Nguyễn An Bình, một tác giả quen thuộc trên thi đàn miền Nam trước năm 1975 vừa xuất bản tác phẩm mới “mười năm bóng ngựa qua thềm cũ” (NXB Hội Nhà Văn 2016). Ra mắt tập thơ đầu tiên “đường tim” vào năm 1970 khi ông mới 16 tuổi, mặc dầu có lúc mạch thơ tưởng chừng như đứt đoạn vì công cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền. Thế nhưng trong khoảng thời gian gần đây, dòng thơ của tác giả Nguyễn An Bình đang trỗi dậy mạnh mẽ với những vần thơ đầy trẻ trung yêu đời và tràn đầy đẹp đẽ thuở áo trắng tinh khôi. Phải chăng, những rung động xuyến xao một thời mơ mộng u hoài của người thầy giáo già vẫn vẹn nguyên trên từng trang thơ ông viết, như đôi mắt ngây thơ của các cô cậu học trò nhỏ còn vương bụi phấn? “Tìm trong lá màu mắt em dịu ngọt/ Ẩn sau cành lấp lánh tiếng ve sôi/ Người đã xa theo mùa hè rực cháy/ Cánh phượng hồng thắm đỏ cả hồn tôi”, thơ ông lấp lánh một tình yêu đẹp, một mỹ cảm trọn vẹn với cái nhìn thân thương, quen thuộc gắn bó với biết bao thế hệ mỗi người đã từng đi qua một thời cắp sách đến trường. Chính tình yêu ấy đã thắp lửa trong tim, thắp lửa trong tâm hồn với những vần thơ nhẹ nhàng đong đầy tất cả nỗi nhớ, tất cả tin yêu mà tác giả đã gieo trọn cả cuộc đời mình. Đó là “một ngày tôi trở lại trường xưa/ thầy giáo cũ nhìn cái gì cũng lạ”, đó là “tôi đi tìm em, em lại tìm tôi/ đi hai hướng giữa hai bờ hạ trắng”, đó là “em xưa một đóa hồng xinh/ thả thơ theo gió thả tình theo sông”, đó là “con phố nhỏ chiều nay bừng sắc nhớ/ lại một mùa phượng tím trổ qua đây”... và nhiều, nhiều nữa những hình ảnh đẹp êm ả chảy trong thơ gợi trong lòng mỗi người một dòng sông huyển ảo, chảy hoài, chảy hoài chưa bao giờ ngừng lại. Ai đã từng đọc thơ Nguyễn An Bình mà không vương vấn, mà không nhớ nhung, mà không thổn thức, mà không hoài niệm... khi trang thơ thấm đẫm cái tình son sắt mà tác giả dày công vun đắp, để dòng thơ còn chảy mãi trong đời, làm thỏa lòng người yêu thơ. Chắc cũng bởi lý do ấy, thơ ông được nhiều người đọc và cảm nhận, được rất nhiều nhạc sĩ tìm đến phổ nhạc, có thể kể đến nhạc sĩ Hoài Yên, Nguyễn Trung Nguyên, Mộc Thiêng, Viết Hùng, Huy Thọ... Và thơ ông, âm vang trong lòng độc giả một cách rất tự nhiên như giọt tình thơ hòa quyện với những nốt nhạc trầm bổng khẽ khàng cất tiếng. Có thể nói qua 11 thi phẩm đã xuất bản, Nguyễn An Bình đã dành trọn cuộc đời mình với thi ca bằng tất cả những gì ông có, bằng tất cả niềm đam mê tận hiến cho đời, cho người, cho những nàng thơ còn vương vấn đâu đây.
