LÊ LẠC GIAO - Nụ Cười Buồn Mùa Hè

25 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 6898)
LÊ LẠC GIAO - Nụ Cười Buồn Mùa Hè


Khi cô gái bước lên đồi cao cuối làng, nắng sáng đã tràn xuống bờ triền thung lũng phía Đông. Vạt nắng vàng choàng lên đồng cỏ xanh nét óng ả tươi vui. Gió mát thổi dọc bờ sông chạy về phía Đông mất hút ở chân trời.

Bên kia đồng cỏ, đường xe lửa chạy song song qua trạm ga dưới tàng cây bàng cổ thụ đứng cô đơn hơn một đời người bên sân ga. Cô gái nhìn dáng cây cao uốn cong về phía đường rầy xe lửa như bóng một bà lão còng lưng đang cho gà ăn. Bà của cô vẫn thường có dáng như thế mỗi buổi sáng sớm bước ra trước nhà với đám gà con ríu rít chờ thức ăn chạy đằng sau. Khi tiếng còi tàu hai lần trong ngày bắt đầu vọng đến đầu làng, bà nói với cô khi thấy cô đứng nhìn về hướng ga rằng, bà đã từ cái ga xe lửa cô đơn ấy đến làng này lập nghiệp khi còn là một cô gái mười tám tuổi.

suoihoa_02-content
Tranh Suối Hoa

Đã hơn năm năm, từ ngày cô chú ý đến cách nói và nét buồn bã trên khuôn mặt mỗi một ngày một già nua thêm của bà ngoại cô. Đằng xa kia, xóm dừa ngày ấy chỉ là một đầm nước hoang, đầy sậy và cỏ lác. Lúc bấy giờ chỉ có muỗi và cá sấu. Khi con người đến, cá sấu ra đi vì thức ăn của nó dần dần bị con người vét sạch, và khi không còn gì để ăn, người ta bắt đầu săn bắt cá sấu. Cá sấu dần dần mất hẳn. Cái đầm lầy ấy trở thành một làng dừa, và bà từ một cô gái nghèo khổ, trở thành chủ một quán nước đầu làng, triền dốc ven đầm lầy nối liền với sườn núi phía Nam bắt đầu đón con đường sắt từ thành phố biển phía Đông xuyên qua chân núi, chạy về phương Nam.

Con đường sắt này chạy về đâu nhỉ? Miện vẫn thường tự hỏi từ ngày cô năm tuổi, được cha cõng trên lưng vượt khỏi bờ triền dốc, đi về những hàng quán tạm xung quanh ga bán thức ăn và những thứ cần dùng cho những kẻ lang thang theo con đường sắt, đi về phía Nam tìm công việc mưu sinh.

Miện nhớ cha cô cao lớn, đứng sừng sững trong gió chiều, mỗi khi khi bóng nắng rời làng theo hướng xe lửa ra đi. Cha cô nhìn về ngọn khói xám cuồn cuộn sau xe, trước khi đầu xe lửa biến mất vào khe núi. Ông chỉ về nhà cuối tuần rồi sau đó lại ra đi. Ngày chủ nhật, cha cô cõng cô đi về triền dốc phía Đông, trong khi bà ngoại cô phải ra bờ sông giặt quần áo. Mẹ cô mất sau khi sanh cô. Sinh khó trong thời gian ấy là sự rủi ro, và cái làng heo hút của cô không có bác sĩ để cứu giúp những trường hợp nguy hiểm ấy.

Ngày ấy, xe lửa đến làng với làn khói đen và tàn lửa bắn tung ở đầu máy những khi gió cuộn mạnh. Trên lưng cha cô bé năm tuổi, chỉ nhìn thấy mây trên trời cao và gió mùa xuân trong nắng sáng, hình như giúp cô lớn nhanh ước mơ của mình. Cô cứ nghĩ, ngày mình được ngồi trong toa xe lửa, nhìn nó chạy qua những nơi mà cô chỉ có tưởng tượng ra, khi nhìn lên trời cao hay trong giấc mơ mà thôi. Con chó Bi già chạy lon ton phía sau, thỉnh thoảng sủa trên chiếc bóng nhảy múa của mình.

Thăng đặt con gái xuống đất, khi bước lên bậc tam cấp cuối cùng của sân ga. Anh nắm tay con, chậm rãi đi về phía dãy hàng quán cuối sân ga. Con Bi lủi thủi phía sau. Những người đưa đón khách đã tản đi, sau khi xe lửa ra đi hai giờ đồng hồ trước. Lác đác vài kẻ quang gánh theo con dốc trở về làng sau triền đồi phía Bắc.

Mua cho con một túi kẹo và một chiếc bánh cam tẩm đường, Thăng nhìn con đường sắt mỗi tuần đưa anh đi và mang anh về, lòng trĩu nặng muộn phiền.

Anh sống trong hai thế giới khác biệt. Thành phố đằng xa kia là một phần đời của anh, và nơi này là phần đời còn lại. Nơi đây, anh có một mái nhà, một nấm mộ của vợ và thân nhân ruột thịt. Con gái anh đang chạy tung tăng với con chó Bi, đằng sau là một niềm vui cuộc đời.

Anh nghĩ như thế, vì cái thị trấn bên kia rặng núi cho anh tiền bạc, nhưng hình như thiếu một chút tình. Tuy thế, anh không thể bỏ nó. Tiếng động ồn ào buổi sáng, tiếng réo gọi của những gánh hàng rong, còi hụ của nhà máy điện, tiếng gào thét của các chuyến xe lửa vào thành phố, và ngay cả cô gái ăn sương, cũng có cái phong thái riêng trong cái không gian ngột ngạt, nhưng quen thuộc của một nửa con người cuồng nhiệt, và phần tương phản còn lại một bầu trời trong xanh yên tĩnh cuối tuần ở đây, với bao nhiêu kỷ niệm.

Thăng ngồi xuống gốc cây sung già cạnh bờ suối. Con gái anh đang bẻ từng mảnh vụn bánh cam cho con Bi ăn. Nước chảy nhẹ róc rách gần bờ, bầu trời cao, nắng trong, ươm vàng một khoảng triền thung lũng. An ngồi chỗ ấy, cách anh hơn sải tay trên phiến đá nâu đang giặt quần áo.

