Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Thời thơ ấu, có giai đoạn ông học tiểu học ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa. Ông làm thơ từ rất sớm, bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài Bến tâm hồn, đăng trên tạp chí Mai. Ông mất ngày 7-10 -2019 tại nhà riêng của ông ở Garden Grove (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi.
Sinh thời Du Tử Lê là một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc được công chúng yêu chuộng. Có khoảng 300 bài thơ của ông được phổ nhạc trở thành những nhạc phẩm nổi tiếng như “Trên ngọn tình sầu” (Từ Công Phụng), “Khúc thụy du” (Anh Bằng), “Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau” (Phạm Duy), “Đêm nhớ trăng Sài Gòn", "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", "Quê hương là người đó"(Phạm Đình Chương) ... Tuy nhiên, trong số đó, không hiểu vì sao bài thơ “Thư cho em” (do nhạc sĩ Mai Trường phổ nhạc đổi thành tựa đề Mai em lấy chồng) lại ít được nhắc đến, dù tác phẩm này phổ biến khá sớm và từng có thời gian dài rất quen thuộc với công chúng miền Nam qua giọng hát Hà Thanh.
Với riêng tôi, bài thơ phổ nhạc Mai em lấy chồng có kỷ niệm đáng nhớ đặc biệt, bởi đó là vào thời điểm còn học tiểu học ở trường Nam tiểu học Hội An, khi bắt đầu tập tò làm quen với những nốt nhạc đầu tiên trên cây đàn ghi-ta, tôi đã tình cờ thích thú với bài hát Mai em lấy chồng. Cái tên Du Tử Lê cũng bắt đầu có dấu ấn với tôi, để rồi ngày càng đậm nét hơn ở tuổi vào đời.
Mới đây, khi tìm những tài liệu về tác phẩm nói trên, tôi lại càng thú vị khi bắt gặp một clip của nhạc sĩ Mai Trường trước lúc qua đời (MT mất ngày 10/12/2012 tại Sài Gòn, ở tuổi 78) gởi Du Tử Lê chia sẻ về kỷ niệm của hai người, đồng thời nhờ giọng ca Thanh Thế (con trai của Mai Trường) hát tặng nhà thơ theo bản phổ lại lần thứ hai ông có điều chỉnh khác với bài cũ đôi chút “với những cảm xúc mới, nên giai điệu cũng khác bản phổ lần đầu, lời thơ thì thêm 4 câu cho đầy đủ ý nghĩa của bài thơ”(https://maitruongmenyeu.violet.vn/document/mai-em-lay-chong-7552637.html).
Thế rồi, cơ duyên đưa đẩy, cuối cùng tôi cũng đã có dịp gặp được nhà thơ Du Tử Lê vào ba năm trước tại nhà Nguyễn Quang Chơn, một người bạn văn nghệ tài tử ở Đà Nẵng. Nơi đây, từ nhiều năm qua là địa chỉ gặp gỡ thân tình của anh em văn nghệ hải ngoại như: Đinh Cường, Đặng Tiến, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Lương Vỵ… và cả anh em tỉnh lẻ như chúng tôi. Lần này, là nhà thơ Du Tử Lê cùng phu nhân. Trước đó, Du Tử Lê đã có nhiều lần về thăm quê nhà, nên đến đâu ông cũng gặp gỡ lắm bạn tri âm. Anh Chơn ôm đàn hát tặng nhà thơ bài hát nổi tiếng Khúc thụy du do Ngô Thụy Miên phổ nhạc từ thơ ông. Câu chuyện dồn đập vây quanh ông bởi có quá nhiều điều để hỏi.
