Đoàn Xiếc

17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 19454)
Đoàn Xiếc

tt-16-content-content


Gã dắt con bé chạy ngược dốc cồn cát. Gió hâm ngợp đỉnh trời. Gió hấp tràn mặt đất. Đuôi tóc loe hoe của con bé dán sát vào đôi má hom hom lấm tấm mồ hôi. Toàn thân gã hừng hực lửa.


Gió lào. Ngọn gió rùng rùng trừng phạt con người, muông thú, cỏ cây. Ngọn gió hiu hiu thổi nỗi chết qua rẻo đất khô cằn. “Lên đây, nhanh lên, chỉ cho cái này!” Gã nghe trong tóc con bé có mùi nắng cháy. Ngực áo nó ướt đẫm, dán sát vào đôi vú héo non. Gã thở hổn hển. Mắt gã hoa điếng. Đầu ngọn nắng là vợ và con gái gã. Cả hai cái bóng chập choạng, chập choạng, trôi trôi trên lượn gió tiền căn. Hai cái bóng điêu tàn, không xác tướng, không định hình, dính chập lại, lại rời nhau, lại tụ lại, căng phủ bầu trời rồi bỗng nứt rạn. Tiếng pha lê vỡ làm hai hàm răng gã ê ê. Những mảnh vỡ pha lê chói chan bay về phía miệt biển. “Cố lên, cố lên, chú chỉ cho cái này!” Gã kéo tay con bé. “Không, không, đi xa lắm rồi, cháu muốn về.” Con bé dẫy nẩy. Hệt như con gái gã, hồi xưa. Gã dụi mắt.


 “Đó, thấy chưa? Thấy chưa?” Lúc này cả hai đã đứng trên đỉnh dốc. Ở một nơi gió đã bốc đi lớp da cát, mặt đất trơ sần vài gốc cỏ khô. Dưới thấp, thật xa, bên kia hàng phi lao còi cọc xa tít tầm mắt, là một mặt phẳng xanh mù. “Thấy chưa, thấy chưa?” Gã muốn xuống tới đó, hàng phi lao thấp ngọn. Gã muốn nằm lăn ra ở đó, dưới bóng mát hiếm hoi của rẻo đất khốn kiếp này. Với con bé. Cổ sơ. Trần truồng như con ốc mượn hồn vừa trút ra lớp vỏ. “Thấy chưa?” Gã dí dí một ngón tay song song với thái dương con bé. Từ phía sau, mũi gã chạm sát vào gáy con bé. Gã nghe gây gây mùi tóc cháy, ngầy ngậy mùi mồ hôi đẫm hoặc từ chiếc cổ non. Sự va chạm khẽ khàng dưới phần bụng làm gã co giật cơ mặt. Đầu gã mê mê. Hai cái bóng, vợ và con gã, không định hướng, không định hình, thoắt chập thoắt lìa, bỗng tan bỗng hợp, trôi vần vũ trên nền trời hoang đạm.


 Nhưng cái cảm giác thống khoái man rợ dị thường của sự va chạm thảng thốt ấy không ngự trị được lâu trong cái phần nhạy cảm nhất của thân thể gã. Qua đỉnh đầu con bé, bên nửa phần chói trắng của cồn cát trước mặt, xuất hiện những chấm đen di động. Gã biết đó là những phụ nữ và đôi thúng của họ vừa tan buổi chợ trưa. “Con tàu kìa! Con tàu trắng, chú!” Con bé reo lên. “Ờ, ờ… Con tàu trắng đấy em, con khỉ! Bây giờ bất cứ ai ở cái rẻo đất chó đẻ này cũng ước mơ có được một chỗ trên bất cứ một con tàu nào đấy, bé con!” Gã nhìn chầm chầm về hướng những chấm đen. Những chấm đen di động cứ to dần, to dần. Gã biết đoàn người đi về hướng gã và con bé. “Con tàu trắng đi về đâu, chú?” Gã có cảm tưởng con bé không chờ câu trả lời. Mắt nó nửa phần lơ đãng, nửa phần lo lắng, lại pha một chút gì sợ hãi, buồn rầu. Đôi mắt ấy nói rằng thà chịu đựng sự im lặng còn hơn có được một câu trả lời bất toại. “Con tàu trắng đi về phía bên kia biển. Bờ biển bên kia dẫy đầy châu báu ngọc ngà. Tất cả những con tàu đều hướng về phía bên kia biển. Một ngày kia con tàu trắng sẽ neo lại ở một đảo hoang để trốn bão. Thủy thủ sẽ đổ bộ lên bờ và đốt lửa qua đêm. Bỗng hòn đảo chuyển động. Con quái vật rùng mình… Con hải long mà giấc ngủ ngàn năm vừa bị khuấy động kia từ từ, từ từ lặn xuống mặt biển đen… "


