VŨ THƯ HIÊN - Phở cá

16 Tháng Tư 20235:09 CH(Xem: 2203)
VŨ THƯ HIÊN - Phở cá
Xứng với vị thế của nó, đất Thăng Long tự ngàn xưa đã lừng danh cả nước về ăn ngon mặc đẹp. Riêng về khoản ăn thì mọi món, từ đơn giản nhất đến cầu kỳ nhất mà tổ tiên ta có thể nghĩ ra, được chúng khẩu đồng từ bầu là đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực quốc gia.

Đặc điểm này là niềm tự hào của người Hà Nội.

Nhưng không phải cứ đất nào nổi tiếng có nhiều món khoái khẩu thì đất ấy sẵn người sành ăn. Người sành ăn ở đất kinh kỳ khi đông khi vắng, mỗi đời mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Thế hệ tôi thì thôi, chẳng nói làm gì. Nó là thế hệ chỉ biết chém to kho nhừ, thế hệ lấy nhiều làm sướng, lấy no làm vui, ngon hay không ngon không bất thành vấn đề. May mà trong thế hệ cha chú tôi còn rớt lại một số vị có cái lưỡi đáng kính. Mấy vị này đều thuộc loại kỳ tài, đáng để lớp hậu sinh cung kính vái dài xin ngồi ghé mép chiếu mà dỏng tai nghe các cụ giảng về cái sự biết ăn biết uống của tiền nhân.

Tiếng tăm các vị trưởng thượng trong làng ăn uống thì nhiều, đọng lại trong văn chương, tôi vụng nghĩ, chỉ có hai: Thạch Lam và Nguyễn Tuân.

Hai nhà văn khác nhau ở chỗ một đàng chết trẻ, một đàng chết già, thành thử lớp hậu sinh cứ Thạch Lam trống không mà gọi, còn với Nguyễn Tuân thì người ta cung kính kêu cụ Nguyễn, ông Nguyễn, bác Nguyễn.

Có thể tính thêm vào đấy một cụ rất đáng kính là cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Nhưng cụ này khác hai cụ kia - Tản Đà là người lập dị trong chuyện ẩm thực, chứ không được con cháu nhất tề bình vào loại sành điệu. Cụ ưa bịa ra những món ăn cầu kỳ và siêu cầu kỳ, nghe rõ sướng con ráy, nhưng người theo chân cụ ngày một thưa thớt.

Thạch Lam còn mãi là nhờ tài bốc tận mây xanh những món sang món hèn trong Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường (tại sao lại không nói là băm sáu nhỉ, cho đúng cách Hà Nội?).

Vũ Bằng với Thương Nhớ Mười Hai tuyệt hay, nhưng theo nhiều nhà điểm sách đáng kính thì chỉ là một Thạch Lam nối dài, chứ không hơn.

Nguyễn Tuân sống lâu hơn cái chết của ông, không kể những Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, Quê Hương tức Thiếu Quê Hương…, có phần còn nhờ đưa cách ăn cách uống bình dân lên hàng nghệ thuật, trong tùy bút “Phở”. Ai đã đọc nhiều về phở rồi mới gặp Phở của Nguyễn Tuân có ngán ngẩm mà rên như cụ cố Hồng của Vũ Trọng Phụng: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" cũng không sao, Nguyễn Tuân không giận.

