Chân Dung Thứ Ba Trong Văn Xuôi Kha Thị Thường.

31 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 5757)
Chân Dung Thứ Ba Trong Văn Xuôi Kha Thị Thường.

Đọc liên tiếp hai truyện ngắn “Thợ Săn” và “Nợ Rừng” của Kha Thị Thường, tôi nhớ Lan Khai.

Nếu, thời tiền chiến, nhà văn Lan Khai chọn rừng, như một tách thoát để khẳng định sự khác biệt giữa ông và những nhà văn cùng thời thì, hôm nay, qua những con chữ của mình, nhà văn Kha Thị Thường lại cho thấy rừng như (hay chính là) định mệnh tiền kiếp của cô!

Tôi muốn nói, một người đứng ngoài, hú gọi hồn rừng. Và, một người sống trong, phả từng nhịp đập của trái tim hồn rừng vào từng trang văn đau đáu xốn xang của mình.

khathithuong01-content

Kha Thị Thường

Miêu tả một sinh hoạt của bản-rừng, ở truyện ngắn “Thợ Săn” Kha thị Thường viết:

“…Rẫy ngô người bản Boong đang mùa tròn bắp, ban ngày vẹt bay về đàn đàn lũ lũ - nhà nào cũng có người canh ngô. Họ chặt những cây nứa to, chẻ đôi phần ngọn chỉ trừ một đoạn gốc để chôn xuống đất hoặc buộc phần gốc vào một cây cụt ngọn. Từ chòi họ buộc những sợi dây dài nối với những cây nứa ấy - lâu lâu họ kéo dây để cất lên một âm thanh lạ đến lạc lõng, lũ vẹt chưa kịp sà xuống rẫy đã hoảng hốt bay đi…”

Hoặc:

“…Hôm kia- tôi và thằng Mắn chia nhau hai ngả đi, rồi lại về cùng một điểm bởi cái mùi của con thú mời gọi. Con hổ to mùa động dục- nó khản cổ gọi bạn tình mà chẳng có lời đáp lại. Nó gầm gừ rồi lại lủi thủi đi- tựa như cả cánh rừng này chỉ mình nó tồn tại. Ơ mà nhỉ? đám bạn tình nó nấp ở đâu hết? tôi đã chợt hỏi vậy khi thấy ba bốn ngày liền nó đi mà chẳng tìm được con cái nào để phối giống. Mà con đực mùa động dục hung dữ lắm- cả tôi và thằng Mắn đã theo chân nó để rồi cứ mỗi lần sắp hành động nó lại biến đi trong im lặng đến rợn người. Hay là nó trêu ngươi?

“Đêm- chúng tôi chui trong những tấm chăn tơi tả, lẫn mùi người mùi thú…”

Nếu không phải là người ở với bản rừng (chứ không phải người quan sát hoặc nghe chuyện kể), tôi nghĩ khó nhà văn nào có thể viết xuống cụm từ “bởi cái mùi của con thú mời gọi” hay “những tấm chăn tơi tả, lẫn mùi người mùi thú”.

Cũng vậy, nhiều nhà văn đã nói về sự trả thù con người của rừng. Nhưng, có lẽ chưa ai nói tới những cuộc “đòi nợ” cay nghiệt của rừng. Những món nợ lưu cữu đời này qua đời khác mà rừng đã vung tay, hào phóng nuôi, dưỡng con người, như Kha Thị Thường.

Họ Kha không nói về thảm kịch rừng “đòi nợ” qua suy tưởng (dẫn tới hư cấu) mà từ thực cảnh, đời thường, cô viết:

“…Cách đây chỉ mấy tháng, thằng bé Giót mới học xong lớp 6, thời gian nghỉ hè nó dắt trâu lên đồi dong trâu ăn cỏ trong khu rừng gia đình nó được chia bảo vệ. Bố nó là một người sống ở rừng nhiều hơn ở nhà, ông ta dựng sẵn cái lều, đồ nghề đi rừng về tấp hết trong cái lều tạm ấy. Thằng bé Giót nhiều hôm chứng kiến cảnh bố nó hạ những cây gỗ lớn. Rồi một buổi sáng như mọi ngày, nó lụi cụi trong túp lều và nảy ra ý định đưa cái cưa của bố nó ra rừng. Nó làm như bố nó, cưa mãi, cưa mãi cây gỗ nghiêng từ từ xuống phía triền dốc… cái cưa mắc kẹt, thằng bé sợ hỏng mất cưa, sợ bị bố mắng nên nó ra sức kéo mà không hay cây gỗ đổ… Máu của nó chảy loang lổ cả một vạt rừng. Cha tôi ôm xác đứa con trai bê bết màu, hú lên một tiếng trầm đục như con cọp bị thương, mẹ nó khóc gào rách cả họng nhưng nó không thể nào nghe được nữa…”

(“Nợ Rừng.”)

Đó là một trong những huyền bí của rừng. Nó cũng huyền bí như hàng trăm ma rừng đòi quyền được sống yên với định mệnh, sinh phần riêng của họ:

“…Thằng Mắn- thằng Xao hay đi cùng tôi vẫn bảo chỗ chúng tôi dựng chòi có ma. Bằng chứng là cứ mỗi khi chúng tôi sau khi tách nhóm ra đi tìm thú- đứa nào về chòi trước, khi ngả lưng xuống sẽ thấy gió thổi mạnh, sẽ nghe tiếng rì rào tựa như người ta ném đá xuyên qua những tầng cây. Rồi kinh khủng nhất là tiếng gào thét của hàng trăm người, ai oán và căm phẫn. Ai cũng kêu gào hãy trả lại sự sống cho họ. Nhiều lần tôi đã vùng dậy đốt đuốc ném vào rừng và gào lên- cút đi, cút hết đi. Rồi cánh rừng im bặt như chưa hề có chuyện gì. Tôi đã sởn gai ốc khắp người- tôi đã úp mặt xuống đống đồ đạc bùi nhùi toàn mùi của thú mà tự bảo mình rằng- chỉ là ảo ảnh mà thôi…”

(“Thợ Săn.”)

