THANH THẢO - Vũ Trọng Phụng: Nghe và Nhìn.

20 Tháng Chín 20173:28 CH(Xem: 8222)
THANH THẢO - Vũ Trọng Phụng: Nghe và Nhìn.


Vũ Trọng Phụng cùng tuổi với má tôi, tuổi Nhâm Tý. nhưng không phải vì thế mà tôi yêu ông như yêu má tôi. Nhưng cũng vì thế mà tôi có thể nhìn ông khi yêu ông như yêu một nhà văn xuôi số một của Việt Nam. Yêu một người số một bao giờ cũng là yêu bằng cái nhìn. Vâng, bằng cái nhìn ngưỡng mộ.

Nó khác với tình yêu mẹ ta. Khi yêu mẹ, ta không nhìn. Còn yêu một nhà văn xuôi, thì phải nhìn. Có khi nhìn mãi cũng chẳng thấy gì. Nhưng nhìn vào tác phẩm Vũ Trọng Phụng, thì thấy. Thấy cả một xã hội. Thấy những người ông ghét, thấy những người ông khinh, thấy những người ông thương, thấy cả những người ông không thương không ghét, nhưng họ sống. Với ông, sống là quan trọng nhất. Ông sống trước, và những nhân vật của ông sống sau. Và cũng bởi ông linh cảm cuộc sống của mình ngắn ngủi, nên ông dồn hết khả năng sống của ông vào những nhân vật. Những nhân vật của ông, ông nghe chúng, ông chỉ nghe và nghe, chúng kể, chúng hành động, chúng đi lại, chúng nói cười... ông nghe và dồn hết tâm lực để nghe chúng. Có thể là bệnh lao đã giết ông, nhưng cũng có thể các nhân vật của ông đã giết ông, do ông nghe được từ chúng quá nhiều. Mà ai cũng biết, nghe nhiều là chết sớm. Dostoievski đã nghe được quá nhiều từ các nhân vật của mình. Những tiếng nói khác nhau ấy cũng đủ giết nhà văn.


VuTrongPhung_01-content

Vũ Trọng Phụng là nhà văn Việt Nam chịu nghe nhất. Và từ cách nghe riêng của ông, mà những nhân vật của ông xuất hiện. Chúng nói, nói bằng đủ giọng, mỗi nhân vật có giọng riêng của mình, cách nói riêng của mình, và người đọc chỉ nghe nhân vật nói là đủ hình dung ra nhân vật. Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Trọng Phụng bắt đầu sự nghiệp văn học bằng kịch, vở ‘‘Không một tiếng vang’’ viết năm 1931, bởi trong kịch, nhân vật hiện lên chủ yếu bằng đối thoại và độc thoại. Đó là cuộc ‘‘thực tập’’ nói năng cho các nhân vật của ông về sau này. Là một người khá trầm lặng bên ngoài nhưng sôi sục, rất sôi sục bên trong, một người khá hiền lành bên ngoài nhưng rất dữ dội bên trong. Vũ Trọng Phụng đã chọn nghề làm báo để kiếm sống, nhưng cái chính, là chọn một môi trường để tiếp cận nhiều loại nhân vật khác nhau. Chính là qua nghề báo, mà ông đã rèn luyện được nghệ thuật khơi gợi và lắng nghe, không can thiệp vào nhân vật, chỉ gợi cho nhân vật nói, thả sức nói, tâm sự, cởi mở, thậm chí cả hò hét, chửi bới... ‘‘Một đêm kia, bác lính lê dương đã khêu to ngọn đèn, cúi xuống nhìn vợ và hỏi:

- Tao đẹp lắm phải không?
- Đẹp thật.
- Thế mà tao xưa kia đã giết một người!
- Đừng nói dối!
- Nói dối à? Mày có muốn biết rõ cái độc ác của tao không? (Kỹ Nghệ Lấy Tây)

Chỉ qua vài câu nói ngắn, ta đã hình dung ra một bác lính lê dương, một anh Tây to đẹp và có tiền án, một gã ‘‘ papillon’’ dám làm mọi chuyện, sẵn sàng gây án một cách thản nhiên. Những đối thoại ấy, Vũ Trọng Phụng chỉ nghe lại từ một trung gian – bà me Tây Kiểm Lâm – nhưng dưới ngòi bút của ông, nó sinh động hẳn, ‘‘quái’’ hẳn. Nghệ thuật tái tạo các giọng nói chính là ‘‘nghề của chàng’’ văn sĩ họ Vũ. Và giữa nhiều lớp nhà văn, lúc bấy giờ, cả sau này, thiên về nghệ thuật của cái nhìn- miêu tả, và nghệ thuật kể chuyện, thì Vũ Trọng Phụng với nghệ thuật tái tạo các giọng nói, để các nhân vật hiện diện bằng đối thoại, đã nổi lên như một nhà văn độc đáo và hiếm. Tiểu thuyết của ông là tiểu thuyết đa giọng, trong đó giọng kể của nhà văn chỉ chiếm một phần nhỏ, phần còn lại khá rộng rãi nhường chỗ cho giọng nói các nhân vật, những va đập tung hứng từ đối thoại, những độc thoại nếu chưa đủ làm nên một chiều sâu thẳm của nội tâm, thì cũng đủ để người đọc hình dung hoàn cảnh, tâm tình, tính cách, nhất là tính cách của nhân vật.