Nguyễn Tuân theo tôi biết là người tự tồn, tự tại, ông ung dung hưởng cái sướng của riêng mình, cái sướng cho riêng mình, thiên hạ nghĩ sao nói sao, ông mặc. Trong cái tuỳ bút Phở không dài này ông khẳng định cả quan niệm lẫn tình yêu của mình đối với món ăn đã trở thành quốc tuý quốc hồn. Thành thử khi nói về phở mà không nhắc đến Phở của Nguyễn Tuân là thiếu đứt một mảng văn chương không giống ai của ông.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa với tùy bút Phở, Nguyễn Tuân độc đoán đã hạ một dấu chấm hết cho mọi chuyện linh tinh lang tang về phở. Đề tài phở sẽ sống mãi với nhiều thế hệ văn nhân. Thiên hạ sẽ còn viết nhiều về phở. Như ngôn ngữ, phở tồn tại, phở phát triển, phở biến dạng, phở đổi mới, và chuyện phở sẽ chẳng bao giờ hết. Tất nhiên phải bỏ ra ngoài mấy thứ phở không người lái của thời rớt mồng tơi, phở tả pí lù, lấy nhanh nhiều tốt rẻ làm trọng, hoặc thứ phở hãnh tiến thời "bung ra", "mở cửa", được nhà hàng hào phóng cho vào cả thìa mì chính cánh và hai quả trứng gà tươi, là thứ phở mà nhác thấy nó Nguyễn Tuân đã ngửa mặt kêu trời:

- Này, tôi không ăn cái phở tẩm bổ của các người đâu nhá! Tôi chỉ công nhận có một thứ phở thôi, ấy là phở chín!

Tính ông nó thế. Nhân tiện tôi xin nhắc một chuyện về cái tính kỳ cục ấy của ông. Năm 1956, Nguyễn Tuân mang cho tôi cuốn tuyển tập truyện ngắn Tchekhov ông mới dịch. Mở nó ra, tôi thấy ông ghi lời tặng lên danh thiếp của ông rồi gài nó lên trang đầu cuốn sách bằng đinh ghim. "Không phải sách của tôi, không thể viết bậy lên sách người ta được. Ông Tchekhov biết, ông ấy mắng cho bỏ mẹ". Kỹ tính đến thế là cùng, câu nệ cũng đến thế là cùng. Khốn nỗi, không thế không phải Nguyễn Tuân.

Có cầu kỳ trong mọi chuyện nhỏ nhặt ông mới trở thành kẻ sành điệu nổi danh được nhiều người bái phục, không trừ trong lĩnh vực ăn uống. Gần ông nhiều, tôi mới phát hiện ra một điều: Nguyễn Tuân là người sinh ra Nguyễn Tuân. Nói cách khác, ông tự làm ra tính cách ông, làm ra cái sự độc đáo, cái sự không giống ai cho riêng ông. Cái sự độc đáo ấy ngấm vào ông, nhập vào ông, gắn chết vào ông, làm thành một Nguyễn Tuân như ta biết.

Tôi kể thêm một chuyện không giống ai nữa ở văn gia Nguyễn Tuân làm ví dụ. Từ Moskva, cũng năm 1956, tôi mang về biếu ông một chai samagon, là thứ vodka dân dã bị nhà nước Liên Xô cấm tiệt, nhưng dân Nga và các sắc dân Liên Xô cứ nấu cho dù bị bỏ tù. Vị của nó không giống Mao Đài của Tàu, cũng không như sakê của Nhật, mà từa tựa thứ rượu quê cũng bị cấm ở bên ta có tên “quốc lủi” một mình một cõi khiêu chiến với “quốc doanh”. Nguyễn Tuân nhắp một ngụm samagon, ngẫm nghĩ một thoáng, rồi mới khà một tiếng, phán: "Xem ra ở đâu cũng vậy - cứ không có ông Nhà nước thò tay vào thì cái gì cũng ngon!".

Để cảm ơn tôi lích kích đường xa mang samagon về cho ông, một buổi tối ông rủ tôi lên phố Hàng Giầy: "Trên ấy có một chỗ ăn được lắm. Còn mỗi mình nó đáng mặt phở".

Năm 1956 là năm thanh bình. Cải cách ruộng đất đã xong, người chết oan đã mồ yên mả đẹp, Nhân văn - Giai phẩm bị Nhà nước đập không còn mảnh giáp, văn nghệ sĩ cứng đầu nói chung, trừ vài người số quá đen vận quá rủi bị đi tù, số còn lại chỉ bị giết cái có tên là sinh mệnh chính trị, chứ họ vẫn sống nhăn. Hà Nội được xả hơi một dạo nhân lúc các bậc chèo lái quốc gia chưa kịp nghĩ ra một cuộc đấu tranh quỷ khốc thần sầu kế tiếp. Phố xá nhộn nhịp, hàng quán ê hề.

