TRỊNH CUNG - Phê Bình Văn Học và Nghệ Thuật

20 Tháng Năm 201711:02 SA(Xem: 6106)
TRỊNH CUNG - Phê Bình Văn Học và Nghệ Thuật

Những khó khăn.

Là một họa sĩ đã trải qua một chặng đường hơn nửa thế kỷ hành nghề, ngày nay, tôi thường tự hỏi là mình có nên đi thêm vào lãnh vực phê bình hay không khi mà thực trạng việc phê bình không riêng cho hội họa

Vậy đâu là những khó khăn và phiền toái?


Có phải vì những lý do sau đây:

1,

Triết lý sống của người Việt không chấp nhận phê bình. Dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, tánh cả nể, ăn ở cho phải đạo, một điều nhịn chín điều lành,..., là những lời khuyên mà người Việt thường coi như một phương cách xử thế nằm lòng.

2,

Làm nhà phê bình vừa không có hoặc nhận được thù lao không bao nhiêu cho các bài viết mà thường gây mất lòng các văn nghệ sĩ một khi tác phẩm của họ bị vạch ra những yếu kém về chất lượng hành văn hay mỹ học. Phê bình, một việc làm rất đơn độc trong một môi trường văn hoá kém dân chủ và lạc hậu.  

3,

Phê bình cần lý tính mà người Việt lại nặng về cảm tính nên đây cũng là lý do họ không chấp nhận phê bình. Đó cũng là chỗ khác nhau về văn hoá đông và tây nên không tránh khỏi những phiền toái cho một ai đó làm công việc phê bình ở Việt Nam. 

4,

Làm công việc phê bình ở một đất nước không có nhu cầu phê bình như Việt Nam là một chọn lựa hoang tưởng dù ở đó có hằng ngàn văn thơ nhân và họa sĩ kể từ thế kỷ 20 cho đến nay và dù ở đó ngày càng có ít độc giả văn học và người sưu tập tranh.

5,

Ở những nước không có tự do-dân chủ như VN, văn nghệ sĩ có cùng mẫu số chung với các nhà cai trị là không ưa giới phê bình đã đành nhưng người Việt đã sống lâu ngày trên những đất nước là cái nôi của tự do-dân chủ như Hoa Kỳ chẳng hạn, đa số họ vẫn không ăn được cái món "phê bình" thì thật là khó hiểu?


Những vấn đề cốt lõi.

1, Phê bình không phải là ve vuốt 

 (ý của hs. Nguyễn Trọng Khôi)


Đúng vậy, phê bình không phải là chê bai và cũng không phải là ve vuốt. Cả hai chủ ý này đều không thực hiện được cái chủ đích của nhiệm vụ phê bình.

Chê bai hay hạ bệ tác phẩm của ai là không phải việc của một nhà phê bình đích thực trừ phi những tác phẩm kém chất lượng quá mức giả hoặc nó còn phạm vào việc cỗ vũ cho sự đồi truỵ hoặc tội ác mà lại được quảng bá hay tuyên dương một cách bất chấp.

Chê bai trong phê bình không phải là hoàn toàn không có nhưng nó rất hoạ hoằn mà nhà phê bình buộc phải nêu ra để dẫn chứng rằng đoạn văn này hay đường vẽ kia đáng lẽ không nên tồn tại vì nó đã làm hỏng, làm xấu đi tác phẩm của nhà văn hay hoạ sĩ. Nhưng đã là nhà phê bình thì ngôn từ chuyên nghiệp của họ sẽ phải rất tinh tế và lập luận được đưa ra hoàn toàn minh chứng cho điều nhà phê bình đã đề cập. Thật ra, những tác phẩm kém chất lượng thường không được nhà phê bình bỏ công để phân tích nhưng ngược lại có những tác phẩm bị xã hội gạt đi vì không hiểu được ngôn ngữ lập dị của nó hoặc quá xa lạ so với thị hiếu quen thuộc thì nhà phê bình lại đem hết tất cả kỷ năng đọc và kiến thức văn học hay nghệ thuật của mình để tạo ra một lực đủ mạnh để xoay ngược vấn đề, để minh oan cho những giá trị mà tác phẩm ấy đã bị ngộ nhận. Đây là một nghĩa vụ hay nói quá đi là một sứ mệnh cực kỳ quan trọng của những nhà phê bình chuyên nghiệp vì đã bảo vệ hết lòng cho sự sáng tạo, cho cái mới, cho sự thay đổi tốt đẹp, cho sự phát triển văn hoá của dân tộc trong phạm vi quốc gia và của nhân loại trong phạm vi thế giới.


2,

Phê bình có kích thích phê bình? (ý của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh).