 “Ngày nào chú cũng uống rượu hả?” “Ừ, ở cái rẻo này mà không uống rượu thì biết làm gì?” “Rượu đốt ruột gan, chú biết?” “Biết! Còn cái nóng ở đây đốt cháy tóc nẻ da mày ra đấy, em ạ. Liệu cách mà thoát! Mai đoàn xiếc lưu diễn nơi khác, có còn định trốn theo không?” “Còn, còn chứ chú!” “Vậy thì cứ đợi ở đấy nhé. Có ta. Anh lớn lên từ đoàn xiếc đấy, cô bạn. Có ta, mày không phải lo gì sất! Đù mẹ, nóng khiếp chứ, cô bé!” Cái nóng chảy nhầy nhụa từ ngọn tóc xuống đôi mắt ngầu của gã, xuống cổ đến háng, xuống từng sợi lông chân.


 Gió lào. Gió miên man thiêu rụi đám đồng trơ ruộng kiệt. Gió tận tụy đẽo gọt con người thành một đám bonsai nhăn nhúm. Một cây bonsai bỏ gánh thúng xuống nhìn gã đầy nghi hoặc. “Hề đây, hề mà!” Gã cho hai ngón tay trỏ vào khoé miệng rồi kéo phăng đến tận mang tai. Mấy người đàn bà cười ngắc ngoẻo, thân lắc lư như đám bonsai trong một trận bão cuồng. “Cháu về với mấy dì nghe chú?” Con bé đằm thắm. “Ừ, tối cứ đến. Chờ tao ngoài cửa rạp.” Gã liếm môi, nuốt nước bọt đánh ực. Trên mặt cát bờ tây chói chang ánh mặt trời chiều, gã thấy những chiếc bóng dài nhỏ dần, nhỏ dần đi về hướng làng chài.


 Gã đẩy cánh cửa sau rạp xiếc. Trong bóng tối nhờ nhờ, gã nhận ra ngay hai khuôn mặt quen thuộc. Trên chiếc rương sắt làm bàn là một hộp nhựa đựng thức ăn, chai và ly. “Làm một hơi lấy trớn, ông!” Thằng đu bay chớt nhả. Gã không ưa thằng đu bay. Lúc nào nó cũng đối xử với gã như kẻ đồng lứa đồng sàng. “Ừ, lấy trớn! Nhưng, đù mẹ, vừa thôi con! Để còn biết đường mà té xuống lưới!” Thằng đu bay chìa ly về phía gã. Mới mấy năm phục vụ mà cánh tay thằng đu bay đã chảy gân. Bắp thịt nó nhão ra. Năm trước cô gái song diễn với nó bỏ đoàn đi lấy chồng. Gã biết nó không buồn. Cô gái đã cho nó một lý do chính đáng để tiếp tục chè chén một cách hiên ngang.


 “Còn hơn tiếng nữa, ngồi chút đã!” Lão kèn đồng đẩy chiếc ghế nhựa thấp về phía gã. Lão già này thì chơi được. Tất cả những gì gã biết về âm nhạc chỉ là vài đoạn nhạc vàng nỉ non, nhưng ít ra giữa gã và lão già góa bụa này cũng có một cảnh ngộ chung: sau đoàn xiếc chỗ trú ngụ của gã và lão chỉ có thể là gầm cầu hoặc nghĩa địa. “Phải cho chút gì vào bụng chứ! Đói!” Gã bước về phía chỗ nằm của gã, kéo từ gầm giường ra cái bát và đôi đũa. Chiếc giường bố nhà binh có thể gấp gọn lại là tài sản quí giá nhất mà gã phải cố gắng lắm mới giữ được cho đến ngày hôm nay. “Đù mẹ tiêu chuẩn ẩm thực! Lãnh đạo tới chưa?” Gã hỏi vu vơ. “Chưa. Chưa tới giờ thu tiền vào cửa mà!” Bây giờ gã mới để ý đến, ở một góc sâu cuối phòng, ả uốn dẻo đang loay hoay vẽ mắt. Cặp vú ả chạy dài, thõng xuống, nhô hai núm nhọn sau lớp áo ngủ mỏng dính. “Còn cha, sao mà chưa sửa soạn đi cha nội?” Giọng ả chua thé. “Ê, lo thân đi! Bẹn ai nấy giữ, em gái!” Gã càu nhàu.


 Đã đến giờ đón con bé rồi. Gã xô ghế đứng dậy. Gã phải đánh một vòng qua dãy chuồng thú để đến cửa trước rạp xiếc. Khi gấp rút xây dựng rạp xiếc tạm bợ cho chương trình biểu diễn ngắn hạn này, người địa phương không hề biết rằng bầy thú dữ đã được cho về hưu non ở sở thú quốc gia. Không thể để năm con cọp thiếu ăn được. Con người thì có thể độn sắn độn khoai, chỉ cần thò thụt chút tem phiếu là có thể uốn nắn, dẫn dắt, sai bảo họ được. Thú dữ phải được ăn đủ. Nếu không nó sẽ sơi tái người điều khiển. Đơn giản vậy thôi. Đôi voi già cũng đã an phần dưỡng lão, sống nhờ vào lòng hảo tâm của khách tham quan. Ở góc quanh gần dẫy nhà xí, gã thấy thằng bé biển diễn xiếc xe đạp đang mặc quần áo cho bầy khỉ.


