Hoàng Vũ Thuật, đường bay thi ca, một rạng ngời, khác.

05 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 7471)
Hoàng Vũ Thuật, đường bay thi ca, một rạng ngời, khác.

 

LTS: Tiếng thơ Hoàng Vũ Thuật đã định hình từ những năm, tháng trước 1975, ở quê nhà.

Hôm nay, sau gần bốn mươi năm ăn ở thủy chung với chữ, nghĩa, cõi-giới thi ca Hoàng Vũ Thuật đã cho người đọc những đường bay thi ca rạng ngời, khác. Những rạng ngời son tươi của trí tuệ và tài năng Hoàng Vũ Thuật, cho thấy độ bền hay, tính chất đường trường của một tiếng thơ, tự thân đã có được cho nó, nghìn sâu và, dặm cao.

.

Để có được một cảm nhận đầy đủ về lộ trình thi ca, trên dưới nửa thế kỷ của Hoàng Vũ Thuật, chúng tôi trân trọng kính mời bạn-đọc-thân-hữu thưởng lãm bài giới thiệu thi phẩm "Mùi" của Hoàng Vũ Thuật - - Của PGS, TS Nguyễn Thái Hòa, mở vào thi phẩm "Mùi" - - Do nhà XB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2014, ấn hành. 

Trân trọng,

California, ngày 5 tháng 11-2014

dutule.com,

.

CÓ MỘT ĐƯỜNG THƠ MANG TÊN HOÀNG VŨ THUẬT

 

Lòng còng…

lòng còng…

gõ vào đêm vội vã

tiếng cuộc đời trôi dạt trên sông

qua những tháng năm cơ cực

tiếng mõ gọi bao xóm làng thao thức

mẹ ơi!

(Tiếng gõ chài)


Từng có lúc tiếng gõ chài trong thơ Hoàng làm tôi trăn trở; không vì tiếng gõ khi gần khi xa vang lên trong tịch mịch đêm trường, mà vì tiếng kêu thảng thốt “Mẹ ơi!” day dứt trong thơ anh. Hình ảnh người mẹ gắn với làng quê, gắn với những kỉ niệm tuổi thơ nhọc nhằn cơ cực, như một hoài niệm xa xôi hơn là một kí ức gần gũi.

Đọc thơ Hoàng tôi càng thấy lạ! Lạ thật! Tuổi thơ của Hoàng sống ở Bình Trị Thiên khói lửa, trong chiến tranh hủy diệt của thực dân Pháp (phá sạch, đốt sạch và giết sạch). Đến khi trưởng thành lại gặp một cuộc chiến tranh hủy diệt thứ hai đến cả đất đá cũng thành tro bụi. Nhưng ấn tượng để lại trong tập thơ chọn lọc Cỏ mùa thu (NXB Văn học 1994) không phải là những hình tượng lửa khói, tiếng kêu thét căm thù vang tận trời xanh mà lại là những hình ảnh thật nhỏ bé, thật thân quen: Một con chim ri rí kiếm ăn trên bãi biển mênh mông vời vợi; một cụm hoa lông chông chạy nhảy trên trảng cát; một bông xương rồng bé tí trên “bãi sa trường” (chữ của Nguyễn Tuân); một viên gạch vỡ nát hòa vào vũng nước đỏ như máu bên cạnh bức tường bị bom xé toạc làm đôi. Và giọng thơ Hoàng thì trầm mặc u buồn, vẻ ưu tư của những người sống sót sau trận giết chóc, nỗi buồn của một người chịu nhiều khổ đau.

