Mặt trời nơi tôi ở đã kéo Tháng Chín lên cao, bỏ lại sau lưng, Tháng Tám khô, nám tiếng cười.
Mỗi sớm mai, tôi vẫn trở lại chỗ ngồi quen thuộc với bằng hữu, ở nhà hàng Tài Bửu. Nơi ông chủ đã phải thay một loạt ghế mới, cho những chiếc ghế bọc vải sờn, rách.
Nhưng sớm mai của chúng tôi vẫn là những sớm mai Tháng Tám khô, nám tiếng cười.
Tháng Tám của tôi, với Chử Hoàng Anh hối hả thực hiện một tập sách lưu niệm hình ảnh, cùng bài viết về Đỗ Hùng, một bạn học thời tiểu học Nguyễn Du
- Hàng Vôi - Hà Nội, của tôi.
Chử Hoàng Anh nói, nếu không làm gấp, em e rằng, anh ấy sẽ không kịp thấy và, mang theo những tấm lòng thương, yêu của bằng hữu khắp nơi, về cõi khác!
“Sự sống của anh ấy, đang được đếm từng ngày anh ạ!” Chử Hoàng Anh nhấn mạnh.
Tháng Tám của tôi, với Nguyễn Lương Vỵ, nhắc nhở sắp tới giỗ đầu Đoàn Thạch Hãn, một bằng hữu khác, tới lúc chết, còn ngậm tăm những oan khuất một đời, không biện bạch!
Tháng Tám của tôi, với Thành Tôn kể về tình trạng sức khỏe ngày một thêm suy kém của nhà văn Võ Phiến. Tôi im lặng. Như tôi đã im lặng trong gặp lại Thành Tôn, chốc lát, mới đây thôi, ở Tài Bửu.
Tôi không kể Thành Tôn nghe, một buổi chiều (cũng mới đây thôi), tôi chở T. đi thăm chị Viễn Phố, người bạn đời của tác giả “Bắt trẻ đồng xanh”. Tôi đã im lặng thả mình rơi theo những giọt lệ chắt hoài không cạn, của chị Viễn Phố, lúc chị tiễn chúng tôi rời căn nhà ở thành phố Santa Ana, nơi có những chùm hoa giấy chói, đỏ.
Tháng Tám của tôi, T. hỏi đọc chưa bài thơ mới của Trần Thị NgH, gửi cho, đánh dấu một năm “đi xa” của Nguyễn Xuân Hoàng.
Du Tử Lê và Thầy Vũ Đình Tuyến
Và, cũng Tháng Tám của tôi, T. hỏi có nhớ Thầy Vũ Đình Tuyến?
Tôi nói, nhớ chứ. Đó là một trong những người thầy nhân từ, độ lượng nhất mà, tôi được học.
Tôi nói, Thầy Tuyến không chỉ cho chúng tôi, con chữ, kiến thức. Mà, thầy còn dạy chúng tôi (cách của thầy), về đạo làm người.
Tháng Tám, trả lời T., tôi kể, chín năm trước, một buổi chiều, khi một nhóm cựu học sinh Trần Lục - Chu Văn An họp mặt tưởng nhớ Nguyễn Kim Tiền, Khang Nguyễn, Tạ Đức Thiện, Nguyễn Hữu Định, ở nhà hàng Royal, trên đường Brookhurst, Garden Grove; bất ngờ, chúng tôi được gặp lại Thầy Tuyến.
Người thầy không chỉ cho chúng tôi con chữ, kiến thức mà, thầy còn dạy chúng tôi (cách của thầy), về đạo làm người.
Dù Tháng Tám của chín năm cũ đã lùi xa, nhưng tôi vẫn nhớ, khi vừa tới, Trưởng ban tổ chức Nguyễn Ngọc Chấn chận tôi lại, bảo:
“Đi theo tao, Thầy Tuyến muốn gặp mày!”
Bạn tôi dẫn tôi tới chiếc bàn nhỏ, gần cuối phòng, kê sát vách tường.
