TRẦN THU MIÊN - Giữ Lại Cho Em Vầng Trăng Tháng 9

07 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 6970)
TRẦN THU MIÊN - Giữ Lại Cho Em Vầng Trăng Tháng 9

 

 Về các bạn VNSB

Tháng 9 mùa Thu. Mùa trở lại sân trường với cúc vàng, cúc tím rực rỡ ven đường. Tôi đã quanh quẩn trong nhiều sân đại học 40 năm rồi, và mỗi mùa khai giảng đều khơi động những xôn xao chờ đợi bâng khuâng trong lòng. Thuở sinh viên, xôn xao chờ đợi lớp học mới và bạn bè cũ mới. Khi đi dạy học, đến mùa khai giảng mình cũng chờ lớp học mới, sinh viên mới, và đồng nghiệp cũ mới. Nhiều khi còn bâng khuâng nhớ bạn bè cũ, sinh viên cũ hay đồng nghiệp cũ. Nhưng từ vài năm nay, mùa khai giảng đã khơi thêm lên trong hồn tôi cảm giác mong chờ mới: Đó là sự chờ đợi ngày khai giảng chương trình tiếng Việt cho học sinh Mỹ gốc Việt tại St. Bernadette, Randolph, bang Massachusetts, Hoa kỳ.

Là người ly hương biệt xứ, tôi vẫn nhủ lòng, quê hương bây giờ chính là ngôn ngữ mẹ và cô thầy dạy mình thời thơ ấu. Vì thế mỗi khi nghe một ca khúc Việt Nam lòng mình bỗng gần gũi như đang được bơi lội trong dòng sông ven làng xưa. Mỗi Chủ Nhật đến nhà thờ nghe tiếng cầu kinh, nghe các giọng hát Thánh Ca tiếng Việt là mỗi lần tôi được hít thở không khí quê hương cho trái tim biệt xứ lưu lạc được đập lại nhịp điệu quê hương. Mỗi khi nghe tiếng chào hỏi của người Việt quanh mình là mỗi lần tôi được sống giữa lòng quê hương dù ở những góc phố, con đường hay phương trời xa lạ. Sáu năm qua, tôi đã tìm được quê hương trong chương trinh Việt Ngữ tại Randolph, Mass. Bởi vậy, bây giờ cứ đến tháng 9, khi mùa Thu cựa mình là lòng tôi cũng nao nức hồi hộp chờ ngày khai giảng các lớp tiếng Việt cho tuổi thơ Mỹ gốc Việt quanh nơi tôi đang sinh sống.

Tôi cũng như nhiều phụ huynh Việt Nam trong cộng đồng ly hương vẫn ưu tư về mối liên hệ của con em mình với cội nguồn Việt Nam. Vì vậy, việc tìm được cho con em nơi sinh hoạt để chúng có cơ hội phát triển căn cước Việt thật là khó; nhất là ở những nơi thưa thớt đồng hương. Triết lý giáo dục “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” có lẽ rất đúng cho trường hợp trẻ em Mỹ gốc Việt phát triển kiến thức văn hoá và căn tính Việt Nam. Vì ngôn ngữ, cuối cùng, vẫn là chìa khoá để mở ngưỡng cửa văn hoá của các dân tộc. Dĩ nhiên chẳng có gì tuyệt đối, nhưng mình vẫn mong rằng các con mình khi lớn lên dù ở đâu, làm gì, vẫn còn một chút Việt Nam trong trái tim, trong ký ức. 