Nguyễn Tuân không có thói ăn phở sáng. Ông thích xì xụp bát phở nóng bỏng dưới ánh sáng điện không chói chang, bên cạnh những tay cũng nghiện phở thâm căn cố đế như ông, gặp nhau nhiều hóa quen, vừa ăn vừa gật gù chào nhau.

Tôi phải cảm ơn ông vì đã cho tôi một bữa ăn ngon. Phở Hàng Giầy vào năm ấy thật tuyệt. Nước dùng ngọt lịm. Mỡ gầu lựt xựt. Tối ăn mà sáng tỉnh dậy còn thấy dư vị phở trong miệng.

Cũng năm ấy ấy, tùy bút Phở của văn gia nổi tiếng ra đời.

Nguyễn Tuân kênh kiệu hài lòng cái tùy bút này. Khi nào Nguyễn Tuân sướng lắm trong sáng tác ông mới rụt rè hỏi người đối thoại về đứa con tinh thần của mình "Anh thấy nó thế nào?".

Tôi nói tôi thích.

Ông ghé cái trán bóng về phía tôi, thì thào:

- Bây giờ thiên hạ sính nói chuyện lập trường, mình lại nói chuyện phở mà không bị bẻ hành bẻ tỏi, thế là tốt lắm rồi đấy.

Họ ở đây là các nhà cầm cân nảy mực cho toàn xã hội, các nhà phê bình quan phương và vô số kể các nhà phê bình chỉ chực có cơ hội để tự phát. Ông ngán loại chúng sinh này đến nỗi để lại một di ngôn cay đắng:

- Xin đừng chôn tôi bên cạnh một thằng phê bình đấy nhá!

Nói tới những sáng tác mới của ông, Nguyễn Tuân chỉ nhắc đến Sông Đà và Phở. Sông Đà là sách. Phở là báo. Để chúng ngang nhau, tức thị ông coi bài báo ngang hàng với cuốn sách. Không nhắc tới những cái khác như Đường Vui, Tình Chiến Dịch, Thắng Càn…, tức thị ông coi thường chúng, hoặc tệ hơn, ân hận đã đẻ ra chúng, không muốn nhắc tới chúng nữa. Ai từng vô tình đọc những cuốn ấy xin hiểu cho thái độ của ông đối với chúng để không phiền trách.

Nhân chuyện phở, tôi kể Nguyễn Tuân nghe khi bay qua Bắc Kinh tôi được ăn phở Trung Quốc như thế nào. Ngô Y Linh, tức là Nguyễn Vũ về sau này, hồi đó đang học trường kịch nghệ. Thương tôi mấy năm ở Moskva không được ăn các món Việt, Ngô Y Linh đưa tôi đi ăn phở Tàu.

Trong một quán lúp xúp gần chợ tầm tầm Đông Tứ (Tung Sư), người ta mang cho tôi một bát súp lõng bõng, trong có bánh thái to giống bánh canh, không rau thơm, không hành hoa, hành củ, không ớt tươi, không chanh cốm, lềnh bềnh mấy cọng hẹ dài ngoẵng. Vị nước dùng của phở Tàu nhạt thếch, không hề giống phở Việt. Ngô Y Linh nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại, rồi cười hề hề, anh an ủi tôi rằng chữ phở Tàu là do anh đặt ra cho món này thôi, cho đỡ nhớ phở quê nhà thôi, chứ tên của nó khác kia. Anh nói tên của nó, tất nhiên bằng tiếng quan thoại, tôi nhắc lại vài lần cho nhớ, nhưng rồi quên tắp lự.

