Tôi biết đến nhóm Nhân văn Giai phẩm và tên tuổi của các nhà văn, nhà thơ Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Đạt, Hữu Loan… qua tập biên khảo “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” của ông Hoàng Văn Chí xuất bản ở miền Nam từ trước năm 1975. Với lứa tuổi những năm đầu trung học, mặc dù đọc không hiểu được nhiều nhưng tôicảm phục biết bao nhiêu tài năng của những nhà văn, nhà thơ “chống chế độ”. Tôi thuộc lòng nhiều đoạn trong những bài thơ như “Nhất định thắng” của nhà thơ Trần Dần với điệp khúc “Tôi bước đi không thấy phố, thấy nhà,chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…”, bài “Nhớ lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ bảo rằng ghét, dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không đổi yêu thành ghét...”, truyện ngắn “Lộn sòng” của Hữu Loan, bức vẽ “Nịnh trên nạt dưới” của họa sĩ Trần Duy,… được in lại từ những Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu… Trong tâm trí tôi, những tên tuổi Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm… là những tên tuổi lớn, chỉ “kính nhi viễn chi”.
Thế mà tôi lại hân hạnh có vài kỷ niệm nhỏ với một trong những tên tuổi lớn ấy.
Một dịp may tình cờ, tôi được gặp anh Phùng Quán (anh đã cho phép tôi được gọi là anh cho … trẻ, mặc dù tuổi của anh cách xa tuổi tôi cả một thế hệ). Hè năm 1987 anh Phùng Quán trên chuyến tàu Thống Nhất từ Bắc vào Nam cùng với anh Vũ Ngọc Giao đã ghé lại thành phố biển miền Trung. Tôi đã được nghe anh nói chuyện về thơ, đọc thơ tại rạp hát Tân Quang (bây giờ không còn nữa). Hình ảnh của nhà thơ tôi yêu mến là một ông già tóc râu bạc, mặc bộ quần áo nâu, đi dép râu, đội chiếc mũ lá. Rồi tôi may mắn được làm quen với anh, mời được anh về đọc thơ cho học sinh và giáo viêncủa trường nghe. Buổi tối đọc thơ hôm ấy có cả các anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh Nguyễn Quang Hà… ở Huế vào và một số bạn văn khác. Cả hội trường đã nghe như nuốt từng lời cái giọng sang sảng, truyền cảm của anh qua những bài thơ như “Tình tuyệt vọng”, “Tôi thích viết trên giấy có kẻ giòng”, “Mưa Huế”…, hòa vào tiếng đàn guitar dịu dàng, trầm bổng của anh Vũ Ngọc Giao.Anh bảo nếu có điều kiện anh sẽ đọc cả truyện (anh đang hoàn thành tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội”) như Charles Dickensđã từng làm. Rồi tôi lại có dịp rong ruổi cùng anh trong thời gian anh lưu lại thành phố biển, được nghe anh kể về chị Bội Trâm, về những gian truân của cuộc đời anh: lăn lóc khắp nơi từ công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Gang thép Thái Nguyên, về cuộc đời “rượu lậu, cá chịu, văn chui”. Anh đã kết luận về đời anh: “Thượng đế ơi, tôi đã làm gì, mà người ban cho tôi lý rượu đời đắng thế!”
Anh tặng cho tôi hai bức ảnh trắng đen chụp ở thành phố biển, mấy bài thơ viết tay xé ra trong sổ tay chép thơ của anh mà đối với tôi, bây giờ đã trở thành những kỷ vật quý giá.
Sau đợt ấy, anh cùng với các bạn văn nghệ vào Sài Gòn.
Rất nhiều lần ra Hà Nội, tôi cứ đinh ninh là sẽ đến thăm lại anh, mà rồi không lúc nào thăm được, cho đến lúc anh ra đi. Và sau đó, “người phụ nữ bất chấp tai ương” của đời anh cũng ra đi. Tiếc nuối khôn nguôi.
Phùng Quán, một nhà thơ sống hết mình cho thơ, một ngọn nến cháy đến tận cùng. Phùng Quán, một nhà thơ sống quá thẳng ngay, một cái tâm trong sáng hiếm có trong cuộc đời này, chịu hết mọi nỗi khổ đau trần thế.
Xin chép tặng các bạn yêu thơ bài thơ “Mưa Huế” của nhà thơ Phùng Quán từ trong sổ tay, sau in lại trong tập “Trăng Hoàng cung”. Theo nhà thơ thì: “Nắng mưa của Huế thật đặc biệt, nắng đến nỗi bùn hóa đá, mưa đến nỗi đá hóa bùn".
Mưa Huế
Trái
tim em không được bình yên!
Bức điện khẩn tôi nhận từ đáy mắt em
Nói dại dột
Một sớm mai nào đó
Em bỗng bay mất
Tôi sẽ tan thành mưa Huế những ngày đông
Tôi sẽ xối xả xuống tất cả những nơi nào em đã đặt chân
Đá Ăng-ko Thom
Và bê tông Hồng trường
Sẽ phải xói lở
Vì những cơn mưa dai dẳng dữ dội
Đêm trắng Pe-téc-bua sẽ sẩm tối
Đền Bai-on ngập lụt phải đi thuyền
Léc-măng-tốp
Pust-skin
Mai-a
Nàng Áp-sa-ra
Đồng và đá
Lần đầu tên được nếm mùi mưa Huế
Họ liếm những cặp môi ướt đẫm
Và kêu lên:
- Ôi cái mưa khùng điên
Mưa không còn biết gì tới chừng mực!
Mưa Huế trả lời trong tiếng rơi sầm sập:
- Làm gì có chừng mực thơ
- Làm gì có chừng mực mưa
- Làm gì có chừng mực yêu
- Làm gì có chừng mực thiên tài!
- Làm gì có chừng mực khổ đau!
NP phan