Dù khan hiếm thì giờ, lại thêm tình trạng sức khỏe không tốt lắm, nhưng không vì thế mà, tôi không cố gắng tìm đọc lại tập tùy bút “Đôi Triêng Gióng Của Mạ” (ĐTGCM), của Hồ Đăng Thanh Ngọc.
Dường như ở lần đọc thứ nhất, cách đây khá lâu, đã để lại trong tôi những sợi-tơ-thơ-xuôi-thủy-tinh; quấn quýt Huế trầm tích (trong không gian) và hương thơm (từ quá khứ).
Tôi không nhớ, đã được đọc bao nhiêu áng văn chương biếc ngọc về Huế?
Tôi không nhớ, đã được nghe bao nhiêu ca khúc; xem bao nhiêu thước phim ẩn-hương-nhan-sắc-Huế?
Chỉ biết, tôi sẽ mãi nhớ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”
Hay
“Tiếng chuông Thiên Mụ” của Nhã Ca:
“Tôi lớn lên bên này sông Hương
Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ
Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ
Cửa từ bi vồn vã bước chân sông
Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng
Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn
Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn
Những sáng chim chiều dế canh gà
Tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da
Người với chuông như chiều với tối…”
Chỉ biết, tôi sẽ mãi nhớ “Đêm tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước:
“Ai về, bến Ngự cho ta nhắn cùng.
Nhớ chăng non nước Hương Bình.
Có những ngày xanh,
Lưu luyến bao tình,
Vương mối tơ mành.
“Hàng cây soi bóng nước Hương,
Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương
Lưu luyến thay phút say hương dịu buồn.
Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu…”
Chỉ biết, tôi cũng sẽ mãi nhớ cảnh hoàng hôn trên Sông Hương và, con thuyền lửa đỏ, cùng tiếng chuông Thiên Mụ… chìm dần (như sự chìm sâu, lắng xuống của tham sân si hay, cái ngã), trong phim truyện “Nhớ Huế” của Đinh Anh Dũng, thực hiện năm 1998 (?)
Tôi đã thấy được nhiều hàng cau, chùa Thiên Mụ trong Huế-văn-chương, của nhiều tác giả khác. Nhưng gần như chưa một lần, tôi được đi trong “Ngõ Phố”, như Huế-của-Hồ-Đăng-Thanh-Ngọc (HĐTN).
“Ngõ Phố” trong ĐTGCM, đã cho tôi:
“Ở Huế, cái khác nhau giữa ngõ quê và ngõ phố không nhiều, bởi ngõ nào cũng xanh ngắt bóng cây, mang vẻ yên bình, cũng từ trong sương sớm ngõ nhỏ sương đọng đầy trên lá cây mở lối ra phố phường. Thành Nội Huế, bao năm vẫn còn đó những ngõ chè tàu vuông vức, thẳng tắp như một tấc lòng thành, điểm xuyết những dây tơ hồng vàng gợi nhắc thời thơ ấu chơi trò cô dâu chú rể. Mỗi ngõ ấy, mang một tâm sự riêng rất Huế. Ở đó có ngõ nhà ai thoảng hương cây hồng bạch, sân nhà ai mướt xanh nhành thiên tuế, hoa bưởi nhà ai rụng đầy hiên tây với tiếng chim khuyên chuyền cành hay tiếng chim chíp mào kêu buồng chuối chín lựng, và bất ngờ hơn, góc nhà ai cuối ngõ có hoa quỳnh nở ngát hương trong đêm sâu thẳm…”
(Trích “Ngõ Huế”, trang 18 & 19)
Chỉ một đoản văn thôi, HĐTN đã cho tôi, không chỉ hình ảnh, âm thanh, mùi hương mà, còn cả một vườn riêng, cỏ, cây Huế nữa.
Tôi cũng từng đọc, thấy thiên nhiên và, sắc màu Huế-văn-chương của nhiều tác giả khác. Nhưng dường như tôi chưa từng được thấy “Màu xanh Huế” như Huế-của-Hồ -Đăng-Thanh-Ngọc, trong ĐTGCM, đã cho tôi:
“Lâu nay, nói đến màu của Huế, người ta thường nhắc đến màu tím Huế. Một sáng nọ, sau những ngày rong ruổi trong Nam ngoài Bắc, kẻ nhàn du là tôi ngồi nhìn ra sông Hương, chợt thấy Huế có thêm một màu khác, bao dung và gần gũi vô cùng: màu xanh Huế.