 “Vào, bé con!” Mắt con bé rạng rỡ khi nó vừa thấy gã. “Thằng hề! Thằng hề!” Đám con nít chung quanh con bé reo rộ lên. Ừ, trên đời không ai gọi hề bằng ông. Thằng hề. Thằng hề. “Vào chứ, bé con! Em!” Gã đưa bàn tay cho con bé. Gã cảm thấy vững chãi, mạnh mẽ. Gã tự xem mình là người bảo hộ cho con bé con yếu đuối trước mọi nghiệt ngã cuộc đời. Nắm bàn tay non gầy của con bé, gã nhớ tới lần tỏ tình với người con gái mà sau này là vợ gã. Bàn tay mềm mại và ấm áp. Gã cũng nhớ tới bàn tay nhỏ nhắn mong manh của con gái gã. Gã hạnh phúc như đang được làm cha. Lại vừa náo nức như đang làm một người tình. Trong gã có một khát vọng mãnh liệt của sự bảo vệ và chiếm đoạt.


 Lão kèn đồng vừa nổi lên một hồi kèn thồi thúc. Buổi diễn bắt đầu. Hôm nay trên đường hành quân ra mặt trận… Tiếng kèn đồng thống thiết kêu gọi hồn ma của những binh đoàn đã bị xóa sổ. Từng đoàn quân ma ngày đêm rầm rập băng qua những hẻm núi sương mù, cao nguyên trơ trụi, chiếm lĩnh từng phân vuông rẻo đất hoang sơ này. Gió lào. Gió thốc tự nghìn xưa, chinh phục mặt đất, bầu trời, thiêu rụi thiên thu. Từng từng đoàn quân tiến bước… Mất mát phi thường cho một chiến thắng vô nghĩa! Tiếng kèn đồng của lão già chưa bao giờ tạo được cho gã sự hưng phấn cần thiết. Ngay trong những hành khúc gã cũng cảm thấy trong tiếng kèn của lão có một điều gì đó mê ám, nhu nhược. Và, thậm chí, đồi bại.


 Gã đã chuẩn bị. Mỗi đêm gã lãnh phần chào mừng khán giả. “Phải có cái gì vui vui để khai diễn chứ!” Đó là ý kiến tập thể. “Vui có gì hơn bản mặt hề?” Gã xung phong. Đợi cho hai nửa tấm màn đã mở hết ra hai bên cánh gà, gã chập choạng bước ra sàn diễn. Cái điệu dạng xem chừng rất đơn giản này gã đã bỏ lắm công phu để luyện tập. Thằng hề! Thằng hề! Bầy con nít ngồi ở băng đầu lại reo rộ lên. Ừ, không ai gọi hề bằng ông. Không ai gọi gã là ông. Gã dựng chiếc gậy xuống. Chiếc gậy chực ngã. Gã lại dựng chiếc gậy lên. Lại ngã. Thái độ lúng túng của gã làm nổi lên một tràng cười từ đám khán giả lưa thưa nhưng nhốn nháo. Gã lại dựng chiếc gậy lên. Lần này thì gã thành công. Có lác đác tiếng vỗ tay. Bất ngờ gã nhào lộn mấy vòng đến mép sàn diễn, tung chiếc mũ nhọn hoắt lên không, quì một chân và dang rộng hai tay. Chiếc mũ quay tít mấy vòng trên cao trước khi chụp xuống vừa vặn xuống đầu gã. Thế rồi gã cắp chiếc gậy nhào ngược về phía sau mấy vòng, chui tọt về phía hậu trường, vừa lúc thằng bé và chiếc xe đạp tiến ra chiếm lĩnh sàn diễn.


