I. “Pháp còn phải buông bỏ huống hồ là phi pháp”
Kinh Kim Cang và Kinh Người Bắt Rắn
Bao nhiêu thứ khái niệm lừa phỉnh con người?
Bao nhiêu tăm tối trong ánh sáng văn minh nhân tạo lừa phỉnh con người?
Con người mê mải đến trá hình mà không thấy dối gian!
Đem vô minh đối đãi với nhau mà không hề biết!
Có bi kịch nào bi thảm hơn!
Những kẻ sáng tỏ cũng chỉ đủ khả năng sáng tỏ với mình
Nhân loại này lúc nào cũng cần cứu rỗi
Nguyễn Công Trứ cũng chối bỏ kiếp người
Tản Đà ưa thành đôi chim nhạn
Bay giữa trời thánh thót với thông reo
Tạo hóa sinh ra con người để làm gì?
Mà lắm kẻ muốn từ bỏ chán chê.
Mà nỗi buồn sinh thế dễ đã phôi pha.
Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Jesus…
Kinh của các thánh nhân vẫn nằm im trên trang giấy
Đã hơn hai thiên niên kỷ rồi còn gì
Giải thoát, hương vị giải thoát ở đâu
Tình thương và thiên đường cách trở
Đời sao nở bộn bề
Mẹ tôi không học chữ nhiều sao vẫn sống dễ dàng và sống đẹp đến nhớ thương
Những ngọn gió xuân, tiếng xe nổ rì rầm từ bên ngoài cửa sổ có phải là sự sống, là dòng đời. Dòng đời trôi về đâu?
Những chiếc lá đang rơi. Nó không hề bị một áp lực nào cả ngoài một việc là nó phải rơi. Lá rơi tự do.
Con khỉ, con bò, con chuột, con cá, con chim… ở trên rừng sâu núi thẳm sống chết vô cùng tự nhiên. Nó có phải suy nghĩ và đau khổ như con người?
Đời chuột có gì văn minh đâu. Chuột con có cắp sách đến trường để học đâu.
Con người thì từ bé đã bị bắt đi học. Học để làm gì? Chúng biết không? Càng giỏi càng ngạo mạn. Càng học càng hết hồn nhiên. Hồn nhiên là nhân bản. Nhân bản đã tan vỡ.
Phải chăng nhân loại cần phải tìm hướng đi mới trong giáo dục, đặt nhân bản, tình người và lương tâm trên kiến thức. Một nền tảng giáo dục tinh hoa nhất của loài người hầu đương đầu với rệu rã khủng khiếp hiện nay.
Những sinh vật do con người chăn nuôi đều dễ dàng bệnh tật giống y con người, song chúng không được điều trị mà bị tàn sát hết sức nhẫn tâm
Hoang sơ mới là nguyên thủy của sự sống.
Xã hội loài người, nền văn minh. Và đặc biệt sự ra đời của kỹ thuật cơ giới phương Tây có thật sự mang lại hạnh phúc cho con người hay không???
Rõ ràng là không mà chỉ là sự cám dỗ của bản ngã, lười biếng của tứ chi
Tiện nghi vật chất nô lệ hóa con người
Lợi nhuận như quỷ ám kích thích dục vọng, hủy diệt lương tâm
Thế giới thành một đấu trường
Phát minh ra tiền là một biến cố hệ trọng
Đồng tiền trở thành một chỉ số phát triển!!!
Nghệ thuật làm tiền ra đời
Bất hạnh, đói, và chết đói ở các chân trời
Hạnh phúc mỏng manh như tia chớp
Trái đất mênh mông tìm một chỗ nương thân không dễ
Các hoạt động bản năng đầy rẫy bệnh hoạn
Ngay cả tình dục, thứ bản năng rừng rú nhất. Có ai ngờ, cũng bị bao che bịt lại.
Sự bùng nổ dân số là vấn nạn tương tranh, tương khắc của thân phận con người.
Bản năng sống bị uy hiếp. Cha mẹ giết con từ khi còn trong bụng mẹ! Thử hỏi con người có độc ác hay không? Điều bất ngờ là hành động này được luật pháp và kỹ thuật y khoa hiện đại cho phép.
Hành vi tự sát xuất hiện ở loài người. Tự sát khủng bố trở thành một chủ nghĩa. Thân phận dễ dàng rơi vào bế tắc và khốn cùng.
