Tác phẩm đoạt Giải III Cuộc thi truyện ngắn 10 năm TP. Cần Thơ, 2014
Chiều xuống thật nhanh. Vài ba đốm mây đỏ vàng rắc vương vãi cuối trời mau chóng được thay thế bằng những miếng đêm loang lổ, rồi chúng dần dần ghép thành một bức màn khổng lồ tối sẫm. Mưa bắt đầu rơi lắc rắc. Những hạt nhỏ nhịp đều đều xuống mặt đường, nghe sao mà nặng trình trịch. Trời tối lại còn mưa thế nầy làm Kim có cảm giác nôn nóng muốn sớm được về đến nhà. Chuyến xe khách cuối cùng trong ngày đang lăn bánh. Con đường càng lúc càng vắng vẻ nên xe tăng ga phóng nhanh hơn. Kim chìm vào giấc ngủ.
Một khoảng thời gian dài trôi qua, không rõ bao lâu, chỉ đến khi xe dừng lại để qua phà, Kim mới thức giấc, nhìn đồng hồ thì đã hai giờ sáng. Kim kéo tấm vải che ô cửa kính nhìn ra bên ngoài, mọi thứ vẫn chìm trong màn đêm thăm thẳm. Xe chưa xuống phà đã thấy con sông rộng mênh mông nằm ình ngay trước mũi. Có tiếng gió, tiếng sóng rào rào rất gần, rất gần…
Kim nghe mùi miệt vườn rõ lắm, lãng vãng kế bên mình. Nó làm cô chợt nhớ về chốn xưa và những con người của ngày xưa. Cũng như lúc nhìn tấm hình chụp ở trường làng thuở nhỏ tình cờ rơi ra từ đâu đó khi dọn phòng, Kim không còn nhận ra được mấy ai, giờ đây nếu gặp lại hẳn cũng sẽ không còn có thể thân thiết như xưa nữa. Cuộc đời cứ vậy, thời gian trôi qua mỗi chút lại mỗi gặm nhấm, cột chặt tuổi thơ của con người. Tiếng còi u u thông
báo cho hành khách biết phà đang rời bến. Chuyến phà khuya chậm lướt trên mặt sóng, Kim thấy mình như cũng đang lắc lư.
Bao nhiêu thời gian trôi qua cũng không làm thay đổi con đường về quê, xe dừng hẳn khi ngày mới vẫn chưa bắt đầu. Thực ra Kim có thể chọn một thời điểm về khác hơn, không nhứt thiết phải tờ mờ sáng thế nầy. Nhưng dường như cô cố ép buộc mình phải về vào giờ ấy. Má nói, con gái về khuya chi vậy, nguy hiểm. Nói vậy thôi, chớ má cũng hiểu con gái mình về khuya là có nỗi khổ của nó. Ba thì lúc đầu biểu đừng đi khuya nữa, sau đó cấm tiệt.
Vậy mà dễ gì cấm được. Ba biết con gái ba cứng đầu, đành chịu. Vậy là mỗi lần Kim về, ông lại xách đèn pin ra đón. Rồi cũng có ngày ba hiểu lý do, ông cự: “Mầy trốn nó tới chừng nào, suốt đời hả?”.
“Con không biết ba ơi!”. Ba không nói nữa. Ông muốn thà là Kim khóc, nhưng ngặt nỗi cô lại không khóc. Bởi vậy càng nói, ông sợ con mình sẽ càng chai lì hơn, nuốt nước mắt trợn trạo ngược vào trong. Mắt Kim không đỏ, mặt cũng không buồn, không nói, không tỏ vẻ gì đau đớn, Kim lúc đó hiền hơn bao giờ hết. Vậy mà ba sợ nhứt là nhìn thấy cái hiền đáng sợ đó! Như vậy làm ông đau điếng. Nên đôi khi đang nói ngon lành, ông quay qua con gái
mình, nhìn một cái, rồi nín khe.