“Đầu tiên là màu của đỉnh núi, bóng rừng. Huế có những đỉnh núi đẹp, nên thơ như Thiên Thai, Kim Phụng, Truồi… song Huế cũng có ba điểm xanh đột khởi đặc biệt riêng có ở Huế là Bạch Mã, Ngự Bình và Thiên An. Việt Nam có bốn điểm du lịch ôn đới nổi tiếng là Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt và Bạch Mã, song chỉ có Bạch Mã mới mang trong lòng đa dạng sinh học để trở thành lâm viên quốc gia. Thế mới thấy màu xanh đa hệ của Bạch Mã là quý hiếm thế nào! Tương tự, rừng thông hai lá của khí hậu ôn đới trong nước có nhiều (Sa Pa Tam Đảo, Đà Lạt đều có), song rừng thông ba lá của khí hậu nhiệt đới e chỉ riêng có ở Huế: Thiên An, Ngự Bình. Nói đúng ra thì cũng nhiều nơi trồng thông ba lá, song để đẹp như Thiên An, Ngự Bình thì chưa thấy nơi nào hơn. Tôi đã từng lang thang nhiều lần trong rừng Bạch Mã, lắng nghe cây cỏ rì rào những huyền thoại xưa của nơi đây và cảm nhận màu nắng tại đây cũng xanh như cây cỏ vậy. Mỗi buổi sáng mùa hè, tôi vẫn giữ cho mình một thói quen thủy chung là leo lên đỉnh Ngự để nhìn về thành phố. Thỉnh thoảng, vào kỷ nghỉ cuối tuần, tôi cùng bạn bè lên chơi Thiên An, cảm thấy những cây thông qua năm qua tháng, càng lúc càng gần gũi với mình hơn (…)
“… Sông Hương cho đến nay vẫn là con sông xanh chảy trong lòng đô thị đẹp nhất nhì thế giới. ‘Sông hương như kiếm dựng trời xanh’ – Chu thần Cao Bá Quát ngày xưa đã viết về sông Hương như vậy. Sông Hương xanh và trong, màu xanh ấy còn có mùi thơm của cỏ Thạch xương bồ nên chi rất lạ (…)
“Màu của khung trời xứ Huế cũng có nét sắc thái rất riêng. Từ lâu, dân gian lưu vực sông Hương đúc kết được ba màu trong một ngày của Huế là sáng xanh, trưa tím, chiều vàng. Nếu nhìn kỹ, thì cả trưa tím và chiều vàng ấy cũng pha sắc xanh của bóng núi và sông nước. Sông núi và cỏ cây phản quang dưới ánh nắng đã tạo cho nền trời Huế một không gian vừa cao rộng, khoáng đạt vừa rất trữ tình, nên thơ và đặc biệt trở nên dễ gần trong mắt ai. Sự gần gũi của nền trời này có lẽ do nó không bị xé toang bởi những đột khởi của núi non, cây cỏ, kiến trúc… mà tất cả như hòa quyện một cách hài hòa trong tầm mắt. Có thể nói nền trời xứ Huế hội đủ ba yếu tố: Thiên - Địa - Nhân…”
Và, đáng yêu biết bao, trước khi khép lại tùy bút biếc xanh địa dư, tâm cảm, kỷ niệm của mình, Hồ Đăng Thanh Ngọc viết:
“Cuối cùng là màu xanh của rêu phong cổ kính mà chúng ta có thể bắt gặp bất kỳ đâu ở Huế. ‘Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao’ – Lời ca của Trịnh Công Sơn không hề cũ dù Huế đã trùng tu di sản mấy chục năm qua. Gần 4000 công trình kiến trúc cổ xưa còn lại là cả một kho tàng xanh cổ tích rêu phong mà Huế đang tận tâm, tận lực gìn giữ. Con số ấy nhắc nhở rằng từng ngày, có cả tỷ mắt rêu xanh đang chờ đến ngày nó được chủ nhân thức dậy, để cùng Huế tiến vào kỷ nguyên mới trên đôi chân tiềm tàng sức mạnh…”
(Trích “Màu xanh Huế”. Tr.22, 23, 24 &26)
Vẫn là sắc màu, nhưng từ “Màu xanh Huế”, HĐTN lại đã cho tôi một màu sắc bất ngờ. Quyến rũ: “Màu yên tĩnh”. Mở đầu tùy bút này, ông viết:
“Buổi sáng trong công viên bên bờ sông Hương cỏ dậy xanh lên một màu non tươi xanh, rồi từ những đầu cỏ lá ứa những giọt sương để dành từ hôm qua. Mà cũng có thể là để dành từ hàng triệu năm rồi, bởi cái giọt sương ấy, bây giờ mới ứa ra mà quy luật mỏng manh của giọt sương thì đã có hàng bao nhiêu năm. Giọt cà phê rơi thật chậm, bạn ngồi không nói, nhìn yên tĩnh vào cái ly thứ ba để dành cho một người bạn đã đi xa… Tôi cũng không nói, nhớ rằng đã lâu như quy luật mỏng manh sương, em bất ngờ không nói năng với tôi, như thể những cánh chuồn chuồn thôi nói năng với cỏ trong cõi chiều đầy nắng gió. Những cánh chuồn em bay lên cao vọi và những cọng cỏ của tôi cũng không níu kéo, không gọi tên lên nữa… (…)
