Theo định nghĩa của trang mạng Bách Khoa Toàn Thư – Mở (Wikipedia) thì, Hồi ký là một dạng của thể tài gọi chung là “Ký.” Nó mang tính cách trần thuật từ tác giả ở ngôi thứ nhất. Với nội dung, kể về những sự kiện có thực đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả chứng kiến hay tham dự. Tuy Hồi ký khá gần với với thể loại Nhật ký ở hình thức giãi bày, không dùng các kỹ thuật xây dựng cốt truyện. Cũng không nhất thiết phải kể lại tất cả mọi sự kiện, theo thứ tự thời gian, hay chú trọng tới các dữ kiện có tính cách tiểu sử…
Nhưng Hồi ký lại khác với Tự truyện ở chỗ hồi ký đặt trọng tâm vào một số sự kiện trong khi Tự truyện có phạm vi rộng lớn hơn, kéo dài cả đời người. Theo nhà văn Gore Vidal thì Tự truyện cũng đòi hỏi thời gian đối chiếu rõ ràng như ngày, tháng trong lịch sử. Còn Hồi ký vốn do chính trí nhớ của tác giả ghi lại.
Bước sâu thêm vào đặc tính của Hồi ký nếu so sánh với dạng “Ký” khác, trang mạng Wikipedia nhấn mạnh, về mặt chất liệu, về tính xác thực không có sự tham dự của yếu tố hư cấu thì Hồi ký rất gần với văn xuôi lịch sử, tiểu sử khoa học gia, ký sự hay tư liệu lịch sử…
Tôi nghĩ, chúng ta có thể có nhiều định nghĩa khác nhau về thể văn Hồi ký sau khi thêm bớt một vài yếu tố làm thành quan niệm mới…
Riêng tôi, tôi chọn định nghĩa của Wikipedia vì: “… về mặt chất liệu, về tính xác thực không có sự tham dự của yếu tố hư cấu thì hồi ký rất gần với văn xuôi lịch sử…” Định nghĩa này rất gần, nếu không muốn nói là khá chính xác, nếu chúng ta ứng dụng định nghĩa đó là Hồi ký Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy (1) - - Cặp phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam. (?)
Hồi ký Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển của Dương Phục/ Vũ Thanh Thủy đã đem lại cho người đọc những bài học vô giá về thân phận con người, tính nhân loại, niềm tin giữa đời thường và tôn giáo.
Tóm lại, với tôi, hồi ký Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển của Dương Phục/ Vũ Thanh Thủy là một tác phẩm lớn. Nó hiện ra giữa cảnh tượng trùng trùng bát nháo, trâng tráo của thị trường “hồi ký” (thể loại tương đối vẫn còn được nhiều người tìm đọc) trong cảnh “chợ chiều” của sinh hoạt văn chương, chữ nghĩa của chúng ta nơi quê người…
Dương Phục/ Vũ Thanh Thủy, cái “nghiệp” của nghề Phóng viên chiến trường
Với tôi, “phóng viên chiến trường” là một cái nghiệp, nhiều hơn nghề. Nghiệp là cái làm ta say mê, đeo đuổi một công việc gì đó, dẫu cho nó có thể nguy hiểm đến tính mạng mà, những đền bù, nếu có lại thường rất bọt bèo, nhất là ở những nước chiến tranh, nghèo khó. Nếu không phải vì cái… “nghiệp” tôi không tin hai bạn tôi, Dương Phục – Vũ Thanh Thủy có thể ở được với bom đạn, tử sinh rình rập từng giây phút suốt cuộc chiến 20 năm của miền Nam Việt Nam, khi họ còn rất trẻ. Tuy nhiên, điều tôi ngạc nhiên và khâm phục hơn cả, vẫn là quyết định chọn lựa sự ở lại với “nghiệp” sau khi “nghiệp” đã đem lại cho họ một tình yêu tuyệt vời, với tôi, mang ý nghĩa hầu như chưa có hai!
Tôi biết, có rất nhiều cuộc hôn phối tốt đẹp nảy nở giữa môi trường làm việc chung của đôi trai tài gái sắc.
Tôi cũng biết, từ môi trường làm việc chung, tình yêu đã đặt tay nàng, để họ đi suốt hành trình đời sống tốt đẹp, như ý nghĩa đầu tiên, khi Thượng đế tạo ra nhân loại. Kết quả cụ thể là những cuộc tình tốt đẹp kia, đã đem nhiều hữu ích ở nhiều lãnh vực khác nhau, cho rất nhiều đời sau. Nhưng tôi chưa thấy một cuộc hôn nhân nào là, kết quả cụ thể của một tình yêu giữa hai con người có chung một lý tưởng: sống cho kẻ khác, như cuộc hôn phối giữa hai phóng viên chiến trường Dương Phục – Vũ Thanh Thủy.
