Thơ Hoàng Quý, một hiện diện vững chãi trước những sạt, lở chữ, nghĩa hôm nay.

19 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 9302)
Thơ Hoàng Quý, một hiện diện vững chãi trước những sạt, lở chữ, nghĩa hôm nay.

Qua nhà thơ trẻ Trịnh Sơn, chúng tôi nhận được một số thi phẩm của nhà thơ Hoàng Quý. (*)
Cảm nhận đầu tiên là niềm hứng khởi mạnh mẽ, khi tôi được chạm vào tiếng thơ họ Hoàng, bởi nhiều bất ngờ, lớn.
Với tôi, giữa khi cõi-giới thi ca của chúng ta gần đây, càng lúc càng nhập / nhòa chân dung, nhợt nhạt cá tính thì, thơ họ Hoàng hiện ra, vạm vỡ mới và, lạ.
Thơ Hoàng Quý không chỉ mới, lạ ở cách nói, (mà) nó còn vạm vỡ ở cả phương diện tu từ học (rhetoric) nữa. Ông cụ thể hóa những chữ trừu tượng bằng những hình ảnh cụ thể, quen thuộc. Giống như một thứ tiếp-thủ-ngữ và tiếp vĩ ngữ (prefix & suffix), thí dụ: "cánh đồng đời", "giấc mơ phì nhiêu"...

Hay:

 “Trên đĩa dầu loang loáng của kiếp người.”
(trích “Tự Khúc”)

Hoặc:

“Rất nhiều khi ta thảng thốt mơ giấc phì nhiêu của đời người em đâm đuống
“Em trổ ống ta đánh cồng và ca hát khúc ca của Mường Người. (…)
 “…Giấc mộng của em của ta không là gì cả. Hiện. Và xóa. Không là gì cả! Không là gì...
một nhúm phì nhiêu.

(Trích “Giấc phì nhiêu”).

Hoặc nữa:

“Gió mãi loay hoay đi tìm mái nhà mình
“Cỏ chen vật vã mưu sinh
“Mỗi ngày
“Đời người thêm một đoạn văn viết dở…”

(Trích “Điệp Khúc”)

Bên cạnh sự giầu có về nhân-xưng- đại-danh-tự, so với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt theo tôi, còn phong phú về phương diện tính-từ . Nhưng họ Hoàng rất ít dùng. Ông loại, giảm chúng trong thơ của mình, để nỗi buồn trong sinh phần thơ ông, nổi cộm những đường- gân-liên-tưởng khác(?):

“Chợt nhớ ngày xa ấy gió
Đuềnh đoàng nón thúng quai thao (…)
“Chợt nhớ ngày xa ấy chiều
“Hai bờ sương khói như reo

(Trích “Chợt Nhớ Sông Cầu”)

Hoặc:

“Ô mường ta ở đâu, cha ta ở đâu
“Mẹ ta, anh chị ta ở đâu
“Ta đang đói hơn con ma đói, khát hơn con ma khát
“Cái đầu ta nhớ, cái tim ta đau
“Ta như ngọn măng mới nhô con hổ đạp gãy
“Ta như quả ớt vỏ đẹp nhưng trong ruột cay”

(Trích “Ngẫu hứng qua Mường”)

Hoặc nữa:

“Ở phía trước’
“Ở phía trước nữa
“Ai như ta?
“Ai đã là ta?
“Chao ôi! Đời nến sáp
“Ta đấy à, hay chưa từng ta!”

(Trích “Đêm nghe gió qua vườn”) 

Tuy nhiên, trên tất cả mọi tân kỳ kỹ thuật (dù rất cần thiết cho thơ), với tôi, vẫn là những thông điệp (mà,) họ Hoàng đã gửi, đã “gieo, trồng” trên dặm trường thi ca đời ông.
Tôi muốn nói, với Hoàng Quý, thi ca là chiếc cầu nối qúa khứ nghìn năm một đất nước - - Hầu khua thức hồn thiêng dân tộc- - Tìm về cuống rốn cội nguồn một tổ quốc, hôm nay.
Sau khi đọc “Ngẫu hứng qua Mường” và, “Những ngấn bùn trên mũi chân tổ quốc,” tôi muốn mượn câu thơ mở đầu bài “Tự khúc” của ông:

“Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới”

Để nói với ông rằng:
Vâng. Ông “đã đến đã gieo trồng và vun xới” cho / với thơ hiện đại, như một hiện diện vững chãi, khả tín trước những sạt, lở thi ca và chữ, nghĩa châng lâng, bập bềnh mảng tối!

