Phan Vũ, đất nước một thời qua bài thơ “Em Ơi, Hà Nội Phố”
Buổi trưa nồng bụi. Thành phố phồng, rộp theo những cơn nắng châm chích trên từng tấc thịt, da; tuồng đã bị nấu nhừ, nung chín. Tôi lẽo đẽo theo chân Hà Quang Minh. Những đoạn đường phải, trái ngắn. Những ngọn cây già, mốc, không có nổi cho chính nó, chút bóng mát liu điu. Minh mở cửa. Quán vắng, âm âm, chia khu. Những chiếc ghế bành đợi khách. Tôi đợi một người. Đợi tác giả “Em ơi, Hà Nội Phố.” Đợi Phan Vũ. Một người tôi không quen. Một tên gọi chỉ mới gần đây, dấy lên trong tôi, một điều gì, như muốn nói với ông, lời cảm ơn. Mọi chuyện khởi đi từ P. Kim ở Seattle, khi Kim gửi cho tôi qua không gian ảo, ca khúc “Em Ơi, Hà Nội Phố.”
Như thường lệ, ca khúc chỉ có tên nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phú Quang. Không hiểu từ đâu, nguyên do nào, sau khi nghe tới lần thứ ba:
“Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
“Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
“Mảnh trăng mồ côi mùa đông.
“Mùa đông năm ấy
“Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
“Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân
“Ta còn em một màu xanh thời gian
“Một chiều phai tóc em bay
“Chợt nhòa, chợt hiện
“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
“Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…”
Câu hỏi “Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân” và, thú nhận chua xót, như một tuyệt vọng tâm thế: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” đã như những ngón tay hồ nghi, chỉ tôi về một hướng khác. Hướng thi ca. Chí ít, cũng là điều tương tự.
Qua tra cứu, tôi “gặp”… Phan Vũ. Tôi ở với tiếng thơ của ông, như ở với niềm hoan lạc mà chữ và, nghĩa, hình ảnh và, giai điệu đã bất ngờ mang đến cho tôi. Dù trong ký ức tôi, không hề một Hà Nội với:
“Ta còn em mùi hoàng lan
“Ta còn em mùi hoa sữa
“Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
“Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm…”
Hay:
“Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
“Và từng mái ngói xô nghiêng
“Nao nao kỷ niệm
“Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
“Chợt hoàng hôn về tự bao giờ?”
Hà Nội của tôi trước 1954, là những cây sấu trên đường Hàm Long. Rặng liễu vây quanh hồ Thiền Quang! (Thời gian đó, được biết nhiều dưới tên hồ Halais - trên đường Rue Halais - Trước khi được đổi thành Nguyễn Du.)
vungtrang-phanvu-content-contentHà Nội của tôi, trước 1954 là những cây bàng lá đỏ. Sân trường Hàng Vôi. Những chuyến tầu điện leng keng từ trung tâm thành phố, về Chợ Hôm. Hồ Hoàn Kiếm với ông Tầu bán “Phá Sa.” Đền Ngọc Sơn. Nhà Thủy Tạ… Nơi tuổi thơ tôi trải qua với nhiều câu hỏi không giải đáp. Những câu hỏi rùa thần hay tháp bút?
Những sớm mai, những chiều sương, mây mù dệt lụa mặt hồ, tôi trông chờ thần Kim Quy nổi lên, cùng kiếm báu ngậm ngang miệng…
Tôi cũng từng được dẫn đi chơi Hồ Tây, ăn bánh tôm. Nhưng chưa bao giờ tôi có cho mình câu hỏi (nỗi buồn hoang lạnh?) “chợt hoàng hôn về tự bao giờ” (?)