Sáu năm qua, tôi may mắn được sinh hoạt với cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Ly Hương Tỵ Nạn tại thị xã Randolph, nhất là được sinh hoạt với chương trình dạy tiếng Việt Nam có tên “Việt Ngữ St. Bernadette (VNSB).” Chương trình này được giáo xứ St. Bernadette và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam bảo trợ. Dù vậy, ban giáo viên và học sinh không hoàn toàn là người Công Giáo. Chương trình thu nhận học sinh không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc. Những ai chưa từng có tiền án đều có thể tham gia làm thiện nguyện từ dạy học đến trợ tá, và mọi người từ 18 tuổi trở lên phải theo học một buổi học (khoảng 3 tiếng giờ) về cách bảo vệ trẻ em nhất là nạn ấu dục. Học sinh đóng tiền rất tượng trưng, nếu tính theo giờ, tiền học khoảng $3.00 một giờ, mỗi tuần học 2 giờ, một năm học 40 giờ. Gia đình nào đông con được giảm học phí. Gia đình nào không khả năng đóng học phí, con em học miễn phí. Học sinh không phải trả tiền sách vở và được ăn giải lao mỗi lớp học. Nhân viên của chương trình hoàn toàn thiện nguyện, làm việc không thù lao. Học phí dùng mua sách và mua thực phẩm giải lao cho học sinh. Số còn lại nộp cho giáo xứ để góp chút đỉnh trang trải tiền điện, tiền sưởi mùa đông, và bảo trì các dụng cụ giáo dục như máy vi tính. Tôi được biết có nhiều chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác vẫn trả thù lao cho giáo viên. Các bạn tôi và tôi không nhận thù lao vật chất, nhưng ngược lại chúng tôi được nhận vô số những niềm vui quanh đàn trẻ thơ gốc Việt cố gắng tập nói tiếng Việt dù rất ngượng ngọng trên môi.

Mùa khai giảng chương trình Việt Ngữ nào, tôi cũng nao nao hồi hộp vì lo: Không biết các bạn tôi, các cô thầy, còn trở lại dạy học năm nay, hay ai cũng nghỉ vì mệt mỏi hoặc bận rộn với việc làm mới? Học sinh còn muốn đi học tiếng Việt nữa không? Và các cô/thầy còn muốn tổ chức Trung Thu cho học sinh Việt Ngữ và thiếu niên gốc Việt quanh vùng như năm ngoái? Bởi vậy, trong suốt mùa hè mỗi khi nhận được điện thư hay điện thoại của các bạn, chưa mở ra đọc, hay chưa nghe chào nhau tôi đã lo là bạn báo tin sẽ nghỉ sinh hoạt với chương trình Việt Ngữ.

Người ta có thể cho tôi là kẻ vô công rỗi nghề không còn chuyện gì hay hơn để làm nên lo lắng chuyện chẳng đi đến đâu. Nhưng tôi nghĩ, các bạn tôi và tôi đã tham gia chương trình Việt Ngữ vì mọi người tin rằng việc tạo ra môi trường sinh hoạt văn hoá cho thiếu nhi gốc Việt có cơ hội gần lại với cội nguồn Việt là một nhu cầu quan trọng. Chính vì thế dù ai trong chúng tôi cũng còn quá bận rộn với gia đình, và nặng nợ sinh nhai, nhưng cố vượt qua trở ngại bản thân và gia đình để tham gia, góp tay xây dựng cộng đoàn người Việt Ly Hương quanh thị xã Randolph; nhất là vào thời điểm tình đồng hương càng ngày càng bị lung lay sa sút ở khắp các cộng đồng người Việt Hải Ngoại.