Ngoài ra, ở những bài thơ khác còn có cái mới về hình ảnh, về từ ngữ. Nhưng hồi đó (hơn hai chục năm trước) tôi nghĩ Hoàng cũng làm thơ thời thượng theo mốt mới, như những thơ thời thượng nhan nhản trên báo chí. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết, đại ý: Làm thơ cho lạ, cho mới thì có khó gì, nhưng lạ thế nào, mới thế nào mà đến được với người đọc thì đâu có dễ. Gần đây (2010) Hoàng cho ra đời hai tập thơ in liền trong một năm: Ngôi nhà cỏ (NXB Hội nhà văn) và Màu (NXB Lao động). Một nhà thơ tuổi ngoại lục tuần đã đạt mấy giải thưởng thơ, bền bỉ với thơ như một cái nghiệp (chứ không phải một nghề) làm tôi phải đọc lại những tập thơ của anh từ Những bông hoa trên cát (1979), Thơ viết từ mùa hạ (1984), Gửi những ngọn sóng (1986). Thế giới bàn tay trái(1989), Đám mây lơ lửng (2000), Tháp nghiêng (2003), Ngôi nhà Cỏ  Màu (2010) để hiểu thêm cái nghiệp của anh.

Rõ ràng có một đường thơ Hoàng Vũ Thuật và tôi đã lần theo con đường ấy. Ban đầu đường khá rộng và dài với những hình tượng lan trải, với những nhịp điệu mềm mại bằng phẳng, nhưng càng về sau nhất là từ Đám mây lơ lửng trở đi thì thơ bung nở nhiều hình ảnh, nhiều ấn tượng. Con đường đó càng ngày càng thắt lại, hẹp dần. Ngay tiêu đề của những bài thơ cũng đủ thấy: từ “ Những bông hoa trên cát”, chỉ còn lại là “hoa vỡ”; từ “Cỏ mùa thu” lớn rộng là thế chỉ còn lại “ngôi nhà cỏ”, và “cỏ”; từ nhiều màu sắc trong mắt anh nơi anh đi qua trong nước và nước ngoài, chỉ còn lại một tín hiệu duy nhất “Màu” , một thứ màu không tên, thậm chí chỉ còn màu đen “tôi quay sang trái/ đen và đen và đen/ tôi quay sang phải/ đen và đen và đen// tấm ra trải giường điệp điệp/ không màu// Còn tôi / màu gì…///(Màu)

Đừng vội quy chụp cho Hoàng cái nhìn bi quan, thậm chí “phản động”. Hoàng đã nói đúng như nhà bác học Issac Newton từ thế kỷ 17: vật thể vốn không mầu, chỉ có màu nhờ ánh sáng. Và sau ông ấy, các nhà du hành vũ trụ thấy vũ trụ đen ngòm như mực và tĩnh lặng ghê người! Và cũng chẳng cần lý thuyết gì, ai chẳng thấy đêm đen ngòm chiếm nửa thời gian một ngày 24 tiếng. Và đêm tối lại là cái phút giao hoan của giới đực và giới cái tìm đến nhau để phát triển nòi giống của nhiều loài trên trái đất. Có lẽ là Hoàng không được Newton và các nhà sinh học gợi ý mà chính là thơ anh dẫn đường đến cái bản thể nguyên lai của thế giới! Vì vậy, anh có một đường thơ riêng, không giống ai.

Cho nên , phải tìm cách đọc thơ Hoàng. Phải tìm ra kiểu tư duy lạ và mới trong thơ Hoàng. Và cũng cần cảnh giác: không phải cái gì lạ cũng đều là mới và không phải cái gì mới cũng đều là lạ!

*

Tôi đã học nhiều cách để đọc thơ Hoàng:

a. Đọc theo con đường trực cảm, tiếp nhận ấn tượng nguyên bài, nguyên khối thì chỉ đọc được một số bài thơ của những tập thơ đầu. Càng về sau càng bí bét vì không hiểu.

b. Đọc theo lối tình cảm thì cũng thấy Hoàng giàu tính nhân văn, san sẻ cho cả những động vật, những thực vật li ti, tội nghiệp.

c. Đọc theo lối so sánh, (so sánh thơ Nguyễn Quyến, Lê Đạt, Vi Thùy Linh) cũng thấy được một số điều thú vị, nhưng lại không rõ nét đường thơ của Hoàng.

d. Đọc theo lối thi pháp cấu trúc mà Roman Jakobson danh tiếng đề xuất thì cũng chỉ gặt hái được trên bề mặt mà không thấy bề sâu, bề xa của nhà thơ.