Tuy nhiên, với tôi, Kha Thị Thường không chỉ hoàn tất một cách tốt đẹp, rốt ráo vai trò một nhà văn sống và, viết về bản-rừng qua những con chữ ứng hợp và, hơi thở của trái tim rừng - - Mà, những trang văn của cô, còn cho thấy một chân dung khác. Tôi gọi đó là chân dung thứ ba, trong cõi văn xuôi Kha Thị Thường.

Chân dung bản năng di truyền, hay tương quan giữa rừng (thiên nhiên) và con người (nhân loại) trải qua nhiều đời kiếp.

Tôi nghĩ, không phải ngẫu nhiênhay tình cờ mà, họ Kha đề cập không dưới hai lần “mùi thú và người” (ở Thợ Săn) và sự kiện những người con của Cậu Diêu (trong Nợ Rừng) không về dự giỗ bà ngoại, chỉ vì thế hệ hiện tại - - Thế hệ niên thiếu đã được ánh sáng văn minh(?) phần nào soi, dọi tới:

“…Bữa cơm giỗ ngoại không đông như tôi nghĩ, chỉ vài mâm và đa phần là đàn bà. Cả mấy đứa con của cậu, thằng Thỏa và mấy đứa con trai của dì cũng chẳng thấy đâu. Khi tôi thắc mắc điều đó cậu Diêu gãi gãi đầu: “Thì… cậu cũng đã báo cho chúng nó trước, nhưng chúng nó ở hết trên rừng không về được…

Bản chất (hay bản năng) nhớ rừng của những đứa con “Cậu Diêu” đã được họ Kha minh thị ngay từ dòng chữ đầu tiên của truyện ngắn “Nợ Rừng”:

Khi tôi đưa cơm cho Cha ở bệnh viện, Cha điềm nhiên nói: ‘Thằng Thỏa về rồi con ạ. Em nó bảo nhớ rừng, về vài bữa em lại xuống…’”

Nói cách khác, qua những ẩn dụ, Kha Thị Thường cho thấy, nếu nhân loại không sớm thức tỉnh, ngừng tay tàn sát rừng thì, sớm muộn gì cũng có ngày rừng sẽ lên tiếng.

Sự trả thù của thiên nhiên, như chúng ta đã thấy, nằm ngoài mọi dự phòng của con người. Và, cũng rất thường, trả thù ấy, còn đến ngay tự con người dành cho con người!

Lại nữa, nhân loại văn minh dù tới đâu, cũng đừng quên, trong chúng ta, không ít nhiều đều mang trong máu cái bản năng di truyền từ thời sơ khai, mông muội.

Bản năng (mùi) thú!

Du Tử Lê

(Calif. 12- 27-2012)

-----------------

THỢ SĂN.

Tôi là thợ săn.

Cái nghề cực nhọc này không phải nghề “truyền thống” từ dòng họ, không bắt đầu từ đời Ông, Cha, chỉ là duyên nợ mình tôi.

Con Bút nhà hàng xóm mỗi lần nhìn thấy tôi là nó đuổi. Bất kể ngày hay đêm, bất kể tôi đi bộ hay xe đạp, xe máy nó đều đuổi tôi mà sủa, mà gầm gừ, thậm chí có lần nó đã hung hãn táp vào cẳng chân tôi bằng sự hằn học.

Gia chủ của con Bút là thằng thanh niên kém tôi mấy tuổi song chúng tôi gắn bó với nhau từ tấm bé nên chẳng xưng anh em gì cả. Tôi chẳng buồn lòng vì điều đó. Tôi và hắn có xuất phát điểm khác nhau, có thể nói hắn là con nhà nòi về việc học hành. Tôi là con nhà nông dân mắt toét mấy chục đời. Vì thế mà lối sống khác nhau nhưng chúng tôi không hề ghét bỏ nhau. Hắn vẫn hay bảo tôi mỗi lần bị con Bút đuổi, rằng “Tại người mày toàn mùi thú”.

Mùi thú?

Đúng rồi- đến bản thân tôi đây này- đôi lúc nằm nghe hơi thở mình hắt ra tôi cũng có cảm giác tởm lởm, huống chi là con Bút - cái loài có mũi thính số 1 trong các loài động vật.

Kế sinh nhai buộc tôi thành kẻ thành thạo mọi ngóc nghách của rừng. Tôi biết chỗ nào loài thú hay tụ tập, tôi biết rành mùa nào những bầy khỉ hay lui tới đâu? và đêm loài thú nào hay đi kiếm ăn?

Tôi vốn là thằng nhát gan. Lần đầu tiên tự tay tôi giết chết con thú- tôi run bần bật như là nỗi sợ ai đó sắp giết mình vậy. Có ai biết lần đầu tiên ấy tôi giết chết con vật gì không? nó chỉ là một con chuột.

Lúc đó tôi là thằng bé lên tám, theo đám bạn đi đặt bẫy trong rừng nứa. Khi theo lũ bạn đi nhặt bẫy có một con chuột to đùng đang giãy đành đạch vì mắc vào cái bẫy của tôi. Thằng bạn bảo tôi lấy cây củi khô đập chết con chuột- tôi đập toe đầu nó và sau đó tôi run- run đến nỗi sau đó về nhà tôi đã phát sốt.