 Dưới ánh sáng tù mù vàng vọt của ngọn đèn treo, gã thấy ả uốn dẻo đang uốn éo, nhún nhẩy. “Bóp mông dùm chút, cha nội!” Cô ả nhón gót, đứng trên những đầu ngón chân. Gã cảm thấy nhờm nhờm ở cổ nhưng vẫn bước tới bên ả. “Ế dữ! Chỉ được cái đám con nít.” Thực lòng gã thây danh vị đoàn xiếc bây giờ có một điều gì đó không ổn. Gọi là gánh xiếc hay đám sơn đông mãi võ thì chính xác hơn. Nhưng tầm vóc của đoàn không ảnh hưởng gì đến nơi chốn trình diễn. Người ta biết không có bao nhiêu khán giả ở những nơi sơn cùng thủy tận nhưng “nghệ thuật phải phục vụ mọi thành phần dân tộc, phải đi đến mọi miền đất nước”. “Hồi chiều dắt đứa nào vào cửa đó?” Ả uốn dẻo gõ đầu gã. “Quen!” “Còn con nít đó, dâm tặc! Coi chừng đi cải tạo mút mùa!” “Nó đòi trốn nhà theo đoàn đó mà!” Gã ngạc nhiên không hiểu vì sao ả chưa chịu giải nghệ. Thời gian gần đây ả vẫn còn có thể cúi lưng, chạm cằm tới bẹn, nhưng lúc uốn ngược người, dùng hai chân sử dụng cung tên bắn vỡ quả bong bóng sau lưng thì ả đã chịu phép rồi. Mũi tên bay vút lên trần rạp còn quả bóng cứ treo lơ phơ thách đố. “Tre tàn rồi em, để cho măng còn mọc! Thôi, tới rồi, ra đi!” Gã véo mông ả.


 Các pha diễn của ả uốn dẻo, lão tung hứng, tốp diễn lắc vòng, đôi nam nữ nhảy bung xung, nhào lộn trên không và cả màn xiếc xe đạp của bầy khỉ nữa, không còn hấp dẫn đám khán giả nhà quê. Người ta nôn nao chờ tiết mục “Cậu Bé Có Bàn Tay Vàng”. Người ta không được rõ gốc gác của thằng bé. Điều đó cũng chẳng có gì đáng quan ngại trong một thời điểm mà lý lịch con người được xác chứng bằng những giòng chữ cua bò. Chỉ biết nó mồ côi. Hôm gặp người trưởng đoàn để xin gia nhập, ông ta chưa kịp trả lời thì nó đã há miệng kéo ra một chuỗi dài giấy hoa, loại giấy hoa mà người ta vẫn trang hoàng nhà cửa vào những ngày lễ hội. Xong, nó rút ra một điếu thuốc rồi gật gù châm lửa. “Đù mẹ, tưởng biết được một trò vặt như vậy mà làm diễn viên xiếc được hả, nhãi ranh? Lại hút cơ đấy!” Nhưng không, thằng bé gắn điếu thuốc vào lỗ tai rồi lại há miệng. Khói từ miệng nó thong thả bay ra, quyện thành những vòng chữ O ngoạn mục. Chưa hết! Nó lấy từ trong túi áo sơ mi nhàu bẩn ra một quả trứng chim đặt trên mặt thùng, cái thùng gỗ mỏng cổ quái mà nó vẫn mang kè kè bên cạnh cái túi xách chứa mấy bộ quần áo cũ. Nó lại phủ quả trứng bằng một chiến khăn tay cáu vàng rồi quay sang ông trưởng đoàn với cặp mắt chế giễu. “Thong thả! Kiên nhẫn đã! Cần có thời gian cho trứng nở. Trong hoàn cảnh eo hẹp này cháu chỉ có thể làm những chuyện nho nhỏ. Nếu có điều kiện thuận tiện như ở nước ngoài, cháu có thể đi xuyên qua bờ tường Vạn Lý Trường Thành hay làm biến mất Tượng Nữ Thần Tự Do như chơi!” Nó cúi xuống chiếc thùng cổ quái, giật phăng chiếc khăn tay lên, một con hải âu chập choạng đập cánh, cất tiếng kêu ngơ ngác rồi vụt bay lên. Con chim va phải thanh xà ngang, rơi xuống chân tủ chứa y trang, lại chập choạng đập cánh lần nữa rồi vút bay qua cửa, để lại trên sàn đôi chiếc lông trắng xác xơ.


 Gã phản đối việc đưa ảo thuật vào đoàn xiếc. “Xiếc thì thật. Rất thật. Nó cần ở diễn viên một thể chất toàn bích và những kỹ năng tuyệt hảo. Khán giả xiếc không bị bất ngờ bao giờ. Họ hình dung được những nguy hiểm, khó khăn của một trò diễn và căng sợi thần kinh theo từng động tác của người biểu diễn, người mà họ biết, một trong muôn người, có khả năng thiên phú, sẽ đạt được những thành tựu rất thật đó. Còn ảo thuật thì ngược lại. Nó rất… ảo. Là đồ giả. Là những trò vớ vẩn. Thậm chí đó là sự lường gạt hào nhoáng. Xiếc phơi bày tất cả sự thật. Ảo thuật che dấu toàn thể cái dối trá.” Không ai trong buổi họp nhất trí với gã. “Cái giả không thể đi liền với cái thật. Cũng như cái ác không thể đi liền với cái thiện,” gã kết luận. Sau này gã cứ bứt rứt vì cái kết luận của gã có phần quá trớn. Lãnh đạo không chấp nhận lý lẽ của gã. “Ê, kiếm đâu ra cái toàn hảo trên cõi trọc này, chú hề? Có thật có giả mới ra trò đời. Còn con người hả? Ngoài lãnh tụ ra thì, đù mẹ, ai là người toàn bích, chỉ coi? Thằng ảo thuật mà ngủ với con xiếc thì đã sao nào?”


