Là một cây bút quen thuộc của xứ Quảng và cả nước, tác giả Ngô Thị Thục Trang vừa ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay “Sinh ra từ cánh đồng làng” (NXB Đà Nẵng tháng 03.2018).
Tập thơ chọn lọc 36 bài thơ với chỉ 80 trang in nhưng cũng đủ chuyển tải mạch ngầm xuyên suốt của làng quê, chảy qua tâm hồn chị những ký ức đẹp đẽ, trong sáng, khắc khoải. Đến với văn chương từ rất sớm, cùng với sự cổ vũ, động viên từ phía gia đình, chị đã xuất bản hai tác phẩm “Chết vì kiến cắn” (truyện ngắn, NXB Văn hóa-văn nghệ 2014) và tập tản văn “Còn xanh không, thiên đường thơ ấu” (NXB Dân Trí 2016). Khai thác đề tài không phải là mới nhưng qua cách thể hiện của tác giả, tập thơ tái hiện bức tranh đồng làng một cách mộc mạc, chân phương và lắng đọng. Những dòng thơ mượt mà hiện lên tâm trí người đọc tràn đầy xúc cảm, tác giả cứ như rút ruột ra viết, bày tỏ hết lòng nỗi thương niềm nhớ đối với gia đình, quê hương.
Trước khi đến với thơ Thục Trang, tôi đã đọc hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Xưa tôi sống trong làng/ giờ làng sống trong tôi”, phải chăng dòng Vu Gia, Thu Bồn ngày ấy lặng lẽ bồi đắp miền đất trong tâm tưởng khắp các ngôi làng của vùng Đại Lộc nên nơi đây đã sinh ra biết bao văn nhân, thi sĩ, để mỗi lần nhắc đến lòng người không khỏi nôn nao, bồi hồi. Có lẽ tôi cũng được sinh ra từ cánh đồng làng, cũng một làng quê nghèo trung du nghèo khó của xứ Quảng như tác giả, nên sự đồng cảm dần dần được hiện ra, phát lộ rõ nét khi lần lượt khám phá từng thi phẩm của chị, khiến tôi đọc một mạch, không dừng lại: “Tôi băng qua cánh đồng của tôi/ Thả diều bay một miền gió khác/ Tôi băng qua cánh đồng của tôi/ Mùi bùn đất mỗi ngày mỗi nhạt” (Cánh đồng làng), tâm lý rất đỗi bình thường của một đứa trẻ dứt áo ra đi tìm miền đất mới nơi ánh đèn phố thị, vẫn tự trách mình thật thầm kín và dễ thương. Khoảng trời ấu thơ với biết bao hồi ức tươi đẹp với sân trăng, lối xoan, mảnh vườn, bãi bờ, nồi than, bếp lửa, tiếng quê, bến cũ... đưa độc giả như lạc vào bức tranh cổ tích trong trẻo, ngọt ngào, những con chữ như đang tắm mát tâm hồn người con viễn xứ.
Trong bức tranh đa sắc màu được tác giả dày công vun đắp, dòng thơ dành cho mẹ để lại nhiều khắc khoải, mơ hồ khiến đứa trẻ thị thành bật khóc giữa bóng đêm, ngày đêm trông ngóng về ngày tháng xa xăm: “Đàn chim sẻ sà vào nhặt thóc/ ai cầm sào đuổi giúp mẹ nắng trưa/ lũ chúng con phố người bay nhảy/ sân cũ mẹ vào ra lặng lẽ với mùa (...)/ Lũ chúng con - bầy chim sẻ vô tâm/ mổ thóc lớn lên từ lòng bàn tay mẹ/ cứng cáp rồi rẽ bay muôn ngả/ sân cũ mẹ với chiều đổ bóng lặng im” (Mẹ với chiều), có cảm giác như nghẹn ứ giữa cổ họng khi đọc dòng tâm sự của tác giả dành cho mẹ, thi ảnh đẹp nhưng cũng ngập tràn tiếc nuối, u buồn.
Nhiều chi tiết nhỏ, rất nhỏ trong những bài thơ của Thục Trang gợi lên hình ảnh quê nhà đầy khốn khó, chan chứa cái nghĩa, cái tình chưa bao giờ vơi cạn. Tập thơ nho nhỏ ẩn hiện giữa sương khói quê nhà, chập chùng tận hiến qua ngày tháng, lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn nhưng cũng chứa chan nhiều trăn trở, day dứt của một người luôn nặng nợ với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã thốt lên “quê hương là chùm khế ngọt” thì quả thực chùm khế ấy đã thể hiện rất đủ đầy, sâu sắc qua tập thơ “sinh ra từ cánh đồng làng”, ít nhất là chúng ta đọc để cảm nhận, để tri ân, để thấu hiểu mỗi dấu chân của chúng ta trong cuộc đời này đều đọng lại một điều gió đó đáng kể, nhiều khi điều đặc biệt làm xao xuyến tâm can không phải đến từ vật chất có thể cầm nắm và hưởng thụ. Tình cảm thiêng liêng đối với quê hương, đất nước là sợi dây kết nối tâm hồn mỗi người chúng ta đến gần nhau hơn, trong cái không khí quen thuộc ấy, mùa xuân hiện diện trong thơ Thục Trang với nguồn cảm hứng dạt dào và ngập tràn thi vị: “mắc nợ tháng giêng nồi than chưa kịp quạt/ bàn tay con lạnh dọc phố người/ phải tháng giêng cùng mẹ đứng bên dòng sông lở/ chờ con về cời bếp lửa hong tay” (Mắc nợ tháng giêng), “Chị vẫn nhớ cây bồ quân bên vại nước/ đêm mưa/ trái rụng đầy sân/ trái non quá/ em thờ thẫn nhặt/ bữa ấy trời xanh như thể ăn năn (Thức kịp mùa xuân), “mẹ ơi mùa xuân này con gái mẹ/ xin cúi đầu im lặng trước thời gian/ khi bất giác con chạm vào mây trắng/ chiều mẹ ngồi nhặt thóc bên thềm” (Lời nguyện mùa xuân)...
Khi đọc tập thơ “sinh ra từ cánh đồng làng”, nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Ngôn ngữ thơ của Ngô Thị Thục Trang bình dị, dường như không trau chuốt, là những ‘phản ứng hóa học’ đơn sơ, chứ chưa hay không kỳ vĩ, choáng ngợp. Thơ Ngô Thị Thục Trang là tâm tình của một người quê, đã xa quê, đã mất quê nhà mà luôn muốn trở về”. Những nỗi buồn khó có thể nói thành lời được chuyển tải thành thơ như lời tâm sự thỏ thẻ, nhẹ nhàng, ẩn chứa biết bao gam màu đan xen. Lật mở từng trang thơ là góp nhặt từng sợi tơ lòng thêu dệt nên bức tranh lớn về cuộc đời, về những vui buồn trong cõi nhân sinh. Khép lại tập thơ giữa tiếng thở đều đặn của cuộc sống thường ngày, khát khao vươn tới những điều tốt đẹp, chảy tràn trong trái tim: hôm qua là bao giờ/ buổi nhập nhoạng mẹ kêu về tắm truồng/ dưới gốc mãng cầu/ có chị gà mới yêu lần đầu nhảy nhầm chuồng/ ve ve đội đất bám bẹ thơm lột vỏ/ ngậm cong cần câu, trăng theo về treo một vệt sáng trước sân (...)/ cả thơ ấu lấm lem kia nữa/ có chắc một chặng đường tôi đã từng qua?! (Bài cho thơ ấu).