Ông Tiến nói đúng.

Rồi tôi đã vững tay hơn. Không còn run bần bật lên mỗi khi nhìn thấy máu tươi, không còn nôn thốc nôn tháo khi nhìn một con vật bị bắn phụt óc ra ngoài. Không còn thấy tim mình nhảy tưng tưng mỗi lần nhìn thấy con thú bị hạ gục. Cái nghề mà tôi đang theo học có thể nuôi mế và tôi sống trong sung túc. Chưa kể mỗi lần có hàng tươi sống chưa kịp đưa hàng ra khỏi bìa rừng đã có người săn đón, đôi lúc còn trả giá hời, có thưởng thêm vài cây thuốc lá, dăm chai rượu.

Dần dà, với tôi- săn bắt trở thành một thú vui.

Khi xưa... mỗi lần thấy ông Tiến về gọi người nhà và thanh niên trong bản vào rừng khiêng những con lợn lòi ông săn được trong rừng, đám trẻ con hiếu động chúng tôi đã theo trai bản luồn lách trong rừng đi khiêng thú. Chao... đúng quả thật chúng là chúa của rừng xanh. Cái mõm nhọn hơn so với mõm lợn nhà, hai răng nanh chòi ra ngoài sắc nhọn và trắng muốt. Đám lông tua tủa màu đen, dựng đứng. Chả trách các ông bà cụ trong bản tôi bảo, lợn lòi có thể giết chết người.

Và cả trăm lần, nào hươu, vào vượn, nào nhím, nào trăn, nào gấu- cả hổ nữa ông Tiến đều có thể hạ gục. Đám trẻ trong bản tôi thầm ao ước lớn lên được đi làm thợ săn, được người ta trọng như ông Tiến. Cuối cùng trong đám trẻ có ước mơ giống nhau ấy chỉ tôi là vẫn đeo bám và quyết thực hiện bằng được.

***

Tôi không nhận ra mình mơ hay là thực.

Thằng Mắn- thằng Xao hay đi cùng tôi vẫn bảo chỗ chúng tôi dựng chòi có ma. Bằng chứng là cứ mỗi khi chúng tôi sau khi tách nhóm ra đi tìm thú- đứa nào về chòi trước, khi ngả lưng xuống sẽ thấy gió thổi mạnh, sẽ nghe tiếng rì rào tựa như người ta ném đá xuyên qua những tầng cây. Rồi kinh khủng nhất là tiếng gào thét của hàng trăm người, ai oán và căm phẫn. Ai cũng kêu gào hãy trả lại sự sống cho họ. Nhiều lần tôi đã vùng dậy đốt đuốc ném vào rừng và gào lên- cút đi, cút hết đi. Rồi cánh rừng im bặt như chưa hề có chuyện gì. Tôi đã sởn gai ốc khắp người- tôi đã úp mặt xuống đống đồ đạc bùi nhùi toàn mùi của thú mà tự bảo mình rằng- chỉ là ảo ảnh mà thôi.

Song lạ là cứ đứa nào ở một mình lại thế- ban đầu chúng tôi không dám kể với nhau, sau... hoá ra đứa nào cũng bị thế, rồi thành quen. Căn chòi có ma cũng được, nhưng cả ma và thú đều sợ ánh sáng của đuốc (chỉ trừ loài rắn hổ chúa- thấy ánh sáng nó sẽ lao đến)- nên chỉ cần thắp đuốc ném vào rừng mọi thứ sẽ lặng im.

Tôi không thể không vào rừng. Vì bao nhiêu lí do. Mế tôi già, hình như cái đầu gối của bà đã long sòng sọc khiến bà đi lại khó khăn. Việc leo lên những thửa ruộng bậc thang cấy lúa là điều bà không thể nữa. Em trai em dâu ra ở riêng vì muốn tôi cưới vợ. Các em gái lấy chồng xa. Tôi là người nuôi mế.

Đám cò hàng, dân buôn đặc sản luôn săn đón tôi.

Tôi chẳng say mê công việc gì khác lúc này- ngoài việc săn thú.

Bà mế già của tôi, lúc đầu cũng day dứt như tôi khi mà mỗi lần tôi lén lút đưa một con thú về nhà. Nhưng rồi mế thấy cả tôi và mế sống được đều là nhờ những con thú đó, dần sau này tôi thấy mắt bà ánh lên niềm vui mỗi lần tôi trở về nhà có mang theo chiến lợi phẩm. Mế sẽ buồn xo khi tôi trở về tay không. Tôi không đọc được ý nghĩ của mế, biết mế có xót cho cái thân tôi không khi mà tôi ăn chầu nằm chực trong rừng nhiều hơn là ở nhà. Da thịt tôi chẳng có mảnh thịt nào lành lặn vì muỗi chích, vì sên, vắt, vì lá rừng cứa...

***

Rẫy ngô người bản Boong đang mùa tròn bắp, ban ngày vẹt bay về đàn đàn lũ lũ- nhà nào cũng có người canh ngô. Họ chặt những cây nứa to, chẻ đôi phần ngọn chỉ trừ một đoạn gốc để chôn xuống đất hoặc buộc phần gốc vào một cây cụt ngọn. Từ chòi họ buộc những sợi dây dài nối với những cây nứa ấy- lâu lâu họ kéo dây để cất lên một âm thanh lạ đến lạc lõng, lũ vẹt chưa kịp sà xuống rẫy đã hoảng hốt bay đi.

