Nghiêm vừa đậu xe vào chỗ đậu ngay ngắn thì hành khách cuối ngày cũng vừa ra đến nơi. Anh đi vòng qua bên kia mở cửa mời khách lên xe. Bệnh nhân là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, ánh mắt mệt mỏi lộ ra trên gương mặt gầy xanh xao, xương sẩu. Ông khoát tay kêu Nghiêm đến gần:
- Anh còn phải đi đón ai nữa không?
Nghiêm trả lời:
- Dạ không, đưa ông về là chuyến cuối cùng rồi tôi về hãng đổi xe.
Giọng người đàn ông khẩn khoản:
- Nếu không phiền, tôi mời anh ly cà phê. Tôi cũng muốn ngồi ngoài phố một tí cho khuây khỏa. Về nhà giờ này cũng không biết làm gì.
Nghiêm vui vẻ nhận lời. Hai người bước qua tiệm bánh mì bên cạnh trung tâm lọc thận nhân tạo. Mùi cà phê và baguette mới ra lò lùa ra thơm phức. Nghiêm kéo một ghế ngồi nơi khuất gió cho người hành khách rồi lặng lẽ ngồi xuống ghế đối diện.
Ngày của Nghiêm bắt đầu với những lộ trình đưa đón bệnh nhân Á Đông trong phạm vi quận Cam. Có người đi bác sĩ, có người ra tiệm thuốc tây lấy thuốc men, có người đi lọc máu, có người đi châm cứu, và phần lớn các cụ thường đến những trung tâm chữa trị đau nhức vì gân cốt không còn mạnh mẽ như thời son trẻ. Ông Phu là người hành khách cuối cùng của Nghiêm.
Nghiêm đưa đón ông Phu được chừng gần tháng nay. Cách đây một năm, cả hai trái thận của ông đều ngưng làm việc cùng một lúc. Nguyên nhân nào bác sĩ cũng chỉ phỏng đoán chứ không cần tìm hiểu thêm cho chính xác. Trường hợp của ông Phu chỉ còn hai giải pháp cuối cùng: lọc thận nhân tạo để lấy nước thừa thãi và độc tố ra khỏi cơ thể hầu kéo dài cuộc sống, hoặc chờ để được ghép thận. Thận có thể do người nhà hiến hoặc do những người hảo tâm ban tặng khi những người này bị tai nạn hay bệnh tật qua đời. Nếu hoàn tất mọi thủ tục, thử nghiệm, và được nằm trong danh sách cho đến khi tìm được một trái thận hợp với mình, có người chờ 5, 6 năm, có người chờ hơn 10 năm. Phần lớn bệnh nhân ra đi trước khi nhận được món quà vô giá này vì danh sách người đợi chờ quá đông, trong khi đó số người hiến thận lại quá thấp. Hiện nay trên toàn nước Mỹ, số bệnh nhân đang chờ được ghép thận khoảng 100,000 người.
Ông Phu có hai người con gái và gia đình đông anh chị em, tất cả đều sẵn sàng hiến thận nhưng ông ngại nhỡ có chuyện gì xẩy ra thì ông ân hận lắm, nên ông nhất quyết từ chối. Cứ mỗi tuần, ông đi lọc máu ba lần, mỗi lần 3 tiếng. Nhờ chịu khó ăn uống kiêng cữ và tập thể dục đều đặn, nhất là sự yểm trợ tinh thân từ thân nhân, sức khỏe của ông ngày càng khả quan, tuy nhiên vẫn chưa tự lái xe được. Ông nói mỗi lần lọc máu xong, ông mệt lả cả người vì bị mất nước, mất chất đạm, và áp huyết xuống thấp. Nhiều khi, về đến nhà mấy tiếng đồng hồ sau ông mới hoàn hồn!
Mọi khi Nghiêm đến đón, ông chỉ trao đổi một vài câu xã giao. Hôm nay, ông ngỏ ý muốn ngồi trò chuyện với Nghiêm chắc có lẽ ông muốn tâm sự chuyện gì?
Ngớp một ngụm cà phê xong, ông Phu ngước lên nhìn Nghiêm:
-Tôi đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa.
Nghiêm hỏi:
- Ông định đi chơi đâu và bao lâu?
Giọng ông Phu bỗng trở nên nghiêm trọng:
- Anh có nghe nói đến luật ‘Trợ tử’ vừa được thông qua tại tiểu bang California?
Giọng Nghiêm bùi ngùi, sau khi đoán được ý hướng của câu hỏi:
- Theo tôi hiểu, những người mắc bệnh nan y từ lâu thường tìm sự trợ giúp từ bạn bè hay bác sĩ để kết thúc cuộc sống của họ. Khi bác sĩ tham gia, nó được gọi là trợ tử (doctor-assisted suicide). Trợ tử chỉ hợp pháp ở một số quốc gia như: Bỉ, Hòa Lan, và Thụy Sĩ có luật điều chỉnh, bên cạnh 5 tiểu bang của Hoa Kỳ. Riêng ở California, dự luật cho phép trợ tử đã được thượng viện tiểu bang thông qua. Hạ viện tiểu bang chấp thuận và được thống đốc Jerry Brown ký thành luật vào ngày 5/10/2015. Đạo luật này cho phép các bác sĩ được kê toa thuốc chấm dứt sự sống của một bệnh nhân sau khi ít nhất có hai bác sĩ điều trị đều đồng ý rằng bệnh nhân chỉ có thể sống được 6 tháng và đủ khả năng nhận biết, có nguyện vọng được chết thanh thản, không phải chịu những đau đớn thể chất do bệnh tật hành hạ. Nhưng trường hợp của ông, tuy là nan y, nhưng vẫn còn phương cứu chữa.