Hình ảnh của mười hai năm trước. An mười chín tuổi, Thăng hai mươi ba. An cười trong nắng sáng như chim oanh gặp bạn, tiếng cười trong trẻo và vang rất xa. Tiếng cười của nàng làm vỡ vụn vạt nắng trên tàng cây, biến thành hàng vạn mảnh thủy tinh li ti vàng óng lung linh trong tàng khuynh diệp rớt chầm chậm xuống bờ mi mắt đang ngủ của Thăng. Tiếng cười đã đánh thức anh ra khỏi một giấc mơ ngày còn bé. Cha anh chở anh trên chiếc mô tô chạy về phía xóm đạo dưới chân núi.

Xe chạy qua những đồng lúa vàng hút mắt. Gió nồm mát rượi mơn man trên mặt Thăng, gợn một niềm vui lâng lâng nhè nhẹ, hằn trong lòng cậu bé cảm giác vĩnh viễn thứ hạnh phúc cô tịch của thời thơ ấu. Mở mắt, anh còn nghe ngân trong nắng sáng một âm thanh vọng lại từ cơn mơ, hòa lẫn tiếng cười lấp lánh nắng sáng của An dưới tàng cây.

trangoquenha50x50-content-content

Thăng ngồi dậy, nhìn ra bờ sông, thấy An đã giặt xong quần áo, đang đùa nghịch nước và cười nói với những cô gái trong làng. Làn nước trong vắt, nhảy múa chung quanh cặp chân trắng nuốt của nàng. Anh nghe trong gió thoảng mùi hoa bưởi và chợt nhớ đến những ngày còn đi học phía Bắc. Nơi ấy, có những cô gái nói tiếng địa phương như chim kêu, mái tóc dài e ấp và những con đường trồng nhiều phượng dọc hai bên lề đường. Buổi sáng dậy sớm, từ căn phòng trọ cạnh bờ sông, anh đã nghe tiếng nói ríu rít của những cô gái đi xe đạp đến trường. Tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường, chen tiếng guốc rộn rã.

Dù nhắm mắt, anh vẫn thấy rõ ràng màu sắc tươi sáng của những ngày tháng học đại học.

Thăng chồm dậy nhìn qua cửa sổ. Gió buổi sáng mát rượi và đẫm mùi hoa bưởi, thổi từ hàng bưởi thanh trà đang ra hoa dọc bờ sông cuốn lên mặt đường.

Bao giờ cũng thế, bức tranh ngày hè thắm đỏ màu phượng vĩ, và anh đã vẽ không biết bao nhiêu bức tranh, cốt ghi lại cảm giác ấy, nhưng vẫn không hài lòng.

Nhìn đống tranh chồng chất dưới mái hiên, Trường, người bạn thân cùng lớp học cao đẳng mỹ thuật hỏi:
- Mày vẽ rất đạt, nhưng vẫn cố vẽ thêm để làm gì? Mày muốn cái gì trong tranh? Mày không cảm thấy nhàm chán khi cứ miêu tả mãi một khung cảnh?

Lúc ấy, Thăng trả lời:
- Tao không vẽ cảnh, tao vẽ âm thanh, và cũng bởi chưa nghe được những nốt nhạc trong tác phẩm của mình.
- Cũng là thứ ấn tượng. Nắng sáng khác nắng chiều, và nhạc ban mai không thể nào nhầm lẫn với dạ khúc được!

Trường vừa nói vừa gật gù có vẻ đắc chí. Thăng nghĩ, Trường hiểu lầm mình, nhưng anh không nói gì.

Với anh, nỗi buồn hay niềm vui đúng là cảm xúc, nhưng cảm xúc này có đủ âm thanh và màu sắc. Nhiều khi cố gắng diễn tả, người họa sĩ chỉ vẽ lên màu sắc mà không hề miêu tả được âm thanh. Từ lâu, anh cố gắng diễn tả cảm xúc của mình trong tranh, nhưng không thỏa mãn.

Trong khi Hạnh là nhạc sĩ, lại làm được điều đó. Thăng phục Hạnh và ngầm kính trọng bạn như một thiên tài. Nhạc của Hạnh đi đủ ba chiều kích, dù chỉ vài nốt nhạc hết sức giản dị. Nhiều khi nghe nhạc của Hạnh, Thăng ao ước nhặt được mảng âm thanh kỳ diệu ấy, bỏ vào tranh của mình.

Mùa hè thành phố cổ kính ấy đỏ rực màu phượng vĩ. Những cô gái áo dài trắng đi guốc hay đạp xe chầm chậm, ngẩng cao đầu như cười với trời xanh mây trắng, là thứ cảm hứng dường như bất tận cho những nghệ sĩ trẻ trong thành phố, nhưng đến năm thứ ba, Thăng không còn ưa chuộng khung cảnh ấy nữa.

Bấy giờ, anh chỉ sử dụng màu xanh đen chen chút vàng nhạt. Tranh tối hơn nhưng có chiều sâu. Màu vàng cho chút hi vọng le lói, khiến Thăng năm hai mươi mốt tuổi thường lang thang trên bờ sông quê nhà, nhìn chăm chú chân trời xa, tìm một hình ảnh nào đó không hề có hình thù nhất định, nhưng lại mang nặng nỗi cô đơn ngút ngàn.

Buổi chiều, Thăng mang giá vẽ ra bờ sông. Anh muốn ghi lại ánh nắng chiều quê nhà trước khi trở lại trường. Trầm ngâm rất lâu trước vạt nắng vàng trên đồi cao, con đường nhỏ từ làng ra bến sông vắng ngắt.

Một chút tối đằng xa bên kia dãy núi lớn chầm chậm về hướng ga xe lửa. Thăng pha màu và vẽ rất nhanh. Cũng bấy nhiêu màu sắc, dù trời còn xanh, anh vẫn cho chút màu tối vào để tương phản vạt nắng còn lại trên con đường về làng.

Lúc bấy giờ, trong cung bậc trầm trầm buổi chiều mùa hè oi ả làm nên nét uể oải của núi đồi trước mặt, thì An xuất hiện. Cái chấm trắng mỏng manh hiện dần trên đường như một nốt nhạc khuấy động mảng màu sắc nặng nề ủ rũ ấy. An, áo trắng cổ tròn lá sen, quần đen, mang trong tay chiếc giỏ mây vàng nhạt đựng quần áo, đi rất nhanh và mỉm cười với Thăng.

Anh chợt nhận ra nụ cười có đủ âm thanh và màu sắc mà anh đã từ lâu mơ ước. Anh vội vàng vẽ, cô gái đi ngang trước mặt chỉ còn lưu lại trong trí nhớ một vùng ánh sáng huyền ảo.
Vẽ xong, Thăng nhìn chăm chú như nhớ lại một kỷ niệm xa xưa nào đó từng thấp thoáng trong giấc mơ của mình. Kỷ niệm ấy nhạt nhòa, nhưng rõ ràng là một thứ hạnh phúc êm ả như cơn nồm mùa hạ thổi qua mảnh sân nhỏ, còn nồng hơi nắng trưa. Anh nhắm mắt và mở mắt với cảm giác lạ.