Tuy nhiên, bài thơ/ ca khúc đã nhói buốt cho tôi một Hà Nội khác. Hà Nội của “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ.” Hà Nội của “từng mái ngói xô nghiêng…”
Cuối cùng, cửa mở. Tôi không biết người đàn ông vẫn lực lưỡng ở tuổi ngoài tám mươi đã mang theo ông cái nóng rộp da? Hay chính cái nóng châm chích đã đẩy ông ào vào? Chỉ biết, cảm nhận đầu tiên của tôi về tác giả “Em Ơi, Hà Nội Phố” tựa như sự ngỡ ngàng trước một Từ Hải râu ria, bậm trợn, bước ra từ “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du. Hay, một Alexis Zorba, nhân vật của Nikos Kazantzakis trong “Zorba the Greek,” vì tính hồn nhiên, quyến rũ mạnh mẽ của ông.
Tôi cũng không biết cái ngoại hình vạm vỡ của tác giả bài thơ “Em Ơi, Hà Nội Phố” đã làm đầy, làm chật quán café giữa trưa; ghế, bàn ít phút trước, còn bâng khuâng chờ khách? Hay giọng nói sang sảng, câu chuyện, tiếng cười, giọng đọc thơ rất Hà Nội của ông, đã lấp đầy mọi khu vực?
Chỉ biết, cuối cùng tôi đã gặp người tôi muốn ngỏ lời cám ơn. Nhà thơ, họa sĩ, kịch sĩ, đạo diễn Phan Vũ.
Chỉ biết, rất nhậm lẹ, hồn nhiên, tác giả “Em ơi Hà Nội Phố” đã như một cơn lốc quyến rũ bạo liệt, cuốn tất cả chúng tôi dạt trôi ngược, xuôi, cao, thấp theo những lênh đênh của định mệnh bài thơ (như định mệnh tình cảm đời ông?) khởi tự những ngày chia đôi đất nước.
Tôi vẫn nghĩ, mỗi tác phẩm, nhất là những tác phẩm lớn, tự thân vốn có cho riêng nó một đường bay, trước ngỡ ngàng tác giả. Cũng thế, trường hợp của Phan Vũ với “Em ơi, Hà Nội phố.”
Nhờ giáp mặt để nói lời cám ơn, tôi mới biết, bài thơ không chỉ có 21 câu, như ca khúc đã phổ biến. Mà, “Em ơi, Hà Nội phố” là một trường khúc, dài 443 câu, phân bổ cho 24 đoạn.
Nhà thơ Phan Vũ (phải) và nhà thơ Du Tử Lê, 2012 (Hình: dutule.com)
Mỗi đoạn, theo tôi, là một game màu, một mảnh puzzo, khi ráp lại, thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12 năm 1972. Ngày họ Phan sinh đẻ “Hà Nội phố,” ông đã bước khá sâu qua tuổi 40.
Không biết có phải vì đã bước khá sâu vào tuổi “Tri thiên mệnh” hay không mà, người đầu tiên họ Phan cho chiêm ngưỡng dung nhan đứa con tinh thần ngoại khổ của mình, là Xuân Diệu. Phan Vũ kể, sau khi đọc bản thảo “Hà Nội phố,” “ông hoàng thơ tình” thời tiền chiến, tác giả “Thơ thơ” (1938,) nói, muốn sống hay dấu ngay. Không phổ biến. Tác giả “Gửi hương cho gió” (1945) còn nhấn mạnh thêm:
“Lúc này là lúc ‘Toàn dân chống Mỹ cứu nước! Không phải là lúc của những lãng mạn mang tính chống đối ngông cuồng, đi ngược đường lối Đảng như bọn Nhân Văn hai chục năm trước…”
Khi nhắn nhủ tác giả “Em ơi, Hà Nội phố,” có dễ Xuân Diệu (một trong những trợ thủ đắc lực, “tàn sát” nhóm Nhân Văn ngày xưa,) đã quên (hay không biết) rằng, Phan Vũ cũng là một thành viên nhóm Nhân Văn! Nếu Nhân Văn không bị đình bản sau khi đã phát hành được 5 số, thì số Nhân Văn số, 6, đã có thơ…Phan Vũ!
Trường hợp này, nhiều phần, Phan Vũ sẽ phải chịu chung số phận với các bạn văn của ông thời đó. Như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… Và, cũng nhiều phần, thi ca, âm nhạc Việt, sẽ không thể có một “Em ơi, Hà Nội phố.”