Tôi muốn nhấn mạnh, phóng viên chiến trường là một nghề bất trắc, vào sinh ra tử hơn bất cứ một ngành nghề nào khác. Phóng viến chiến trường, cũng như những người lính được ném vào trận địa… Khác nhau chăng, người lính được huấn luyện tác chiến từ quân trường, từ kinh nghiệm sống sót sau những lần đụng độ. Họ cũng được trang bị khí giới và, những phương tiện thiết yếu một khi lâm trận. Chưa kể chung quanh họ còn có đồng đội. Những người cùng vào sinh ra tử như họ…
Những phóng viên chiến trường thì không. Họ chỉ có một cây bút, chiếc máy ảnh hoặc một máy thu thanh, thu trực tiếp mọi diễn biến của trận đánh… Những phóng viên chiến trường này, cũng không thể so sánh với các phóng viên chiến trường của các hãng tin quốc tế… Nếu chẳng may họ có phải nằm xuống giữa trận tiền thì, gia đình, thân nhân của họ sẽ được đền bù một cách xứng đáng, từ tinh thần tới vật chất… Người phóng viên chiến trường của cuộc chiến Việt Nam hai mươi năm, không có được một ưu tiên nào, ngoài đam mê nghề nghiệp và tự ái dân tộc, như nhận xét của nhà báo Lê Phú Nhuận. (2)
Tôi đọc và, thấy được cái đẹp lung linh, lấp lánh của tình yêu Dương Phục – Vũ Thanh Thủy, qua đoạn văn tóm tắt trong phần “Những lời nói đầu” mở vào tác phẩm, của nhà văn Trần Phong Vũ. Ông viết:
“… Tính độc đáo của lối diễn, dẫn và thuật chuyện bằng một văn phong tươi mát giúp người đọc thấy thêm những góc cạnh rất riêng tư nhưng cũng rất tự nhiên về thân thế, lai lịch và cá tính hai đồng tác giả. Trong bối cảnh chiến trận khét lẹt mùi bom đạn ấy, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy gặp nhau. Một lần, hai lần, ba lần… đủ để cho một cuộc tình lãng mạn nảy sinh giữa đôi trai tài gái sắc trong không khi chiến trường miền Nam ngày càng sôi động. Đầu năm 1974, họ chính thức thành vợ chồng.
“Nửa đêm về sáng 15/4/1975, chẵn 15 ngày trước khi chế độ Cộng hòa miền Nam bị Cộng sản miền Bắc thôn tính, đứa con đầu lòng của hai người cất tiếng chào đời giữa một Saigon đang lên cơn hấp hối. Chuyện tù đày nối tiếp ở phân nửa tác phẩm với nhiều tình tiết gay cấn qua các toan tính thông minh của Thủy, để chuyển những lá thư tình cho Phục được giấu kín trong ruột điếu thuốc lá. Ngoài mục đích thông tin, bày tỏ tình cảm để nâng đỡ tinh thần người chồng trong cảnh tù đày tuyệt vọng, nó cũng là phương tiện phác họa một kế hoạch táo bạo mà sau này khi tình cờ phá vỡ, bọn cai tù đã mệnh danh là ‘Kế hoạch giải thoát cải tạo viên của người vợ tù gián điệp CIA.’” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 19 và 20)
Tất nhiên, bất cứ ai khi đã đọc hồi ký Phóng Viên Chiến Trường của Dương Phục – Vũ Thanh Thủy, đều không thể không công nhận trí thông minh, đảm lược hơn người của người phụ nữ đặc biệt Vũ Thanh Thủy. Nhưng, với riêng tôi, tôi cho rằng, vì quá đam mê nghề, nghiệp, nên khi thành vợ chồng cặp phóng viên chiến trường ngoại lệ này, đã không nghĩ tới việc tạo một lề an toàn cho tương lai, con cái. Vì đam mê, vì cái “nghiệp” chứ không phải nghề, nên họ đã bỏ chung tất cả những quả trứng trong một giỏ trứng… Tôi cho cũng chính vì cái “nghiệp” ấy, nên ngày 30 tháng 4 năm 1975, xảy đến, cặp vợ chồng phóng viên chiến trường ngoại khổ này, dù đã xuống tàu, nhưng nửa chừng lại, bỏ bố mẹ, ôm đứa con gái đầu lòng, trở vào bờ, để từ đó, cả gia đình rơi sâu vào một cuộc trả thù mù lòa bởi Bên Thắng Cuộc. (3)
Ghi nhận về quyết định quay trở lại của hai tác giả hồi ký Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, tôi cho nhà văn Nguyễn Ngọc Bảo đã cảm được hương, vị vinh quang cũng như oan nghiệt của cái “nghiệp” của hai tài hoa Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, khi họ Nguyễn viết:
“… Tôi nghĩ mỗi người khi được sinh ra đời đã được trang bị sẵn tấm bản đồ định mệnh. Vì định mệnh, đầu tháng 5/1975 khi cùng cha mẹ và anh chị em bên gia đình vợ ngồi trên một con tàu nhỏ lênh đênh trên hải phận quốc tế để đi tìm tự do, anh Dương Phục đã quyết định đưa vợ con theo một thuyền đánh cá trở về. Anh trở về phần vì lo cho cô con gái đầu lòng vừa chào đời trước đó hai tuần không kham nổi nắng mưa khắc nghiệt của cuộc hành trình trên biển, phần muốn làm một chứng nhân lịch sử cho quê hương. Và rồi, anh đã trả giá khá đắt cho quyết định của mình.
