dutule.com (ngày 4 tháng 10-2016): Trong sinh hoạt hơn 40 năm ở hải ngoại, có một trường hợp ngoại lệ, bất ngờ đã tượng hình. Đó là sự xuất hiện độc đáo của họa sĩ, nhà văn, nhà thơ Khánh Trường - - Chủ biên đầu tiên, dài lâu tạp chí Hợp Lưu.
Với cương vị chủ biên, Khánh Trường cũng là người đầu tiên chủ trương xóa bỏ vạch phấn phân biệt sáng tác của những người trong nước và, hải ngoại vào những năm đầu thập niên 1980 - - Khi việc phổ biến sáng tác của những cây bút sống trong chế độ CS Hà Nội còn là một taboo / cấm kỵ ngặt nghèo ở hải ngoại. Nỗ lực mở đường, khai thông cho sự nhập lưu của hai dòng VHNT trong / ngoài nước, ở thời gian đó, của Khánh Trường, có thể đem đến cho ông cái chết bất đắc kỳ tử… (Thực tế, Khánh Trường cũng đã từng nhận được thư nặc danh lên án, hăm dọa…xử tử). (1)
Sự xuất hiện độc đáo, bất ngờ của Khánh Trường, với Hợp Lưu, cũng đã kéo theo nhiều xuất hiện bất ngờ của những cây bút ở mọi lãnh vực: Từ thơ, văn tới phê bình văn chương, nghệ thuật. Những cây bút mới ấy tụ tập quanh Khánh Trường, thời Hợp Lưu, tựa như đấy là cửa ngõ, bệ phóng hiếm hoi, tốt đẹp nhất cho sự xuất hiện của họ… Nhiều người hiện vẫn còn hăng hái hoạt động. Họ đã có nhiều đầu sách in ra, giới thiệu với độc giả ở ngoài cũng như trong nước...
Riêng chủ biên Khánh Trường, tuy cũng đã có một số đầu sách được ấn hành, nhưng hôm nay, với bộ Tuyển tập Truyện ngắn (hai cuốn), cộng chung trên 1,000 trang in, một cách cụ thể, đã thực sự cho thấy sức làm việc “dữ dội”, nỗ lực đóng không nhỏ của ông, trong lãnh vực văn chương - - Bên cạnh những cuộc triển lãm cá nhân đều đặn gần như mỗi năm - - Kể từ ngày tình trạng sức khỏe của Khánh Trường đang ở giai đoạn đáng lưu ý... (2)
Nơi bìa 4, Tuyển tập Truyện ngắn Khánh Trường, độc giả sẽ được đọc một trích đoạn cảm nghĩ của nhà phê bình Thụy Khuê, ở Paris. Bà viết:
“…Rồi một ngày nào đó, người ta sẽ phải làm công việc tổng kết những tác phẩm viết về cuộc chiến hai mươi năm, sẽ tìm thấy những khác biệt sâu xa giữa những ngòi bút Bắc-Nam, hải ngoại-trong nước về cùng một đề tài. Biết đâu từ những khác biệt ấy, người ta có thể lần hồi vẽ lại được một thứ chân dung chiến tranh gần với sự thực hơn, gần với con người hơn những tấm bích chương phóng đại, tô mầu, đã từng được dán trên tường, trên đường, khắp nơi, thời bình cũng như thời chiến. Khánh Trường là một trong những tác giả mà người đọc sẽ có ngày tìm đến, khi muốn tái nhận bộ mặt chiến tranh , tìm hiểu những lũy tích bom đạn trên cơ thể và tâm linh những người sống sót.
“…nếu muốn thám hiểm bộ mặt thực của chiến tranh, thì không thể bỏ qua tác phẩm của Khánh Trường. Bạo lực hóa thân thành những chân rết ung thư khuẩn độc môi trường và đầu độc hạnh phúc.” (...)
Cũng vậy, nơi bìa 4 Tuyển tập Truyện ngắn Khánh Trường #2, là trích đoạn một ghi nhận của nhà thơ Du Tử Lê về cõi-giới văn chương Khánh Trường. Ông viết:
“Nếu phải chọn một nhà văn tiêu biểu cho trường hợp hay hiện tượng phức tạp, mâu thuẫn, trong sinh hoạt văn học, nghệ thuật của người Việt hải ngoại hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi sẽ chọn Khánh Trường. Nguyễn Khánh Trường.
“Tôi chọn Khánh Trường / Nguyễn Khánh Trường không phải vì ông là họa sĩ, cùng lúc nhà văn, cùng lúc nhà thơ và cùng lúc nhà báo.
