Tính trào lộng sâu sắc trong truyện Đinh Phụng Tiến
Biến cố 30 tháng 4-1975, vùi dập hàng trăm ngàn quân nhân, công chức miền Nam trong những trại tù với vỏ bọc mang tên trại cải tạo. Không kể những người chết trong tù hoặc, chết sau một thời gian ngắn, số còn lại, sau gần 20 năm tù đầy, trải qua không biết bao nhiêu cay đắng, nhục tủi, cuối cùng khi ra khỏi tù, họ đã được chính phủ Hoa Kỳ đón vào đất nước này qua chương trình HO.
Vì thế, với thời gian, cộng đồng Việt tỵ nạn đã có rất nhiều hồi ký, bút ký tù đầy, của những người cựu tù nhân trại cải tạo. Trong số này, chúng ta có không nhiều hồi ký hay bút ký của những cựu tù nhân, vốn là nhà văn. Cách gì thì cái nhìn hay ghi nhận của những nhà văn cựu tù cải tạo đó, cũng có nhiều khác biệt với những tác giả hồi ký tù cải tạo không phải là nhà văn, hoặc cũng đã từng viết văn trước đó, nhưng không chuyên.
Gần đây nhất, sau một thời gian được coi là thưa vắng hồi ký tù cảo tạo, bất ngờ, người đọc được đón nhận tập truyện tựa đề “Kẻ Thắng Cuộc” của nhà văn Đinh Phụng Tiến.
Cũng bất ngờ không kém, khi bìa của tập truyện này là một bức tranh sơn dầu đen/ trắng mới nhất của họa sĩ Trịnh Cung - - họa sĩ Việt Nam tỵ nạn đã đi sâu và đem vào được tác phẩm của mình, thực cảnh đời sống xã hội Hoa Kỳ ở mặt khuất lấp nhất (2).
Tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” là một nhà văn tên tuổi từ trước tháng 4-1975 ở quê nhà. Xuất thân từ “lò” tạp chí và, cũng là nhà xuất bản Trình Bày của cố nhà văn Thế Nguyên. (1) Nhóm Trình Bày ngay từ lúc đầu, mới hiện diện đã cho thấy xu hướng phản chiến, chống chiến tranh. Nhưng dư luận đã ghi nhận rằng, Đinh Phụng Tiến có lẽ là thành viên duy nhất của nhóm này, “lội ngược” chủ trương của Trình Bày qua những truyện dài đã được XB tại VN từ năm 1967, như “Hòn Bi”, hay “Cơn Lốc”, XB năm 1969…
Viết không nhiều, nhưng nhà văn Đinh Phụng Tiến được nhiều người trong giới cho rằng, ông là cây bút rất thận trọng, trong hành trình chữ, nghĩa của mình. Tính thận trọng của họ Đinh còn được hiểu, ông kiểm soát được những xung động tình cảm của ngòi bút trước mọi biến chuyển tâm lý nhân vật hay hoạt cảnh. Nhờ thế, cõi giới văn chương của ông đã đem đến cho người đọc, những đoạn văn mang tính “cao trào” thơ mộng, lãng mạn đúng lúc- - Hay, những bi kịch đời sống khiến người đọc nhậy cảm rất khó ngăn được những cơn bão cảm xúc bất chợt ùa tới, đến độ nước mắt có thể bật, chảy.
Ghi nhận đầu tiên của tôi khi đọc “Kẻ Thắng Cuộc” (KTC) là: Tuy tác giả gọi tác phẩm của mình “tập truyện” với hai chữ “truyện ngắn” ngay nơi bìa nhất, nhưng khi đọc tới dòng chữ cuối cùng của tác phẩm, được tác gỉa đặt tên là “Hồi kết không có hậu”, tôi chợt nhận ra 9 truyện ngắn trước đó, sự thực chính là 9… “hồi” chứ không phải 9 truyện ngắn mà, “hồi” nào cũng là “hồi kết không… có hậu!”