Ban đêm. Bầy khỉ rủ nhau kêu lích chích, lẹt khẹt kéo về hướng rẫy ngô. Tôi biết điều đó và cũng chính vụ ngô của dân bản Boong bao năm qua đã giúp tôi kiếm được bộn tiền- cứ mỗi con khỉ bắt sống, tôi có trên tay bạc triệu trở lên. Gặp khi hên tôi bắt được ba con khỉ mỗi đêm. Hôm tôi ôm hai mẹ con khỉ về, con Bút hàng xóm chạy theo sủa inh ỏi.

Hàng xóm gạ mua hai mẹ con khỉ tôi vừa đem về- khỉ mẹ mạnh khoẻ, còn khỉ con có vẻ ốm yếu. Tôi chưa đồng ý bán vì muốn tăng giá nữa nên buộc hai mẹ con khỉ lên khung cửi bỏ trống của mế tôi- chẳng ngờ khỉ con lo leo trèo vòng vo thế nào mà nó bị chết ngạt. Mế tôi buông tiếng thở bảo khỉ con nó thắt cổ đấy!

Không thể nào, còn mẹ nó kia- sao nó thắt cổ được.

Mế lại bảo loài khỉ cũng như người, khi bất lực và quá tuyệt vọng nó sẽ chọn cái chết. Tôi tin. Song tôi có phần ngạc nhiên vì tư tưởng của mế, từ hôm tôi đưa hai mẹ con khỉ về, mế chăm bẵm khỉ con như chăm một đứa trẻ. Khi mế ra vườn hái nạm rau, quay vào khỉ con đã chết ngạt. Mế thực sự buồn rầu vì chuyện này, rồi còn thở ra những câu não nề, bi luỵ. Mế tự nhiên xui tôi cho con khỉ mẹ ấy đi, đừng để mế phải nhìn thấy nó nữa, rầu ruột bà.

Tôi quyết nhanh chóng bán khỉ mẹ giá rẻ chưa từng thấy cho thằng hàng xóm, hàng xóm mà, sớm tối có nhau. Với lại hắn cũng giúp tôi và mế tôi nhiều thứ, nên tôi bán rẻ cũng chí phải.

Thằng hàng xóm kiếm sợi xích dài xích cổ khỉ mẹ lại. Hắn tám táp, cho khỉ ăn nào chuối, vào mía, rồi các loại quả...

Đám trẻ trong làng tò mò xúm xuýt và đến làm quen với khỉ mẹ.

Con Bút thì quanh quẩn, lúc dầu còn rên ư ử trong họng sau dần nó cũng quen với sự hiện diện của con vật lạ trong nhà. Đến lúc không ai tin nổi là con khỉ mẹ ấy có thể nằm yên cho con Bút liến những sợi lông mượt của nó. Loài vật khác loài cũng vẫn có tình thân mến! Tôi bắt đầu tin.

Kinh khủng nhất là cả nhà thằng hàng xóm xôn xao vì khỉ mẹ thắt cổ. Cái cây nó vẫn đu đi đu lại hàng ngày trở thành nơi nó treo cổ. Tôi chạy lên, thân khỉ mẹ hãy còn ấm nóng. Tôi vạch hai mắt nó ra, thoáng rùng mình vì hai hốc mắt nó toàn nước. Nhanh chóng, tôi dùng ống nứa nhỏ rồi thổi lấy thổi để truyền hơi như một kiểu hô hấp mong cứu được khỉ mẹ thoát chết, nhưng thân khỉ mẹ cứ mềm và lạnh dần. Tôi bất lực.

***

Sau chuyện khỉ mẹ chết, tôi tạm nghỉ đi rừng vài tuần. Những ngày ấy tôi chỉ quẩn quanh ở nhà với mế già, quẩn quanh bên nhà hàng xóm. Khi nằm ngủ, tôi ám ảnh về hai con mắt ầng ậc nước của khỉ mẹ, nó khóc vì hoảng loạn, vì tuyệt vọng hay nó khóc vì không nguôi nhớ con, không nguôi nhớ những cánh rừng?

Thằng hàng xóm nằm dài trên phản, tôi rít xong hơi thuốc lào cũng nằm dài theo hắn. Bỗng dưng hắn bảo tôi. “Hay mày bỏ cái nghề đi rừng ấy đi. Thì dễ kiếm ra tiền đấy nhưng tao thấy không hay gì hết cả” “Mày có công việc để làm, tao bỏ rừng thì biết làm gì?” “Trước đây khi chưa đi rừng, mày cũng biết làm tất cả những việc tao biết làm” “Tao không quen nữa” “Mày phải tập quen lại đi. Đây có phải lần đầu tao nói mày đâu? vào rừng mày phải lén lút, trốn kiểm lâm, trốn dân phòng hộ. Chưa kể bắt thú cũng nguy hiểm, rủi có ngày thú nó giết mày, hoặc thú không giết thì mấy thằng đi rừng chúng mày tự giết nhau. Lúc đó mế già của mày sao sống nổi hả?” “Mày chỉ nói gở, bao năm đi rừng tao có cả ti tỉ kinh nghiệm để không bị dính vào bất kỳ tai nạn nào hết” “Đừng có chủ quan... mà... thì tao cũng chỉ khuyên mày vậy thôi, mày nên suy nghĩ xem... thú săn bắt mãi cũng hết, với lại... nhìn con khỉ hôm trước chết thảm, tao thương lắm...” “ôi dào, đó là mày chưa nhúng tay giết. Giết khỉ thì cũng như làm thịt con gà chứ có gì” “Mày đúng là...”