Cô gái đứng bên cạnh anh từ bao giờ, đang ngắm bức tranh và mỉm cười. Cô không nói tiếng nào rồi lặng lẽ bước đi một khoảng khá xa mới quay lại nhìn lần nữa như gửi lời từ giã.

An đến với anh như chút hi vọng mà anh thường nhóm lên trong tranh của mình. Dù mỏng manh nhưng rõ ràng đầy sức thuyết phục.

Ngày hôm sau, anh lên đường trở về thành phố phía Bắc, hành trang không thêm gì, ngoài nụ cười hiền hòa của An chiều hôm trước bên bờ sông.

Bức tranh chưa khô. Thăng vẫn để trên hàng hiên. Tuần lễ sau, cha Thăng đem nó vào phòng khách. Thăng viết thư nhắc cha bảo quản tấm tranh cho mình.

Mười ngày về nhà nghỉ Tết, Thăng mỗi ngày đều chăm chú nhìn ngắm bức tranh ấy trước khi ra lang thang ở bến sông. Không phải Thăng tìm sự khiếm khuyết trong bức tranh, mà anh đang khám phá niềm vui mong manh ở tận đáy lòng.

Ngày thứ ba, Thăng gặp lại An. An hỏi anh về bức tranh mùa hè. Thăng nói:
- Cô An còn nhớ đến nó hay sao?

ndt-12-nhungvisao-content-content
An không trả lời mà hỏi lại:
- Sao anh biết tên em?
- Ở đây mà không biết tên cô mới là lạ. Thế cô có biết tôi hay không?

An cười lặp lại:
- Ở đây mà không biết anh mới lạ. Thực ra, em biết anh nhưng không rõ tên. Anh học trường tỉnh, thường đi ngang nhà em mỗi sáng.

Thăng nhớ bóng áo dài trắng thấp thoáng trong mảnh sân um tùm cây kiểng đầu làng, những khi ghé ngang quán nước của mẹ An mua bánh ngọt, trước khi lên xe đò xuống trường.

Anh nhìn sâu vào đôi mắt to, hàng mi cong của An, lòng chợt bồi hồi xúc động. An hỏi:
- Anh là họa sĩ phải không?
- Bây giờ thì chưa, nhưng năm tới, sau khi ra trường, tôi sẽ là họa sĩ.
- Sao hôm nay anh không vẽ nữa?
- Tôi đi tìm người mẫu.
- Ai là người mẫu của anh?

Thăng đưa tay chỉ An. Cô cười bẽn lẽn. Nụ cười có chút ngập ngừng, nhưng tỏa ra như nắng sáng.

Thăng theo An xuống bờ sông. Trong khi An giặt quần áo, từ xa, Thăng ngắm nàng trong bầu trời nhiều mây tháng chạp.

Mây xám làm bầu trời như thấp xuống. Tấm áo trắng của An in trên mặt nước xanh tối, vì phản ánh bầu trời đầy mây trên cao và phía sau màu xanh sẫm núi đồi, tạo nên những khối màu nặng nề tựa lên nhau, và tất cả cái u buồn ấy dường như nhẹ nhõm khi An cất tiếng cười với anh. An đứng nhìn về phía Thăng. Tóc bay trong gió sáng, mắt long lanh và tiếng cười dường như xua đi những ưu phiền trĩu nặng trong hồn anh.

Cử chỉ và tình cảm của An theo anh suốt mùa xuân năm ấy, và anh đã vẽ tấm tranh thứ hai từ khi quen nàng.

Thăng vẽ An theo trí nhớ, nhưng bố cục không khác một buổi sáng cuối đông có thật diễn ra trước mắt mình. An ngồi trên bờ đá ven sông, một nửa mặt nghiêng về phía Thăng như che dấu một nụ cười. Đằng sau nàng là mùa đông, nhưng phía trước là mùa xuân rực rỡ, vì nụ cười của nàng làm nhẹ đi những tảng mây xám tối phía sau. Thăng nhớ nụ cười như nghe đâu đây trong hồn, chỉ một nốt nhạc, làm cho chuỗi hòa âm khởi sắc.

Anh bằng lòng với bức tranh thứ hai và trịnh trọng treo nó trong phòng khách ngay cửa ra vào. Mỗi lần ra khỏi phòng, Thăng dường như thấy An vô hình đang cười với mình.
Tình yêu Thăng vun trồng theo từng tác phẩm nghệ thuật mà anh dành cho An như miêu tả trình tự của một mối tình. Nó lớn dần theo ngày tháng và từng bước đẩy lùi những hệ lụy truyền thống trong hôn nhân. Thăng bất kể những khuyên bảo của cha về tương lai trong cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối.

Gia đình An nghèo, đơn chiếc. Cha An mất sớm khi nàng mới lên sáu tuổi. Mẹ An tảo tần với quán nước đầu làng. An vừa học vừa giúp mẹ.

Hôm nói chuyện với nàng ở bến sông lần thứ hai, Thăng nói:
- Hôm nào anh ghé nhà em chơi?
- Ghé thì ghé, nhưng đừng có chê nhà em nghèo!

An nói như biểu lộ mặc cảm.
Thăng nhìn đôi mắt to, trong vắt như một tấm kính, dường như phản chiếu những ghềnh thác cuộc sống, rồi nhẹ nhàng nói với nàng:
- Chúng ta ai cũng nghèo cả, anh không những nghèo mà còn cô đơn nữa. Em không thấy anh thường lang thang ở bờ sông với nỗi buồn của mình hay sao!
- Thực thế không? Em lại nghĩ anh vừa sung sướng, vừa nhàn nhã.

Thăng lắc đầu:
- Bề ngoài đâu diễn tả được phần bên trong. Anh cô đơn như cái cây kia.

Thăng chỉ cây bàng cổ thụ đằng xa đứng cạnh sân ga. An cười:
- Anh có ý nghĩ giống em. Em vẫn thường nghĩ mình như cây bàng ấy mà tốt hơn.

Ví mình như cây bàng cổ thụ, An phần nào diễn tả cuộc sống của mình.
Có chút tiêu cực, nhưng cũng không kém tích cực với cái kiêu hãnh với nắng mưa đất trời. An đồng ý với Thăng khi anh nói lên cảm tưởng của mình, một khi nghĩ rằng mình như cây bàng cổ thụ đằng xa kia.