đ. Cũng không thể đọc theo lối chăm chăm dõi theo tư tưởng (tư tưởng chính trị, tư tưởng xã hội, tư tưởng triết lí). Tìm mãi tư tưởng chính trị trong thơ cũng không thấy vì Hoàng chỉ làm nghệ thuật. Không rõ nét tư tưởng chính trị, nhưng thơ Hoàng có tư tưởng triết lí mà càng về sau hiện hình càng rõ: “... đàn kiến theo nhau vội vã/ sống và chết// nhẹ nhàng/ hạt bụi// hãy tin/ đàn kiến kia/ với bài ca diệu kì/ bài ca cuộc hành trình vòng quanh trái đất// vang lên không mệt mỏi/ những trái tim mang nỗi niềm/ loài kiến// (kiến)

 Kiến hay là thế giới loài người, hay là chính tác giả nhập thân? Cả ba đấy chứ! Cách nhìn thế giới trong thơ Hoàng là vậy. Vật này cũng là vật khác, loài này cũng đồng thời là loài khác, chủ thể đồng thời cũng là khách thể, khách thể cũng là chủ thể. Thơ Hoàng đã vượt quá xa quan niệm của các nhà biểu tượng chủ nghĩa (= tượng trưng chủ nghĩa) vượt xa biểu tượng siêu - cảm giác (supra - sentimentaliste) mà Charles Baudelaire (1821 – 1867) đề xướng.

Vậy là từ những mối cảm thương cho những thân phận hèn yếu bé nhỏ trên trái đất này, sao mà mỏng manh (gần đây, trong thảm họa động đất, sóng thần và phóng xạ nguyên tử, nhiều người cũng than thân phận con người sao mà mỏng manh!) để cuối cùng có thể đến với triết lí. Chẳng phải Ăng – ghen từng nói: Tất cả đều vận động, chuyển hóa không ngừng, chỉ có một cái không thay đổi vận động, chính là quy luật vận động. Triết lí đấy thôi. Chẳng phải Hegel cũng đã nói: cái gì hợp lí thì tồn tại, cái gì tồn tại đều hợp lí. Triết lí cả thôi!

Hoàng không làm triết lí, không hề tư duy khoa học, trừu tượng như các nhà triết học, mà chỉ là tư duy biểu tượng theo con đường riêng của thơ mình. F.Chevalier viết: “Có lẽ tư duy biểu tượng vốn đối nghịch với tư duy khoa học, không vận hành theo lối rút gọn từ cái bội đến cái đơn, mà bằng lối bùng nổ từ cái đơn thành cái bội nhằm gây ra cảm nhận rõ rệt hơn trong một nhịp thứ hai, quả nhiên, sự thống nhất của cái bội ấy” (Lời tựa – Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới– NXB Đà Nẵng, 2002, tr.XVII).

Đúng vậy, từ một ấn tượng, một điểm nhìn về những sinh thể bé nhỏ, mở rộng đến thế giới con người, Hoàng đã cho nở bung ra bao nhiêu là đề tài, bao nhiêu là hình ảnh, trên lối đi càng ngày càng thu hẹp của mình. Từ ngữ thơ dung dị, quen thuộc nhưng chen chúc nhau, lấn át nhau, kết hợp bất quy tắc, trở thành những tín hiệu đa nghĩa (polysémique) và đa trị (polyvalent). Hoàng tư duy theo lối biểu tượng, rút gọn tối đa để mở rộng tối đa “những kí ức ngủ quên” ở tầng tiềm thức.

Hãy nghe anh nói về đêm, cái đêm mà anh gọi là “đêm Ngọc Thùy”: “Cây đội trần nhà dựng vòm trời ẩn/ dưới vòm trời/ thập loại chúng sinh tìm lối sống…//”và: “nếu sống lại sau khi đã chết/ trời cao thêm và đất rộng hơn/ những đôi chân mọc chéo trên cỏ ướt/ dan díu nở ngàn sao Ngọc Thùy// tạ từ bờ khuya/ tạ từ mắt nến/ anh chạm mặt vào đêm (15/9/2005)”.

