NGUYỄN VĨNH TIẾN - Phố dựng đứng

10 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 10321)
NGUYỄN VĨNH TIẾN - Phố dựng đứng


Tôi đứng giữa phố Sét tưởng như từ lâu lắm rồi. Con đường vắng tanh, dài hun hút 
như một giấc mơ không có đoạn kết. Những cây bàng và đêm, những chiếc lá xà cừ 
rụng. Hoa xà cừ nhỏ li ti, có nhiều bông đậu trên những xương lá bàng mục ruỗng. 
Gió đến, hoa xà cừ rụng đầy đường nhựa, nằm im lìm. Gió lại đến, có đám hoa tung 
lên, rồi tiếng những thân cây vặn mình...
Trẻ con từ phố Sét lớn lên, đi xa và mang theo những cái vặn mình đó. Tôi nói rằng 
đã về phố Sét như từ lâu lắm rồi, ấy là ám chỉ rằng tôi được sinh ra kiếp này tại phố 
Sét và nếu có kiếp sau, có lẽ cũng sẽ vẫn ở đây. Trong số những đứa trẻ con lớn lên 
và đi xa có tôi, thằng Huân và một vài đứa nữa …
Mặt đường, sau những cơn mưa rào lại trơ ra, và tôi đã liếm vào nó, sau cú tát như 
trời giáng vào mặt của thằng Miến. Cái vị mặn mặn của máu và thứ gió mảnh mai, 
luồn từ ngoài cánh đồng, lan trên mặt đường và lọt qua những kẽ răng. Tôi là kẻ yếu, 
đừng khóc... Nhưng sẽ chẳng phải sự thật nếu tôi không khóc, tôi đâu phải là một 
thanh niên can trường, tôi đang là một đứa trẻ con, mới có 10 tuổi. Tôi đã khóc như 
mưa như gió và vùng lên, tìm mọi cách chạy về nhà. Nhưng thằng Miến đâu có tha, 
chừng nào tôi chưa rúc vào cái quần đùi của nó, tôi còn chưa được về. Miến tiếp tục 
thụi vào mỏ ác tôi và lần này, tôi không khóc được nữa. Tôi đã gieo gió và bây giờ 
gặt bão. Thằng Khiên 8 tuổi, em của Miến đã phải rúc đầu vào trong cái quần đùi của 
tôi như thế nào, thì tôi phải bị trả giá đắt gấp năm, gấp mười lần như thế.Cuối cùng 
tôi đã chịu khuất phục, thằng Miến hai tay ôm lấy đầu tôi và nhét vào sâu trong cái 
quần đùi chun rộng của nó. Tôi chỉ kịp nhìn thấy cái chim của thằng Miến, thế rồi lịm 
đi, và mặt đường lại áp vào má tôi, gió thổi nhè nhẹ. Đêm, lá bàng xanh có cái rụng 
xuống, nghe loạt xoạt, có cái thủng lỗ chỗ nằm dấp dính miệng rãnh dường như đang 
cố gắng bay lên. Tôi đã đỡ đau nhưng muốn nằm thêm một chút, phố Sét giờ dựng 
đứng trước mặt. Cái cầu Trắng như hai cánh cửa mở toang để ai đó nếu hăng lên có 
thể bước lên trời. Cánh đồng như một tấm áo xanh, rách, bay phất phơ còn hai cây 
bàng và xà cừ thì thật kỳ lạ, chúng đang ngả lưng vào những mái nhà và díu vào 
nhau, trò truyện những cơn dài mãi mãi không thôi.
***
Tôi lại gặp Hoạt trong một cơn mưa, đường phố tắc nghẽn. Tôi nhận ra Hoạt nhờ cái 
sẹo nhỏ nằm sát cánh mũi. Hoạt đã khác xưa nhiều, béo, trắng hơn. Hai đứa quay xe 
đi tìm một quán nước để nói chuyện.
