"Mẹ ơi tay mẹ mười năm nắng
Tóc mẹ phơ phơ dáng lặng thầm
Mẹ ơi tay mẹ mười năm trắng
Chân mẹ mười năm mưa nắng ngâm” ( Không đề)
Tôi muốn gọi “một nét thơ Trần Quốc Thực” vì lẽ: người thơ ấy chỉ chọn từng nét trong số phận, từng nét nhỏ trong đời người-những nét khía vào ta lặng thầm mà nhói buốt. Sao áo mẹ chỉ “mười năm nắng”, sao tay mẹ chỉ “mười năm trắng”, và sao chân mẹ chỉ “mười năm mưa nắng ngâm” trong suốt cuộc đời nhiều những “mười năm” của mẹ ? Chỉ với bốn nét hay bốn chấm nhỏ: tay (trắng mờ), chân (trắng bợt), áo ( trắng bạc), tóc ( trắng phơ), nhà thơ đã điểm nhãn chân dung mẹ mình-một người mẹ nông dân Việt Nam chung và một người mẹ nông dân vùng đồng chiêm trũng Bắc bộ rất riêng mà một chữ ngâm đủ nói lên tất cả nỗi nhọc nhằn triền miên trên những cánh đồng chiêm khê mùa thối. Và một chữ trắng đủ cho ta giật mình!
Thơ Trần Quốc Thực đã ngâm trong số phận của mẹ mình, của quê hương mình như thế, như tre ngâm vật vã trong bùn, như bông sen bông súng ngâm thân trong đồng nước, nhưng cứ thấp thoáng hừng lên, trắng lên một ngọn lửa khôn nguôi: “ Phấn trắng mẹ phơi sườn sông vắng/Tóc trắng mẹ phơi dưới trời/” . “ Ngâm” và “Phơi”, xin chú ý đến hai chữ, hai động từ này. Nếu ai đã về những vùng đồng chiêm trũng dưới trưa hè, thử “ngâm” và “phơi” mình dù trong chốc lát dưới cái nắng thiêu đốt oi ả, nắng từ trời dội xuống và nóng từ nước hắt ngược lên, sẽ cảm thấu được tất cả cái ngặt nghèo của hai con chữ tầm thường ấy. Có thể phải sống ở vùng đồng chiêm trũng nửa đời mình cộng với nghìn đời ông bà cha mẹ mình-gấp nghìn lần cái “mười năm” mới có thể viết được bài thơ ngắn này.
Đọc thơ Trần Quốc Thực nhiều lúc khiến tôi nhớ tới thơ Quang Dũng, những bài thơ mang một nỗi buồn u ẩn không thể giải thích, và không cần giải thích. Quang Dũng thường có cảm giác lưu lạc-một cảm giác thân phận mơ hồ mà ông lắng nghe được đâu đó từ trong máu huyết mình. Thơ Trần Quốc Thực cũng mang một nỗi u hoài, một cảm giác lưu lạc như thế, nhưng rõ ràng hơn. Địa chỉ quê nhà anh cũng rõ hơn địa chỉ quê nhà trong thơ Quang Dũng, dù người ta đều biết Quang Dũng sinh ra ở đâu. Nghĩa là cảm giác thất lạc trong thơ Trần Quốc Thực có những nét khác với cảm giác thất lạc trong thơ Quang Dũng. Nó định vị, định dạng nhưng không định thời. “ Mười năm” đó chỉ là một cách nói, như người khác nói “trăm năm” hay “nghìn năm”, và ở bài thơ ngắn này, thì “mười năm” ấy chính là “trăm năm” cuộc đời mẹ. Nhưng ai cũng biết, chỉ cần “ngâm” và “phơi” trong đồng chiêm trũng ấy “mười năm” là đủ thấm thía cho trăm năm, đủ nhận biết cho nghìn năm.
Cuộc đời những người mẹ nông dân chúng ta không dài, không thể dài. Vì lẽ gì thì ai cũng biết. Tôi cũng có một người mẹ nông dân như vậy cho riêng đời mình, dù mẹ tôi không sinh và sống ở vùng đất chiêm khê mùa thối như mẹ Trần Quốc Thực. Nhưng tôi cảm được những câu thơ rất thực của một người tên Thực viết về mẹ mình. Và đó cũng là người mẹ chung, người mẹ Việt Nam của chúng ta đã nghìn năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” qua từng vụ từng mùa từng năm. Vì vậy, chỉ cần lấy nét “mười năm” là đủ cho tất cả.
Xin chép lại cả bài thơ 12 câu này mời bạn đọc và ngẫm một chút:
Không Đề
Đi một trưa hè, con thương mẹ
Chợ Bầu, sông Đáy nắng nôi
Phấn trắng mẹ phơi sườn sông vắng
Tóc trắng mẹ phơi dưới trời
Mẹ ơi áo mẹ mười năm nắng
Tóc mẹ phơ phơ dáng lặng thầm
Mẹ ơi tay mẹ mười năm trắng
Chân mẹ mười năm mưa nắng ngâm
Đi một trưa hè. Đi suốt trưa
Vóc người đổ sáng những năm xưa
Trưa nay sông Đáy mơ hay thức
Sóng vật mình lên trông xanh chưa?
Ghi thêm: Mẹ ơi tay mẹ mười năm trắng, là suốt một đời mẹ trắng tay. Mẹ trắng tay và con tay trắng, có lẽ ý Trần Quốc Thực muốn nói vậy. Nhưng không hẳn vậy đâu! Mẹ dẫu trắng tay vẫn còn đứa con hiếu thảo. Và con dù trắng tay vẫn còn bài thơ nhỏ tặng mẹ, một trong những bài thơ viết về mẹ hay nhất trong thơ Việt đương đại.
T.T