dutule.com (ngày 1 tháng 11-2016): Nhà thơ Thành Tôn là người duy nhất, tôi biết, gần như không bao giờ từ chối bất cứ bằng hữu nào, cần đến sự giúp đỡ của ông. Đáng nói hơn nữa, ở người làm thơ có đời “sống đẹp” này còn ở chỗ: Tuy cực kỳ trân trọng với chữ nghĩa, đam mê sách vở, và trở thành nhà sưu tầm sách cũ, mới; nhưng Thành Tôn sẽ không ngần ngại, tự ý tặng lại cho tác giả những cuốn sách hiếm, quý mà ông từng bỏ công, sức sưu tầm. Ông chỉ giữ cho mình bản copy - - - Với lý luận:
“Trao lại cho tác giả bản chính thì vẫn tốt hơn là giữ riêng cho mình”.
Tôi là một người từng được hưởng, nhận nhiều thứ, từ nhà thơ có đời… “sống đẹp” này.
Gần đây nhất, thật bất ngờ, khi tôi được biết, người thi sĩ có tâm-thái đáng trân trọng, Thành Tôn, đã bỏ công, sức, lặng lẽ thực hiện một tuyển tập thơ Đạm Thạch, nhan đề “Đạm Thạch, Con cá lưu vong” để mừng sinh nhật bạn ngày 9 tháng 9 năm 2016.
Sự có mặt của thi phẩm “Đạm Thạch, Con cá lưu vong”, theo chỗ tôi hiểu, còn mang ý nghĩa, đánh dấu việc nhà thơ Đạm Thạch, vì lý do gia đình, đã phải rời bỏ miền nam Cali, nơi ông có nhiều năm gắn bó với bằng hữu, để tái định cư ở một tiểu bang khác.
Không biết có phải vì tình nguyện thực hiện thi phẩm đầu tay cho bạn, (?) ngoài công sưu tầm, in ấn… thì phần trình bày mỗi trang sách, cũng còn cho thấy rõ hơn, sự trân trọng của người thực hiện dành cho tác phẩm.
Mở vào thi phẩm “Đạm Thạch, Con cá lưu vong”, nhà thơ Thành Tôn chọn đăng bài viết của nhà văn Trần Yên Hòa, ghi nhận về cõi-giới thơ Đạm Thạch, tựa đề “Đạm Thạch: Người làm thơ miền Nam”.
Cuối bài viết của họ Trần là “Vài nét về Đạm Thạch”, nguyên văn như sau:
“Đạm Thạch tên thật là Nguyễn Văn Đông. Sinh ngày 9 tháng 9 năm 1943. Tại làng Tam Phước, tỉnh Bến Tre.
“Có thơ đăng ở các tạp chí Văn Học Nghệ Thuật hải ngoại như: Văn, Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Văn Học, Tân Văn, Hợp Lưu cùng các tuần báo và nhât báo vùng Orange County…”
Khép lại thi phẩm “Đạm Thạch, Con cá lưu vong” là một bài viết của nhà thơ Trần Văn Nam; có đoạn:
“…Ta tìm thấy trong thơ Đạm Thạch những câu thơ độc sáng trong khuôn khổ quy ước Chân Thiện Mỹ; văn chương thăng hoa thổ nhưỡng đặc thù và phương ngữ; hoặc tạo từ ngữ khá mới thật đắc địa (như ‘chiếc lá đuối sức’ trong chiều cuối năm):
“Xa rồi tuổi hụp kinh mương
“Chỉ còn ngụp lặn với bươn trải đời
(Trong bài: Câu thơ còn cố mỉm cười)
.
“Thương em ngồi khóc lục bình
“Tôi còn trôi dạt với nghìn nỗi đau
(Trong bài: Dỗ Tình)
.
“Chiều cuối năm chiều thấp ngang vai
“Chiếc lá đuối đường bay nỗi nhớ
(Trong bài: Chiều cuối năm)…”
Nơi bìa 4 của thi phẩm “Đạm Thạch, Con cá lưu vong”, người thực hiện, nhà thơ Thành Tôn cũng chọn một trích đoạn trong bài viết của Trần yên Hòa về Đạm Thạch:
“Thơ tình Đạm Thạch cũng là những khắc khoải, luôn nhớ thương về một người yêu xưa cũ đã bay xa ngút khỏi tầm tay.
“Thơ tình của anh dùng rặt ròng ngôn ngữ miền Nam, nhưng ta thấy quen
thân lắm.”
.
Dăm bài thơ trích từ “Đạm Thạch, Con cá lưu vong”:
CHIẾC CẦU GÃY NHỊP CẦN THƠ
Cần thơ bây giờ không thể níu chân tôi
Như thuở đi thi cần ăn chè đậu
Phải xuống bến Ninh kiều ăn gói xôi lấy hên
Của cô gái ở ngã ba đèn ba ngọn
Cần thơ bây giờ không thể níu chân tôi
Như thuở học trò đi thi ở trọ
Trưa thập thò nhìn áo ai phơi
Cái dáng nhỏ in hoài trong trí nhớ.
Cần thơ bây giờ không thể níu chân tôi
Như thuở giận mình thi đậu em thì rớt
Không muốn học lên bỏ em ở lại
Mà phải ra đi khi em thôi học lấy chồng.
Cần thơ bây giờ đâu cần tôi trở lại
Một kẻ lưu vong biệt xứ bảy lăm
Một kẻ trở về cái đầu còn nghi ngại
Một kẻ ôm hoài hy vọng xa xăm.
Cần thơ bây giờ như cây cầu sụp đổ
Tổn thương đâu thể đo lường
Cầu đứt nhịp chiếc phà còn hụt hẫng
Huống gì tôi
Giận mà thương.
NHỮNG CHIỀU MƯA GIÓ
trời mưa ướt lối em đi
bên thềm ngột nước bờ mi đọng sầu
vòng tay làm nón che dầu
tóc buông lơi lả, mắt sâu hút hồn
bước chân em trầy trật luôn
ngõ đêm lầy lội về tương lai mờ
tim tôi nào có thờ ơ
muốn giang tay vịn sợ ngờ lòng ai
rủi em đã lỡ then cài
tôi đành khép lại cửa ngoài hoàng hôn
những chiều mưa gió đầy hồn
em về đâu biết buồn dồn dập tôi.
TRĂNG, BIỂN, NÚI VÀ TÔI
Trăng vẫn đầy mà tình yêu có khi thiếu thốn
Biển lặng im và núi đứng mãi cũng chùn
Tôi động, tĩnh ví như Tô Đông Pha đi thuyền trên sông xích bích
(Thuyền trôi đi hay núi trôi đi?)
Thuyền trôi đi, nước trôi đi, còn núi mãi đứng yên
Trăng không khuyết, biển không hờn, núi vẫn hiên ngang vòi vọi
Tình yêu vẫn là tình yêu muôn thuở
Trái tim con người rất nhỏ, lại bao la.
Đạm Thạch.