“Đêm Ngọc Thùy” ấy đủ cả không gian 3 chiều, như một số bài thơ khác trong tập Màu Ngôi nhà cỏ: chiều cao, chiều dài và chiều rộng, đủ cả quá khứ, hiện tại và tương lai: “đá bao nhiêu đại đắp thành Hồ/ sông bao nhiêu kỷ thành sông Mã/ em bao nhiêu tuổi vỡ giọng/ thành cậu bé ngốc nghếch anh qua mấy kiếp người//”. Quá khứ thực ra chỉ dồn lại ở một tâm điểm duy nhất “anh qua mấy kiếp người”. Cái điểm đó có thể gọi là giao điểm của không gian và thời gian (spacio – temps). Thơ của Hoàng đã đạt đến mức đó, nhưng tiếc rằng anh đã vội quay về với hiện tại “chạm mặt vào đêm”, khiến loãng đi chiều sâu vô thức nên không gợi được tầng vô thức của tập thể lơ lửng như “đám mây lơ lửng” không hình bóng, phiêu diêu bất định. Có điều thơ Hoàng đã gợi những kí ức ngủ quên giữa ý thức và vô thức, ở đó con người lẫn lộn trong trạng thái lơ lửng của thời gian, như mộng mị chiêm bao mà ta thường gặp. Một kiểu tư duy biểu tượng trong thơ. Và cũng là một thứ triết lý của thơ.

Nói về tư duy biểu tượng thì không chỉ một mình Hoàng Vũ Thuật mà có ở hết thảy mọi nhà thơ có phong cách. Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm vv…có điều mức độ sử dụng đậm nhạt khác nhau, cách thức sử dụng cũng khác nhau. Bởi vì, biểu tượng thơ ca là một vấn đề phức tạp và con đường hình thành biểu tượng cũng rất khác nhau: Có những biểu tượng hình thành từ hình tượng cảm giác (ví dụ: Con hổ của Thế Lữ, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư vv…) có biểu tượng từ siêu cảm giác (Nguyệt cầm của Xuân Diệu; Trăng của Hàn Mặc Tử) có biểu tượng từ những hình tượng gốc trong truyện cổ và ca dao (Trầu cau của Nguyễn Bính) có những biểu tượng đi thẳng từ những biểu tượng văn hóa (Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm) vv…Mức độ nông sâu của biểu tượng cũng khác nhau: Có những biểu tượng chỉ ở mức độ tiềm thức, và có những biểu tượng chạm đến đáy của vô thức, bản năng gốc của giống loài: sự sinh thành, sự sống và cái chết, nỗi sợ hãi và hành động tự bảo vệ của một sinh thể vv…

Thơ Hoàng đang ở đường biên của tiềm thức và vô thức, tức là ở lớp màng trung gian giữa ý thức và vô thức, những ký ức ngủ quên, lẫn lộn thực và hư, thực và ảo gần đến mức như Trang Tử ngày xưa, ngủ dậy không biết mình là bướm hay bướm là mình! Nhiều lần Hoàng cũng vậy, chẳng biết mình là ai, màu đó là màu gì, đèn đó là đèn gì, và rất nhiều “một ngày” (có cả ngày giờ tháng năm) cụ thể mà chẳng có một thời gian nào là cụ thể. Nếu thơ của Hoàng đi đến chỗ siêu thực thì cũng do thơ của Hoàng dẫn đi chứ không do lý thuyết nào gợi ý, hay do ngẫu hứng bất chợt như một số người làm thơ theo mốt hậu hiện đại.

Bởi khi ở trong trạng thái lơ lửng của đường biên tiềm thức và vô thức, lại rất giàu tình cảm nên phần kết bài thơ Hoàng thường trở về hiện thực (trong hầu hết những bài thơ chọn lọc ở tập Cỏ mùa thu) hoặc quay về thế giới tình cảm của anh.