 Du Tử Lê
(Calif. Aug. 18-20130) 
 
_____________

(*) Được biết nhà thơ Hoàng Quý sinh Năm sinh 1950 tại Phú Thọ. Ông hiện sống tại Thành Phố Vũng Tàu, Việt Nam. Ông khởi viết rất muộn, năm 1982 mới viết bài thơ đầu tiên. Tác phẩm chính: Giấc phì nhiêu (1996). Đi bên mùa lá rụng (2000). − Ngang qua cánh đồng (2002. Tái bản:2004). Giả trang (2007)

hoangquy-content
Nhà thơ Hoàng Quý

 
THƠ HOÀNG QUÝ

Ngẫu hứng qua Mường

 

1.

Một năm Hội Tú Mường (1)chỉ có một lần

Một năm anh ơi nhớ mà đến chơi với em, với hội!

No xôi, no thịt thì cứ chơi liền liền đi

Trên đầu lắc lư con ma rượu rồi có đứa trốn ra nương,hai đứa khéo mà thành một đứa!

Ơ! Cái Hội Tú Mường là chiếc cầu bẳng từ nhà anh sang nhà em

Đừng run cái chân treo cầu, đừng ngại rát cai vai, bỏng cái lưng cõng em về làm vợ

Đây này, cái má em nó đang cháy vì ống sáo ai thổi

Đây này, cái ngực em nó đang nảy phập phồng bởi tiếng đàn ai réo

CẦU ÔNG VUA TRỜI MÃI CHO BÔNG LÚA CON TO BẰNG CÁI VÒI HÁI,

BÔNG LÚA CÁI TO BẰNG CÁI ĐUÔI CON TRÂ CON LỢN LỚN BẰNG CON VOI NHỠ (2)

Để anh làm cỗ đón em về làm vợ

Có dám yêu thì trèo cầu sang ngay đi

Có gan lấy cược cho pố, mế em xâu bạc trắng!

 

2.

Em ơi! Một năm Hội Tú Mường chỉ có một lần

Một năm em ơi nhớ mà về đây chơi với anh, với hội

Ơ này, làm sao em cứ giữ chặt ngón tay anh trên cái núm ngực em đấy

Ơ! Cái đầu anh con ma rượu nó vặt đi đâu mất rồi

Chỉ còn cái nửa dưới người anh run run thôi em ơi

Đã thích nhau thì cứ gì đến hội mới trèo cầu đi cõng vợ

Không có cầu, thích, thì anh lội ào qua thác lũ tìm em!

CẦU ÔNG VUA TRỜI MÃI CHO BÔNG LÚA CON TO BẰNG CÁI VÒI HÁI,

BÔNG LÚA CÁI TO BẰNG CÁI ĐUÔI CON TRÂU, CON LỢN LỚN BẰNG CON VOI NHỠ

Cho pố, mế em được đón cái thằng rể hiền đầu đội cỗ chỉ toàn có tóc!

Chẳng có bạc cược cho pố, mế thì anh lên sàn tìm em anh lấy cắp

Em có về với anh không em ơi, em ơi...

Em mà không về, cái lưng cõng em nó rát giọt mồ hôi, nó khóc!

 

3.

Em ơi! Cái bụng anh thèm nói lời yêu mà sao không nhìn thấy em đâu

Cái ruột, cái gan anh đang gào hoài hơi trên ống sáo

Có thích nhau thì mới đi tìm nhau

Sao không thấy mùa này em về chơi hội

Em để cho dây đàn anh thiếu nốt vợ, nốt chồng

Hay là em chê anh?

Em chê anh thì cứ nói với nhau một lời!

Cứ nói với nhau một lời...

 

4.

Con săn (3) có ngoan bắt nhiều thú cho chủ làm canh

Con chim mi, con chim khiếu tốt sợ mường buồn biết hót cho mường vui rộn rã

Con chim sáo hay không quên bà chủ nhà

Cây lúa trổ bông nặng, bông to là biết thương cái giọt mồ hôi người đi nương, đốt rẫy

Ô! Cái mường mình vui là bởi có nhiều mùa hội

Nên cái tụi trẻ con lúc no trong ruột rồi nó nhảy chân chim!

 

5.

Cái váy đứa con gái nhớ yêu ai mà đan xéo rối cái đường thêu

Quả xà tích (4) nhớ ai mà pung pinh réo

Đứa trai bản tốt biết nhớ mường khi xa

Đứa gái bản tốt biết chờ chồng cạn con mắt khóc

Cái đuống mày đâm, cái ống mày trỗ (5)

Là tao nhớ mường, là mường nhớ tao!

