WESTMINSTER (Huỳnh Quang) – Họa sĩ Cao Bá Minh và nhóm thân hữu đang triển lãm loạt tranh sơn dầu mới do ông sáng tác có chủ đề “Vô Hạn” tại Việt Báo Gallery từ chiều Thứ Sáu tới Chủ Nhật, ngày 18 tới 20 tháng 11 năm 2016.
Chiều tối Thứ Sáu, ngày 18 tháng 11 năm 2016, khai mạc buổi tiếp tân đón tiếp các văn nghệ sĩ thân hữu và đồng hương đến xem tranh tại Việt Báo Gallery, với nhiều nhân vật tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ Việt tại Quận Cam như nữ tài tử Kiều Chinh, Ông bà nhạc sị Cung Tiến, nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, họa sĩ Nguyên Khai, họa sĩ Ann Phong, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, nhà văn Đặng Phú Phong, Ông Bà Y Sa-Vũ Quý Hạo Nhiên, v.v... Vào lúc 8 giờ tối cùng ngày có chương trình nhạc thính phòng với Đỗ Bằng Lăng (pianist), Ngô Diễm Uyên (pianist), Nguyễn Thái Minh (guitarist), và bác sĩ Bích Liên (vocalist).
Tôi có cái duyên với họa sĩ Cao Bá Minh về hội họa. Lần đầu tiên tôi xem tranh ông triển lãm cũng ở Việt Báo Gallary vào khoảng tháng 10 năm 2009 tôi đã rất thích tranh ông vẽ.
Tôi nhớ lần đó tôi say mê ngắm bức tranh “Tánh Không” của ông. Không những thích màu sắc siêu thực và chiều sâu hun hút bên sau sắc hình mà tôi còn thích ý nghĩa tên gọi mà ông đặt cho bức tranh này. “Tánh Không” là thế giới vừa mộng vừa thực, vừa có vừa không, lãng đãng siêu thực mà bao trùm hết tất cả mọi sự mọi vật từ tâm đến cảnh có mặt hay không có mặt trên đời này.
Lần này họa sĩ Cao Bá Minh triển lãm khoảng 20 bức tranh sơn dầu với chủ đề “Vô Hạn.” Tôi hỏi thì được ông trả lời rất gọn, rất đơn giản là không còn giới hạn của thời gian và không gian, hay nói nôm na là không có tuổi. Đúng vậy, nghệ thuật thì làm gì có tuổi. Tôi nghĩ các nghệ sĩ đi tới mức tuyệt đỉnh của nghệ thuật thì đã bước qua giới hạn và ngăn cách của thời không. Điều này thì rất dễ nhận ra nơi các họa phẩm của Cao Bá Minh đặc biệt là tác phẩm “Sương Thảo Nguyên” cũng được triển lãm lần này. Khi nhìn vào đó tôi đã thích ngay. Nó có cái nét mường tượng như tác phẩm “Tánh Không” của ông mà tôi đã nói ở trên. Nhìn vào đó tôi có cảm nhận như mình đang bước vào cõi thảo nguyên mênh mông bát ngát thực sự. Ở đó, thảo nguyên như hòa mình, như tan loãng vào bầu trời bao la trong thế giới không còn ngăn cách giữa mặt đất và bầu trời, chỉ có những đám mây trắng nhẹ trôi thong dong trên khung trời màu xanh nhạt bao la vô hạn.
Màu xanh có thể nói là màu tiêu biểu và độc sáng nhất của họa sĩ Cao Bá Minh. Mỗi khi có dịp ngắm màu xanh của ông thì tôi cảm nhận mình đang trôi bồng bềnh vào cõi thời không vô hạn. Nó dịu, nhẹ và mênh mông. Đó là “màu xanh chan hòa huyền nhiệm hun hút sâu.” Khi đọc bài thơ “Xanh” trong tập thơ mới xuất bản của ông “Ánh Mây Trắng Xóa Rợp Bóng Chiều,” đã làm cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa màu xanh trong các họa phẩm của ông.
“vẫn là màu xanh theo ta trên đường đời xanh mất dấu
như người bạn chân tình xanh
thăm thẳm xanh
mênh mông xanh
ta xanh
và đời cũng xanh
màu xanh chan hòa huyền nhiệm hun hút sâu
phóng tới xanh
băng ngang xanh
xanh trên xanh dưới chan hòa xanh
xanh viên mãn đời
xanh là niềm hy vọng cuối cùng ném trên mặt đất
ta ôm xanh vào lòng tan loãng xanh.”
Tôi hỏi họa sĩ Cao Bá Minh dường như các họa phẩm mà ông triển lãm lần này có cái gì đó lạ hơn lần trước về hình sắc. Ông vừa cười vừa nói cái gì cũng thay đổi, nhất là nghệ thuật hội họa thì biến hóa khôn lường, để tạo sức sống, đó là sáng tạo, không phải cứ một kiểu làm hoài sẽ chán lắm cho nhà nghệ thuật và người thưởng ngoạn. Ông cho biết cái biến hóa nơi tác phẩm của ông dễ thấy nhất lần này là với màu cam, màu hồng nhạt, bớt màu đỏ sắt nét, như bức tranh “Vô Hạn,” “Chiều Cuối Đông.” Hay như trong họa phẩm “Ngọn Nến,” mà họa sĩ họ Cao giải thích đó là họa phẩm vẽ theo 3 chiều, có những vùng nhìn vào thấy sâu hun hút.
Ngay cả màu xanh trong một số tác phẩm được triển lãm lần này cũng có điều đặc biệt như màu xanh của họa phẩm “Ánh Trăng Trên Đầm Lầy,” là màu xanh thật xanh, không còn là màu xanh da trời, mà là màu xanh đậm. Nhưng nhìn vào đó chúng ta vẫn thấy nó mang sức sống mãnh liệt và chiều sâu thăm thẳm.
Việt Báo Gallery tọa lạc tại địa chỉ 14841 Moran Street, Westminster, CA 92683; Tel: 714-894-2500.
Gửi ý kiến của bạn