Ngay từ cái tên “Cõi hồng” đã cuốn hút người đọc khám phá thế giới của tác phẩm. Đọc liền mạch 130 trang sách, chúng ta cùng sống cùng trải qua những biến cố hay tâm trạng của nhân vật.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết tên là Thân. Anh vốn là một cựu chiến binh đang làm việc tại một cơ quan ở phố núi. Những mối quan hệ xã hội của nhân vật đan xen nhau. Giữa những người bạn cùng chung chiến hào như Tùng, Thành, Trà... hay với cô giáo người yêu Hưng của Thân. Mạch chính của tác phẩm là tình yêu đầy say mê, lãng mạn và có chút ma mị giữa Thân và Hưng. Cái thực và cái hư cứ đan xen vào nhau: “có gì đâu, tất cả chúng ta đều là thế giới, lẫn lộn đêm ngày, pha tạp trắng đen…” Tất cả “vờn bay bất tận, như chung đụng, vì biết đâu đó là mộng mị, là bọt nước, là ảo ảnh, là tia chớp, hợp tan thường ngày” [tr 114].
Tính hiện thực và nhân văn ẩn khuất trong nhiều tình tiết của cuốn tiểu thuyết. Đó là tình đồng đội của những người người lính. Họ chia sẻ với nhau những giọt rượu nồng hay tách cà phê ấm áp để vơi đi cuộc đời còn nhiều bất hạnh của họ trong thời bình. Không tài sản, không nghề nghiệp, rời binh ngũ họ trở về cuộc sống thường nhật. Có người chọn nghề đi xe ôm kiếm sống, nuôi con; có người đã gởi một phần thân thể tại chiến trường an ủi với đồng lương thương binh ít ỏi. Cái nghiệt ngã, trắng đen của đời sống không buông tha cho họ. Gia đình của Tùng tan hoang, Thành bị vợ kết liễu cuộc sống… Những người lính trở về có đáng nhận cuộc sống hòa bình như vậy chăng? Con của họ, một người lính trên “đoàn tàu không số”, không thể xin nổi việc vì không có “cây”, có “lạng”… “mà em khóc nhiều rồi…Chỉ mang danh con người, nhưng em chưa là người đúng nghĩa, phải có cha, có mẹ, có người thân trong những lúc miệng câm, mắt nhắm” [42] . Cô giáo Hưng bị giết chết oan nghiệt. Thân phận con người mỏng tang! Nhà văn đứng về phía số kiếp những con người bất hạnh và anh thấy sợ “sợ thời gian chai lì, không gian đần độn, con người lãnh đạm, thờ ơ, vô nhân, thất đức” [43]
Sự hấp dẫn người đọc của tiểu thuyết “Cõi hồng” ở yếu tố thực hư. Có thật là kỷ niệm của mối tình Thân- Hưng nhưng hư ảo là những đoạn trích: “ Rồi bất giác em ôm tôi như đất trời chạm vào nhau, bóng tối chạm vào ánh sáng. Giọng Hưng bàng bạc trong đêm, lành lạnh như con người của em, như một lần, đã từng ngồi trong quán Dốc Tình, nghe em nói về khát khao đạm bạc cũng với giọng như vậy” [44] . Hay ở một đoạn khác: “Tôi bước đến. Mái tóc dài, đen, hương thơm bồ kết, bao phủ tôi. Tôi ngạt thở. Tôi thấy chân tháo rời, tay tháo rời, người tôi tháo rời, đặt trên vốc tay em. Rồi em thầm thì: Đời là cuộc lắp vào, tháo ra. Tiếng kêu của nó là lời kinh mua vui và đổi chát…” [45]
Bùi Minh Vũ đã chọn cho mình một cách thể hiện về cuộc sống đương đại là như thế. Điều gì sẽ thay đổi, sẽ cứu rỗi thế giới này? Như một nhà văn nổi tiếng đã từng nói: Chính cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới! Tác giả nói thêm: “Chính tình yêu là cái đẹp, bao trùm cả chân, thiện, mỹ, ích và chỉ có tình yêu mới bất tử” [86].
Ngô Minh (Tp. NHA TRANG)