“Nơi quảng trường sinh hoạt văn nghệ của chúng ta trong nước, cũng như hải ngoại, không chỉ có một Khánh Trường vừa vẽ, vừa làm thơ, viết văn, lại còn làm báo nữa. Chúng ta có khá nhiều nghệ sĩ, ở trường hợp này. Đó là những lãnh vực tự nó có những mối tương quan liền lạc hữu cơ.
“Tôi chọn Khánh Trường có dễ bởi Khánh Trường / Nguyễn Khánh Trường tiêu biểu cho ý niệm khá buồn thảm: Người là con vật bị ngộ nhận.
“Ý niệm ấy không mới mẻ gì!
“Không phải đợi tới lúc chúng ta có một Albert Camus với những tác phẩm đào xới chủ đề ‘con người là một con vật bị ngộ nhận’, một cách trầm thống, lúc đó vấn nạn ngộ nhận mới được đặt ra trong sinh hoạt tri thức của con người.
“Đọc lại những tác phẩm cổ điển; nhớ lại những bi kịch trong thần thoại Hy Lạp, trong văn chương Shakespear, luôn cả những tác phẩm gần gũi với chúng ta hơn như Đoạn Trường Tân Thanh, như Cung Oán Ngâm Khúc… dù với ít, nhiều cường điệu, hầu hết các nhân vật trong những tác phẩm này cũng chỉ như những con vật rẫy rụa tuyệt vọng trong lưới nhện của định mệnh.
“Họ bị thảm lịch đánh bẫy và trở thành con tin hớn hở (hay tội nghiệp?) trong bầu khí thảm lịch đó.
“Với tôi, Khánh Trường / Nguyễn Khánh Trường, không chỉ tiêu biểu cho trường hợp con người là con vật bị ngộ nhận, bị đánh bẫy, mà Khánh Trường tự thân còn là nạn nhân hay con vật của chiếc lưới tuyệt vọng do chính ông giăng lấy cho mình.”
Vẫn liên quan tới cõi-giới văn xuôi của Khánh Trường, khi ấn hành tập truyện “Est-ce-que tu m’aimes?” (từ bản Việt ngữ “Em có yêu anh không?”) - - Nhà xuất bản Philippe Picquier đã ghi nhận về truyện ngắn Khánh Trường như sau:
“Ở hầu hết mọi truyện ngắn, đêm, bạo lực và sợ hãi là trọng tâm chính. Có vẻ như con người khốn khổ luôn bị vây hãm giữa mênh mông rừng thẳm, với những trận gió mùa hung bạo. Tất cả, mọi người, không loại trừ phụ nữ, bị soi rọi bởi một cái nhìn rất thô cứng, trần trụi, (…) Tình yêu và thù hận đang hục hặc đối thoại công khai, giữa đêm tối đen đặc. Tuyển tập như một tấm gương phản chiếu một vùng đất, ở đó, tác giả đã phát nổ, phân thây thành nghìn mảnh vụn, trộn lẫn giữa cay đắng và dịu dàng. Người ta có thể hình dung, đó là nụ hôn chia tay cuối cùng, in đậm dấu ấn trong tâm hồn, không bao giờ quên được, của hai kẻ yêu nhau
(…)
“Một cuốn sách của mưa, đêm tối, nơi mà dấu châm rướm máu vẫn lê lết, với những vết thương không bao giờ khép miệng”.
.
Tùy vị trí, quan điểm, trong đời thường, chúng ta có thể có nhiều kết luận đối chọi về nhân thân của Khánh Trường / Nguyễn Khánh Trường. Nhưng một cách công bình, ngay thẳng, ở lãnh vực văn chương, e rằng, khó ai có thể phủ nhận phần đóng góp đáng kể của họ Nguyễn.
Rõ hơn, tôi muốn nói, nếu những trang văn xuôi của Nguyễn (nhất là những truyện dạng bán-hồi-ký), là những đớn đau bật máu (của tác giả) thì, chúng lại là con chữ đẹp (hạnh phúc cho người đọc) vậy.
Du Tử Lê,
(Garden Grove, Oct. 2016)
_______
Chú thích
(1) Nếu không kể bộ sách “Hai mươi năm Văn học Việt nam Hải ngoại”, thực hiện chung với 2 tác giả khác thì, Khánh Trường đã có tất cả 6 ấn phẩm, ấn hành tại hải ngoại. Trong số này, tập truyện nhan đề “Em có yêu anh không?” được chuyển dịch qua Pháp ngữ bởi dịch giả Phan Huy Đường; do nhà Philippe Picquier ấn hành. .
(2) Tuyển tập Truyện ngắn Khánh Trường, (gồm 2 cuốn) do Nhân Ảnh xuất bản tại hải ngoại, năm 2016. Ấn phí cho mỗi cuốn là 28 Mỹ kim.