Từ hồi nào giờ, tôi vẫn tin thi ca của một dân tộc không bao giờ nằm ngoài những chuyển biến lịch sử, xã hội của một dân tộc đó. Bởi vì ngôn ngữ thi ca, chính là tấm gương soi phần trầm, khuất nhất của sinh hoạt trí tuệ một dân tộc. Ngay cả khi may mắn dân tộc ấy, có được cho riêng mình một thể thơ riêng. Thí dụ, Việt Nam, lục-bát.
Vì thế, khi lục bát được nâng lên cấp độ cao nhất của nghệ thuật kể chuyện, bởi thi hào Nguyễn Du, nó đã dừng lại với người thừa kế tài hoa Nguyễn Bính (cụ thể qua thi phẩm “Lỡ bước sang ngang” và, những bài thơ “trăm câu một vần”, rất gần ca dao của ông)
Kế tiếp, cùng với sự tiếp cận nghệ thuật tả cảnh tây phương, lục-bát hình thành một dạng thức khác: Lục bát Huy Cận, Hồ Dzếnh… Theo tôi, đó là thứ lục bát ra khỏi phạm trù kể chuyện - - Mở mở đường cho hình ảnh hay những ngẫu tượng lên ngôi; như một cuộc thay máu cần thiết, để lục bát còn được nhận như một đặc trưng riêng của văn học Việt Nam. Nhưng, vẫn theo tôi, nỗ lực của Huy Cận và Hồ Dzếnh, cũng chỉ như một rớt bão. Không dài lâu.
Từ nhiều thập niên qua, lục bát của chúng ta, đã không còn là mũi… “xung kích” ngoạn mục nơi quảng trường thi ca đất nước nữa.
Thời gian không đứng về phía lục bát. Lục bát ngày nay của chúng ta, chỉ còn có cho nó những đường kiếm ngoạn mục, khi được dùng trong phạm vi thơ tự-trào hoặc, thơ giễu-nhại…
Vì thế, thâm tâm, tôi vẫn có ý khâm phục sự can đảm vượt bậc của những người làm thơ, chẳng những vẫn thủy chung ăn ở với lục bát mà, còn đánh cược tài năng, treo cao đam mê mình trên nắng, gió chênh vênh lộ trình một thi phẩm, lục bát!
.
Hôm nay, tôi xin gửi sự khâm phục của cá nhân tôi vào thi phẩm “Lục Bát / Phạm Hiền Mây” - - Mẫu bìa của họa sĩ Khánh Trường.
.
Phạm Hiền Mây là “người tình” chung thủy của Lục Bát, nên tôi tin, người đọc sẽ không ngạc nhiên lắm, khi ngay tự những vần thơ thứ nhất của thi phẩm “Lục Bát / Phạm Hiền Mây”, đã tươm đậm hồn tính ca dao Việt Nam ngày qua và, những so sánh hay liên tưởng đương đại:
“Bụi hoa xưa đã lên vài
Nhánh vàng cổ tích dốc dài tình nhân.
(…)
“Buồn sâu kèn đã tơi bời
Bướm ơi chuyển kiếp giữ lời tìm nhau”
(Trích “Giữ lời tìm nhau”).
Hay:
“Mặn em nhỏ xuống chẳng dừng
Trên vai anh ướt không ngừng trời mau
Mưa nghiêng trút xuống nỗi đau
Trái oan khiên chín đỏ au phận người
Vết thương chín mọng ngực đời
Và em quả chín rụng lời từ ly”
(Trích “Vô thường nhỡ mai”)
Khởi tự tính từ “mặn” chỉ nước mắt, trên vai người yêu, Phạm Hiền Mây dùng lục bát để dẫn cơn mưa, nỗi đau đi lần tới “trái oan khiên chín đỏ” là sự rụng xuống (không thể khác hơn?) của những “lời từ ly”.
Hoặc nữa:
“Nắng lâm chung tắt thình lình
Chưa hoàng hôn đã một mình niềm riêng
Môi vào môi sớm thần tiên
Dậy thì đánh rớt tháng giêng nhớ người”
(Trích “Tháng giêng nhớ người”)
Bằng vào ghi nhận của tôi, Phạm Hiền Mây không chỉ có khả năng “nhân cách hóa”một cách bất ngờ mà, họ Phạm còn có khả năng làm mới thơ mình bằng vào những tương tác vi tế mà, nếu không phải là người nữ, tôi e, các tác giả khác, sẽ rất khó cảm và nhận. Thí dụ:
‘Mùa đông một sớm mùa đông
Không dưng em mắt môi nồng tình anh”
(Trích “Mình yêu nhau nhé”)
Hoặc:
“Tiễn anh đếm lá hồn mình
(Trích “Phù du yêu người”)
Hoặc nữa:
“Tóc dài ngọn hẹn rưng rưng
Chờ giây phút được giọng mừng dạ thưa”
(Trích “Nhớ anh thôi đã rất thừa mùa đông”)
Bên cạnh đó, Phạm Hiền Mây cũng cho thấy chủ tâm (?) khai thác từ kép của tiếng Việt, để dòng chảy thi ca có được nhịp lẻ, khác hơn nhịp chẵn hay đều (2/ 2/ 2 hoặc 3/3) quen thuộc, nhàm chán:
“Đời em rồi sóng lênh đênh
Ướt men em giấc đợi phiền muộn đi”/
(Trích “Lênh đênh sóng rồi”)
Vì tính từ “phiền muộn” là từ kép, không thể tách bạch, nên nhịp đi của câu thơ 8 chữ này, với tôi, ít nhất cũng có được cho nó 2 nhịp lẻ là:
“Ướt men / em giấc / đợi phiền muộn / đi (2 / 2 / 3 / 1)
.
Vẫn trong ghi nhận của tôi, dù người đọc có thể kiếm tìm được khá nhiều so sánh, liên tưởng bất ngờ trong cõi-giới “Lục Bát / Phạm Hiền Mây”, nhưng ở đó, người đọc cũng rất dễ bắt gặp những từ ngữ, hình ảnh ước lệ như:
“Mù sa xuống ướt nẻo kiều
Dấu chân gió bạt bước liều ngày nao”
(Trích “Tình thơm giấc buồn”)
Hay:
“Mộng ngơ ngẩn suối im lìm
Mở hoa ngọc vóc lặng chìm tiểu khê
Mở sa mây ngọn thường nghê
Đôi bờ cỏ đợi sầu mê dáng kiều”.
(Trích “Mở”).
Và, khá nhiều từ ngữ, thành ngữ trở thành ước lệ đã lâu, như: Giang hà, từ ly, cố tri, phù vân, phù hư, ba đào, cỏ khâu, cổ lục, lưu thủy trường giang v.v…
Tôi cũng lấy làm tiếc khi lẫn trong “Lục Bát / Phạm Hiền Mây”, một số bài có nhiều chữ Hán-Việt, hoặc điển tích, như các bài: “Mây buồn nghìn năm”; “Không đợi chờ”; “Về ngủ thiên thu mây trời”…
.
Tôi nghĩ đường bay “Lục Bát / Phạm Hiền Mây” sẽ bay cao, xa hơn nữa, nếu thơ họ Phạm không bị trì níu, kéo xuống thấp bởi những xác chữ gây nhiễm độc không gian thơ của chúng ta, nhiều chục năm qua.
Dám mong vậy thay!
Du Tử Lê
(Calif. Tháng 3-2018)
(‘Bạt’ thi phẩm ‘Lục Bát’ Phạm Hiền Mây, nhà XB Nhân Ảnh.)