Nhà thơ Trần Vàng Sao vừa qua đời vào lúc 14 giờ 45 phút ngày 9.5 tại Huế.
Ông tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 (Tân Tỵ) ở Thừa Thiên - Huế. Tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Trần Quang Long, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Năm 1970 ông ra miền Bắc. Về sau nghỉ hưu tại Huế.
Ông nổi tiếng với "Bài thơ của một người yêu nước mình" ký bút danh Trần Vàng Sao sáng tác tháng 12 năm 1967 và được chọn là một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20. Các tác phẩm khác: Người đàn ông 43 tuổi nói về mình (1984), Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa (1990), Đi tìm xác đồng đội (2012).
Thơ ông được viết bằng bút sắt của đôi mắt và lưỡi dao của tâm hồn. Bài nào mở đầu cũng thật tự nhiên, và cách kể những câu chuyện trong thơ cũng thật tự nhiên, bình dị như những câu chuyện về củ khoai củ sắn, như câu chuyện bên bàn rượu quê nghèo. Những câu chuyện trong thơ Trần Vàng Sao thật buồn, khiến người đọc ray rứt, cảm nhận thấy mình còn sống đây phải là một cuộc dự phần cần có với lương tri và một tấm lòng.
Một đoạn trong “Bài thơ của một người yêu nước mình”
"...Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi..."
(Nguồn FB Hồ Đăng Thanh Ngọc)