-Tâm này, bố thằng Miến chết rồi đấy !
Lại là thằng Miến, không hiểu sao, tôi luôn nhớ đến nó mỗi khi nhớ về phố Sét, nơi tôi 
ra đi gần ba mươi năm. Mọi tin tức về Miến vô tình đi theo tôi ngần ấy năm, Miến trở 
thành một cái sẹo trong tiềm thức. Tôi không ghét Miến cũng không quý mến gì Miến 
nhưng cứ mỗi lần nghe thêm một tin mới liên quan đến nó là người tôi cứ run lên.
-Ung thư gan, uống rượu nhiều, chết ở ngoài đường, nằm sấp mặt xuống đường 
nhựa - Hoạt kể...
***
Tôi rùng mình, cũng trong đêm ấy, tôi nghe ông Vân - bố thằng Miến hát :
.. qua ( í là) qua sông
người không (í là) không thấy đò
cho( í là) ta cho
mà lo (í là) lo thế nào
cùng thì một thấp (ối ối) một cao
mượn tay cây chuối mà hứng sao trên (à) giời...
Và băn khoăn về câu hát ấy mãi. Má tôi vẫn áp xuống đường nhựa mà sao tự dưng 
thấy lạnh lẽo ghê người. Tôi mười tuổi, tôi nhớ đến cái phản gỗ lót giấy xi măng ở 
nhà, tôi nhớ mùi chăn có một ít hơi rượu của bố. Tôi phải về nhà ngay lập tức, đêm 
đã quá khuya đâu, mới chỉ muộn hơn cái giờ ngủ của dân phố Sét đôi chút. Không 
ngờ rằng tôi phải bò, phải trườn, phải lết đi trong đêm hôm đó. Lúc bàn tay tôi chạm 
phải cánh cửa thì bên trong, con chó Li Li đã nhận ra chủ, nó hít hít, chồm lên, cào 
cào phía trong cửa và rên ư ử. Bố tôi dậy và tôi nghe thấy tiếng lê dép, còn cố ngoái 
nhìn con đường đêm hôm ấy lần cuối.
***
Chính tay tôi đã chôn con Li Li ngoài cánh đồng. Tôi ôm xác con chó nặng gần bằng 
tôi đi bập bõm men bờ ruộng. Chính giữa cánh đồng là một con ngòi nhỏ uốn éo. Xác 
thằng Cửu “ lác” chết đuối ở ngoài sông không hiểu sao lại biết đường mò về con 
ngòi này để nổi. Li Li chết là do ăn phải bả, tôi cũng đi đánh bả ở những xóm trên đồi 
cùng nhóm Miến, Huân, Hoạt... giờ nhận được kết cục này kể cũng phải cắn răng chịu 
vậy.
Tôi hỏi Miến :
- Mày đánh bả chết con Li Li nhà tao hả ?
Miến trả lời :
- Hỏi thằng Huân.
Tôi căm phẫn bỏ đi, tôi 12 tuổi, tôi làm gì có lòng can đảm để đánh nhau với Miến, và 
cũng chẳng có cách nào để thắng được nó cả. Con Li Li ngủ yên ở một góc nhỏ của 
cánh đồng, nơi cái cầu Trắng như hai cổng trời và nó nằm bên mép áo xanh, vá 
chằng chịt, bay phất phơ, quạt mát cho nỗi lòng của cậu chủ 12 tuổi.
***
Tôi hỏi Hoạt :
- Thế bây giờ làm ở đâu ?có hay gặp thằng Huân không ? mà tao nghe nói Huân lấy 
vợ rồi hả ? thế chuyện vợ con của mày ? nhưng mà thôi, phải lo xem tiền trong túi có 
bao nhiêu đã ! à, nhà tao chuyển rồi đấy, có rỗi thì đến chơi...