Khác với đa số hồi ký tù cải tạo tôi được đọc, ở hồi ký KTC của họ Đinh đã cho thấy tính mỉa mai, trào phúng… làm người đọc có thể cười ra nước mắt khi những kẻ chiến thắng, hành hạ một vị linh mục, được họ cho phép thực hiện một tiết mục hợp ca, nhiều bè: Ca khúc xưng tụng Hồ Chí Minh, nhân ngày lễ quốc khánh 2 tháng 9 của đảng CSVN. Nhưng, chỉ vì trong bài hợp ca này, các ca viên phải lập đi lập lại mấy chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” theo bản tổng thể của ca khúc, có những chỗ “ca đoàn phải hát “Hồ… hô…hố… mà, cán bộ CS chủ buổi lễ đó, kết án rằng vị nhạc trưởng và 30 ca đoàn đã cố tính bôi bác hình ảnh ông Hồ Chí Minh. Kết quả là linh mục nhạc trưởng bị giam riêng, số tù nhân dính dáng tới màn hợp ca này, bị cấm viết thư về cho gia đình, tới khi có lệnh mới. (Chính hình phạt này đã dẫn tới thảm kịch tan nát gia đình sau đó của một ca viên tên Xuân, bạn đồng tù với họ Đinh (KTC, trang 18, 19, 20)
Tôi muốn nói nền tảng của cả tập hồi ký là tính trào lộng sâu sắc, tựa như đó là một trong những “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tác phẩm của Đinh Phụng Tiến - - do đấy, đó cũng là một trong những khác biệt của ông với tác giả của những cuốn hồi ký khác.
Trong KTC, họ Đinh cũng dành tới 7 trên 10 phần trăm, để nói về cái đói triền miên, thê thảm của tù nhân, song hành với tình trạng cưỡng bức, vắt cạn sức lao động của người tù… Nhưng ông không ghi nhận hai tính chất “đặc thù” này trong tinh thần lên án, rủa xả mà, ông luôn gắn cho chúng những nụ cười… không thành tiếng. Ông cũng lạnh lùng phân tích chúng ở khía cạnh sinh lý, bản năng tự nhiên của một con người.
Dọc theo lộ trình KTC, người đọc sẽ bắt gặp rải rác đâu đó, hình ảnh “hai cục bột luộc” bữa ăn trưa của tù cải tạo sau nửa ngày lao động kiệt sức… Tác giả viết, ông gói kỹ hai cục bột luộc trong tấm lá chuối, chỉ bằng “hai cái lưỡi mèo!” không dám mở ra xem vì, sợ nó… “bốc hơi!” Rõ hơn, Đinh Phụng Tiến viết:
“… Mỗi cái (cục bột) nhỏ, xấp xỉ bằng phần ăn sáng. Dù vẫn là hai ‘cái bánh’ cho bữa ăn trưa mà cán bộ đã hứa. Ăn xong vẫn đói như chưa ăn, có khi bao tử bị kích thích còn cảm thấy đói hơn. Không hiểu tại sao lại như vậy…” (KTC, tr. 28, 29)
Câu hỏi “không hiểu tại sao vậy?”, bắt nguồn từ buổi họp trại trước đó, khi trại trưởng bảo nếu tù cải tạo chịu gia tăng năng xuất lao động thì phần ăn trưa của họ được “cải thiện” thêm 1/3 nữa. Nhưng khi tù cải tạo lén lút gặp “anh nuôi” tức “nhà bếp”thì “anh nuôi” cũng lén lút cho biết, trước sau vẫn chỉ chừng đó bột thôi! Nhưng “cán bộ bảo phải ngắt ra thành…hai cái…” (KTC, tr. 29)
Ở thời điểm này, nhà văn Đinh Phụng Tiến bị giam giữ tại rừng Yên Bái (Bắc phần). Đó là nơi nhà cách mạng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông bị thực dân Pháp hành quyết năm 1930. Họ Đinh viết rất… “may” mà anh hùng Nguyễn Thái Học “được” quân Pháp chém đầu nên sau này, các ông vẫn được ghi danh vào hàng ngũ những người yêu nước. Nếu không, sau này, ông cũng sẽ bị thủ tiêu bởi những người làm cách mạng vô sản
Tác giả viết:
“… Sau khi mười ba anh hùng Yên Bái rơi đầu, các đảng viên quốc dân đảng trốn chạy những người làm cách mạng vô sản còn hơn cả trốn chạy bọn thực dân…” (KTC, tr. 30)
Đinh Phụng Tiến, ‘minh họa’ khẩu hiệu tuyên truyền, thành ngữ mới?