“Tuy nhiên, cũng nhờ quyết định ấy, nhờ cái giá anh phải trả ấy, ngày hôm nay chúng ta có thiên hồi ký: Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển.” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 34)
Tôi muốn gọi quyết định quay về của Dương Phục là tiếng gọi thầm thì, không lời của “Nghiệp” (chữ Nghiệp viết hoa) dành cho những định mệnh lớn. Tiếng gọi tuy âm thầm, nhưng đừng quên lẩn quất đâu đó, vẫn là thần chết.
Từ chối lợi nhuận, nhân cách rạng ngời của hai nhà báo đặc biệt
Tiếng gọi âm thầm đầy tính ma mị của “nghiệp” đã theo gần hết cuộc đời hai bạn-tôi, Dương Phục – Vũ Thanh Thủy, cũng được nhà báo Lê Văn, Giám đốc chương trình Việt ngữ lâu đời nhất của Đài phát thanh VOA, ghi xuống như sau:
“… Có những quyết định bất ngờ của Dương Phục mà trong trường hợp bình thường thì khó lòng giải thích nổi. Thí dụ khi địch quân đang tiến sát vào Sài Gòn, mọi người hoảng loạn chạy vào tòa Đại sứ Mỹ hoặc lên tàu thủy, lên máy bay tìm cách đưa vợ con ra khỏi nước thì người Sĩ quan kiêm ký giả chiến trường này lại chạy thẳng vào Đài phát thanh với hy vọng có thể tiếp tục làm công việc thông tin cho dân chúng biết những biến cố mới nhất. Đài phát thanh bao giờ cũng là một trong những mục tiêu đầu tiên mà Cộng quân cố gắng chiếm để tuyên truyền, nhưng người ký giả yêu nghề vẫn bất chấp nguy hiểm khi làm phận sự.
“Là người sống bằng nghề truyền thông trong mấy chục năm qua, tôi thông cảm với niềm đam mê của Dương Phục, vì chính mình cũng đã từng lăn xả vào nhiều nơi nguy hiểm để săn tin. Nhưng khi anh đã đi cùng với gia đình vợ ra khơi trên con tàu di tản, mà vẫn quyết định trở về để có thể chứng kiến, ghi nhận và tường thuật những gì xảy tới cho đất nước mình dưới chế độ Cộng sản thì tôi phải chào thua. Yêu nghề tới mức đó gần như tuyệt đối, không thua gì các ký giả dám tiến sâu vào chiến trường Iraq, Syria, Afghanistan làm phóng sự mà không cần biết tới nguy cơ có thể bị quân ISIS chặt đầu.
“Lòng can đảm của anh có lẽ đã được tăng cường vì có người vợ cũng là ký giả và cũng yêu nghề không kém.
“Đọc phần hồi ký của Vũ Thanh Thủy về những ngày làm phóng viên chiến trường, tôi chợt liên tưởng tới cô Lynsey Addario, nhiếp ảnh viên quốc tế chuyên săn hình tại những vùng mà chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Cô làm việc cho nhiều tạp chí uy tín gồm cả Newsweek, New York Times, National Geographic và đã được giải Pulitzer năm 2009 vì những tấm hình cô chụp các chiến binh Taliban đang hoạt động ở Afghanistan. Bọn Taliban vốn khinh rẻ đàn bà và không ngần ngại giết chết các phóng viên ngoại quốc, vậy mà người nữ ký giả tài ba bạo dạn này vẫn tiếp cận được với chúng ngay tại nơi hang ổ của chúng trong những vùng đồi núi hoang vu để chụp hình và làm phóng sự đem ra thế giới bên ngoài.
“Mặc dù đã mấy lần suýt chết tại vùng Trung Đông, cô vẫn không bỏ nghề mà còn sang tận Somali, Uganda rồi Congo để chụp hình và tường thuật tình trạng thảm thương của các thiếu nữ bị quân khủng bố đem bán làm nô lệ tình dục. Những bức hình hiếm có này đã đem lại cho cô giải thưởng 500 ngàn do hội McArthur Fellowship trao tặng. Cuốn hồi ký của cô nhan đề là It’s what I do, A Photographer’s Life of Love And War vừa được đạo diễn lừng danh Steven Spielberg làm thành phim ảnh.
“Nữ phóng viên Vũ Thanh Thủy trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cũng đã tạo những thành tích xuất sắc khi tường thuật các trận đánh ác liệt trên chiến tuyến mà cô từng đến tận nơi để chứng kiến giữa cảnh bom rơi đạn lạc. Tại Sài Gòn cô là thông tín viên báo chí, là ký giả phát thanh hoạt động rất năng nổ qua các biến cố chính trị dồn dập thời Đệ Nhị Cộng hòa…” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 36, 37, 38)
Nhắc tới ký giả Lynsey Addario có một cuốn sách được đưa lên màn ảnh đại vĩ tuyến, những người dõi theo thành tích đặc biệt, ngoại lệ của cặp phóng viên chiến trường Dương Phục – Vũ Thanh Thủy, không khỏi hãnh diện khi nhớ lại rằng năm 1988, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã ký hai hợp đồng: hợp đồng phim với Sterling Lord Literary Agency ở New York và hợp đồng sách với Robert Barnett, luật sư chuyên về tác quyền ở tại Washington D.C.