Cái nhớ luôn mồm kêu tửng tưng trên dây đàn cò ke (6)

Cái yêu rộn ràng rên tỉ ti trong ống sáo

Là tao nhớ mày, nhớ mường lắm đấy!

 

6.

Ô! Cái mường mình ơi, cái mường ta ơi

Ta yêu mường vì pố, mế sinh ra ta ở đó

Pố, mế già pố, mế về núi

Pố, mế về núi có nhớ mường, có nhớ đàn con!

Ta lớn phổng lớn phang như cây măng vầu đốt mập là vì được làng chăm

Ta có cái nghĩ khôn là do sự bảo ban của người già tóc bạc

Ô cái mường của ta, cái mường của ta!

Ta yêu mày như hòn đá lở rồi vẫn còn lại vết vỡ trong ruột núi!

 

7.

Như con nai lạc bầy ngơ ngác giữa rừng hoang

Ta đi tìm cái hang của ta như con nai đi tìm mầm cây đắng

Ta không còn cha, ta không còn mẹ

Ta không có ruộng nương, không có chiêng đồng...

Nếu ta đã ngàn ngày trôi như chiếc lá

Thì, lá ơi xin hãy dừng chân!

 

8.

Ô mường ta ở đâu, cha ta ở đâu

Mẹ ta, anh chị ta ở đâu

Ta đang đói hơn con ma đói, khát hơn con ma khát

Cái đầu ta nhớ, cái tim ta đau

Ta như ngọn măng mới nhô con hổ đạp gãy

Ta như quả ớt vỏ đẹp nhưng trong ruột cay

Ô mường ta ở đâu, cha, mẹ, anh, chị ta ở đâu

Để tim ta buốt, để đầu ta đau!

 

9.

Con chim có đôi có lứa dám bay cao, bay xa

Con cá có đôi, có cặp tung tăng bơi lội

Con nai ngác ngơ có đôi có lứa không sợ thung sâu và thú dữ

Ta và nàng yêu nhau sao khổ thế nàng ơi

Đã cùng nhau tìm về nơi cuối đất, nơi cùng trời

Ta đã biết cái bụng nàng yêu ta

Biết cái điều bao tháng năm quả tim nàng bối rối

Cầu trời cho hai ta hóa thành hòn đá lặng câm không biết nói

Sáo hãy nói với nàng lòng yêu của ta

Hãy hát với nàng tình yêu của ta!...

 

Mường Xuân Đài, tháng Chạp, 1982

___________

(1) Hội Tú Mường: Tổ chức vào khoảng trung tuần tháng Giêng. Trong ngày hội trai, gái có tục tìm hiểu nhau qua các hình thức hát giao duyên gần giống với cách thức tỏ tình ở chợ tình của ngưới H'Mông
(2) Lời trong bài mo “Đẻ đất - Đẻ nước”.
(3) Con săn: Con chó
(4) Xà tích: Một loại trang sức chế tác bằng bạc trắng, công phu, và rất đẹp dành cho phụ nữ.
(5) Đuống: Vật dụng dùng đễ giã gạo. Đuống cũng đồng thời được sử dụng như một nhạc khí dân gian của đồng bào mường. Đồng bào mường vẫn tồn giữ các bài bản đâm đuống, trỗ ống rất đặc sắc.
(6) Đàn cò ke: Một nhạc khí dân gian mường.

 

 

Tự khúc

 

Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới

Trên thửa ruộng tôi, trên cánh đồng đời

Tôi đã ngắm, đã tìm và đắm đuối

Trong hoang mang những Cánh - Đồng - Người

 

Những cánh đồng ngổn ngang và xanh tươi

Ông đã cày, cha đã cày, ta đã cày rồi con ta cày xới nữa

Gieo xuống những gì gặt hái những gì

Trong phì nhiêu có nắng, bão, nước và lửa

 

Một ngày

Một năm

Một trăm rồi một ngàn năm

Cày xới, gieo trồng, bón chăm đâu có gì lạ

Trên đĩa đèn loang loáng của kiếp người

Lúa ấy

Ngô khoai ấy và hoa trái ấy

Chất chồng cả máu và mồ hôi

Không có gì lạ!

Cả đam mê say và tỉnh

Không có gì lạ!

Cả nước mắt và tiếng cười

Không có gì lạ, em ơi!

