TRẦN THỊ NgH. Đường Về

24 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 11086)
TRẦN THỊ NgH. Đường Về

 

 

 nguyettan-content-content

 

Hòn Đá Bạc cách Huế 45 cây số nằm trên đường đi Đà Nẵng. Đi xe đò Lăng Cô tới Hòn Đá Bạc xuống, thuê đò đi 20 phút tới Túy Vân, đảo nhỏ biển vây tứ phía. Ngay chỗ đò cặp, đi bộ 7 cây số tới Hàm Rồng. Bãi ở đây sạch và vắng, biển rộng, đẹp. Thầy Viên Quang, Dung Nhẫn, Phác Trung đầu trọc, xà lỏn đen lội bì bỏm phía xa với cô Kim, cô Mai và anh Trị. Cách biển một bãi cát lớn, rồi rừng dương ngược dốc trên bờ đất cao mát rượi. Ngồi dưới bóng mát ngó mút ra xa chỉ thấy lố nhố mấy chấm đen nhỏ xíu, thấp trũng. Thầy Chân Vị không tắm nằm hút thuốc canh chừng đồ đạc. Gió thổi lật phật mấy tấm áo lam máng rải rác trên các cành dương. Cô Nhiệm đội nón lá, lại gần. Thầy cho xin điếu thuốc. Chị không tắm hử? Tôi không biết lội. Thầy muốn tắm tắm đi tôi coi chừng đồ cho. Ngó bộ cái bao cá kiến bu dữ. Máng nó lên cành cây được không? Cười vui, bật diêm quẹt. Chị nói kiến không bò lên cây được à? Lửa bung xòe, phụt tắt. Gió dữ quá. Cô Nhiệm kềm nón cúi nghiêng đầu chờ đợi. Để tôi châm cho. Để tôi. Chị châm ngộ nhỡ cháy bàn tay đẹp sao. May nó không đẹp gì. Nó không đẹp đừng để nó xấu hơn nữa chớ. Cô Nhiệm hít hơi thuốc, thở khói ra lỗ mũi. Thuốc mốc. Kệ, hút đỡ. Anh Trị bơi khá quá kìa. Cô Kim cũng sẽ biết bơi cho coi. Chỗ này chắc cạn. Im lặng một hồi Thầy Chân Vị ngồi đôn lên bờ dốc, dựa sát vô thân cây. Dáng ngồi gần chúi về phía trước.

 