Những người biết chuyện, còn hãnh diện hơn nữa về nhân cách của hai phóng viên chiến trường Dương Phục – Vũ Thanh Thủy, khi họ quyết định hủy bỏ cả hai hợp đồng vì:
“Khi chúng tôi không đòi được toàn quyền kiểm soát nội dung phim và thời điểm phát hành sách. Dù lợi nhuận từ hợp đồng phim và sách là cả một tài sản lớn lao đối với một gia đình tỵ nạn trắng tay như chúng tôi vào năm đó, nhưng chúng tôi không thể để cuốn tự truyện bị thương mại hóa. Lý do chỉ vì: dù đây là mẩu chuyện đời rất riêng tư của hai người chúng tôi, nhưng cũng là cảnh đời tiêu biểu của hàng trăm ngàn người dân miền Nam, sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.
“Và những cảnh đời này cần phải được kể cho thế giới nghe, đọc, xem một cách trung thực và trang trọng để hiểu về một đất nước Việt Nam bị xâu xé chừng nào trong chiến tranh. Cũng như để biết về một dân tộc Việt Nam đã can trường, dũng cảm biết bao trong suốt cuộc chiến dài 30 năm. Và sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn còn tiếp tục chiến đấu với hậu quả của nó, tới ngày nay.” (Trích Dương Phục – Vũ Thanh Thủy “Lời tri ân,” Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển trang 8 & 9)
Tự ái dân tộc và tự ái nghề nghiệp, trong một chừng mực nào đó, theo tôi là phẩm cách hầu như ai cũng có thể có… (Tôi nhấn mạnh “trong một chừng mực nào đó.”) Nhưng nếu cùng lúc người ta có được cả hai phần: danh tiếng và lợi nhuận (vật chất) thì, tôi tin, không phải ai, nếu không muốn nói là rất hiếm người có được cái tinh thần quên mình, vì danh dự của Tổ quốc, đất nước, như hai bạn tôi: Dương Phục – Vũ Thanh Thủy.
Đọc lại hồi ký Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển chỉ riêng với “Lời tri ân” của hai tác giả này, tôi trộm nghĩ, ngày nào, nếu có dịp gặp lại hai bạn, ở Houston, Texas, theo đúng quân kỷ, tôi sẽ nghiêm chỉnh chào kính họ, để bày tỏ lòng trân trọng, ngưỡng mộ hai phóng viên chiến trường, yêu đất nước mình. Mặc dù, có thể họ sẽ không hiểu, từ đâu, tại sao, có sự chào kính nghiêm chỉnh ấy, ở nơi tôi?
“Báo chí và chiến trường” miền Nam: Tấm gương soi nhiều bài học?
Đọc lại hồi ký của hai phóng viên chiến trường Dương Phục/ Vũ Thanh Thủy: Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển tuy vẫn còn bị lôi cuốn bởi những dữ kiện phong phú, dữ dội, mà chưa một hồi ký nào đề cập - - Nhưng cũng nhờ cường độ xúc động giảm bớt mà, tôi thấy dường như với bất cứ phân đoạn hay tiết mục nào của cuốn hồi kỳ này, cũng đều khiến tôi thấy chúng không chỉ như tấm gương, hay bảng chỉ đường về nghề nghiệp, phong cách của hai phóng viên chiến trường ngoại khổ kia mà, với tôi, chúng còn là những bài học rất đáng suy ngẫm.
Thí dụ, khi Vũ Thanh Thủy viết về hai nữ ký giả chiến trường nổi tiếng thế giới là Marie Joannidis và Oriana Fallaci, từng có thời kỳ đến Saigon, để theo dõi cuộc chiến miền Nam - - Cả hai đã mau chóng trở thành hai người bạn lớn của Vũ Thanh Thủy. Rồi, từ kinh nghiệm chiến trường, phong cách sống với nghề nghiệp của họ, đã mang lại cho Vũ Thanh Thủy nhiều chỉ dẫn, nhiều bài học hữu ích…
Đặc biệt, Marie Joannidis đã tiên báo cho Vũ Thanh Thủy biết, chắc chắn Thủy sẽ gặp lại Dương Phục, ngay sau buổi đầu gặp mặt, trong hoàn cảnh Dương Phục bị từ chối, khi xin quá giang một chuyến trực thăng ra khỏi trận địa. Và, Oriana Fallaci, thần tượng của họ Vũ… đã để lại cho Vũ Thanh Thủy một câu nói ruột, gan, chân tình mà họ Vũ vẫn nhớ, tới hôm nay.