Cái mạch ngầm tình cảm ấy còn lác đác theo cả Hoàng về sau này:

tại vì biển nhật lệ mỗi ngày một hẹp

cát trắng bảo ninh mỗi ngày một đen

người mỗi ngày một lạ

nên mỗi ngày ta lại thấy buồn thêm

(Tại vì)


Và dù “nghiệm” rất nhiều: “Khoảng cách ngày và đêm/ đủ nhận biết vũ trụ// khoảng cách tối và sáng/ đủ nhận biết nhân gian// rồi kết thúc: khoảng cách yêu và giận đủ nhận biết mình(Nghiệm). Chỉ yêu và giận thôi ư? Thơ Hoàng giàu tình cảm đến mức dùng tình cảm làm thước đo con người. Chỗ mạnh của anh là ở đó và giới hạn của anh cũng chính là nơi đó.

Triết lí trong thơ Hoàng, đặc biệt sâu đậm ở hai tập thơ Ngôi nhà cỏ và Màu thấm đến từng câu từng chữ, đến cả nơi không chữ không câu nhưng luôn luôn quay về thực tại, một thực tại giấu mình trong những biểu tượng giàu tình cảm. Vì vậy, xuyên trong thơ Hoàng sau mặt phẳng về một hoài niệm và viễn ảnh xa xôi giữa hư và thực, giữa tiềm thức và vô thức, thì những “cú sốc” kiểu như:Đám mây lơ lửngTháp nghiêng, Người điên, Ngọc bích, Lăng tẩm, Phác thảo, Chân dung…cho thấy dấu hiệu của sự bùng nổ/nỗi loạn kinh người như ở một số nhà thơ khác mà ta đã biết.

Dẫu sao, Hoàng đã vạch một đường thơ riêng cho mình từ sự cảm thương thân phận mỏng mạnh của những sinh thể trước những biến cố cho đến mọi hiện tượng thoáng hiện, thoáng biến, như một hư ảnh, sắc sắc không không, và cuối cùng cái còn lại là tình cảm lớn của con người. Hoàng đã đi từ cái hình tượng cụ thể tới biểu tượng, và ở hai tập thơ sau này hầu như chỉ còn tư duy biểu tượng. Đường thơ hẹp dần để cho không gian ảo ảnh bung ra, lan ra mãi. Cái logic nghệ thuật của Hoàng quả đúng như vậy và cách đọc thơ Hoàng cũng nên như vậy!

*

Đọc những bài thơ Hoàng trước tập Đám mây lơ lửng, ta cứ việc song hành cùng tác giả, theo những nhịp sóng hình tượng và sóng cảm xúc để đến tận cuối bài. Nhưng ở những tập thơ sau này, nhất là Ngôi nhà cỏ và Màu thì người đọc phải tìm lối đi ngang về tắt cho mình mà những tín hiệu nhập nhòe không còn chỉ lối rõ rệt. theo kí ức của mình và những chiêm nghiệm riêng để rồi lần ra lối đi trong thơ Hoàng.

Vì vậy, đọc thơ Hoàng phải đọc chậm, rất chậm để ý hội sau đó là tâm truyền, bởi anh đã dấn sâu vào con đường biểu tượng. Anh đã phá vỡ cái khuôn của từ pháp và chương pháp (quan hệ giữa từ với từ, giữa câu với câu) nên chỉ còn cách đọc khoảng trống ở giữa từ với từ, giữa câu với câu. Trong những khoảng trống ấy có một tứ thơ mạch lạc nào đấy, do anh vẫn giữ chắc khuôn khổ thiên pháp giữa đoạn thơ này với đoạn thơ khác, giữa phần khai (mở), triển (phát triển) và kết (kết thúc). Không như một vài nhà thơ hiện nay phá sạch sành sanh thiên pháp, khiến cho thơ không còn là một văn bản thống nhất mà có nhiều văn bản trong một văn bản, thậm chí nhiều tứ thơ có trong một tứ thơ như một số bài thơ của Trần Nghi Hoàng, Đỗ Kh., Khải Minh… Với những nhà thơ mới và lạ này có khi ta phải đọc theo lối xuyên văn bản mới hiểu được một vài ý, một vài câu. Hoàng không theo họ, không cần tạo bát quái trận đồ để làm mệt độc giả.