“Mắt nâu của em ngày xa vắng thách thức tiếng chim trong khu vườn có màu gì? Tôi bật cười: màu yên tĩnh. Tôi tưởng như em đang căng cả làn da trắng mịm ra để thấm vào người cái màu yên tĩnh trong khu vườn ngày ấy. Yên tĩnh đến nỗi, một tiếng chim sâu thôi cũng đã tấu lên thành một bản giao hưởng hoành tráng (…)
“… Khu vườn trưa sao yên tĩnh. Sự yên tĩnh như muốn lọc không khí trong khu vườn cho trong lành hơn, cho tinh thần chân chất hơn. Ấy vậy mà cứ có cảm giác sự yên tĩnh ở vườn An Hiên như thờ ơ với người đang đến nhưng lại làm day dứt kẻ sắp ra đi. Song cỏ cây trong vườn lại đua nhau sôi động, như thể làm duyên làm dáng với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Sự duyên dáng của yên tĩnh như thể một bức tranh lập thể xanh ngắt màu diệp lục. Ngày đó bàn tay em cũng xanh lá, mềm như lá. Tôi cầm chiếc lá em trong tay, nghe tay em nằm im như màu yên tĩnh ban trưa vườn An Hiên. Những ngón tay em nhẹ như không mà sao đến nay tôi vẫn nghe nặng trĩu trong lòng? (3)
“ ‘Tôi như đã chết trong trời vắng / Em đã không cười, không nói năng / Yên tĩnh vườn xanh màu tím lạ / tím trời, tím đất, tím âm dương’. Em bây giờ vẫn vẽ lại những chiếc lá, cành hoa khu vườn xưa bằng những giọt mưa. Nhưng tôi biết đã xa rồi màu yên tĩnh khu vườn xưa ấy. Bây giờ nhiều khi lên đứng dưới gốc măng cụt ngày xưa trong vườn, tôi thấy mình như ngọn gió cô độc, lạc lõng giữa bao nhiêu người. Hình như tôi đã trồng ở đây một cây thương nhớ, cây đã ra hoa, màu yên tĩnh day dứt xanh và ngăn ngắt tím như một ước mơ đổ vỡ…”
(Trích “Màu yên tĩnh”. Tr. 27, 28, 29 & 30).
.
Trên đây chỉ là 3 trong tổng số 28 tùy bút có trong “Đôi Triêng gióng của mạ” của Hồ Đăng Thanh Ngọc. Tôi đọc lại. Tình cờ. Không chọn lựa. Tuy nhiên, khi đọc xong tùy bút thứ ba, trong tôi, những ngọn sóng cảm xúc lớn, cấp tập, nhào tới. Ập vào… Khiến tôi không thể đọc tiếp - - Mà, nghĩ, phải ngừng lại. Phải ghi xuống những cảm nhận ngây ngất của mình.
Nhưng, cách gì, tôi thấy, với chừng đó chữ, nghĩa của Hồ Đăng Thanh Ngọc, cũng đã tạm đủ để người đọc thấy rằng, từ những góc kín, khuất của Huế nghìn năm, ông đã cho Huế thương yêu của chúng ta, một nhan sắc, một mùi hương, một hơi thở, một tịnh yên…khác. (4)
Ngược lại, Huế cũng đã cho chúng ta một Hồ Đăng Thanh Ngọc, mới. Riêng. Lẻ, vậy.
Du Tử Lê,
(Calif. Tháng 9 – 2016)
________
Chú thích:
(1) “Đôi Triêng gióng của mạ”, tùy bút Hồ Đăng Thanh Ngọc, do nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, ấn hành năm 2011.
(2), (3) Với hai trích đoạn kể trên, tôi ghi nhận: Nhiều lần Hồ Đăng Thanh Ngọc áp dụng kỹ thuật hoán đổi vị trí của danh từ và tính từ; hoặc đặt nhân xưng đại danh tự sau một danh từ khác, vốn chỉ thường thấy trong thi-ca. Như: “Quy luật mỏng manh sương”, “tay em cũng xanh lá”, hay “tôi cầm chiếc lá em” v.v… (Tôi cố tình gạch dưới). Phải chăng, vì ngoài tư cách nhà văn, tác giả còn là một thi sĩ? Với tôi, hai phân đoạn này, trong số nhiều phân đoạn có trong tùy bút Hồ Đăng Thanh Ngọc, như thơ-xuôi. Tiếc, tôi không thể trích dẫn nhiều hơn!
(4) Hồ Đăng Thanh Ngọc sinh năm 1966 tại Huế, đã XB: Một bút ký, một thi phẩm, một tuyển tập tùy bút và, một thi phẩm song ngữ Việt / Anh. Ông hiện là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Địa chỉ: Email thanhngocsh@gmail.com.