Vấn đề được đặt ra là một nền văn học & nghệ thuật lâu nay không có phê bình là do không có người làm phê bình? Đúng vậy, ở đời, cái gì phát triển được cũng do có phong trào, do có người khởi xướng, cách mạng, thời trang,... chẳng hạn. Tuy nhiên, không phải cái nào được khởi xướng đều gặt hái thành công. Phê bình văn học và nghệ thuật ở Việt Nam là một trong số     thuộc về phía "thua cuộc" mà không phải do không có người khởi xướng, người làm phê bình tiên phong. Ví dụ như thời thơ mới của Việt Nam đã có Hoài Thanh và Hoài Chân, thời Tự Lực văn đoàn có Vũ Ngọc Phan với cuốn nỗi tiếng "Nhà văn hiện đại" và sau 1954 ở Sài Gòn, bên văn chương có Lê Huy Oanh, Đặng Tiến, Cao Huy Khanh; bên hội hoạ có Thái Tuấn, Huỳnh văn Phẩm, Huỳnh Hữu Uỷ; nếu kể thêm thời "Sài Gòn lưu vong" sau 1975 thì có Nguyễn Hưng Quốc ở Úc, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Tà Cúc, Đinh Từ Bích Thuý ở Mỹ, Thụy Khuê và Đoàn Cẩm Thi ở Pháp, nhưng rốt cuộc rồi thì nền phê bình văn học và nghệ thuật của Việt Nam dù ở vào hoàn cảnh có tự do như vào 3 thời kỳ lịch sử nêu trên vẫn thuộc vào loại "con cầu con khẩn", không kích thích nỗi việc theo đuổi con đường phê bình ở giới cầm bút huống chi là không có tự do như bây giờ thì lãnh vực phê bình văn học và nghệ thuật thực sự  là "vô sinh".

3,

"Phê bình một cách ngay thẳng là rất khó" (ý của nhà văn Nguyễn Viện).


Ngay thẳng là đức tánh hàng đầu của nhà phê bình. Nó bảo đảm cho sự trong sáng cho việc phê bình. Lẽ dĩ nhiên là rất khó vì nhà phê bình phải vượt qua sự e sợ, vượt qua sự nể nang, sự vụ lợi, sự mất mác. Vượt qua nhiều thứ như thế thì quả là quá khó cho những ai làm phê bình, chả được gì mà còn rước khổ vào thân. 

Đúng ra nhà phê bình đích thực thường có khả năng dẫn dắt dư luận trong đánh giá và chọn lựa tác phẩm. Cũng đúng ra họ là bạn tri âm của nhà văn nhà thơ nhà hoạ vì họ là đọc giã thông sâu, người thưởng ngoạn lý tưởng các tác phẩm hơn là bạn đọc, người xem bình thường, nhưng ở mặt khác, họ là kẻ bị giới văn nghệ thường thường bậc trung e dè, xa lánh, thậm chí là thù ghét nếu họ cảm thấy tác phẩm của mình bị xem thường, bị xếp hạng chiếu dưới.


Dẫu sao, sự chọn lựa con đường phê bình không thể đem vấn đề được và mất lên bàn cân để chọn lựa hơn thiệt. Nó là một định mệnh, niềm đam mê của ai đó chọn lựa công việc phê bình hay ngược lại ai đó bị đặt vào só phận nhà phê bình thì cả hai trường hợp cũng phải hội đủ những yếu tố tạm liệt kê như sau:

- phải am hiểu lịch sử văn học hay lịch sử nghệ thuật

- phải am hiểu công việc sáng tạo

- phải cập nhật thông tin thuộc lãnh vực xuất bản, phát hành, triển lãm, sự xuất hiện các trào lưu sáng tạo mới,...

- phải tiếp cận một cách thân mật với các tác giã để hiểu nghề và quan niệm làm việc của họ.

Và sau cùng là phải đổi mới chính mình để theo kịp sự đổi mới của thời đại văn học và nghệ thuật đang diễn ra.


Phê bình, không phê bình và hệ lụy


Có thể nhìn nhận, những nhà phê bình là những nhà định giá, phát hiện, truyền cảm hứng và bảo vệ cho sáng tạo. Tiếng nói của họ luôn hàm xúc một quyền lực khiến các  văn nghệ sĩ phải chịu ảnh hưởng dù có không ít người căm ghét việc phê bình khi tác phẩm của họ không được nhắc tên trong số những danh mục được ngợi khen hay đáng quan tâm được liệt kê bởi những nhà phê bình. Lịch sử văn học hay nghệ thuật của mỗi dân tộc ví như một toà nhà, một lâu đài, tuỳ theo sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ của mỗi dân tộc, luôn có dấu ấn chọn lựa của các nhà phê bình. Nếu nói không quá lời, họ là nhà chọn lựa vật liệu xây cất tốt nhất cho việc hình thành ngôi nhà lịch sử văn học hay nghệ thuật của dân tộc mình.