Hôm ấy, trước khi chia tay Thăng nói:
- Cây bàng ấy không cô đơn nữa vì có chúng ta làm bạn. Nó sẽ mãi mãi là người bạn của chúng ta.

An lắc đầu nói:
- Em không nghĩ như thế. Cây bàng không cô đơn mà chỉ có chúng ta đơn chiếc trong cuộc đời này! Có nó làm bạn, may ra chúng ta có thể mạnh dạn bước đi.

Mùa hè năm sau, hai người thường ra bến sông.
An học xong trung học nhưng không học tiếp đại học vì nhà nghèo và đơn chiếc. Cô không thể để mẹ sống một mình trong khi mình đi học xa.
Mẹ cô sau khi thuyết phục cô tiếp tục học không được, thì đổ lỗi cho Thăng. Bà nghĩ, An không muốn xa Thăng, nhưng viễn ảnh mối tình hai người không sáng sủa chút nào. Bà cho rằng, cha Thăng không thể nào cưới một cô gái nghèo như An cho con trai độc nhất được.

dt_10_content-content

An không giải thích, nhưng nàng hiểu mình muốn gì, và cuộc đời của mình sẽ ra sao khi ở mãi nơi này. Lúc ấy, An nhìn cây bàng cổ thụ đằng xa kia, tự an ủi mình.
Thăng cũng không khác An. Anh đối phó thường xuyên với cha những khi ông nhắc đến việc anh nên cắt đứt quan hệ với An. Ông không muốn Thăng lấy An làm vợ, khi anh tự động đề nghị cưới An sau khi mình tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật.

Những khi căng thẳng với cha, Thăng thường tự nhủ, nếu mẹ còn sống thì bà chắc chắn chiều ý anh. Mẹ anh mất khi anh mười bốn tuổi, và cái chết của mẹ đã góp phần nuôi lớn nỗi cô đơn trong lòng anh. Cha anh đi làm xa, dù tiền bạc ông mang về thật nhiều, cũng không làm giảm đi chút nào những trống vắng trong tâm hồn Thăng.

Trong lúc tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Thăng thường ra bến sông, tìm một chỗ yên tĩnh thích hợp để vẽ.
An có khi ngồi bên nhìn anh vẽ, có lúc nàng làm mẫu, nhưng thật nhanh. Thăng nói với An:
- Em là người mẫu trong mộng của anh.
- Thế nào là người mẫu trong mộng?
- Có nghĩa anh nhắm mắt cũng có thể vẽ được em. Anh không cần em ngồi nghiêm chỉnh như các người mẫu trong xưởng vẽ hay lớp học.

An hạnh phúc khi nghe Thăng nói như thế, vì nàng bao giờ cũng hiện diện trong lòng anh và Thăng cẩn thận khi vẽ An, vì anh luôn nhớ mình phải mang được âm thanh vào hội họa.

Điều này, anh tự khám phá ra. Cảm hứng đến với người nghệ sĩ, nhưng không phải ai cũng diễn tả được trọn vẹn. Một cảm xúc cần sự cân bằng hài hòa khi miêu tả bằng màu sắc, nhưng để làm được điều đó, bao giờ cũng có một nếp gấp mà người nghệ sĩ phải san bằng, để hoàn tất tác phẩm. Đấy là âm thanh trong hội họa mà anh hằng mơ ước.

Thăng hằng đêm nhìn sao trời, thấy khoảng cách nhất định giữa cảm hứng tâm hồn và âm thanh màu sắc mà anh cố vượt qua. Anh đã có giấc mơ bước vào tác phẩm của mình, nghe cảm xúc trên từng phân da thịt.

Bởi thói quen, lòng tự tôn, Thăng sợ mình dùng bàn ủi san bằng cảm hứng như một vị thầy của anh thường bảo, “Đừng bao giờ biến tranh thành tấm bích chương quảng cáo, vì tranh không phải là bích chương. Bích chương là bích chương, và tranh là tranh. Không thể lẫn lộn được! Đừng bao giờ dùng bàn ủi làm cảm hứng của mình!”

Thăng bật cười vì cái ví von hóm hỉnh của thầy mình, nhưng không phải không thừa nhận bề mặt lòe lọet phẳng lì vô cảm của các tấm tranh thời đại mà các họa sĩ tiếng tăm trong nước đã vẽ.

Thăng cưới An một năm sau khi cha anh mất vì một tai nạn lao động lúc nghiệm thu công trình. Sau đó, anh bán căn nhà của mình rồi về nhà An ở. Anh vẽ tranh liên tục trong khi An phụ mẹ bán hàng.

Từ cửa sổ nhà anh, nhìn thấy chuyến xe lửa đi và về, ghé ga hai lần mỗi ngày bằng âm thanh và màu khói xám vương vãi giữa hai khe núi.

Buổi chiều về nhà, bao giờ An cũng đến xem tranh của Thăng trước khi làm những việc khác. Nàng yên lặng nhìn những tảng màu xanh xám chồng chất trong tranh như thấy được cõi lòng nặng nề của chồng. An bảo:
- Anh nên nghỉ vẽ một thời gian. Tâm hồn phải thanh thản nhẹ nhàng mới vẽ tiếp được.
- Thế anh làm gì với tám giờ mỗi ngày?
- Anh nên ra bờ sông, đến sân ga vui với cây bàng già nua của chúng ta. Có thể nó sẽ bảo anh phải làm gì.

Đứng sau lưng Thăng, An vòng tay ôm cổ anh tha thiết nói. Thăng nắm tay nàng, nhớ lại những ngày hè năm trước mà tưởng như lâu lắm rồi.

Anh biết An là phần đời của mình, là ốc đảo hạnh phúc trên trần đời hoang vu sa mạc này. Anh đã từng ngày, từng tháng trưởng thành cùng lúc với nỗi niềm cô đơn lớn dần trong tâm hồn mình.

Từ khi mẹ mất, Thăng không còn nơi bám víu để nuôi nấng một niềm tin, dù chung quanh không thiếu những chất liệu có thể nuôi dưỡng nó. Trong khi đó, cha anh cũng chỉ là một hành tinh xa lạ, cùng anh chạy trên một quĩ đạo nhưng không hề gặp nhau.

Thăng không tìm được người bạn nào có thể chia xẻ nỗi niềm bất hạnh riêng tư ấy, và anh tìm đến sách vở cùng cái đẹp đất trời, như tìm tình yêu và niềm an ủi cho khát vọng của mình, mãi đến khi gặp An.