Bốc lên, Ngô Y Linh giảng cho tôi nghe rằng rất có thể tôi đang được hân hạnh làm quen với tổ tiên của phở đấy. Trong lịch sử Trung Quốc món này có từ đời ông Bành Tổ kìa. Ở Trung Quốc, anh khẳng định, có rất nhiều loại phở, chúng đa dạng, kể không hết. Phở của ta có khi là một nhánh của nó lưu lạc xuống phương Nam cũng nên. Ngô Y Linh giỏi tiếng Tàu, uyên bác một cục, đã nói thế chắc phải đúng, không đúng nhiều cũng đúng ít. Cùng ngồi với chúng tôi là một cô nàng mỹ lệ, mắt đen lay láy, cũng sinh viên kịch nghệ, cũng đồng nghiệp kịch nói, Tàu trăm phần trăm. Hai anh chị vừa ăn vừa nhìn nhau đắm đuối, tán nhau như khướu. Ăn phở trong cảnh trong tình như thế mà không ca ngợi phở Tàu mới lạ.

Nguyễn Tuân lẳng lặng nghe tôi, vẻ không vui. Nhà ái quốc thứ thiệt của ẩm thực Việt không chịu một tổ tiên Tàu cho món phở quốc tuý quốc hồn.

- Tôi từng ăn cái giống ấy rồi. Một lần ở Bắc Kinh, một lần ở bên kia cầu Cốc Lếu. Gọi nó là phở thế chó nào được! - ông lầu bầu.

Tôi không có ý tranh luận với Nguyễn Tuân về cội nguồn của phở. Phở là lĩnh vực ông rành hơn người. Ông cực kỳ bảo thủ trong cái các nhà chính trị gọi bằng chủ nghĩa yêu nước. Nguyễn Tuân ghét lắm cái sự gán ghép cho lòng yêu nước hai chữ chủ nghĩa.

- Chủ nghĩa chó gì cái lòng yêu nước chứ! – ông bảo - Một lũ rồ. Cứ thấy tiếng Tây nào tận cùng bằng isme là tương hai chữ chủ nghĩa vào, ra cái điều ta đây có học!

Một hôm chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê trong căn phòng mịt mù khói thuốc của cà phê Nhân ở phố Cầu Gỗ vào mười hai giờ khuya, Nguyễn Tuân bỗng nhớ về những dị bản phở ông từng biết thời kháng chiến chống Pháp: phở vịt Bảo Hà, phở chó Cốc Lếu, phở chua Tàu Bay ở thị xã Tuyên Quang...

Trong buổi tối ở cà phê Nhân ấy Nguyễn Tuân tỏ ra độ lượng với những nhánh con cháu vốn không được ông thừa nhận trong gia tộc phở. Thậm chí, tuy không khen, nhưng ông còn hào phóng cho món này món kia một lời bình.

Ông sôi nổi hẳn lên khi nghe tôi nhắc tới một món phở khác - phở cá.

- Anh nói cái gì? Phở cá hử?

- Vâng ạ, là phở cá - tôi nói.

Nguyễn Tuân ngả người ra sau, nhìn tôi bằng cặp mắt nheo lại.

Đó là điều tôi không ngờ - Nguyễn Tuân mà không biết phở cá?

Nó là thứ phở từng có mặt ở vùng đất thịt quê tôi, mà cũng chỉ có trong một thời đã xa lơ xa lắc. Có dễ cụ Tú Xương thanh bạch đã từng ăn thứ phở này trong những đêm thanh vắng để rồi cho chúng ta những câu thơ rất mực đồng bằng: "Vẳng nghe tiếng ốc bên tai. Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...". Người làng Mọc bên quê ngoại tôi, cũng là quê Nguyễn Tuân, không biết thứ phở đó. Tính về họ hàng bác Nguyễn đứng hàng anh mẹ tôi.
Tôi nói với Nguyễn Tuân bằng giọng đoan chắc rằng tôi không hề bịa. Vào những năm tôi còn là bé tí, tôi đã biết một thứ phở như thế. Đêm đêm, trên những con đường làng tĩnh mịch thỉnh thoảng lại vẳng đến tiếng tắc tắc đều đều của một gánh phở cá lang thang. Không rao "phơơớ" như phở đêm Hà Nội, gánh phở cá lầm lũi đi trong bóng tối mịt mùng, vừa đi vừa phát ra tiếng gõ đều đều vào một mảnh tre đực già, với một chai đèn dầu lạc chập chờn như ma trơi.