Hắn buông lửng câu trước mớ bao biện của tôi. Không, làm sao tôi dừng được cái nghề ăn nên làm ra này chứ? Kiểm lâm àh? dân phòng hộ àh? tôi chỉ cần cho họ khi con chồn, khi con cầy hương, khi con gà rừng, hay con sóc. Bọn họ sẵn sàng cười nói vui vẻ, có khi tôi còn cùng họ ngồi ăn thịt rừng nữa ấy chứ? có gì mà phải trốn tránh- ai cũng là người cả. Ai cũng kiếm cái ăn. Cái thằng hàng xóm của tôi, chỉ độc mớ lí thuyết, lúc nào cũng khuyên giải điều này điều khác, rằng thương yêu con người, rằng bảo vệ rừng, bảo vệ thú quý. Thương yêu, bảo vệ gì chứ. Tôi thương yêu mế già mà không làm ra tiền thì có thương nổi mế không? bỏ mế đói tôi lại chả mang tội bất hiếu ấy àh?

***

Những chuyến đi của tôi ngày càng dài hơn. Vì thú càng ngày càng hiếm. Mà thú càng hiếm lại càng khó tìm. Chúng tôi lùng sục khắp trong những cánh rừng. Chúng tôi đã rời căn chòi có ma để dựng những cái chòi tạm bợ khác ở những cánh rừng xa hơn.

Nhất định rừng âm u không thể trở thành nỗi sợ. Càng sâu, càng dễ gặp thú.

Sợ thú rừng ăn thịt là một nỗi sợ xa xôi mơ hồ? tôi chỉ sợ không gặp được thú rừng. Gặp rồi biến hoá được tất. Thú cũng như người thôi- gặp kẻ hiền thì ta đối mặt với nó một cách hiền từ- gặp kẻ dữ thì ta tấn công nó theo cách dữ. Có gì con người không khuất phục được chứ? Mùi thú và mùi người có khác nhau là bao.

Hôm kia- tôi và thằng Mắn chia nhau hai ngả đi, rồi lại về cùng một điểm bởi cái mùi của con thú mời gọi. Con hổ to mùa động dục- nó khản cổ gọi bạn tình mà chẳng có lời đáp lại. Nó gầm gừ rồi lại lủi thủi đi- tựa như cả cánh rừng này chỉ mình nó tồn tại. Ơ mà nhỉ? đám bạn tình nó nấp ở đâu hết? tôi đã chợt hỏi vậy khi thấy ba bốn ngày liền nó đi mà chẳng tìm được con cái nào để phối giống. Mà con đực mùa động dục hung dữ lắm- cả tôi và thằng Mắn đã theo chân nó để rồi cứ mỗi lần sắp hành động nó lại biến đi trong im lặng đến rợn người. Hay là nó trêu ngươi?

Đêm- chúng tôi chui trong những tấm chăn tơi tả, lẫn mùi người mùi thú. Những khẩu săm lét luôn được gối trên đầu. Cũng đã 5 đêm rồi đấy, năm đêm với nguồn lương thực dự trữ sắp cạn vậy mà kể cả một con gà rừng chúng tôi cũng chẳng mảy may tóm được. Hai thằng tự cho mình nghỉ ngơi sau một ngày đã quá vất vả trong rừng sâu. Rừng lạnh ngay cả trong mùa hè nắng nóng này. Đang thiu thiu... kí ức về khu rừng và cái chòi ma lại xuất hiện. Tôi lại nghe hàng ngàn tiếng thét gào, tiếng kêu cứu, tiếng cầu xin... tôi thấy tôi chao đảo, rồi cả người tôi lạnh toát, khi tôi bừng tỉnh, thằng Mắn đè tôi xuống và ra hiệu cho tôi im lặng. Nó trườn trên đầu tôi- dí cây súng vào tay tôi. Rất gần kia là hai chiếc đèn chiếu sáng đang từ từ tiến lại- tôi thấy đó là đèn thợ săn, rõ ràng thế. Tôi định hét lên rằng đừng bắn- vì chúng tôi cùng phường nhưng thằng Mắn lại bịt mồm tôi lại- nó thì thầm vào tai tôi “Ngài đấy, ngài đã dẫn xác đến”.

Lập tức toàn thân tôi lạnh toát- tôi chưa bao giờ thấy mình bùng lên nỗi hoảng sợ như lúc này. Ngài uy nghi bước tới như thể tôi và thằng Mắn là mục tiêu của ngài, thằng Mắn hổn hển vào tai tôi- “Chĩa súng vào ngài đi- chỉ có thể làm thế. Hoặc ta thắng- hoặc ngài thắng”.

Bầu trời đêm như bị xé toạc- tôi quay cuồng và thấy mình bay qua những ngọn cây. Tiếng gió, những tiếng nổ chát chúa, tiếng gầm gào, mùi người, mùi thú, , mùi tanh hôi hỗn độn. Người tôi nhẹ bẫng, trên tay tôi vẫn là khẩu săm lét. Nhắm hướng có hai chấm sáng đang chồm lên chồm xuống, tôi nã đạn. Tôi nghe tiếng rống điên cuồng, và bất ngờ hai chấm sáng ấy chồm về phía tôi. Bằng kinh nghiệm bấy năm đi rừng, tôi nhanh chóng nấp vào gốc cây cổ thụ và nã đạn vào mục tiêu... hai chấm sáng vẫn lao thẳng băng về phía tôi nấp, tôi lại lùi sang một gốc cây khác, lại nã đạn... Khi tôi chuyển đến gốc cây thứ 5, tôi nhìn thấy hai chấm sáng bật nẩy ra phía sau rồi không còn thấy gì nữa... tôi chìm vào khoảng không.