Hồi ở Sài Gòn chị đi chơi đâu những ngày nghỉ? Thường tôi ít đi đâu; đi suốt tuần lễ Chủ Nhật chỉ muốn nằm ở nhà. Cũng có Vũng Tàu, Long Hải hoặc bờ sông nhưng ở đâu cũng thấy vướng víu ít khoáng đảng. Vậy thì chị giải trí cách nào? Tôi nằm ở nhà. Chắc buồn? Ở Huế có nhiều chỗ để đi chơi, không xa thành phố nhưng cũng rất độc lập với thành phố. Ngó bộ chị ở Huế mà cũng ít chịu đi lắm. Tôi làm biếng quá. Tôi thấy hình như chị chán hết muốn gì, chắc đời sống chị cũng buồn. Tôi đâu có buồn gì, như không vậy. Mặt mũi chị u ám quá. Ngó hãm tài vậy chớ thiệt ra tôi đâu có buồn gì. Cô Nhiệm quăng điếu thuốc xuống bãi cát loãng tiêu. Ngụy bất yểm chân. Thầy nói sao? Cái giả dối không che lấp được cái thật. Đâu có cái giả dối nào đâu. Thầy Chân Vị tặc lưỡi. Riêng tôi sự buồn cũng như sự vui đều có thể làm tôi ích kỹ, tôi muốn được chia xẻ ở cả mọi thứ, thứ nào cũng khẩn trương như nhau. Thường thường thầy buồn hay vui? Không vui thì buồn, khi nào tôi cũng thấy mình trong tình trạng báo động thường xuyên. Cứ đào một cái lỗ an toàn rồi núp trong đó đừng ra ngoài. Thầy Chân Vị cao hứng. Tôi vẫn thích có một cái lỗ nhưng luôn luôn thấy mình chính là cái lỗ của người khác. Tôi chẳng cần cái lỗ nào cả. Chị ngon. Có bao giờ chị nghe chuyện Ông Vua Có Lỗ Tai Lừa chưa? Tôi quên rồi. Thầy Chân Vị kể: Không biết tại sao có một ông vua nọ có lỗ tai như tai lừa. Vua có riêng một anh thợ cạo để cắt tóc. Anh thợ bị cấm chỉ không được tiết lộ với ai về cái lỗ tai lừa của vua, bất tuân sẽ bị tội chết. Mỗi khi lâm trào vua đội mão che bít hai bên tai. Anh thợ cạo sợ chết nhưng cảm thấy rất khó chịu ấm ức. Ngày kia anh đi vào rừng đào một cái lỗ, chúc đầu xuống dưới la lớn: Vua có lỗ tai lừa. Vua có lỗ tai lừa... La xong anh ta thấy nhẹ nhỏm, khỏe ru. Yên chí mình không có tội mà lại thơ thới vì không phải giữ trong lòng những điều đã biết, anh sung sướng về nhà. Nhưng gió đã nương theo rừng lau thổi đưa những lời anh thợ cạo đi xa. Mọi người dần dần ai cũng biết nhà vua có lỗ tai lừa. Chuyện có thể kể tiếp nữa còn được nhưng dừng ở đây cũng được rồi. Tôi muốn nói với chị về cái lỗ của anh thợ cạo. Người ta không thể để mãi trong lòng một điều gì mà sống thơ thới. Ai cũng muốn được chia xẻ bày tỏ.... Cô Nhiệm cao giọng. Nhưng cái lỗ tôi nói khi nãy không phải là cái lỗ của anh thợ cạo. Thầy Chân Vị xuề xòa. Cũng đều là lỗ cả. Cái lỗ chị bảo tôi đào rồi núp trong đó đừng ra ngoài, là chỗ náu riêng cho mỗi người chứ gì? Cái lỗ của anh thợ cạo có khác gì đâu. Được nói với cái lỗ hay nói với bất cứ ai cũng là một cách tìm chổ náu chớ? Thầy tráo trở tài tình. Tôi không có ý gì xấu, chỉ là mấy cái lỗ thôi mà. Sẵn thầy nói tôi nói luôn, còn một cái lỗ nữa thầy biết không, cái lỗ huyệt của mỗi đời người đó. Thầy Chân vị hoan hỉ. Chị nói đúng, đó mới là chỗ náu lâu dài. Sinh ký tử quy. Chị sống gửi chết mới về với cát bụi. Chính cái lỗ đó...

 

Dưới xa có tiếng cười rần rộn. Mặt trời gần đứng bóng, nắng đổ dòn, trong trẻo. Biển vỗ nhịp nhàng hòa huỡn. Màu biển xanhh chói nắng làm lẫn chìm các chấm đen nhỏ, không còn phân biệt. Cô Nhiệm với nhặt cái áo lam bị gió thổi rớt máng lại trên cành dương. Mấy người đó bộ không biết mệt chắc? Họ đợi thiệt đói mới lên. Để tôi lo ba con cá. Kệ nó chị, bày ra bây giờ kiến bu mất công đuổi. Mấy thầy ăn gì? Tụi tôi có mang theo xôi. Cẩn thận quá, thầy có biết mấy câu ca dao này không. Cô Nhiệm chúm chím:

 