***
Không ai ngoài tôi biết thằng Sung là đứa bị Miến dìm chết, hồi phố Sét bị lụt. Năm 
đó, tôi mới 15, thằng Miến tròn 20 tuổi, nó thường dẫn gái vào trại chăn nuôi và rủ tôi 
đi cùng.Trại chăn nuôi nằm ngang cốt với cánh đồng nên khi nước ngập thì lợn bò đa 
số chết trôi, số sống sót ít ỏi được chuyển sang chỗ mới hình như cách thị xã 
khoảng ba cây số. Miến chặt được độ dăm cây chuối và kiếm được một ả điếm ngoài 
ga, thêm tôi nữa là ba cùng chèo chống chiếc bè chuối vào khu trại chăn nuôi.
Giữa trưa, trời vẫn sầm sì. Trại chăn nuôi bấy giờ nước ngập đến mái, chiếc bè chuối 
lách được vào trong mái, không hiểu sao về sau, tôi và thằng Miến không tài nào kéo 
chiếc bè ra được. Cô ấy già hơn mẹ tôi, khuôn mặt tỏ vẻ khiếp sợ trước hai đứa trẻ 
mới lớn. Tôi đứng nhìn thằng Miến lột quần áo cô ta và nhờ tôi cầm hộ, cả quần đùi 
của nó.Nó bắt tôi phải bám vào mấy thanh xà gồ leo về phía hồi nhà và quay mặt đi 
chỗ khác. Xong việc, nó gọi tôi lại hỏi :
- Có muốn thử không ?
Tôi đáp :
- Muốn !
Thằng Miến nói :
- Thế thì cởi quần ra, còn đứng đực mặt làm gì ?
Tôi chần chừ, tức thì cô ta vùng dậy, chiếc bè chuối chòng chành, tôi kịp ôm lấy một 
cái xà ngang.
Cô ta bảo Miến :
- Thôi đưa tiền chị về, thằng này bé quá
Tôi chưng hửng và đưa quần áo trả cho hai người. Cô ta mặc quần áo xong thì bỗng 
Miến thò tay xuống dưới bụng cô ta, túm lấy cái đũng quần :
- Ở lại chờ lần nữa, em vẫn còn tiền, thằng kia cũng còn tiền - Miến hất hàm sang 
phía tôi.
- Thôi, chị về, để lần khác, đang kẹt thế này.
Thằng Miến tức giận :
-Bà muốn về kiểu gì thì về, anh em tôi ở lại !
Với thái độ dứt khoát, cô ta tuồn ra phía ngoài dòng nước bơi vào bờ. Miến kinh 
ngạc :
- Con mụ này gớm thật !
Lúc ấy, trong bóng tối, có tiếng thằng Sung :
- A, tao thấy rồi nhá, bắt quả tang, tao về tao mách bố mẹ chúng mày.
Thằng Miến hốt hoảng, tôi cũng sợ. Chợt thấyMiến leo thoăn thoắt lên mái trại chăn 
nuôi, nó dỡ ngói và túm được Sung. Miến đấm đá túi bụi vào mặt, vào bụng rồi quẳng 
thằng Sung xuống nước. ấy thế mà vẫn chưa nguôi, Miến còn nhảy xuống nước dìm 
thằng Sung. Tôi chỉ nghe thấy tiếng nước ủng oảng một lúc thì thấy Miến ngoi lên, 
mặt xanh lét :
- Bỏ mẹ, chẳng thấy nó đâu…
Nước lên cao, chúng tôi không kéo được chiếc bè chuối ra nữa. Càng kéo càng sợ. 
Thằng Sung chết, bí mật này tôi tự biết không thể nói ra. Miến ngồi trên mái trại chăn 
nuôi, run lập cập. Tôi bảo :
-Chắc nó lặn một hơi về nhà nó rồi ?
Thằng Miến cười, mặt méo xệch :
- Thế mà tao cứ sợ mãi !