Tôi không quên nhắc với Du Tử Lê về bài hát Mai em lấy chồng được phổ thơ từ nhạc sĩ Mai Trường, để lại ký ức khó quên từ thời thơ ấu ở Hội An. Ông cười hiền, bảo thời ấy còn khá trẻ, ông đã có những chuyện tình buồn hình thành nên những bài thơ như vậy. Không nói nhiều về bài thơ dĩ vãng, mà ông bất ngờ kể rằng, ông có một khoảng thời gian tuổi thơ đầy kỷ niệm ân tình với quê hương xứ Quảng, mà đặc biệt là Hội An. Bởi vì, khi cùng gia đình mới di cư vào Nam, đầu tiên, ông học ở Trường Nam tiểu học Hội An. Nơi đây, ông từng là đứa học trò “Bắc kỳ rau muống” được chọn đại diện học sinh toàn trường đọc diễn văn trước mặt tỉnh trưởng và các quan chức thời ấy. Ông nói kỷ niệm này gắn bó với ông sâu đậm đên mức, ông đã từng nhắc lại trong một hồi ký: “Tôi nhớ đã được phép đem bài diễn văn này về nhà, đọc tới đọc lui. Anh tôi phải chỉ tôi chỗ nào nghỉ ít, chỗ nào nghỉ nhiều. Ở đoạn nào thì tôi phải ngước mặt lên để nhìn thẳng vào các viên chức đại diện của tòa tỉnh… Với tôi, đó là những kỷ niệm một thời thơ ấu. Tôi sẽ mãi giữ chúng, cho riêng mình. Như tôi đã giữ lại những điều định nói với bạn”. Câu chuyện rất ấn tượng của ông đã gợi hứng cho tôi viết một tản văn Ký ức về Trường Nam tiểu học Hội An, nơi tuổi thơ của ông và tôi có những trùng hợp tình cờ (http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/tap-but-tap-van/201811/ky-uc-ngoi-truong-tuoi-tho-824880/).
Trên trang blog của Nguyễn Quang Chơn (ngày 16/8/2016) vẫn còn lưu lại: “Đêm ở nhà Nguyễn Quang Chơn. Có Trần Phương Kỳ, nhà Đông phương học. Có Phan Ngọc Minh, họa sĩ bút sắt tài ba, có Trần Trung Sáng, nhà văn trẻ ĐN với “đêm trắng phập phù”, Trường, kẻ biểu tình một mình, Vũ, nhà văn Hội An, Diễn, nhà sưu tập…Vui. Vui thật là vui. Anh Du Tử Lê như sống lại thời mình… mới lớn, khi nghe Trần Trung Sáng “phỏng vấn” người hâm mộ. Và, thật sôi nổi, khi Trần Phương Kỳ, kẻ luôn tạo kịch tính trong các cuộc hàn huyên!…Du Tử Lê nói về ngôn ngữ trong thơ. Trần Phương Kỳ nói về những bất trắc trong lịch sử Trung Hoa. Phan Ngọc Minh thâm trầm tủm tỉm… Đêm với rượu, với văn chương, văn nghệ, tình người, với tiếng cười, tiếng hát, quên hết bên ngoài, quên hết thời gian trôi…” Cũng trong những ngày ấy, Du Tử Lê đã dành thời gian la cà, gặp gỡ khá nhiều anh em văn nghệ xứ Quảng bất kể già trẻ, cũ, mới… Nhưng xúc động nhất, là chuyện Nguyễn Quang Chơn đã đưa ông đến thăm nhà thơ Phạm Ngọc Lư, tác giả nổi tiếng với Biên Cương Hành, lúc này đang ở giai đoạn cuối bị “Ung thư hành”. Gặp nhau, anh Lư nói: “Như một liều thuốc giúp tôi khỏe lên”. Sau đó, giữa lúc anh Lư đang trăn trở cùng căn bệnh nặng, thì ở bên kia bờ đại dương, Du Tử Lê viết một loạt bài về Phạm Ngọc Lư sẻ chia cùng bạn đọc trong nước và hải ngoại. Nhà văn Trần Hoài Thư cũng thực hiện một chuyên san Phạm Ngọc Lư trên Thư Quán Bản Thảo…
Những ngày vừa qua, đúng thời điểm chúng tôi chuẩn bị đón chờ chào đón Du Tử Lê trở về thăm quê hương xứ Quảng như lời ông hẹn với một số anh em thân tình trước đó thì đột ngột nghe tin ông qua đời. Bất chấp những chướng ngại từ nhiều mặt bởi hoàn cảnh lịch sử đất nước, sự ra đi của ông để lại nỗi tiếc thương đặc biệt với những người yêu thơ và khoảng trống hụt hẩng trong nền thi ca đương đại Việt Nam./.
Ảnh: 1/ Nhà thơ Du Tử Lê cùng tác giả bài viết
2/ Từ trái sang: Trần Phương Kỳ, Phan Ngọc Minh, Nguyễn Quang Chơn (đứng) Du Tử Lê, Trần Trung Sáng
3/ Nguyễn Quang Chơn hát tặng vợ chồng Du Tử Lê và các thân hữu những bài thơ được phổ nhạc của nhà thơ.