Mùa hè quê nhà lúc bấy giờ, với ánh nắng oi nồng tháng Năm rải dài theo bờ sông, mang theo cơn gió nồm từ biển, xua giạt cái nóng đổ xuống từ triền đồi phía Nam đến tận chân núi, thêm vào tiếng cười, bước đi của An, như gia thêm cung bậc cho một hòa âm điền dã. Tình yêu của nàng chan hòa trong không gian, thời gian ấy cho Thăng cảm hứng sáng tác.
Ngày hôm nay, An biết cảm hứng không còn nữa. Tuy không biết lý do, nhưng nàng hiểu không có gì tệ hại hơn đối với người nghệ sĩ, một khi không có chất liệu tâm hồn để sáng tác. Thêm nữa, ước mơ của Thăng vượt xa bến bờ nghệ thuật.

An đã cho anh tình yêu, cảm hứng và niềm hạnh phúc trong mùa hè quê nhà. Thăng nhớ đến nụ cười ngày đầu tiên gặp nàng. Nụ cười mùa hè trong cái hòa âm trời đất bất tận của quê nhà.
Đó là một giấc mơ đã qua. Có thể bàng hoàng khi nhớ lại, nhưng cảm giác mất mát thật rõ ràng. Những cảm xúc như trôi ra khỏi năm đầu ngón tay.

Buổi sáng, Thăng vứt cọ và chạy khỏi nhà. Anh đến bến sông ngồi trên phiến đá dưới tàng cây sung mà An từng ngồi giặt quần áo, tìm lại cái âm thanh và vùng hào quang huyền ảo một thời đã mất.

Thăng thất vọng khi cảm thấy mình thừa thãi trong khung cảnh tĩnh lặng này. Con chó Bi ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng cào cào chân lên phiến đá.

Anh nhìn nó chăm chú. Con chó Bi nhỏ hơn An mười tuổi. Nó là người bạn thân duy nhất của nàng suốt quảng đời thơ ấu. An nói rằng, ngoài mẹ, chỉ có con Bi là có thể chia xẻ nỗi buồn trong căn nhà trống vắng với nàng. Bây giờ có thêm anh, có lẽ nó vui lắm.

dt_08_content-content

Thăng cúi xuống vuốt lưng con Bi. Nó quay đầu nhìn anh rồi kêu ăng ẳng, hai chân tiếp tục cào xuống mặt đá.
Anh nghe đằng xa tiếng còi hụ của xe lửa. Chuyến xe về Nam sắp ghé ga. Thăng đứng dậy, đi về hướng sân ga, trong khi bóng dáng quen thuộc của chiếc xe lửa từ từ hiện lên ở phía chân trời. Con Bi lẽo đẽo chạy theo sau.

Đứng dưới gốc bàng cổ thụ, Thăng nhìn làng dừa xa xa ven sông, những chiếc ghe, con thuyền trên bến bãi một thời và một đời. Con đường đến trường như một sợi chỉ len lỏi xuyên qua rừng dừa. Anh nhớ về nỗi cô đơn của mình và của An những ngày thơ ấu.

Gia đình anh không khác gia đình An. Cũng là những kẻ tha phương đến nơi này lập nghiệp. Ông nội Thăng từ phía Bắc vào, và mẹ của An từ phía Nam đến.
Cả hai gia đình hầu như không có bà con ở đây, dù đã có thêm thế hệ con cháu. Thăng chỉ có một ông bác họ, ông bác Hậu, con người anh ông cố anh ở tận miền Trung. Lúc ông nội còn sống, cứ hai năm ghé thăm một lần. Ông bác Hậu nhỏ hơn ông nội Thăng bốn tuổi, cả đời sống độc thân và là một kẻ lãng tử giang hồ.

Lúc Thăng tám tuổi, được nghe ông nội kể về cuộc đời của ông bác Hậu. Ông bác sống bằng nghề buôn bán bình, lọ cổ. Ông chỉ đi bộ với hai tay nải trên người. Tay nải bên trái chứa vài bộ quần áo, và bên phải chứa vài chiếc lọ cổ.

Ông bác Hậu lang thang từ Trung vào Nam bằng đôi chân của mình. Họa hoằn lắm ông mới phải đi xe. Ông bác Hậu đi bộ và len lỏi từ làng này sang làng khác. Ai cần thứ lọ cổ nào, ông sẽ tìm mua trên đường đi, rồi đến những làng kế tiếp, ai thích, ông bán và kiếm chút tiền lời, rồi lại tìm bình lọ khác để mua.

Ông bác Hậu quen với mọi người trên con đường buôn bán của mình, thế nên, một vòng đi của ông khi đến nhà Thăng thường là hai năm. Đến nhà Thăng, ông bác nghỉ ngơi vài ngày, rồi lại lên đường trở về, bằng cách đi ngược trở lại với cùng kiểu cách mưu sinh.

Hai năm sau khi ông nội mất, ông bác Hậu cũng mất trên con đường vạn dặm lang thang của mình. Nghe đâu ông trúng gió và qua đời trong một nhà người quen buôn bán lọ cổ của ông.
Bà nội của Thăng mất khi anh chưa ra đời, nên anh không có ý niệm gì rõ ràng về bà, nhưng ông nội anh đã cho anh nhiều kỷ niệm về một đời lưu lạc phấn đấu để xây dựng sự nghiệp.
Khi Thăng trưởng thành, hồi tưởng lại từng chi tiết nhỏ, anh khám phá ra mình giống ông nội nhiều hơn cha. Ông nội anh là một nghệ sĩ, một điêu khắc gia và họa sĩ. Ông đã dạy cho Thăng nắn tượng thú vật, vẽ tùng, hạc, mai, lan, cúc, trúc... Chính ông nội anh đã sớm khám phá ra năng khiếu của anh, để rồi thường khuyên cha anh nên cho anh học mỹ thuật khi trưởng thành.
Trong khi đó, cha Thăng là một thương gia chính tông. Ông từng tuyên bố, mọi thứ vào tay ông đều biến thành vàng. Và thật như thế! Ông thầu xây cất, nên cát, đất, sắt thép vào tay ông đều biến thành vàng bạc và ông trở nên là kẻ giàu có nhất nhì trong làng. Tuy ông tham vọng và quyền năng như thế, nhưng ông không thể biến đứa con trai duy nhất theo ý ông muốn chút nào.
Thăng từ thuở bé chỉ vùi đầu đọc sách, vẽ tranh với ông nội, hay lang thang với cây cỏ đồng nội. Mẹ Thăng thương con, nên cũng nhiều khi về phe ông nội, chống đối lại ý kiến của chồng. Khi bị bạo bệnh qua đời, bà trăn trối với chồng nên để Thăng tự chọn nghề nghiệp theo năng khiếu của mình.

