Lê Đức Hoàng Vân
Sinh năm 1993 tại Quy Nhơn
Hiện đang làm việc tại Sài Gòn.
MỘT THOÁNG QUY NHƠN
Gió phóng khoáng gánh theo hương muối mặn
Nắng cứ hồng sóng sánh nhịp sóng xô
Mọi con đường đều dẫn về với biển
Nhơn Châu xa như sương khói mơ hồ
*
Trăng Nguyên tiêu dẫn ai về ghềnh Ráng
Đồi Thi Nhân nghe dìu dặt tiếng thơ
Nén hương muộn ấm mộ Hàn Mặc Tử
Thơ gọi trăng trăng sáng tự bao giờ
*
Em tạm biệt Quy Nhơn chiều hạ tím
Bước chân buồn xé cát nỗi chia xa
Đường Xuân Diệu vòng tay ôm phố biển
Cơn mưa rào rắc nhớ xuống Tiên Sa
PARIS MÙA THU
Tôi nhận ra mùa thu
Khi những chiếc lá phong chuyển từ xanh sang đỏ
Và nắng vàng óng ánh tháp Eiffel
Tôi nhận ra mùa thu
Trong mắt người con gái Digan
Đang say sưa hát giữa ngã ba đường lộng gió
Ôi! Paris Dưới tàng lá phong sắc đỏ
Người thanh niên đang kéo đàn cello
Những âm buồn như giọt nắng khô
Gõ vào không gian tĩnh lặng
Ôi Paris Bình an và sâu lắng
Lá phong nào xanh lại giữa mùa thu?
Nhà thờ Đức Bà Không còn bóng gã gù
Vẫn còn đấy
Trái tim người con gái Digan nhân hậu
Tiếng đàn cello như xô nhau dồn dập bao tiết tấu
Nhịp thời gian đỏ thẫm lá phong thu
Mai rời Paris
Còn lại trong tôi
Người con gái Digan
Lá phong đỏ
Tiếng đàn
Paris ngày 17.8.2013
THU RỐI
Trong nắng hạn chang chang
Những mầm đời khô bật nứt, bung chồi
Giữa những mảnh màu loang vụn vỡ cả chân trời
Ai sẽ vẽ cho tôi
Màu hoa cúc vàng rối cả mùa thu năm ấy
Cơn gió lốc đến và đi cuốn theo mùi cỏ ngái
Trơ lại đây Lùi lũi một vần thơ
Và những hàng cây
Lá úa ngác ngơ
Nghe gió thổi
Ngàn năm mơ xòe lá
Đếm thời gian với đôi mắt đói
Xoắn vặn bàn tay đau nhói đợi mùa thu
Mơ ngàn dòng suối ngọt- vạn mầm vui
Giữa đời khô, khô nẻ cả mặt trời
Màu tím vỡ Tím cả chiều hạ chín
Mầm vừa bung, chẳng sớm đâu, đừng câm nín!
Cúc vàng ơi!
Sao chưa mở lối vào thu
Thu ời Thu hỡi Hỡi thu ơi
tháng 7 năm 2014
KHÚC HÁT VE SẦU
Có một chiều nắng rớt gốc cây
Con ve sầu lầm lũi vo tròn giọt nắng rơi thành khúc hát
Mây trôi đi và hoàng hôn vỡ nát
Trăng lịm theo bao thổn thức ban đầu
Ve sầu chi mà mãi hát lời đau
Cho trời đất cứa thành đôi khúc nhớ
Cho hoàng hôn vẫy vùng trong ngạt thở
Cho nắng tàn chết đuối giữa đêm đen
Em chẳng dấu được đâu
Ồ! Ánh mắt rất quen
Người con gái buồn ngồi co ro giữa mùa hè lặng lẽ
Em bật tiếng khóc thành bài ca khe khẽ
Lời hát nhòa vào tiếng ve bỏng rát mà nỗi buồn chẳng bay đi?
Ngày tháng âm thầm rụng rơi nào biết muộn phiền gì
Như tàn sen vẫn ngủ trong đầm bùn mát rượi
Hoa vẫn thức sau bình minh nóng hổi
Đóa vô thường lặng lẽ nở trong trái tim em
Khi bài ca trở thành cũ mèm
Như trang sách ngủ quên, chẳng ai buồn lật lại
Tội con ve sầu vo nắng hoài hát mãi…
NGƯỜI ĐÀN BÀ VỚI CÂY DÙ
Người đàn bà với cây dù ẩn vào đêm sũng nước
Những roi mưa quất ngã chiếc bóng nhỏ nhoi xuống mặt đường đen nhánh
Đêm vắng tanh vặn mình theo gió lạnh
Người đàn bà vặn khô nỗi lo, cổng nhà còn để ngỏ
Mỗi người lướt qua đều ném lại nỗi thẩn thờ.
Người đàn bà với cây dù trong ngày chật nắng, dáng bơ vơ
Tiếng xe cộ ì ầm, mùi khói xăng chém vào da nẻ rát
Bóng tối xô vào ánh mắt dõi tìm một dáng thân quen
Cây dù quên xếp lại, cổng nhà đã cài then
Cây dù cứ bung tròn
Tròn ngày
Tròn đêm
Tròn năm tháng đợi
Tròn một vòng vời vợi
Rướm máu bàn chân trở lại điểm đầu tiên
Người đàn bà với cây dù nắng xế chao nghiêng
Bàn chân nhỏ bước khỏi vòng tròn nghiệt ngã
Thanh thản rẽ vào chiều xanh bóng lá
Khép lại lời vàng đá
Khép đợi chờ
Cây dù chỏng chơ
Hóa kiếp.