Tôi không biết tác giả tập truyện “Kẻ thắng cuộc” (KTC) Đinh Phụng Tiến có cố tình dành nhiều định nghĩa mới; hay mượn những sự kiện có thật, xẩy ra trong trại tù, để minh họa cụ thể cho những cụm từ mang tính khẩu hiệu, tuyên truyền của nhà nước CSVN? Như những cụm từ “Ba dòng thác cách mạng, “ Cách mạng hồng”, “Lao động là vinh quang”, “Chủ nghĩa tư bản rẫy chết”, “Chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt’’, “Học tập cải tạo” v.v… Hay ông chủ tâm dùng tinh thần diễu nhại để ghi khắc một cách sống động phần nào bức tranh xã hội chủ nghĩa, thời khắp đất nước mọc lên rất nhiều nhà tù mang tên “trại cải tạo”?
Cụ thể, trong truyện ngắn “Cách mạng hồng”, nơi trang 71, tác giả viết:
“Thuở ấy, những trại tù được dựng lên gấp gáp từ bắc chí nam. Ở miền nam hầu như không một gia đình nào là không có người bị đi học tập cải tạo vì có đính líu với chế độ cũ. Ở miền bắc cũng ít có gia đình nào không có người vào trại với nhiều tội danh khác nhau: Những ‘con phe’, ‘đánh quả’, ‘đột vòm’, phát ngôn bừa bãi, chôm chĩa hàng của hợp tác xã, lang thang buôn bán…”
Đinh Phụng Tiến mỉa mai rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa tự hào là một xã hội ưu việt vì nhờ năng xuất lao động cao. Mà cao nhất là ở những trại tù. Ở đấy chính quyền chẳng những đã không phải trả lương cho lao động, mà chi phí lại cực thấp. Chưa kể chính quyền (kẻ thắng cuộc), lại còn có thể thúc ép lao động bằng các biện pháp mạnh mà luật pháp cho phép. Các xã viên trong các hợp tác xã không được như vậy, họ rất chây lười, chỉ lo cải thiện riêng.
Trong truyện này, ngoài nhân vật chính được phóng lớn là “đám đông” tù cải tạo, còn có một nhân vật thu nhỏ, tên Xuân, được tác giả mô tả, nhắc tới như nạn nhân đáng thương của một trong hàng trăm bị kịch gia đình vỡ nát bởi phe thắng cuộc cột vào cổ đám tù phe…thua cuộc.
Bi kịch tiêu biểu ấy, bắt đầu với nhân vật tên Xuân bị bệnh nặng, được đưa lên bệnh xá. Kết quả ông ta có được 2 ngày ăn cháo và, mỗi ngày uống 2 viên thuốc “Xuyên tâm liên”…
Theo họ Đinh thì “Xuyên tâm liên” là một thứ thuốc dân tộc, giống như cơm khô giã nhuyễn, ép lại, không biết chữa được những bệnh gì?)… Tuy nhiên, cuối cùng nhân vật tên Xuân cũng thoát khỏi trận đau tinh thần, và thể xác khá nặng nề, nguy kịch.
Tôi không biết đó là may mắn hãn hữu hay, bất hạnh vực thẳm của người tù cải tạo tên Xuân? Ông sống sót, trở về, trở thành nhân vật chính của chương “Hồi kết không có hậu” ở tập truyện KTC của Đinh Phụng Tiến?
Tôi thực sự không biết và, cũng không dám có kết luận cho riêng mình về những trang sách cuối đó. Vì, trước khi cuốn sách được khép lại, nó lại mở ra một bi kịch khác - - Như chiếc bóng đen tối, đeo theo người tù cải tạo, nếu không tới kiếp khác…thì, cũng phải hết phần đời còn lại nơi kiếp này! Kết luận cho chương truyện này, họ Đinh viết:
“Người cộng sản không sợ phải xây thêm nhà tù. Nhà tù là một đơn vị kinh tế hiệu quả nhất, lại có tính răn đe xã hội.”