Khi tôi mở mắt ra, đã có những ánh sáng xuyên qua tầng lá rọi xuống. Tan hoang, bằng phẳng. Nó như thể là nơi dành cho cả dân bản tôi ngủ qua một đêm vậy. Thằng Mắn... tôi gào tìm nó. Những vệt máu khô dính vào lá cây, thân cây. Nó đâu rồi. Cả xác con thú hung dữ đêm qua nữa, rõ ràng tôi thấy nó đã gục xuống, đã ngã về phía sau gốc cây sau khi mà nó đang bay về phía tôi rồi bị trúng liên tiếp mấy phát đạn.

Tôi lùng sục, tôi mò tìm... nhưng cuối cùng thì tôi không thấy cả hai. Thằng Mắn và con hổ. Tôi chạy khỏi rừng... hỗn độn trong ý nghĩ, có thể nào thằng Mắn lại khoẻ thế, một mình nó vác được con hổ to tướng ra khỏi rừng ư? nó sẽ quay lại cùng dân bản tìm tôi đúng không? Nếu tôi là nó, sau khi tỉnh dậy thấy bạn mình đã ngất, cạnh xác một con hổ- tôi sẽ đưa bạn mình ra khỏi rừng chứ đời nào tôi bỏ bạn đấy để kéo hổ về cơ chứ? cái thằng đúng là trẻ con...

***

Tôi đã không thể cùng những chàng trai vạm vỡ, những người đàn ông của bản trở vào rừng để tìm thằng Mắn vì những vết thương buộc tôi phải đến bệnh viện huyện. Tôi chỉ miêu tả đường đi, miêu tả khu rừng để họ đi tìm. Suốt những ngày nằm viện, tôi cứ đinh ninh... thằng Mắn có thể biến mất một thời gian dài, rồi nó sẽ về lại bản. Nhưng tôi lại cũng đau xót, lại run lên vì ý nghĩ nó không bao giờ xuất hiện nữa.

Cho đến ngày thứ 5, câu chuyện về thằng Mắn đến tai tôi.

Là thế đấy. Trong đầu tôi không thể hình dung ra con hổ có thể đứng dậy, có thể cắp cả thân hình thằng Mắn bỏ đi đâu đó, để xé toạc cái thây người nhỏ bé ấy ra. Sau đó nó sẽ quay lại dẫm nát tôi nữa, tôi cũng là một trong những kẻ đã hãm hại, cướp đi không gian, cuộc sống của họ hàng nó, của nó. Nhưng nó đã không còn sức.

Mế già không thể đến bệnh viện chăm tôi, đám thanh niên trong bản còn phải lo ma chay thằng Mắn, chỉ thằng em trai tôi thường xuyên túc trực... thằng hàng xóm hết giờ làm việc cơ quan là nó qua tôi, nhưng nó chẳng nói gì cả. Suốt mấy ngày như thế, cho đến bữa tôi tự ngồi dậy được, nó nhìn tôi ngậm ngùi: “Mày còn trở về được là may lắm rồi” “Ừh...” Tôi thấy cái ừ của tôi thật lạc lõng, tôi thấy cảm giác vừa xấu hổ với nó, vừa hãi hùng bởi những điều mình vừa trải qua. Chiếc đồng hồ bệnh viện vẫn gõ nhịp đều tích tắc, tích tắc...

Từ đâu xộc vào mũi tôi mùi thú, mùi người...

Nhắm mắt, tôi thấy tôi băng qua những ngọn cây cổ thụ hoà trong một âm điệu lạ lùng. Và xa xa kia, thửa ruộng bậc thang của mế già tôi chập chùng xanh...

2012

----------------

 

Nợ rừng

 

Bút ký văn học của Kha Thị Thường

(Với niềm kính yêu & nhớ thương cha!)

 

Khi tôi đưa cơm cho Cha ở bệnh viện, Cha điềm nhiên nói: “Thằng Thỏa về rồi con ạ. Em nó bảo nhớ rừng, về vài bữa em lại xuống”

Nhớ rừng ư?

Thằng Thỏa là con dì Hương, em gái ruột của mẹ. Dì dượng sinh những 7 đứa con, nhưng rồi dượng qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo khi thằng út của dì mới mấy tháng tuổi. Đồng lương của Cha tôi, tằn tiện lắm thì cũng nuôi được chị em tôi đi học. Còn những đứa con của dì, mặc dù cha mẹ tôi cũng rất thương chúng nhưng không thể nuôi nấng tất cả chúng học hành. Mãi sau này khi chị em tôi đều đã học gần xong các trường chuyên nghiệp thì cha mẹ tôi mới có điều kiện nuôi thằng Thỏa, thằng Chích học cấp ba… Nhưng rồi chúng không học tiếp mà quay về với rừng.

Bản Diềm trong ký ức tôi vẫn còn dấu ấn của những lần mẹ địu em Thương, tay xách nách mang. Còn tôi lúc lỉu với túi đồ đạc, lẽo đẽo theo mẹ vào quê ngoại. Nhà ngoại ở sát bờ suối Nặm Choăng ngày đêm rì rào nước chảy. Tôi rất thích nghe thứ âm thanh không bao giờ dứt ấy, réo rắt, trong trẻo đến là vui…Ông bà ngoại đã thành người thiên cổ. Ngôi nhà cậu Diêu vẫn nằm sát mé suối Choăng. Chỉ khác chăng ngôi nhà xưa lợp bằng lá cọ, cột nhà chôn sâu xuống đất thì ngôi nhà bây giờ là một ngôi nhà toàn bằng gỗ. Bản Diềm của cậu Diêu, ngoài mùa làm nương phát rẫy thì tất cả đàn ông đều lên rừng để kiếm sống. Thứ mà rừng ban phát cho họ, chính là cây gỗ, tưởng chừng như vô tận đối với miền quê heo hút này…