Cuối cùng, về lúc tờ mờ sáng vẫn là cách hay nhứt mà Kim chọn. Có lẽ là Kim sợ. Sợ rằng nếu mình về trong một buổi sáng đẹp trời, rủi may sẽ bắt gặp cái nhìn của một ai đó. Lúc ấy, không biết cô phải đối mặt ra sao? Mà, cô có làm lỗi gì với ai đâu, sao phải sợ người ta dòm ngó chớ? Biết vậy nhưng mỗi lần thấy ánh mắt đó đang nhìn ra, cô nghe sống mũi cay cay. Ánh mắt đó, mặc dù chỉ ngó bâng quơ, nhưng cô biết nó đang xoáy vào ngay trân mình. Kim thấy nó nhìn sâu thiệt sâu trong dạ cô, coi trong đó đang chứa cái gì. Nó lột cả những nét giả tạo, gượng gạo của cô xuống, bày ra cho người ta coi bụng cô hiền thiệt hiền, mỏng manh, yếu đuối. Kim sợ người ta thấy được sự yếu đuối bên trong của mình, sợ người ta biết bộ mặt mình đang giả tạo, gượng gạo. Vậy mà bị bắt gặp hoài. Nói là sợ, nhưng sáng mai Kim phải gặp ánh mắt đó, ánh mắt từng soi tận bụng dạ cô. Kim biết chắc hẳn ngày mai phải gặp, điều đó không tránh khỏi. Bởi vì, cuộc gặp nầy đâu phải ngẫu nhiên.
Về quê lần nầy, thực ra với mục đích gì, Kim cũng không rõ! Hôm qua, khi nghe mẹ nói qua điện thoại rằng Nhân sắp phá bỏ ngôi nhà cổ, tự dưng đâu tuốt trong ruột trào lên một cơn… thèm về. Vậy là Kim quyết định đi. Khi nghe nói: “Mẹ, con sẽ về”, mẹ cô biết rõ con gái mình muốn về để làm gì, nhưng bà chỉ im lặng. Dĩ nhiên nếu không phải là việc hệ trọng trong gia đình, cô sẽ không bỏ công việc để về quê vô cớ như vậy. Nhưng lần nầy
cũng có phải là chuyện của gia đình đâu, của thiên hạ, vậy mà Kim vẫn về.
Kim nhớ rõ lúc đó cô đã phát điên lên thế nào khi nghe mẹ báo cái tin ấy. Nói chuyện với mẹ mà hai hàm răng cứ nghiến trèo trẹo, trong não đổ ra hàng đống hình ảnh của ngày xưa. Căn phòng trọ nhỏ xíu ngột ngạt chìm nghỉm giữa đống hình ảnh đó. Kim cố ngoi lên, không được. Cô cũng không khóc được. Định bụng là phải tức tốc về, quẳng vào mặt Nhân một tràng dài “thao thao bất tuyệt” về cái nọ cái kia gì đó, nhưng rồi nghĩ lại, mình có là gì
của người ta đâu!
Lần nầy Kim không muốn ba ra đón. Hôm qua cô chỉ cho mẹ biết rằng mình sẽ về trong vài hôm nữa khi đã sắp xếp công việc xong, nhưng Kim có sắp xếp gì đâu, tức tốc về ngay trong hôm sau. Cứ như mọi thứ phải gấp gáp lắm, cứ như trễ vài hôm sẽ không còn có cơ hội. Kim không báo cho ba mẹ biết vì cô muốn được một mình lang thang trên con đường cũ, muốn dừng lại thật lâu trước căn nhà quen. Và tự nhiên, thèm khóc quá chừng, ngay bây giờ. Khóc y như ngày xưa, khi trèo lên mái hiên ngôi nhà cổ bị té xuống. Căn nhà đó vẫn như thuở ấy, mặc dù trời tối nhưng Kim thấy nó hiện ra rõ mồn một. Cô đâu xa lạ gì với nó nữa. Những lúc nầy đây, Kim muốn ngắm nhìn ngôi nhà hơn khi nào hết, vì biết rằng mình sắp phải chia xa. Từng lớp nóc rêu phong, cái mái sà xuống, khung cửa gỗ chạm hình tứ linh, cây cột lớn bóng loáng, tấm hoành phi Đức Lưu Phương… tất cả hiện ra rõ ràng. Rõ ràng, như ngày xưa. Và đâu đó xung quanh ngôi nhà già cỗi kia, tuổi thơ Kim cũng hiện ra, rõ ràng.
