Cùng với những thành tựu có tính cách quốc tế của những nhiếp ảnh gia VN thế hệ thứ hai, thành công rực rỡ ở hải ngoại, có dễ đó là sự thành công của các đạo diễn Việt, cũng thuộc thế hệ thứ hai kể từ sau biến cố tháng 4-1975.
Thành tựu vừa kể, không chỉ được những người Việt sống ở hải ngoại ghi nhận mà cũng được các nhà quan sát ở Việt Nam công nhận nữa.
Cụ thể, khi ghi nhận về những đạo diễn trẻ tốt nghiệp tại Hoa kỳ, tác giả Phi Phi của báo Thanh Niên đã chọn 5 đạo diễn trẻ mà tài năng của họ, được coi là vượt trội thì, hết 4 trong số 5 đạo diễn đó là những đạo diễn trẻ sống và, tốt nghiệp các trường đào tạo đạo diễn điện ảnh ở hải ngoại.
Theo tác giả Phi Phi thì điển hình là các đạo diễn như Victor Vũ:
“…Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, tốt nghiệp cử nhân sản xuất phim từ ĐH Loyola Marymount (Los Angeles, California, Mỹ), Victor Vũ chính thức bước vào con đường điện ảnh với bộ phim ngắn 20 phút - Firecracker. Bộ phim này đã giúp anh chiến thắng ở hạng mục Giải thưởng phim sinh viên ở Liên hoan phim Newport Beach năm 1998.
“Sau một vài dự án phim nhỏ, đến khi Victor Vũ thực hiện bộ phim kinh dị Oan hồn (2004) ảnh hưởng từ truyện ma Liêu trai chí dị, con đường làm phim của anh mới dần được định hướng
“Năm 2009 đánh dấu cột mốc quan trọng sự nghiệp của Victor Vũ khi anh chính thức về nước làm phim. Từ năm 2009 đến nay anh đã cho ra lò 7 phim điện ảnh Chuyện tình xa xứ, Giao lộ định mệnh, Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Cô dâu đại chiến 2, Quả tim máu và sắp tới là Scandal 2. (…)
“Những tác phẩm của Victor Vũ không chỉ thành công về mặt thương mại, mà còn được ghi nhận ở chất lượng nghệ thuật và thậm chí là mở ra chương mới cho điện ảnh Việt. Nhờ có Thiên mệnh anh hùng, khán giả đã bắt đầu kỳ vọng vào dòng phim cổ trang, võ hiệp vốn chưa từng là thế mạnh của các đạo diễn Việt Nam. Hiện dòng phim kinh dị cũng được xem là món “độc quyền” của Victor Vũ với những tác phẩm chất lượng thật sự chứ không phải nhát ma nửa mùa…”
Về đạo diễn Trần Anh Hùng, tác giả Phi Phi viết:
“Trần Anh Hùng được khán giả nhắc đến ở hai khía cạnh: Một trong những đạo diễn điện ảnh người Việt giành được nhiều giải thưởng uy tín và danh giá nhất từ trước đến nay" và "Thế hệ đạo diễn Việt kiều đầu tiên về làm phim tại Việt Nam".
“Sinh năm 1962, đạo diễn người Pháp gốc Việt có cơ hội tiếp xúc với nền điện ảnh đương đại đậm chất nghệ thuật của Pháp từ sớm. Tốt nghiệp xuất sắc trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière, anh tự mình đạo diễn phim ngắn Người thiếu phụ Nam Xương (lấy cảm hứng từ Truyền kỳ mạn lục) và lập tức gây chú ý, thích thú cho những nhà phê bình phim nước ngoài.
“Năm 1993, Trần Anh Hùng bắt tay vào thực hiện bộ phim Mùi đu đủ xanh, lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 50. Đây là bộ phim dài đầu tiên và cũng là tác phẩm thành công nhất của Trần Anh Hùng, thu về được giải thưởng Camera vàng cho phim đầu tay tại giải César của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh Pháp. Năm 1994, Mùi đu đủ xanh được đề cử giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất nhưng không đoạt giải.
“Mùi du đủ xanh là một trong những tác phẩm điện ảnh làm nên tên tuổi của Trần Anh Hùng.
“Thành công vang dội của Mùi đu đủ xanh đã giúp cho Anh Hùng có thêm kinh phí để thực hiện bộ phim tiếp theo Cyclo (Xích lô) Không nằm ngoài mong đợi, Cyclo giành giải thưởng danh giá Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venezia. Từ đây, tên tuổi Trần Anh Hùng được nhiều nhà phê bình phim trên thế giới biết đến và coi như một hiện tượng của điện ảnh Pháp.
“Sau 2 thành công lớn khi làm phim về Sài Gòn, Trần Anh Hùng chuyển qua miêu tả vẻ đẹp của Hà Nội qua tác phẩm thứ 5 trong sự nghiệp Mùa hè chiều thẳng đứng. Dù không giành được giải thưởng nào song cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nghệ thuật. Năm 2008, Trần Anh Hùng được chấp thuận chuyển thể tiểu thuyết kinh điển Rừng Na Uy của nhà văn Nhật Murakami.