Chao ôi! Con người trở thành một siêu sát thủ và đã ăn thịt vô lượng chúng sanh. Chính nền công nghiệp chăn nuôi của nhân loại đã tàn phá rừng, tiêu tốn một lượng thực phẩm khổng lồ… là đầu mối quan trọng cùng với lượng khí thải CO2 khổng lồ của các phương tiện giao thông, của các nhà máy… dẫn đến hiện tượng hâm nóng toàn cầu làm tan băng ở Bắc cực, nhấn chìm nhiều quốc gia mà Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Đụng đâu cũng thấy nhân tạo.
Sờ đâu cũng thấy giả tạm
Giả tạm một cách hào nhoáng
Đời sống trở nên rệu rã, bất an ở phạm vi toàn cầu.
Đến nỗi lần đầu tiên trong lịch sử Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra đời. Song nó đã chưa hoàn thành sứ mạng
Con người xa rời tự nhiên. Đến một ngày sẽ vô cùng ân hận
Đời sống đi vào kế hoạch hóa
Mà kế hoạch nhân tạo nào cũng bất hài hòa
Làm sao có thể so sánh với Đại kế hoạch của Đại vũ trụ
Hài hòa tuyệt đối mà thản nhiên như không
Lưới trời có mắt, phải chăng tạo hóa mới đủ sức điều chỉnh sai lầm của con người. Được thế thì thật diễm phúc!
Thế nhưng, bụng làm dạ chịu, không lẽ NGƯỜI làm lại để TRỜI chịu?
Nhân loại đã và đang bước trên sinh tử
Hiểu đó, nhưng đã hoàn toàn hoặc không thể bước lui về nguyên thủy!!
Khởi thủy bao giờ cũng tuyệt đẹp
Hành trình nhân loại đã lỡ làng
Ôm văn minh mà khóc
Ôm bom đạn mà gìn giữ hòa bình
Thánh Gandhi đâu rồi!
Điều gì đã xảy ra? Khí hậu biến đổi: thiên tai - nhân họa kinh hoàng có thể kết liễu toàn bộ nền văn minh nhân loại!
Tầng ozôn lủng. Mái nhà nhân loại nứt đổ…
Môi trường ô nhiễm lan tràn. Không gian đầy rác vũ trụ.
Đối xử tàn bạo với thiên nhiên mà thiên nhiên lại che chở muôn loài.
Đất nước, biển, hồ, khí quyển, cỏ cây, muông thú… đang rên xiết dưới sự tàn phá và đầu độc mê muội của con người.
Con người đang nhận lãnh một cái giá khổng lồ: những dòng sông chết, những dòng sông bị bức tử / những vùng biển chết, như thảm họa môi trường do Formosa Hà Tỉnh gây ra / những cánh rừng trơ trọi / những thành phố ngột ngạt / tình người rệu rã / bất an lan rộng / khí hậu thất thường với những siêu bão, những đợt sóng thần cực kỳ hung hãn / thực phẩm độc hại với vô số hóa chất chết người / những căn bệnh vô phương cứu chữa / những nỗi khổ đau thống thiết của con người…
Những thế hệ mai sau không còn nơi nương tựa…
Bom nguyên tử nổ ở Hiroshima và Nagasaki.
Các quốc gia thi nhau chế bom nguyên tử! Các kho vũ khí hạt nhân đủ sức hủy diệt vài chục lần nhân loại…
Giá như không có chiến tranh! Ngân sách quốc phòng khổng lồ toàn nhân loại lo cho đời sống thì diễm phúc biết dường nào!
Thế nhưng chiến tranh thế giới đã xảy ra 2 lần. Và sẽ còn bao nhiêu cuộc chiến tranh nữa?
Rõ ràng con người tàn sát con người không gớm tay – chứ muôn loài thì đâu đến nỗi như vậy – qua vô số những cuộc chiến tranh bằng những loại vũ khí giết người hàng loạt mỗi ngày mỗi tinh vi.
Thần thánh hóa văn minh
Ảo tưởng về sự tiến hóa. Mà thực chất là thoái hóa!
Có bao nhiêu nền văn minh đã vùi chôn trong lòng đất?
Có bao nhiêu thảm họa chờ đón con người?
Và thảm họa nào hủy diệt nhân sinh?
Đó là bi kịch cuối cùng.