LÊ ĐỨC HOÀNG VÂN
Đọc xong 5 bài thơ, cảm xúc tôi là gai. lạnh. Nỗi cô quạnh nhẹ. chậm nhưng rất chắc, từ từ đi vào tâm hồn. Như một lưỡi cưa máy do tác giả chính là người đẩy cái máy cưa đó, lạnh lùng đưa thẳng vào, và, tôi không thể né tránh. Cả 5 bài đều có những ý tưởng mới. lạ. Chữ dùng cũng khá lạ lẫm trong ngữ cảnh trong veo như có cánh. Tôi chọn bài Người Đàn Bà Với Cây Dù là bài tôi cho là nổi trội nhất và tôi thích nhất để phân tích và cảm nhận. Nói “tôi thích nhất” có nghĩa là trong bài viết ngắn này một phần xây dựng trên cảm tính!
Không gian mở màn cho bài thơ là một không gian ướt và lạnh. Ướt vì mưa. Lạnh vì sự cô độc đáng sợ của người đàn bà. Có một cái gì đó báo hiệu cho thân phận người đàn bà này. Vì mưa không phải là những giọt tí tách, là những giọt ân cần mà mưa là những chiếc roi gai. sắc. quất sâu như cắt vào da thịt của người đàn bà nhỏ bé: “Người đàn bà với cây dù ẩn vào đêm sũng nước Những roi mưa quất ngã chiếc bóng nhỏ nhoi xuống mặt đường đen nhánh “ Và, “Đêm vắng tanh vặn mình theo gió lạnh “. Ai vặn mình? Đêm hay người đàn bà? Tôi cho rằng cả hai. Đêm vặn mình để làm khó người đàn bà. Người đàn bà vặn mình để tránh đi cái vặn vẹo của bóng tối như muốn ép thân thể mình, nuốt chửng thân thể mình. Đồng lõa với bóng đêm là cơn gió tê buốt thịt da. Chữ Vặn trong câu này là một chữ “đạt”. “Người đàn bà vặn khô nỗi lo, cổng nhà còn để ngỏ Mỗi người lướt qua đều ném lại nỗi thẩn thờ. “
Phải nói câu “Người đàn bà vặn khô nỗi lo” là một câu thật sáng tạo . Tiếc là tác giả không chấm câu ngay tại đây. Cho dứt khoát. Đủ rồi. Không nên phết (,) để nối theo cổng nhà còn để ngõ.
Nhưng người đi đường, chỉ lướt qua lại có thể ném lại nỗi thẩn thờ ư? Không, đây chỉ là cảm nhận của người đàn bà nhìn khách qua đường, lướt. lướt , thật nhanh làm người đàn bà có cảm giác là họ “ném”vào mình sự từ khướt và làm mình thờ thẫn, ngơ ngác giữa dòng đời đang chảy. Đây là cảm giác cô đơn của người xa lạ ( L’Extranger) của Albert Camus.
Rồi trở lại với một không gian”chật nắng”, với tiếng xe “ì ầm” , mùi xăng đến buồn nôn. Một không gian nóng. động. Nhưng người đàn bà vẫn xuất hiện thật cô đơn. Giờ thì tác giả hé lộ cho chúng ta biết rằng người đàn bà đang đi tìm “dáng thân quen”. Dáng thân quen là ai, là chồng là con, là người yêu? Thôi đừng tò mò lắm lắm. Ta bất kể “dáng thân quen” ấy là ai. Có thực hay không thực. Nhưng chắc rằng đó là điều quan trọng nhất của người đàn bà cầm dù, và cũng chính là cái “điểm” cho bài thơ này. Người đàn bà cứ thế mà đi . Đi như mộng du. Đi vòng vòng. Đi từ khởi điểm và quay về điểm khởi. Chiếc dù là bùa hộ mạng. Người ta có thể thương hay tiếc. buồn hoặc ái ngại cho người đàn bà. Nhưng mọi tình cảm gắn vào nàng đều vô nghĩa. Bỡi vì, trong một hành trình vô hạn đi tìm cái đã mất mà cái đã mất ấy thật vô cùng ý nghĩa, thật to lớn, hơn cả cuộc sống của chính người đi tìm, thì chỉ tương xứng với người vọng phu hóa đá. Người vọng phu hóa đá vì son sắt với chồng. Còn người đàn bà này đi tìm một “lời vàng đá”. Nàng không hóa đá mà nàng lại hòa nhập, tan loãng vào thiên nhiên. Biệt tích! Ôi chao “lời vàng đá”không khép lại mà “hóa thân “ thành ngọn cỏ, lá cây, im lặng tuyệt đối. Lời vàng đá thật sự đã thành vàng đá trong khái niệm không bao giờ bị hủy hoại.
Ở góc độ quan sát, Lê Đức Hoàng Vân chỉ làm công việc diễn tả hành động của người đàn bà bằng ngôn ngữ thật tinh tế, sắt bén. Tình cảm của tác giả chỉ gửi trong mấy chữ như: Vặn mình, vặn khô, chật nắng , thanh thản. Nhưng, thật ra đó cũng chưa thật phải là tình cảm mà chỉ là sự ước lượng của tác giả trong hành động, trong không gian của người đàn bà cầm dù. Nhưng tất cả những theo dõi, diễn tả của bài thơ không màu mè, rườm rà. Nó thật gọn, thật chắc đã làm cho người đọc bật lên một cảm xúc cô đơn, lạnh buốt. Như dao cắt!
Lê Đức Hoàng Vân hãy còn rất trẻ, 23 tuổi, sẽ tiến xa trong chốn văn chương.
Đặng Phú Phong
Thu 2016.
Cảm ơn trang viết của chú Du Tử Lê đã đăng tải bài của em Vân!