Sinh năm 1940 tại Bình Định, miền Trung Việt Nam. Học trung học ở trường Cường Để Qui Nhơn, trường Võ Tánh Nha Trang và trường Chu Văn An Sài Gòn. Học một năm ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn rồi ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt Hán. Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Huế năm 1963, khóa Nguyễn Du. Dạy học tại trường Đồng Khánh Huế (1963-1965), trường Cường Để Qui Nhơn (1965-1973). Là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Bình Định (1973-1974) và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo Dục, Sài Gòn (1974-1975). Bắt đầu viết văn năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức. Vượt biển tị nạn năm 1981 qua ngả Nam Dương, đến định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1982. Cộng tác với các báo Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật. Chủ bút tạp chí Văn Học, California, Hoa Kỳ, từ 1986 đến tháng Tám /2004.
Định cư tại thành phố Westminster thuộc quận Orange, California, cùng với gia đình. Qua đời lúc 22 giờ 15 phút ngày 2 tháng Bảy năm 2012 (ngày giờ địa phương ở California) tại tư gia ở Westminster, California.
_________
Tính đến ngày 7/7/2012 khi đứng trước một Nguyễn Mộng Giác đang nằm im lặng trong nhà quàn Peek Family ở Quận Cam, tôi nhận ra chúng tôi đã thân nhau hơn một phần tư thế kỷ trên đất Mỹ. Tôi nói hơn một phần tư thế kỷ trên đất Mỹ bởi vì từ trước năm 1975 ở Việt Nam, tôi và Giác, đã từng gặp nhau, nhiều lần trò chuyện với anh như hai người bạn cầm bút. Tháng 4, 1975 trong cái không gian u ám và ngột ngạt chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau, nói về những suy nghĩ trong không khí đầy hoài nghi, hoang mang và sợ hãi. Đôi khi kín đáo hơn chúng tôi nói về một chuyến vượt biên. Sau cùng Giác đã đến được Mỹ trước tôi.
Mãi đến năm 1985 từ trại Bataan Phi luật tân qua, chúng tôi mới gặp lại nhau ở Quận Cam. Mới đó vậy mà giờ đây đã là 26 năm. Nếu làm bài toán chia, tôi có 2 giai đoạn thời gian bằng nhau sống ở hai miền Nam và Bắc Cali: 13 năm ở Quận Cam và 13 năm ở Thung lũng điện tử. Trong suốt 26 năm đó chúng tôi không ngừng nghe tiếng nói của nhau.
13 năm ở Quận Cam...
Đó là thời gian không Chủ Nhật nào là tôi không đến nhà Giác. Nhà của Diệu Chi và Giác là một nơi đón nhận bạn bè trong một không khí đầm ấm và thân ái. Chúng tôi gặp nhau nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện về đời sống, về công ăn việc làm, và tất nhiên là không thiếu chuyện báo chí sách vở. Một truyện ngắn vừa đọc, một bài thơ của ai đó trên Văn Học, rồi Văn, Thế Kỷ 21 hay Hợp Lưu, Khởi Hành... Hay đôi khi, lúc mọi người đã ra về hết, chỉ còn hai đứa, đó là khoảng thời gian chúng tôi im lặng hơn là nói. Giác vốn là người ít nói, từ tốn, mực thước, thâm trầm, kín đáo. Chúng tôi để chuyện sách vở qua một bên, nói về con người, đặc biệt về những bạn bè cầm bút: Những người bạn và những người tưởng là bạn. Những người vừa tuần qua cùng ngồi ở đây – trên chiếc ghế này, ở chiếc bàn này, uống rượu từ chiếc ly này,... đã nói với mình những lời lẽ này, và vẫn người bạn đó, hôm nay ở một nơi nào đó – không xa nơi chốn mình đang ngồi – đã nói về mình bằng những lời trái ngược. Trắng và đen: Một nghịch lý khá lớn giữa những điều họ viết ra và thái độ của chính họ trong đời sống bạn bè... Đó là những lúc tôi nghe Giác thở dài. Và nhiều lần trước khi chia tay, anh thường hỏi tôi: Tại sao? Tại sao? Tôi không có câu trả lời, bởi vì chính tôi cũng rơi vào trường hợp giống như Giác.
Và 13 năm ở San Jose
13 năm sau tôi rời Quận Cam, dọn lên miền bắc Cali, vùng đất người ta vẫn gọi là Thung Lũng Hoa Vàng, một nơi có khác với Quận Cam đôi chút: Thành phố hiền lành, con người hiền lành, và tôi có thêm vài người bạn mới. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy thiếu vắng Nguyễn Mộng Giác. Những ngày Chủ Nhật tôi thường ngồi ở một quán cà phê hơi xa sở làm, đó là nơi tôi có thể gặp một vài người bạn mới quen và có thể chia sẻ đôi điều về đời sống. Nhưng rồi tôi khám phá ra cũng giống như ở phía nam, những người mới quen đó thật ra cũng chỉ là những người mình tưởng là bạn thôi. Tôi nhớ lại câu chuyện vẫn thường trao đổi với Giác. Tôi quyết định chọn một quán Starbucks gần sở làm, cho tiện, dù cà phê ở đây phải nói là khá nhạt nhưng còn hơn một thứ tình bạn nhạt hơn... Những lúc đó tôi thường gọi điện thoại thăm Giác. Chúng tôi không nói nhiều, phần lớn chỉ hỏi thăm sức khỏe của anh. Thỉnh thoảng Giác kể một vài chuyện về người và việc và bao giờ anh cũng kết thúc bằng một câu hỏi cũ: Tại sao? Tại sao? về những người mà Giác và tôi vẫn thường hỏi/nói: Tưởng là bạn!
Mấy năm sau cùng Giác thường ra vào bệnh viện, tôi ít khi được dịp nói chuyện với Giác. Cho đến khi Giác vào hẳn bệnh viện.
Về phần tôi, vì nhiều lý do, thời gian sau này tôi rất ít có dịp về lại Quận Cam. Nhưng qua điện thoại, Diệu Chi cho tôi biết sức khoẻ của Giác đã ngày càng yếu hơn và bắt đầu đi đứng khó khăn.
Một lần sau cùng, tôi gọi thăm anh. Diệu Chi là người bắt máy và nói Giác đang mệt lắm, đang nằm nghỉ. Tuy vậy, chị nói để chuyển máy cho Giác. Tôi nghe tiếng Giác, giọng yếu hẳn... Và, bỗng nhiên Giác nói với tôi về một người tưởng là bạn, nhưng, khi kết thúc câu chuyện tôi không nghe tiếng Giác thở dài, mà là một tiếng cười. Thôi kệ! Hẹn ông hôm nào xuống Quận Cam? Tôi nhớ tiếng cười của Giác sau tiếng “thôi kệ!” Tôi thấy lòng mình bình an, chính là nhờ tiếng “thôi kệ” của Giác.
Hơn một phần tư thế kỷ trên xứ người, Nguyễn Mộng Giác đã cho tôi một tình bạn ấm áp.
Tôi muốn nói lời cám ơn Giác.
Thôi kệ! Ngủ yên nghe Giác.
Trước sau gì thì bọn mình cũng sẽ gặp nhau thôi.
Nguyễn Xuân Hoàng