 Gã biết gã thất bại một phần vì chương trình xiếc bây giờ quá yếu và một phần cũng vì hôm đó thằng ảo thuật đã tỏ ra vô cùng điệu nghệ. Nó chìa ra một quả chanh. Quả chanh được chuyền qua tay mọi người. Quả chanh hãy còn nguyên, còn xanh như vừa mới bị hái trộm ở vườn nhà ai đó. Nó dùng một tờ giấy mỏng, loại giấy lãnh đạo đang quấn thuốc rê, cứa đôi quả chanh. Quả chanh tách đôi ngọt xớt. Mọi người chưa hết ngạc nhiên thì nó đã gấp nhỏ tờ giấy, đặt giữa rồi áp hai nửa quả chanh. Quả chanh liền lại như cũ. Nó lại hỏi mượn ả uốn dẻo con dao nhỏ. Nó lại bổ đôi quả chanh và rút ra từ đó tờ giấy 500 mới cáu. “Xem như đãi quý chú bác một chầu cà phê! Bây giờ nhà nước cấm lưu hành ngoại tệ chứ nếu không cháu biến giấy rác thành đô la, đồng rúp như chơi!”


 Ở một góc hậu trường gã quan sát những trò diễn của thằng bé có bàn tay vàng. Từ phía sau, mọi ngóc ngách của những thủ thuật, mánh lới, bị phô bày thảm hại. Cái dậm chân để tạo ấn tượng cho một sự bất ngờ, cái vung tay chỉ dấu của một chiến thắng, mang đầy sự hời hợt, giả tạo. Gã thấy con bé ngồi thu lu giữa đám con trai cháy nắng. Gió từ chiếc quạt máy rỉ sét quất mái tóc thưa dài của con bé vào mặt thằng bé đen nhèm bên cạnh. Con bé mở to đôi mắt đen láy hướng về phía sân khấu. Lúc bấy giờ thằng bé đang diễn đến trò hấp dẫn cuối cùng của nó: biến giấy vụn thành bạc thật. Khi tiếng la ó và vỗ tay rào rào vừa dứt, thằng bé ưỡn ngực kiêu hãnh bước xuống dãy băng ghế đầu, hào sảng phân phát mấy tờ giấy bạc 20 đồng. “Để kỷ niệm đêm diễn cuối cùng”, nó tươi cười. Sao lại đêm diễn cuối cùng, thằng chó? Gã khó chịu. Khi bắt gặp vẻ mặt hân hoan và ánh mắt sáng ngời của con bé lúc nó nhận tờ giấy bạc, sự khó chịu của gã chợt biến thành một cơn giận dữ.


 Cơn giận chưa nguôi khi gã nhảy lò cò ra sân khấu. “Thằng hề! Thằng hề!” Bầy con nít lại la ó. Không ai gọi hề bằng ông. Gã khựng lại ở một chiếc thang gỗ rồi từ từ leo lên. Không, gã bò lên. Gã lảo đảo ở bậc thang cuối. Cái dáng líu ríu của một người sợ độ cao. Gã bắt đầu run lẩy bẩy, hai đầu gối đánh cập vào nhau. Gã quay mặt về phía khán giả rồi bỗng nhiên thè lưỡi. Có tràng cười thé. Loạng choạng, gã đặt một bàn chân lên sợi cáp căng trước mặt. Rồi bàn chân thứ hai. Gã vẫn run lẩy bẩy. Một bước. Hai cánh tay gã căng ngang, cố giữ thăng bằng. Hai bước. Gã lại quay ngang về phía khán giả và lại thè lưỡi dài ra. Một bước nữa. Đột nhiên gã té nhào xuống. Không, gã đã kịp bám tay vào sợi dây căng. Rồi hai chân. Gã tuột. Cả rạp xiếc cười khoái chí. Gã cứ tiếp tục đún đẩy về phía đầu dây bên kia. Cái điệu dáng này gã cũng đã bỏ lắm công phu để thu gom tiếng cười của thiên hạ. Ừ, đù mẹ thiên hạ chỉ cười cợt khoái trá khi nhìn ta té ngã. Thiên hạ khoái chí khi chứng kiến ta thất bại. Ta cùng đường khốn quẩn khiến thiên hạ hài lòng. Từ thế nằm ngược ngạo này hắn liếc nhìn con bé. Con bé không cười. Hai môi nó mím lại. Hắn đọc được lờ mờ trên khuôn mặt trang nghiêm của con bé sự quan tâm lo lắng cho gã. Hệt như vợ gã ngày xưa. Hệt như con gái gã, ngày xưa. Con bé và mẹ nó tan xác với chuyến xe đò cán mìn thời chiến tranh. Tưởng gã đã giải nghệ sau ngày tang tóc ấy. Khi trở lại đoàn xiếc gã chỉ đóng được vai hề. Chỉ lớp phấn mặt dày cộm, trắng bóc và cái miệng son đỏ chót vẽ đến tận mang tai mới che được gương mặt thảm sầu của gã. Nhìn con bé trong gã ngập tràn xúc cảm. Và mênh mang lòng biết ơn.