Hoàng cô đơn và cô đơn một cách thành thực, chân tình. Đường thơ này hầu như chỉ một mình anh. Khi mà người khác vui hoặc cố vui thì anh hát điệu buồn, khi người khác thích hình tượng hoành tráng thì Hoàng lại chọn những hình ảnh bé tí, khi mọi người thích màu sắc lòe loẹt, chói chang thì Hoàng lại chỉ có trắng hoặc đen hoặc không màu…

Cách nhìn sự vật trong cách nghĩ của anh chẳng thể giống ai, chẳng giãi bày được với ai, trừ ra với thơ. Thế mà đường thơ anh lại càng ngày càng thu hẹp, rút ngắn như người cố trèo lên đỉnh núi mang hành trang biểu tượng của riêng mình. Người ta khi lên đến đỉnh cao nhất chỗ đứng càng hẹp, thì chân trời lại càng lùi xa mênh mông. Đó chính là cảm giác cô đơn chân thật của Hoàng, con người “độc hành kì đạo”: chỉ mình tôi lúc này/ nỗi buồn sau hơn biển/ nghìn con sóng khỏa đầy/ không thể nào lấp kín (Một mình).

Tôi không muốn nói rằng anh đã lên đến đỉnh cao của thơ ca, bởi anh đang lơ lửng giữa hai cõi tiềm thức và vô thức, nhưng thực sự là người đã mở một đường thơ mới im đậm dấu chân người lữ hành. Chỉ ở tầng tiềm thức thôi mà cũng ít người chịu hiểu anh. Đàn Bá Nha đã vang lên gần chặng cuối nhưng bóng dáng Chung Tử Kì còn khá hiếm hoi. Chưa có nhiều Chung Tử Kỳ thì Bá Nha vẫn ôm mãi một nỗi cô đơn. Điều gì đến nó sẽ đến, Hoàng đang dự kiến cho ra đời: Mùi - tập thơ mới, để minh chứng cho thế giới nghệ thuật của mình chăng? Ta hãy tin và chờ đợi.

Rõ ràng đường thơ của Hoàng là một nghiệp thơ chỉ trông cậy vào mình, và nó đi thẳng vào thế kỉ 21, một khi con người vừa tin ở sức mạnh của mình vừa nhận ra sự yếu ớt mỏng manh của mình. Đường thơ ấy báo hiệu một kiểu tư duy thơ riêng, không màu sắc mà vẫn lộng lẫy, không đứng yên mà vận động không ngừng, phù hợp với tư duy của con người trong thế kỉ mới.

Hà Nội, 3/2

PGS, TS NGUYỄN THÁI HÒA.

.

Một mảng trời thơ Hoàng Vũ Thuật, (Trích “Mùi”) 

.

chiếc ghế bỏ trống

Nhớ nhà viết kịch Phan Xuân Hải

tấm thảm mùa hè trải bên cát mặn

khoanh từng ô

anh thường tới đây cạnh con lăn xi măng trườn ra biển

trong tiếng rú tăng tốc bụi mù chở theo đủ loại

nhọc nhằn

đôi mắt đen láy sau cốc rượu vang

 

vắng người năm trước

đàn chim bay qua rớt xuống tiếng kêu thảng thốt

giữa những gương mặt huyên náo

lá dương bắn ngàn mũi tên về phía anh ngồi

đã trống một chiếc ghế

 

thế gian này sẽ còn trống nhiều chiếc ghế

lại thừa hàng trăm chiếc ghế khác

sóng cứ ầm ào cuốn mãi lên bờ

lắm thứ người ta không dùng nữa

anh lượm và đóng gói

hy vọng sẽ được việc

 

rác rưởi sóng sánh vô số kỷ niệm

ở đó anh đọc được bao trang sách

tục tĩu và thánh thiện đắm say và chán chường

như cốc rượu vang đen láy

trôi xuống cổ họng

 

rồi nắng tắt

nặng trĩu đêm dày

sóng bận rộn cuộc tình muôn thuở

ngôi sao vụt sáng nỗi thèm khát

anh nghe cuộc đời cựa quậy

chỗ chiếc ghế bỏ trống.