 

Tôi đã đứng thẳng và khom xuống không chỉ một ngày

Đã đứng thẳng và khom xuống giữa chấp chới sát - na tối và sáng

Giữa đỏ và xanh

Giữa đen và trắng

Giữa đối nghịch và yêu thương

Đã cho

Và đã xin...

 

Tôi đã đến, đã gieo trồng, vun quén

Trên thửa ruộng tôi, trên thửa ruộng đời

Tôi đã nhìn đau đáu

Thấy thửa ruộng kia tơi tả vết chân người!...

 

1996

 

 

Chợt nhớ Sông Cầu

 

Chợt nhớ một ngày xa lắc

Đi qua miền ấy Sông Cầu

Sương muối chiều đông ánh ướt

Bến thuyền ngây ngất hoa lau

 

Chợt nhớ ngày xa ấy mưa

Hạt bay khi tỏ khi mờ

Có chiếc thuyền đi vội vã

Để thương để nhớ lên bờ

 

Chợt nhớ ngày xa ấy gió

Đuềnh đoàng nón thúng quai thao

Chót bế bồng câu hát cũ

Qua cầu ngả nón trông theo

Chợt nhớ ngày xa ấy chiều

Hai bờ sương khói như reo

Em hát người ơi! Người ở...

Chưa hừ đã sóng xiêu xiêu!

 

Chợt nhớ ngày xa

Bỗng buồn

Bỗng buồn lòng còn vấn vương

Bỗng buồn rằng không ước hẹn

Với dòng sông ấy mà thương...

 

1996

 


Giấc phì nhiêu

 

Rất nhiều khi ta thảng thốt mơ giấc phì nhiêu của đời người em đâm đuống em trỗ ống ta đánh cồng và ca hát khúc ca của Mường Người. Đây là non xanh, kia là thung xanh, con trâu thở hơi sương tung bọt dãi dưới vòm tre kẽo kẹt. Thằng bé đánh cù con cù quay tít. Ông ké già bà ké già tóc xòa như cước vẹo xiêu men đắng men nồng. Vũ trụ bơ thờ hương lửa. Ta và em đắm nhìn mê sảng giấc phì nhiêu

Nín nhìn chiếc đèn kéo quân xoay, quan xoay, lính xoay, quản tượng xoay, kẻ sĩ xoay vòng vo ngây dại, lũ nông ngư xoay chèo xoay lưới, con cá ngoắt đuôi xoay đuổi khôn cùng. Em tha thiết, em tươi nồng vũ trường chớp xanh chớp đỏ chợ chạ người anh khoe sức lực điền kẻ xem người trả. Em nhìn ta đăm đắm như buồn một thủa. Thánh thót loang dài nước mắt phì nhiêu...

Giật mình tỉnh thức: Ô! Chỉ là cơn mê. Cơn mê của mộng si níu giữ. Cuối bờ kia gầm gừ sóng phủ. Biển vẫn xanh cái xanh hoang như chưa bao giờ xanh thế, gió vẫn rung reo thao thiết đến vô cùng, con thuyền ra khơi và lưới và cá, vũ trụ phập phồng cái ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên. Giấc mộng của em của ta không là gì cả. Hiện. Và xóa. Không là gì cả! Không là gì... một nhúm phì nhiêu.

1966

 

Đi bên mùa lá rụng


Nếu không còn gì ao ước ở trong tôi
Thì có nghĩa chả còn gì để mất
 
Ônga Bécgon

Bên quê chị đã mùa động tuyết

Vít cong cây và trắng mướt trời

Nơi tôi đợi lại một mùa lá rụng

Những mảnh vàng gieo ánh cả vườn tôi...

 

Trang thơ cũ trước cây vườn tôi hát

Lóng lánh buồn, vui bên lá rơi

“NHẮC AI ĐI QUA DÙ ĐẦY ĐỦ LỨA ĐÔI

NHẮC CẢ NHỮNG AI ĐI CÔ ĐỘC TRÊN ĐỜI

TRÁNH ĐỪNG ĐỘNG VÀO CÂY MÙA LÁ RỤNG”

 

Ta cả tin, ta rất nhiều hy vọng

Kiên tâm trồng những tháp cát lên mưa

Mê mải thúc những con tàu rỉ sét

Phăm phăm hành khất - thế nhân - buồn!

 

Thưa chị, lá trên cành rụng đấy

Chúng loay hoay như một tiếng thở dài

Mơ lên mỏi cõi nhân sinh rúm ró

Giấc mơ vàng trong mắt lá mồ côi...