Ta nợ nhau một cánh phượng hồng
Vương tà áo trắng thuở qua sông
Mưa bay trắng quá khung trời cũ
Nhìn cánh bèo xa chợt nhói lòng
(Ta còn nợ nhau)
Câu thơ ẩn chứa những gì tác giả muốn bày tỏ, muốn đi tìm,“ta còn nợ nhau” nên thơ viết mãi mà vẫn chưa dứt, bởi vì trần thế còn muôn ngàn vẻ đẹp khiến trái tim thi sĩ nhung nhớ, gửi gắm. Dòng thơ Nguyễn An Bình chảy qua thể thơ lục bát mượt mà, gói vào thể ngũ ngôn êm ả và đắm chìm trong những vẻ đẹp mong manh mơ hồ giữa cuộc đời. Đặc biệt nhất, trong thơ, người đọc luôn nhận ra nàng thơ hiện diện một cách bí ẩn và chan chứa một ánh nhìn vị tha, bao dung với cuộc sống. Nói như nhà thơ Trúc Linh Lan khi đọc tập thơ “mười năm bóng ngựa qua thềm cũ: “Mối tình học trò thường ít khi thành nợ phu thê, mà nó chỉ còn là kỷ niệm đẹp để ta giữ lại trong lòng, và nói như các nhà thơ, để ta làm thơ thương nhớ một thời, để nhận ra hiện thực cuộc đời không phải toàn là hoa hồng”. Có lẽ, những ký ức thuở xa xăm yêu người đã đi theo suốt năm tháng thi sĩ còn lưu trú trên trần thế, để rồi bung tỏa thành những đóa hoa xinh đẹp, một vẻ đẹp dịu êm và u buồn. Những người đọc thơ, làm thơ, yêu thơ hầu như đều dành tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất đối với thơ Nguyễn An Bình. Đối với tôi cũng vậy, không hiểu sao thơ Nguyễn An Bình thoáng qua một cách rất nhẹ nhàng, tình cảm nhưng để lại trong lòng người nhiều cảm xúc đến vậy. Trong bối cảnh, người người nhà nhà tìm cách đổi mới thơ với sự ra đời của thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại nhưng đối với Nguyễn An Bình, ông vẫn giữ trọn cho mình tình yêu đặc biệt với thể thơ truyền thống, với những hình ảnh đẹp quen thuộc gắn bó trong tiềm thức mọi người. Nhưng có lẽ, ông cũng giữ cho riêng mình, những tâm tư vọng tưởng về ước muốn, khát khao chinh phục cái đẹp mà suốt đời ông cất bước đi tìm. Khi đọc thơ Nguyễn An Bình, nhà thơ Châu Thạch đã phải thốt lên: “Người đọc thơ Nguyễn An Bình như nghe tiếng gió bốn mùa, kể cả mùa đông, vẫn lướt nhẹ qua đồng cỏ xanh tươi và vẫn lướt nhẹ qua hầm sâu, hố thẳm. Khi thơ vui, niềm vui không ồn ào, như tiếng reo hò của con người điềm đạm, gợi trong lòng biết bao ấm áp, ngọt ngào. Khi thơ buồn, tiếng thơ buồn không chỉ ở trong lòng phát ra. Tiếng thơ buồn nghe như từ xa xôi vọng lại”. Và tôi cũng chắc chắn một điều, trong tất cả chúng ta khi đọc thơ ông, ai cũng đều có cảm nhận riêng cho mình, cảm nhận về quá khứ nồng nàn cháy bỏng của tuổi thanh xuân mà ai cũng phải có lần rung động, chảy bỏng với tình yêu đầu đời.
Em như con nước xuôi về biển
Để lại sông buồn trắng cỏ lau
Anh suốt đời thành chim bói cá
Treo tình sầu đá nhọn vực sâu.
(Rong rêu phận người)
Đến khi nỗi buồn dâng cao chất ngất, tiếng thơ sẽ nâng lên thành tiếng lòng, sự sáng tạo sẽ được người thi sĩ cởi áo, mang đến cho người đọc cảm xúc sâu lắng, khắc khoải. Sự thay thế của xúc cảm khi “con nước xuôi về biển”, nhưng thực ra người thi sĩ đang đắm chìm trong nỗi “buồn trắng cỏ lau”, treo ngược tâm hồn trên “đá nhọn vực sâu”. Thêm nữa, thơ Nguyễn An Bình còn được in vết trong mỗi vùng đất, mỗi địa danh mà thi sĩ đi qua, đi để cảm nhận và đi để tìm cảm xúc làm nên những viên ngọc lấp lánh trong cuộc đời. Để rồi, trong mỗi phút mỗi giây, thi sĩ tiếp tục viết nên “Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử/ theo ai về hò hẹn đất phương Nam”, “Sài Gòn Sài Gòn cà phê/ hương thơm quyện mùi đặc sánh”, “Chợ Mới cù lao mùa gió thổi/ em về có qua bắc An Hòa”, “Lòng anh... ai bảo không vương vấn/ Đôi mắt Đà Lạt thật dễ thương”... Có thể nói, dòng thơ Nguyễn An Bình sẽ còn chảy mãi trong dòng đời, không chỉ trong hơn 150 trang viết đầy đặn trong tập thơ “mười năm bóng ngựa qua thềm cũ”. Khi những mốc thời gian dần trôi qua, chỉ còn dòng thơ ở lại bên đời.