(Hôm nay giỗ đầu nhà thơ Du Tử Lê. Xin đăng lại một phần bài tôi từng viết về Bác lúc sinh thời.)
Tên tuổi bác Lê, tôi biết đã lâu nhưng chả bao giờ nghĩ có thể, có dịp nào gặp, chứ đừng nói được trò chuyện, với một người mà mình hằng ngưỡng mộ.
Đàn anh Nguyễn Thế Khải nhắn tin, tối mai (12.12) thu xếp được thì nhớ ghé nhà hàng L.M trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, anh làm cái tiệc nhỏ mừng sinh nhật anh Nhượng tròn 70, chú nhớ đến nhé. Cuối tin, anh ngoặc vào cái phần sốt dẻo, có lẽ anh biết tôi sẽ không thể bỏ qua: Có nhà thơ Du Tử Lê cùng dự. Đây giống như phần tái bút, sực nhớ hoặc tiện thể viết thêm nhưng lại là phần quan trọng nhất của bức thư.
Hai anh em đang trò chuyện đợi khách, tôi nhác thấy vài ba dáng điệu bước vào. Thoạt cái nhìn đầu tiên, tôi nhận ra bác Du Tử Lê dù đây là lần diện kiến thứ nhất (bởi cũng già cả rồi, chả biết có còn gặp gỡ, trò chuyện, nắm tay nhau, những thứ nhì thứ ba thứ tư thứ n nữa không.) Đọc thơ Du Tử Lê trên mạng điện tử, coi những tấm hình đi kèm, người ảo người thật giờ so sánh chả lẫn đi đâu được. Bác Lê đi cùng bà xã, cả hai thật hiền lành, nhỏ nhẹ và sang trọng. Cái cốt cách của một nhà thơ, một trí thức nổi tiếng ở Sài Gòn trước Tháng Tư, 1975, một con người văn chương, hiểu đời, hiểu người, khiêm tốn cứ toát ra qua từng ánh mắt, cử chỉ. Xứ ta từng có những thế hệ con người tử tế, chững chạc, đáng kính như vậy, bất kể từ phía nào. Đấy là những con người đã vượt lên trên sự tầm thường, xô bồ, vụn vặt của cuộc đời bị chi phối bởi những tư tưởng, học thuyết quái dị.
Như đã nói ở đầu bài, tôi biết Du Tử Lê, thực ra là thơ Du Tử Lê, từ khá lâu. Năm 1974, đám sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, mặc dù được coi là đối tượng chuyên về văn chương nhưng cũng chỉ đọc thơ văn của miền Nam qua những tư liệu hạn chế. Người ta bảo đó là văn học ngụy Sài Gòn, cấm phổ biến, truyền bá, cấm lưu hành. Có những dòng mạch ít ỏi đưa ra ngoài Bắc chủ yếu để cho các nhà nghiên cứu đọc nhằm chê bai, lên án. Không biết tuồn ra theo ngả nào đường nào, nhưng phòng tư liệu của khoa Văn có một số tác phẩm do các nhà văn nhà thơ miền Nam sáng tác, như văn của Vũ Bằng, Nhất Linh, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Thích Nhất Hạnh, thơ của Bùi Giáng, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Lâm Vị Thủy, Tô Thùy Yên, và cả Du Tử Lê. Phòng tư liệu do các thầy Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo coi sóc. Các thầy bị kết án tham gia phong trào Nhân Văn Giai phẩm nên bị cấm dạy, chính quyền chỉ cho làm tư liệu, dịch tài liệu. Khi sinh viên bắt đầu làm luận văn thì được cấp cái thẻ vào đọc hạn chế ở phòng tư liệu, đại loại được tiếp xúc với những thứ bị cấm.
Những lần ít ỏi ấy, tôi biết thêm về dòng văn nghệ miền Nam. Điều thích thú là rất nhiều người trong họ vốn từ Bắc di cư vào Nam. Đã là văn nghệ sĩ phục vụ chính quyền Sài Gòn, lại thêm tội “đánh tây quá đà” nữa thì chính quyền Hà Nội ghét lắm, coi họ như kẻ thù không đội trời chung.