 

1996

 

_________

“...” Thơ Ônga Bécgon (Bằng Việt dịch)



Điệp khúc

 

Mỗi ngày

Mọi hiện hữu lại bước ra từ hư không

Ta cứ tưởng đã hiện hữu không còn lo thất lạc

 

Mỗi ngày

Những hình dung từ đến chào từ biệt

Như những chiếc lá vàng buồn và đẹp

Đã từng xanh muội mê xanh

 

Mỗi ngày

Sự minh triết cô đơn như gió

Sự minh triết càng chất chồng càng hoang vu như cỏ

Gió mãi loay hoay đi tìm mái nhà mình

Cỏ chen vật vã mưu sinh

 

Mỗi ngày

Đời người thêm một đoạn văn viết dở

Những hình hài như có như không

Chưa chợp mắt đã hoang đường hiện hữu

Đầy đường nhân nghĩa rêu rong...

 

Ta cứ lăm le Đóng - Đinh - Câu - Rút

Đắp - Thánh - Đường - Trong - Cõi - Nhân

Giá tình yêu vô tư như đất

Xoay vòng!

 

1997

 

 

Sông cũ

 

Và...

Nước mãi chảy mãi về phía biển

Những dòng sông không nghỉ bao giờ

Trăng non thế!

Trăng tơ non thế

Rót đôi bờ lênh loáng cả phù sa...

 

Ta đã thề không thèm day dứt

Sao đêm nay nước vỗ lên buốn

Những bãi phù sa mênh mang diều sáo

Bồi hồi mắt chớp lên ta!

 

Ta đã gặp những dòng sông câm lặng

Gìm trong sâu hút buồn vui

Đã ngược thác, đã trôi về biển

Đi hết ngày

Lại hoàng hôn thôi!

 

Ta đã gặp những miền phố mộng

Những Luy lâu meo mốc rêu phong

Đã hội họp những Chợ - Phiên - Thiện - Ác

Sao lại nhớ về

Nhớ một dòng sông?

 

Nước cứ chảy mãi về phía biển

Những dóng sông không ngủ bao giờ

Trăng non thế!

Trăng tơ non thế...

Và...

 

1997

 

 

Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức

 

Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức

Những câu thơ cay đắng nhất

Mang rất nhiều rủi ro

 

Bao đồng đội tôi đã nằm trong mồ

Đêm đêm hiện hồn về gõ cửa

Đạn găm đầy hình hài

Nỗi đau không nói được

 

Bông cúc ta từng hái ở mùa thu

Khô xác gần 30 năm trong ba lô cóc cũ

Ta cầm lại trên tay như cầm lửa chiến tranh

Chả vàng được cho ai - Hoa cúc!

 

Những khuôn mặt vây quanh nói cười huyên thuyên

Bia rượu đầy mồm

Bia rượu đầy mặt

Bia rượu tràn trên đất

Đất trổ đầy rong rêu

Chả vàng được nữa đâu - Hoa cúc!

 

Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức

Mưa ký ức rơi như bài hát buồn

Mưa ký ức rơi vào bông cúc cũ

Mỗi cánh hoa như một oan hồn.

 

2002

 

 

Giọt thu tôi đếm

 

Một lá rơi

Hai lá rơi

Tôi ngồi đếm lá thu trôi lặng thầm

Một bàn chân

Mấy bàn chân

Cỏ thiên thu cỏ, chân trầm bụi đi

Đời người loáng chớp thiên di

Mây thì ước lệ. Đất thì chiêm bao

Thu như hơi rượu hồng đào

Em dâng tôi một hôm nào rất xa...

 

Một thu

Và, một thu và...

Tôi ngồi lắng giọt thu sa dịu dàng

 

2006

 

 

Đêm nghe gió qua vườn

 

Có thể rồi ta sẽ về thăm lại

Cây gạo quen

Và khúc sông gầy

Và có thể trên lối chìm hoa cỏ

Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai

 

Đêm nghe gió qua vườn

Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã

Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về

Đêm nhoi nhói

Nghe đời thay máu

Có bao người nghe gió trong khuya?

 

Ở phía trước

Con đường chướng gió

Ta đã đi không chút e dè

Những- hy - vọng - rưng - rưng - xác - lá

Chết - tưng - bừng - như - máu - hôm - qua

Ở phía trước

Ở phía trước nữa

Ai như ta?

Ai đã là ta?

Chao ôi! Đời nến sáp

Ta đấy à, hay chưa từng ta!

 

Thì mùa thu dường thong thả mở lòng

Đêm hé cửa nghe qua vườn gió thổi

Ta hứa về thăm lại

Cây gạo quen

Và khúc sông gầy

Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy

Nhắc những lời hoa rụng một ban mai...