Ngày giỗ của bà ngoại năm nay cậu Diêu bảo sẽ mời đông họ hàng. Mẹ tôi ở nhà chẳng biết xoay sở ra sao lại tất tả gọi điện kêu em tôi về. Em không thể về được vì nếu một mình tôi ở lại thành phố sẽ không biết xoay sở với Cha như thế nào? Thế là tôi có cớ về quê… Quê ngoại không có gì đổi khác lắm, vẫn là những mái nhà thưa thớt, liêu xiêu. Bữa cơm giỗ ngoại không đông như tôi nghĩ, chỉ vài mâm và đa phần là đàn bà. Cả mấy đứa con của cậu, thằng Thỏa và mấy đứa con trai của dì cũng chẳng thấy đâu. Khi tôi thắc mắc điều đó cậu Diêu gãi gãi đầu: “Thì… cậu cũng đã báo cho chúng nó trước, nhưng chúng nó ở hết trên rừng không về được…”. Thím tôi loanh quanh gần đó nói xen vào “Cậu cháu là do không đi rừng được nữa nên hôm nay mới ở nhà làm giỗ bà…”. Cậu tôi chống chế “Lúc còn khỏe thì phải đi mà làm ăn chứ, mình không làm có ai làm cho mình ăn đâu?” Tự dưng tôi lại buột miệng hỏi cậu “Sao cậu không để các em ở nhà, đi rừng mãi chỉ thấy tóc chúng nã dài ra như thổ phỉ chứ cháu có thấy lợi lộc là bao đâu”. “Thì ở nhà cũng đâu biết làm gì? thanh niên, đàn ông trong bản mình đều đi rừng cả…”

Khe Noóng là bản cuối cùng của xã Châu Khê thuộc huyện Con Cuông, tỉnh nghệ An- là một bản giáp biên có khoảng 20 hộ dân tộc Đan Lai di cư từ bản Châu Sơn vào làm ăn bằng nghề nương rẫy, giờ cũng đã có điện và đang xây dựng đường nhựa từ xã Trung Chính sang. Con đường đang được đầu tư xây dựng và thi công từ Khe Noóng ra đến bản Xốp Pu, bản Khe Nà, bản Diềm… và qua mấy bản của đồng bào Thái nữa thì sẽ ra đến quốc lộ 7. Cậu tôi có cả một quãng thời gian tuổi trẻ sống trong những cánh rừng, cùng những chuyến đi mà lưng gùi ba lô nặng hơn cả trọng lượng người rồi hàng tháng mới trở về nhà.

Việc đầu tiên không thể thiếu trước khi vào rừng là lấy tiền cọc đặt trước của chủ thầu gỗ ở ngoài quốc lộ số 7 để mua sắm lương thực, những vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Chuyến đi của họ hòa mình trong rừng với những chiếc lều tạm, cả rừng muỗi vo ve, cả rừng sên- vắt ngọ nguậy dưới chân… Giờ cậu Diêu của tôi không đi rừng nữa, nhiều lần cậu chống nạng đứng trên đường nhìn lên những cánh rừng mà gương mặt cậu đầy vẻ tiếc nhớ. Tai nạn không may xảy ra trong một lần đi làm gỗ, cậu bị gỗ đè suýt mất mạng. May mà kịp níu vào một cành cây khác nên không bị gỗ dập nát. Cậu bị thương ở chân phải. Gần hai tháng cậu nằm một chỗ bó bột, thuốc thang… ngỡ cậu khó có thể đi đứng trở lại… thế nhưng những mảnh xương dần liền lại , cậu đã không bỏ cái khát vọng được đứng dậy và bước đi, và cậu đã thành công… Nhưng còn cái khát vọng thôi thúc cậu nhất là được vào rừng, được nằm dưới những tán lá lấp lánh ánh nắng mặt trời thì vĩnh viễn khép lại. Đầu gối cậu không thể gập vào như một người bình thường được nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa cậu không thể sải bước trên những chặng đường rừng cheo leo, ghập ghềnh...

So với nhiều người, cậu Diêu vẫn được coi là may mắn, rừng đã lấy đi mạng sống của không ít người ở cái bản Diềm này. Có bao câu chuyện thương tâm xảy ra. Cách đây chỉ mấy tháng, thằng bé Giót mới học xong lớp 6, thời gian nghỉ hè nó dắt trâu lên đồi dong trâu ăn cỏ trong khu rừng gia đình nó được chia bảo vệ. Bố nó là một người sống ở rừng nhiều hơn ở nhà, ông ta dựng sẵn cái lều, đồ nghề đi rừng về tấp hết trong cái lều tạm ấy. Thằng bé Giót nhiều hôm chứng kiến cảnh bố nó hạ những cây gỗ lớn. Rồi một buổi sáng như mọi ngày, nó lụi cụi trong túp lều và nảy ra ý định đưa cái cưa của bố nó ra rừng. Nó làm như bố nó, cưa mãi, cưa mãi cây gỗ nghiêng từ từ xuống phía triền dốc… cái cưa mắc kẹt, thằng bé sợ hỏng mất cưa, sợ bị bố mắng nên nó ra sức kéo mà không hay cây gỗ đổ… Máu của nó chảy loang lổ cả một vạt rừng. Cha tôi ôm xác đứa con trai bê bết màu, hú lên một tiếng trầm đục như con cọp bị thương, mẹ nó khóc gào rách cả họng nhưng nó không thể nào nghe được nữa…

