Trong một lần trò chuyện, người bạn tôi đề cập đến chữ ‘đi’ trong tiếng Việt. Theo anh, người Việt Nam vốn năng động, nên làm gì cũng đi, ăn cũng đi, học cũng đi, ngủ cũng đi và ngay cả lúc chơi cũng đi. Anh còn đi ngược giòng lịch sử cho rằng tổ tiên người Việt là Việt Thường thị trong liên minh các bộ lạc Văn Lang, một trong 15 bộ cũng có tên là Việt Thường và là bộ quan trọng thứ hai của nước này. Theo anh, Việt đây có nghĩa là ‘vượt’. Từ đó, anh kết luận: nhờ tâm thức linh hoạt đó Nguyễn Huệ đã cho quân binh hai người cáng một, vừa ngủ vừa đi để chuyển quân thần tốc và cuối cùng đại phá quân Thanh.
Tôi nghe anh nói, thấy có gì không ổn. Tuy nhiên không tiện tranh luận vì không ít thì nhiều, tôi có phần cảm phục, vì anh đã có công để ý, tìm tòi và có những khám phá, nhận xét khá sâu sắc về tiếng Việt.
Thật ra theo sử sách, Nguyễn Huệ không những là một thiên tài quân sự, mà còn là một nhà tâm lý xuất chúng. Trước khi đề binh khởi mã chinh phạt quân Thanh, tại lễ đăng quang ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã lập kế để động viên tinh thần quân sĩ. Sau lúc tế thiên, Quang Trung sai mang đến một mâm đồng, trên để các đồng tiền, có phủ vải điều, rồi tuyên bố với quân sĩ:
Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở.
Nguyễn Huệ chắp tay khấn vái, bưng mâm tiền, cung kính dâng lên cao, rồi bất thình lình hất tung xuống đất. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận bắc tiến sẽ thắng quân Thanh.
Kỳ thực, Nguyễn Huệ đã sai đúc 200 đồng tiền có cả 2 mặt đều là mặt sấp.
Điều này làm chúng ta liên tưởng đến Nguyễn Trãi khi ông nghĩ ra một diệu kế nhằm tuyên truyền thanh thế cho nghĩa quân Lam Sơn. Ông cho người dùng nước cơm trộn mật ong (hoặc mỡ) viết vào lá cây tám chữ ‘Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần’ (黎利為君, 阮廌為臣), nghĩa là Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi. Khi kiến ăn mỡ khoét thành chữ trên mặt lá, rồi lá theo dòng nước trôi đi các nhánh sông như điềm báo từ trời, khẳng định về yếu tố "thiên mệnh" của Lê Lợi, làm lòng người khắp nơi nhanh chóng quây quần, tụ nghĩa. Nguyễn Trãi hay Nguyễn Huệ đều biết rằng: tâm lý chiến, từ xưa đến nay vẫn là một trong các yếu tố quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Có được thiên thời, địa lợi mà thiếu nhân hòa (lòng dân) thì đại cuộc khó thành.
Một hôm sau khi ở sở về, tôi ghé thăm mẹ tôi vì bà cụ gọi điện thoại bảo bà vừa nấu xong món canh tôi ưa thích: đậu bắp nấu với tôm khô. Bước vào trong nhà, nhìn bà cụ gần 85 tuổi bê tô canh còn nóng hổi từ trong bếp đi ra, tôi không tránh khỏi bùi ngùi. Tôi đứng dậy đỡ tô canh từ tay bà và nói: Mẹ cứ để đó con lấy được rồi. Chờ tí nó nguội rồi con ăn.
Mẹ tôi trả lời: Con ăn đi cho nó nóng, để nguội mất ngon.
Nghe bà nói, bất chợt tôi nhớ đến chữ ‘đi’ trong tiếng Việt theo lập luận của người bạn hôm nào. Câu ‘ăn đi con’ ở đây ân cần, dịu dàng, tha thiết chứ không đơn thuần là một từ biểu thị, mệnh lệnh, thúc giục, khuyên răn, như anh nghĩ. Nó khiến người nghe dù không muốn cũng không cưỡng lại được. Tựa như lời ca dao:
Ru em em hãy nín đi
Kẻo mà mẹ đánh em thì phải đau
Em đau chị cũng buồn rầu
Bé mồm bé miệng nín mau tức thì
Nín đi, trong bài ca dao trên vừa khẩn khoản, vừa van lơn, vừa như một lời năn nỉ, chan chứa bao nhiêu tình cảm. Bởi vì em không nín đi thì mẹ sẽ đánh đòn, mà em đau một thì chị đau mười. Ý nhị là ở chỗ đó. Triết lý sống nhân bản, bảo bọc, quần tụ với nhau của người Việt Nam là ở chỗ đó.