Bậu có muốn tu thân, bậu để qua ở gần coi thử,

Đừng làm bất tử mà hại chúng sanh,

Thầy chùa qua đã thấy nhiều anh

Miệng nọ tuy không sắc mà lòng đành sắc không


Thầy ăn xôi nhưng trong lòng có thèm ăn cá không? Thôi chị, để tôi tu. Mấy câu chị nhớ được ở đâu nghe hay, hay nhưng cay quá. Thầy Chân Vị cười ngã người. Cô Nhiệm giỡ nón, liếng thoắng. Tôi hút một điếu thuốc mốc nữa. Chị hút thuốc coi bộ rành. Ba tôi dạy tôi hút thuốc từ hồi tôi mới 14 tuổi. Chắc ông cụ là người cởi mở, văn nghệ? Hút thuốc thì văn nghệ sao? Ba tôi khùng đúng hơn. Má tôi cũng vậy, cũng khật khùng. Cô Nhiệm cười hơi quá, mặt úp trên hai đầu gối co sát ngực, hai vai run lên. Thiệt ra ba tôi cũng văn nghệ thiệt. Hồi trước, hồi má tôi khùng quá bỏ đi mất hai cha con có sống với nhau một thời rất cực, heo hút trong căn nhà lá rộng rinh, xung quanh sầm uất toàn cây cỏ rừng rậm xa xa mới có láng giềng. Tôi lúc thúc láo ngáo trong bếp còn ông làm thơ

 

Tề gia nội trợ chỉ con ngáo

Bốn bữa cơm khê, ba bữa cháo

Quây tới quây lui tiêu chén dĩa

Mượn đi mượn lại mất bàn nạo

Chuyện nhà bê bối lo không xiết

Việc thế than van rồi phát quạu

Số phận long đong nên ở bếp

Học hành không được thiệt trào máu


Cũng có khi ông làm những câu thơ lãng mạn nhẹ nhàng...Chợt nhìn xuân rụng đầy tay. Dấu xưa mòn mỏi ngựa gầy vóc sương. Buồn thôi xô lệch chiếu giường...

 

Sau, tôi được đi học, hai cha con không còn dịp gần gũi nữa. Ông té xuống sông chết sau một trận say rượu, cái chân vịt của chiếc tàu chạy trờ tới xắn đầu ông lặt lìa. Lúc đó tôi mới đậu trung học. Cô Nhiệm hơi nghẹn, rồi bật cười bung. Thôi rồi ! Gì vậy chị? Rốt cuộc thầy thành cái lỗ của tôi rồi ! Thôi để tôi lấp lại cho, đừng buồn. Thầy Chân Vị đứng dậy giũ áo đuổi kiến, giọng chân thành. Chị đừng buồn. Đoạn ngồi xuống, xích lại gần. Để tôi lấp cái lỗ lại cho. Thầy lúi húi dùng cả hai tay gom cát lại trên lỗ trũng cô Nhiệm đã xoi vô tình bằng gót chân buông duỗi trong lúc kể chuyện. Những ngón chân trắng nhỏ của cô Nhiệm cho thầy Chân Vị cái cảm tưởng xum vầy ngộ nghĩnh. Cô Nhiệm cười hồn nhiên, hơi thở ấm nghe thấy trên lớp da đầu thầy cúi gần. Chân chị nhỏ xíu, chị phải là người sung sướng lắm chớ! Tôi bị đẻ thiếu tháng. Cô Nhiệm vẫn cười, đã thấy giọng làm bộ. Thầy lấp làm gì cho mệt, tôi sẽ còn xoi lỗ nữa.