Nơi truyện ngắn tựa đề “Dàn hợp xướng tung hô lãnh tụ”, tác giả cũng đề cập tới sự tương tác hữu cơ giữa cái đói của tù nhân và, tinh thần “sáng tạo” độc đáo của ban lãnh đạo trại tù như sau:
Do quá đói nên một vài “trại viên” có sáng kiến không ăn sáng nữa. Để dành miếng bột luộc tiêu chuẩn “lưỡi mèo” đến trưa, ăn cùng một lúc, hầu thấy nhiều hơn… Cũng có “trại viên” đề nghị nhịn ăn luôn cả sáng lẫn trưa, để ăn cùng với suất chiều cho có cảm tưởng nhiều hơn nữa!.!
Nhưng thực tế, khi bạn phải gồng mình nhịn đói suốt một ngày với “chỉ tiêu” phải đạt được là “hạ gục” 20 cây vầu, là một ảo tưởng “vĩ đại” hay, một lạc quan không thể “khủng” hơn…
Tác giả KCT lý luận rằng, cũng như con tim, cái dạ dầy có lý lẽ riêng của nó. Bất chấp mọi quy luật tâm lý và vật lý. Nó chỉ tuân theo quy luật sinh tồn. Đinh Phụng Tiến “bảo vệ quyền sống” của dạ dày với lập luận:
“Nó réo gọi, lên tiếng bằng một thứ ngôn ngữ riêng. Thời đại ngày nay là thời đại của ba dòng thác cách mạng. Từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ la-tinh đang sôi sục tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cái dạ dày bỏ qua mọi xu thế tất yếu này mà đòi được ăn đủ…” (KTC, tr. 30, 31)
Về cái gọi là… “sáng kiến” nhịn đói của tù cải tạo, Đinh Phụng Tiến kể lại rằng: Trong một buổi họp hằng đêm, một tù cải tạo đã đề nghị với ban Quản đốc trại giam là không phát nữa suất ăn sáng, để gộp chung với suất ăn trưa thì cái… “bánh” buổi trưa sẽ to hơn. Ý kiến này, được nhiều bạn tù hưởng ứng so với hai ý kiến khác. Nhưng, tác gỉa tập truyện KTC cho biết, cục bột luộc buổi sáng quá nhỏ! Nó chỉ đủ khiến cái dạ dày trống rỗng sau một đêm dài, thêm “trống trải” hơn mà thôi…
Cuối cùng “đề xuất” vừa kể được trình lên cấp cao hơn… Ban quản đốc trại giam phản hồi mau chóng với một cuộc tập họp ở sân trại tù.
Một cán bộ trại giam mở đầu cuộc họp bằng bài “diễn thuyết” thao thao bất tuyệt về những… “chiến thắng vang dội thế giới” của phe cộng sản trước phe tư bản bóc lột. Cán bộ này cũng không quên nói tới viễn ảnh, ngày mai tươi sáng, khi chủ nghĩa xã hội toàn thắng khắp địa cầu. Sau đó, ông ta mới trở lại mục tiêu của học tập cải tạo. Ông giải thích:
“Cải tạo con người thông qua lao động” là thước đo mức độ cải tạo trên căn bản vật chất làm chủ tinh thần (?) Tuy nhiên, ông cũng xác nhận, ban giám đốc trại đã nghiên cứu kỹ “đề xuất” gộp 2 suất ăn làm một của “trại viên”.
Ông nói:
“Chúng tôi biết các anh ăn như vậy là chưa no, nhưng không đói. Dứt khoát không đói. Chỉ chưa no thôi…” (KTC, tr. 31)
Vì thế nếu theo đề nghị của tù cải tạo gom 2 suất ăn làm một là nối giáo cho…CIA. Là tiếp tay với bọn thù nghịch nước ngoài, đang ra sức nói xấu… “cách mạng.” Chúng sẽ tuyên truyền rằng “chế độ ưu việt” của ta, không cho tù nhân ăn sáng! Trong khi thực tế, tù nhân được ăn đủ ba bữa sáng, trưa, chiều tối.