Câu chuyện được chính Vũ Thanh Thủy thuật lại như sau:
“… Đột nhiên, một tiếng nổ thật lớn làm chiếc máy ghi âm văng khỏi tay tôi. Người tôi bật ra phía sau vì sức ép của tiếng nổ. Tôi nhìn sang bên phải. Chiếc chiến xa đi cạnh xe chúng tôi đang bốc cháy. Những người lính ngồi chung quanh thành xe, mới vài phút trước đó còn giơ tay cười vẫy chúng tôi, bây giờ không còn nữa. Liên tiếp theo đó là những tiếng nổ rền vang khắp nơi quanh tôi…” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 273)
Và trong hốt hoảng, Vũ Thanh Thủy cũng bàng hoàng khi nhớ ra, bên cạnh chị, không còn thần tượng Oriana Fallaci. Chị gào, kêu tên bạn nhiều lần… Cho tới khi Oriana Fallaci từ trong lòng chiến xa, nhô đầu lên, lay chân họ Vũ, lúc đó vẫn còn ngồi vắt vẻo trên thành chiến xa… Oriana xác nhận bà vẫn còn sống… Buổi chiều đó, khi đã ngồi trên trực thăng trở về hậu cứ Tây Ninh, cô phóng viên chiến trường nhỏ tí, vẫn ngồi vắt vẻo trên thành chiến xa, khi bom đạn nổ rần bốn chung quanh, kiêu hãnh hỏi “đàn chị” Oriana Fallaci:
“Em không nghĩ là chị sợ, vậy tại sao chị phải núp dưới lòng xe thiết giáp vậy?
“Oriana nhìn tôi. Trong ánh hoàng hôn đã bắt đầu nhạt nhòa, ánh mắt sáng long lanh của chị làm tôi bối rối, và tôi chợt nhận ra sự ngông cuồng và trẻ con của mình.
“Rồi chị trả lời bằng tiếng Pháp:
“Attends jusqu’à tu es plus âgée! – Hãy chờ đến khi em lớn tuổi hơn (sẽ hiểu)
“Câu nói đó tôi không quên.
“Mỗi lần thấy sự ngông-cuồng-tuổi-trẻ nổi lên trong lòng, rất thường xuyên, tôi nhớ lại ánh mắt và câu trả lời của chị. Và, rồi tôi khiêm tốn nhủ thầm “HÃY CHỜ ĐẾN KHI LỚN TUỔI HƠN!” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 274)
Nhưng khi đọc lại những trang Vũ Thanh Thủy viết về tâm cảnh thật của người lính vào sinh ra tử nơi trận tuyến, tôi càng thêm nảy sinh lòng cảm khái, những gì chị đã viết xuống…
Những ghi nhận của chị về người lính, gần như chưa có một nhà văn hay một phóng viên nào, lại viết thẳng thắn đến lạnh lùng như vậy. Khiến người đọc có thể bị ngỡ ngàng… Dù, đó là sự thật.
Sự thật chung quanh sự kiện Sống/ Chết của người lính nơi chiến trường mà, nhiều phần do họ Vũ được người lính tin cậy, chia sẻ những cảm thức sâu kín, trong tương quan giữa người với người.
Ở phần này, Vũ Thanh Thủy ghi nhận, phân tích khá rõ khía cạnh tâm lý phức tạp của người lính miền Nam. Mặt nào khác, nó cũng cho thấy tinh thần hay xu hướng tự do của miền Nam trước đây khi: từ học đường tới xã hội, thanh niên, học sinh miền Nam không bị nhồi sọ chủ trương hận thù, tinh thần hy sinh mù quáng vì Đảng hoặc vì lãnh tụ.
Vũ Thanh Thủy viết:
“… Không chiến binh nào sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, vì muốn làm anh hùng. Họ lao vào sinh tử một cách bình thản vì đó là điều họ được huấn luyện để hành xử ngoài mặt trận. Đó là hành động phải làm của một chiến binh có lòng tự trọng và tình đồng đội.
“… Tôi nhận ra, chiến đấu ngoài trận tuyến không phải vì sống chết, mà vì lòng tự trọng. Đã đặt chân ra tuyến đầu mặt trận, người chiến binh không còn quan tâm tới những ngôn từ to lớn, vĩ đại như lòng ái quốc, hay bảo vệ tổ quốc hoặc gìn giữ hòa bình cho đồng bào nữa… Họ chỉ quan tâm tới chuyện bảo vệ nhau và sống chết theo lòng trung tín với nhau tới độ mà người dân thường, trong cảnh sống bình an, khó thể nào hiểu nổi. Tôi thấy ngay cả tình vợ chồng, tình cha con cũng không khốc liệt và cấp thời như tình đồng đội của các chiến binh với nhau ngoài trận địa. Đó là bổn phận hàng đầu của họ. Chiến đấu ngoài mặt trận đã trở thành tỏ bày nhân cách, giữ gìn công lý và bảo vệ tình người. Các chiến binh cũng dành cho tôi cùng một thứ tình chăm sóc và quan tâm như họ đã đối xử với nhau…” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 277 & 278)
Vẫn ở Phần thứ IV, tựa đề “Vũ Thanh Thủy Và Mặt Trận,” chương 07, tiểu tựa “Báo chí và Chiến trường” Vũ Thanh Thủy cũng dành nhiều trang sách viết về danh tướng Đỗ Cao Trí, một thiên tài quân sự của miền Nam, nhưng đồng thời cũng là người phải nhận chịu nhiều tin đồn xấu xa, tồi tệ nhất…
Tên tuổi của tướng Trí không chỉ chói sáng trên chiến trường miền Nam mà, nói chung, dư luận thế giới cũng đã nhìn ông với con mắt ngưỡng phục. Rất tiếc, ông chết khi mới chỉ 42 tuổi. Cái chết của ông cũng dấy lên nhiều nghi vấn.
