tập. Đặt trong tổng thể một tập truyện ngắn, đọc lại chúng liền một mạch, tôi gặp lại anh trong văn như ngoài đời, chất phác và đôn hậu. Có thể lấy một chữ TÌNH tóm gọn toàn bộ nội dung truyện ngắn của Trương Văn Dân. Tình đây là tình người, là cái cách con người đối xử với nhau, là cách con người sống ở đời sao cho xứng là con người, là giá trị tinh thần con người phải cưu mang và chuyên chở qua tháng năm tồn tại của mình trên cõi thế, là cái không tiền bạc nào mua nổi mà chỉ có được khi phát ra từ sâu thẳm bản chất người của mình. Truyện của anh Dân nói nhiều về cái chết, và ở giữa ranh giới mong manh và nghiệt ngã của sự chia lìa, sự cắt đứt vĩnh viễn, sự xóa tan hoàn toàn đó của cái sống, của cuộc sống, con người - người đang chết và người còn sống - buộc phải nhìn lại mình, phản tỉnh, và thanh lọc. Điều này nhiều người đã viết, đã nói, nhưng Trương Văn Dân vẫn có cách cảm nghĩ và thể hiện riêng của anh Một chiều lên nghĩa trang thăm mộ người thân (truyện này đúng ra là một ghi chép), thẩn tha đọc hàng chữ ghi trên các bia mộ, người kể chuyện thấy ra thêm những ý nghĩa cuộc đời ở nơi giao hòa âm dương. Một câu nói của anh bạn David (Một áng mây bay) trước phút giã từ thế gian đã ám ảnh nhân vật “tôi” một thời gian dài. Người đàn ông cật lực làm việc để mưu tính giàu sang, rốt cuộc là trắng tay với đời, để rồi ngộ ra một điều là mình có sinh mà chưa có sống. Phút cuối cùng ngắm cảnh hoàng hôn người Âu ấy đã sững sờ rồi thốt ra những lời này với anh bạn người Á: “Thú thực đây là lần đầu tiên tao thấy nó. Trong đời tao, chưa bao giờ tao có thì giờ. Tao-chỉ-nhìn-chứ-chưa-bao-giờ-thấy”. Đấy có thể coi là ý tưởng xuyên suốt các truyện ngắn của Trương Văn Dân. Người ta sống là phải biết thấy thì mới biết sống. Nhìn chỉ là sinh lý học của mắt, của cơ quan thị giác. Thấy là tâm lý học của tấm lòng, của tình cảm. Nhìn chỉ là cái nhìn. Thấy là cách nhìn. “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du). Các truyện của anh đặt ra những trạng huống, những tình thế để tìm lời giải cho mối băn khoăn là tại sao con người sống ở đời mà phần nhiều cứ nhìn nhưng không thấy. Tại sao con người không biết thấy những trần ai khổ hạnh của đời người để mà yêu thương nhau hơn, quý trọng nhau hơn, lại cứ đổ xô vào những mưu toan lọc lừa, xảo trá, lại cứ vô tình đến nhẫn tâm với nhau. Bởi nhìn mà thấy thì sẽ như Quang (Hành trang ngày trở lại), Thăng (Câu chuyện của người chưa quen), Paul Vũ (Những sợi tóc) biết nhận ra quanh mình những số phận đang chống lại bất hạnh và biết mình có trách nhiệm, tình thương với những số phận ấy.

 Đó là thông điệp tác giả mang theo trong hành trang ngày trở lại quê nhà gói trong những trang văn này. Trương Văn Dân bước chân ra nước ngoài từ năm mười tám tuổi, và kinh nghiệm mấy chục năm sống đất khách quê người, dù có là công dân của một nước khác đi nữa, đã cho anh thấm nỗi buồn nhân thế, bất kể ở màu da và phương trời nào. Ở đâu con người cũng tự đày đọa hành hạ mình và hành hạ đày đọa người khác vì những toan tính trục lợi, những mưu mô ích kỷ. Ở đâu những buồn đau của kiếp người vẫn là như nhau. Và ở đâu cũng vẫn có những tấm lòng cao thượng, những con người bình thường mà cao cả giúp sưởi ấm con người bằng niềm tin còn có tình người, chất người trong thế giới càng hiện đại mà càng như giá băng các quan hệ giữa người và người này. Anh Dân đã ra đi và trở về. Đúng hơn, anh, cũng như nhiều người Việt Nam khác, đã ra đi và trở về. Không chỉ là về với đôi chân, về sống lại nửa đời phần sau của mình ở quê hương, trên đất mẹ. Mà về trong tình cảm trong tâm tình chưa bao giờ rời xa mảnh đất khốn khó, đau thương nhưng mình không dứt được vì đó là quê mình, nhà mình. Cuộc trở về không dễ dàng và thanh thản. Đã có những “ngã rẽ”. Đã phải “mộng trong giấc mộng”. Nhưng đã thật là về. Về nhà. Về quê. Về với người ruột thịt. Về lại chính mình. Về với nỗi buồn nhân thế mà những ai nặng lòng thì luôn trăn trở, cật vấn.