Nói như thế để thấy buồn cho đất nước mình khi một nền văn học& nghệ thuật thiếu vắng sự đóng góp của phê bình, một thiệt thòi quá lớn cho cả nhà sáng tác lẫn đọc giã và người thưởng ngoạn là trực tiếp, kế theo là thất thu về kinh tế cho thị trường tiêu thụ văn hoá và người theo nghiệp văn nghệ. Sau cùng, gánh chịu nặng nề nhất cho hệ luỵ này là đất nước.


2,

Khi các nhà thơ văn họa... làm phê bình.


Đó là một nghịch lý. Nhà văn thơ hoạ được sinh ra để sáng tác, để viết văn, làm thơ, để vẽ tranh làm tượng, không phải để làm nhà phê bình. Không thể vừa đá bóng vừa thổi còi. Phê bình cần khách quan và thẳng thắn, làm sao giữ được trong sáng, công bằng khi anh vừa viết văn vừa phê bình văn của người khác. Khen hay chê đều dễ bị gán cho là bè phái tâng bốc hay hạ bệ nhau. Có người còn khuyên là nhà văn thì anh hãy lo viết đi, là họa sĩ thì anh hãy vẽ đi, dính vào phê bình làm gì cho rách việc.

Tất nhiên, sáng tác là việc chính và cũng là sự nghiệp của họ, ai cũng biết điều này, nhưng vì sao có một số văn nghệ sĩ lại dính vào việc phê bình?


Vâng, đó là một sự oái ăm, một sự "điên rồ" nhưng nếu họ, những nhà văn thơ hoạ xuất sắc, có bề dầy hành nghề mà im lặng, không trãi lòng, trãi nghề trước tình hình nền phê bình đang nghèo nàn, đang ảm đạm, thiếu sinh khí thì là vô trách.

Thật ra, một phần của những yếu tố quan trọng để làm nên một nhà phê bình dường như chúng cũng hoạt động thường xuyên trong dòng máu sáng tạo của các văn thơ họa sĩ tài năng hơn người. Những yếu tính đó giúp họ chọn lọc, loại bỏ và khai mở một phong cách đặc sắc, một cá tính nghệ thuật độc đáo sẽ làm nên sự sảng khoái ở người đọc, người xem và cũng làm nên tên tuổi của họ.

Và chính có sẳn khả năng đó cộng với nhiều trãi nghiệm trong thực hành đọc và viết, vẽ và nghiên cứu,  khi họ thấy cần phải lên tiếng nhằm phá vỡ sự yên lặng, sự nhạt nhẽo của hiện trạng phê bình, nhằm khơi dậy sự hào hứng cho người đọc, người xem đang rối ren thị hiếu hay có nguy cơ mất dần bạn đọc, người yêu tranh.

Mặt khác, bản chất của nhà văn đa phần mang tư tưởng phê phán xã hội, những tác giả lớn thường có đầu óc cải cách, tổ chức lại cộng đồng, giãi quyết các mâu thuẩn giai cấp và quyền con người,... ngoài việc tìm kiếm cho mình một văn phong riêng, một ngôn ngữ khác thường, do đó khi cảm thấy cần làm phê bình thì họ không nghĩ mình đá lộn sân và bất chấp định kiến. Để dẫn chứng cho đặc tính nêu trên của giới viết văn, không cần nêu tên những tác giả ngoại quốc, chỉ trong nước thôi cũng không ít. Đơn cử như văn học  VN trước 1945 đã có những Nhất Linh với Đoạn Tuyệt, Khái Hưng với Hồn Bướm Mơ Tiên, cả hai tiểu thuyết này đều ca ngợi tự do và chống phong kiến hủ lậu,... Sau 1954, Miền Nam có Mai Thảo, Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu,Ngô Thế Vinh,... tiểu thuyết và truyện ngắn của họ đều mang những thông điệp kêu gọi tự do, dân chủ, loại trừ cái ác, cái phi nhân mà chủ nghĩa cộng sản đang đe doạ đến sự suy tàn của dân tộc.

Rõ ràng, khi một văn thơ hoạ sĩ thành danh qua nhiều tác phẩm, qua một chặng đường chinh chiến trên mặt trận văn nghệ thì họ có ưu thế rất lớn để làm phê bình. Ví dụ, nếu không có nghề ở trình độ cao về hội hoạ thì làm sao thấy được nghệ thuật phi thường của danh hoạ Nguyễn Gia Trí khi ông đã biến hoá được một chất liệu sơn mài cổ truyền vốn đơn điệu, khô cứng thành một chất liệu trở nên bay bỗng, điệu đàng và không giới hạn trong diễn tả nếu người xem tranh không am tường nghề vẽ, không hiểu biết sâu về kỷ thuật đặc thù của vẽ tranh sơn mài thì làm sao phê bình tới nơi tới chốn.  