Phải chăng, nhờ sắp xếp tình cờ của những định mệnh lớn, cuối cùng rồi cũng họ cũng gặp nhau! Người nữ phóng viên chiến trường gần như duy nhất của miền Nam Vũ Thanh thủy, đã có nhiều cơ hội tháp tùng hành quân với trung tướng Trí trong những ngày tháng cuối đời ông?
Nhờ vậy, người đọc, như chúng ta được biết một số sự thật ít người biết về một danh tướng của chiến trường miền Nam nhiều chục năm trước đây.
Sau khi ghi nhận và phân tích về tinh thần đồng đội của người lính miền Nam, phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thủy đã chuyển ngay tới trường hợp của Trung tướng Đỗ Cao Trí, khi chị viết:
“… Tướng Đỗ Cao Trí đặc biệt thể hiện tinh thần đồng đội chiến binh này. Mỗi lần thấy binh sĩ gặp khó khăn, dù là chiến xa bị sa lầy, hay một đơn vị bị bao vây, ông đều tận tình ở phía bên tiếp tay giải quyết. Tôi chứng kiến biết bao lần ông ra lệnh trực thăng đáp ngay xuống mặt trận hay nhảy lên chiến xa xông ra tuyến đầu, mặc lời ngăn cản của bộ tham mưu hay sĩ quan tùy viên.
“Một lần trên chuyến trực thăng bay từ mặt trận về Biên Hòa, tôi hỏi tướng Trí tại sao ông không bao giờ lên tiếng trả lời hay cải chính những tin đồn đãi không đúng về ông. Ông nhún vai:
“Tôi không phải chính trị gia. Tôi là tướng. Binh sĩ hiểu tôi là đủ. Lính của tôi không đủ thì giờ đánh giặc ngoài mặt trận, tại sao tôi phải uổng thì giờ o bế dư luận trong thành phố?
“Tôi làm gan hỏi tới:
“Mà tại sao người ta cứ tung nhiều tin xấu về trung tướng quá vậy?
“Ông có vẻ giận:
“Cô hỏi đám đồng nghiệp báo chí của cô đó. Mấy ai chịu đi ngoài mặt trận để xem tụi tôi chiến đấu sống chết làm sao, mà chỉ lo tung tin đồn giật gân để bán báo thôi. Nên tôi không cần để tâm…” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 279 và 280)
Dương Phục/ Vũ Thanh Thủy: “Cái giá của danh vọng"!.!
Khi viết danh tướng Đỗ Cao Trí, ký giả chiến trường Vũ Thanh Thủy, đã chọn một tiểu đề cho phần chị ghi nhận về vị tướng chết yểu này” “Cái Giá Của Danh Vọng,” tôi cho là một tiểu đề sâu sắc, ý nghĩa. Nó không chỉ ứng dụng vào trường hợp của Đại tướng Đỗ Cao Trí, hay chính người viết mà, còn gây được nhiều suy ngẫm cho độc giả nữa.
Sau những lần nói chuyện với tướng Trí trên các chuyến trực thăng bay đến hay trở về từ trận địa, họ Vũ từng được nghe chính tướng Trí kể rằng cuộc đời ông thấy vậy mà cực kỳ thăng trầm. Ông nói ông đã, “từng bị tù sau một cuộc đảo chánh và được thăng quan tiến chức sau một cuộc đảo chánh khác. Ông nói, ông rất ghét chính trị vì chính trị biến con người thành mưu mô không chút tình nghĩa. Ông tâm sự danh vọng và quyền thế làm ông có nhiều kẻ thù và không dám tin ai…” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 280)
Thoạt tiên, phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thủy, rất ngạc nhiên, tại sao tướng Trí lại đặt niềm tin nơi chị (?) Khi ở thời điểm đó, chị còn quá nhỏ, chỉ đáng tuổi con gái ông, lại mới vào nghề phóng viên…
Lâu dần chị hiểu ra điều mà tướng Trí gọi là “Cái giá của danh vọng và quyền lực” làm ông ít dám tin cậy ai để thố lộ những suy nghĩ thật của mình.