Nhưng vẫn không yên, thằng Miến lắp bắp :
- Nhưng nó có biết bơi đâu nhỉ ?
Tôi đáp bừa :
- Chả biết bơi là gì ?
Thằng Miến lẩm bẩm :
- ừ, nếu không biết bơi thì sao nó ra được đây ?
Tôi lại nói ( một câu dở hơi ) :
- Thế mày đánh nó có đau không ?
Lần này thì thằng Miến bật khóc, nó khóc to lắm.
Tôi bảo :
- Im đi, người ta đến đấy, chuồn thôi.
Thằng Miến câm bặt, nó nhìn tôi van nài :
- Mày đừng nói gì nhá !
Tôi bảo :
- Nói làm gì, về đi.
Thằng Miến cặp ngang người tôi bơi vào bờ. Lên đến cầu Trắng, chúng tôi nhìn lại 
phía trại chăn nuôi thấy những mái úp như những nấm mồ mà chân tay bủn rủn. Lúc 
ấy đã chiều muộn.
Đêm đó về tôi không tài nào ngủ được, chân tay run lẩy bẩy, người lạnh buốt . Tôi 
thoáng thấy bóng bố tôi chạy vào, rồi tôi khóc oà lên,ôm chặt lấy bố,sau đó lịm đi 
không hay biết gì nữa. Suốt hai tuần tôi sốt mê man, cứ tỉnh dậy là khóc. Cả nhà tôi 
đoán rằng nỗi sợ của tôi có liên quan gì đó đến cái chết của thằng Sung nên giấu kín 
tôi trong phòng ngủ của bố mẹ ở tầng hai. Tôi mơ thấy nước dâng lên cao ngập hết 
phố Sét, chúng bò ngang đầu gối, rồi tới bụng, cổ, sát tới miệng, nước ào lên và tôi 
cuống cuồng vùng vẫy trong dòng nước ngầu bọt. Tôi mơ thấy thằng Sung dắt con Li 
Li về và không thể ngờ rằng con Li Li lại chồm lên cắn tôi. Càng vùng vẫy, tôi càng bị 
sức nặng của con Li Li đè xuống, rồi lại nước, nước bò về như những con rắn màu 
trắng từ phía cầu, nước đuổi theo tôi lên tới đồi Trường Thịnh.Tôi mơ thấy một chiếc 
cối xay khổng lồ, bột trắng bắn tung toé...
Hôm đầu tiên hết sốt, tôi nghe thấy tiếng mẹ dưới nhà trả lời bác Hảo :
-Cháu nó bị sốt xuất huyết hơn tuần nay rồi.
***
Đám tang thằng Sung được tổ chức trong những ngày tôi mê man trong những giấc 
mơ khủng khiếp. Phúc ‘‘Rồ ” là người đầu tiên nhìn thấy thằng Sung bị treo ngược 
trên vì kèo gỗ dưới mái của trại chăn nuôi khi nước rút xuống. Phúc ‘‘Rồ” tả lại : 
“Hôm ấy trông nó to như con bê ”.Thằng Miến kể lại : “ Trông kinh lắm ”.Tôi rất ngỡ 
ngàng khi thấy thằng Miến có thái độ của kẻ ngoài cuộc. Tôi hỏi nó -giọng vẫn hơi 
run run - “ Thế hôm đám ma, mày có đến không ? ” Thằng Miến bỗng thất thần, nó 
không trả lời và tôi là đứa quay mặt đi trước, tôi sợ phải nhìn thấy những thứ tối tăm 
từ đôi mắt nó.
Đợi đến ba bốn ngày sau khi tôi khỏi bệnh, mẹ tôi mới gọi tôi lên nhà hỏi:
-Mẹ hỏi thật, con có biết tại sao thằng Sung chết không ?
Tôi cố gắng giữ một khuôn mặt thật bình thường, nhìn mẹ, lắc đầu.