Ông Phu gằn giọng:
- Ban đầu tôi cũng nghĩ như anh nói, nhưng càng về sau, tuổi tác chồng chất, tôi không muốn trở thành gánh nặng tinh thần cho gia đình. Tôi muốn ra đi trong sự thanh nhàn. Ra đi với tất cả niềm kiêu hãnh.
Uống thêm một ngụm cà phê, ông Phu tiếp:
- Thú thật với anh tôi không phải là kẻ yếm thế. Tôi lúc nào cũng lạc quan và so sánh cái khổ của mình với bao nhiêu người quanh mình để thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Nhiều lúc nằm trên ghế không cựa quậy gì được trong mấy tiếng đồng hồ tôi kinh hãi lắm, nhưng chợt nhớ tới bao nhiêu người khốn hơn mình, đặc biệt nhất là hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đanh trên cây thập tự. Tôi còn được nằm trong phòng có máy lạnh, có đồ ăn, thức uống, có ý tá chăm sóc, còn có cả máy truyền hình để giải trí nữa, chứ như Ngài, theo kinh thánh nói thì vừa tủi nhục, đau đớn, vừa khát, vừa rét mướt, vừa ngộp thở vì hai lá phổi của Ngài bị lính La Mã đánh bầm dập. Ngài chết dần mòn, hấp hối như thế trong mấy tiếng đồng hồ. Chắc anh chưa bao giờ bị ngộp thở vì phổi có nước?
Nghiêm lắc đầu. Ông Phu đỡ lời:
- Kinh khủng lắm, như cá mắc cạn. Người không đủ dưỡng khí, càng hít vào càng ngộp! Sau này, tôi có thói quen hay dâng lên Chúa Giêsu những hy sinh không nghĩa lý của tôi để bày tỏ sự cảm thông của tôi trước cuộc tử nạn thê thảm, kinh hoàng của Ngài.
Nghiêm bàng hoàng trước câu nói của ông Phu:
- Là người Công giáo, ông biết sự khắt khe của giáo hội với vân đề tự kết liễu đời mình?
Ông Phu cười:
- Gia đình tôi theo đạo thờ ông bà. Đâu cứ phải là người Công gíao mới xúc động trước sự hy sinh to tát của con Một Thiên Chúa?
Nghiêm không nói thêm được lời nào. Trong lòng anh rối bời với muôn ngàn cảm nghĩ. Anh chỉ muốn đứng dậy, bỏ đi ngay tức khắc, để không phải đối đầu với thực tại nan giải, với những câu hỏi hóc búa. Đầu Nghiêm muốn vỡ ra. Anh chỉ muốn sống và làm công việc bình thường, hết ngày về nhà mở chai bia, ăn vội vài miếng cơm rồi lên giường đánh một giấc. Anh trách mình tại sao lúc nào cũng lấn cấn với vấn nạn của người khác. Người đàn ông ngồi đối diện như thấy được nỗi bất an của Nghiêm, ông đứng dậy ngỏ ý muốn về và theo Nghiêm ra xe.
Suốt khoảng đường về, hai ngưòi lặng im theo đuổi ý nghĩ riêng tư của mình.
Đến nơi, Nghiêm đậu xe trước nhà ông Phu như mọi lần. Anh định mở cửa xe để đi vòng qua bên kia mở cửa cho ông Phu nhưng cửa xe bị cấn không mở hết ra được. Anh dùng hết sức đẩy mạnh cho cánh cửa bung ra hết thì mới khám phá ra: rặng Tường Vi ông Phu trồng làm bờ dậu ngăn đôi hai căn nhà của ông và hàng xóm lâu ngày không cắt tỉa, nay cành lá chi chít mọc lấn ra cả chỗ đậu xe.
Nghiêm nhìn bờ dậu ngao ngán, mấy cành khẳng khiu đâm ngược vào cánh cửa xe làm trầy hết nước sơn. Anh điên tiết lấy tay nắm mấy cành to nhất, cùng lúc dùng chân vừa đạp vừa bẻ cho nó gẫy gập xuống. Mấy cành cây không chịu được sức mạnh của Nghiêm gẫy ngang nằm chơ vơ trên sân. Đầu cành, một đóa Tường Vi đỏ thẫm nằm chơ vơ trên ngọn. Nghiêm tiện tay ngắt bông hoa, quay nhìn ông Phu một hồi lâu rồi cho xuống chân dùng đế giầy dẫm, chà đạp cho tan tành, nhừ nát cánh hoa. Ông Phu thất kinh nhìn hình ảnh hung tợn của Nghiêm, giọng ông nghẹn đi:
- Sao anh không để cho hoa nó nở?
Nghiêm không trả lời, quay kính xe xuống nhìn ông Phu cười rồi vẫy tay từ giã. Ông Phu còn lại một mình, cúi xuống nhặt cánh Tường Vi mân mê trên tay. Ông đứng lặng yên như thế lâu lắm, thật lâu, rồi mới bước lần nương theo bờ dậu vào nhà.
Khổng Trung Linh