 Phần cuối chương trình bao giờ cũng là màn biểu diễn dựng tượng đài. Mấy mươi diễn viên nhào lộn, lớp này đứng dạn vai lên lớp kia, tạo thành một tượng đài bốn tầng người ngoạn mục. Trên tầng cao nhất, một diễn viên nữ phất ngọn cờ đỏ máu. “Hôm nay trên đường hành quân ra mặt trận…”. Đây là lúc lão kèn đồng trổ tài. Núi rừng trùng điệp lượn lờ theo điệu kèn thúc quân của lão. Gió đang làm một cuộc hành trình khốc liệt. Rừng thượng nguồn cháy rụi. Ngày mai, một ngày mai nào đó, những cơn mưa lũ đầu mùa sẽ làm nốt phần còn lại. Người và súc vật bị ào ào cuốn phăng ra biển lớn. Toàn thể diễn viên đoàn xiếc xuất hiện từ hai cánh sân khấu, đổ ào ra chào giã từ. Gã vẫy tay về phía con bé. Cái vẫy tay mời mọc một hẹn hò sau. Mai, em! Hãy theo ta, từ bỏ rẻo đất khô cằn này. Những thành phố hoa đèn đang đón chờ em… Những thành phố còn sót lại chút tàn hương anh thời hoa mộng cũ. Quyền lực, chế độ, mọi thứ trên đời này rồi cũng phù vân. Nhưng em, rồi sẽ mãn khai. Tài năng em, huyền thoại em rồi sẽ đời đời nằm lại trong ký ức những người hâm mộ. Ta sẽ dắt em đi, đi xa. Ta sẽ dẫn em đi, đi tới. Như có lần ta dắt vợ ta. Như có lần ta dẫn con ta. Sẽ quên hết, bé! Sẽ lơ phơ bản quán. Sẽ hiu hắt cội nguồn.


 Gã thức dậy rất muộn. Giấc mơ nửa đêm về sáng bị ngắt đoạn, chập chờn hình ảnh vợ con gã và những con người gã chưa từng gặp bao giờ. Gã gọi vợ con. Tiếng gọi ậm ực trong cổ họng. Gã thấy mình chân trần chạy băng băng trên những cồn cát nóng bỏng, đuổi theo những đám mây hình tướng lạ lùng. Tóc, áo vợ con gã bay chấp chới, chấp chới. Chợt gã rơi xuống một vực sâu không đáy. Gã rơi, rơi. Gió hú bên tai gã, như gió tự thiên thu, khi hành tinh còn là một quả cầu lửa rực đỏ, lúc biển chỉ là những nguyên tử vẩn vơ. Gã rơi, rơi… Và chân gã chập đau điếng vào niềng chiếc giường xếp. Người gã đẫm mồ hôi. Ánh nắng soi những hình vẽ trên mặt vách làm gã chói mắt. Những tiếng động hỗn hợp của búa, kềm làm gã rợn rợn người. Tiếng đinh ốc bị nhổ bật ra từ những súc gỗ làm hàm răng gã tê tê. Người ta bắt đầu dọn dẹp phông, màn, chuẩn bị xuôi nam cho những ngày lưu diễn mới.


 Phần gã, gã chỉ có một ít đồ nghề và vật dụng cá nhân để thu xếp. Đoàn xiếc sẽ không diễn đêm nay. Ngày mai, qua gã, đoàn sẽ có thêm một thành viên. Con bé sẽ bắt đầu cưộc viễn du trong mơ của nó. Và của gã. Có bố, bé con! Có anh, bé! Gã nhớ ánh mắt non ngời âu lo của con bé lướt trên sàn diễn. Mày không phải ngần ngại gì cả, bé! Nguy khốn có ta lo. Sóng gió có ta chịu. Xưa, ta trốn theo đoàn xiếc lúc vào trạc tuổi mày. Ở cái thời hoàng kim ấy ta là một cao thủ tài năng. Ta tung hứng, đi dây. Ta đu bay, nhào lộn. Ở mỗi trò, ta đều là một diễn viên kiệt xuất. Ôi cái thuở son vàng đã qua đi… Đoàn xiếc bây giờ chỉ là một đám sơn đông mãi võ, nhưng đừng lo, tương lai em không chôn chân ở ban tạp lục này đâu em bé! Ta sẽ đào tạo mày trở thành một ngôi sao sáng chói. Gã chợt nghĩ mình là một tay lèo lái dũng cảm, thừa sức đưa con thuyền vượt qua mọi hiểm nghèo. Và tất nhiên, trong lòng con thuyền mỏng manh kia là đôi mắt sâu nặng nghĩa tình của con bé.