Một Nhà Văn Biết Nghe


Biết nghe là phẩm chất đầu tiên của một nhà văn hiện đại. Một người suốt đời khổ cực như Vũ Trọng Phụng, suốt đời một người cầm bút phải nằm bò để ‘‘cày’’ từng trang bản thảo, ngày lại ngày, để mang bán kiếm tiền nuôi gia đình, nuôi thân, người ấy có quyền chỉ nghe những tiếng than van uất ức của chính mình. Nhưng ngược lại, Vũ Trọng Phụng lại biết nghe người khác. Không giống như nhiều nhà văn cùng thời chỉ để ‘‘lọt tai’’ một số giọng ‘‘chọn lọc’’, có vẻ như Vũ Trọng Phụng sẵn sàng nghe rất nhiều các loại giọng, các tiếng nói khác nhau của đủ loại người trong xã hội. Ông nghe, chắt lọc, và qua từng giọng nói riêng mà ‘‘giải mã’’ được tính cách người nói. Chẳng biết ông có đóng vai một thằng ở, một ‘‘cơm thầy cơm cô’’ thật không, nhưng viết phóng sự mà dám xưng ‘‘tôi’’ thế này thì văn học Việt Nam cũng ít có: ‘‘Ấy thế là tôi cứ việc ‘‘dong chơi tuyết nguyệt’’ các hàng cơm các đầu hè, các cửa rạp hát, các máy nước, đến nửa tháng trời. Tôi đã bờm xơm với ba bốn con nhãi, tôi đã bắt nhân tình với một vú em. Tôi đã kết bạn thân với mấy bác quít, gọi cái mẹ vú già bây giờ làm nghề đưa người là mẹ nuôi, nhận mình là con của mụ nữa. Rồi thì một mợ phán định nuôi tôi mỗi tháng 8 hào nhưng mà tôi không bằng lòng...’’ Phải ‘‘tự khai’’ cái nhân thân của mình như thế thì mới ‘‘vào’’ được cái thế giới cơm thầy cơm cô, mới đủ ‘‘tư cách’’ mà phán thế này với một ‘‘thằng nhỏ’’: ‘‘- Mày thì chưa đủ tư cách nếm cơm đâu! Đừng đứng núi này trông núi nọ mà ông cho có phen chết dã họng!’’. Phải ‘‘nói năng’’ thế thì mới nghe được những chuyện kinh người đại loại như thế này: hai bố con ông tùy phái đối thoại với nhau qua mâm cơm ủ để phần ông con:

VuTrongPhung_02-content

‘‘Đi làm về, ông con trai mở lồng bàn thấy món mỹ vị (chả rươi) đã bị thất tiết, bèn quát rầm lên:

- Đứa nào ăn của ông đây? Ông đi làm khó nhọc mà ông chưa ăn, đứa nào ăn trước của ông, mau mau khai ra!

Ông bố chạy lại dịu giọng đáp:

- Thưa cậu tôi đấy ạ. Tôi tưởng chị ấy có rươi mới thì làm cho tôi nên tôi nhầm, chót nhỡ ăn phải mấy miếng...

- Nhầm... Thằng thuê gác trong, thằng thuê gác ngoài mà vợ người ta để phần cơm người ta, mà lại nhầm! Nhầm kể cũng lạ!’’.

Những đối thoại ngắn ngủn như thế đã làm bật tính cách nhân vật sắc nét hơn cả hàng chục trang tả kể. Được nghe là một cái thú của Vũ Trọng Phụng. Ông không bỏ qua bất cứ dịp nào, cơ hội nào để được nghe người khác nói, kể, tâm sự. Thính giác nhạy bén của ông lọc rất nhanh những kiểu nói, những từ ngữ lạ, những tiếng đệm lạ, những cách ngắt giọng lạ... Và khi vào trang viết, thì có cảm giác ta vừa nghe được tiếng nói riêng của nhân vật vừa thoáng nghĩ là nhà văn đã ‘‘bịa’’ ra các giọng nói này. Tính mập mờ, cặp đôi ấy là bản chất của văn tiểu thuyết. Một nhà văn, dù cố tài cách mấy, cũng khó mà ‘‘nghĩ’’ ra những giọng nói thay đổi nhau trong tác phẩm của mình, nếu không có sức nghe, không chịu nghe, và không biết cách nghe. Vũ Trọng Phụng vừa có sức, vừa chịu nghe và vừa biết cách nghe. Nghe những người đi ở kể chuyện về chủ mình, tưởng không có cái ngồi lê đôi mách nào đáng giá hơn, ‘‘bấm’’ đúng ‘‘nút’’ hơn. Bao nhiêu là chuyện, từ những chuyện nhỏ nhen nhất tới những chuyện động trời nhất. Vũ Trọng Phụng, từ khi viết phóng sự, đã thành danh cây phóng sự bậc thầy, chính nhờ ông biết ‘‘bấm’’ đúng những ‘‘nút’’ như thế. Và nhờ ông biết hoà trộn giữa giọng kể chuyện của nhà văn và giọng kể, giọng nói, cách nói của các nhân vật. Ở mức độ nào đó, nhà văn phải vừa đồng cảm vừa dị cảm với các nhân vật của mình, và đừng bao giờ phát ngôn thay cho nhân vật. Vũ Trọng Phụng cũng đã có lúc, có đoạn trong tác phẩm này nọ đứng ra phát ngôn cho nhân vật. Nhưng những đoạn như thế khá ít trong toàn bộ tác phẩm của ông. Là một nhà văn xuôi bẩm sinh, ông biết lùi lại khi nhân vật tiến ra sân khấu, ông nghĩ ra, sáng tạo ra các tình huống, nhưng đẻ nhân vật tự nó sống trong những tình huống ấy, để nó tự tháo gỡ, tự mắc vào, hay tự bộc lộ. Chẳng hạn như cái tình huống Thị Mịch bị Nghị Hách hiếp trong ‘‘Giông Tố’’ có thể coi là một tình huống do tác giả nghĩ ra, ‘‘bịa’’ ra. Nếu vào một nhà văn non tay, đó sẽ thành một tình huống giả, không thuyết phục. Nhưng với ‘‘đạo diễn điện ảnh’’ Vũ Trọng Phụng, tình huống này trở nên sinh động, những động tác của nhân vật, ánh sáng nền, tiếng động (tiếng búa gõ thình thình vào thùng xe của hai anh tài xế trung thành)...và trên tất cả, vang lên những đối thoại đầy tính cách:

‘‘- Thưa quan, quan dùng hết cả gánh, hay độ bao nhiêu con tháo... (giọng thật thà của người gái quê).

- À, con bán cho quan lớn một bên nhỏ! Tháo đi rồi quan cho tiền.

- Bẩm quan chả mấy tí, quan cho mấy xu cũng được ạ. (giọng rất thật thà).

- Được lắm! Con ngoan ngoãn lắm, để ta thưởng cho nhiều tiền! Con hãy lên xe này để quan đóng cửa không rét quan... Ta đang đếm tiền đây.

... - Khổ nhỉ! Thế để quan cho năm đồng con may áo mặc tết nhé! Đây này, năm cái giấy bạc một đồng đấy, con đem về mà mua nhiêu, mua xã cho chồng’’ (Giọng rất đểu của một lão bợm già, chuyên dùng tiền để gạ, hiếp con gái nhà quê).

VuTrongPhung_03-content

Đây là một trường đoạn rất điện ảnh mà Vũ Trọng Phụng dựng được trong Giông Tố. Nói chung, nhịp điệu và cấu trúc của tiểu thuyết này rất gần với điện ảnh, và qua những đối thoại, độc thoại, những nhân vật chính đã tìm cách để bộc lộ, để lý giải những căn nguyên sâu xa của những hành động. Những tình huống tâm lý qua va chạm của đối thoại qua bộc bạch của độc thoại làm lộ ra những mặt tối sáng phức tạp của nhân vật, khiến chúng không đơn thuần đứng hẳn về một tuyến nào, không đơn thuần thiện hẳn hay ác hẳn. Một kẻ ác mười mươi như Nghị Hách nhưng vẫn là con người – con người ác – chứ không phải con nộm-ác. Vì thế mới có cái trường đoạn tuyệt vời khi Nghị Hách diễn trò phát chẩn giả nhân giả nghĩa, lão đọc diễn văn trong buổi tiệc linh đình sau phát chẩn. Ban đầu, đây là trò bịp, và Nghị Hách giả khóc rất bố láo: ‘‘...Tôi đã thấy những cảnh lầm than, những cảnh ai oán, những cảnh não lòng! Tôi...tôi cũng là người, tôi không thế...không thể...không sao’’ Trò giả khóc đến đây đột ngột hóa thật, bởi: ‘‘Nghị Hách để hai tay chống bàn, cúi mặt xuống. Trong óc lão hiện ra cái cảnh vợ lão loã lồ thân thể nằm ôm thằng cung văn. Lão nghĩ đến Long là con lão (mà lão đem Tuyết là con gái lão gả cho), đến Tú Anh là con riêng của vợ lão, đến những câu nói ghê gớm của khoá Hiền... Bất giác nước mắt lão ở đâu ứa ra lã chã...’’ Nghĩa là lão già ô trọc này vẫn có thể khóc thật, đau đớn thật, tất nhiên không phải khóc hay đau đớn vì đồng bào... hay đất nước dân tộc gì, mà cái cớ để đau nó cụ thể, nó chềnh ềnh ra như thân xác loã lồ của mụ vợ già dâm bôn của lão. Và lão uất, lão Nghị, người cứ tưởng cuộc đời chỉ là một cuộc... hiếp dâm bất tận, bỗng một ngày, một giờ chợt sững lại, ngớ người : thì ra...cái mụ vợ già nhà mình. trời ơi... hức hức... Lão khóc thật, đau thật, và cái thật ấy trộn vào cái giả, khóc giả đau giả, nó tạo nên một tình huống bi hài đặc sắc, tạo ra một tâm lý nhân vật đặc sắc. Mà vẫn như một trò đùa, một trò bỡn cợt của một xã hội bát nháo. Chính sự bát nháo đã đẻ ra các loại nhân vật của Vũ Trọng Phụng, và khi đưa chúng vào tác phẩm, cho chúng giao lưu, giao tiếp với nhau, Vũ Trọng Phụng đã chỉ nhằm miêu tả một nhân vật trung tâm, một nhân vật chính duy nhất: đó là sự bát nháo. Quá nhạy cảm, Vũ Trọng Phụng đã lần theo các ‘‘đường dây’’ nhân vật của mình mà tìm đến, miêu tả đến cái mớ bòng bong mà ông cảm thấy sẽ còn tồn tại lâu lắm trong xã hội Việt Nam, khi những chuẩn mực đạo đức cũ bắt đầu bị xói mòn, bị phá bỏ, bị từ chối, mà những chuẩn mực mới thì chưa biết bao giờ mới có, mới thành những chuẩn mực được xã hội tiếp nhận và hành xử theo. Ông đồ Uẩn, một người chủ một gia đình có gia giáo, nề nếp tuy nghèo, bỗng một ngày phải đứng trước sự lựa chọn oái oăm: hoặc phải cam chịu nhục nhã, đói nghèo, bị làng xóm khinh rẻ dè bỉu vì có đứa con gái bị hiếp dâm đã mang thai, hoặc sẽ được ‘‘trả thù đời’’ bằng cách cho con gái mình làm lẽ kẻ đã hiếp nó, để mình trở thành... bố vợ lão Nghị Hách, để con mình được ăn trắng mặc trơn, mà cha mẹ nó cũng mát mặt bằng những đồng tiền mà ai cũng biết là nhục nhã. Nghĩa là ông đồ Uẩn chẳng còn sự lựa chọn nào cho tương lai cả. Và bỗng chốc, cái đạo đức nhà nho ông ôm khư khư bao lâu nay bỗng vào một sớm đẹp trời đã tan thành mây khói. Người ta tưởng Vũ Trọng Phụng không đau xót gì trước những cảnh đó, người ta trách ngòi bút ông tàn nhẫn...Nhưng người ta không hiểu một điều, là nhà tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng không thể ‘‘biến nhân vật thành cái loa phát ngôn cho mình’’ đã đành, mà cũng không thể xông thẳng vào tác phẩm để trực tiếp bày tỏ thái độ, bởi đó là cách làm của văn chính luận, chứ không phải của tiểu thuyết. Vũ Trọng Phụng chỉ còn cách lắng nghe, và cố gắng lý giải những uẩn khúc của lòng người, những cắc cớ của định mệnh, sự toàn thắng của ngẫu nhiên...