Ngôi nhà cổ nằm sát nhà Kim, chỉ cách một dãy hàng rào dâm bụt cũng đã “lên lão”. Đó là căn nhà xưa, rất xưa. Nghe Nhân kể, ngôi nhà được xây từ thời ông cố, đến Nhân là đời thứ năm. Hồi nhỏ Kim kêu nó là cái miếu, vì thấy không giống ngôi nhà nào trong xóm, mà giống cái miếu hơn. Kim ở suốt bên ấy. Trong xóm ít con nít, chỉ có Kim và Nhân trạc tuổi nhau nên dễ chơi thân với nhau. Không chỉ thế, ngôi nhà của Nhân còn bày ra cả một thế giới kỳ lạ, huyền bí trước mắt cô.
Kim thường hay huyên thuyên kể cho mọi người nghe về ngôi nhà có nhiều cái “ngồ ngộ” đó. Cây cột tròn vo hà, mà bự thiệt bự lạ lắm, nó bóng loáng y như thoa dầu mà rờ vô không thấy dầu mỡ gì hết. Cái tủ thờ đen tuyền, cũng bóng lộn, trên đó chạm nhiều mảng trắng sáng đẹp ơi là đẹp (sau nầy Kim mới biết tên gọi của chúng là xà cừ). Cửa nhà có chạm khắc nhiều hình ảnh chim thú, hoa lá, rồng phượng, nhìn thấy muốn… chết mê chết mệt. Cái nóc cũng ngộ, tuốt trên cao, sà từ từ xuống, muốn đụng đầu người. Ngói có miếng ngửa miếng úp, chứ không bằng phẳng như ngói những nhà khác, ba Kim nói đó là ngói âm dương.
Tuổi thơ Kim quẩn quanh ngôi nhà nầy, gắn với nó từ hồi còn nhỏ, nhỏ xíu. Những buồn vui, có Nhân và “lão nhà” biết hết. Khi con gái mình không có ở nhà, ba mẹ biết chắc là ở bên nhà thằng Nhân. Kim ăn cơm khi thì ở nhà mình, khi thì bên nhà Nhân. Không sao, chẳng ai rầy la gì cả, ba của Nhân rất thương cô, xem như con cháu trong nhà. Một hai bữa không thấy Kim qua, thế nào bác Ba cũng kêu Nhân lại: “Mầy qua bên đó coi con Kim có bịnh gì không, hay là mầy chọc nó giận rồi?”. Nhân mắc cười, Kim rảnh thì qua, không thì chắc là đã đi chơi đâu đó, còn nếu Nhân có chọc Kim giận thì vài bữa cũng huề, có gì đâu mà ba lo.
Mỗi lần bác Ba nhậu xỉn, kêu Kim và Nhân lại. Ông chỉ tay lên tấm hoành phi trước cửa nhà, hỏi:
“Tụi bây biết chữ gì hông?”.
Tấm hoành phi dài hơn cả thước, đẹp lộng lẫy trong mắt hai đứa nhỏ (và cả trong mắt nhiều người lớn). Nền gỗ bóng như gương, viền được chạm khắc đủ thứ hoa văn sắc sảo. Ba chữ Hán lớn được khoét sâu giữa miếng gỗ, sơn màu vàng thật đậm, thật sáng. Nhưng hai đứa nhỏ nào biết đó là chữ gì, lắc đầu nguầy nguậy. Bác Ba cười: “Chữ nầy là Đức Lưu Phương, nghĩa là đức của dòng tộc mãi lưu truyền danh thơm.
Nhớ nghe tụi bây!”.
Rồi những lần nhậu xỉn sau đó, bác Ba cứ lặp đi lặp lại cái điệp khúc Đức Lưu Phương. Riết rồi hai đứa nhỏ thuộc làu. Cứ mỗi lần ông hỏi biết chữ gì không, Kim và Nhân đồng thanh trả lời cái rẹt: “Chữ nầy là Đức Lưu Phương, nghĩa là đức của dòng tộc mãi lưu truyền danh thơm”. Chẳng phải vậy thôi, còn đệm thêm câu “Nhớ nghe tụi bây!” mà ông thường nói, làm bác Ba cười sặc sụa.