Một ví dụ khác, nếu không có đầy đủ hiểu biết lịch sử mỹ thuật thế giới và các thay đổi quan niệm thẩm mỹ, các kỷ thuật hiện đại trong vẽ sơn dầu thì làm sao thấy được các chiêu thức, các thủ pháp mà mỗi hoạ sĩ tài năng tung ra trên mặt bố? Trường hợp tranh của Đỗ Quang Em có phải là vẽ theo cổ điển hay không? Tranh Nguyễn Trung, tranh Đinh Cường, cái độc chiêu của mỗi hoạ sĩ trong tranh của họ ở chỗ nào?... 

Bởi vậy, "ai cũng có thể làm phê bình nhưng để phê bình hay về thơ thì phải là nhà thơ có tài", đây là một lời nói của ai đó suy ra thật là xác đáng.


3,

Điểm lại vài gương mặt phê bình có gốc là văn thơ họa sĩ Việt Nam.

- Văn chương:

Võ Phiến với cuốn Văn Học Miền Nam (tổng quan).

Du Tử Lê với cuốn Phác Họa Toàn Cảnh Sinh Hoạt 20 Năm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam 1954-1975.

- Hội Hoạ:

Thái Tuấn với cuốn Câu Chuyện Hội Họa.

Nguyễn Quỳnh với 12 nhận định về nghệ thuật của Hoàng Ngọc Biên trên tienve.org

Về Võ Phiến, 


Ông là nhà văn được công luận và giới viết văn người VN đánh giá là người viết truyên ngắn hay nhất trong 20 năm văn học Miền Nam kể từ 1954 đến 1975. 

Ảnh hưởng của ông rất lớn đối với giới cầm bút thế hệ những Túy Hồng, Trùng Dương, Thụy Vũ, Lê Tất Điều, Cung Tích Biền, Y Uyên,.. khi ông còn phụ trách phần văn học của tạp chí Bách Khoa. Phát hiện và tạo bệ phóng cho các tài năng trẻ thời đó là một công lớn của ông ngoài sự cống hiến nhiều sáng tác mang tên Võ Phiến.

Sau khi rời Sài Gòn kể từ thảm kịch lịch sử 30-4-75, ông và gia đình sống lưu vong tại California Hoa Kỳ và đã mất vào năm 2015, để lại công trình duy nhất là cuốn Văn Học Miền Nam (tổng quan) mà ông đã đem hết những kinh nghiệm viết văn một đời để nhìn lại, để đánh giá, để tổng kết một nền văn học của Miền Nam tự do.

Dù Võ Phiến đã tự nhận mình không phải là nhà phê bình như trong lời mở đầu của cuốn VHMN tổng quan nhưng qua gần 500 trang sách ông đã cho người đọc, các nhà nghiên cứu một cái nhìn toàn cảnh một nền văn học một cách đầy đủ các giai đoạn phát triển của nó trải dài suốt 20 năm với bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu quan niệm sáng tác từ bảo thủ đến hiện đại, từ chống cộng đến phản chiến,..., Võ Phiến thật sự đã cho thấy tầm quan sát và nhận định một cách bao quát và sắc sảo của một nhà vừa là sử học, vừa là phê bình hiếm có của Miền Nam tự do.

Sau đây, tôi xin đan cử một trích đoạn rất thú vị về nhận xét thơ thuộc thời kỳ sau 54 ở Miền Nam của Võ Phiến trong chương "Một nền thi ca không trau chuốt":

...

"Đã vậy, thơ 54-75 thường khi lại thiếu hình thức trau chuốt, đẹp đẽ.

Không, những người như Quách Thoại, như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, v.v..., những con người quằn quại ấy không thèm trau chuốt một cái gì, kể từ cái hình dáng của họ kể đi. Mặt mũi, áo quần, bộ tịch, lời ăn tiếng nói của họ đã không trau chuốt, kể gì câu thơ. Nếu thơ của họ hay, là bởi tự nó hay, lỡ nó hay, chứ không phải vì trau chuốt mà hay. Họ đọc, họ viết năm này sang năm nọ, họ sống với chữ nghĩa, ăn nằm với chữ nghĩa, triền miên với vần điệu, cho nên tránh sao khỏi cái chuyện họ phọt miêng tung ra những câu thơ tuyệt diệu, thần tình. Những câu như thế phọt ra tình cờ, lẫn lộn với những câu cẩu thả, lôi thôi. "Câu hay lẫn với câu tồi " là thường.

Họ làm thơ không phải để có những bài thơ hay, họ làm thơ vì một cơn lốc trong tâm hồn buộc họ phải bộc lộ.

...

Về Nguyễn Đức Sơn, cứ nghe chính lời ông tự nói về mình cũng đủ, ông không hay màu mè che đậy: " Tác giả tự biết không một nơi nào trên trái đất này quạnh quẽ đến đau thương, phong phú đến chỗ muốn tự sát, như trong lòng tác giả, cũng không nơi nào có thống khổ mênh mông và cực lạc xa vời như trong hồn tác giả (...) 