Nói cách khác, theo tôi, đấy là bước khởi đầu định mệnh “lên bờ, xuống ruộng” của bài thơ này vậy.
Tính Nhân Bản Trong Thơ Phan Vũ, Thành Viên Cuối Cùng Của Nhóm Nhân Văn,
Tôi không biết những người cùng tôi (luôn bàn ghế, ngôi quán, cái nóng, con đường, thành phố xế chiều) nghe “Alexis Zorba” Phan Vũ đọc trường khúc “Hà-Nội-phố” của ông, nghĩ gì, cảm gì? Riêng tôi có bất ngờ to lớn, là sự kiện ông cho biết, bài thơ được viết vào tháng 12 năm 1972. Khi Hà Nội trân mình chịu đựng những đợt B-52, ném bom. Trải thảm.
Tiết lộ của tác giả, chỉ như một chú giải hoàn cảnh ra đời đứa con tinh thần của mình. Nhưng với tôi, vô tình ấy, lại như khối lửa và, thất thanh tiếng sét, thình lình xé toang bóng tối bưng bít, hiển lộ ký ức bài thơ (đoạn trường tác giả.)
Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ “ký ức, vì ký ức tôi không có Hà Nội, 72. Bài thơ cho tôi những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và, hình ảnh một Hà Nội sơ tán. Một Hà Nội trống hoác. Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín, nẫu hoang vu:
“Cơn mưa đầy
“Những hố sâu trước cửa
“Chiếc thuyền giấy lang thang
“Không bến đỗ…
(…)
“Ta còn em cánh cửa sắt
“Lâu ngày không mở.
“Nhà ai?...” (1)
Ký ức tôi vẫn xanh thẫm một Hà Nội những gốc bàng sưng, khô sẹo hưng, phế. Những hàng sấu, chứng nhân buồn/ vui bao đời hai hè phố. Những cây phượng dấu giếm tiếng ve mùa hè, trên cao. Con đường bờ sông dẫn ra đê Hồng Hà cát bồi, ngút mắt. Những cây soan lá nõn, reo, ngân ngày nở hoa, đơm trái. Những búp đỏ lựng, thơm tho hoa gạo - - Trôi từ Kim Bảng/ Sông Đáy tới Năm cửa ô. Tiếng rao phở đêm, quyến rũ tới chảy nước miếng. Như những sớm mai tôi, cổng trường Hàng Vôi táo dầm, mùa thu; bài vè kẹo kéo, mùa đông. Ngây ngất.
Ký ức tôi vẫn bâng khuâng, huyền bí tiếng chuông, mõ từ ngôi chùa nép mình lòng ngõ Tràng An. Con ngõ mạch máu nối Triệu Việt Vương nhập thân Phố Huế, nơi tôi ở những ngày cuối cùng, Hà Nội. Nhưng ký ức tôi không có một Hà Nội, 72, Phan Vũ.
Hà Nội, 72 của họ Phan, là những tháng, ngày B-52, ném bom-trải-thảm tử/ sinh, còn/ mất trộn lẫn… mù, điếng phận người:
“Ta còn em tiếng dương cầm.
“Trong khung nhà đổ
“Lả tả trên thềm
“Bettho và Sonate Ánh Trăng.
“Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...
(…)
“Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy.
Đêm lộng lẫy!
“Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
“Nước mắt lã chã trên áo đỏ.
“Rồi một ngày tả tơi,
“Loạn gió.” (2)
Ký ức tôi cũng không có tiếng đàn câm. Như những phần số bỗng dưng, một sớm chia ly hình / bóng:
“Ta còn em một đam mê.
“Một vật vã,
“Một dang dở,
“Một trống không,
“Một kiếp người,
“Những phím đàn long...” (3)
Hay:
“ Em ơi! Hà-Nội-Phố.
“Ta còn em đường lượn mái cong
“Ngôi chùa cổ.
“Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
(…)
“Ta còn em một cuộc tình
“Như một bài thơ.
“Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số.