Gọi là gánh phở nhưng nó không giống gánh phở rong đất kinh kỳ. Thay vào thùng nước phở gò bằng tôn là cái nồi đất lớn đã dùng qua vài đời người, đen xì và bóng nhẫy, không còn dấu vết đất nung, được đặt trên một cái giá bốn chân. Bên kia là một cái giá khác chứa một cái tủ nhỏ đựng bát đũa, bánh phở, gia vị, một cái thớt tí xíu, và dưới cùng là một cái chậu sành đựng nước rửa.

- Nó là một thứ gì đó giống riêu cá chăng?- Nguyễn Tuân hoài nghi.

- Không phải, thưa bác, - tôi rụt rè đáp - không phải riêu cá. Vị của nó chính là vị phở, chỉ có điều không giống phở bò...

- Hừm!

Đấy là dấu hiệu của sự suy nghĩ ở lão trượng họ Nguyễn. Tôi đã khuấy động được sự quan tâm của ông đối với một thứ phở khác. Một thành công bất ngờ trong việc làm lung lay ý nghĩ đinh ninh của ông về một thứ phở độc tôn.

Tôi đánh bạo thưa với ông rằng trong các thứ phở hiện đại có dễ chỉ có nó, món phở cá mà tôi đang nói tới, một món phở đặc biệt đã chìm trong quên lãng, mới đích thực là thứ phở có nguồn gốc lâu đời nhất.

Hãy để cho trí tưởng tượng bay xa một tí đi.

Tại sao người ta không làm phở thịt trước khi làm phở cá? Thưa rằng thịt, được liên tưởng ngay, được hiểu ngay, là thịt lợn, thịt gà. Cả hai thứ đều là thức ăn sang, không phải nhà nào cũng có, bữa nào cũng có.

Thịt trâu rất ít được nhắc đến. Ở quê tôi ngày ấy người ta không mấy khi ăn thịt trâu. Theo đông y thì phàm cái gì màu đen đều thuộc âm. Âm lạnh, dương nóng. Thịt con trâu vì thế bị coi là lạnh, ăn sinh bệnh. Con trâu lại là đầu cơ nghiệp, chẳng ai bỗng nhiên vật trâu ra mà thịt. Trâu chỉ bị làm thịt khi nó sa hố, bị què, bị ngã nước nếu là trâu mạn ngược đem về, hoặc đã quá già. Vì thịt trâu lạnh, nên các món trâu, kể cả phở trâu, bao giờ cũng phải cho vào mấy nhát gừng, tên chữ là sinh khương, để khắc chế.

Thịt bò còn hiếm hơn. Vùng đồng bằng rất ít ai nuôi bò. Sức bò yếu, cày đất thịt không nổi, bừa thì cũng chỉ bừa cào bừa gãi. Bò sữa hoàn toàn không có, nhà nông lại không có thói quen uống sữa bò. Ngay ở Hà Nội, khi tôi còn nhỏ, tức là vào thập niên 30 thế kỷ trước, cũng chỉ có lác đác vài ba hàng thịt bò, không kể cửa hàng Michaud chuyên bán thực phẩm cho tây đầm (sau trở thành cửa hàng Tôn Đản nổi tiếng với câu ca: “Tôn Đản là chợ vua quan, Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần”…)

Bò thường màu vàng, hiếm con đen, phở thịt bò không bị coi là thuộc âm, thế mà sau này khi phở bò đã trở thành phổ biến, người ta vẫn phải cho gừng vào nước dùng, tôi đồ rằng vì nó ra đời sau phở trâu.

Lợn nhiều, gà nhiều, nhưng dân vùng tôi nghèo, đức tiết kiệm cao, một vài lạng thịt lợn kho mặn đủ cho một gia đình vui cả tuần lễ, con gà chỉ bị giết khi có khách tới nhà, là một sự nhân dịp.