Thay Đổi Trong Mùa Khai Giảng Mới. Các L.M. Công Giáo phục vụ các giáo xứ, theo nhiệm kỳ được địa phận chỉ định, đến khi hết nhiệm kỳ thì được bài sai nhận giáo xứ mới. Tháng 6 vừa qua, L.M. Nguyễn Tuấn Linh, cha sở của St. Bernadette đã được chuyển đến giáo xứ mới. Việc cha ra đi gây nhiều hoang mang cho cộng đoàn. Nhiều giáo dân thắc mắc, không biết vị linh mục mới là người Mỹ hay Việt Nam. Có những tin đồn thất thiệt như một L.M. được đào tạo tại Việt Nam sẽ đến phục vụ sau khi cha Linh đi. Tin đồn này làm nhiều người e ngại vì gần đây việc các tu sĩ Phật Giáo từ Việt Nam sang Hoa Kỳ trụ trì các chùa Việt Nam đang gây ra nhiều nghi vấn cho Phật Tử tỵ nạn. Tại sao? Thưa nhiều người đã nghĩ rằng các tu sĩ Phật Giáo, nhất là các vị sinh ra và trưởng thành trong xã hội vô thần miền Bắc đã được giáo dục ngay từ nhỏ về chủ thuyết vô thần và đã được nhồi sộ tôn vinh những lãnh tụ Cộng Sản qua sách giáo khoa hay tuyên truyền thì làm sao có thể giảng dạy Phật Pháp tinh ròng được? Có những ngôi chùa ở Việt Nam đã dương ảnh ông Hồ lên trong chánh điện. Vì vậy, nhiều giáo dân Công Giáo, nhất là người tỵ nạn Cộng Sản, vẫn còn e ngại các L.M. “quốc doanh” như các Phật Tử đang hoài nghi thiện chí các nhà sư “quốc doanh.” Sự thuyên chuyển của cha Linh đã tạo ra một hụt hẫng không nhỏ cho giáo dân Việt Nam tại Randolph. Câu hỏi cha nào sẽ thay cha Linh chỉ được trả lời khoảng một tuần trước khi giáo xứ tổ chức chia tay cha. Có người hỏi tôi, sang năm còn lớp tiếng Việt không? Tôi chỉ có thể trả lời, “Tuỳ vào cha xứ mới.” Có người còn hỏi, “Ông có tính đi theo cha Linh không?”

“Mình đi nhà Thờ vì mình tin Chúa, chứ không phải vì tin linh mục. Cha nào cũng được, miễn là đạo đức và tử tế với giáo dân.” Tôi trả lời không cần suy nghĩ.

“Nhưng gặp L.M. không biết điều thì sao?”

“Đừng lo, chuỵện gì cũng có giải pháp chính đáng nếu ta thành tâm.”

Cuối cùng thì tin L.M. quản nhiệm mới được thông tin. Cha Anthony Lê Hoàng, một người không xa lạ gì với giáo dân Boston và Randolph. Cha vừa đến thì tôi cũng sửa soạn đi xa nên không có dịp trình bày sinh hoạt của chương trình Việt Ngữ. Tuy nhiên, cha vẫn tiếp tục cho phép chương trình được sinh hoạt.

Năm nay, chúng tôi cho ghi danh và khai giảng luôn một lần để L.M. Quản Nhiệm mới, Anthony Lê Hoàng, gặp học sinh và phụ huynh, nhất là những người thuộc các tôn giáo khác Công Giáo. Ngày ghi danh khai giảng, dù thiếu tổ chức kỹ lưỡng, đã rất tốt đẹp. L.M. Quản Nhiệm nhấn mạnh về sự quan trọng của việc học tiếng Việt bằng một thông điệp đơn giản gửi phụ huynh, “Các sinh hoạt tôn giáo bằng tiếng Việt Nam sẽ không còn nếu con em chúng ta không biết tiếng Việt.” Đúng vậy, các nhà thờ hay nhà chùa Việt Nam tại hải ngoại sẽ dần dà bị đóng cửa khi giáo dân hay tín đồ không còn nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, hay tâm linh bằng tiếng Việt. Trong buổi họp trước ngày khai giảng, các bạn tôi đã quyết định tổ chức Trung Thu. Tôi trình bày quyết định của ban Việt Ngữ lên L.M. Quản Nhiệm và ban Mục Vụ Việt Nam và đã được chấp thuận kể cả việc mua thức ăn đãi học sinh, phụ huynh và khách.

Số học sinh đến trường ngày đầu tiên là 102 em. Theo kinh nghiệm, còn một số em sẽ ghi danh và đi học trong vài tuần tới. Tôi gửi thông tin cho mọi người xin kiên nhẫn và rộng lượng với phụ huynh, vì lý do riêng, sẽ ghi danh cho con em đi học trễ. Có những phụ huynh đến cả nửa năm học vẫn còn mang con đến trường xin học. Tôi đã xin các bạn tôi đừng từ chối em nào dù ghi danh quá trễ. Cứ để cho các em đi học dù một ngày cũng được. Chúng ta chỉ mong cội nguồn Việt Nam thoáng qua hồn các em như cơn gió nhẹ cũng đủ để lại chút Việt Nam trong ký ức.

