(Tiếp theo kỳ trước)
Khi chính thức bước vào nội dung tác phẩm “Bàng bạc gấm hoa” (BBGH) của Mặc Lâm, ngay ở phần Một, người đọc cũng sẽ cảm nhận được khá rõ tính tương tác hữu cơ giữa tác giả và tác phẩm - - Dù đó là những ghi nhận cá nhân hay, tác giả phỏng vấn 14 văn nghệ sĩ - - Gồm luôn cả một số văn nghệ sĩ sinh trưởng trong chế độ CS Miền Bắc.
Tôi không nghĩ, Mặc Lâm đã tình cờ mở đầu phần 1 của BBGH bằng cuộc phỏng vấn cố nhạc sĩ Phạm Duy: Một tài hoa âm nhạc lớn của VN; đồng thời, cũng là người gây nên nhiều dư luận trái chiều nhất trong thời gian qua…
Lúc còn tại thế, khi được Mặc Lâm hỏi về quyết định trở về, ở hẳn Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy giải thích:
“Tôi về đây nói cho ngay ra thì tôi phải về đất nước vì lẽ dĩ nhiên người già cũng như lá rụng về cội thôi. Lúc về đây tôi cũng không có ý định gì khác hơn là về hưu. Người ta hỏi tôi về đây ông có ý định làm gì, thì tôi bảo tôi về đây thì thích làm thinh thôi, tôi không muốn nói năng gì cả nữa. Không may vấn đề là tất cả tác phẩm của tôi bán cho nhà xuất bản nên mỗi lần nhà xuất bản họ in hay là họ tổ chức đại nhạc hội thì tôi lại phải ra mắt, hóa ra mình muốn làm thinh mà nhà xuất bản cứ thích tôi lại làm ồn lên thôi…” (BBGH, tr. 25, 26)
Trước đó, trả lời một câu hỏi khác cũng của Mặc Lâm, tác giả ca khúc “TìnhCa” kể rằng:
“Từ lúc tôi bắt đầu bước chân vào âm nhạc vào năm 1942 cho đến bây giờ là 2012 rồi, tôi không có một chút gì trong đường lối làm việc. Chỉ có thời đại của mình, của nước Việt Nam mình nó thay đổi nhiều quá. Hiểu theo nghĩa là từ thực dân qua tới thời kỳ cách mạng độc lập, xong rồi tới thời kỳ bị các cường quốc cắt đôi nước Việt mình. Nó không đánh được với nhau thì nó để cho mình đánh nhau...” (BBGH, tr. 23)
Cũng nằm trong lãnh vực tân nhạc, trả lời một câu hỏi của Mặc Lâm về ca khúc “Hoài Cảm”, nhạc sĩ Cung Tiến kể:
“Đây là ca khúc đầu tiên của chúng tôi viết từ năm 1953 lúc đó tôi mới 14 tuổi lúc tôi mới học Đệ Lục; nó là ca khúc hoàn toàn trữ tình của một học sinh ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu… Riêng với tôi nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu thích, tôi vẫn yêu thích vì nó giản dị là một thời học trò của mình.” (2) (BBGH, tr. 30, 31)
Khi nói về nhà văn Dương Nghiễm Mậu của 20 năm VHNT miền Nam, Mặc Lâm nhấn mạnh:
“Theo báo chí trong nước Dương Nghiễm Mậu là một trong rất ít nhà văn miền Nam có tên trong “Từ điển văn học” do nhà Thế Giới ở Hà Nội xuất bản. Cái tin này có thể đã cũ, đã không còn ai nhớ tới và nhất là những dòng chữ có tên trong “Từ điển văn học” như một lời ai điếu cho nhà văn hơn là ngợi khen một tài năng, một nhân cách sống.
“Bởi trước khi được có tên trong ‘Từ điển văn học’ thì Dương Nghiễm Mậu có tên trong danh sách của Vũ Hạnh, nhà văn có biệt danh ngự sử văn chương sau 1975. Với nhãn mác “Biệt kích văn nghệ” được Vũ Hạnh đeo trên ngực, Dương Nghiễm Mậu trở thành kẻ chống phá nền văn chương rực rỡ xã hội chủ nghĩa tệ hơn, dưới ngòi bút Vũ Hạnh thì sách của Dương Nghiễm Mậu ‘Nổi bật tính phản động tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược’.
“…Kể lại câu chuyện đốt sách bằng chữ của nhà văn Vũ Hạnh đối với Dương Nghiễm Mậu, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái ngồi trước quan tài của Dương Nghiễm Mậu tại Saigon trong khi chúng tôi thực hiện bài viết này ngậm ngùi nhớ lại:
“ ‘Anh Mậu là một nhà văn dũng cảm, tôi xin nói như vậy. Sau 1975 anh giữ gìn tư cách của anh ấy đến nỗi nhiều người phải ghen tức vì cái điều đó. Cũng chính vì điều đó nên tôi trao đổi với anh Mậu và tôi xin phép anh được tái bản 4 cuốn sách của anh. Lúc đó tôi làm việc cho công ty Văn hóa Phương Nam.