Ở đồng bằng sông Hồng con cá hiện diện trong mỗi mâm cơm hằng ngày. Nó là con vật gần gụi. Nó là con vật tự nó sinh ra, tự nó kiếm sống, như cào cào châu chấu ngoài đồng được dùng làm món tôm bay.

Tất cả những cái đó giải thích vì sao con cá quả lại được nằm trong bát phở, vì sao phở cá lại có cơ được ứng cử vào hàng ngũ phở thuần Việt đầu tiên. Bánh của phở cá không phải thứ bánh phở ngày nay. Nó là tấm bánh đa quen thuộc ở dạng tráng xong đem phơi tái, xắt to bản. Cách nhúng bánh thì cũng i xì phở gánh Hà Nội, cũng dùng một cái giỏ tre hình trụ xóc trong nước sôi, nhưng nước dùng thì khác. Nó có vị cá, tuy cũng thơm mùi thảo quả, hoa hồi, quế chi, gừng tươi, nhưng lại thêm hương thìa là đồng nội. Khó tả cái nước dùng này nó thế nào. Cơ mà ngon. Phở cá cũng phải ăn nóng hổi như phở bò, rất hợp với hồ tiêu bột, ớt tươi và chanh cốm. Thời ấy không ai ăn tương ớt với phở. Tương ớt chính hiệu xuất xứ bên Tàu chỉ có mặt ở các hiệu cao lâu và ở mấy hàng nộm đu đủ với thịt bò khô, bên cạnh chai dấm tỏi Việt Nam.

Một đặc điểm nữa của phở cá là nó chỉ xuất hiện vào cuối thu đầu đông, khi nóng hè đã xa, gió bấc đã đến. Vào những hôm trời rét căm căm mà được một bát phở bỏng miệng trước khi chui vào chăn thì chao ơi là tuyệt. Ở quê tôi chẳng mấy khi người ta ăn phở, cho dù là phở cá do người thôn trên, xóm dưới, hoặc chính ông hàng xóm làm, với giá lấy công làm lãi.

Vì phở cá rẻ nên nó mới thành món ăn đêm của người đồng bằng tằn tiện, kể từ chú mõ cho tới ông lý trưởng, ông chánh tổng. Bà cô già, chị cả của cha tôi, nổi danh riết róng, thế mà vẳng nghe tiếng tắc tắc ban đêm, lại nhỏm dậy: "Có phải phở không đấy, cháu? Bảo làm hai bát nhá!". Tôi le te lao ra đêm mực tàu, cất tiếng hú gọi phở rồi cứ co ro đứng đấy, hai tay kẹp nách, cho tới khi dẫn được ông hàng phở vào sân. Chỉ tiếc cái bát chiết yêu của hàng phở quê quá nhỏ. Miệng bát loe ra như cái loa, nhưng trôn thì thắt lại, bé tí tẹo. Nó chỉ chứa một lượng phở gây thòm thèm. Tôi bao giờ cũng ước được ăn hai bát.

Tôi nhớ một đêm ăn phở, cô tôi trả bát rồi, lấy đôi đũa quệt miệng rồi, mới dịu dàng nhắc ông hàng phở: "Này, thái quá bất cập đấy nhá! Cua đồng một hai con cho nồi nước dùng là đủ. Nhiều là tanh đấy". Ông hàng phở giật mình cười chữa thẹn: "Bà tinh quá, nhà con hôm nay quả quá tay, tính nó vẫn vậy à, hay thêm nếm... " Thì ra các hàng phở cá thường bỏ vào nồi nước dùng, tùy theo nồi to hay nồi nhỏ, vài con cua đồng nướng. Hồi ấy người ta chưa biết dùng mấy con giun biển phơi khô, có tên Việt nhập cư là xá xùng (do chữ sa trùng của Trung Quốc mà ra).

