Nắng cuối ngày chiếu nốt nhịp điệu hối hả lên nhiều mặt hàng gốm sứ vẫn đang được đưa lên khoang thuyền. Có một sự tương phản không rõ ràng của đoàn người- đã chờ nhiều ngày liền để có được mẻ hàng- với tiết độ mặt trời mỗi ngày lại lặn đưa hoàng hôn về bên màu sắc của những con lợn đất, hàng hũ nhỏ xinh xinh.
Tôi vội vàng đạp xe khi đã tiếng chuông leng keng báo hết giờ làm, qua đoạn bờ sông là lên con đường lớn sầm uất. Nhìn sâu vào bên trong nhà dễ có ấn tượng về một xưởng gốm lâu đời mà mặt hàng đặc trưng của mỗi nhà đã làm nên cơ nghiệp cho họ. Liền kề là những nhà tầng sang trọng phảng phất lặng lẽ và huy hoàng của những người gốc Hoa.
Bên kia con đường là vỉa hè liền với một nhánh sông sẽ đưa mặt hàng nơi đây bôn ba tứ xứ. Một bộ ấm pha trà, lọ hoa, những cách bài trí màu của đất nung… tất cả đều là neo đậu của thời gian dễ làm người ta muốn mua làm kỷ niệm. Một số được chào hàng duyên dáng trên bề rộng của vỉa hè thoáng mát được lát bằng loại gạch bê tông màu đất.
Tôi nán lại nơi ấy trong một thời gian ngắn khi lao động nặng nhọc tại một xưởng gỗ. Và chỉ nhìn ngắm nếp sống của con phố khi ngày vất vả bên lớp bụi mùn cưa được khép lại. Chưa một lần bước chân vào những ngôi nhà huy hoàng ấy, tôi vẫn có cảm giác mình thuộc về con phố lạ ven sông bởi vòng quay của tất tưởi những chiếc nan hoa vẫn muốn kiếm tìm thơ mộng, và đánh cắp men đời ở nơi ánh mắt rọi chiếu lên cảnh vật.
Một lần uống loại trà từng dùng lúc còn làm ở xưởng gỗ, nỗi thèm khát được lại thăm cảng gốm trỗi dậy thôi thúc tôi liên tưởng đến một ngày được đặt bước chân ngang qua không khí ấm cúng của làng nghề ấy , ngay cả khi không được gặp chiều tàn.
Nguyễn Văn Phong
(Đường Cát- Hà Ninh- Hà Trung- Thanh Hóa)