Biển Nhật Lệ, 16/7/2010

 

cầu Mirabeau

Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine

Trôi cả tình yêu của anh và em

(Thơ Guillaume Apollinaire - Phan Cẩm Thịnh dịch)

trên cầu Mirabeau

Apollinaire đang quệt sơn vòm cong tuyết sáng

 

sông Seine chậm rãi

nhịp điệu tháng ngày qua

 

dòng người dài thêm già đi mà sông thì mãi trẻ

mùa này cây trút lá cho trời rộng thêm

 

khôi nguyên trái tim ứa ra vệt son tươi rói

bầy mòng biển líu ríu tình yêu dại khờ

 

anh gieo vào đôi mắt nâu câu thơ Mirabeau 

Apollinaire còn đây

 

em thả tóc vàng óng mượt

cầu đỏ bừng sau cặp môi hôn.

Paris, 1/1/2011

 

trước nhà thờ Đức Bà Paris

đàn chim không biết sợ hãi

chúng sà xuống hồn nhiên

giữa lòng bàn tay

ăn mẩu bánh mì

hình như không biết tôi đến từ xứ sở mà chim

là đặc sản

 

ở đó loài chim bị chém ngang tiếng hót

vặt trụi lông

thiêu trên bếp than rừng rực

ở đó chim không có quyền bay vào trời rộng

bơi giữa hồ xanh trong

chim chỉ biết mua vui yến tiệc

 

hai mươi tám vị tông đồ ngự trên tường cao

hai mươi tám cánh thiên thần

trắng muốt

tôi là thằng gù Quasimođo

đơn độc

kéo hồi chuông

hỡi những hồn oan bé nhỏ bây giờ nơi đâu.

Paris, 3/1/2011

 

cuống rốn

 Tặng Nhà thơ -Hoạ sĩ Văn Thao

cuống rốn khô sắp rụng

anh thu mình ốc đảo

 

ngày ngày mặt trời ló mắt sương

hoảng hốt nhìn xuống cánh rừng

cây mọc lông dọc suối mơ

hoa tua tua gai nhọn

bùng cháy những đốm lửa quả chín khuya khoắt

lá chùng ngấn đàn nước mắt

 

đong đếm đong đếm đong đếm

chút khí thở nhặt nơi ngả đường dốc đứng

gia sản duy nhất cuối cùng

nửa tươi nửa héo nửa đỏ nửa đen

nửa sống nửa chết

 

chó vẫn sủa vang phía bên kia trời

làm rách trang sách trên tay

dai dẳng hơn tiếng rít thuốc lào đơn chiếc

khói trắng dã gương mặt thế hệ dối lừa

họ không là họ

 

bước chân gõ cầu thang

cất lên

nhịp lẻ

anh biết anh đang tồn tại

giữa ống tre ống trúc bức sạp gỗ cái tủ chè

róc rách nước đổ

quang quác ba chú ngỗng tìm về sau ngày rong chơi

đàn gà núi chen nhau vào chuồng tìm chỗ ngủ

 

một con chim nữa trong chiếc lồng bỏ quên

bên những chiếc lồng rụng rốn.

Kỳ Sơn Trại, 9/8/2010

 

bóng và anh

anh ôm bóng anh hằng đêm

hà hơi lên tóc lên trán hà hơi vào mắt vào môi

hà hơi xuống ngực

hà hơi

bóng biết nói biết đùa bỡn biết tự bảo vệ

đôi khi vượt qua giới hạn

anh yêu bóng anh như yêu người đàn bà

vừa thánh thiện vừa ác quỷ

nửa ấm áp nửa lạnh lùng

 

anh lang thang cùng bóng qua sa mạc đỏ

qua biển cả phù du

những thành quách màu huyết dụ

những đền đài vàng au

bóng

sứ giả của mây và gió

chú chim sẻ cậu sóc nhỏ con mèo con

nhảy loi choi trên xanh

chui vào vạt áo

tất tần tật

 