“Nhật ký sang trang ghi thêm nỗi nhớ...” (4)
Không có trong ký ức nghèo nàn Hà Nội của mình, nhưng tôi cảm nhận được nhiều (rất nhiều) những nốt lặng giữa “Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.” Hay “Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số,” của Hà Nội, 72, Phan Vũ, tán lạc hồn vía. Trắng xóa ngày mai!
Tôi vẫn nghĩ, tùy kiến thức, tập quán cảm nhận mà, mỗi cá nhân tiếp cận, đi vào tác phẩm văn chương, công trình nghệ thuật thuận/ nghịch khác nhau.
Tuy nhiên, nếu có những tác phẩm hiện ra như một cánh rừng, thách đố người thưởng ngoạn tự tìm lối…Thì, cũng có những tác phẩm, cung cấp cho ta những cụm từ hay, chỉ một chữ, (tôi gọi là từ-chìa-khóa,) giúp ta dễ dàng khám phá khu rừng thi ca nguyên sinh của tác giả.
Từ-chìa-khóa trong trường khúc “Hà-Nội-phố” của Phan Vũ là tính-từ “Còn.” “Còn,” (nghịch nghĩa với “Mất,”) là chìa khóa tác giả trao cho người đọc, để mở cửa vào mọi đền đài ký ức trong cảnh thổ Hà Nội, 72, của họ Phan.
Bất cứ ai, dù bước vào cảnh thổ Hà Nội, 72 của Phan Vũ, qua cửa ngõ ca khúc “Em ơi, Hà Nội Phố” (do Phú Quang phổ nhạc;) hay qua khá nhiều dị bản “Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ, có dễ đều ngạc nhiên khi thấy dọc lộ trình tháng, ngày Hà Nội, 72 mình, họ Phan tịnh không một từ kết án B-52, ném bom-trải-thảm. Tác giả không “xỏ nhầm giầy” của những người làm công tác tuyên truyền. Ông cũng không mặc áo khín của những chuyên viên gia công cưỡng bức chữ nghĩa.
Suốt lộ trình trường khúc 443 câu, họ Phan không mang vào trong thơ ông, những khẩu hiệu. Những con số máy bay “Mỹ-Ngụy” bị bắn rớt. Những “giặc lái không tim” bị nhân dân ta trói giựt cánh khuỷu, cúi đầu, nhục nhã đi trong ánh mắt căm thù đám đông. Dọc lộ trình trường khúc 443 câu, người đọc cũng không thấy hình ảnh đấu tố, xỉa xói giặc ngoại xâm… Thay vào đấy là những nhức buốt thân phận, kiếp người, nạn nhân chiến cuộc. Cụ thể hình ảnh:
“Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa
“Đã có tên trong vòng hoa tưởng niệm…
“Một tháng chạp trắng khăn sô,
“Khói hương dài theo phố.
Một tháng chạp
Thâu đêm
Mẹ
“Thức.
“Hóa vàng…” (5)
Làm người đọc chấn động tâm can, ngàn lần hơn biểu ngữ, khẩu hiệu.
Hoặc:
“Tháng chạp con đường ngẩn ngơ,
“Dãy phố thành tọa độ.
“Khu trắng không người ở,
“Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa,
“Lời thề của người bỏ phố:
“ - ‘ Còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ!’
“Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ,
“Thí thân cho mất cho còn!” (6)
Cũng một ngàn lần hơn những gào thét phát thanh, hô hào Hà Nội vùng lên.
Hoặc nữa:
“Một tháng chạp,
“Cây bàng mồ côi, mùa đông,
“Nóc phố mồ côi, mùa đông,
“Mảnh trăng mồ côi mùa đông.
“Tháng chạp năm ấy in hình bao mộ phố!” (7)
“Mộ phố” chỉ hai chữ đó thôi, trong thơ Phan Vũ, đủ thay thế hàng ngàn bài báo Hà Nội căm thù chiến tranh!
Tôi quan niệm, tính nhân bản, cảm thức không “lề trái, lề phải” mà, chỉ có lề duy nhất: Lề của nhãn quan và, rung động tự thân, độc lập, mới có thể làm thành nhân cách thi sĩ. Làm thành thước đo độ lớn tác phẩm!