Tuy chưa quen với bóng tối, tôi vẫn nhận ra ngay Thầy Vũ Đình Tuyến của tôi. Thầy tôi vẫn trong nhân dáng cao, dong dỏng với đôi mắt nhân từ, độ lượng ngày nào, khi chúng tôi còn rất bé. Thầy đứng lên, bước ra khỏi bàn, ôm tôi vào lòng - - Tựa ôm một đứa con lưu lạc lâu ngày, giờ mới gặp lại. Thầy chỉ chiếc ghế đối diện, bảo:
“Ngồi xuống. Ngồi xuống đây. Tôi vẫn mong có dịp được gặp anh.
Mấy đứa nhỏ ở nhà bảo, nếu gặp anh thì chụp cho chúng tấm ảnh. Tôi vui lắm, thấy anh còn khỏe mạnh...”
Tôi đáp:
“Thầy làm con bất ngờ. Cảm động.”
Vẫn giọng nói từ tốn, trầm rõ, từng tiếng, Thầy nói:
“Tới tuổi này mà tôi còn được gặp lại các anh, không dễ gì đâu. Là hữu hạnh lắm đấy!”
“Vâng thưa Thầy. Con nghĩ, Thầy sẽ còn ở với chúng con, chí ít cũng vài chục năm nữa...”
Thầy tôi cười. Nụ cười thương yêu, dịu dàng của những ngày trường, lớp hơn nửa thế kỷ trước. Thầy tôi lắc đầu:
“Ôi chao! Gì mà nhiều quá vậy!”
Rồi Thầy hỏi thăm tôi về đời sống riêng. Tôi nhớ, tôi lúng túng không biết phải trả lời sao, để Thầy tôi an lòng về đứa học trò, không phá phách trong lớp, nhưng lại hoang đàng trong đời riêng, khi trưởng thành. Tôi cố tình cắt bỏ phần quá khứ, chỉ kể phần hiện tại:
“Thưa Thầy, cuộc sống của con hiện tại ổn lắm. Con nghĩ, con may mắn cuối đời, có được những năm, tháng êm ả...”
Thầy vói tay qua mặt bàn hẹp, nắm tay tôi, rung rung:
“Mừng anh! Mừng anh! Tôi nghĩ tới tuổi này chúng ta đâu còn tha thiết gì nữa, ngoài cầu mong bình an. Êm ả...”
Tôi không nhớ bàn tay tôi nằm gọn trong bảo bọc, thương yêu của bàn tay Thầy Tuyến, có run rẩy? Nhưng khi ấy, tôi nghĩ nếu bố tôi sống lại, có dễ ông cũng chỉ cho tôi, những lời khuyên chân thành đến thế là cùng!
Tôi buột miệng:
“Thầy làm con nhớ... bố con.”
Chừng như chợt nhớ ra, Thầy Tuyến hỏi thăm về Bố Mẹ tôi. Tôi kể:
“Thưa Thầy, Bố con mất khi con chưa đủ ba tuổi. Còn Me con cũng mất cách đây đã gần hai mươi năm rồi, thưa Thầy...”
Lần này, Thầy Tuyến nắm tay tôi chặt hơn. Thầy không nói thêm một lời nào. Nhưng, dù ánh sáng không soi tỏ và, những ồn ào như sóng, từng đợt, xô tới góc nhỏ của hai thầy trò, tôi vẫn đọc được trong đôi mắt Thầy tôi, niềm xót thương vời vợi của một người thầy, dành cho một đứa học trò cũ. Dù bây giờ đứa học trò của ông, trên đầu cũng đã có nhiều sợi bạc. Đó là lúc tôi chỉ muốn được ôm ông! Như tôi từng được ôm bố tôi, những ngày thơ ấu, ngắn ngủi!!!