“Đóng góp rất lớn vào sự thành công cho điện ảnh nước nhà, Trần Anh Hùng là niềm tự hào của điện ảnh Việt khi chắt chiu công sức tạo dựng dựng lại hình ảnh về Việt Nam giữa dòng chảy của điện ảnh Mỹ và các nước châu Á khác đang chiếm ưu thế.”
Ghi nhận về đạo diễn Charlie Nguyễn, tác giả Phi Phi viết:
“Charlie Nguyễn là một trong những đạo diễn đầu tiên mở đầu xu hướng phim do Việt kiều thực hiện thu hút đông đảo khán giả, với bộ phim Dòng máu anh hùng (2007). Giữa dòng phim thị trường nhảm đang hoành hành, thì tác phẩm của Charlie Nguyễn được thực hiện nghiêm túc và tốn kinh phí kỷ lục (hơn 1 triệu USD) không chỉ tạo nên cú đột phá trong điện ảnh Việt, thay đổi tư duy xem phim của khán giả mà còn được giới chuyên môn công nhận với giải thưởng Bông sen bạc tại LHPVN lần thứ 16 và vài giải thưởng quốc tế khác.
“Những năm sau đó, Charlie Nguyễn chính thức trở thành “vua phòng vé” với các phim hài đạt doanh thu cao trong mùa phim hè như Để Mai tính (37 tỷ đồng), Long ruồi (khoảng 42 tỷ đồng), Cưới ngay kẻo lỡ... Để lại nhiều tiếc nuối nhất là Bụi đời Chợ Lớn - bộ phim hành động võ thuật của Charlie Nguyễn đã không được phát hành vào mùa hè 2013. ...
“Charlie Nguyễn đã chứng tỏ được tài năng trong việc tạo nên những kịch bản hay cũng như chỉ đạo diễn xuất tuyệt vời. Anh cũng là một trong những đạo diễn chỉ đạo những phim về hành động, võ thuật đẹp mắt nhất hiện nay…”
Đạo diễn trẻ sau cùng, được Phi Phi nhắc tới là Hàm Trần:
“Hàm Trần tên thật là Trần Quang Hàm, một đạo diễn người Mỹ gốc Việt, tham gia dựng các phim điện ảnh đình đám trước đây như Dòng máu anh hùng, Bẫy Rồng, Sài Gòn Yo... Tuy nhiên, mãi đến năm 2013 với Âm mưu giày gót nhọn, cái tên Hàm Trần mới thật sự được khán giả Việt Nam biết đến và dành nhiều quan tâm đến đạo diễn Việt kiều này.
“Bộ phim lãng mạn, hài hước Âm mưu giày gót nhọn chọn đề tài xoay quanh hậu trường showbiz hấp dẫn cùng dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt đẹp long lanh và nổi tiếng, đã hoàn toàn làm hài lòng nhà đầu tư mang về 7,5 tỷ đồng chỉ trong 4 ngày đầu công chiếu. Bản thân vị đạo diễn này cũng có màn chào sân khá ấn tượng…” (1)
Nói tới Hàm Trần, có lẽ chúng ta cũng nên nhắc tới bộ phi, “Vượt Sóng” của ông.
Dư luận chung cho rằng,
đó là một trong những tác phẩm lớn của người đạo
diễn trẻ tuổi này, ở phương diện công phu, ý nghĩa mà
bộ phim đó đạt được.
.
Như những đạo diễn trẻ, gốc Việt, cùng thời với mình, đạo diễn Trần Anh Hùng cũng đã xuất hiện với những phong cách và, những dấu ấn riêng của mình.
Với thành tích là những giải thưởng lớn của những đại hội điện ảnh quốc tế, từ Âu châu qua tới Mỹ châu, họ Trần cho thấy dường như ông không bận tâm lắm tới sự thành bại tài chánh mà, mối bận tâm lớn nhất của ông lại là nội dung, hay những “thông điệp” ông muốn gửi gấm trong những thước phim của mình; song song với quan tâm về diễn xuất, hình ảnh nghệ thuật, góc độ ánh sáng…
Về chủ tâm dành mọi ưu tiên cho nghệ thuật của đạo diễn Trần Anh Hùng, dư luận nói nhiều tới sự kiện chính ông là người hướng dẫn, đạo diễn người bạn đời của ông, nữ tài tử Trần Nữ Yên Khê trong một đoạn phim khá “nhậy cảm”…
Phát biểu về những thước phim nhậy cảm này, tài tử chính Lee Byung Hun, người đóng vai… “trên giường” với Trần Nữ Yên Khê kể lại rằng:
"…Ngoài tôi và Trần Nữ Yên Khê còn có một phụ nữ khác ở đó. Tôi không biết đó là mẹ hay mẹ chồng của cô ấy. Chỉ biết bà ấy chơi đùa cùng lũ trẻ trong lúc hai chúng tôi ở trên giường”.
“Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện trong bộ phim I come with the rain (tạm dịch là Và anh đến cùng cơn mưa). Lee Byung Hun cho biết thêm: “Đạo diễn (Trần Anh Hùng) tất nhiên cũng có mặt ở đó để chỉ đạo chúng tôi diễn xuất. Mọi chuyện buồn cười lắm (…) Tôi đã phải diễn khoảng 1 phút nhưng khi lên phim thì chỉ còn 5 giây. Quay một cảnh trên giường khó tới mức nào ư? Đó là những cảnh phim không có đầu mà cũng chẳng thấy cuối ở đâu". (2)
Trả lời câu hỏi: …Anh làm thế nào để những khán giả đã đọc truyện không bị thất vọng khi xem phim, khi thấy phim khác với tưởng tượng của mình?- - Của một đặc phái viên nhật báo VnExpress Online, về bộ phim “Rừng Na Uy” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, nổi tiếng thế giới trong những năm gần đây), đạo diễn Trần Anh Hùng nói:
“ Tôi không quan tâm tới chuyện đó. Cái tôi cần quan tâm là làm được cuốn phim hay. Còn nếu nó hay nhưng không ăn khớp với tưởng tượng, tiềm thức của khán giả thì đó là chuyện của người xem chứ không phải chuyện của đạo diễn.
“Mỗi lần làm phim là một quá trình khó khăn về mọi mặt. Đây là lần đầu tiên, tôi làm tác phẩm điện ảnh từ một tiểu thuyết nổi tiếng. Tôi không phải chỉ chuyển thể cốt truyện mà còn phải chuyển những suy nghĩ, những tình cảm của mình khi đọc truyện vào phim. Tôi chọn cách đi thẳng vào vấn đề chứ không bắt đầu bằng những hồi tưởng của nhân vật bởi việc hồi tưởng đã quá quen thuộc, tôi không thích làm lại. Hơn nữa, quá khứ - hiện tại cần mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả mà sách thì không có điều đó. Nếu muốn giữ bố cục như sách, mình phải bịa thêm một số chuyện xảy ra ở hiện tại trong khi nguyên tác đã quá nhiều thông tin. Vì thế tôi chọn một mốc thời gian, không đi qua đi lại giữa hai thời điểm của đời người.
“Phim của tôi quay từ mùa đông, sau đó ngừng 5 tháng để chờ quay mùa hè. Đó là một quá trình dài nhưng khi làm việc, tôi không hề thấy mệt mỏi. Diễn xuất của diễn viên rất tuyệt và làm việc với họ cũng không có gì quá phức tạp. Vấn đề không phải tiếng Nhật - tiếng Pháp hay tiếng Việt, chúng tôi có chung ngôn ngữ điện ảnh nên rất dễ để hiểu nhau…” (3)
Qua tiết lộ kể trên, những người yêu mến tài năng đạo diễn Trần Anh Hùng, đã thấy rõ tính nghiêm túc của họ Trần với nội dung của từng thước phim mà ông chọn để gửi tới khán giả.
Căn cứ theo tư liệu của trang mạng Wikipedia-Mở, tiểu sử của đạo diễn Trần Anh Hùng, được biết như sau:
Trần Anh Hùng sinh ngày 23 tháng 12 năm 1962, tại Mỹ Tho (một số nguồn ghi là tại Đà Nẵng), Việt Nam. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, gia đình Trần Anh Hùng đi sang Lào, sau đó di cư đến Pháp.
Là một đạo diễn điện ảnh người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại. Ông là đạo diễn của Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte), bộ phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Ngoài ra, Trần Anh Hùng cũng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh khác.
“Sự nghiệp
“Tại Pháp, Trần Anh Hùng theo học tại trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière và thực hiện đề tài tốt nghiệp năm 1987 bằng việc đạo diễn bộ phim ngắn, Người thiếu phụ Nam Xương (La Femme Mariée de Nam Xuong) năm 1987, tác phẩm này cũng do Trần Anh Hùng viết kịch bản lấy cảm hứng từ Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm văn học Việt Nam cổ do Nguyễn Dữ sáng tác.
“Sau Người thiếu
phụ Nam Xương, Trần Anh Hùng còn thực hiện một bộ
phim ngắn khác là Hòn vọng phu (La Pierre de l'Attente, 1989)
trước khi bắt tay vào đạo diễn bộ phim điện ảnh Mùi
đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte). Tác phẩm sau khi công
chiếu đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi về
phong cách thực hiện cũng như những cảnh quay rất đẹp
về Việt Nam, riêng Trần Anh Hùng đã được trao giải
Caméra d’Or (Máy quay vàng) cho quay phim xuất sắc nhất
tại Liên hoan phim Cannas 1993 và Giải César cho phim đầu
tay xuất sắc nhất (César de la meilleure première œuvre) tại
lễ trao giải César của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ
thuật Điện ảnh Pháp. Mùi đu đủ xanh cũng là tác phẩm
duy nhất đại diện cho điện ảnh Việt Nam cho đến nay
lọt vào danh sách đề cử rút gọn của Giải Oscar cho
phim ngoại ngữ hay nhất (…)” (4)
_______
(1)
Phi Phi: Nguồn Wikipedia – Mở
(2),
(3), (4) Nđd.