Tác giả “Hà-Nội-phố,” theo tôi, là một trong những tác giả hiện thân của nhân cách thi sĩ, làm nên gia trị tác phẩm.
Những “Vắng mặt” Trong Bức Phù Điêu Hà Nội, 72 Của Phan Vũ.
Khi nhấn mạnh tính từ “còn” như một từ-chìa-khóa mở vào mọi đền đài trong toàn cảnh không gian Hà Nội, 72 của Phan Vũ, tôi muốn nói tới phần bên kia, mặt tiêu trầm, khuất lấp. Mặt làm thành linh hồn bài thơ.
Dọc lộ trình trường khúc “Hà-Nội-Phố,” 443 câu của họ Phan, người ta thấy ắp đầy hình ảnh. Âm thanh. Như tiếng giầy, bước chân. Tiếng chuông nhà thờ. Tiếng họp chợ sớm, khuya. Tiếng mõ giấu mình đâu đó trong trong ngõ. Tiếng đàn guitar. Tiếng hát Trương Chi. Hình ảnh những chuyến tầu đêm vào ga. Tiếng rao hàng. Tiếng cười, khóc. Tiếng tầu điện lanh canh chở buồn, vui Hà Nội qua 36 phố, tới 5 cửa ô… Hình ảnh cô hàng hoa. Tiếng đọc truyện Kiều của bà bán quán. Tiếng lá rơi. Tiếng thang gỗ cũ vặn mình. Tiếng cánh cửa sắt cọt kẹt mở vào ngôi nhà không người ở. Hình ảnh những người yêu nhau, tìm nhau, hò hẹn/ chia tay. Những thầm thì thương yêu, như những hạt mầm tốt tươi ươm cho Hà Nội đời kế. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh, như một phần của toàn cảnh Thăng Long ngày, tháng cũ…
Nhưng tất cả chỉ là hồi tưởng. Chúng là những ngọn nến cầu siêu, gọi hồn Hà Nội. Những ngọn nến làm sáng thêm, lung linh hơn, tan tác.
“Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ biến tâm hồn tôi thành chiếc nêm tội nghiệp - - Chêm giữa mất/ còn. Hay tôi là con tin của hồ nghi, nhiều câu hỏi? Lúc tiếng hát Thanh Lam(?) qua ca khúc của Phú Quang, vọng về:
“Ta còn em một màu xanh thời gian
“Một chiều phai tóc em bay
“Chợt nhòa, chợt hiện
“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
“Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…”
Tôi không biết người không nhớ phố hay, phố đã quên người?
Tôi cũng không biết hình ảnh, âm thanh nhớ người hay, người tương tư âm thanh, hình ảnh? Đó là xâu chuỗi hình ảnh, tiếng động mà, sự vắng mặt tương tác nhau. Như chiếc lá rơi tạo thanh âm trên mặt phố. Từ đó, phố, người đón nhận những âm vang quá khứ. Hoặc ta vốn có sẵn hình ảnh, tâm tưởng về chiếc lá; nên ký ức mở cửa đón chào?...
Trường hợp nào, với tôi, toàn cảnh Hà-Nội, 72 của Phan Vũ vẫn là những khoảng lặng mênh mông, nối những khoảng lặng tê điếng. Toàn cảnh Hà-Nội, 72, là sự vắng mặt của chính Hà Nội. Tựa những thước phim, không tiếng.
Vắng mặt đầu tiên, trong trường khúc Hà Nội, 72, của họ Phan, trong ghi nhận của tôi, là sự sống, sắc mầu. Chúng đã bị/ được người Hà Nội mang theo khi sơ tán...
Một thành phố không còn thị dân, là thành phố hoang. Thành phố chết. Người Hà Nội, 72, bỏ Hà Nội mà đi, không chỉ đem theo sự vắng mặt của mình. Họ còn để lại sau lưng, còn khêu thức nhiều vắng mặt khác!