Du Tử Lê thật không may nằm trong số ấy. Ông quê gốc Hà Nam, quê hương cụ Nguyễn Khuyến, ông từng bị chính quyền cách mạng kết án tử hình vắng mặt chỉ vì là sĩ quan, làm thơ ca ngợi chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Phe cách mạng ghét nhất 2 đối tượng, là sĩ quan tâm lý chiến, và văn nghệ sĩ chống cộng. Có lẽ họ thấy đội ngũ của họ thường bị thủng, bị lung lay, bị thiệt hại nhất từ bởi sự công phá của 2 loại đối tượng này.
Tôi thích thơ Nguyên Sa (Trần Bích Lan,) thơ ông dịu dàng như lòng người thiếu nữ. Nó cứ thoảng qua rồi để lại những sâu đậm trong tâm hồn. Cả thơ Tô Thùy Yên nữa. Nhưng anh cùng học với tôi, anh Bùi Trọng Cường, khi còn sinh viên đã có nhiều thơ đăng trên báo Văn Nghệ, Tổ Quốc, Hà Nội Mới, cả báo Nhân Dân, thì thích thơ Du Tử Lê. Anh bảo thơ ông Lê đọc chát chúa đau đớn lắm, nó vò xé lòng ta qua những day dứt rất đời thường. Anh cầm cuốn “Thơ Du Tử Lê” giấy vàng khè, quay roneo chữ nhòe nhoẹt, đọc cho tôi nghe nhiều bài, có những câu như “phải em, rồi như sương/ tan theo ngày nắng vội/ phải em, rồi như mây/ chìm theo vùng bóng tối/ phải em, rồi như mưa/ chảy trôi ngoài hiên, mở,” hoặc “như con chim bói cá/ trên cọc nhọn trăm năm/ tôi tìm đời đánh mất/ trong vụng nước cuộc đời…” dần dần tôi cũng bị lây cái say của anh Cường, thích Du Tử Lê. Anh Cường còn bảo, tao thích Du Tử Lê bởi cái bút danh của ông ấy, một kẻ du tử lang thang vô định giữa chốn đời đầy giông bão, chết chóc.
Bây giờ thì không phải là ước mơ, khao khát nữa, tôi đang ngồi bên ông, rụt rè nắm bàn tay ông, bàn tay cái người đã viết những vần thơ đau đớn về một thời chiến tranh sinh ly tử biệt, về tâm hồn rạn vỡ, về cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn. Ông hiền hậu, ít nói, chuyện trò thủ thỉ thù thì, như người anh lâu lắm vừa về gặp lại những đứa em xa. Mắt ông thật hiền, nheo nheo của người già, cũng là cái nheo tươi trẻ, láu lỉnh của thời trai. Ông hỏi tôi về những tháng năm chúng tôi đã sống, ông ngậm ngùi sao mà con người ta số kiếp khổ thế. Trên sân khấu, dàn nhạc đang chơi bản nhạc Pháp về tình yêu và cuộc sống, âm vang nhẹ nhàng thoáng được thoáng mất. Ông nắm chặt tay tôi, truyền cái ấm nóng của bậc đàn anh đã đi gần trọn kiếp người.
Ngồi bên Du Tử Lê, bất giác tôi nhớ một bậc đàn anh khác, từng ngược chiến tuyến với ông Lê, là bác Nguyễn Duy. Ôi, hai ông anh từng có thời cầm súng chĩa vào nhau, sao tâm hồn đều đẹp, trong trẻo dịu dàng là vậy. Hôm tôi ốm, nửa đêm điện thoại kêu tít tít, tôi cứ nghĩ tin nhắn rác của nhà mạng, vả lại mình đang mệt ngáp ngáp nên cũng ngại mở máy. Sang hôm sau đọc, thi sĩ xứ Thanh nhắn rằng (nguyên văn): “Đọc fây biết cụ (Lý) Thông ốm, xin gửi nhời vấn an. Mong cụ đừng ngoẻo, mau lành, tiếp tục fây dữ dội cho dân làng thưởng thức. Hôm nào khỏe lại, báo tin nhé, để mời cụ chén rượu quê danh tiếng. Nguyễn Duy.” Đọc xong tỉnh hẳn, khỏe hẳn, như được truyền dòng sinh lực vô hình.
Những bậc đàn anh, người giản dị giữa đời thường, bao giờ cũng đối xử với bạn bè, đàn em bằng tấm lòng yêu thương trìu mến như vậy. Cũng như tôi đang may mắn bên bậc đàn anh Du Tử Lê đây, cảm giác thật bình an.
Nguyễn Thông