Những bộ tộc nguyên sơ còn sót lại trên hành tinh thật là đại diễm phúc
Những bộ lạc ở trên rừng sâu núi thẳm thật diễm phúc lạ thường
Lạy trời sự xuẩn ngốc của nền văn minh sẽ không bao giờ đến với họ
Họ hoàn toàn hạnh phúc và sung sướng
Bởi vì họ sống khỏe mạnh, hùng tráng và hoang sơ
Họ là những đứa con vĩ đại còn sót lại của loài người. Thiên nhiên âm thầm cưu mang, ấp ủ. Thiên nhiên vĩnh cửu hài hòa
Nhân tạo tấn công tự nhiên và phi nhân bản. Thiên nhiên thừa sức trả thù
Và loài người là kẻ thù duy nhất
Vì loài người là kẻ gây ra đại họa
Gieo thì phải gặt. Luật nhân quả của vũ trụ không bao giờ sai.
Thế mà xui khiến thay, dân tộc nào cũng muốn phát triển và buộc lòng phải phát triển vì nếu không sẽ bị các nước lớn nuốt chửng hoặc rơi vào tụt hậu. Song loài người đã không kiểm soát nổi sự phát triển.
Kiểm soát được phát triển và phát triển một cách đạo đức – bền vững phải chăng là chìa khóa của nền văn minh nhân loại?
Nghĩa là cần phát triển những gì và phát triển đến đâu?
Các nước công nghiệp phát triển quá mức và thiếu đồng bộ… nhất thiết sẽ bị trả thù trước tiên
Càng sung mãn càng tàng ẩn nguy cơ
Càng vô minh càng sinh quái đản
Sức sáng tạo càng lớn – Sức phá hoại càng khổng lồ. Chao ôi! Cái giá phải trả của nhân loại thật khổng lồ.
Tôi không mất niềm tin ở con người
Niềm tin cũng dần dần bỏ rơi nhân loại
Làm sao uốn nắn cho hết những sai lầm?
Ai làm được? Và làm bằng cách nào?
Tôi đặt niềm tin ở lương tri nhân loại
Tôi cũng đặt niềm tin ở phương Tây, cha đẻ của kỹ thuật cơ giới nơi các bộ óc phát minh sẽ biết cách giải trừ. Như đã từng giải trừ quân bị mà đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Hơn nữa phương Tây và các nước phát triển đã thấm đòn hiểm họa.
Ai đi trước phải từ bỏ trước
Ai thức tỉnh phải hành động kịp thời
Thế nhưng, con người dường như đã đánh mất khả năng trút bỏ
Ngay cả trút bỏ hiểm nguy mà phải đợi bàn tay của tạo hóa, điều mà ta gọi là: “Sự trả thù của tự nhiên”
Hơn hai ngàn năm trăm năm trôi qua Đức Phật đã tuyên bố:
“PHÁP MÀ CÒN PHẢI BUÔNG BỎ,
HUỐNG HỒ LÀ CÁI KHÔNG PHẢI PHÁP”
Làm sao có thể soi sáng thông điệp hùng hồn và thiêng liêng, vĩ đại và cảm động vào bậc nhất này của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuống cõi đời hôm nay.
Một thế giới bền vững!
Ai giữ được sự bền vững này trong hành trình tương lai của nhân loại?
Có lẽ sẽ có các vĩ nhân và hàng loạt các vĩ nhân ra đời để đối trị hiểm nguy
Có lẽ sẽ có các vị thánh và hàng loạt các vị thánh ra đời để thức tỉnh nhân tâm
Điều gì sẽ xảy ra?
Thật là hấp dẫn!
Hay là chấp nhận: Có sinh ắt có diệt!
Hỡi loài người!
Hỡi thiên niên kỷ thứ ba!
II. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn và Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống
Tôi thường chiêm nghiệm về sự bất an của con người. Và niềm an vui của các vị Thánh.
Song cũng mừng vì thời nào các vị Thánh cũng ra đời.