Tôi muốn nói tới những vắng mặt của chim muông. Những tiêu sơ thiên nhiên, cảnh, vật mà, con người trong đó, thấy như thất lạc chính mình:
“Em ơi! Hà-Nội-Phố!
“Ta còn em ráng đỏ chiều hôm
“Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
“Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá…” (8)
Hoặc:
“…Chiếc lá rụng.
“Khởi đầu ngọn gió.
“Lao xao sóng biếc Tây Hồ.
“Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?..
(…)
“Em ơi! Hà-Nội-Phố!
“Ta còn em con đê lộng gió.
Dòng sông chảy mang hình phố.
“Cô gái dựa lưng bên gốc me già.
“Ngọn đèn đường lặng thinh
“Soi bờ đá…” (9)
Vắng mặt kia, là những tấm bảng chỉ đường. Tất cả đều chỉ về một phía. Phía của tiêu trầm nhân sinh. Phía của hoang vu cảnh, vật. Côi cút lên rêu:
“Em ơi! Hà-Nội-Phố!
“Ta còn em lô xô màu ngói cũ
“Hiu quạnh
“Một ngôi nhà.
(…)
“Ta còn em con đường đá
“Lát bao kỷ niệm?
“Cây si kia trồng tự năm nào?
(…)
“Ta còn em đống than tro,
“Một ngày gió nổi,
“Mớ giấy tiền,
“Phù du của nả.
“Hai cõi âm dương,
“Mịt mù bụi phố!” (10)
Nhưng, vẫn theo tôi, có một vắng mặt hiện ra, tự thân lại mang trong nó một vắng mặt khác. Tôi muốn gọi đó là vắng mặt mang tính vấn nạn. Câu hỏi lớn.
Vắng mặt ấy xuất hiện nhiều lần, qua nhiều câu thơ, dọc lộ trường khúc:
Đó là vắng-mặt-câu-hỏi về người con gái và, “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”? Về hình ảnh “cô gái áo đỏ venice/ xa Hà Nội.” Và:
“Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy
“Đêm lộng lẫy!
“Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
“Nước mắt lã chã trên áo đỏ…” (11)
Trả lời câu hỏi về vắng mặt như một bệt màu chói gắt trong nền tranh rêu xám này, tác giả cho biết:
- Đó là dương cầm thủ Trịnh Thị Nhàn, rất nổi tiếng tại Âu Châu từ nhiều chục năm qua. Một người bạn hàng xóm, thân với ông từ thuở nhỏ. Trịnh Thị Nhàn ở phố Quán Thánh. Cùng với Đặng Thái Sơn, cô là học trò cưng của bà Thái Thị Liên.
Năm 1945, Hà Nội tiêu thổ kháng chiến. Ở vùng kháng chiến, không có piano, có thời gian bạn ông đã phải học bằng cách vẽ lại hình dạng, các phím dương cầm trên tấm phản gỗ… Thời gian trước sơ tán, ở Hà Nội, buổi tối, nhất là những đêm mưa, ông thường qua thăm, thả tâm hồn mình trôi trong tiếng dương cầm của bạn…
Ông kể:
“Cô bạn tôi sau đó, được sang Nga học piano. Rồi định cư tại Pháp. Cô được mời trình diễn khắp Âu châu. Nhắc tới tên cô, những người hâm mộ dương cầm ở Âu châu, hầu như chẳng mấy ai không biết. Tuy nhiên, đời sống tình cảm của cô ấy thì lại quá bi đát. Cô bạn tôi không may mắn, sớm bị thất vọng, đổ vỡ ngay từ cuộc hôn nhân ngắn ngủi thứ nhất…”
Họ Phan cũng cho biết thêm, đoạn thơ:
“… Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
“Lão Mozard hàng xóm
“Bảy nốt cù cưa.
“Từng đêm quên giấc ngủ…” (12)
Cũng đi ra từ tiếng dương cầm lộng lẫy của Trịnh Thị Nhàn. Kỷ niệm thời niên thiếu, hai người.