Trung Thu Randolph 2015. Tôi vẫn nghĩ, đa số người Việt tại Hoa Kỳ nay đã trở thành công dân và hấu hết học sinh là công dân Mỹ từ lúc sinh ra đời thì chúng ta phải biến Trung Thu thành một lễ hội cho mọi sắc dân Hoa Kỳ. Đấy cũng là cách chúng ta đóng góp tích cực làm phong phú văn hoá Hoa Kỳ, cũng là văn hoá mới của chúng ta.

Việc lên chương trình thì dễ nhưng thực hiện được chương trình không đơn giản. Nói kiểu ông bà mình là mọi dự tính và việc làm phải có thiên thời-địa lợi- nhân hoà. Không đạt ba yếu tố này là hỏng chuyện từ phôi thai. Làm sao quyết định được thời tiết đây? Dù các bạn tôi nhiệt tình và giáo xứ St. Bernadette có địa điểm rất tốt để tổ chức Trung Thu, nhưng tháng 9 còn trong mùa bão tố của Đại Tây Dương. Trời có thể mưa bão bất ngờ. Trung Thu mà tổ chức trong hội trường thì thiếu bóng vầng trăng làm sao các em cầm lồng đèn đi rước? Năm nay chúng tôi tổ chức Trung Thu vào tối thứ Sáu, nên hơi lo vì phụ huynh, mệt mỏi sau tuần lao động, biết còn sức đưa con đi dự Trung Thu? Nhiều giáo viên trong chương trình Việt Ngữ kể cả tôi và các phụ huynh không ở Randolph nên việc di chuyển đúng giờ chiều thứ Sáu cũng là trở ngại đáng kể. Có lúc tôi chỉ xin trời khô ráo đêm Trung Thu dù ít người tham dự ũng được. Là kẻ rất khô đạo, nhưng nhiều lúc, tôi bất chợt cầu Chúa đừng làm mưa đêm Trung Thu.

Sửa Soạn Lồng Đèn. Nếu bắt học sinh làm lồng đèn hay xin phụ huynh mua lồng đèn cho con em mang theo rước đèn tối Trung Thu có lẽ chỉ được vài em mang đến. Đơn giản thôi vì lồng đèn không được bày bán ngoài chợ hay cửa tiệm như những mặt hàng Holloween hay Giáng Sinh tại Hoa Kỳ. Cô Huyền và một số cô giáo phải lùng mua trên Mạng hay vài cửa tiệm chuyên bán các mặt hàng lạ hay trái mùa. Vì tránh hoả hoạn nên lồng đèn phải được trang bị điện thỏi (battery, bin). Các lồng đèn giấy khi mua về phải được xếp lại và gắn điện thỏi vào đáy của đèn. Việc làm này cần kiên nhẫn vì cẩu thả đèn sẽ bị rách. Tôi là người hay bận tâm về chi tiết vì cách làm việc thiếu hoạch định rõ ràng nên đã hỏi cô Huyền nhiều lần.

“Mình có bao nhiêu lồng đèn?”

“Khoảng 300.”

“Nhỡ thiếu thì sao?” Tôi hỏi vậy nhưng ám chỉ xin cô mua thêm, nhưng cô quả quyết là dư rồi.

“Bằng ấy cái dư rồi, năm ngoái cũng dư mà.”

Nghe cô ấy bảo thế, tôi đành im lặng. Là người dày kinh nghiệm vâng lời phụ nữ; ngày bé tôi vâng lời mẹ, lấy vợ vâng lời vợ, đi làm cũng phải theo ý kiến phụ nữ từ cấp trên xuống cấp dưới, và dĩ diên trong các sinh hoạt cộng đồng thì cũng phải nghe lời phụ nữ. Không nghe lời phụ nữ việc sẽ thất bại dễ dàng. Nếu ai bảo tôi “sợ vợ” thì chẳng có gì sai cả. Đã có lúc trong bàn nhậu tôi từng tuyên bố với các bạn tôi, “Sợ vợ là một nhân đức.” Và nhân đức là lẽ phải, vậy ta cần thi hành thường xuyên.