Cha Thăng hứa và Thăng đã lên đường ra Trung, học cao đẳng mỹ thuật, sau khi học xong trung học. Từ đó, Thăng và cha ngày càng xa nhau hơn, nhất là về phương diện tinh thần, cho đến ngày ông mất vì tai nạn.

Thăng ngồi xuống gốc bàng, nhặt một quả bàng khô dùng hòn đá đập vỡ lấy nhân hạt. Nhân bàng màu trắng, anh cho vào miệng nhai, nghe thấm chất béo qua đầu lưỡi, kẽ răng như ngày còn học trung học.

Anh đập quả thứ hai cho con Bi, nó nằm xuống bên cạnh anh và nhai rau ráu. Trên sân ga, kẻ đến người đi ầm ĩ.
Hai tháng trước, Hạnh từ miền Trung vào thăm vợ chồng anh cũng đến ga này. Anh đón Hạnh về nhà và nghe được những bản nhạc mới của bạn sáng tác.

Trước kia, chính nhạc của Hạnh từng là cảm hứng để Thăng vẽ tranh, miêu tả cuộc sống của mình suốt bốn năm trọ học. Về lại quê nhà hai năm, anh nghe thêm nhạc của Hạnh qua đài phát thanh. Hạnh nổi tiếng với những bài tình ca. Nghe tình ca của Hạnh, Thăng càng thấy sự bất lực của mình trong sáng tác.

Lúc nói chuyện ấy với An, nàng bảo:
- Anh đừng mặc cảm vì suy nghĩ chủ quan. Âm nhạc và hội họa tuy có những tương đồng nhưng không phải không có dị biệt. Anh tìm âm thanh trong màu sắc, cũng như anh Hạnh biến màu sắc thành âm thanh. Có ngày anh sẽ bằng lòng với ước muốn của mình, vì tranh của anh không phải đã từng được giải thưởng hội họa toàn quốc hay sao! Anh hãy lựa thêm mười tấm tranh để dự cuộc triển lãm mùa thu tới. Dù anh không thỏa mãn việc sáng tác của mình, nhưng hãy cho những người yêu thích nghệ thuật được xem tranh của anh để họ đánh giá.
Thăng không ngờ An suy nghĩ sâu xa và chu đáo như thế. Tác phẩm nghệ thuật là một hòa âm. Không phải chỉ bản thân tác giả thỏa mãn là đủ, mà mọi người sẽ thấy hạnh phúc khi thưởng thức nó.

dt_06_content-content

Giá trị chân chính của một tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng hai chiều. Đừng suy nghĩ nghệ thuật là mãi mãi, còn con người giới hạn mà tự giam hãm khả năng của mình. Thuận theo tự nhiên như cây bàng này, an ổn, tĩnh lặng và lắng nghe tiếng nói của thế nhân trên sân ga, nhìn ngắm dòng sông xuôi ra biển, như một sắp đặt hài hòa trời đất - con người. Buồn phiền sẽ tan biến như mây khói và chỉ còn sự êm đềm của một hòa âm bất tận.

Từ đáy lòng, Thăng thấy gợn một niềm vui nhẹ nhàng và tỏa rộng như quả sung vừa rơi xuống mặt nước, tạo ra những gợn sóng nhỏ loang to dần, to dần rồi mênh mông, mênh mông tận chân trời xa tít tắp đằng kia.

Khi Thăng đem những tấm tranh của mình vào Nam, tham dự cuộc triển lãm mùa thu hằng năm của hiệp hội những người họa sĩ trẻ, An ở nhà tìm tất cả những bức tranh còn lại của chồng sắp xếp lại. Cô đem ba bức tranh kỷ niệm mối tình của hai người treo lên phòng khách. Vẫn là nàng, với nụ cười trong mùa hè quê nhà.

Sau khi treo xong, An ngồi trên sàn nhà nhắm mắt lại mỉm cười khi nhớ đến ngày nào Thăng nói, “Em là người mẫu trong mộng của anh”. Kỷ niệm cũ lấp lánh hạnh phúc khi nhớ lại.

Trước khi đi, Thăng biết tin vợ có thai, nên anh vừa vui vừa lo lắng. An bảo:
- Anh yên tâm với công việc. Đã có mẹ lo. Em mong anh thành công trở về.

Tranh của Thăng bán hết trong kỳ triển lãm. Anh mua cho An chiếc áo trắng cổ lá sen như chiếc áo ngày xưa An mặc, khi hai người gặp nhau lần đầu ở bến sông.

Lúc ấy, Thăng bắt đầu suy nghĩ về đứa con sắp có của hai người và tương lai của chính anh, một khi trở về nhà. Không thể sống và sáng tác với lối suy nghĩ trước kia được. Thăng tự đề ra mục tiêu và quyết thực hiện được. Anh có gia đình và phải có trách nhiệm với nó.

Hai tháng sau, Thăng mướn người xây lại nhà. Căn nhà mới rộng hơn với phòng vẽ tranh và phòng cho con trong tương lai. Từ nơi làm việc, Thăng vẫn thấy cây bàng cổ thụ và sân ga xa xa.
Tháng cuối sắp sinh con, An ở nhà xem chồng vẽ tranh. Thăng chậm rãi làm việc. Anh không cảm thấy bức xúc như trước kia trong sáng tác.

Thăng đọc sách thêm những khi rãnh rỗi và gửi đơn xin việc ở những công ty đồ họa. Anh vừa vẽ tranh, vừa muốn có công việc thường trực. Hai việc đều cần thiết như nhau và có thể bảo đảm cho tương lai gia đình.

An cùng chồng chiều chiều ra hàng hiên nhìn về phía sân ga. Thói quen hai người xuất phát từ những thôi thúc tâm hồn giống nhau. Thăng và An cùng cảm nhận một khung cảnh và chia xẻ hoặc hòa nhập với nhau trong cảm xúc về nhận thức.

Khi Thăng nói điều đó, An bảo còn gì hạnh phúc hơn khi vợ chồng chia xẻ được với nhau cả thể xác lẫn tâm hồn.

An sinh con gái và bị băng huyết hậu sản hai ngày sau. Những cô đỡ đẻ trong làng tận sức cứu giúp nhưng bó tay. Thăng mướn xe đưa An xuống bệnh viện tỉnh.
Khi bác sĩ bảo rằng, nếu ngay ngày đầu tiên nhập viện có thể cứu được An, thì Thăng tuyệt vọng và đau đớn nghe câu nói cuối cùng của nàng, “Em hoàn toàn hạnh phúc khi sống với anh và không ân hận điều gì, chỉ mong sao anh lo cho con chúng ta.”