Có thể vì thấy đời quá ngắn, cũng có thể vì thấy đời quá dài, có thể vì lòng quá quạnh quẽ (...) ai hiểu được tất cả lý do, chỉ biết thế hệ này có nhiều kẻ " khật khùng" như thế. Người khật khùng thơ tất khật khùng, người cô đơn thơ cũng quằn quại theo. (...)

      

      "Hãy mang tôi tới bất ngờ
   Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên
         Hãy mang tôi tới diện tiền
    Giết tôi chết giữa người thuyền quyên kia
          Hãy mang tôi tới mép rìa
     Giết tôi chết lúc mép rìa bốc hơi"
                    ( Bùi Giáng)

"Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người

Em chưa đái mà hồn anh đã ướt"

...

"hai đứa nhìn nhau bảo phải im ru

em sắp đái và hồn anh chết cứng"

                ( Nguyễn Đức Sơn )

..."

Cũng như trong các nhận xét khác về văn học, Võ Phiến luôn có cái nhìn thật bất ngờ và thẳng tuột, dí dỏm mà thấu đáo, rất miền Trung, rất Bình Định như cách ông lý giải về thơ trong trích đoạn ở trên.


Về Du Tử Lê,

Cũng như Võ Phiến, Lê không nhận mình là nhà phê bình ngay từ đầu khi tôi tiếp xúc với Phác Họa Toàn Cảnh Sinh Hoạt 20 Năm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam 1954 - 1975  được anh hoàn thành vào năm 2015 cũng tại Hoa Kỳ.

Không như sách của Võ Phiến là một tổng quan, một bối cảnh của riêng văn học dính liền với lịch sử Miền Nam  với bao nhiêu màn, bao nhiêu cảnh từ cất cánh đến hạ màn thì nhà thơ Du Tử Lê với một biên độ tiếp cận rộng hơn, không chỉ với văn thơ mà cả với kịch, nhạc, họa, báo chí, nhờ đó mà anh đã làm được một cách bao quát hơn toàn bộ nền văn học nghệ thuật Miền Nam 20 năm kể từ 1954 đến 1975 dù dưới dạng phác thảo; tức chưa đầy đủ và xác đáng như tác giã đã có phân trần trong phần tự bạch ở bìa 4 của cuốn sách (tập 2). Khác hơn nữa là anh đưa ra nhận định của riêng mình về chuyên môn của từng tác giả dựa trên các tác phẩm cụ thể hẳn hòi, rành mạch.

Trong các mối tương quan theo chiều rộng hay chiều sâu nào cũng có những giới hạn, thi sĩ Du Tử Lê cũng vậy, việc chọn lựa ai nên đưa vào và ngược lại trong toàn bộ các trang sách có thể thiếu hoặc thừa, tuy nhiên, nếu người đọc tinh ý sẽ không khó để nhận ra sự tập trung công sức và vốn nghề uyên thâm của anh dành cho các tác giả quan trọng, các tài năng lớn thuộc các lãnh vực sáng tác là thật không thiếu sót.  
  

Điểm sáng nổi bật trong các bài nhận định về giá trị sáng tạo của mỗi tác giả, theo tôi, là khả năng phân tích về mặt thi pháp của Lê.

Đơn cử là bài nhà thơ "Cánh đồng con ngựa chuyến tàu" của Tô Thùy Yên được anh bình luận về xu hướng thơ của Tô Thùy Yên không phải là thơ tự do và bài phân tích cách đổi mới thơ lục bác của Cung Trầm Tưởng (trong cuốn 1) một cách đặc sắc, chuyên sâu mà lâu nay chưa có lời bình nào tương xứng. Để minh họa cho nhận xét này, tôi chỉ xin trích dẫn phần DTL phân tích thi pháp của TTY như sau:

(Khi nói về thơ tự do mà Thanh Tâm Tuyền là biểu tượng thì đa phần người đọc tạp chí Sáng Tạo đều nghĩ rằng Tô Thùy Yên là nhân vật số 2 làm thơ tự do sau khi bài "Cánh đồng con ngựa chuyến tàu" lần đầu xuất hiện trên Sáng Tạo. Nhưng Du Tử Lê đã tĩnh táo và chuyên nghiệp hơn khi nhận ra rất xác đáng rằng Tô Thùy Yên không đi theo xu hướng thơ tự do như nhiều người đã lầm tưởng, Tô Thùy Yên, một nhà thơ vần.)  
  

Lê đã viết ở trang 388- 389 như sau:

...

"Trên cánh đồng hoang thuần một mầu

"Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi

"Tàu chạy mau mà qua rất lâu.

"Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.

"Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.

"Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.

...

"Chấm giữa nền nhung một vết nâu."

Tôi nghĩ có thể vì tính liên tục của cuộc rượt đuổi giữa con ngựa và chuyến tàu, nên tác giả đã cố tình không phân đoạn bài thơ của mình.(?)

Nếu phân đoạn bài thơ trên với 4 câu cho mỗi khổ thơ, chúng ta sẽ có tất cả 4 khổ, mà khổ thơ chót chỉ có 3 câu (Như thể đánh dấu cho sự bỏ cuộc, gục ngã bất ngờ, phút chót của ngựa?!)