Tối thứ Năm, các bạn tôi vừa đi làm về là phải vội vã lo cơm tối cho gia đình rồi đến hội trường nhà xứ sửa soạn lồng đèn. Tuy bận rội, nhưng đúng bảy giờ tối, mọi người đến đông đủ. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ những lồng đèn giấy đủ màu đã được xếp thành hình và trang bị những thỏi điện sẵn sàng để được bật sáng cho thiếu nhi cầm rước đèn Trung Thu tối mai. Tôi nhìn ánh mắt chân tình của các bạn tôi lúc họ chăm chú xếp lòng đèn và cảm được tấm lòng và thiện chí của họ. Dường như ai cũng quên đi ngay những mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả khi nhìn thấy những lồng đèn được xếp thành hình. Đúng như ý lời thơ bất hủ của vị thánh tu sĩ Francis, “Khi dâng hiến là khi ta được nhận.” Các bạn tôi đã cho tôi chia sẻ niềm hạnh phúc qua việc xếp lồng đèn cho thiếu nhi vui chơi Trung Thu. 

Muốn tổ chức Trung Thu ngoài trời cần có sân khấu. Tôi điện thoại anh Nguyễn Trung, một người rất khéo tay và nhiều tài năng, nhờ anh thiết kế sân khấu ngoài trời. Bạn tôi nhận lời ngay không đặt vấn đề. Vì là người không có khiếu thiết kế nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của anh, không dám cho ý kiến hay đề nghị. Lúc còn trẻ tôi đã đi làm thợ phụ cho ông Robert, một người Mỹ tốt bụng có cơ sở xây cất và sửa nhà ở Missisippi, nhưng chỉ được khiêng vác chứ không cưa, đục, hay đóng đinh. Lý do đơn giản, sau hai tháng học nghề, một lần tôi được giao nhiệm vụ đóng đinh những miếng nẹp gỗ lót sàn nhà của một căn phòng ngôi nhà cũ cần tân trang lại, căn phòng này là nơi chủ nhà để máy giặt và chứa đồ linh tinh. Sàn nhà của nhiều căn nhà, nằm ven bờ vịnh Mễ Tây Cơ , Misssissippi, được nâng cao trên mặt đất để tránh mưa lụt. Căn phòng không lớn nhưng một người thợ giỏi chắc cũng phải tốn cả buổi sáng đế làm. Ông Robert giao tôi nhiệm vụ rồi bỏ đi vì phải đến trông coi việc làm của nhóm thợ đang sửa một căn nhà khác. Tôi vừa hút thuốc lá vừa đóng đinh vừa nghêu ngao hát lung tung và thấy việc đóng đinh sao dễ quá, đóng đinh nào cũng dễ dàng thẳng tắp. Chỉ trong vòng hai tiếng giờ tôi đã đóng xong hết nhưng miếng nẹp gổ xuống sàn nhà. Vì những miếng gỗ đã được ông Robert tính kỹ và chính xác nên khi xếp sát cạnh nhau, chưa cần đóng đinh cũng đủ cho người bước lên có cảm giác vững chãi an toàn. Xong việc sớm, tôi ra gốc cây bên sân nhà ngồi hút thuốc thả khói nhìn chim bay. Lúc nghe tiếng xe ông Robert, tôi vội vàng đứng lên chờ ông đến để khoe việc mình làm. Ông bò vào dưới sàn nhà vài phút, đứng dậy nhìn tôi, cổ và mặt ông đỏ lên tỏ vẻ tức giận, nhưng ông vẫn chậm rãi nói một cách rất nhân từ.

“Trần, cháu chui dưới sàn nhà xem lại hộ bác.”