Bởi càng đi xa thì sự níu kéo với quê nhà càng bắt vào những kỷ niệm, hồi ức. Truyện của anh Dân vì vậy rất gần với tự thuật, anh viết như kể chuyện đời mình, đời những người thân thích ruột rà của mình, kỹ thuật không phải là quá dụng công, nghệ thuật là ở sự chân thực, và có cảm tưởng anh rất muốn gửi gắm tới người đọc truyện một lời khuyên nhủ, dặn dò đạo đức, luân lý. Anh, giống như nhà thơ Nga Evgeni Evtushenko, cứ muốn báo động thức tỉnh mọi người rằng “Những con người ra đi không thể gì tái tạo, Những vũ trụ riêng tư không lặp lại bao giờ” nên người ơi, hãy sống tử tế với nhau, hãy yêu thương quý trọng nhau, hãy giúp nhau sống là người. Đọc anh, xúc động là ở sự bình dị, chân tình. Trong mười truyện ở đây, già nửa là viết theo lối kể truyện cổ điển, câu chuyện được kể theo kiểu trao lời giữa các người kể, được viết một cách tự nhiên xuôi chảy và cái tình của người viết đã lay động được người đọc theo anh cảm xúc. Truyện Gã lang thang tóc trắng tiêu biểu kiểu truyện này. Có hai truyện (Mộng trong giấc mộng, Ngã rẽ) như khác đi trong lối viết, vẫn kể đấy nhưng nghiêng về giãi bày, tự phân tích nhiều hơn. Ở hai truyện này nổi rõ một nét riêng của ngòi bút Trương Văn Dân là chất thơ, chất tình trong truyện ngắn, nó bàng bạc suốt cả tập. Mới đọc đoạn đầu truyện Ngã rẽ có thể ngỡ đâu đó là một bài thơ văn xuôi.

Vậy là đây, Hành trang ngày trở lại của Trương Văn Dân được anh trân trọng đặt trước mắt ta, mời ta trân trọng lật mở để chia sẻ cùng anh những điều anh đã nhìn, và thấy, đã cảm, và nghĩ, những điều anh đã cất giữ và chiêm nghiệm trên những ngả đường những ngả đời băng qua các lục địa mà anh đã đi, đã đến, đã về. Lặng lẽ, những trang văn của anh, chất phác và đôn hậu như anh, có thể làm bạn tâm tình cùng ta. Phần tôi, đọc tập truyện này, tôi muốn được cùng anh chia sẻ và mang vác nỗi buồn nhân thế, như đó là hành trang cuộc đời của tôi. Và tôi muốn tin, của bạn nữa, những người sẽ đọc sách này. 

Phạm Xuân Nguyên

Hà Nội, tháng 1. 2007

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 20256:06 CH(Xem: 169)
Truyện Khuất Đẩu, dù là truyện ngắn hay truyện vừa, mở ra trong tâm tư người đọc nhiều liên tưởng bát ngát;
24 Tháng Mười Hai 20245:29 CH(Xem: 310)
Anh Khánh Trường mỗi khi tôi nhớ đến, phải là hình ảnh của một giang hồ.
17 Tháng Mười Hai 20243:57 CH(Xem: 265)
Kim Lân chính là một kiểu tồn tại trong cái giới nhà văn kỳ lạ thời nay./.
27 Tháng Mười Một 202410:52 SA(Xem: 403)
Hạ Vi dùng lối viết lặp lại, một chữ, một nhóm chữ, nhiều lần trong một bài thơ.
12 Tháng Mười Một 20243:51 CH(Xem: 384)
Tác giả Phạm Tấn Dũng sinh năm 1961 tại Gò Nổi, làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hội Viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam.
03 Tháng Mười Một 20249:59 SA(Xem: 452)
Là một người gốc Bình Định, ngụ cư Sài Gòn. Sống bằng nghề dạy khí công, thiền… dạy thở & thở ra thơ, quờ tay ra tranh…rượu trà ra ngụ ngôn.
05 Tháng Mười 20243:56 CH(Xem: 614)
Tôi thương ông vất vả như tôi thương tất cả những ai đeo đuổi công việc sáng tác từng nếm mùi cay đắng, thất bại, khổ đau.
22 Tháng Chín 20248:53 SA(Xem: 539)
Vừa qua họa sĩ Nguyễn Đình Thuần gọi cho biết, Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe. Mong anh tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm “cay” hơn.
25 Tháng Tám 20246:53 SA(Xem: 622)
Thông tin từ các bạn thơ tri kỷ, “Mắt Biếc” là tập thơ cuối đời của nhà thơ Linh Phương sau những tháng ngày phải chống chọi với căn bệnh tai biến,” đến nỗi khi được tin thi phẩm này được Hội Nhà Văn cấp phép anh đã khóc trên giường bệnh!
10 Tháng Tám 20248:59 SA(Xem: 675)
Hơn ba mươi năm trở lại đây, trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại, độc giả đã quen biết bút hiệu Vương Trùng Dương, một cây bút viết nhanh, viết đều, đủ loại,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 11633)
Chính Mai Thảo là người đầu tiên, vào từ miền Bắc, mở được cánh cửa tương thông, thân ái giữa những người làm nghệ thuật ở hai đầu “thế giới” lạ lẫm.
(Xem: 19513)
Tôi biết tôi dường còn muốn nói với NXH, nhiều hơn nữa,
(Xem: 8927)
màu vàng rực rỡ của dã-quỳ đã dắt tay tôi trở lại Pleiku
(Xem: 21884)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16361)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 15137)
Du Tử Lê, ông ấy là ai? Sao định mệnh tôi cứ mãi gắn liền với những dòng thơ của ông ta? Nghe nói bây giờ đang ở tại Mỹ
(Xem: 5533)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 2272)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2598)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 20306)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 9172)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10289)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9464)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12795)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 32244)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21735)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 27020)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24407)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23231)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21361)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19169)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20453)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17940)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16949)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26404)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33636)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35802)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,