 

Tiếng cười dưới bãi đi lên nghe gần. Ngó dốc xuống thấy tốp người vui tươi. Thầy Dung Nhẫn vớt đâu được mớ rong biển màu nâu đỏ đắp trên đầu, trông xa giống một người Mỹ tóc hung. Cái quần xà- lỏn đen ướt nhẹp dán sát vô người làm thầy tong teo lêu nghêu. Anh Trị đi khập khiễng tay chỉ trỏ lên bờ đất bàn tán với hai thầy kia. Cô Kim và cô Mai đi sau còn chia chác mấy vỏ sò ốc. Màu áo tắm làm nắng thêm dòn dã. Cô Nhiệm đứng dậy. Xong chưa quý vị? Giọng nói cao, loãng trong gió biển. Tốp người tới nơi leo lên bờ đất, vui, mạnh. Ăn được chưa chị Nhiệm? Trời ơi, cô Kim chỉ anh Trị, cha này què mà lội nhứ rái. Anh Trị hỉnh mũi, còn chị rái mà lội như què. Rồi nghiêm trang ngó thầy Chân Vị. Nãy giờ thầy ăn chay hay ăn mặn, thầy?

 

Cô Nhiệm lôi mấy con cá hấp ra dĩa đuổi kiến. Không có đũa, ai đi kiếm đâu ra đũa coi. Để tôi. Bẻ mấy nhánh cây so lại, đừng cho so le. Thôi ăn bóc cho rồi. Không được, ta ăn uống trang trọng đã quen. Xí. Để em làm nước mắm nghe chị Nhiệm? Nhân phù ư sự. Ai, ai xổ nho đó diễn nghĩa ra. Việc thì ít mà người mưu kiếm việc thì nhiều. Thầy Dung Nhẫn gở mớ rong trên đầu xuống. Nhân phù ư thực. Hay! Người nhiều mà đồ ăn ít. Trời, như vậy mà còn chê ít, mà thầy ăn cá hay ăn xôi? Con ni bê bối, mặc áo vào mày, để cho người ta tu hành. Cô Mai giũ tóc văng nước tung tóe. Vừa thôi mấy o. Chị Nhiệm nãy giờ làm gì trên này? Tôi làm thơ. Bạo động quá. Phiền. Thôi ăn đi cho rồi.

 

Bữa ăn ồn, vui. Cặp đùi cô Kim rất trắng, tròn trịa. Bên mâm chay thầy Phác Trung ít nói, ra vẻ tư lự như đang lo buồn chuyện gì. Chị Nhiệm không tắm thật uổng. Chơi với tụi này chắc chị chơi không kịp quá. Chắc chị ít sống kiểu hoạt động? Rồi tôi sẽ quen mà. Im lặng. Im lặng. Xin chị Nhiệm cho biết cảm tưởng. Cảm tưởng gì? Cảm tưởng sau những ngày dạy học ở Huế, cảm tưởng về Huế, về những ngươì bạn chị mới quen. Á, coi chừng đổ nước mắm. Suỵt. Cô Nhiệm đưa đẩy. Bày đặt, thì dạy học là nghề cao thượng; Huế là thành phố đẹp, tĩnh, kín đáo; thêm bạn thì bớt thù. Hoan hô bài thuyết trình. Suyt, còn nữa mà. Còn, còn nhiều nữa, nhưng thôi để dành. Tiếng vỗ tay. Thầy Chân Vị liếc ngó hai bàn chân nhỏ nhắn của cô Nhiệm. Những ngón chân xúm xít, sum họp. Và đôi mắt u ám kia, đôi môi thâm tái vì thuốc lá, giọng cười giả dối. Bỗng nghe trong lòng trắc trở, thầy Chân Vị thở dài.

 