Dựa trên việc phân đoạn, để sự tìm hiểu bài thơ dễ dàng hơn; ghi nhận của tôi là, Tô Thùy Yên đã dùng âm "trắc" cho chữ cuối cùng của câu thứ hai - Nhưng không phải để hiệp vần "trắc" với chữ cuối cùng của câu thứ tư - Mà nó chỉ là sự chuyễn đổi vị trí. Bởi vì ông vẫn cho hiệp vần "bằng" của các chữ cuối, ở những câu thứ nhất với câu thứ ba, và thứ tư."

Tiếp theo là phần phân tích sự đổi mới trong nhịp và ngôn ngữ cho thơ Lục Bát mà nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã rất thành công như sự dẫn giải của Du Tử Lê, một nhà thơ cũng đã tìm ra một sự canh tân thể lục bát từ nhiều thập niên gần đây:

(Trích trong cuốn 1 "Phát họa toàn cảnh SH 20 năm VHNT MN... của Du Tử Lê)


“… Với tôi, Cung Trầm Tưởng không chỉ đi tiếp con đường lục bát Huy Cận mà, còn đẩy vận hành của một chu kỳ lục bát tới chỗ rốt ráo của nó. Hai chữ “rốt ráo” ở đây, xin hiểu theo nghĩa Cung Trầm Tưởng, bằng vào tài hoa và trí tuệ của mình, đã hoàn tất một thời kỳ lục bát. Đem lục bát ra khỏi bóng rợp của của giai đoạn lục-bát-kể-chuyện, kể từ thời điểm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.


Tuy họ Cung vẫn xây dựng lục bát của mình trên căn bản nhịp chẵn: 2 - 2 -2 cho câu Sáu và, 2 - 2 - 2- 2 cho câu Tám:

Bù em / góp núi / chung đồi (2-2-2)

Thiêu nương / đốt lá / cũng rồi / hoang sơ (2-2-2-2)  

Hoặc nhịp  đều 3-3 cho câu Sáu, 4-4 cho câu Tám:

Ôi thông xanh / ôi hồng đào (3-3)

Phong rêu mấy thuở hồn nào không đau (4-4)


Theo tôi, những hình ảnh như núi, đồi, cồn, bãi, sông, nước, mây gió, trăng, sao… đó, nếu không đi liền với những liên tưởng là những hình ảnh, những biểu ngữ (signifier) hoặc những hoán dụ (metonomy) thì chúng chỉ là những sáo ngữ, đã bị “cliché.” Chúng thiếu sinh khí. Rời xa đời thường. Không cùng nhịp đập thời đại. Không chủ thể. Và, khi toàn bộ hồn vía bài thơ chỉ bảng lảng những đám mây hoài cổ, thì nó sẽ khó có được cho nó tính nhân loại."


Rõ ràng, đây là một phân tích rất chuyên môn, chỉ có ở những nhà thơ tài hoa như Du Tử Lê.

Hội Họa:


Với Thái Tuấn,

Trước hết, ông vốn là một hoạ sĩ trước khi làm phê bình. Tuy nhiên, ông đã có bài viết về hội họa đầu tiên được phổ biến trên tạp chí Sáng Tạo vào năm 1956, tức lúc đó ông mới 38 tuổi, thật là khá sớm. Hoạ sĩ Thái Tuấn đến với phê bình hội hoạ không chỉ bằng những bài viết mà còn bằng những đóng góp phân tích chất lượng nghệ thuật trong các tác phẩm dự các cuộc triển lãm tầm quốc gia của các họa sĩ Miền Nam gữi đến và đa phần đều thuyết phục được các thành viên khác trong hội đồng giám khảo kể từ khi có giãi thưởng Hội Họa Mùa Xuân. Tôi thiển nghĩ rằng nếu không có tiếng nói phê bình mạnh mẽ và cấp tiến của ông thì nền hội hoạ Miền Nam đã không có được một thế hệ hoạ sĩ trẻ tài năng như những Hiếu Đệ, Trần Kim Hùng, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Đinh Cường, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm,... riêng tôi, nếu không có bài viết phân tích và đề cao tác phẩm "Mùa Thu Tuổi Nhỏ" của tôi khi nó được chọn cho cuộc triển lãm quốc tế mỹ thuật Sài Gòn lần thứ 1 vào năm 1962 và sau đó, cuộc triển lãm Hội Hoạ Mùa Xuân năm 1964, ông đã đưa hội đồng giám khảo đến xem tranh tôi đang bày chung với Đinh Cường và Tôn Nữ Kim Phượng tại phòng Thông Tin Đô Thành trên đường Tự Do-SG để chọn một bức cho chiếc huy chương Vàng vì trong số cả trăm bức được gửi dự cho lần này, hội đồng không chọn được bức nào xứng đáng cho chiếc huy chương vàng. Và bức sơn dầu "Trên Vùng An Nghỉ" của tôi được ông đề nghị     hội đồng trao giãi nhất cho kỳ này, tuy nhiên, do không chính thức tham dự cuộc thi nên để tránh điều tiếng tôi xin không nhận huy chương vàng và bức tranh ấy đã được trao huy chương bạc thứ nhất giải HHMX năm 1964 là năm cuối cùng của Triển Lãm toàn quốc thường niên của Miền Nam mà không có huy chương vàng. Nói như thế, cốt để thấy nhà phê bình hội hoạ Thái Tuấn có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với việc chọn lựa và đánh giá nghệ thuật cũng như qua đó thấy được sự sắc bén của ông trong phát hiện và bảo vệ những tài năng mới để làm nên một nền hội hoạ hiện đại cho đất nước.