anh dìu bóng lên ngọn núi chọc trời

ôi nhừ đôi chân bại cả cánh tay

không thể làm gối không thể giúp anh

mỗi khi mỏi mệt

không hát nổi bài hát ngày xưa

bóng sẽ rơi xuống mất

thôi ngủ đây

bóng

 

anh vẽ bóng trên mặt kính mờ sương

rồi dấu mình sau gáy chơi trò ú tim 

mọi cử chỉ mọi việc làm mọi ham muốn

mọi buồn đau

bóng đều tường tận

là người hiểu anh không ngoài ai ra

nhưng bóng vội nhòa

làm sao tìm lại

một giờ bóng giận dỗi bỏ đi chẳng muốn gặp 

anh thành cái xác

 

sớm mai thức dậy anh thấy mình đã khác

mình là bóng

hay bóng là mình

không biết.

2/12/2010

 

mùi

ở đâu đó rất xa vừa nhìn thấy vừa không nhìn thấy

nghe được sờ được

 

dòng thác nóng ran hai bờ đêm

 

nguyên bản cuộc sống vốn thế

cơn sốt bất thần run bần bật

 

có thể viêm nhiễm sau cuộc phẫu

có thể mới ra đời đã biến mất

có thể từ trời cao đổ xuống từ dưới đất trồi lên

 

mằn mặn nhàn nhạt hương một loài

hoa không tên gọi

 

mùi mưa mùi nắng mùi gió mùi cáu bẩn

mùi nguyên trinh

mùi kiệt quệ mùi phục sinh mùi mùa

 

mùi của mùi.

29/12/2010

Hoàng Vũ Thuật.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 5886)
Trần Tuấn Kiệt có bút hiệu Sa Giang. Ông sinh ngày 01 tháng 06 năm 1939 tại Sa Đéc, từng theo học trường Cao đẳng Quốc gia Âm nhạc (Sài Gòn)
03 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 7699)
Trên bước đường lưu lạc, đôi lúc chúng ta trôi nổi theo dòng đời bất tận và có lúc mỗi người trong chúng ta có lẽ ai ai cũng đã hơn một lần bồi hồi nhớ lại nơi chôn nhau cắt rún của mình với những ngày thơ ấu;
28 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 6007)
"Đối diện tôi" gồm 60 bài thơ, Hồ Nghĩa Phương viết về gia đình, tình yêu quê hương Quảng Ngãi và những vùng đất đã từng lưu lại trong anh nhiều kỷ niệm
23 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 9997)
Với tôi, trong một chừng mực nào đó, thì tiểu thuyết "Người hay là những cơn mơ mạo danh" cũng vẫn là tác phẩm tự thân có được cho nó độ sâu, đáng kể
19 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 6524)
Lữ Kiều thuộc thế hệ những chàng lãng tử... Thế hệ sinh ra và lớn lên, trưởng thành, lọt hẳn vào chiếc võng đu đưa với điệu ru buồn nhất của mẹ Việt Nam.
13 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 5534)
Như khí hậu của những truyện cực ngắn, thơ Bình Địa Mộc, không sáo ngữ, không mỹ từ rỗng tuếc
05 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 5282)
Nhà giáo - nhà thơ Minh Triết Trần Thiện Đạt là người con của làng Hải Châu, xã Nghĩa Hiệp, một làng quê nghèo bên dòng sông Vệ, Quảng Ngãi
26 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 5554)
Với những trải nghiệm , gắn bó với cuộc sống, yêu thơ hết mình, chúng tôi tin rằng, trong tương lai: Trần Thị Cổ Tích, Khôi Nguyên và Bùi Thị Thương sẽ gặt được những mùa vui trên cánh đồng thi ca.
21 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 5415)
Không biết có phải vì nhân loại ngày càng có quá ít thời gian dành cho việc đọc sách, nhất là thể loại văn chương hay không?
07 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 5913)
Lê Ngọc Trác: Mỗi lần đọc bài thơ trên của Trần Hoàng Vy là mỗi lần trong tôi trào dâng xúc động.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19186)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11070)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,