Có lần Kim đánh bạo hỏi bác Ba:
“Con thấy nhà có quá trời mấy tấm bảng, tấm nào cũng có nhiều chữ lắm. Bộ bác không biết mấy chữ đó sao bác Ba?”.
“Biết chớ sao không!”.
“Sao bác không dạy tụi con mà chỉ dạy tấm bảng Đức Lưu Phương nầy hoài vậy bác Ba?”.
Ông trầm ngâm, cười hiền:
“Ba chữ nầy ý nghĩa lắm à! Nói thì dễ, ai cũng thuộc, mà làm được mới khó!”.
Phải rồi, chắc là khó lắm, bởi vậy bác Ba mới nhắc đi nhắc lại hoài. Mà khó cỡ nào?
Chắc là khó y ran mấy chữ ngoằn ngoèo nét dọc nét ngang kia. Biết nó là Đức Lưu Phương đó, mà viết làm sao cho giống chữ trên tấm hoành phi?
Đức Lưu Phương nghĩa là đức của dòng tộc mãi lưu truyền danh thơm, không biết bây giờ Nhân có còn nhớ?
Sáng sớm, Kim ngó nghiêng trước ngôi nhà cổ. Cô muốn xin chủ nhà cho chụp một tấm hình về ngôi nhà, chỉ vậy là đủ. Cô biết mình sắp xa nó rồi. Có muốn ngôi nhà không bị phá bỏ cũng chẳng được, thời hiện đại rồi, nhà phải là nhà tường nhiều tầng, ai đời lại để chình ình ngôi nhà như cái miếu đó. Nhân dư sức cất một ngôi nhà khác hoành tráng hơn ngôi nhà năm đời của mình. Kim chỉ là hàng xóm, có quyền gì với ngôi nhà nầy đâu. Mặc dầu cô biết rằng, nếu mình chịu nói với Nhân một tiếng, có thể anh sẽ suy nghĩ lại. Nhưng cô không đủ can đảm, và thấy mình không xứng đáng. Không giữ được ngôi nhà, Kim chỉ đành chụp lại một tấm hình. Tấm hình đó, ít ra có thể neo giữ tuổi thơ của cô lại, cột nó nằm một chỗ, không để nó bị cuốn trôi. Gì chứ chụp hình hả? Dễ ợt! Nhân là bạn thân của Kim từ nhỏ, sẽ gật đầu cái rụp thôi, lo gì. Nhưng mà, Kim có dám nói đâu. Thì phải, từ ngày đó Kim không bước vào nhà cổ nữa, cũng không nhìn mặt Nhân, dù đôi lần biết rằng cả hai đang len lén ngó nhau. Ngày đó cũng ở dưới mái hiên có treo tấm
bảng Đức Lưu Phương nầy, Kim đã xua tay từ bỏ cơ hội được làm bà chủ của ngôi nhà cổ.
Cô quay lưng với Nhân, quay lưng với cả “lão nhà” đang buồn thiu ngó trân mình. Thà là không nhìn mặt Nhân, không bước vô ngôi nhà cổ đó, còn đỡ hơn phải bắt Kim phải từ bỏ nghề của mình. Điều đó không thể. Nếu bỏ nghề, cô nghĩ chắc mình sống không nổi. Nhân khăng khăng giữ lý lẽ của anh. Nhân không thể chấp nhận cho người mình sắp cưới làm vợ phải lăng xả khắp nơi quanh năm. Cái nghề báo không có được bao nhiêu tiền, lại vừa khổ, vừa nguy hiểm. Ai sẽ lo cơm nước, săn sóc cho gia đình? Nếu lấy Kim về làm vợ, Nhân không thể hình dung ra mình sẽ trở thành cái gì. Phải lo làm việc, lo choàng luôn chuyện gia đình, lại lo cho an toàn của vợ.
Vậy là anh nhứt quyết buộc Kim phải bỏ nghề. Nhân cần một người vợ đảm đang, chu tất mọi thứ trong nhà để anh yên tâm với công việc. Người vợ đó có thể ngồi nhịp nhịp chân trên ghế không nghề ngỗng gì cũng được, chỉ cần ở nhà lo cơm nước, con cái. Rồi dù ăn ở không, người ta vẫn sẽ tôn trọng kêu vợ Nhân là bà bác sĩ, tiền xài thoải mái, sướng như tiên.