Cuốn sách "Câu Chuyện Hội Họa" là cuốn sách lý luận về cái đẹp và cách xem một tác phẩm mỹ thuật dành cho cả giới sáng tạo và người thưởng ngoạn. Tuy sách không đồ sộ, không chạm thẳng vào từng cá nhân nghệ sĩ hay tác phẩm của họ nhưng nó là cuốn sách không có chút vay mượn tài liệu hay tư tưởng nào của phương Tây, nó hoàn toàn là những suy nghĩ về nghề vẽ của một hoạ sĩ mà kiến thức về sáng tạo rất sâu rộng, rất hiện đại nhưng vẫn đầy bản sắc phương Đông. Sau đây là một trích đoạn bài "Phê bình nghệ thuât" ở trang 15 của cuốn " Câu chuyên hội hoạ", hoạ sĩ Thái Tuấn viết:

" Công việc phê bình là điều vô cùng cần thiết cho các ngành văn chương và nghệ thuật.

Những nơi nào mà văn chương và nghệ thuật không phát triển và trở nên suy kém là chỉ vì đã thiếu các nhà phê bình chân chính, lỗi lạc."

Hay một đoạn trong bài "Thưởng ngoạn và phê bình nghệ thuật" ở trang 23, ông đã viết:

"...

Phân biệt được một bức tranh đẹp là một chuyện tương đối dễ dàng. Phân biệt được một hoạ phẩm có giá trị nghệ thuật và một bức vẽ vô giá trị là một chuyện đòi hỏi nhiều khả năng về chuyên môn và một linh khiếu bén nhạy."

Và nhiều bài khác như "Thế giới của hội hoạ" hay như bài " Đời sống của đồ vật trong tranh" hoặc bài " Cuộc phiêu lưu của hình thể trong hội hoạ", vân vân và vân vân, đều mang lại cho người đọc rất hữu ích để hiểu, để gần gủi công việc sáng tạo của giới hoạ sĩ hầu dễ đưa hồn mình vào những giai tầng của cái đẹp nghệ thuật khi đối diên với một tác phẩm hội hoạ ở gallery hay tại nhà bảo tàng mỹ thuật.


Với Nguyễn Quỳnh,

Anh cùng thế hệ với chúng tôi, những người sinh sau 1935. Viết về hội họa, những người trẻ như chúng tôi có thể kể ra như Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nguyên Khai, nhưng chuyên hơn tất cả và có bài bản hơn cả là họa sĩ Nguyễn Quỳnh, một người vừa là hoạ sĩ vừa là một học giả triết và mỹ học. 

Sau khi đến Mỹ năm 1975, anh lấy 2 bằng tiến sĩ môn triết học và lịch sử mỹ thuật của Đại học Columbia-New York. Hiện Nguyễn Quỳnh đang dạy tại một Đại học thuộc tiểu bang Texas.

Một trong những công trình viết về mỹ thuật của anh, gần gũi với chúng ta nhất là 12 bài nhận định nghệ thuật của hoạ sĩ Hoàng Ngọc Biên được phổ biến trên báo mạng tienve.org.

Bằng cách nhìn của một nhà mỹ học và kinh nghiệm của một họa sĩ hiện đại xuất sắc, Nguyễn Quỳnh đã phân tích và đánh giá nghệ thuật hội họa digital của họa sĩ Hoàng Ngọc Biên thật tuyệt vời. Sau đây là 2 trích đoạn trong bài số 12 và 11 của anh về nghệ thuật của Hoàng Ngọc Biên:

"Tác-fẩm Rác của Hoàng Ngọc Biên cho chúng ta thấy những nếp nhăn nhúm như zấu vết địa-tầng rất có thể là một sự mất-mát ngoài í-muốn, là hành-động bạo-ngược, là nỗi bực-zọc trong lòng, là một tâm-sự khó biết, là lí-lẽ không thông hay là một fút bốc-đồng. Thực ra những vết nhăn nhúm kia, ngoằn ngoèo như cơ cấu não-bộ vẫn còn hoạt-động cho nên chúng có khả-năng không tuân theo kiến-thức về í và về cơ-cấu trong ngữ-học." (trong bài số 12)

