Tác giả cho biết, năm 1980, không biết từ đâu, ông nhận được một bức thư viết tay của H.T., người mà ông đã phải chia tay vào những phút cuối cùng của ngày 30 Tháng Tư-1975, tại Saigòn.
Lá thư là một bất ngờ lớn, gây xúc động, choáng váng cho họ Lê. Ông cất lá thư trong một ngăn tủ nơi chiếc bàn làm việc trong phòng riêng của mình. Nhưng khi tìm đọc lại, lá thư bị thất lạc. Thất lạc này, vẫn theo ông, giống như một biệt ly thăm thẳm. Một mất mát tận tuyệt mang tính định mệnh, lập lại, một lần nữa.
Liên tưởng hay tâm cảm mang nhiều tính tâm linh này, khiến ông ngồi xuống viết bài “Quê Hương Là Người Đó.” một bài thơ 7 chữ. Loại trầm bình thanh. Ông cho là thích hợp với đoạn lìa dài lâu, nhưng vẫn như một mạch nước ngầm, buốt sâu dưới đáy tầng biển ký ức.
Bài thơ viết xong, chưa đọc lại, chưa sửa… nên chưa được phổ biến trên báo. Ít ngày sau, một buổi tối cuối tuần, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cùng nhà văn Mai Thảo ghé thăm họ Lê.
Giữa buổi họp mặt, nhạc sĩ Phạm Đình Chương hỏi thăm họ Lê thơ mới? Ông trả lời, có.
“Nhưng chưa hoàn chỉnh...”
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương bảo, không sao. Cứ cho ông coi.
Sau khi coi, họ Phạm gấp tư trang giấy bỏ vào túi. Ông nói, cho ông giữ ít ngày.
Nhà Văn Mai Thảo tò mò, đòi coi. Họ Phạm nói:
“Để mai mốt. Khi anh ghé tôi, tôi sẽ đưa…”
Họ Lê không nhớ bao lâu sau, chỉ biết khi ông đã quên khuấy bài thơ ấy thì, một buổi chiều, nhạc sĩ Phạm Đình Chương rủ ông ghé nhà ăn cơm nơi căn apartment ở đường số 13, thành phố Westminster.
Sau bữa ăn, trong lúc ngồi uống café nơi phòng khách, nhạc sĩ Phạm Đình Chương ngồi vào piano. Ông bảo mọi người lắng nghe một ca khúc mới của ông.
Ca khúc: “Quê Hương Là Người Đó.”
Ca khúc này, cũng là sáng tác cuối cùng của họ Phạm, tính tới ngày 22 Tháng Tám năm 1991, là ngày ông mất.
Sinh thời, nhà văn Mai Thảo có lần nói với họ Lê rằng:
“Nếu Chương chưa chết, tôi nghĩ, chắc nó vui lắm khi gặp được linh hồn của bài thơ cuối cùng mà nó phổ nhạc…” (Là H.T.)
May mắn chúng tôi có lại được bài thơ này. Nó được in lại trong tuyển tập nhạc nhan đề “Mộng Dưới Hoa” - - Tuyển tập 20 bài thơ phổ nhạc Phạm Đình Chương. Có thể nhà xuất bản muốn cho người thưởng ngoạn cơ hội so sánh nguyên tác của bài thơ và, ca từ sau khi đã chuyển hóa thành ca khúc.
Quê hương là người đó
người nay xa xôi người bên kia trời
người nay xa xôi người bên kia đời
chân người có vui, những chiều cuối phố
mắt người có nguôi, những chiều mưa rơi
ta lang thang cảnh tình lữ thứ
ta thương đau đời cuốn theo dòng
biết bao lần ta đã gọi em
biết bao lần nắng lên chân thềm
ta thương em mảnh hồn tan vỡ
ta thương em bèo vướng chân cầu
biết bao giờ ta có lại nhau
biết bao giờ gối chăn nhạt nhòa
ôi người quê hương một đời ta gọi
ôi người trăm năm đời đời biệt ly
quê hương ta, đã vốn là người đó
hấp hối mãi với mối tình xót xa!
1981