Những ngày tháng Năm đen tối sau cái chết của vợ. Mỗi chiều, Thăng ra mộ An ngồi và con chó Bi nằm ủ rũ dưới chân như chia xẻ nỗi đau buồn với anh.
Gió nồm mùa hè không làm dịu bớt chút nào nỗi đau khổ trong lòng Thăng. Anh đi theo lối mòn ngày cũ, nhận ra hạnh phúc và đau khổ chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh. Con người đầu tư càng nhiều tình cảm thì kết quả cảm xúc càng gia bội.

Thăng đến sân ga ngồi xuống gốc bàng hàng giờ, đếm những quả bàng khô và tưởng chừng như lòng mình đang kể lể với cây cổ thụ.

Mẹ của An mướn thêm người giúp việc buôn bán, để bà có thì giờ chăm sóc cháu ngoại.
Con bé Miện lớn dần với bà ngoại và cha. Khi Miện lên ba, Thăng kiếm được việc làm ở thị trấn bên kia dãy núi phía Nam. Sáng thứ Hai, anh ra ga xe lửa để đi đến nơi làm việc, cuối tuần về nhà rồi đầu tuần lại ra đi.

Miện lớn lên càng giống mẹ, vẫn con Bi làm bạn, dù nó già nua và thêm tật lãng tai. Tuy nhiên, trong nhà, nó luôn chạy theo Miện, khi con bé ra vườn với bà ngoại, hoặc theo Thăng, khi anh cõng nó trên lưng, đi về bãi sông hoặc ga xe lửa.

Thăng nhớ An và thường đến ngồi dưới gốc bàng, cảm thấy lòng an ủi với cảm giác An đang mỉm cười, với anh và con.

Miện lên năm tuổi thì đến trường. Sau khi tan học về nhà, Miện hay đến phòng vẽ tranh, mang những tấm tranh của cha ra ngắm. Trong đống tranh chồng chất nhiều đề tài ấy, nó lấy đúng ba tấm tranh trước kia An treo ở phòng khách ra ngắm nghía say mê.

dt_01_content-content

Ba bức tranh này, Thăng đã tháo xuống cất đi sau cái chết của vợ. Bà ngoại Miện kể cho Thăng nghe. Anh nghe lòng chùng xuống và hiểu Miện cảm nhận được người trong tranh là mẹ của mình.

Anh ôm con và ru con bằng một bài hát của Hạnh mà trước kia An rất thích. Miện bao giờ cũng ngủ dễ dàng khi nghe cha hát ru. Thăng, trong lúc ru con, thường có cảm giác ước muốn trở về một giấc mơ, dù hiện thực bao giờ cũng bảo anh rằng đấy là ảo ảnh.

Vào cuối hè năm Miện bảy tuổi, cơn nóng cuối mùa bắt đầu từ sườn núi phía Nam tỏa xuống làm cả một vạt không gian, từ chân núi đến sân ga hết sức oi bức.
Con Bi lừ đừ uể oải nằm trước cửa ra vào. Miện gọi, nó làm thinh. Miện nhớ nó điếc, nên đến trước mặt làm dấu. Nó không thèm đứng dậy như thường ngày.

Buổi trưa thấy con Bi lết ra sân, Miện rón rén theo sau thấy nó cào đất để ăn. Buổi chiều, Miện kể cho bà ngoại nghe. Bà nói:
- Con Bi sắp chết già. Chó mà ăn đất là sắp chết. Tội nghiệp! Nó đã sống với chúng ta hai mươi năm.

Hai ngày tiếp theo, con Bi không ăn uống gì, dù Miện đặt cơm nước trước mõm nó. Con Bi chỉ lết ra phía trước sân cạp đất, rồi sau đó lết trở về chỗ nằm.
Khi Thăng về nhà cuối tuần, nghe con kể, anh đến chỗ nằm của nó vuốt đầu, cầm hai chân trước nâng lên. Con Bi lờ đờ nhìn lại. Thăng hiểu nó sắp chết, anh an ủi con:
- Cha sẽ mua cho con một con Bi khác để con nuôi.

Miện lắc đầu rưng rưng nước mắt nói:
- Con không cần con chó Bi mới, con Bi già này là bạn của con mà. Cha hãy cứu nó đi!

Miện nói như An từng nói với anh ngày xưa. Anh hiểu, trong nhà này ai cũng cô đơn. Con Bi là bạn của hai thế hệ con người, nếu không kể mẹ của An. Con chó Bi già này không khác người vú trung thành của gia đình. Thế nên, khi phải chia lìa nhau, dù nó chỉ là con vật, là điều ai cũng đau lòng. Hôm nay nó sắp chết, và cái chết lần nữa minh chứng là điều không thể tránh khỏi với bất cứ sinh vật nào. Tình yêu thương, dù có nồng nàn bao la đến đâu, cũng không làm cho sinh vật thoát khỏi cái chết.

Không nói tiếng nào trước sự hấp hối của con Bi, bà ngoại Miện đi lấy một sợi dây cói, xâu chục đồng tiền kẽm, làm một cái túi vải nhỏ, đựng nắm gạo trộn muối, khâu vào sợi dây và buộc vào cổ con Bi rồi nói với Miện:
- Con đừng buồn, con Bi không thiếu gì đâu vì nó có tiền có cơm để ăn tiêu rồi.

Buổi trưa chủ nhật, con Bi chết. Miện khóc khi thấy cha cuộn xác con chó bằng chiếc chiếu mới, ôm trong tay, mang ra nghĩa trang. Thăng chôn con Bi bên cạnh mộ An.

Đắp nấm mộ nho nhỏ của con Bi xong, anh quay sang mộ vợ thì thầm:
- Con Bi hôm nay gặp em, nó sẽ nói với em rằng, anh, con và mẹ bao giờ cũng thương nhớ em.

Những ngày cuối tuần kế tiếp, Thăng về nhà mang quà bánh cho con thật nhiều, nhưng không làm khuây khỏa chút nào nỗi buồn của con gái.

Anh lang thang ra bờ sông, rồi sang bên ga xe lửa. Đến cây bàng, nhìn lá bàng vàng ửng trên cây và rải rác trên mặt đất, anh biết mùa thu lại trở về.
Chiều sân ga hoang vắng, làm Thăng nhớ bóng dáng con Bi lủi thủi theo An ngày nào, rồi hình ảnh nó nằm bên cạnh anh, nhai nhân quả bàng hay chạy lon ton đằng sau Miện.
Một cơn gió thổi đến bất chợt, cuốn tung lá bàng lên cao, rồi lác đác rơi xuống đất như vết chân người.