 

05/ 11/ 2011

 

 

Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc

(Trích)

1.

Khi bạn hỏi Đất Nước tôi bao tuổi

Xin hãy đếm những ngấn bùn châu thổ quê tôi

Khi bạn hỏi về tầng sâu lịch sử

Xin đếm những ngấn bùn bồi đắp nước non tôi

Như một cuộc trường chinh vĩ đại

Những ngấn bùn tụ hội ở Giao Châu

Những ngấn bùn thăm thẳm

Rất xưa

Và rất lâu

Những ngấn bùn bất khuất

Đắp bồi từ đớn đau

Những ngấn bùn kiêu hãnh

Chưa bao giờ cúi đầu

Máu tôi chảy trong lốt chân hy vọng

Của 50 người anh theo mẹ lên rừng

Da tôi trổ những bông tràm nhiệt đới

Giữa đoàn người xuôi biển giết Giao Long

Và tôi hát

Và tôi còn hát mãi

Khúc giao hoan của nòi giống Lạc Hồng

Và tôi hát

Xin cho tôi hát nữa

Ánh vàng phèn trên da thịt Tổ Tông

Mắt đẫm ướt dưới mây trời Lũng Cú

Chân đạp bùn se thắt Mũi Cà Mau

Cho tôi cúi trước bài ca của Mẹ

Của Tổ quốc tôi

Bùn bãi thơm màu...

 

2.

Những cơn lũ sạt nhà tốc cửa

Những cơn bão lật thuyền xác dạt người trôi

Những tháng hạn đồng hoang cỏ cháy

Vốn ngàn đời thách đố dân tôi

Nhưng

Bão, lũ hay đồng kia khô nỏ

Cũng chưa là gì trước những trận lốc đen

Chúng đã đến

Chúng đã từng tràn đến

Đen ngòm từ bắc phương

Sát phu

Hiếp phụ

Trấn trạch

Yểm bùa

Đoạt sừng tê

Cướp ngà quí

Dồn hiền dân mò ngọc dâng trai

 

Chúng nó đến

Bất từ trò khả ố

Cởi truồng xua quân bức chế Hai Bà

Tráo trở lọc lừa nàng Mỵ Châu trinh tuyết

Khói Loa Thành còn khét đắng tim ta

 

Chúng đã đến

Sẽ quen mùi

Còn đến

Từ đất liền

Từ phía biển xa

Muốn xóa trắng hình hài Tổ quốc

Cướp giật những đảo biển hiền hòa Hoàng Sa, Trường Sa

 

Chúng đã đến

Và chúng còn dọa đến

Biến chúng ta thành kẻ yếu hèn

Ép ta nghe cái luận lý ma cô rằng “chính quyền đẻ ra từ súng”

Ngậm ngọt đường trước Hữu Nghị Quan

 

Một buổi sáng tháng 2 năm 79

Bỗng rùng rùng nồng nặc lũ kên kên

Chim ăn xác khua tối rừng biên ải

Những bản làng nháo nhác súng rền vang

Những bản làng biên giới vốn bình yên nghe cón nước đếm nhịp chày bên suối

Xác bà mế ôm con gập ngang cối gạo

Từng đàn trâu khua mõ thở ven rừng chân dãy đạp mắt trừng không kịp khép

Chúng nó đấy

Bày kên kên tàn độc

Luôn mồm hô hữu hảo, láng giềng

Ve vãn anh, em tối lửa tắt đèn

Hiện nguyên hình loài chim ăn xác

Cái lý thuyết biển người

Cá thói quen bắt nạt

Ta chưa quên

Và, không bao giờ quên

 

Không thể quên

Không thể bắt ta quên

Chữ Sát Thát ông cha ta khắc thích

Lên những đôi tay gom tích ngấn bùn

Trên cuồn cuộn bắp gân đắp chiến tuyến Sông Cầu,

vát nhọn cọc Bạch Đằng giữ nước

Vẫn văng vẳng tiếng thiên sung Sát Thát

Ghìm chật lòng

Nhưng

Không bao giờ quên!

 

3.

