Du Tử Lê rất yêu hội họa, giao du thân thiết với nhiều họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Sự say mê màu sắc ấy có trong ông từ thời trẻ nhưng chỉ giữ trong sự nung nấu vì ông không tin vào khả năng của mình. Cho đến khoảng 2010 do sự khuyến khích của tôi và nhất là từ Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Thuần là người tận tình giúp ông tìm giá vẽ, tìm mua màu và góp ý về kỹ thuật khiến DTL vô cùng tâm đắc.
Bài viết đầu tiên của tôi về hội hoạ của ông mang tên: Du Tử Lê, Màu Xanh Vàng Phai. được đăng trên các báo ở California, sau đó được nhiều báo về nghệ thuật khắp nơi đăng lại và một luận án thạc sĩ của một sinh viên trong nước tham khảo. DTL rất vui, ông nhiều lần nói với tôi là nhờ bài viết này làm thành động lực giúp ông vẽ nhiều hơn lên. Ông đã tổ chức 4 hay 5 lần triển lãm và lần nào cũng thành công vượt bực bán hết tranh. Tôi cũng hân hạnh được ông mời nói chuyện, khoảng 4 lần về thơ, hoạ của ông trong các chương trình thơ hoạ DTL. Lần cuối cùng là ở chương trình "Thơ & Tranh Du Tử Lê" ngày 18.8.2019 tại thành phố San Jose , California, nhằm ra mắt tập thơ "em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình" và trưng bày một số tranh mới sáng tác. Trong chuyến đi này chúng tôi dự trù ghé thăm Hoạ sĩ Duy Thanh ở San Francisco, một người bạn thân và quý mến của DTL. Chẳng may hôm đó ông rất mệt nên chúng tôi phải bỏ cuộc quay trở về San Jose. Việc này cứ làm ông ngậm ngùi tiếc nuối vì không thăm được Duy Thanh lúc này đang đau yếu sợ không qua nổi. Và, họ vĩnh viễn không gặp nhau nữa. Tháng 10/19 DTL ra đi, Rồi tiếp theo cuối tháng 11/19 Hoạ sĩ Duy Thanh cũng lên đường miên viễn.
Có nhiều người yêu thích và cũng có nhiều người ghét, chống báng ông. Có người sửa thơ ông rồi đem ra chặt chém. Đó cũng là cái sự thường ở cuộc đời ô trọc. Du Tử Lê có một đặc biệt mà xưa nay các thi sĩ Việt Nam không hề có. Đó là thơ của ông được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Con số hàng trăm chứ không phải đôi ba chục bài; có những bài nổi tiếng vang lừng đã lắng sâu vào lòng người. Điều đó khó có ai chối cãi, dù là kẻ ghét ông.
Về tình yêu , Du Tử Lê có rất nhiều hệ luỵ. Những người đàn bà đi qua đời ông đều để lại cho ông những vết sẹo yêu thương và ông trân trọng để nó riêng mỗi góc trong lòng ông, lâu lâu nó vụt hiện, khi đẹp như áo lụa nhung mềm, khi quặn thắt như đang lửa đốt trong lòng. Du Tử Lê nói ông khi yêu ai thì yêu hết lòng, yêu bằng tình yêu mù loà nồng cháy. Yêu như chưa hề yêu ai vậy.
Ngày 7/10/2019, trưa, khoảng 12 giờ hơn, sau khi cafe xong tôi đưa DTL về nhà vì hôm đó anh không có xe. Trên xe anh và tôi nói chuyện bình thường không có dấu hiệu gì đáng quan tâm đến sức khoẻ. Buổi chiều có người bạn rất quý anh mời đi ăn, anh thấy mệt nhưng vì nể bạn phương xa nên nhận lời. Khi đến quán anh than mệt nhiều hơn, chỉ ăn qua quýt vài miếng rồi ngồi yên không còn chú ý chung quanh.
Người bạn đưa anh về nhưng không biết địa chỉ nhà, hỏi anh, anh đã lạc thần, không nói nổi địa chỉ nhà mình. Cuối cùng phải mất gần cả tiếng đồng hồ mới tìm được nhà... Người nhà chở anh vào bệnh viện thì anh đã hôn mê sâu và lặng lẽ ra đi. Thật bình yên và nhanh chóng, giống như nhiều lần tôi và anh ước có được một sự ra đi nhanh như thế. Và anh đã đạt được ước nguyện.
Du Tử Lê đã đi xa một năm, mấy tuần đầu tôi vẫn không tin anh đã chết thật. Sau hôm chị T làm tấm bia gỗ tạm chờ bia đá về, tôi đến thăm anh, đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận anh đã thật sự về trong lòng đất khi tôi úp lòng bàn tay xuống nắm cỏ khâu, cỏ và đất trên mộ anh lằn tăn trong lòng bàn tay. Tôi nghe tiếng anh cười!
Trong đoạn cuối tôi không dùng đại danh từ "ông" để chỉ đến DTL mà dùng tiếng anh để nói chuyện với DTL như hồi sinh tiền của anh. Cho nó ấm!
Tôi chỉ theo dòng cảm hứng ghi lại một số hồi ức với DTL chứ không chủ tâm viết theo một cách nào nên bài viết không có yếu tố thời gian, thiếu mạch lạc. Mong quý vị không chấp.
Little Saigon
ngày 5.10.20