Nếu không nhờ T. nt tôi đã quên hôm nay là lễ tiễn biệt Hoạ sĩ Bé Ký đi về nơi miên viễn. Khi đến nơi chỉ còn gia đình Hồ Thành Đức , quan khách và bằng hữu đã về gần hết.
Không khí nhà quàng trở nên hiu hắt khi về chiều và vắng vẻ bóng người. Tôi đứng nhìn mái tóc bạc, gương mặt an yên như trẻ thơ của Bé Ký mà nhớ đến nụ cười hiền đến ngây ngô của bà khi đưa cho tôi và Bùi Giáng đến nhà xin tiền uống rượu. Hồ Thành Đức cũng cười cho rậm đám. Tôi nhớ những ngày cặp vợ chồng hoạ sĩ tốt bụng này luôn tổ chức nhậu , khoảng đãi bạn bè, bao giờ Bé Ký cũng luôn là đầu bếp lo mọi việc. Gà xé phay, nấu cháo . Cà ri. Bún bò là mấy món Bé Ký chuyên nghiệp, tay bà đưa ra mấy nhát , nhanh và dứt khoát như vẽ là xong tất.
Nhắc đến hội hoạ của Bé Ký, tôi chợt nghĩ đến cái tên của bà như một tiên mệnh. Bà tên thật là Nguyễn Thị Bé, lúc nhỏ được hoạ sĩ Trần Đắc nhận nuôi dưỡng. Bà đâm ra mê vẽ nên hs Trần Đắc ra công truyền nghề. Nét vẽ đơn giản theo tay bà đã tạo ra những bức tranh chân chất, đẫm hồn quê ra đời. Những bức tranh đó được cô Nguyễn Thị Bé mang đi bán dạo khắp phố trung tâm Sài Gòn. Theo lời HS Hồ Thành Đức, phu quân của bà kể, khi bán tranh, người ta hỏi sao không ký tên, bà phân vân không biết phải làm sao, cuối cùng viết đại Bé Ký tức là Nguyễn Thị Bé ký. Một cách hiểu xa hơn là tên Bé Ký là do chính khán giả trao tặng cho người hoạ sĩ có tài thiên phú. Hoạ danh Bé Ký có là do vậy. Cái tên Bé, bé người ( bà rất nhỏ nhắn) và chữ Ký đi xéo thẳng lên cứ như một mũi tên đang xé bầu trời. Bé mà bé hạt tiêu! Bà nổi tiếng nhiều nơi, cả trong và ngoài nước. Tranh của bà được một số bảo tàng trên thế giới chọn treo. Nhưng bà có một cuộc sống thật êm đềm thầm lặng, có lẽ một phần do bệnh khiếm thính rất nặng và một phần do bản tính nên bà suốt đời chỉ biết lo cho chồng con sau thời gian ngồi trước giá vẽ.
Có nhiều điều để nói về Bé Ký lắm...
Hôm nay tiễn chị lòng không khỏi bùi ngùi khi nhìn anh Hồ Thành Đức, sống đấy, cười đấy, nói đấy mà hồn anh đang ở một nơi nào cũng xa xăm khuất bóng. Như chị vậy!
Gửi ý kiến của bạn