Tới đây, bất ngờ trong đám tù cải tạo, có một tiếng nói nhỏ thôi, nhưng đủ để mọi người nghe rõ là:
“Vậy thì chia làm 5 bữa đi!”
Cán bộ quay ngoắt về nơi phát ra lời nói ấy, hỏi:
“Anh nào vừa phát ngôn thế?”
Toàn thể im lặng. Một im lặng nặng nề. Căng thẳng. Cán bộ lớn tiếng, gay gắt hơn, bảo ai nói, dơ tay lên…!
Thật cương cường, một người tù gầy, yếu thản nhiên đứng lên, bước ra khỏi hàng. Cán bộ ra lệnh cho vệ binh giải người tù đó xuống phòng kiên giam, chờ lệnh… Hai vệ binh bước tới, trói thúc ké hai tay người tù can đảm này, xong dẫn ông đi.
Đinh Phụng Tiến viết:
“Chúa ơi! Cách mạng bảo đóng cho một tháng hay mười ngày tiền ăn chứ có bảo đi học tập một tháng hay mười ngày đâu. Cách mạng bảo sẽ tăng khẩu phần ăn từ một thành hai ‘cái bánh’ chứ có nói tăng lượng bột mì luộc lên gấp hai đâu. Bất chợt, như dàn hợp xướng tung hô lãnh tụ cất vang tiếng hát. Có tiếng chim kêu ‘Bắt cô trói cột’ buồn bã.’ ” (KTC, tr. 32)
Đinh Phụng Tiến: Từ ‘bia miệng’ tới ‘hồi kết không có hậu’
Căn bản là nhà văn, nên tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” (KTC) đã chủ tâm ghi lại trong tập truyện của ông khá nhiều… “danh từ riêng”. Tôi gọi là danh từ riêng vì nó chỉ có và, chỉ được dùng trong hàng rào trại tù cải tạo. Khi ra khỏi trại tù thì, những danh từ riêng đó, sẽ tự nhạt phai dần, cho tới khi mất hẳn.
Như trong truyện “Chuyện Cổ Tích”, Đinh Phụng Tiến nhắc tới những mẩu sắn (khoai mì) có tên là “sắn nút chai”.
Ghi nhận về sự “ra đời” của cụm từ “sắn nút chai”, họ Đinh nói rõ hơn rằng, vì điều lệ của trại cải tạo bắt buộc tù nhân phải “lao động vinh quang” đủ 7 tiếng một ngày; cho nên khi nhóm tù nào phải đi lao động xa trại giam thì, họ phải rời trại từ trước 7 giờ sáng. Những đội di chuyển quá xa thì họ được phép mang theo… “cơm” là vài củ sắn luộc để “thông tầm”.
“Cơm” ở đây, được tác giả giải thích là “… ‘vài củ sắn, có khi là sắn tươi, có khi là sắn lát, sắn bằm, sắn ‘nút chai’…” để “thông tầm” là băng qua bữa ăn tối. Khi về lại trại, tù cải tạo chỉ bị điểm danh rồi chui vào buồng giam. (KTC, tr. 79)
Vẫn theo tác giả KTC thì sắn “nút chai” là loại sắn cắt khúc, phơi khô từ mùa trước… “cứng như nút chai, hay vài củ khoai lang sùng hoặc một nắm bo bo còn nguyên vỏ là bữa cơm chiều để kịp điểm danh, rồi cán bộ khóa kín buồng giam… (KTC, tr. 79, 80)
Nhưng nếu những danh từ riêng đó, sẽ biến mất theo thời gian thì những câu vè thời đại hay, những câu “ca dao bia miệng”… lại sẽ mãi còn! Vì, đó là những bức tranh xã hội một thời (vẽ bằng chữ) mà, tác giả là đám đông, quần chúng. Nó như một thứ “ký ức cộng đồng” theo Carl Jung (đã đề cập trong bài trước.)