Ông biết mình không thể làm thay đổi dòng chảy, ông không đại ngôn hay rảy nước hoa lên sự thối rữa. Ông chỉ trình bày những gì mình nghe và lọc được. Không nhân danh ai ngoài cá nhân cô đơn của mình, Vũ Trọng Phụng chỉ đẩy tới những gì mà các nhà văn khác ngại ngùng hay tránh né. Ông có thể chưa đẩy tới tận cùng nhưng ông có ý thức về điều đó. Chính điều này làm nên sự đơn độc của ông, khiến ông trở thành một hiện tượng để tranh cãi, khiến văn chương ông được người ta phục, bị người ta ghét, và cũng được người ta... sợ nữa. Với một nhà văn, được như thế kể như đã hạnh phúc. Bởi cái đáng sợ nhất là văn anh thì quá tốt mà chẳng ai đọc cho, chẳng ai nói gì tới cả, dù là chửi cho anh một câu để anh... sướng. ‘‘Văn chương chỉ là một món tiêu khiển nếu nó than mây khóc gió. Tôi quan niệm văn chương là một phương tiện tranh đấu của những người cầm bút muốn loại khỏi xã hội con người những nỗi bất công, nhen lên trong lòng người nỗi xót thương đối với kẻ bị chà đạp lên nhân phẩm, kẻ yếu, kẻ bị đày đoạ vào cảnh ngu tối, bị bóc lột, mỗi ngày kiếm ra đủ bữa ăn tối để nhịn sáng hôm sau’’. Vũ Trọng Phụng đã viết như thế trong một bức thư gửi người bạn đồng thời là người đọc của mình. Ai cũng biết, Vũ Trọng Phụng ghét nhất thói đại ngôn, đạo đức giả, nên những lời ông viết ở đây chính là những điều ông tâm niệm trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Tâm niệm ấy, chính kiến ấy đã đưa ông vào vùng sáng của ngọn đuốc tư tưởng Dostoievski. Nhưng quan trọng hơn, những tâm niệm ấy đã nhuần thấm qua từng trang viết của ông, và nó sẵn sàng thách thức những đòn giáng trả, những đòn ngầm, những sự vu cáo. Có lẽ trong văn học Việt Nam hiện đại, Vũ Trọng Phụng là một trường hợp độc đáo hơn cả, bởi ông ‘‘được’’ rất nhiều người ghét, nhiều người căm nữa, mặc dù ông là người sống rất mực thước, cư xử với mọi người rất tử tế, luôn ghi lòng tạc dạ từng ân nghĩa nhỏ một của người khác đối với mình, với gia đình mình. Vậy mà vẫn bị ghét, và lạ nhất là bị ghét bởi cả những người chưa từng biết ông, chưa từng đọc văn ông. Cũng may là ông chết sớm, chứ nếu ông sống được tới tuổi ‘‘cổ lai hy’’, khéo ông đã bị nếm mùi đấu tố dăm ba bận! Vì những người ‘‘nghĩ ’’ họ thuộc kênh nhân vật này nhân vật kia của ông họ đều thầm cho là ông tố cáo những vết đen những chỗ kín mà họ muốn che giấu thông qua các nhân vật của ông. Tội của Vũ Trọng Phụng, nếu có, là ông đã đi hơi sâu vào tâm địa ‘‘của loài người’’ như một cách nói chung chung nào đó, nhưng nhiều người cụ thể lại soi thấy mình trong những biểu hiện của cái ‘‘tâm địa chung’’ ấy. Vì thế mới ra nông nỗi ! Nhưng để chống lại ông, người ta phải viện dẫn tới những cái nằm ngoài tác phẩm của ông, hay dựa vào một vài câu nói, vài lời tuyên bố nửa đùa nửa thật của ông làm bằng. Chẳng hạn, ‘‘loài người chỉ lôi thôi vì một chữ dâm’’, Vũ Trọng Phụng có nói thế thật, thì đã sao? Bởi cái dâm cũng là một việc lớn của loài người, mà dâm nhất trong loài người thường lại là các bậc vua chúa, nó sờ sờ ra đó, cứ đụng vào sử sách là đầy những chuyện như vậy. Vũ Trọng Phụng có tả cái cảm giác hồi nhớ của Thị Mịch về chuyện bị hiếp dâm, cảm giác ấy dù rất cay đắng nhưng rất thực. Đó là cảm giác mà con người phải giấu kín, nhưng với nhà văn thì sự tìm tới những bí mật của tâm hồn, của cảm giác thể xác con người là việc họ phải làm, nếu họ muốn thành nhà văn. Còn nếu gọi tác phẩm Vũ Trọng Phụng là ‘‘văn học lưu manh’’ thì đơn giản vì người gọi như thế đã thấy mình là nhân vật chính của dòng văn học đó, thấy mình là một Xuân-tóc-xám hay Xuân-tóc-trắng gì đó. (Líp líp lơ! Hua ra!).