Nắng xuống chân đồi. Thăng bước nhanh về hướng ánh sáng đang ra đi, như sợ bị dìm vào bóng tối đang chầm chậm tiến đến đằng sau ga xe lửa.
Một ngày trôi qua thật nhanh.

***
Mùa hè năm đó, Miện học xong trung học, cha cô mang ba mươi tư tấm tranh vào Nam triển lãm.

Buổi sáng hôm nay, cô giúp cha mang tranh ra ga và tiễn cha lên đường. Tuần lễ trước, mỗi ngày, trong khi lựa chọn tranh, cô đều được nghe cha kể về mẹ và nỗi lòng của cha, khi vẽ những bức tranh mà mẹ làm mẫu.

Thăng đang nói với con về ba tấm tranh đang treo trong phòng Miện. Tấm tranh thứ nhất, An trên đường chiều ra bến sông. Vẽ toàn cảnh nhưng nổi bật điểm sáng của đôi mắt, diễn tả nụ cười trên khuôn mặt. Nắng chiều một nửa đồi núi phía sau.

Tấm tranh thứ nhì, An ngồi trên bến sông buổi sáng tháng chạp. Vẽ cận cảnh và trắc diện khuôn mặt. Đây là bức tranh Thăng cho rằng mình diễn tả hết tình cảm nhớ nhung đối với An, màu sắc tương phản hai phía trước sau khuôn mặt, như thể dằng kéo ước muốn tâm hồn. Anh vẽ hoàn toàn theo trí nhớ và nụ cười của An chỉ phảng phất, vì cô nhìn nghiêng.

Bức tranh thứ ba, An làm mẫu hai mươi phút. Đây là bức tranh hạnh phúc, vì thời gian này hai người yêu nhau. Những tảng màu nóng khéo léo đặt cạnh nhau tạo một không gian oi nồng mùa hạ, nền của một cô gái áo trắng ngồi nghiêng trên cỏ úa vàng, sau lưng An là dòng sông thời gian chảy chan hòa hạnh phúc nhờ vào nụ cười tươi vui của cô.

Miện mở to mắt nghe cha kể và cô nói với cha rằng, mình thường có giấc mơ và khi tỉnh giấc, lại nhớ từng chi tiết bức tranh mà cô có cảm giác đang ở trong không gian quen thuộc nào đó.
Giấc mơ ấy tuy lạ lùng, nhưng cảm giác thân quen ấm áp từng đến với cô. Cô thấy người đàn bà nghiêng mặt mỉm cười với tóc bay trong gió, nói chuyện với cô mà nội dung cô không nhớ rõ, nhưng cô quả quyết là mẹ của mình, chỉ khi cô ra khỏi giấc mơ.

Miện nói với cha:
- Con chỉ ao ước mình nói được tiếng “Mẹ” trong giấc mơ, nhưng hình như không bao giờ thốt ra được. Trong giấc mơ chan hòa niềm vui, hạnh phúc, mà khi tỉnh giấc, thấy rõ nỗi khao khát đọng lại trong lòng. Mẹ vẫn là hình bóng xa lạ trong giấc mơ của con. Con rất buồn.

Trong lúc xe lửa từ từ rời ga, Thăng đứng lên nhìn qua cửa sổ thấy con đưa tay vẫy chào. Anh nhìn khung cảnh sau lưng con, như thấy phần nền dĩ vãng của ba bức tranh, miêu tả một số phận, nhưng số phận này lại hóa thân vào nhiều cuộc đời với nhiều thăng trầm hệ lụy.

Ngồi trên xe lửa, Thăng nghĩ lời Miện nói hôm trước như tiếng vọng sắc màu âm thanh. Đó là ước mơ của Miện.

Nếu ngày hôm nay có một nụ cười nơi con anh, thì cũng chỉ là nụ cười buồn, dù Miện rất giống mẹ. Nụ cười buồn mùa hè ấy là phiên bản của một hạnh phúc có thật, nhưng đã mất tự bao giờ.
Chiếc xe lửa qua khúc quanh, Thăng nhìn chiếc bóng cô đơn của con nhỏ dần bên hai thanh ray đường sắt. Cây bàng cổ thụ càng xa càng giống bà ngoại Miện đang cho gà ăn. Thăng nhớ con từng nói với anh như thế, và anh tự hứa sẽ mua cho Miện một con chó con khi trở về nhà.

Tháng bảy-2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 20235:53 CH(Xem: 1432)
Pha không có nhu cầu đặc biệt nào với tiền, anh chỉ đơn giản làm những việc mà ai cũng phải làm khi trưởng thành là kiếm tiền.
05 Tháng Bảy 20234:50 CH(Xem: 1613)
Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...
30 Tháng Sáu 20235:43 CH(Xem: 1841)
Cao nhớ quang cảnh bên ngoài cửa sổ chuyến tàu xuyên Việt ba mươi sáu năm trước đưa anh đến Sài Gòn.
23 Tháng Sáu 20231:08 CH(Xem: 1128)
Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích, một khi người ta không còn muốn đọc nhau nữa.
21 Tháng Sáu 20233:26 CH(Xem: 1749)
Đêm dịu êm, nghe được cả tiếng chồi non động cựa sau vòm lá. Tiếng đàn ông cụ réo rắt vút lên Tôi đã gặp một chiều trên bến nước, ông lái đò ngồi đợi khách sang sông…
13 Tháng Sáu 20239:59 SA(Xem: 1654)
Tôi nhìn cái lọ Pénicilline trong veo một hồi lâu rồi bỏ vô giỏ xách.
08 Tháng Sáu 20233:35 CH(Xem: 1883)
So với bốn người – Paul, John, George và Ringo – thì Kiệt giống George nhất vì khuôn mặt xương xương.
02 Tháng Sáu 20235:10 CH(Xem: 1425)
Cơn mưa qua đi, trăng lại lọt sáng qua từng kẽ lá, Khải khe khẽ mở cửa, trở về căn gác trọ.
30 Tháng Năm 202312:58 CH(Xem: 1651)
Lần này là một cuộc chạy trốn.
30 Tháng Tư 202311:19 SA(Xem: 1468)
Chị đã nấp dưới khăn liệm để được ôm ấp chồng đêm cuối trên dương thế.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16817)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18833)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9027)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8127)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 453)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 821)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13901)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19088)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8394)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30590)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25369)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22814)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21616)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19674)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17966)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19150)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16826)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16016)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31811)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34843)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,