Mẹ tôi nói tiếp :
-Đừng giấu mẹ, người ta thấy trên người thằng Sung có một vài vết tím, có phải con 
đánh nó không ?
Tôi đáp:
-Con đánh nó làm gì !
***
Thằng Miến đi lính, hai năm sau về phố Sét, tươi roi rói.Khi nhìn thấy tôi mặt nó tái đi. 
Tôi 17 tuổi. Giữa ánh mắt của tôi và thằng Miến có thằng Sung - sẽ luôn có thằng 
Sung -và thêm nữa, nếu Miến còn nhớ : một chiếc bè chuối chỉ chui vào mà không 
chui ra được. Miến về quê được hai tháng thì cưới vợ, cô bé tên là Thuận, bằng tuổi 
tôi.
Ông Vân bố thằng Miến lúc bấy giờ vẫn say, vẫn hát bài ca thuở nào :
...qua (í là) qua sông
người không (í là) không thấy đò
cho (í là) ta cho
mà lo (í là) lo thế nào
cùng thì một thấp (ối ối) một cao
mượn tay cây chuối mà hứng sao trên (à) giời...
Rõ là một bài hát bịa, vô duyên,vô lý, mà lâu ngày, dân phố Sét cũng thuộc. Hàng 
bàng xen lẫn vài cây xà cừ còn nguyên, chỉ có lá và cành là thay đổi chút ít.
***
Tôi gặp Thới - năm 17 tuổi. Năm ấy nước lên cao, không lụt, mặt đường chợt khô 
chợt ướt mà ướt chủ yếu do bước chân người. Trong đám cưới thằng Miến, Thới là 
người làm nhiệm vụ rót nước và mời thuốc, têm trầu. Tôi gọi Thới đến và bảo :
- Anh thích em lắm !
Thới đỏ mặt, lũ bạn tôi cười ầm lên, bảo rằng tôi trình diễn thành công cái màn “ Bẻ 
gãy sừng trâu “.
Thới có một thân thể mà tôi mơ ước được chạm vào, ôm ghì lấy - ước mơ rồ dại suốt 
từ năm 15 tuổi, ấy là tưởng tượng vớ vẩn chứ Thới nào coi tôi ra gì. Cô ấy chắc nghĩ 
tôi
“ Điên hết chỗ nói “. Phố Sét của tôi bấy giờ chẳng khác gì phố của những hồn ma : 
thằng bạn, con Li Li,cánh cổng trời và tà áo xanh vá chằng chịt gió thổi, nước và lúa…
Thằng Miến mặt tươi roi rói, giới thiệu cô Thới với tôi :
- Đây là cô Thới, em họ bà xã
và vẫn mặt tươi roi rói, giới thiệu về tôi :
- Đây là anh Tâm, chàng trai can đảm số một ở phố Sét đấy !
“Can đảm’’, tôi suýt nữa phá lên cười vì lời khen ngu ngốc của thằng Miến. Nếu được 
gắn trên ngực hai chữ “Can đảm ’’ thì tôi sẽ đấm một trái giữa mặt thằng Miến ngay 
trong đám cưới của nó. Nhưng thôi, đây không phải là lúc để giận dữ, đây là dịp để 
tôi làm quen với Thới.
Thới đâu biết tôi nghĩ gì, tôi mười bảy tuổi và Thới cũng mười bảy tuổi. Gái làng gặp 
trai phố và Thới nói trước :
- Gái hơn hai trai hơn một đấy nhé !
Tôi cười, cúi đầu, tà áo xanh ngọc quê mùa của Thới đã lấp mắt tôi. Tôi nhớ đến cánh 
đồng. ý định ôm chầm Thới và xiết thật mạnh đã tiêu tan, tôi nói với Thới :
- Em có cái áo đẹp thật đấy !
Thới cười, cái khoé miệng cô thật đẹp, thật duyên. Tôi nhớ đến vị ngọt của thanh 
mật. Thới bảo :
- Thế Tâm định hăm mấy cưới vợ ?