Và một đoạn khác của Nguyễn Quỳnh viết về tác phẩm hội hoạ digital "Chung cư" của Hoàng Ngọc Biên như sau:

"Chung-cư là một tác-fẩm đẹp được xây zựng bởi những đường thẳng và góc nhọn nương-tựa vào nhau để tạo thành những khung trông jống kính-mầu ít ra từ thời-đại Art Decor. Trên thực-tế cách trình-bày hình-ảnh của Biên rất là Deconstructivist nếu chúng-ta có zịp bước vào nội-thất của Bảo Tàng Viện Guggenheim zo Frank O. Gehry vẽ kiểu, tại Bilbao, Spain.

Tôi có thể đi xa hơn bằng cách fân-tích và mở cấu-trúc để thấy một số chi-tiết trong tác-fẩm Chung-cư của Biên. Ví zụ, tôi có thể làm cho những nét to và vạm-vỡ mờ đi giống như những nét cọ xuất-thần và mãnh-liệt, để rồi tôi so sánh chúng với những tác-fẩm trừu-tượng của Franz Kline. Có như thế tôi mới thấy rõ cơ-cấu hiểu-biết tinh-ròng (Formalism) từ góc-độ vận-chuyển và bố-cục theo cái-nhìn cơ-cấu. Làm như vậy có fải là một fê-bình có tính sáng-tạo hay không? Không!

Triết-học của Pierce coi “hình-ảnh cảm-tính” là một loại biểu-tượng (icon) hời hợt ngay cả khi biểu-tượng ấy nằm trong tôn-jáo. Cứ cho là chúng ta có rất nhiều kinh-ngiệm về “icon” thì kinh-ngiệm này cũng chỉ là những tra-vấn (indexes) mà thôi. Cho nên, biểu tượng không fải là cái-nhìn thấu-đáo (Formalism).

Trước tác-fẩm Chung-cư của Biên tôi mới thấy đây là một trường-hợp quan-trọng cho tôi biết hơn về thẩm-mĩ, sáng-tạo và thế nào là í-thức tinh-ròng (cognition). Tình-trạng u-ẩn của tôi đưa ra một thảo-luận gọi là liên-tục mà trong Triết-học gọi là Oratio Continua hay hơn nữa có ngĩa đi sâu-hơn vào tính-người, khi chúng-ta đứng trước một tác-fẩm ngệ-thuật – đừng lôi thôi ngĩ về jả-thiết nọ kia."

Thật là trí tuệ của một họa sĩ có trình độ triết học và mỹ học uyên bác, Nguyễn Quỳnh đã phân tích vượt lên sự phê bình thông thường mà chúng ta thường gặp.

Tôi xin khép lại ở đây việc lạm bàn về "Phê Bình Văn Học & Nghệ Thuật", mong nhận được sự góp ý bổ sung cho bài viết này từ bạn đọc, rất cám ơn.


Bolsa, May 15-2017

Trịnh Cung

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Hai 20244:27 CH(Xem: 455)
Cuối cùng thì, sau hơn bốn mươi năm vắng mặt, Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại được, giờ đây, rót đầy tràn ly, trên tay mỗi người dân nước Việt, cùng nâng lên, cùng hát vang, cùng chúc vang một mùa xuân:
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 656)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
25 Tháng Giêng 20249:05 SA(Xem: 636)
Với tôi, Phạm Duy là Người gieo hương.
15 Tháng Mười Hai 20234:33 CH(Xem: 684)
“Người đi qua đời tôi / Hồn lưng miền rét mướt / Đường bay đầy lá mùa / Vàng xưa đầy dấu chân / Lòng vắng như ngày tháng…”
08 Tháng Mười Hai 20239:13 SA(Xem: 708)
Thơ bà, hòa trộn giữa nét âm trầm, sâu kín, dịu dàng của xứ Huế và nét xông xáo, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, hóa giải nhẹ nhàng mọi vấn đề của kiểu Sài Gòn,
21 Tháng Mười Một 20239:39 SA(Xem: 801)
Năm 1997, bố tôi, nhà thơ Trần Dần mất tại Hà Nội.
11 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 7922)
Tôi gặp bà lúc nhà thơ Huy Cận còn tại thế. Hai lần gặp, bà như cái bóng bên cạnh chồng.
05 Tháng Mười Một 20233:49 CH(Xem: 865)
Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt,
25 Tháng Mười 20231:55 CH(Xem: 685)
Tất cả kéo tôi trở lại là mình với những cảm xúc dịu dàng. Ở đó tôi gặp Nhà Thơ Trịnh Y Thư.
19 Tháng Mười 20231:35 CH(Xem: 1070)
Nhiều ngôi chùa trong thành phố gióng chuông tiễn biệt vị phật tử khác thường.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7738)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30531)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22780)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15989)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,