Là một trong những vắng-mặt-câu-hỏi của bức phù điêu, Hà Nội, 72, của Phan Vũ vậy.
Phan Vũ, Từ Điện Ảnh Tới Thi Ca
Tôi nghĩ, những người yêu mến thơ Phan Vũ, đa số biết rằng, lãnh vực hay sở trường của họ Phan là điện ảnh. Ở vị trí hàng đầu trong lãnh vực nghệ thuật thứ bảy từ những năm cuối thập niên (19)40 (thời phôi thai nền điện ảnh Việt Nam) Phan Vũ là bằng hữu thân thiết của nhiều tên tuổi lẫy lừng thời đó. Như Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Phùng Quán... lãnh vực văn chương; Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... lãnh vực hội họa.
Nhắc tới một số tên tuổi nhà văn đã đi vào văn học sử, qua vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, ý tôi muốn nhấn mạnh, khởi từ giao tình vừa kể, họ Phan đã tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, diễn ra tại miền Bắc, những năm giữa thập niên (19)50.
Ông kể, nếu Nhân Văn số 6 (13), ra đời, với bài thơ nhan đề “Bình vỡ” của ông đăng tải trong số báo ấy, thì ông không biết những miểng vỡ của chiếc bình kia sẽ ghim vào thân thế ông ở mức độ nào?!
Đề cập tới hai tên tuổi lớn của hội họa là Bùi Xuân Phái và, Nguyễn Sáng, ý tôi muốn nhắc tới câu trả lời của nhà thơ Phan Vũ, dành cho một nhà báo ở Việt Nam, đại ý: Trước tài năng chói lọi của họ, tác giả “Hà-Nội-Phố” không dám cầm cọ. Mãi tới khi bước vào tuổi 70, ông mới vẽ. Và, dư luận ghi nhận, cũng như với thi ca, hội họa đã mở rộng cánh cửa chào đón ông. Tựa chào đón một họa sĩ thực sự có tài.
Như thắc mắc của một số người, tôi không biết ngôn ngữ điện ảnh ảnh hưởng tới ngôn ngữ thi ca của họ Phan? Hay ngược lại?
Theo tôi, hai bộ môn nghệ thuật, văn học này, ít nhất cũng có chung nhau một mẫu số. Mẫu số hình ảnh. Nhưng tôi vẫn nghĩ, hình ảnh trong điện ảnh là những liên-ảnh. Nói cách khác, ngôn ngữ điện ảnh là ngôn-ngữ-mở. Hiểu theo nghĩa, căn bản hình ảnh này khơi mở, mời gọi hình ảnh khác.
Thí dụ, khung cửa sổ mở vào một khoảng trời u ám, vần vũ mây đen, báo trước cho người xem hiểu rằng, hình ảnh sau đó, nhiều phần sẽ là một trận mưa. Hay nhân vật trong phim sẽ hồi tưởng tới một quá khứ ảm đạm, buồn bã... Chiếc cầu nối giữa hai hình ảnh hay tâm trạng, trong trường hợp này, là khoảng trời u ám, vần vũ mây đen...
Tôi muốn gọi đó là ngôn-ngữ-mở. Trong khi ngôn ngữ của thi ca, vẫn theo tôi, là ngôn-ngữ-khép. Hiểu theo nghĩa kiệm lời. Ít chữ.
Thi ca cho phép người làm thơ “nhẩy cóc” từ hình ảnh, trạng thái này qua hình ảnh, trạng thái khác. Không nhất thiết phải có một chiếc cầu liên kết đôi bờ. Chiếc cầu, nếu cần thiết phải có, sẽ do chính độc giả (tùy trình độ, cảm quan) thiết lập. Đó cũng là những khoảng trắng, mang tính liên tưởng văn học mà, thi ca để dành cho người đọc.
Tỷ như một trong những câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều người, ở trường khúc “Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ là:
“Ta còn em tiếng dương cầm
“Trong căn nhà đổ...”