 Gió phủ một màn bụi xám lên khu chợ xã khi gã bước vào một quán ăn xiêu vẹo. Con bé phải đến đây như đã hứa. Gã vuốt vuốt gương mặt nham nháp cát. Rồi cũng cát bụi thôi, vội gì! Gã lầu bầu. “Một mình hả, thầy?” Sau quầy thức ăn lèo tèo, gương mặt bà lão đẹp cổ quái như những đồi cát răn reo của rẻo đất cằn khô. Gã ngạc nhiên không hiểu tại sao những con người kia lại có thể bám sống và chết dập trên vạt đất khổ nạn này. Khu nghĩa trang cuối chợ xã lặng lẽ, hoang tàn, nơi những người chết nằm sâu dưới lớp cát khô, ngày đêm nghe tiếng gió từ cổ đại, cảm thương cho những con người đang lao đao lập lại phận đời mình. “Thầy bà gì, hề mà! Cho cháo lòng! Thêm một ly bách nhật giải nghể!” Gã phóng tầm mắt về xa, thật xa phía xóm chài như một chuỗi những chấm đen li ti, nơi chỉ còn những phụ nữ ngồi vá lưới. Đàn ông và thanh niên đã theo những chuyến ghe cào ra khơi. Những chuyến ghe cá đầy khoang sẽ về đỗ bến ở một hợp tác xã ngư nghiệp nào đó. Những người già còn chút sức lực đang được tập trung để trồng phi lao hay xây đập chắn sóng. Trồng cây lấn biển. Thay trời làm mưa. Bắt thiên nhiên phải thần phục con người. Gã hươi hươi cánh tay đuổi mấy con nhặng đang chực bám vào thành đĩa.


 Trời xế rồi, giờ này con bé đã phải đến rồi chứ! Gió. Gió như từ hoang vu thổi thốc qua lòng hỏa sơn trước khi về đây đùa reo với cát. Gió như một thứ hung khí thiên nhiên muốn dùng để xua rẫy con người ra khỏi góc trời khổ nghiệt. Bé con, hãy bỏ đi. Với ta. Gã gọi rượu tiếp. Nhưng sao đến giờ này mà con bé chưa tới nhỉ? Hay là lại ấm ớ tìm ta quanh quẩn ở rạp xiếc rồi?


 Lúc gã về đến rạp xiếc thì trời đã sẫm tối. Dưới ánh trăng non, rạp xiếc với mái vòm lợp tranh trông giống như một cây rơm khổng lồ. Mai đây, khi đoàn xiếc đi rồi, nó sẽ chung số phận với dãy hàng quán ọp ẹp. Gã đẩy cánh cửa sau rạp. Phông màn rương tráp đồ nghề biểu diễn đã được bó gô lại, bỏ ngổn ngang trên sàn. Chỉ còn một ít vật dụng cá nhân, sẽ thu xếp sớm mai. Sớm mai, chỉ cần 3 chiếc xe tải từ huyện cũng đã đủ chỗ cho vật, thú và người. Gã bước khệnh khạng về phía nhà xí. Ở một góc tối, gã va phải thành giường của ả uốn dẻo. “Nứng hả? Sung sớm vậy cha nội?” Giọng ả nhão nhoẹt. “Còn lâu! Hết gân rồi! Mới giờ này mà đã lên chuồng?" Gã lại đánh vòng qua dãy chuồng thú để đi về phía cửa rạp. Băng ghế khán giả lặng tanh. Gã nhớ con bé và chỗ ngồi hàng đêm của nó. Quái, giờ này muộn quá rồi, con bé phải có mặt ở đây rồi chứ.


 Len qua cánh cửa trước, gã nghe eo óc một điệu kèn não nuột của lão thổi kèn đồng. “Ê, ra đây! Ra đây làm một chai giã biệt chốn kinh kỳ này!” Lão kèn đồng hớt hãi gọi gã. Rồi tiếng kèn của lão bỗng vút lên ma quái. Tiếng vỗ cánh của con quái điểu thời cổ sơ bay vút vào màn đêm đặc sệt giữa tiếng thét gầm của bầy xích long. Ngày mai anh đi, biển nhớ tên anh gọi về… Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của bác. Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên… ngửi… Gã bật cười sặc sụa. Tiếng kèn trong tiếng gió, khi nghe được khi không, khi hụt khi đầy, điệu kèn thúc quân của đoàn âm binh trong cơn ác mộng đêm qua của gã.