Tôi không nhớ bao lâu sau, và cũng không nhớ có ai chụp hình thầy trò chúng tôi (?) Chỉ nhớ, khi Nguyễn Ngọc Chấn, trong vai trò điều hợp chương trình, gọi tôi lên sân khấu. Tối đó, ban tổ chức giao tôi nhiệm vụ, mở đầu buổi tưởng niệm. Tôi xin phép Thầy đứng lên.
Thầy dợm người, bắt tay tôi kèm theo dặn dò ân cần, như thể trong mắt Thầy, tôi vẫn chỉ là đứa học trò nhỏ, của những năm cuối thập niên 1950:
“Anh đi từ từ, kẻo té ngã...”
.
Đứng trên sân khấu, nhìn xuống căn phòng ken cứng người, nhấp nhô những mái đầu sớm bạc; trước khi dứt lời, tôi hướng về chiếc bàn nhỏ, kê sát tường, gần cuối phòng của Thầy Tuyến. Tôi rất muốn nói với Thầy tôi, một câu, đại ý:
“Thưa Thầy, đám học trò cũ của Thầy, đứa nào “đi xa” thì Thầy cứ để chúng “đi xa”... Riêng Thầy, Thầy cố ở lại dài lâu với những đứa còn lại. Như tấm gương, như điểm tựa tinh thần cho chúng con. Vì chúng con, ở tuổi này, đa số đã không còn bố nữa!...”
Tuy nhiên, khi nhìn xuống, bắt gặp đôi mắt của chị Tiền, chị Khang Nguyễn, chị Định... tôi lại thấy, tôi phải kính trọng những giọt lệ muộn mằn nơi đôi mắt góa bụa của các chị!
Nói xong, thay vì về lại bàn Thầy tôi, tôi báo cho Bùi Vĩnh Hưng, một thành viên trong ban tổ chức biết, tôi phải đi. Và, nhớ xin lỗi Thầy Tuyến cho tôi. Tôi biết, nếu tôi có trở lại bàn, xin phép thầy cho tôi đi trước thì, thầy cũng sẽ vui vẻ cho phép thôi! Giống như những lần thầy bắt gặp tôi “cúp cua”... Lần nào thầy cũng tha tôi, như thể đó chỉ là vi phạm kỷ luật lần đầu...
.
Tôi biết, mặt trời, nơi tôi ở sẽ tiếp tục kéo Tháng Chín lên cao, sau ngày tôi không còn nữa. Nhưng tôi vẫn xin, như tôi hằng cầu nguyện mỗi đêm rằng, xin mặt trời đừng bỏ lại sau lưng, những Tháng Tám khô, nám tiếng cười. Như Tháng Tám, ngày 21 vừa qua. Ngày thầy Vũ Đình Tuyến vĩnh viễn không còn ở với chúng tôi! Mặc dù sự “đi xa” của Thầy không có nghĩa sẽ là lãng quên bằn bặt.
Tôi vẫn nghĩ, nếu thời gian có áp đặt lên đời sống chúng ta những lãng quên bằn bặt thì, thời gian cũng đã từng cho thấy, nó bất lực trước những tưởng nhớ vĩnh viễn trong tâm cảm một số người nào đó. Như trường hợp Thầy tôi, thầy Vũ Đình Tuyến. Thầy tôi sẽ không chỉ ở lại vĩnh viễn nơi con, cháu Thầy mà, Thầy tôi còn ở lại vĩnh viễn nơi đám học trò của Thầy, ở khắp cùng trái đất.
Tôi tin, ở cõi khác, Thầy Tuyến của tôi, sẽ đọc được những dòng chữ này. Những dòng chữ của một trò cũ của Thầy. Một trò nhỏ, không phá phách trong lớp, nhưng lại hoang đàng trong đời thường, khi trưởng thành. Và, thầy biết rõ, nó đã bối rối, lúng túng biết bao, trong lần được gặp lại Thầy, Tháng Tám, Royal, Garden Grove, chín năm trước...
Du Tử Lê,
(Garden Grove, Sept. 15th 2015)