Cụ thể, cũng trong “Chuyện Cổ Tích”, tác giả KTC đã ghi xuống một số câu “vè thời đại” hay, “bia miệng thời đại”; liên quan tới sự kiện ông Võ Nguyên Giáp bị thất sủng. Đúng nhất, phải nói là ông bị làm nhục bởi hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.
Câu chuyện khởi đi khi đội tù của tác giả phải dậy sớm, đi sớm để kịp “xuống đồng” lao động. Tác giả kể, hàng ngày, ông và các bạn tù vẫn đi qua một kho thóc của hợp tác xã. Cái kho đó, ngày xưa vốn là một trường học cấp một. Về sau, trường càng ngày càng đi xuống vì đàn ông, con trai phải lên đường nhập ngũ chống… “Mỹ, Ngụy”… Do đấy thành phần dân chúng còn lại chỉ toàn đàn bà, con gái, lấy đâu ra trẻ con đi học?!! Chưa kể thời điểm ấy, nhà nước CS miền bắc lại đưa ra “quốc sách” hạn chế sinh đẻ… khiến cho ngôi trường kia thêm phần vắng vẻ, tiêu điều hơn nữa.
Từ sự kiện thực tế này, tác giả KTC liên tưởng tới chuyện ông Võ Nguyên Giáp. Họ Đinh viết:
“Đại tướng ngày xưa cầm quân, danh tiếng của đại tướng lừng lẫy. Bây giờ đại tướng trông coi cơ quan gọi là sinh đẻ có kế hoạch. Và một lần nữa, đại tướng lại chứng tỏ được thiên tài thao lược của mình. Nên dân gian có câu:
“ ‘Ngày xưa đại tướng cầm quân
Bây giờ đại tướng cầm quần chị em.’
“Câu vè này chắc là của dân gian, của quần chúng ít học. Còn câu:
“ ‘Ngày xưa đại tướng công đồn
Bây giờ đại tướng công… kênh chị em.’…”
“Đích thị đây là thơ của thi sĩ Bút Trẻ, người thơ thiên tài sửa cái yêu vận của thơ lục bát làm cho câu thơ trở nên lãng mạn.” (KTC, tr. 80, 81)
Về “kế hoạch công đồn” chị em của ông Võ Nguyên Giáp, vẫn theo tác giả KTC, được trung ương giao cho nhiệm vụ giới hạn mỗi gia đình chỉ được phép đẻ tối đa 2 con. Vì thế ở miền bắc thời đó, đã có khẩu hiệu giăng khắp nơi rằng:
“Gia đình có hai con
“Vợ chồng hạnh phúc”
Nhưng có lẽ vì diện tích giới hạn của tấm “pa-nô” nên người viết đã biến khẩu hiệu này thành: “Gia đình có hai con vợ / Chồng hạnh phúc.” (Nđd).
Ngôi trường không có học trò kia, dẫn tới việc “anh nuôi” (danh từ chỉ những tù nhân quá ốm yếu, được ở nhà lo bếp núc, trong lúc bạn tù khác “xuống đồng”), một hôm, dùng dao, lén cắt hai mặt da trống, mang về trại, chế biến thành một thứ thức ăn mang tính “bồi dưỡng” cho bạn tù. Tất nhiên, tác giả KTC cũng được chia một phần, nhỏ thôi. Ông gọi là miếng “bánh zippo”.
Khỏi nói về “hiệu ứng” kỳ diệu của miếng da trâu được dùng làm mặt trống, trở thành món ăn hiếm, quý đối người người tù quá lâu không cảm nhận được mùi, vị thịt… Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới việc miếng “bánh” có diện tích bằng chiếc zippo, đã đi vào giấc mơ tội nghiệp của tác giả, khi ngay đêm đó, ông mơ thấy ông đi lạc vào “khu vườn địa đàng!”
Ở khu vườn địa đàng đó, họ Đinh thấy có cả một dòng suối trong, ngọt là nước đường. Hai bên suối là những cây lớn, có cành rất to, treo chi chít, lủng lẳng những cục bột luộc to hơn cục bột luộc ở trại tù Yên Bái ngày trước của tác giả! Ông cũng thấy (trong giấc mơ) những tảng đá to, bằng muối, được “anh nuôi” rang cháy, chế biến thành nước chấm. Lại có cả những khe núi mà “dòng chảy toàn là mỡ động vật!” Và, “anh nuôi” của ông đã biến hóa chúng thành… bánh cho bạn tù.