Ai là bạn

Hãy đến với chúng tôi xoải chân trần trên cát

Lắng tiếng trở mình thao thức phù sa

Nghe suối thở dưới tán rừng châu thổ

Sưởi làn hương thắp tết ông bà

 

Xin bạn cứ ruổi rong thỏa thích

Suốt vòng cung đầy nắng nước non tôi

Cùng vỗ chiêng, cồng

Như vỗ những mặt trời nho nhỏ

Sẽ gặp đàn chim cổ tích bay ra

Bạn thử ướm bàn chân tõe ngón

Những bước bùn, bước mẹ, bước em tôi

Bạn sẽ hiểu vết bùn như máu đọng

Trên vai trần, trên tóc khét cha tôi

 

Tôi sẽ hát bạn nghe

Những làn chèo võng đêm thị rụng

Nhịp với trống quân trống quýt trống cò

Sẽ thở khúc nam ai

Sẽ mở điệu nam bình

Sóng sánh Sông Hương

Nối thuyền tình tím áo

Sẽ hát những niềm người thăm thẳm

Dưới vòm trời bát ngát Cửu Long Giang

Ôn ý chí anh hùng đi khẩn đất

Mở rộng dài cho câu lý bay lên

 

Tiếng cồng âm dương

Điệu hát

Giọt buồn

Đều hồn quê tôi đấy

Nó là hồn thiêng

Và, nó cũng hồn người

Ai là bạn sẽ tìm ra thơm thảo

Xoải chân cùng ngang dọc nước non tôi

Một đất nước

Giặc tan lại tới hồ trả kiếm

Nhân dân tôi không trả oán bao giờ

Lẽ nhân nghĩa tự hóa rừng kiếm sắc

Kết như tràm, như đước ngút ngàn kia…

 

Đất Mũi,13/7/2011

 

 