Tôi nghe chữ phở từ đó, tôi không rõ từ nguyên của nó. Có người nói nó có xuất xứ từ chữ pot-au-feu, một món súp của Pháp, do những bồi bếp của các ông tây bà đầm thuộc địa khi cải tiến món này theo cách Việt gọi trệch đi mà thành. Nhưng cái tên phở cá tôi được nghe ờ một vùng quê bùn lầy dước đọng, nơi mùi pot-au-feu khó bay tới, cho nên cái tên gốc Pháp của món phở xem ra khó thuyết phục, ít nhất thì cũng đối với tôi.

Ôi, cái vị phở cá nhà quê của tôi! Nó ngon là ngon trong cái thuở ấu thơ nghèo của tôi thôi, cái thuở những con cá quả lực lưỡng còn được tung tăng vùng vẫy trong các ao làng, cua còn bò lổm ngổm trên ruộng lúa, sáng sáng chào mào, sáo sậu còn đánh thức tôi bằng tiếng la hét om xòm của chúng, khi thiên nhiên của chúng ta chưa bị đánh cho kiệt lực, đánh cho tơi tả, đến nỗi giờ đây con cá quả chẳng lớn nổi cho đến ngày xứng đáng được nằm vào nồi cháo ám.

Phở cá là thứ phở thôn dã. Có thể nó chẳng ngon bằng tái chín, tái nạm mỡ gầu hiện đại, hoặc chín độc vị của văn gia họ Nguyễn kia đâu. Nhưng nó từng có, nó thật độc đáo, thật Việt Nam, và cái chính là nó đã luồn sâu vào nỗi nhớ một vùng quê đất thịt của tôi để rồi nằm lại đó cho tới tận bây giờ.

1994
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Giêng 202310:45 SA(Xem: 1897)
Hãy nhìn dương thế của chúng ta mà xem. Thật đáng tởm.
22 Tháng Giêng 202312:20 CH(Xem: 2203)
Sau hơn sáu mươi năm, kể lại chuyện xưa, tôi chỉ còn biết mỉm cười!
11 Tháng Giêng 20239:04 SA(Xem: 2819)
Tôi thầm gọi: Hoàng Sa ơi, hẹn ngày về lại Hoàng Sa!
22 Tháng Mười Hai 20224:19 CH(Xem: 1785)
Đêm chùng như võng. Chị một mình trong căn buồng lạnh ngắt, chiếc áo anh treo trên móc chị cố tình không giặt, vậy mà đến nó cũng chẳng giữ được mùi anh.
20 Tháng Mười Hai 20225:34 CH(Xem: 1791)
Người đến trước thất vọng ra về trước, người đến sau thất vọng ra về sau. "Tìm cái này" là cái gì thì không ai biết, nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm
20 Tháng Mười Hai 202212:25 CH(Xem: 2423)
Thuốc lá quê tôi không vĩ đại như Con đường thuốc lá của Erskine Caldwell; không hoành tráng như thuốc lá của làng Thanh Quýt nhưng cũng đủ cho những hoài niệm nao lòng với bao người con xa xứ!
13 Tháng Mười Hai 202212:00 SA(Xem: 38191)
Tự nghĩ mình có một mối tình đẹp, rất đẹp trong cuộc đời, vậy mà tôi không dám thổ lộ với ai. Nó vẫn thầm kín ở cùng tôi, rất lâu. Nó như mồi lửa diệu kỳ, phỏng rát tuổi hai mươi.
06 Tháng Mười Hai 202211:06 SA(Xem: 2001)
Thứ đồ chơi duy nhất của chú tôi là cái kèn lá, chú tự cuốn như một con sâu.
26 Tháng Mười Một 20221:06 CH(Xem: 1882)
Con Dứt trạc tuổi tụi chăn bò trong xóm, nhưng nó chẳng chơi với ai, nói đúng hơn là chẳng đứa nào chơi với nó.
17 Tháng Mười Một 20223:20 CH(Xem: 1715)
Các ông kêu viết văn khó ư? Không hề! Nếu có cái khó thì đó là khi ngồi trước trang giấy anh định viết cái gì, viết để làm gì?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16812)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12047)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18827)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9022)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8120)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 450)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1018)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22337)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13898)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19085)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8693)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8389)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30587)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25362)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21612)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17961)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24370)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31806)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,