“ ‘Bốn quyển truyện của anh Mậu được tái bản sau năm 1975 khi in xong bị nhiều đao búa đánh ảnh nhưng anh ấy rất bình tĩnh và thái độ bình tĩnh của anh ấy rất đáng kính trọng trước những sự xúc phạm thô bỉ của một số người…’” (BBGH, tr. 37, 38)
Về cõi-giới thi ca Bùi Giáng, Mặc Lâm viết:
“Bùi Giáng sống một cuộc đời cùng khổ, bất hạnh dưới cái nhìn của những người bình thường, nhưng lại phiêu hốt, lãng tử và hỉ xả với tha nhân dưới cái nhìn của những thiền tông. Cách nhìn nào thì vẫn có cái mộc đóng tên Bùi Giáng bên dưới, Bùi Giáng không thể bắt chước và cũng không thể bị từ chối. Đó cũng là đặc trưng Bùi Giáng trong đời sống thật cũng như trong thi ca của ông.” (BBGH, tr. 100)
Vào sâu hơn cõi-giới thơ họ Bùi, Mặc Lâm trích dẫn bốn câu lục bát mà theo anh, nếu không có phần giải mã của nhà thơ Đỗ Quý Toàn thì đó là 4 câu thơ từng bị coi là khó hiểu với một số người đọc:
“Bây giờ xin ngó cụm mây
Chắp hàng viết nốt cụm mây về trời
Phiêu bồng sáu cõi thu trôi
Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê!” (BLGH, tr. 97, 98)
Tôi vẫn nghĩ rằng, phải là một người làm thơ có chiều dày và độ dài, mới cảm thụ được hết những gì một người làm thơ khác, ký thác trong một câu thơ (một bài thơ) đặc biệt nào đó, của họ.
Do đấy, tôi cho, Mặc Lâm đã rất tinh nhậy khi chọn trích một phát biểu của nhà thơ Đỗ Quý Toàn, về bài thơ 4 câu kể trên của họ Bùi. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói:
“Bây giờ nếu quý vị đọc bốn câu thơ đó thì quý vị đọc nó giống như là đọc một bài cách trí, một bài luận văn, bảo rằng câu này nghĩa gì, câu này ý nói sao, thì làm như vậy là quý vị đã giã từ Bùi Giáng rồi, từ chối không nhận Bùi Giáng vô trong lòng mình nữa rồi. Là bởi vì, tôi xin phép phân tích bốn câu thơ đó, như một bác sĩ mổ xẻ thì chúng ta sẽ không cảm được cái thơ của Bùi Giáng.
“Bây giờ xin ngó cụm cây: Ai là chủ từ chữ ‘xin’ đó? Ai là chủ từ của động từ ‘ngó’ đó? Có phải là thi sĩ đang xin người đọc hãy ngó cụm cây?
Hay là người đọc đang tự nhủ mình là ‘ta hãy ngó cụm cây’, hay là chính thi sĩ đang nói chuyện với cây rằng ‘cho tôi ngó một chút’.
“Tất cả câu thơ 6 chữ đó mà chúng ta đem phân tích ra và đặt câu hỏi thì là giết luôn cả bài thơ. Chúng ta thử đọc ‘Bây giờ xin ngó cụm cây – chắp hàng viết nốt áng mây về trời’ thế là chúng ta để cho mây bay vào lòng mình, để cho mây bay về trời và tự nhiên trong lòng mình mở rộng ra với cả ông trời.
“‘Chắp hàng viết nốt’, ai đang chắp hàng viết nốt? Có lẽ chính chúng ta đang đọc thơ và chúng ta đang viết câu thơ đó. Chúng ta viết mấy câu thơ đó lên trên mấy áng mây, chúng ta đưa mấy câu thơ đó theo áng mây về trời. Cảm nhận như vậy, chúng ta mới tiếp cận được thi sĩ Bùi Giáng.
“ ‘Phiêu bồng sáu cõi thu trôi’, tại sao lại sáu cõi mà không phải là bốn cõi, mười cõi, mười phương chư Phật? Tại sao lại thu trôi? Thế mùa thu nói trôi tự bao giờ? Cái mùa thu có ở đó hay là nó có vĩnh viễn từ ngàn năm và lúc nào cũng trôi trên bầu trời?
“‘Ngàn mưa nhỏ giọt’, mưa ở đâu tới? Tự nhiên mình có thể mở lòng ra và nhận hàng ngàn giọt mưa suốt bao nhiêu đời trong cái vũ trụ này.
“Và cuối cùng ‘trang đời lạnh ghê’, ‘Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê’ tự nhiên chúng ta đang bay theo mưa, theo thơ về trời, theo thời gian về ngàn năm, chúng ta lại trở lại với cái tấm lòng của mình và cảm thấy run lạnh trước cái vũ trụ bao lai.
“Và thi sĩ tặng chúng ta tất cả những cái cảm giác đó với bốn câu thơ lục bát, nếu chúng ta không tiếp nhận một cách phiêu bồng, một cách thơ thới thì chúng ta không bao giờ hòa mình được với thơ của Bùi Giáng.” (BBGH, tr. 98, 99)
(Kỳ sau tiếp)
_______
Chú thích:
(2) Tiết lộ này của nhạc sĩ Cung Tiến, cho thấy, như vậy, ca khúc “Hoài Cảm” mới là sáng tác đầu tay của ông, chứ không phải “Thu vàng” (?)