 “Tưởng đi theo mấy đứa nhỏ luôn rồi chứ!” Ả uốn dẻo núng nính trong bộ quần áo ngủ mỏng tang. Giọng nói ả đầy sự thách thức. Trong ánh trăng mờ ảo, dáng ả thật giống tác phẩm của một người tạc tượng kém cỏi. “Đứa nào? Đi đâu?” Gã hỏi dồn. Gã bị hụt hơi. Gã lạc giọng. Gã nhói tim một linh cảm bất tường. Con bé lẽ ra giờ này phải có mặt ở đây rồi chứ! “Thằng nhỏ có bàn tay vàng với con bé chứ ai! Bọn nó xuống ghe từ lúc tan buổi diễn. Nếu lọt thì giờ này cũng đã xa lắm rồi.”


 Gã lại leo ngược dốc đồi cát. Trời lặng mây. Những đốm sao lấm chấm trên đỉnh đầu. Trước mặt gã, vầng trăng non vẫn rủ xuống một màu vàng úa. Gió Tây thổi râm ran. Gã nghe tiếng côn trùng ra rả. Thôi, vậy đi em, hãy để rẻo đất chó đẻ này cho loại bò sát với côn trùng. Ta, một con côn trùng, một loài bò sát, sẽ nằm lại đây với phần số hẩm hiu của ta. Đi đi, con đĩ ngựa! Cứ đi theo cái đôi tay có thể biến giấy rác ra thành tiền đồng, tiền rúp, thành đô la ấy đi, con ngựa hà nàm! Rượu ngấm dần làm hai mắt gã nhắm típ. Gã thấy ánh mắt ngời ngời của con bé khi thằng bé có đôi tay vàng cắt đôi quả chanh. Gã thấy những tờ giấy bạc bay phơi phới. Một niềm phẫn hận trào dâng khiến gã thấy nghẹn ở cổ họng. Cát lọt vào gan bàn chân khiến gã nhói xót. Gã gầm gừ. Gã vấp phải một nhúm cỏ khô và ngã vật xuống cát. Bằng một nỗ lực tột bậc, gã gượng ngồi dậy.


 Gã ngồi bệt trên đỉnh con dốc nhìn ra xa, thật xa, nơi gã mơ hồ thấy những làn sóng bạc lóng lánh. Gã thấy vợ, con gã. Vợ con gã đang chấp chới vẫy gọi gã. Chấp chới. Gã thấy con bé đang nhìn gã buồn thiu. Gã cố mở mắt tìm, tìm hoài không thấy thằng bé có bàn tay vàng. Gió Tây vẫn đưa rưng rức. Gã lại thấy một hòn đảo đen đủi xa, thật xa. Hòn đảo không có bãi cát vàng và bóng dừa xanh mà gã hằng tưởng tượng. Gã thấy con tàu trắng. Con tàu lừ lừ, lừ lừ tiến về phía đảo. Đốt, đốt lên! Nổi lửa, nổi lửa lên! Gã thấy hòn đảo từ từ chuyển động. Gã thét lên một tiếng kinh hoàng. Tiếng thét giờ lâm tử. Gã bung hai cánh tay lên không rồi ngã ngửa người ra. Gió Tây bỗng hực ngất ngất. Con quái vật đang cựa mình. Lưng con thủy quái quằn lên rồi từ từ chìm nghỉm giữa mặt biển mênh mông.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Mười 20236:25 CH(Xem: 1380)
dutule.com giới thiệu thơ: Kiệm Hoàng, Đặng Xuân Xuyến, Chân Tính Hải, Thỵ Nguyễn, Lê Thanh Hùng
21 Tháng Mười 20231:00 CH(Xem: 2195)
Huntington Beach xin chào/ Có tôi từ ở nơi nao đến mừng
17 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 1640)
Tiếng chim gáy nhớ gì mà da diết thế/ Những cánh đồng vàng bất tận đã xa xôi
13 Tháng Mười 20239:50 SA(Xem: 1137)
đó là chiều muộn tháng giêng 1984/ bạn đạp xe chở tôi dọc Kim Long ngược lên Văn Thánh
11 Tháng Mười 20234:12 CH(Xem: 1511)
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
09 Tháng Mười 20231:43 CH(Xem: 1408)
Mặt đường nhớ bước chân rơi.!. (*)/ Cũng như tôi nhớ…
05 Tháng Mười 20238:53 SA(Xem: 1532)
Đã rơi xuống vực thẳm/ Những tiếng kêu gào mỏi mòn trong câm lặng
02 Tháng Mười 20231:56 CH(Xem: 1684)
Mặc niệm cho bài thơ/ Cúi đầu nhìn thương thể
29 Tháng Chín 20235:04 CH(Xem: 1392)
Áo tím ai về bên thềm cũ/ Dễ nắng vàng phai cũng tương tư
27 Tháng Chín 20238:58 SA(Xem: 1093)
thi sĩ, kẻ mơ viết tác phẩm lớn/ những bài thơ bất tử/ nhưng đều là những đứa sanh thiếu tháng
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9178)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 984)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11068)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,