Nếu hình ảnh, âm thanh này xuất hiện trong một cuốn phim thì, đạo diễn (Phan Vũ) trước (hoặc sau), phải có đoạn phim ghi lại hình ảnh ngôi nhà thời nguyên vẹn. Hình ảnh người nữ, dương cầm thủ (dù chỉ dáng ngồi,) cùng cây đàn, tiếng đàn... Nhưng ở cương vị thi sĩ, tác giả chỉ cần dùng tính từ “còn” người đọc sẽ liên tưởng tới những hình ảnh, âm thanh, chiếc đàn, người chơi đàn đã... vắng. Mất.
Nói cách khác, “Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ, theo tôi, là một cuốn phim vĩ đại, đánh dấu một giai đoạn, một thời kỳ Hà Nội. Nó cho Hà Nội, 1972 một linh hồn giữa khi cảnh vật, con người đã tiêu trầm hồn, tính.
Bài thơ của họ Phan còn cho thấy tương tác máu, thịt giữa hai loại hình nghệ thuật. Một liên-ảnh, một hợp hôn không thể tốt đẹp hơn, rực rỡ hơn giữa nghệ thuật và, văn học.
Định mệnh của “Hà-Nội-Phố,” do đấy, tôi nghĩ, là định mệnh bất phân ly một phần lịch sử Hà Nội.
Hơn một lần tôi nói với T. về ước ao, một trưa nào, không cần Đoàn Thạch Hãn giới thiệu mà, chính chúng tôi sẽ là người mời Hãn, mời Hà Quang Minh, Ngô Kinh Luân... trở lại với thành phố phồng, rộp những cơn nắng châm chích trên từng tấc thịt, da, tuồng đã bị nấu nhừ, nung chín...
Chúng tôi sẽ cùng mở cửa bước vào ngôi quán xưa. Ngôi quán âm âm, chia khu và, những chiếc ghế bành đợi khách...
Bằng cách riêng của mỗi người, lần này, tôi tin, chúng tôi sẽ được chiêm ngưỡng những bức phù điêu “Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ, cùng khắp tất cả các bờ tường. Và, ắp đầy không gian âm âm kia, sẽ là âm giai lộng-lẫy-ngậm-ngùi của ca khúc “Em Ơi, Hà Nội Phố,” Phú Quang.
Tôi nghĩ, có thể nhiều phần, T. sẽ thay mặt chúng tôi, ngỏ lời cám ơn Phan Vũ. Cảm ơn Phú Quang.
Tôi cũng nghĩ, có thể nhiều phần, T. sẽ không quên cảm ơn cả những vắng mặt trong Tháng Chạp, Hà Nội, 1972 của Phan Vũ, nữa.
(Tháng 5, 2012)
__________
Chú thích:
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12): Theo bản chung quyết, do chính tác giả cung cấp.
(13 Theo trang mạng Wikipedia, Bách Khoa Toàn Thư Mở thì, Nhân Văn là một tờ báo văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội, do nhà văn Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy thư ký tòa soạn. Bán nguyệt san Nhân Văn, số 1, ra mắt ngày 20 tháng 9 năm 1956, phản kháng chế độ, tranh đấu cho quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Ngày 15 tháng 12 năm 1956, Ủy Ban Hành Chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Số 6 không được in.
Riêng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, số 1, ấn hành tháng 3 năm 1956, do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương; về sau bị tịch thu vì bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần - Miêu tả hoàn cảnh đời sống miền Bắc những ngày đầu đất nước chia cắt. Tác giả bài thơ bị qui kết chống phá, “bôi đen” chế độ, với những câu thơ đanh thép như: “Tôi bước đi/ không thấy phố/ không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ trên màu cờ đỏ...” Tạp chí Giai Phẩm ra được 4 số, trước khi bị đình bản.
Sau đó, hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm bị đưa đi học tập cải tạo. Một số bị treo bút thời gian dài như Lê Đạt, Trần Dần... Số khác không thể tiếp tục con đường văn chương. Có người còn bị giam giữ nhiều năm và, tiếp tục bị giám sát sau khi đã mãn tù. Trường hợp Nguyễn Hữu Đang. Dư luận chung gọi là “Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm.”