Tôi cho rằng tương quan giữa phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thủy và tướng Đỗ Cao Trí, là tương quan định mệnh… Chưa kể, từ kinh nghiệm dạn dày, chỉ huy ba quân, tướng Trí sớm nhận ra nhân cách đặc biệt của họ Vũ:
“… Nói với tôi, ông gần như độc thoại vì tôi sẵn sàng lắng nghe, bày tỏ lòng thông cảm mà chẳng bao giờ nói lại với ai. Tướng Trí như người thầy biết quá nhiều, và có quá có nhiều chất chứa muốn nói ra. Phần tôi là người học trò chẳng biết gì nhưng hay tò mò chăm chú học hỏi…
“Sau này nhìn lại, tôi nhận ra chính những câu chuyện về kinh nghiệm đời sống của ông đã làm tôi thay đổi hẳn cái nhìn về cuộc đời của chính tôi. Tôi trở thành thận trọng trước danh vọng và quyền lực khi thấy những thứ này đòi con người trả giá quá đắt, làm mất đi sự bình an vui sống. Nhất là làm con người không còn dám hồn nhiên tin vào người khác, là điều tôi không bao giờ muốn đánh mất…” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 280 và 281)
Mặc dù là nữ phóng viên chiến trường gần như duy nhất của miền Nam, lại luôn giữ thái độ khiêm cung trong hầu hết mọi trường hợp, nhưng cuối năm 1970, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã chọn 4 phóng viên chiến trường từng tham dự chiến trường Căm Bốt, để trao tặng Huy chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc, mà, trong số 4 người đó, có Vũ Thanh Thủy. Chị cũng là phóng viên chiến trường của miền Nam, trẻ nhất và duy nhất nhận được vinh dự này.
Tưởng cũng nên nói thêm, ba nhà báo kia đều làm cho truyền thông ngoại quốc, như ký giả Lê Minh làm cho tạp chí Time Life; Nick Út làm cho hãng AP; Marie Joannidis của AFP… Lễ gắn huy chương được tổ chức tại Vũ đình trường Quân đoàn 3, Biên Hòa, do tướng Trí chủ tọa.
Khi gắn huy chương cho phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thủy, tướng Trí nhắc nhở họ Vũ bằng tiếng Pháp rằng: “Chaque medaille a son revers!”
Vũ Thanh Thủy giải thích vì những cuộc hành quân vào trận địa, thường có thêm nhà Marie Joannidis của AFP, nên tướng Trí phải dùng tiếng Pháp. Và, chị cũng chú thích câu tiếng Pháp ở trên nơi cuối trang sách của chị rằng:
“Huy chương nào cũng có mặt trái, tục ngữ Pháp của triết gia Michel de Montaigne, thế kỷ 16…” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 282)
Tiếc thay, tình “thầy trò” giữa hai cá nhân cùng có nhân cách sống đáng quý, không được bền lâu hơn, vì trực thăng chở tướng Trí cùng đoàn tùy tùng thình lình phát nổ, khiến tướng Trí từ trần lúc 10 giờ sáng ngày 23 Tháng Hai, 1971.
Trước tin dữ này, người nữ phóng viên duy nhất miền Nam, được trao tặng huy chương cao quý Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, kể lại như sau:
“… Tháng Hai năm 1971, tôi cùng gia đình đi nghỉ hè tại trại trà ở Bảo Lộc. Về đến Saigon, tôi đem một bao dứa ngọt hái từ trại gia đình đến nhà tướng Trí ở đường Phùng Khắc Khoan, nhờ chuyển đến biếu ông tại tư dinh Biên Hòa.
“Tối đó, tướng Trí gọi điện thoại cám ơn tôi về bao dứa và đề nghị tôi tháp tùng ông ra mặt trận ngày hôm sau. Ông nói tin tức chiến trường có nhiều thay đổi trong thời gian tới mà tôi nên biết. Tôi nhận lời.
“Một giờ sau, trong lúc ủi bộ quân phục để chuẩn bị trở lại mặt trận, tôi chợt nhớ đã lỡ hẹn với bác Trần Việt Sơn, Tổng thư ký báo Thần Phong, ngày mai nhận công tác mới tại tòa báo. Tôi gọi lại cho văn phòng tướng Trí và nhắn là tôi phải dời cái hẹn tháp tùng ông ra mặt trận đến một ngày sau nữa…” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 282)
Hôm sau, khi còn đang ở tòa soạn Thần Phong, mới nhận biên bản điều tra về cái chết của Y sĩ Đại úy Hà Thúc Nhơn - - người từng tố cáo tham nhũng và chiếm giữ Quân y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang một thời gian… thì, một đồng nghiệp của Vũ Thanh Thủy từ báo Hòa Bình chạy tới, báo cho chị và cả tòa soạn Thần Phong biết: Trung tướng Đỗ Cao Trí, đã từ trần vì trực thăng của ông, phát nổ trên bầu trời Tây Ninh. Không một ai sống sót!!!
Bán tín bán nghi trước tin khủng khiếp này, họ Vũ chụp máy, gọi ngay gia đình tướng Trí. Người đầu dây xác nhận:
“Dạ, Trung tướng đã tử nạn!”
Tin chính thức cho biết, Trung tướng Đỗ Cao Trí, hưởng dương 42 tuổi. Ông qua đời vào lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng 2 năm 1971. Thể theo di nguyện của người quá cố, ông được an táng tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, cũng với hàng ngàn đồng đội của ông.