Buổi trưa mọi người thôi tắm, nằm nghỉ dưới bóng mát của các bụi dương thấp. Anh Trị có mang theo cây đàn, ngồi đệm hát một mình. Ôi ta đâu ngờ tình xưa vẫn còn.... Trời như hơi thấp xuống một chút, là đà cuối phía xa màu mây sậm áp trên mặt nước thẫm. Thầy Phác Trung vẫn còn trầm ngâm, bên cạnh thầy Viên Quang đã ngủ ngon, tay gối chéo dưới đầu, miệng hé thở nghe tiếng phì phò đều đặn. Hai cô gái tắm mệt cũng nằm, đối mặt thủ thỉ nói chuyện. Chị Nhiệm sao không nghỉ đi, ngồi chong ngóc hoài? Cô Nhiệm ngó thầy Chân Vị. Tôi ngắm cảnh. Ngó bộ trời dịu, bộ muốn mưa. Mưa mất vui. Để thử coi mưa biển ra sao. Hồi tôi còn ở chùa trong Nha Trang vẫn được thấy mưa biển, thiệt mênh mông thiên địa. Cô Nhiệm giơ ngón tay chỉ. Yết đế yết đế, ba-la yết đế. Có phải là vượt, vượt qua bến bờ bên kia không? Có nghĩa là đã tới rồi, đã tới rồi, đã về yên nơi chốn. Yết đế yết đế, ba-la yết đế. Ba-la tăng yết đế. Bồ đề tát-bà-ha. Độ, độ siêu suốt mình và độ thoát mọi sinh dân. Giải thoát. Tất thảy cùng về an nhiên nơi chốn. Chị có đọc Ma-ha Bát Nhã sao? Cô Nhiệm cười. Nhớ loáng thoáng vậy. Biển đẹp quá. Đoạn đứng dậy cầm cái nón lá. Tôi đi chơi một vòng.

 

Thầy Chân Vị nằm nghiêng, ngó theo bàn chân cô Nhiệm đạp trên lá dương khô, lún cát. Cười khẩy. Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu nằm trong chiếc áo. Ý muốn bước theo cô Nhiệm mãnh liệt sôi nổi nhưng cũng dịu liền sau đó. Thầy Chân Vị ngóng tai nghe biển, mường tượng bước chân Cô Nhiệm đi xuống bờ dốc, in dấu chân trên bãi cát mịn dài

 

Trời mưa nhỏ. Mây vần thấp hòa trong hơi nước bốc làm cảnh vật mờ mịt. Mọi ngươì thu dọn đồ đạc sửa soạn về bỏ buổi tắm xế. Thầy Chân Vị không chịu nổi, lên tiếng. Chị Nhiệm đi nãy giờ đã lâu, chưa thấy về. Anh Trị ngừng tay. Chưa về sao, mới đây mà. Chắc núp mưa đâu đó. Có mang theo cái nón lá của thầy Dung Nhẫn. Hai cô kia đâu? Hình như thay đồ đằng bụi cây. Thầy Viên Quang rủ thầy Phác Trung về trước đón đò. Còn sớm mà, 4 giờ đò mới ra. Về chùa chơi một lát, không mấy khi ra Túy Vân lại. Thầy Phác Trung chần chừ. Thôi để đợi rồi cùng đi. Anh Trị thốt nhiên kêu lớn. Chị Nhiệm. Chị Nhiệm ơi! Hai cô gái trở lại. Gì vậy? Đi tìm chị Nhiệm chớ? Thầy Chân Vị giục. Chị Nhiệm ơi! Anh Trị lại gọi. Chị Nhiệm này giỡn hoài ta. Cái nón của tôi đâu? Mưa. Trời mưa thì mặc trời mưa, thầy không có nón lá trời chừa thầy ra. Chắc mất rồi, mất theo chị Nhiệm rồi. Mất không? Mất thì nói là mất, không mất thì nói là không mất. Ấy là mất vậy.