Ý kiến bạn đọc
21 Tháng Tư 20147:00 SA
Khách
Với sự lựa chọn và giới thiệu chọn lọc của nhà thơ Du Tử Lê, những thi phẩm tinh hoa quê nhà được giới thiệu trân trọng. Lần đầu tiên tôi được đọc tiếng thơ họ Hoàng. Quả thực, thơ họ Hoàng ám ảnh và vô cùng cuốn hút. Thơ ông thực hay. Vô cùng hay. Ông chuyển đi thông điệp lòng mình bởi thứ tiếng việt gạn chắt, sáng trưng, tinh túy và sang trọng .
27 Tháng Ba 20147:00 SA
Khách
11 bài thơ của nhà thơ Hoàng Quý được thi sĩ Du Tử Lê giới thiệu, bài nào cũng hay, bài nào cũng cuốn hút, rất nhiều độc đáo, thi điệu sang trọng, mê đắm, ngôn ngữ tài tình, tiếng việt trong vắt, tràn đầy tư tưởng, nhiều ẩn ức và gợi nghĩ. Chưa hề biết vè nhà thơ họ Hoàng. Và như vậy, càng mong muốn được biết về ông cả thi ca lẫn cuộc đời. Với chùm thơ này, xin cám ơn thi sĩ Du Tử Lê đã bắc cây cầu tới văn chương chọn lọc quê nhà!
24 Tháng Ba 20147:00 SA
Khách
Thơ Hoàng Quý hay tuyệt. Ngôn ngữ sáng trong, ý tứ thăm thẳm, tình thơ nồng hậu, vạm vỡ mà sang trọng. Qua thơ có thể thấy nhân cách nhà thơ trước hiện hữu. Những thông tin về Hoàng thi sĩ ít quá. Giá mà thi bá Du Tử Lê cung cấp được nhiều thông tin hơn!
20 Tháng Tám 20137:00 SA
Khách
Cũng không phải không đọc thơ văn quê nhà. Nhưng hôm nay bị / được ám ảnh một hồn thơ mới mẻ, độc đáo. khác lạ trên cánh đồng thi ca rộng lớn, thường quen. Đừng phiền trách tôi, khi tôi nói rằng, ta nói rất say mê và nói hình như quá nhiều về thơ cách tân, thơ đổi mới, mà cứ nhùng nhằng giữa "những sạt, lở chữ, nghĩa hôm nay" (Du Tử Lê). Một thi điệu mới với cốt hồn và tiếng Việt tinh túy, giầu có, sáng tỏ lạ lùng, một dấu ấn Thơ - Tân cổ điển sáng, rất sáng!
20 Tháng Tám 20137:00 SA
Khách
Tôi đọc đi đọc lại chùm thơ này. Một cảm giác dâng ngập khó tả. Một tiếng thơ rất lạ và bắt hồn. Tấm ảnh chỉ ra một người nhân hòa điềm đạm. Ngẫu Hứng Qua Mường như một tiểu trường ca. Những Ngấn Bùn Trên Mũi Chân Tổ Quốc, đọc rồi, rạo rực, nhớ da diết, nhớ ngày tết ông bà ngày xa, và tự nhiên chảy nước mắt. Một chùm thơ quá hay, quá lạ lẫm. Một tiếng hát của con chim hoàng tước giữa những quá quen!
20 Tháng Tám 20137:00 SA
Khách
Kính thưa thi sĩ Du Tử Lê!
Rất mong có nhiều thơ và nhiều thông tin hơn về nhà thơ Hoàng Quý. Một thi cảm rất lạ, mới và hay, rất hay, níu giữ. Quả là sự xuất hiện của thi sĩ họ Hoàng gây bất ngờ, sửng sốt, cảm sướng, trước "những sạt, lở, chữ nghĩa hôm nay".
22 Tháng Tám 20137:00 SA
Khách
Đọc thơ của thi sĩ Hoàng Quý, tôi có cảm giác dưới chữ là những bóng chữ, dưới câu thơ còn bao nhiêu câu thơ, mỗi bài thơ đều dào dạt dư ba, mỗi bài thơ trào dâng nghĩ suy, chuyển đi thông điệp của tư tưởng. Thơ vạm vỡ, cuộn chảy mà vẫn đẫm hương. Bài "Ngẫu hứng qua Mường" hết sức đặc sắc. "Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc" là một tứ thơ rất mới, hào sảng, như một khúc tráng ca, mãnh liệt, sâu thẳm. Thật mới mẻ. Thật tuyệt!
20 Tháng Tám 20137:00 SA
Khách
Sau khi đọc "Mưa đêm" cùng lời bình Trịnh Sơn, cảm tưởng của tôi là thơ hay, nhưng tên tuổi thì lạ quá. Hôm nay đọc một chùm thơ của thi sĩ họ Hoàng và gới thiệu của nhà thơ Du Tử Lê, thật cảm sướng. Một giọng thơ mới, lạ, cường tráng với thi pháp rất khác. Thơ rất cuốn hút. Ngôn ngữ chữ nghĩa rất phong phú, mới, giầu có. Thơ rất ám ảnh. Rất hay!
19 Tháng Tám 20137:00 SA
Khách
Lần đầu tiên tôi đọc thơ Hoàng Quý. Mới, rất lạ, hay lạ lùng!
24 Tháng Tám 20137:00 SA
Khách
Nền tảng truyền thống vững như thạch khối. Sự mới ở tư duy, ở tứ, ở cách diễn đạt phóng túng bay lên từ trong sâu hút tầng cảm xúc. Vốn ngôn ngữ giầu có, cách dụng ngôn ngữ Việt dường không cầu kỳ mà rất tinh diệu. Một chùm thơ bất ngờ, một chân dung thơ cũng bất ngờ, tiếng dội vọng từ thơ Hoàng Quý bất ngờ, cường tráng, mới, lớn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 20244:08 CH(Xem: 135)
Từng xuất bản 6 cuốn sách về Đà Lạt, nhưng cuốn thứ bảy này là tác phẩm đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu niên.
31 Tháng Ba 20248:31 SA(Xem: 226)
Nhà thơ Nguyễn Văn Gia có đóng góp sáng tác cho Tuyển Tập Tình Thơ Mùa Thu
22 Tháng Ba 20245:31 CH(Xem: 214)
Tôi nghĩ Huy Tưởng sẽ làm thơ đến hơi thở sau cùng.
15 Tháng Ba 20243:03 CH(Xem: 329)
Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe.
09 Tháng Ba 20249:20 SA(Xem: 271)
Chúng tôi nâng cốc rượu nhớ về người đã khuất nhưng cứ ngỡ người họa sĩ thân thương vẫn quanh đây
23 Tháng Hai 202411:31 SA(Xem: 428)
Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, một nhà văn như Ngô Thế Vinh vẫn có thể mang đến cảm giác hy vọng và cảm hứng.
16 Tháng Hai 20243:58 CH(Xem: 471)
Tôi ấn tượng mãi về sự im lặng khó hiểu ấy, cả hai ông ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ mà chỉ lặng im và nước mắt nhòe ướt trên đôi mắt của họ...
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 1236)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
27 Tháng Giêng 20244:29 CH(Xem: 609)
Nhân vật tôi của “Dòng sông không ra biển” là cô gái giàu trải nghiệm từ học vấn, đời sống đến chuyên môn nghề nghiệp.
21 Tháng Giêng 20248:53 SA(Xem: 1008)
Đứng hay ngồi trước tác phẩm của Giang, bạn chỉ cần thở vào một hơi và để tâm hồn lắng xuống,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17047)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8345)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19181)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19256)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,