LOS ANGELES, California (NV) – Sau 51 năm làm việc với hãng thông tấn AP, phóng viên ảnh Nick Út, từng đoạt giải Pulitzer năm 1973, quyết định nghỉ hưu vào cuối tháng này.
“Tôi sẽ về nghỉ hưu vào ngày 29 Tháng Ba, đúng ngày sinh nhật 66 tuổi, sau 51 năm làm việc với AP,” ông Nick Út xác nhận với nhật báo Người Việt.
Ông được biết đến nhiều nhất qua tấm ảnh “The Terror of War” do ông chụp vào Tháng Sáu, 1972, trong đó có hình bé gái tên Phan Thị Kim Phúc, năm ấy 9 tuổi, kinh hoàng chạy trên Quốc Lộ 1 ở Trảng Bàng, sau khi bị trúng miểng bom Napalm, trên mình không một mảnh vải che thân. Với tấm ảnh này, ông được trao giải Pulitzer về “Spot News Photography” năm 1973.
Ông Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sanh ngày 29 Tháng Ba, 1951 tại Long An, Việt Nam.
Ông cho biết hoàn cảnh đưa đẩy ông vào nghề phóng viên chiến trường, khi mới 15 tuổi.
“Anh tôi tên Huỳnh Thanh Mỹ, phóng viên cho AP, tử trận năm 1965. Đám tang anh tôi rất lớn và quy tụ hầu hết những phóng viên nổi tiếng của các hãng thông tấn ngoại quốc lúc bấy giờ. Nhờ thế, một năm sau, khi thấy tôi xin việc, họ đều biết tôi là em của anh Mỹ,” ông kể.
“Thấy tôi còn nhỏ tuổi và xin tập sự làm phòng tối, họ tạm nhận, và sau ba tháng thì bằng lòng cho tôi làm phóng viên, vì quyết tâm của tôi muốn theo bước anh tôi. Đời phóng viên của tôi bắt đầu từ đó,” ông nói.
Ông cho biết năm 1970 ông bị thương ở Cambodia. Ngày 8 Tháng Sáu, 1972 ông chụp tấm ảnh Kim Phúc và Tháng Bảy ông bị thương lần nữa cũng ở gần nhà cô bé này.
“Lần đó tôi bị thương vì mảnh đạn súng cối. Mảnh đạn ấy vẫn còn nằm trong đùi tôi cho đến ngày hôm nay,” ông nói.
Ông cho biết: “Những ngày đầu làm phóng viên, tôi được làm tại Sài Gòn. Đến năm Mậu Thân (1968) tôi được phái ra chiến trường Huế, rồi Quảng Trị, từ Bến Hải xuống tận Cà Mau. Năm 1970 tôi qua Cambodia; năm 1971 qua Lào. Phải nói là tôi theo lính VNCH đi khắp nơi.”
Ông kể về những ngày gần Tháng Tư, 1975.
“Chúng tôi, tất cả nhân viên AP được lệnh trình diện tòa đại sứ Mỹ ngày 27 Tháng Ba, 1975 để được đưa lên máy bay C141 từ phi trường Tân Sơn Nhất lúc 2 giờ chiều, để bay đi Guam. Từ giờ phút đó tôi trở thành người Việt tị nạn,” ông kể.
Tuy chạy giặc, ông vẫn không rời các chiếc máy ảnh.
“Tôi đem theo tất cả các máy hình và bắt đầu chụp hình tại các trại tị nạn. Sau cùng, tôi chụp hình sinh hoạt của người tị nạn tại Camp Pendleton ở San Diego County. Sau đó tôi được di chuyển về trụ sở AP ở Los Angeles năm 1977, trước khi đi Nhật làm việc trong hai năm,” phóng viên kể.
“Năm 1989, AP bắt đầu phái tôi về Việt Nam, vì tôi là người Việt. Năm 2000, AP mở văn phòng đầu tiên ở Hà Nội và tôi là một trong những nhân viên đầu tiên ở đó,” ông nói.
Ông cho biết khi ông xin nghỉ hưu, nhiều tổ chức và hội đoàn đã liên lạc mời ông đến để nhận giải thưởng hay vinh danh ông trong những ngày tới, trong đó có Hội Đồng Giám Sát Los Angeles County.
Ông cho biết ông nhận được khoảng 12 giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh, trong đó, ngoài giải Pulitzer, còn có các giải như George Polk Memorial Award, Overseas Press Club, và National Press Club.
Ông được mời hướng dẫn hội thảo về nhiếp ảnh Eddie Adams Workshop.
Được hỏi về những kỷ niệm chiến trường, ông Nick Út chia sẻ: “Trong chiến tranh Việt Nam tôi có cơ hội gần gũi các người lính VNCH, gần cái chết, cái khổ, tôi thấy gắn bó và nhiều cảm xúc trong công việc. Dĩ nhiên là người Việt, mình hiểu tâm trạng của người dân và người lính Việt Nam hơn.”
“Qua Mỹ, cũng chụp hình, cũng đi đây đi đó, nhưng chỉ là vì công việc,” ông tâm sự.
Phóng viên Nick Út có vợ, hai người con nay đã trưởng thành và có hai cháu nội, 8 và 10 tuổi.
“Tôi về hưu nhưng không thể không chụp hình. Tôi xem máy ảnh như là bác sĩ hay thuốc men của tôi khi về già. Chắc không rời được,”