Tôi đã nhập tâm với câu hỏi của Thới, hỏi lại :
-Thế Thới có muốn lấy người bằng tuổi không ?
Thới đáp :
- Dại lắm !
Tôi cười. Phố Sét của tôi ngày nào sẽ là của Thới đây. Bao giờ tôi sẽ kể về cảm giác 
áp má lên mặt đường và nhìn thấy tất cả dựng đứng lên như thế nào. Bao giờ Thới sẽ 
được nghe những lời ông Vân hát lúc say, buồn bã, bí hiểm, lê thê… đâu biết câu hát 
sẽ về đâu ?
***
Cả lứa đó ở phố Sét, có mỗi mình tôi thi đỗ đại học. Miến sau khi lấy vợ, bỏ đi theo 
bọn gấu ở ga lên Yên Bái đào vàng. Tiễn tôi đi học có thằng Huân, thằng Hoạt và cô 
Nhung “ nhớ thương”.
Nhung “ nhớ thương” bằng tuổi tôi nhưng nổi tiếng yêu sớm, năm mười lăm tuổi cô 
đã đi theo một anh chàng ra bờ sông suốt đêm ngoài bãi bồi. Huân trắng trẻo, tính 
hiền như con gái, thuận tay trái,và có tài ném đá rất xa. Còn Hoạt khi đó, đen như củ 
súng, rất hay chêu chọc lũ con gái và có lần bị Nhung “ nhớ thương” cào rách hết 
mặt mày vì dám cả gan lợi dụng đêm đen ngoài cầu Trắng “ tì sơ ” ả.
Huân nói :
- Mày đi trước, năm sau tao đi.
Trông Huân buồn bã ra mặt. Tôi hiểu rằng Huân nói là làm được.
Còn Hoạt, đứng cạnh Nhung chỉ nhe răng cười. Ngôn ngữ của tôi và Hoạt là vật nhau 
và kẹo bột, thứ kẹo to và giòn, nằm trong lọ bột trắng thơm luôn là phần thưởng rất 
hấp dẫn cho kẻ thắng cuộc.
Tôi thường xuyên thắng Hoạt vì mỗi lần vật nhau, tôi cố gắng tưởng tượng rằng đối 
thủ của tôi chính là thằng Miến. Đêm hôm trước khi đi, tôi nằm thao thức, cố gắng 
dỏng tai đợi nghe tiếng hát của ông Vân nhưng chẳng thấy. Chỉ nghe tiếng gió hun 
hút thổi từ phía sông qua phố Sét rồi tút lên đồi Trường Thịnh. Nhà cũ của tôi nằm ở 
đó. Mộ ông bà tôi nằm ở phía Tây ngọn đồi. Từ ngày ông bà mất, ngôi nhà gần như 
bỏ hoang, mãi về sau này, một bà già ăn xin hình như tên là Sứ đến xin ở nhờ, vừa 
trông nom nhà cửa vừa vun trồng ngọn rau củ sắn kiếm bữa qua ngày. Bố mẹ tôi 
đồng ý, còn tôi cứ thấy tiêng tiếc. Hồi ấy, tôi đã muốn được sống một mình trên ngọn 
đồi Trường Thịnh, mỗi buổi sáng được hít những làn khí thơm mát, được ngắm toàn 
cảnh khu phố Sét, dòng sông, cánh đồng. Và không thể cưỡng được, trong cái đêm 
vắng lặng ấy, tôi đã ra khỏi nhà và theo con đường tắt đi lên đồi.
***
Đột nhiên, bố tôi đòi về phố Sét. Bố giải thích rằng bố không còn đủ sức để chịu 
đựng nữa, bố nói rằng muốn được về chăm sóc mảnh vườn hoang và ngôi nhà bỏ 
trống trên đồi TrườngThịnh.