Nhà Văn Nhìn Thấy Trước


Vũ Trọng Phụng viết phóng sự Kỹ Nghệ Lấy Tây năm 1934. Đúng 60 năm sau khi tác phẩm này ra đời, ở xứ ta lại dấy lên phong trào lấy... Tây rất sôi nổi. Khái niệm ‘‘Tây’’ bây giờ đã được mở rộng, không chỉ là Tây trắng Tây đen như xưa, mà cả Tây...mũi tẹt, cỡ như Đài Loan hay Nam Hàn cũng đều là Tây cả, và đều được đón nhận rất nồng nhiệt. Nói như Suzanne, một nữ nhân trong kỹ nghệ độc đáo này, thì: ‘‘Những người Tây ấy... nuôi đày tớ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ, vừa được sai bảo vừa được... việc khác nữa. Đã không cùng nói một thứ tiếng, người vợ lại chỉ coi ông chồng là cái tủ bạc thì người chồng dễ mỗi lúc đã đem tấm ái tình ra tặng vợ hay sao?’’ Vậy là đã rõ. Đây chỉ là một dạng hợp đồng (contrat) của kinh tế thị trường. Mà bây giờ ta đang kinh tế thị trường, nên đọc cái phóng sự này vẫn thấy như mới. Thử hỏi, có cái phóng sự nào, có nhà văn viết phóng sự nào mà 60 năm sau vẫn đọc ‘‘vào’’, vẫn mang tính thời sự như phóng sự Vũ Trọng Phụng?