Nếu đọc kinh A Hàm, bản kinh về sự hình thành và phát triển của con người và thế giới có tựa đề là: Khởi Thế Nhân Bổn và Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống - hiện có trên internet - thì Đức Phật đã giảng thuyết và nói rõ loài người từ cõi trời Quang Âm Thiên phi hành xuống địa cầu và định cư tại đây. Và nhân loại hiện nay đang ở vào kiếp giảm, tức là toàn bộ thiện nghiệp của chúng sinh nhỏ hơn ác nghiệp. Hay là tam độc: tham – sân – si đang ngày một tăng trưởng cho đến khi tuổi thọ con người chỉ còn 10 tuổi, ra đường gặp nhau là chém giết v. v…
Và sau đó trở lại kiếp tăng, nghĩa là thiện nghiệp của chúng sinh lớn hơn ác nghiệp. Trái đất trở nên trong lành đến cực điểm thì tuổi thọ con người rất cao, hơn 80000 tuổi. Đức Phật Di Lặc xuất hiện.
Kế đó lại suy thoái đi vào kiếp giảm như là sự luân hồi của các đại kiếp.
Trái đất vận hành theo quy luật thành – trụ - hoại – không, đến một thời gian rất lâu xa, sẽ “ nổ tung “ và các chúng sinh tùy theo nghiệp lực mà tái sinh ở cõi giới khác…
Dù thiện hay ác thì sự có mặt của chúng sinh trong 6 nẻo luân hồi đều đau khổ, nên Đức Phật giảng dạy về con đường chấm dứt tất cả khổ đau bằng phương pháp thanh tịnh tam nghiệp: thân – khẩu – ý. Đạt tới chỗ vô sinh.
Bởi vậy sinh diệt chỉ là thế giới hiện tượng còn thế giới bản chất thì vô sinh bất diệt. Hiểu được như vậy chúng ta có thể nở một nụ cười và có thể đi tới cảnh giới vô ngại tự tại.
Trong thời khắc lịch sử này, mỗi người hãy trở thành một công dân thế giới, mỗi quốc gia phải đặt mình trong trách nhiệm toàn cầu để tìm ra tiếng nói chung hiệu nghiệm hầu cứu vãn hành tinh.
III. TU LÀ CỘI PHÚC
Bài viết ra đời trong nỗi khắc khoải, ưu tư về Thân Phận Con Người, mà mục đích tối hậu và duy nhất là mong ước nhân loại ai ai cũng hạnh phúc, bình an.
Lời không diễn hết ý. Người viết cũng chỉ là một chúng sinh mang tên con người không sao tránh khỏi thiếu sót, vụng về. Rất mong các bậc cao minh, thức giả rộng lòng lượng thứ và hoan hỷ.
Sau khi viết xong bài Hành Trình Nhân Loại tôi nhận ra một điều: tu là đúng và đi tu càng tuyệt diệu để chấm dứt hoàn toàn chuỗi tái sinh luân hồi. Song một điều còn tuyệt diệu hơn nữa là khi chấm dứt luân hồi sinh tử thì những bậc Thánh lại làm chủ hoàn toàn sinh tử. Các Ngài có thể trở lại thế giới ta bà đầy đau khổ để cứu độ chúng sanh dưới những thân phận khác nhau mà trong đạo Phật gọi là bồ tát tái lai.
Vì thế, đạo Phật tuyệt đối tích cực và vô cùng viên mãn.
IV. Suối nguồn hy vọng
Nền văn minh đang hiểm nguy
Với bao rệu rã chai lỳ tình thương
Lui về ấp ủ bình thường
Tìm trong giản dị sắc hương nhẹ nhàng
Hành trình nhân loại lỡ làng
Làm sao nói hết muôn vàn tai ương
Với bao thảm họa khó lường
Rành rành trước mắt đâu phương giải trừ?!
Nhân loại tỉnh thức từ bi
Mới còn hy vọng cứu nguy cõi đời.
Lê Đình Đại
1995 - 2016
Về một vấn đề tưởng như chưa có gì đáng lo
Nhưng thật sự vô cùng cấp bách
Tác giả đã mất rất nhiều thời gian công sức suy ngẫm tư duy
Viết bằng tấm lòng
Bằng tình thương của một chúng sinh có ý thức và trách nhiệm với cõi đời...
Để đưa đến một thông điệp khẩn về sự an nguy cho "con thuyền trái đất"
Đang chở nặng 7 tỉ chúng sinh và biết bao nhiêu tỉ muôn loài
Bắt chước dân tộc Nhật, tất cả mọi người hãy làm điều gì đó
May ra còn kịp...
Tôi nghĩ thế
Còn bạn???
LĐ