“Vâng.” Tôi trả lời và nằm xuống đất bò vào dưới sàn nhà theo lời ông. Khi nằm ngửa mặt lên nhìn, tôi há hốc miệng kinh ngạc vì những chiếc đinh tôi đóng nhẹ nhàng mau lẹ đã trật hết ra ngoài những xà ngang của sàn. Dường như chắng cái đinh nào được đóng đúng vị trí.

“Xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi.” Tôi đứng lên nhìn ông Robert lẩm bẩm như người đang thú tội. Ông bắt tôi nhổ hết đinh lên và từ hôm ấy tôi lại tiếp tục việc khiêng vác cho đến ngày xin nghỉ vì tìm được việc làm ở thư viện đại học và nhận được tiền chính phủ trợ cấp cho sinh viên nghèo. Tôi kể lại chuyện này để chứng minh rằng việc thiết kế sân khấu Trung Thu ngoài trời chỉ là chuyện nhỏ với anh Trung, nhưng là việc tôi không thể làm được.

Trong nhóm, vì anh chị Bình-Giang có xe Truck nên cô Giang đã phải tranh thủ rời sở làm về sớm để giúp anh Trung chở dụng cụ và vật liệu đến ráp nối sân khấu. Cũng như năm ngoái, năm nay sân khấu được trang hoàng rất nghệ thuật và thu hút. Không ai có thể tưởng tượng ra rằng cả một công trình nghệ thuật này đã được anh Trung hoàn tất trong 2 tiếng giờ với sự phụ giúp của anh chị em chương trình Việt Ngữ và quý vị ban Mục Vụ Việt Nam. Ca Trưởng Phong, sau một ngày lao động mệt nhọc, đã vội vã mang các trụ đèn đến để rọi sáng cho cả sân khấu và sân biểu diễn võ thuật. Anh làm việc này không phải cho các con anh vì họ đã trưởng thành, nhưng vì lòng yêu mến cộng đoàn. Tôi phải ngả mũ vài lần để khâm phục anh TC Luận, dù thân hình rong rỏng gầy, đã hì hục một mình khiêng giàn âm thanh nặng nề đến ráp nối cho sân khấu ngoài trời. Anh làm việc chăm chú nhưng vẫn tươi cười bên những cái loa nặng nề và đống giây điện rối reng. Hình như bao giờ cũng vậy, dù vội vã đến đâu, cuối cùng thì mọi chuyện cũng được ổn định vài phút trước giờ khai mạc. Từ ngày L.M. Quản Nhiệm, Anthony Lê Hoàng về phục vụ giáo xứ này, cha đã coi việc đúng giờ là tối quan trọng và tuyên bố rằng sẽ bắt đầu các Thánh Lễ đúng giờ dù chỉ có một vài người đến. Điều này làm nhiều giáo dân bức xúc lúc đầu, nhưng dần dà bà con cũng quen. Bởi vậy, chương trình Trung Thu năm nay chúng tôi cũng phải khai mạc đúng 6:00 như đã thông báo. Chúng tôi dành 45 phút đầu của chương trình cho các em, phụ huynh, và khách ăn lót dạ trước khi chính thức khai mạc chương trình ngoài trời.

Món ăn chơi tết Trung Thu là bánh mì xúc xích-hot dogs do nhóm các bà người Mỹ trong ban tiếp tân giáo xứ phụ trách. Tôi đã nhờ bà trưởng nhóm, Mrs. Jackson, một cô giáo về hưu, lo sửa soạn và phân phát bánh mì xúc xích cho tiệc Trung Thu. Bà vui vẻ đồng ý rất nhiệt tình và hứa sẽ làm 400 bánh mì xúc xích vì theo kinh nghiệm các năm trước có em và cả người lớn sẵn sàng “xơi” hai ba cái ngon lành.

