(Tiếp theo kỳ trước)
Như đã nói, “Thơ Quỳnh” có ba phần. Mở đầu mỗi phần đã “dẫn nhập” ngắn của tác giả, trước khi bước vào nội dung. Phần hai, của thơ phẩm “Thơ Quỳnh”, tựa đề “Nỗi buồn nhiệt đới”, Như Quỳnh de Prelle viết:
“Tôi sinh ra, lớn lên ở Đất Mẹ, 30 năm. Những ký ức về tuổi thơ, về quê ngoại, về những trang sách. Sự hiện diện của gia đình. Sự cập nhật của các sự kiện bằng tin tức, mạng xã hội. Khi tôi đã ý thức trở thành một công dân, một con người xã hội, một con người khác ngoài cái tôi và riêng tư, tôi mạnh mẽ và tự tin, tôi độc lập và lặng lẽ. Suốt 30 năm ấy và sau đó, khi tôi đi học, khi tôi làm việc, khi tôi dịch chuyển từ nơi này nơi kia, vượt qua đại dương, trên những chuyến bay, chuyến tàu xa lạ, đến những vùng đất mới, tôi choàng tỉnh đón nhận một buổi sáng đầy hương hoa giữa rừng, tôi nhận ra, tôi còn thiếu bao điều mới lạ khác mà gần gũi hơn với chính tôi, với ký ức của tôi. Và tôi tiếp tục viết. Nhiệt đới buồn. Để tìm tiếng nói tự do, tình yêu trắc ẩn, để tìm quyền sống trong những rung cảm ly ti của những xung động, cảm xúc. Dòng chảy đó liên tiếp liên tiếp, và sẽ không ngưng lại, dù tôi ở đâu, trở thành ai khác”.
Tuy chưa một lần trực tiếp tiếp xúc với Như Quỳnh, nhưng tôi tin, “quyền sống trong những rung cảm” vi tế và, dòng chảy đó sẽ “không bao giờ ngưng lại” dù ở hoàn cảnh hay với “lý lịch nhân thân” nào, thì, chúng cũng vẫn sẽ mãi mãi sinh động trong thơ Quỳnh.
Ở phần 2, “Nhiệt đới buồn”, trước khi người đọc gặp được những thao thức, băn khoăn, trăn trở của tác giả về một đất nước, ở xa, Như Quỳnh đã tự nói về mình, về “cái tôi” chân thật, “như một kẻ tự kỷ của thời đại”:
“… Cái Tôi thuộc về thế giới
nơi nào đó được sinh ra
lớn lên
trưởng thành
và rời bỏ
nhưng chả có nơi nào thuộc về cái Tôi
nó chỉ là một bản thể
1 cá nhân
được tự do trên cánh đồng của người An Nam
bằng ngôn ngữ tiếng Việt
tiếng mẹ sinh ra
cái Tôi được tự do tung tẩy
sống trên những hạt mầm…”
(Trích “Câu chuyện về cái tôi”)
Và, không chút ngập ngừng, không chút khoan nhượng, ở bài thơ thứ hai của “Nhiệt đới buồn”, Như Quỳnh đã chỉ đích danh một số nhân vật thuộc loại “quyền uy xã hội” chỉ là những anh…hề. Cũng trong bài thơ này, lần đầu tiên, người ta thấy những “anh hề” chính trị được cho “đồng sàng” với nhà văn mà tác giả gọi là “anh hề chữ nghĩa”:
“… trong giấc ngủ tôi nhìn thấy một anh hề
anh hề nói về những thân phận con người
ở mọi nơi anh ta đến và đi
những mặc cảm
tự ti
“anh hề cũng tự biết mình hèn nhát
quay sang nói về đám đông
mộng mị
(…)
chàng nói cho tôi về một anh hề khác
y chang
tôi nghi ngờ
thì ra anh hề như thế rất nhiều trong máu từng người
có chữ có mề đai
“nhảy nhót
làm trò
trí thức vừa ngủ vừa mê
làm trò chơi hoà hợp
giả dối lấp liếm
“anh hề và nhà văn thân nhau
họ muốn có nhiều độc giả
nhiều fan
sự ảnh hưởng
nhà văn thì toàn chụp hình thời trang
thích bàn chuyện thị phi phân biệt
rêu rao chí trá…”
(Trích “anh hề trong giấc ngủ”)
Với tham vọng nói lên được tiếng nói phản ảnh thế hệ của mình, Như Quỳnh đã ghi lại những biến chuyển tâm lý, từ giai đoạn vô thức, ý thức rồi từ tro bụi tới lòng biết ơn:
“tôi nói với bạn về đám cháy của tinh thần
của thế hệ tôi
những lý tưởng mù loà sáng chói
đam mê chạy theo
mải miết cả tuổi thơ mình
cho đến lúc trưởng thành
ra ngoài thế giới
nhận ra
đám cháy trong mình lạnh ngắt
có khi lụi tàn
thành tro bụi
(…)
“tôi biết ơn loài người
nhân loại
biết ơn đám cháy tinh thần
thế hệ tôi
tuổi thơ tôi…”
(Trích “Đám cháy tinh thần của tôi”)
Từ sự biết ơn đó, Như Quỳnh nhìn nói về đất nước với tất cả nồng nàn, chân chất của một đứa con xa quê hương:
“... Tôi nhớ sự giản dị của những món ăn, những ngôi làng, những cái chợ
Tôi sống ở đó
30 năm
tôi khóc, tôi cười, có lúc tôi đau
dường như tôi lạc lõng ở nơi đất Mẹ
Tôi sống ở đó
30 năm
tôi học, tôi làm, tôi trưởng thành như một công dân thế giới
(…)
Và tôi lớn lên ở đó cùng với 80 triệu người
Buồn tột cùng
Chia sẻ tột cùng để tìm hạnh phúc
Và tôi yêu những gì thuộc về nguồn cội của tôi, đất Việt.”
(Trích “Đất nước 1”)
Là thế hệ sinh ra khi đất nước đã chấm dứt chiến tranh. Nhưng sự chấm dứt một cuộc chiến, thông qua cái nhìn, cảm nhận của Như Quỳnh, không có nghĩa là tai ương, đau khổ, bất hạnh, tang chế… đã không còn chỗ để tung hoành, tấn công những con người bần hàn, khốn khổ. Mà trái lại:
“Tôi lớn lên không biết khói đạn bom rơi
Như ba tôi và những người đã nằm xuống
Tôi chỉ nhìn thấy nước mắt rơi
Của nhiều bà mẹ
Của những em thơ đói nghèo
Của những căn nhà dột nát
Của những căn bệnh từ chiến tranh
“Trích “Dữ dội”)
(Còn tiếp một kỳ)