Chuyến về quê giỗ ngoại, tôi cũng gặp dì Mai là họ hàng bên ngoại. Dì mất chồng khi tuổi còn đang như bông hoa nở rộ. Chồng dì cũng vác chiếc ba lô nặng trịch nào gạo nào muối lên rừng… Chú ấy chết khi đang bước những bước chân tưởng bình yên trong cánh rừng thì bất ngờ một cây gỗ có dấu gọt đẽo của rìu từ trên đỉnh núi lao xuống. Chú chưa kịp định thần thì cây gỗ bay qua. Xác chú mỏng tang, dính trong đất…

Những người dân bản Diềm cũng như còn nhiều bản khác ở cái xã vùng biên này là tội đồ của rừng nhưng thực ra họ chỉ là kẻ làm thuê cho những tay lái gỗ. Là những người có khi bị rừng báo oán đoạt lấy tính mạng, nhưng tính ra công sức của họ bỏ ra được nhận lại quá bèo bọt. Một chuyến vào rừng là ba tuần, một tháng hoặc hơn thế nữa… Khi về đến nhà, trừ đi khoản đã nhận cọc từ trước thì mỗi chuyến đi được dăm triệu là may, thông thường chỉ được trên dưới triệu bạc. Số tiền ấy nào đủ để làm gì? Nếu là ở thành phố chừng ấy tiền có khi chẳng đủ cho một bữa nhậu sơ sài của cánh đàn ông...

Thế nhưng, vì không có sự lựa chọn nào khác, những người dân quê ngoại của tôi và bao nhiêu trai làng, bao nhiêu người đàn ông của mường bản đó đây vẫn vào rừng với niềm hăng hái kiếm tiền. Có những sự hăng hái, những dự tính… vĩnh viễn im lặng trong muôn trùng sơn cước.

Tôi trở về thành phố. Những công trình mới đang xây, những con đường tấp nập, những ngôi nhà cao tầng và những ánh sáng ảo mờ khiến tâm hồn người bỗng bâng khuâng, thao thiết khi ngoảnh lại phía sau lưng. Đã quá lâu rồi... và phải chăng tôi đã quên những cánh rừng giờ đây ngày càng hoang tàn sát cạnh nhà tôi? Tôi nhớ cậu tôi với cái đầu gối không bao giờ gập lại được nữa. Cái khát vọng của cậu và của nhiều người quê tôi, tôi biết, chẳng bao giờ tắt được. Bởi vì một lẽ giản dị, rừng không chỉ là nơi kiếm sống, mà trong sâu thẳm tâm hồn, rừng là tất cả cuộc đời của họ, vui buồn, sẻ chia và mơ ước…

Hôm qua, thằng Thỏa lại về thành phố. Nó vẫn giữ lời hứa là về thăm rừng ít bữa nó sẽ trở lại chăm sóc cha tôi. Thấy bàn tay trái bầm đỏ của nó. Tôi hỏi: Tại sao?” Nó nở một nụ cười: “Gỗ đè chị ạ”. Rồi nói thêm: “Thằng Quốc, con nhà cậu Đạo, chị nhớ không, chết rồi. Nó bị gỗ đè”. Tôi thảng thốt quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ bệnh viện. Một tán cây xanh tỏa bóng. Và khí trời giao mùa, cái nắng oi như món đặc sản của xứ Nghệ, của miền Trung - cùng làn gió mang theo sự mát dịu rào luồn qua mái phố. Tất cả ở đây đều rất đỗi yên bình…

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Chín 20235:37 SA(Xem: 1253)
Đừng bao giờ chờ phôn của Hồ Đình Nghiêm, anh em Montreal ai cũng biết như vậy.
03 Tháng Chín 20239:45 SA(Xem: 787)
Mặc dù được viết ra khi tác giả mới 26 tuổi, và chủ yếu nói về những năm tuổi trẻ của một đời người, song Chân Trời Cũ lại có một sự già dặn riêng.
31 Tháng Tám 20234:15 CH(Xem: 1128)
Ông Văn Cao, một người mà cả nhà tôi thích.
27 Tháng Tám 20237:57 SA(Xem: 1013)
"Vì ông ấy là NGƯỜI TÀI con ạ"
20 Tháng Tám 20233:14 CH(Xem: 981)
Bấy nhiêu năm lưu lạc ở xứ người. Vốn chữ nghĩa vẫn không bị han rỉ, xói mòn.
13 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 6607)
Có thể có người không đồng ý, nhưng theo tôi, Nguyễn Ngọc Tư là hiện tượng tiểu biểu, nổi bật nhất của sinh hoạt văn xuôi Việt, 40 năm qua, kể từ 1975 tới 2015 trong số những người viết trẻ.
11 Tháng Tám 20239:47 SA(Xem: 829)
Lâm Triết đoạt huy chương vàng toàn quốc Triển Lãm Mùa Xuân, Sài Gòn 1962.
08 Tháng Tám 20233:55 CH(Xem: 841)
Thơ chị gợi đến những bản nhạc của Chopin, tinh tế, dịu dàng, sang trọng.
06 Tháng Tám 202311:02 SA(Xem: 1148)
Một chiều nào đó, tôi đến thăm TchyA trong một ngõ hẻm đường Huỳnh Quang Tiên.
01 Tháng Tám 20233:46 CH(Xem: 876)
Anh Việt Thu thuộc tuýp người tài hoa nhưng yểu mệnh. Ông mất năm 36 tuổi.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16808)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12044)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18825)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9021)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8117)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 446)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 816)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1016)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22337)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13896)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19084)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7778)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8691)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8389)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10934)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30586)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25362)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21611)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19667)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17960)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16822)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24369)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31805)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34840)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,