Chúng tôi dự trù chỉ khoảng 200 đến 300 người tham dự vì tổ chức vào chiều thứ Sáu, lúc giao thông cao độ, và nhiều phu huynh có cơ sở “Thẩm Mỹ Móng Tay” nên bận rộn. Tiệc Trung Thu gồm hai phần, ăn chơi và ăn tối. Các món ăn tối gồm cơm chiên, mì xào, và chả giò. Các món ăn Việt Nam do cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đài thọ. Bánh Trung Thu được gia đình anh chị Thanh-Phụng nướng tại nhà tặng. Chị mang đến khoảng 150 bánh lớn để dễ chia thành 4 miếng cho mọi người thưởng thức trước khi chia tay. Tôi không mê ăn bánh Trung Thu có lẽ ngày bé ở quê nghèo không có bánh Trung Thu nên lớn lên không biết thưởng thức. Ngoài bánh Trung Thu cô Phụng cho, các bà nhóm Tiếp Tân cũng tự nướng bánh ngọt mang đến đãi thiếu nhi. Như vậy tiệc Trung Thu hoàn toàn miễn phí vì L.M. Quản Nhiệm và các vị lãnh đạo cộng đoàn coi việc tổ chức Tết Trung Thu là việc quan trọng. Việc làm này biểu tỏ sự quan tâm các vị dành cho tuổi thơ Mỹ-Việt trong cộng đồng. Khoảng sáu giờ có hơn 100 em và phụ huynh đã có mặt, khi chương trình ngoài trời khai mạc, con số lên xấp xỉ 300, và cứ thỉnh thoảng lại có thêm vài xe mang con em đến. Sân đậu xe đã chật kín.

Lý ra chúng tôi phải có một chương trình văn nghệ do các em học sinh và thiếu nhi biểu diễn, nhưng các em vừa bắt đầu năm học còn bận làm quen với cô thầy và môn học mới nên việc đi học tiếng Việt cuối tuần là gánh nặng cho nhiều em kể cả phụ huynh. Cũng may tại Boston và thị xã Randolph có hai trường huấn luyện võ cho thiếu niên gốc Việt rất hay, cả hại vị võ sư, Tấn Nhật Bích, võ đường Bình Định Boston, và võ sư, Huỳnh Trí, võ đường Vô Vi Nam Randolph đã sẵn sàng mang võ sinh đến biểu diễn võ thuật Việt Nam trong chương trình.

Anh Hùng, một giáo chức thuộc bộ giáo dục công lập Boston và là giáo viên thiện nguyện của chương trình Việt Ngữ, trong y phục của một ông đồ nho, làm MC cho chương trình. Cô Kim-Vy cũng là cô giáo trường công lập Boston và là người huấn luyện và trông coi đội múa chương trình Việt Ngữ điều hợp thi y phục và lồng đèn. Hình như chỉ một mình cô giáo Thịnh mặc áo dài làm nhiều người tưởng có thi áo dài cho người lớn. Có lẽ vì vài học sinh lớp cô ghi danh thi áo dài nên cô cũng diện áo dài làm gương. Tôi chỉ sợ ít em ghi danh thi y phục và lồng đèn nên ngay từ lúc người đến còn thưa thớt đã hối thúc Cô Linda và cô Quỳnh Giao tìm học sinh ghi danh thi càng nhiều càng vui. Chúng tôi đã sửa soạn sẵn 12 giải thưởng tiền mặt, nếu không có em nào dự thi thì đương nhiên là buồn lắm. Tôi chỉ kể qua vài chi tiết về sinh hoạt của chương trình Việt Ngữ và nhắc tên vài người tượng trưng để chứng minh những tấm lòng nhiệt tình vì tuổi thơ Mỹ gốc Việt và vì cộng đồng Việt Nam ly hương của các bạn tôi.

Cuối tháng 9, trời bắt đầu tối sớm nên khoảng 7:00 trăng đã xuất hiện và chương trình Trung Thu ngoài trời cũng được khai mạc như dự tính. Có lúc, đứng nhìn các em và phụ huynh nói cười vui vẻ dưới ánh trăng bàng bạc tôi thấy thương tuổi thơ thế hệ tôi ngày xưa thời chinh chiến. Và thương cho nhiều trẻ em ở đồng quê hẻo lánh Việt Nam ngày nay, vẫn chưa có được một Trung Thu vui chơi với kẹo bánh ê hề như Trung Thu Randolph tối nay.