Vậy mà cái sướng đó, Kim không nhận. Cô không muốn làm tiên, tự đày mình xuống mười tám tầng địa ngục. Một là Nhân, một là nghề, cô không thể bỏ nghề. Bởi vậy cô quay lưng đi, bước khỏi ngôi nhà cổ từng bao nhiêu năm gắn bó. Bước ra là biết rằng mình sẽ không có dịp nào trở lại. Nhân nghĩ Kim ngu.
Mấy tháng sau, Nhân đám cưới. Hàng xóm rỉ tai nhau rằng thằng Nhân muốn chọc tức con Kim, để nó thấy bà bác sĩ tương lai sẽ sướng hơn nó vạn lần. Người vợ đó sướng thật! Không phải như tiên, mà hình như hơn cả tiên. Nhưng Nhân không sướng. Anh hững hờ với gia đình. Mỗi bữa cơm Nhân thấy lạt nhách, lùa vô miệng nhai trệu trạo, nuốt khỏi cuốn họng thấy muốn trào ngược trở ra. Mà nào phải vợ Nhân nấu ăn không ngon?
Ai cũng biết vợ Nhân bước vào ngôi nhà cổ nầy không chỉ đơn thuần để làm dâu. Còn làm mũi tên! Thỉnh thoảng Nhân len lén canh me nhà kế bên, để rồi lấy mũi tên bắn qua đó cái sực, đau điếng. Đó là những khi Kim về. Chỉ có vợ Nhân là không biết mình bị biến thành mũi tên. Đôi lần cô hỏi:
“Nhà bển có một chị nào lạ lắm, ngày thường không thấy, lâu lâu mới gặp?”.
“Con gái chú thím Năm”.
“Chị đó ở đâu? Không thấy về nhà, cũng không thấy đi khỏi nhà. Chỉ thấy lâu lâu xuất hiện trong nhà, mà ở trong nhà suốt, không ra ngoài”.
“Không biết”.
Thực ra là Nhân biết, rõ hơn ai hết. Anh biết vì sao cô gái đó chỉ về nhà và ra đi vào lúc tờ mờ sáng, nên người ta mới thắc mắc là không thấy cô ấy về, cũng không thấy đi. Anh cũng biết vì sao mỗi lần về Kim không ra đường mà chỉ ru rú trong nhà. Kim sợ Nhân? Ngay cả hôm bác Ba mất, cô chỉ đứng ở bậc thềm nhà mình nhìn qua, chứ không dám qua nhà Nhân. Bữa đó, mặt Kim ướt đầm nước mắt. Nhân lén nhìn sang nhà bên, nơi có cô gái mảnh khảnh đứng nép bên mái hiên, tự dưng anh muốn khóc òa lên hơn cả lúc ba vừa mất. Lúc đó anh thấy mình như là người mang tội lỗi nặng nề. Mà, Nhân có làm gì cho cô sợ đâu?
Nhưng cũng có khi Kim không sợ nữa. Đó là lúc cô phải đứng nhìn cái nhà cổ của Nhân sắp bị vùi thành đống ngổn ngang. Ngộ, nhà của người ta, vậy mà Kim thấy thôi thúc mình lạ lùng. Cô biết mình đang thực sự bước qua cánh cổng sắt gỉ sét để vào ngôi nhà cổ. Nơi đã lâu không bước vào, giờ cô vẫn thấy nó thân thuộc như ngày xưa. Lúc nầy, dường như cô gái sợ Nhân là Kim nào kìa, chứ Kim đang đứng trước mặt Nhân thì đâu có sợ. Kim không sợ Nhân, nên mới dám đến xin anh cho chụp hình ngôi nhà. Nhân ngó Kim chết trân, như mấy chục năm rồi chưa gặp lại. Nhưng nào phải, anh vẫn thường len lén ngó sang nhà kế bên mỗi khi Kim về. Cô chỉ về vào lúc khuya, nhưng mỗi lần về Nhân đều biết. Giờ đây cô đứng trước mặt anh, bằng xương bằng thịt. Nhân có thể nhìn thẳng Kim chứ không phải len lén nữa. Nhưng anh không dám nhìn lâu, khi biết người trước mặt mình là Kim, anh đã vội quay sang chỗ khác. Nhân sợ nhìn Kim hồi lâu, sẽ không thể rời mắt khỏi được. Tệ hại hơn là mấy giọt nước nhỏ trong hốc mắt có thể sẽ lì lợm không nghe lời, trườn ra bất chợt thì… kỳ lắm.
