"Tháng ba
Núi vã mồ hôi
Hổn hà hổn hển
Cõng trời oằn lưng
Gió nóng như bầy ngựa rừng
Rùng rùng tung vó, hú lưng chừng đèo
Nắng quạt lửa dọc đường chiều
Nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông"
Trên đây là bài thơ "Tháng ba" của Nguyễn Lâm Cúc. Mới đọc qua những câu đầu của bài thơ, người đọc chưa cảm thấy điều gì.
Nhưng khi đọc đến câu cuối cùng, người đọc như nghe lòng mình rung lên. Câu thơ như ghim vào lòng người đọc. Câu cuối cùng của bài thơ đã làm cho bài thơ "Tháng ba" của Nguyễn Lâm Cúc đứng vững, bắt người đọc phải liên tưởng đến hơi thở, cảnh sắc và cuộc sống của một miền quê. Phải chăng đây là miền quê Đức Linh của Nguyễn Lâm Cúc trong một thời gian khó đã qua?
Nguyễn Lâm Cúc, Trần Thị Mộng Dần là hai nữ hội viên hiếm hoi của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận khi mới thành lập vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Thơ Nguyễn Lâm Cúc cô đọng, mới lạ, không ê à vần vè, không bi lụy sướt mướt.
Nguyễn Lâm Cúc đã chắt lọc ý tứ, ngôn từ, đưa hình ảnh và âm thanh vào thơ một cách tinh tế, nhuần nhuyễn, thu hút được đông đảo bạn đọc. Qua theo dõi thơ của Nguyễn Lâm Cúc, người đọc nhận thấy: Những rung cảm, yêu đương, cô đơn, hoài niệm... đã làm nên những trang đời, trang thơ của Nguyễn Lâm Cúc.
"Thổi cùng thơ dại mười năm
Giờ đâu, ơi ngọn gió xanh quê mùa
Tôi về đi giữa ngày xưa
Để lòng ướt đẫm cơn mưa ngậm ngùi"
("Ngọn gió xanh" - Thơ Nguyễn Lâm Cúc)
"Đêm thu trút cả nỗi buồn . Có ai về cuối con đường ấy không?!" Nguyễn Lâm Cúc đã từng hỏi xa xôi để rồi khi trở về "thương bóng ngã":
"Tôi về
trời muộn
đường xa
Tôi về như những ngày qua đi về
Tiếng chân rớt xuống vỉa hè
Cô đơn chạm với bộn bề loanh quanh
Thấy tôi lẻ mãi không đành
Thương tôi bóng ngã xuống thành hai ba".
("Thương tôi bóng ngã")
Người đọc bắt gặp Nguyễn Lâm Cúc với những câu thơ đầy tâm trạng háo hức khi yêu:
"Đôi khi muốn có mùa đông
Để mặc áo đỏ, tô hồng màu môi
Loanh quanh, ngày cạn mất rồi
Làm sao hỏi mượn được người một hôm"
Nguyễn Lâm Cúc yêu tha thiết, mãnh liệt trong thơ:
"Em yêu anh
Ước chi biết tại sao
Yêu đến chết
Chưa hề mong tỉnh lại
Nhưng trời không cho được vậy
Và một ngày trần gian không cả gió và mây
Nước lã em từng say
Nghiêng hết đêm về phía không ai"
Yêu. Nhớ. Nặng lòng với nỗi cô đơn mênh mông sâu thẳm trong cuộc đời, Nguyễn Lâm Cúc làm bạn cùng trăng khuya. "Đãi trăng" là một trong những bài thơ nổi trội trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Lâm Cúc. Người đọc bắt gặp được hồn thơ khoáng đạt, chứa chan tình cảm:
"Hôm nay nhàn ta mở tiệc đãi trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống
Rót lặng thinh vào vô biên độ lượng
Đêm mênh mông trên thập tự mông mênh
...
Cạn ly nhé
Sông có vơi cũng mặc
Say thì say nhưng đừng khóc
Dẫu thế nào cũng ngả nghiêng cười"
(Trích bài thơ: "Đãi trăng")
"Uống rượu cùng trăng say khước ở ven sông", khi trở về trong cô đơn "hóa mộng liêu xiêu", Trong tận cùng nỗi cô đơn mênh mông, Nguyễn Lâm Cúc đã sáng tạo ra những câu thơ có sức cuốn hút người yêu thơ:
"Hôm nay buồn lại bày tiệc gọi trăng
Lời mời rượu
Lại bưng sông ra uống
Đặt lên mâm những quả tình nẫu chín
Hái từ vườn ấp ủ trăm năm
Nào,
Cạn ly trăng nhé
Chớ có chau mày mà xôn xao vằng vặc
Nay bạc đầu còn lang thang như hành khách
Dưới vòm trời nơi nào chẳng cô đơn
Chốn ồn ào chắc gì đã vui luôn
Nói nhiều, cười nhiều. Mấy câu là thực?
Hay có gì đâu khi khoe sầu chất ngất
Nhưng ít ra đó là nỗi lòng ta
Thì,
Nghiêng sông, rót nữa trăng ha!
Muôn thuở tràn trên chén đầy dâu bể
Trăng ơi!
Ta có một tình yêu lặng lẽ
Không hẹn hò đời hóa hoang vu"
(Bài thơ: "Không hẹn hò đời hóa hoang vu")
Những năm gần đây, sau khi xuất bản và phát hành thi phẩm "Đãi trăng", Nguyễn Lâm Cúc chuyển sang viết văn. Nhưng, nhìn chung tản văn và truyện ngắn của Nguyễn Lâm Cúc không được người đọc chú ý bằng thơ. Nếu tiếp tục gắn bó với thơ ca, trải qua những vui buồn, cô đơn và đã nhấp tràn chén "bể dâu" trong cuộc đời "thấm đẫm nhật nguyệt", chúng tôi tin Nguyễn Lâm Cúc sẽ sáng tạo ra những câu thơ "dậy ngát men mùa" cho cuộc đời bớt hoang vu, nhiều khổ lụy này.
LÊ NGỌC TRÁC
La Gi, tháng 3/2017