Các cụ ngày xưa thường nói ‘ăn cơm Tầu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật’, nhưng tôi nghĩ người đàn bà đất Phù Tang không chiều chồng thương con như phụ nữ Việt Nam. Hãy tưởng tượng những ngày nóng bức ở miền Nam Việt Nam. Ngưòi chồng đu xe búyt để về nhà ăn cơm trưa (công chức miền Nam ngày xưa thường về nhà ăn cơm trưa xong đánh một giấc rồi mới trở về sở làm việc cho đến chiều theo lối làm việc của người Pháp), người vợ đón chồng ở cửa với nụ cười đằm thắm, trao cho chồng chiếc khăn mặt mát lạnh nói: “Anh lau mặt đi cho nó khoẻ rồi ăn cơm” nghe câu nói này tôi nghĩ bao nhiêu mệt nhọc của người chồng đều tan biến.
Trong phim ‘Saving Private Ryan’ do Steven Spieldberg đạo diễn có đoạn đám chiến binh Hoa Kỳ phải cố thủ địa thế cuối cùng là một cây cầu trong khi chờ quân tiếp viện. Đoạn phim gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi nhất có lẽ là khúc hai quân nhân Đức Mỹ quần thảo nhau bên lề sinh tử trên một tòa cao ốc. Thử tượng tượng, nếu cả hai đều biết nói và hiểu tiếng Việt . Họ có thể nói với nhau rằng: “Thôi chúng ta hãy ngưng cuộc chiến đẫm máu này ở đây đi” thì lưỡi bayonet của Steamboat Willieđã không từ từ cắm sâu vào lồng ngực Mellish, đưa anh đến một cái chết uất nghẹn và tức tưởi.
Khi cuộc chiến tranh Việt Nam đi đến chỗ khôc liệt nhất vào thập niên 60, nhiều văn nhân nghệ sĩ Việt Nam ngôì yên bình trong những phòng trà, câu lạc bộ, hội quán ở hậu tuyến bắt chước phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ kêu gọi người Việt đôi miền buông vũ khí và thương yêu nhau.
Họ nỉ non:
Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn
Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm
Hãy yêu nhau đi quên ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn dù sáng mưa bom
Theo người viết, đây chỉ là những xảo ngôn để ru ngủ lòng người. Đây không là những lời khẩn khoản, van nài xuất phát từ những trái tim Việt Nam chân chính với mơ ước, khát vọng ngày thanh bình thực sự trên đất nước thân yêu.
Làm sao mà ‘hãy yêu nhau đi’ khi những họng súng AK-47 đầy thù hận đã lên nòng chỉ chực nả đạn vào những tấm thân da vàng? Làm sao mà ‘hãy yêu nhau đi’ khi những bánh xe xích sắt T-54 đang nghiền nát đất đai, ruộng đồng, thôn xóm Việt Nam? Làm sao mà ‘hãy yêu nhau đi’ khi những chiếc cuốc, con dao phay chỉ chờ sơ hở là cắm phập vào lưng, vào đầu những người anh em không cùng chiến tuyến? Làm sao mà ‘hãy yêu nhau đi’ khi trong không khí thiêng liêng của tiết giao mùa, họ đã đào hố chôn sống đồng bào, để từng vùng thịt xương có mẹ, có em?
Phải là người Việt Nam chân chính, thuần phác mới hiểu và xử dụng chữ ‘đi’ đến chỗ vi diệu của nó.
Phải như Lạc trong “Anh Phải Sống’ của Khái Hưng khi nghĩ đến thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé, đã trầm mình xuống đáy sông, cho Thức đủ sức bơi vào bờ sau khi có lẽ chị đã thiết tha, khẩn khoản nói với chồng:”Anh buông em ra đi..vì anh phải sống!”
Ước mơ sao, một ngày nào đó, người Việt Nam khắp bốn phương trời sẽ về ngồi lại gần với nhau và tha thiết nói với nhau rằng:
Người ơi thôi hãy ngồi xuống đây (đi)
Cho tôi hơi ấm của bàn tay
Chuyện xưa gác lại trời phiêu lãng
Bụi đỏ giang hồ hương phấn bay
Khổng Trung Linh
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi đi về
(Bùi Giáng)
Lời bàn: Có người nói với tôi: Đi về -quá khứ. Đi ở -hiện tại. Đi đi –tương lai. Tôi lại nghĩ khác, giống như lời người mẹ mắng yêu đứa con: Mày có chịu đi về chưa? Hay là mày ở lại. Hay là mày tiếp tục đi nữa! Về có một chút, rồi là đi mất biệt à!
Đọc bài viết trên của tác giả KTL, tình cờ tôi nhớ câu thơ lưu truyền của tiên sinh Bùi Giáng, nên góp ý cho vui thôi!
(Xin bỏ comment trước)