Nhưng, dù chỉ là giấc mơ, tác giả cũng không được hưởng trọn vẹn vì kẻng đánh thức tù dậy, chuẩn bị đi lao động. Tới đây, tác giả KTC viết:
“Tôi tiếc, tiếc ghê gớm. Phải chi cán bộ trực trại gõ kẻng chậm hơn cho tôi một chút thì tôi đã được ăn cái bánh mà ‘anh nuôi’ chế biến rồi. Tôi tiếc những bước chân hụt vào vườn địa đàng…” (KTC, tr. 84, 85)
Tôi nghĩ, cách gì thì những khao khát trên vẫn chỉ phản ảnh những thiếu thốn vật chất quá lâu ngày của người tù cải tạo! Một khi họ được trả tự do thì, những khao khát ấy đương nhiên không còn nữa. Nhưng có một thứ mà thời gian, không thể cho lại những người tù cải tạo có gia đình bị tan nát, chia lìa do những năm tháng cầm tù đem lại cho họ: Những đổ vỡ, mất mát tinh thần mà ngay thượng đế, dù có thương, xót bao nhiêu các nạn nhân, cũng phải ngậm ngùi, bó tay. Đó là nội dung truyện ngắn cuối cùng trong KTC của Đinh Phụng Tiến: Tựa đề “Hồi Kết Không Có Hậu”.
Tôi không muốn vào sâu, thậm chí tóm truyện ngắn này. Nó như một vết phỏng tinh thần quá lớn của một số không ít, người tù cải tạo khi được trả tự do.
Chưa kể, theo tôi, quyền tự khám phá, soi thấy mình trong những con chữ là quyền tối thượng, ý nghĩa nhất của độc giả. Những tri kỷ, những người tình của văn chương…
Vì thế, tôi chỉ muốn nói, trước bi kịch của cặp vợ chồng tên Xuân / Thi, bị hoàn cảnh xã hội lột da cho máu ròng ròng chảy trước mắt nhau, ngày… “đoàn tụ”, dường đã khiến ngòi bút vốn “lạnh lùng” của Đinh Phụng Tiến bị cuốn theo những cơn lốc xúc cảm, vào sâu mọi ngõ ngách thân phận bi thảm của kiếp người. Ông khiến độc giả mẫn cảm khó có thể kìm giữ được nước mắt. Họ khóc không chỉ bởi vì người đàn bà tên Thi, đã năn nỉ chồng cũ, cho bà được gặp thêm một lần nữa, trong vòng chưa đầy 24 tiếng, kể từ lúc được thấy lại người chồng bằng xương thịt mình. Bà muốn cho ông chứng kiến cái chết của mình, như một chuộc lỗi quá khứ nhầm lẫn, lúc bà tuyệt vọng ở vùng kinh tế mới, được tin ông đã chết trong trại giam, sau khi góp mặt trong ban hợp ca, ca ngợi lãnh tụ!!!
Tôi nghĩ, ở truyện ngắn cuối cùng tập truyện của mình, Đinh Phụng Tiến đã hiển lộng khả năng dựng truyện, làm chảy nước mắt người đọc một-cách-tài-ba-trong-nhói-đau-từng-khúc-ruột của cá nhân ông, trước nhất?!?
Du Tử Lê,
(Garden Grove, May 2018)
_________
Chú thích:
(1)Nhà văn Thế Nguyên tên thật Trần Gia Thoại, tác giả truyện dài nổi tiếng “Hồi chuông tắt lửa”. Ông sinh năm 1941, mất năm 1989, tại Saigon.
(2)Tác phẩm hội họa mới nhất của Trịnh Cung, vẽ một gia đình tỵ nạn Việt ở Hoa Kỳ, được “hưởng” sự đùm bọc ý nghĩa của hệ thống Goodwill; cơ sở cung cấp tất cả mọi nhu cầu của đời sống hàng ngày cho những người có lợi tức kém, với phẩm chất và nhãn hiệu tốt nhất…