VuTrongPhung_05-content

Nhà văn không chỉ phản ánh mà còn phải nhìn thấy trước. Tác phẩm và nhân vật của họ không chỉ là tấm gương cố định hay ‘‘tấm gương kéo trên đường’’ mà còn phải là tấm gương có khả năng tái sinh qua thời gian, do những dự cảm về bản chất nhân vật, bản chất hiện tượng của nhà văn đã khiến tác phẩm như tự tái sinh trong mắt người đọc nhiều thế hệ, và những vấn nạn mà tác phẩm đặt ra, những tính cách mà nhân vật thể hiện vẫn còn là những vấn nạn của hiện tại. Vũ Trọng Phụng chỉ sáng tác trong khoảng mười năm, nhưng hàng loạt nhân vật trong nhiều tác phẩm của ông đã có sức sống cho tới bây giờ. Chúng như những gien mạnh, những gien trội, dù cơ thể xã hội có nhiều thay đổi nhưng chúng vẫn tìm được môi trường để ‘‘nhân rộng điển hình’’. Đó là thành công rất lớn của Vũ Trọng Phụng. Nhưng cơ sở nào để nhà văn xây dựng được nhân vật, lại là những nhân vật ‘‘sống lâu’’, mang tính tiên báo? Trước hết, có thể nói Vũ Trọng Phụng là nhà văn có được một hệ thống ngôn ngữ mới mẻ vào bậc nhất so với những nhà văn cùng thời với ông. Trong khi nhiều nhà văn tài danh khác còn véo von chữ nghĩa hoặc cho chữ ra vào khụng khiệng, hoặc tô son trát phấn cho chữ, hoặc khiến chữ èo uột uốn éo, hoặc cho chữ đứng ngồi đạo mạo... thì Vũ Trọng Phụng để chữ ‘‘quậy’’ thả dàn. Nhân vật của ông, tùy từng kiểu người, đều có cách nói riêng rất tự do, rất ‘‘đời’’, rất ‘‘bụi’’, kiểu thế này (lời một anh nhà thầu, bạn thân quan huyện, trong Vỡ Đê): ‘‘Ông... ông chỉ muốn xoay một vố! Nhân vụ đê điều này, có cái số tre ấy ắt ăn được. Mày để tao thầu cho nhé ? Nhất là lụt thì ông hả quá! Mày ạ, tao có hai nghìn tấn gạo sắp mốc, thế có chết không? Với lại bốn nghìn bao gai mà phòng Thương mại nó không lấy nữa, chó thế... Mày thử nghĩ hộ tao xem có cách gì làm tiền...’’. Cứ như ta đang nghe cái giọng ấy trong những phòng karaoké-ôm bây giờ ! Làm sao mà sau những 60 năm, ngôn ngữ vẫn còn mới thế ! cái nhà thầu này, một nhân vật rất phụ, chỉ thoáng qua, chỉ nói vài câu, lả lướt vài động tác, mà sao giống các ông nhà thầu bây giờ đến vậy. Điều đó chứng tỏ sự nhạy cảm lạ kỳ của Vũ Trọng Phụng khi nắm bắt thần thái, bản chất nhân vật chỉ qua vài câu nói, nghĩa là qua một số cấu trúc chữ đặc biệt. ‘‘Em chã’’ chẳng hạn, ‘‘cậu’’ Phước chỉ nói có hai tiếng ấy, mà nó nhẽo nhợt dài ra tới hơn nửa thế kỷ, và người đọc hình dung ra ngay một cậu ‘‘bé bự’’ con Giời con Phật mà nếu ở thời này sẽ chuyên đóng phim quảng cáo cho mì ăn liền hay sữa tiệt trùng. ‘‘Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!’’ là câu ‘‘thiệu’’ của cụ Hồng, và mỗi khi cụ thiệu câu ấy lên, là độc giả lại ôm bụng... cười, vì cứ nghĩ cụ già lẩm cẩm này sinh ra chỉ để nói đúng cái câu ấy, vai trò của cụ trong cuộc đời này chỉ vậy, bước ra sân khấu và ‘‘Biết rồi, khổ lắm...’’ Rồi hai thầy min-đơ, min-toa, ‘‘cái hy vọng của Bắc Kỳ’’, mỗi thầy cũng chỉ nói một câu, mà thành danh. Cái sinh động của nhân vật Vũ Trọng Phụng hoàn toàn nằm ở cái sinh động của ngôn ngữ nhân vật, và nhà văn không chỉ ‘‘đi guốc’’ trong bụng nhân vật của mình, mà còn buộc được nhân vật phải nói bằng đúng cái giọng thật của nó, bằng ngôn ngữ của nó, như nó từng nói vậy trong cuộc đời này. Dường như những câu nói ấy không phải do tác giả nghĩ ra cho nhân vật (mà thực thì do tác giả nghĩ) như cái cảm giác của ta khi đọc hầu hết các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn hồi ấy. Và cũng không giống lắm với tác phẩm của một số nhà văn hiện thực bấy giờ. Vũ Trọng Phụng đứng riêng, bởi ông không phải nhà văn lãng mạn đã đành, ông cũng không phải nhà văn phản ánh hiện thực một cách ‘‘thật thà’’. Cái hiện thực trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng là cái hiện thực được làm quá lên, đuợc cường điệu theo một ý đồ nghệ thuật riêng. Cái hiện thực tưởng như phi thực ấy hoá ra lại mang tính cảnh báo rất cao: rằng cuộc đời có thể méo mó đến vậy đó, khốn nạn đến vậy đó, và những nhân vật trông quái đản, quái thai như thế, thực ra lại có thể phát triển tỷ lệ thuận với sư suy đồi của đạo đức xã hội. Có thể gọi những nhân vật ấy bằng tên họ tác giả đặt, cũng có thể gọi chúng là con Nhố Nhăng, là thằng Bát Nháo, hay gã Lưu Manh hãnh tiến... Những nhân vật của Vũ Trọng Phụng, vì thế, mang tính tượng trưng rất cao. Trong cuộc đời, Vũ kinh tởm nhất là thói đạo đức giả, thói lưu manh chính trị, bọn bán thuốc lậu làm bằng đất thó... Do nghề làm báo, ông có dịp tiếp xúc với nhiều loại người, và có thể nói, bọn cơ hội đạo đức giả khiến ông căm phẫn nhất. Ông quyết đưa chúng vào tác phẩm của mình dưới cái dạng đúng như thực của chúng, chứ không phải như cái dạng giả mà chúng trình bày trước cuộc đời. Ấy nhiều khi siêu thực lại thực hơn cả hiện thực, là vì vậy. Nó lột được bản chất của hiện thực, nó tái tạo con người (chủ yếu là thân phận bên trong) như con người nó thế, và sẽ như thế. Phép ngoa dụ (hyperbole) trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng lại hàm chứa phép ẩn dụ (métaphore), và con đường thăng tiến cực kỳ vô lý của anh Xuân-tóc-đỏ chẳng hạn, lại được bảo đảm bằng một phép biện chứng cứng rắn. Thật không dễ gì vô hiệu hoá được những Xuân-tóc-đỏ trong cuộc đời này. Vũ Trọng Phụng đã sờ tới được cái dây sắt, cái xương sống bằng inox của phép biện chứng này. Ông không bi quan, không bị tư tưởng định mệnh chi phối khi sáng tác như có nhà phê bình từng nhận định một cách nhẹ dạ, đơn giản là ông đã thấy trước, đã báo trước, và đã chịu đựng trước cái tiếng kèn thuốc lậu ‘‘mới tinh và sạch bóng như cái kèn mặt trời’’ trong thơ Apollinaire, tiếng kèn ấy cho những Xuân-tóc-đỏ thổi lên trên những ‘‘con phố mà anh đã quên mất tên’’. Phải sống hằng ngày với những nhân vật như thế, thì hoạ có robot mới không bi quan theo một nghĩa thông thường. Nhưng là nhà văn, thì sự bi quan hay lạc quan trong tác phẩm của họ phải được hiểu một cách khác, cao hơn, rộng hơn, và cũng cụ thể hơn. Không ai lạc quan hơn Beethoven hay Dostoievki, dù tác phẩm của họ đầy những mảng tối, đầy sự đe doạ của Định mệnh, của Ngẫu nhiên. Và ngược lại, không ai bi quan như Tolstoi, dù tác phẩm của ông có rất nhiều mảng sáng, nhiều ngọn lửa ấm lòng. Nhưng cả Dostoievki và Toltoi đều vĩ đại, vì cả hai ông đã đi vào tận sâu thẳm của bản chất con người, có điều, vào tới đó, Tolstoi thì lắc đầu ngao ngán và... quay lui, còn Dostoievki thì lại nhìn thấy le lói những ‘‘ánh sáng cuối đường hầm’’, và ông tin con người sẽ thoát được, sẽ tái sinh, nhưng chỉ với một điều kiện: nó phải chịu đóng đinh, phải chịu đau khổ. Những nhân vật của Vũ Trọng Phụng mới đạt tới cấp độ căm hờn, chưa đạt tới cấp độ chịu đựng đau khổ đầy ý thức. Nhưng biết làm sao được!