“… Ngày đám tang tướng Trí, tôi mặc quân phục Nhảy dù đi cùng Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn, chỉ huy trưởng Biệt động quân Quân đoàn 3, một trong vài sĩ quan thân cận nhất của tướng Trí, đến Nghĩa trang Quân đội tiễn đưa tướng Trí như những chiến hữu tiễn biệt đồng đội của mình đến nơi an nghỉ cuối cùng.
(…)
“Nhìn đoàn người đầy kín nghĩa trang để tiễn đưa tướng Trí, tôi bồi hồi cảm nhận nỗi tiếc thương sâu xa mà các chiến sĩ và quân lực dành cho ông. Nghe mọi người gọi ông là ‘cố Đại tướng’ tôi thấy nghẹn ngào. Chẳng ai muốn được ‘lên lon’ trong nhang khói, thân phủ cờ vàng và trong nước mắt người thân như thế, dù là ‘lon’ Đại tướng.
“Khi quan tài ông được hạ xuống lòng đất, chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi nhìn sang Đại tá Chuẩn, người lính biệt kích cả đời vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, mà cũng phải rút khăn tay chùi nước mắt, thương người bạn chí tình đã vị quốc vong thân.
“Sống sao chết vậy. Tướng Trí đã hết lòng vì nước vì binh sĩ, giờ đây thân xác ông được phủ lá cờ Tổ quốc ghi ơn và được an táng bên hàng ngàn chiến sĩ thân yêu nơi nghĩa trang quân đội mênh mông này.
“Đất nước mất đi một anh hùng, quân đội cũng như người dân miền Nam mất một vị tướng dũng cảm, tài ba, đầy tình nghĩa với non sông đất nước và đồng đội.
“Riêng tôi từ nay mất đi một người thầy hiếm quý đã chứng minh cho tôi thấy, sự ngay thẳng và tư cách của mỗi con người luôn được tôn trọng, dù ở tuổi tác nào.” (Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, trang 284 & 285)
Như đã nói, từ đầu bài viết này, với bất cứ một chương nào trong 15 chương (kể cả “Lời kết” hay “Phụ bản”) hồi ký “Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển, tôi cũng đều muốn trích đoạn gửi tới bạn đọc chưa có cuốn sách này - - Nhất là những chương nói về tình yêu của hai con người có chung một định mệnh lớn như Dương Phục/ Vũ Thanh Thủy… Hoặc những chương họ nói về những ngày họ phải đối đầu với hải tặc, vắt kiệt trí thông minh, cùng những phép lạ, nhận được từ Thượng đế, để họ có thể tồn tại trong địa ngục “Ko Kra...” Nhưng đây chỉ là một bài điểm sách nhỏ, giới hạn, tôi không thể viết dài hơn.
Chưa kể, tôi cũng tự thấy, không được phép làm giảm bớt những cảm động, xúc động chảy nước mắt của độc giả, khi họ một mình nổi chìm theo vận mệnh ngoại khổ của hai phóng viên chiến trường Dương Phục/ Vũ Thanh Thủy, của miền Nam, ghi nhận về những ngày tháng cuối cùng của lịch sử nền Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam.
Hơn thế nữa, với tôi, họ là hai trong số không nhiều lắm, phóng viên chiến trường của chúng ta, buộc những phóng viên ngoại quốc (dù chói lòa tên tuổi) không dám coi thường tinh thần trách nhiệm và, lòng yêu nước của người Việt Nam trong lãnh vực truyền thông!.!
___________
Chú thích:
(1) Hồi ký Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển dày 700 trang, khổ lớn, với hàng trăm tấm hình mang tính lịch sử; do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản. Ấn phí 30 Mỹ kim. Mọi giao dịch xin gửi về Dương Phục – Vũ Thanh Thủy: 10613 Bellaire Blvd., Suite 900. Houston, TX 77072. Tel. (713) 917-0050. Email: info@radiosaigonhouston.com
(2) Nhà báo Lê Phú Nhuận trước khi trở thành chánh sở tin tức cho cơ quan Việt Tấn Xã, Sài Gòn trước Tháng Tư, 1975, ông có một thời gian dài làm phóng viên chiến trường. Ông cùng một số đồng nghiệp (trong đó có Dương Phục) tình nguyện xin theo học theo khóa nhảy dù… Chẳng phải vì quyền lợi vật chất nào mà, như ông nói: “Chỉ vì tự ái dân tộc, vì cuộc chiến ở miền Nam là cuộc chiến của đất nước mình, dân tộc mình, nên không thể để tụi nhà báo ngoại quốc coi khinh mình được. Chúng nó có thể không nhảy dù xuống giữa trận địa, nhưng phóng viên chiến trường Việt Nam thì phải nhảy… Phải dám lao vào. Phải dám xông tới…”
Nhà báo Lê Phú Nhuận tốt nghiệp khóa phóng viên phát thanh và báo chí đầu tiên của miền Nam. Ông đã về hưu, hiện cư ngụ tại Thành phố Houston, Texas.
(3) Bên Thắng Cuộc, tác giả Huy Đức
Vui long cho biet them chi tiet.
Cam on
Bạn có thể liên lạc với anh Phương ở báo Người Việt: (714) 949.7122