 

Ấy là mất vậy. Thầy Chân Vị xốn xang, sốt ruột. Không phải chuyện giỡn chơi. Hai con mắt u ám của chị Nhiệm. Ấy là mất vậy. Nếu chị Nhiệm thử xuống biển, hay chị Nhiệm chui trong hốc đá, trốn hoài không chịu ra, hay chị Nhiệm đi đào cái lỗ như anh thợ cạo.... Nếu chị Nhiệm thử xuống biển... Thầy Chân Vị bấn loạn không muốn nghĩ tiếp. Họ chia ra làm ba tốp, thầy Chân Vị và thầy Phác Trung đi về phía biển. Ấy là mất vậy. Mưa ào xối thênh thang xóa nhòa cảnh vật. Không còn thấy biên giới núi biển, trời, bãi cát. Còn 7 cây số đi bộ về bến đò. Còn 20 phút đi đò vô Hòn Đá Bạc. Còn 45 cây số trở lại Huế. Chị Nhiệm ơi. Hai vạt áo lam ướt dính vô hai ống quần làm vướng víu lệt bệt. Cát như trôi tuột dưới chân không thể bấu bám. Mưa quất rát rạt da mặt, mắt cay xè. Tôi đã khóc ư? Đâu có, như không vậy. Tôi đâu có buồn gì, như không vậy. Thầy Chân Vị banh mắt ngó ra mặt biển bao la, nước trào tràn trắng xóa, liên hồi những lượn sóng cao cong đổ ập vào bờ. Yết đế yết đế, ba-la yết đế. Biển đẹp quá. Có phải là vượt, vượt qua bến bờ bên kia không? Có phải chị Nhiệm đã tới rồi, đã tới rồi? Ấy là mất vậy. Chị Nhiệm, đừng khùng. Đừng. Thầy Chân Vị ngó ngoái thấy người bạn đi cùng đã lạc xa phía sau, qua lớp mưa tuôn xối chỉ thấy cái bóng nhòe co ro giữa cảnh mênh mông.

 

Huế, 1972

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6583)
Tôi thường dậy sớm và pha cho mình một ấm trà. Quanh năm tôi chỉ uống loại trà sen đóng gói. Thứ trà này chẳng ngon lành gì và tôi uống nó cốt chỉ để tỉnh táo hơn.
17 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6578)
Loài Hải Hạc vẫn tiếp tục sinh sôi trên những đụn cát nóng bỏng chết chóc
14 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 7630)
Cánh đồng Tuyên Bình bát ngát mùa khô, mênh mông mùa nước; trải dài từ Gò Ớt qua Vĩnh Đại, Bào Môn, đi đôi ba ngày đường chưa giáp
11 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6881)
Nước Hoa Kỳ, ở tiểu bang California tập trung người Việt tị nạn đông đảo nhất, xây lên một thành phố buôn bán sầm uất được người Mỹ đặt tên là Little Saigon
03 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 7402)
Đêm đêm chị lại bật dậy trong phòng bệnh và đứng dậy thuyết trình giống như bị thôi miên.
25 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 6984)
Tôi làm việc ở một siêu thị nhỏ, chi nhánh của Intimex. Làm nửa ngày, và có thể đổi ca nếu thỏa thuận được với đồng nghiệp.
21 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 5780)
Con Lài vẫn lầm lủi bước đi, nghe câu nói đó là nó chảy nước mắt, nó quyết định đi về hướng bệnh viện Từ Dũ.
17 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 6189)
Giật mình thức dậy sau giấc mơ rồi không tài nào ngủ lại được, tôi pha cà phê ngồi nhìn tuyết phủ lác đác sân nhà
12 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 7509)
Thằng Hai lội bì bõm trên cánh đồng năng lấp sấp nước mưa./ - Hai, phụ tui bắt cá Bãi Chầu, quá tí nè! (1)/ Tiếng con Năm gọi giựt ngược. Thằng Hai nói như phân công
08 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 7556)
Ông Dụng chậm rãi đi chéo qua căn phòng về phía một cái bàn nhỏ. ở đó, có một người ngồi quay lưng lại phía ông. Vai ông ta hẹp, gồ lên một cách căng thẳng trong bộ quân phục sĩ quan đã tầu tầu.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16812)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12047)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18829)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9023)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8121)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 450)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1018)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22338)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13898)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19085)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8693)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8390)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30587)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25363)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21613)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17962)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24370)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31806)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,