VuTrongPhung_06-content


Cuối Cùng Vẫn Số Đỏ


Với thời gian, Vũ Trọng Phụng vẫn còn đỏ lắm! Cuộc đời quá ngắn ngủi 27 năm của ông minh chứng cho một lý thuyết vật lý về sự cô đặc thời gian, minh chứng cho khả năng bùng nổ của sức sáng tạo. Những gì ông viết trong mười năm cầm bút, những nhà văn khác có thể phải viết trong năm mươi năm hoặc hơn. Đây chỉ đơn thuần nói về số lượng trang viết, chứ chưa bàn đến chất lượng. Nếu có người cãi lại: ‘‘Thế các nhà văn chữ to, nhà văn cục gạch (tác phẩm dày như cục gạch) bây giờ thì sao? Họ có thể viết mỗi năm cả chục bộ tiểu thuyết ?!’’ Vâng, có như vậy thật, thì cũng thôi, chứ biết nói sao, làm sao! Có một điều tưởng như nghịch lý: là trong cuộc sống thường ngày, Vũ Trọng Phụng càng ‘‘rụt rè, e thẹn’’ (chữ dùng của nhà văn Ngọc Giao) càng phải phép, thủ tín và giữ lễ..thì trong tác phẩm ông càng ‘‘quậy’’ dữ, ngôn ngữ của ông nhiều lúc tung toé như than hồng, như sắt nung, chạm vào đâu là để bốc cháy ở đấy. Có thể coi năm 1936 là năm Vũ Trọng Phụng bội thu sáng tác, với ba tiểu thuyết Giông Tố, Số Đỏ và Vỡ Đê, trong đó Giông Tố được coi là một tiểu thuyết chững chạc nhất thời bấy giờ, còn Số Đỏ, đó là cuốn tiểu thuyết của tương lai. Tính hoạt kê được đẩy lên tới mức mấp mé sự phi lý trong tiểu thuyết này lại xuất phát từ sự khảo sát khá nghiêm nhặt những tâm lý xã hội thời bấy giờ, từ đó nhà văn dự cảm được sự phát triển ‘‘bất ngờ’’ của nhân vật trung tâm – Xuân Tóc Đỏ - loại nhân vật ngỡ được sinh ra từ trong tưởng tượng, nhưng lại được nuôi dưỡng bởi thực tế, một loại nhân vật không hề tưởng tượng nhưng lại rất biết tạo cho ‘‘đối tác’’ những tưởng tượng, những ảo tưởng về vai trò của cá nhân nó. Loại nhân vật này không phải được sinh ra để mị dân, nhưng do bản chất lưu manh, nghĩa là khá ‘‘lanh mưu’’, chúng nắm bắt rất nhanh những thời điểm của tâm lý xã hội, và biết cách uốn lượn theo ngọn triều của tâm lý xã hội, nhất là trong một xã hội còn kém phát triển, có quá ít dân chủ và quá nhiều huyền thoại. Khi Xuân tóc đỏ đứng trên nóc xe hơi để gọi hàng vạn người ở bên dưới mình là ‘‘Quần chúng nông nổi ơi!’’, thì đó là thời điểm ngoa dụ nhường chỗ cho ẩn dụ, và những lời Xuân tóc đỏ là những ứng tác tuyệt vời nhất, thật nhất, mặc dù có vẻ quá khả năng của nó, có vẻ như tác giả đặt những lời ấy vào miệng nó. Không, chính từ thời điểm ấy, Xuân tóc đỏ đã có một đời sống riêng, tiếng nói riêng, sự nghiệp riêng. Bởi đó là thời điểm nó đã giải phóng được những mặc cảm đeo đẳng từ bao năm: mặc cảm nghèo hèn, vô học, tôi tớ...Từ thời điểm ấy, nó đã làm chủ được đời mình, và có được sự tự tin cần thiết để ‘‘xông lên’’ trong một xã hội mà nó đã cảm nhận được những lắt léo của tâm lý đám đông, những kẽ hở của luật chơi, bí quyết để thắng cuộc, và cả những cửa thoát hiểm bất ngờ. Có thể lúc nhân vật Xuân tóc đỏ mới xuất hiện, độc giả đã đón nhận một cách rất thú vị nhưng vẫn nghĩ đó là một ‘‘trò chơi’’ của Vũ Trọng Phụng, một trò chơi của trí tưởng tượng nhà văn. Nhưng với thời gian, sau khi nhà văn mất đã lâu, rất lâu mà nhìn quanh đâu đó vẫn thấy lăng xăng đi lại những kẻ nhang nhác như Xuân tóc đỏ, hoặc giống hệt Xuân tóc đỏ, thì người ta mới giật mình hiểu ra: đây là một ‘‘trò thật’’ trong cuộc đời mà Vũ Trọng Phụng đã phát hiện, đã nhìn thấy trước, đã dự đoán được những đường đi nước bước của nó. Và phải chăng, nhà văn cũng đoán trước được, đến lượt chúng, những Xuân tóc đỏ ấy cũng sẽ không tha cho người đã đẻ ra mình, chỉ vì tội người ấy đã nhìn thấy chúng quá rõ, đã hiểu chúng quá tường tận. Cứ mỗi lần nguời ta xông vào chửi bới hay ca ngợi Vũ Trọng Phụng theo kiểu ‘‘hội đồng hội chợ’’, là một lần lừng lững hiện lên bóng dáng những anh hùng Xuân tóc đỏ, những nhà phê bình tennis với những cú vụt trái vụt phải túi bụi, và dù có thua, thì họ vẫn thắng, như Xuân đã thua và đã thắng, vì đã chứng tỏ được lòng ‘‘ái quốc’’? Hẳn dưới suối vàng, Vũ Trọng Phụng cũng phải mỉm cười cay đắng. Nhưng là nhà văn, hẳn ông cảm thấy rất hạnh phúc, vì tác phẩm của mình đã sống lâu hơn mình, và nhân vật của mình thì đang có khả năng đi vào Bất Tử. Về Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố viết ngắn gọn: ‘‘Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ’’. Bởi, nói như Ngô Tất Tố: ‘‘Thọ hay yểu, không quan hệ với cái sống nhiều ít, nó quan hệ ở chỗ có gì để cho đời sau hay không. Xã hội chỉ thiếu những người làm nên công nghiệp, không thiếu những ông ăn nước thịt ép và bú sữa người’’. Những lời ấy khiến cho người phải sống khổ chết sở như Vũ Trọng Phụng cũng được mát ruột. Và ông lại mỉm cười, khi nhớ tới ‘‘cú chào thế kỷ’’ của Xuân Tóc Đỏ. Chỉ còn hai năm là hết thế kỷ hai mươi. Và Xuân tóc đỏ sẽ làm một cú song phi vào thế kỷ hai mốt với một bài ‘‘đít-cua’’ hùng hồn hướng đến toàn nhân loại. Vinh quang thuộc về nhà văn biết cười! Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ vịnh Xuân tóc đỏ của một người bạn, nhạc sĩ Trần Hinh:

... ‘‘Đăng đàn diễn thuyết ào ào
Nói theo cách bán thuốc cao mọi ngày
Nghề riêng lang chạ ai tày
Có mới nới cũ là tay chẳng vừa
Cũng phường sớm nắng chiều mưa...’’

Xin thắp nén hương tạ ơn Vũ Trọng Phụng và xin làm một ‘‘cú’’ giơ tay chào Xuân Tóc Đỏ của ông, trước thềm thế kỷ Hai mốt.

Thanh Thảo

Quảng Ngãi, 4 –1998.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Tám 202410:07 SA(Xem: 110)
Người nhạc sĩ đã gửi vào ánh sáng một tuổi thơ biết đi đứng, chạy nhảy.
21 Tháng Tám 202410:15 SA(Xem: 161)
Bài viết sau cùng của ca sĩ Quỳnh Giao
14 Tháng Tám 20245:17 CH(Xem: 146)
Đã đến lúc phải coi biên giới là một khái niệm mở, văn hóa cũng là biên giới. Mất văn hóa là mất nước.
31 Tháng Bảy 202410:07 SA(Xem: 134)
70 năm đã trôi qua kể từ cuộc thiên di vĩ đại nhất Việt Nam đương đại.
25 Tháng Bảy 20246:38 SA(Xem: 233)
Năm tôi 25 tuổi, lần đầu nhìn thấy cô Lê Thị Ý lúc ấy đã 40 tuổi ở ngôi nhà Nhật Tảo,
14 Tháng Bảy 202412:07 CH(Xem: 271)
Tôi không nghĩ thơ ca sẽ biến mất khỏi mặt địa cầu,
07 Tháng Bảy 20245:26 CH(Xem: 450)
Hiện nay ở tuổi bảy mươi, vốn sống của tôi là nỗi buồn, là sự ám ảnh của tử sinh. Nhờ thế mà rộng lượng hơn, yêu người hơn, yêu các vật nuôi trong nhà, yêu chim chóc.
30 Tháng Sáu 20245:49 CH(Xem: 1007)
Đến chơi nhà một người bạn thấy trên bàn có một giỏ đài sen và một đĩa hoa ngọc lan.
25 Tháng Sáu 20245:20 CH(Xem: 840)
Không chỉ văn xuôi, mà cả những bài thơ viết về thời chiến là những trang viết hay nhất của Trần Hoài Thư.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20504)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15380)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17202)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9900)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18294)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4778)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1546)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2051)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1949)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23288)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19836)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8631)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9642)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9099)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11982)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31527)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21404)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26330)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23758)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22537)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20650)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18792)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19936)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17544)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16666)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25538)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32897)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35477)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,