Chỉ đến khi Kim nhắc lại lời xin phép lần thứ hai, Nhân mới sực nhớ là cô đang đứng trước mặt mình. Kim hỏi:
“Nghe nói Nhân định phá bỏ ngôi nhà cổ nầy để xây nhà mới?”.
“Ừ… ừ…”. Nhân lắp bắp, nói như muốn hụt hơi, không ra tiếng.
Kim cắm chân tại bậc thềm trước nhà, nhìn một lượt bao quát người bạn “lão nhà” của cô. Tự nhiên Kim thèm được nhỏ lại, nhỏ xíu thôi. Ở đó, sẽ chỉ có những lần giận dỗi thiệt ngắn, ngắn ngủn cỡ lóng tay vậy đó, rồi mai lại huề. Ở đó, chỉ có Kim, Nhân và “lão nhà” chơi với nhau. Ở đó, không ai bàn đến chuyện phá bỏ đi ngôi nhà cổ. Mà nếu có ai nói như vậy, chắc hai đứa nhỏ sẽ la làng bể cả xóm, khóc bù lu bù loa. Kim thèm được rờ những cây cột to lớn, bóng loáng, để xem thử có dầu mỡ gì không. Thắc mắc từ ngày còn bé tí, sờ cả ngàn lần, bàn tay muốn bóng tựa cây cột, vậy mà Kim vẫn thắc mắc có dầu mỡ gì trên đó không. Cô vẫn thèm được sờ nữa, sờ mãi, để xem thiệt ra trên cây cột có cái gì. Kim thèm được chơi trốn tìm ở hàng rào dâm bụt ngăn cách hai ngôi nhà, thèm trèo lên mái hiên để rồi té xuống cái bịch, đau thấy tía thấy má cũng được. Kim thương ghê những tấm hoành phi, liễn đối đầy ắp những chữ thếp vàng sáng choang.
Thương những bộ bao lam chạm đủ thứ hình thù đẹp ơi là đẹp mà ngày xưa cô từng ao ước được mỗi ngày mỗi nhìn thấy nó, nhìn hoài cũng không chán. Ngày mai, ngày kia, ngày nào gần lắm, chắc những thứ đó không còn ở trước mắt cô nữa, chứ đừng nói là chạm vào. Rồi đây, cô biết rằng cạnh nhà cô sẽ không còn người bạn “lão nhà” nữa. Kim và Nhân đang ở dưới mái hiên, nơi có treo bức hoành phi Đức Lưu Phương. Kim nhìn nó lâu lắm. Cô không biết Nhân còn nhớ chữ trên tâm hoành phi có ý nghĩa gì không?
“Nhân còn nhớ chữ gì không?”.
Nhân nhìn lên, cái nhìn thiệt sâu, thiệt lâu. Kim nói tiếp:
“Chữ nầy là Đức Lưu Phương, nghĩa là đức của dòng tộc mãi lưu truyền danh thơm… Nhớ nghe Nhân!”.
Kim lưỡng lự khi nói đến câu “Nhớ nghe Nhân!”. Nhân chưa kịp trả lời hay là anh thực sự không nhớ? Cô biết là Nhân nhớ, chắc chắn là Nhân còn nhớ.
Kim không chụp hình nữa, cũng không nói gì thêm, cô ra về. Sau đó Nhân có phá bỏ ngôi nhà cổ không, Kim cũng sẽ không cần biết. Nhưng cô biết chắc hẳn là Nhân sẽ nhớ.
Nhân sẽ nhớ rằng Đức Lưu Phương là đức của dòng tộc mãi lưu truyền danh thơm.
Nhớ nghe Nhân!
VĨNH THÔNG