Ý định của bố làm vợ chồng tôi hết sức luống cuống. Kể từ ngày mẹ tôi mất, bố uống 
rượu nhiều và gầy rộc đi. Hình ảnh của bố khiến tôi nhớ đến ông Vân và nối với nhịp 
liên tưởng dằng dặc đó vẫn là thằng Miến, mụ đàn bà ngoài ga và cái chết vô nghĩa 
của thằng Sung.
Vợ tôi nói :
- Thôi bố đã hơn bảy mươi tuổi rồi, cố gắng chiều bố anh ạ.
Tôi giật mình nhìn vợ, đó là vợ tôi chứ không phải cô Thới ngày xưa.
***
Và đó là cái đêm cuối cùng tôi nhìn thấy Miến. Đợi khi bố ngủ ngon trong ngôi nhà 
trên đồi Trường Thịnh, tôi mới lần mò theo con đường tắt xuống khu phố Sét.Đi 
ngang qua khu trại chăn nuôi, tôi rùng mình khi nghĩ đến thằng Sung. Những chuồng 
trại lúp xúp bị bỏ quên mấy chục năm, giờ nằm im lìm dưới ánh trăng xanh tai tái. Tôi 
định quay đầu nhìn chỗ khác nhưng không kịp nữa, ánh mắt tôi đã chạm phải cái nhà 
to nhất nằm giữa khu trại, chính chỗ này, nỗi ám ảnh đã đằng đẵng theo tôi hơn ba 
mươi năm. Tôi chưa bao giờ dám bước chân trở lại phía trong ngôi nhà này, để tận 
mắt trông thấy cái vì kèo đã treo ngược thằng Sung như thế nào. Thì đêm nay đây, tôi 
có dám bước chân vào đó không ?
Không, tôi không cần phải vào đó, tôi không có lỗi trong cái chết của thằng Sung. 
“Sung ơi, mày công nhận cho tao đi, tao đã già rồi, mày phải công nhận để cho tao 
thanh thản chứ, tao ngờ rằng mày vẫn thù tao, mày đã gọi bố tao về đây để chịu tội 
hộ tao phải không, nhưng tao cóc sợ, tao không có lỗi gì hết, bố tao chưa bao giờ 
cho rằng tao vô tội trong cái chết của mày nhưng bố tao cũng không cần phải biết 
thằng Miến là thủ phạm. Sẽ chẳng ai biết được điều đó kể cả khi thằng Miến bị đá xô 
từ trên núi xuống. Tao thấy nó chết vô lý lắm, có phải là mày gây ra điều đó không ? 
Năm ấy, nó mới hai sáu tuổi, chưa có một đứa con nào, nếu là mày thì thật tồi tệ. Tao 
không sợ, không sợ mày một chút nào Sung ạ”
“Thằng Miến kia, nó đang đi vật vờ ngoài cầu Trắng, ồ lạ quá Sung ạ, nó chỉ già gấp 
đôi mày thôi, còn tao, tao lại già gấp đôi nó”
“Nó đi rất chậm mà tao không thể đuổi theo kịp, hay là tao nhầm, thằng Miến đã chết 
rồi cơ mà?”
“Nó chết vì đá trên núi xô xuống, nó đã chết thật rồi, tại sao tao vẫn nhìn thấy nó ủ rũ 
đi giữa cầu Trắng kia !”
Tôi đứng giữa phố Sét tưởng như từ lâu lắm rồi. Con đường vắng tanh, dài hun hút 
như một giấc mơ không có đoạn kết…
Hà Nội , ngày 9/9/1998.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 9)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 276)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 233)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 154)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 589)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 446)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 621)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 550)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 416)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 568)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16808)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12043)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18825)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9021)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8117)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 446)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 816)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1016)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22337)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13896)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19084)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7778)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8691)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8389)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10934)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30586)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25362)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21611)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19667)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17960)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16822)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24369)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31805)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34840)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,