Các võ sinh của hai võ đường đã cống hiến những màn nhào lộn, múa quạt quyền, côn quyền, và đao quyền rất sôi nổi và hồi hộp, có những cú đã kẹp cổ nhau của võ sinh Vô Vi Nam, hay đấu gậy, đấu gươm của võ sinh Bình Định đã làm bà con tròn mắt đứng tim. Các thiếu nhi và thiếu niên trong cộng đoàn tham dự thi y phục và lồng đèn rất hào hứng. Trong lúc các em lên sân khấu trình diễn y phục và lồng đèn, trăng đã vằng vặc sáng giữa bầu trời đầu Thu quang đãng. Các cô thầy Việt Ngữ đã sửa soạn sẵn lồng đèn để các em cầm đi rước. Những lồng đèn sáng lên trong bóng tối như những con mắt trẻ thơ mở to long lanh hạnh phúc.

Rước đèn ven đường phố trong đêm tối có vẻ thiếu an toàn nên tôi đã nhờ anh Tuấn mang theo đèn điện sáng để hướng dẫn. Đoàn rước đèn Trung Thu được con Lân của Võ Thuật Bình Định dẫn đầu đi bên lề đường phố chính của thành phố. Các em cầm đèn đi vui nhộn nhưng đoàn rước không trống kèn inh ỏi vì sợ làm mất trật tự lưu thông và phiền dân cư ở hai ven đường. Con Lân dẫn đoàn rước đèn trở lại hội trường để các em nghe cô Tâm và anh Hùng giải thích ý nghĩa văn hoá của Trung Thu và kể huyền thoại về chú Cuội-chị Hằng. Ngay sau đó là tiệc Trung Thu. Các em và khách dùng cơm tối rồi thưởng thức bánh Trung Thu tươi thơm tinh khiết. Chúng tôi dự đoán tối đa là 300 người tham dự như năm ngoái, nên chỉ sửa soạn thức ăn Việt Nam đủ cho 300 phần ăn. Năm ngoái dù 300 người tham dự, nhưng cuối cùng còn dư thức ăn, nhất là bánh mì xúc xích. Cô Huyền nghĩ năm nay cũng vậy, ai ngờ khi đoàn rước đèn đi vào hội trường, chúng tôi mới chưng hửng là số người quá đông. Tất cả bàn ghế trong hội trường được mang ra sử dụng, vậy mà một số người vẫn phải đứng. Hơn 400 người tham dự thì đương nhiên không đủ thức ăn. May quá, buổi chiều cô Uyên-Sa đã linh tính có thể thiếu thực phẩm nên vội vàng mua thêm trái cây vào giờ chót để thêm một món. Tôi xin quí bà nhóm tiếp tân mang hết xúc xích và bánh mì ra đãi các em và khách vì các món ăn Việt Nam đã được chiếu cố quá nhanh. Cuối cùng thì cũng vừa đủ thức ăn không còn dư cho khách mang về như năm ngoái. Mặc dù có thiếu thức ăn thì mọi người ai nấy, nhất là các em, cũng đã no đủ niềm vui Trung Thu đêm nay.

Sau khi mọi người ra về, các bạn tôi ai cũng đói bụng và mệt. Nhưng chỉ biết nhìn nhau cười vui. Cả buổi chiều ai cũng bận rộn lo cho thiếu nhi và khách nên không ai có giờ ăn tối, vả lại cũng chẳng còn gì để ăn. Tôi phải vội vã về vì đứa con trai có chương trình sinh hoạt tại trường học. Lúc tôi đang sửa soạn đi, cô Q Giao hỏi “Sao không ở lại ăn mì gói?” Tôi tưởng cô đùa, nhưng các bạn tôi đã tìm mì gói trong bếp hội trường và ở lại ăn tết Trung Thu với những hộp mì suông. Có lẽ đó là những hộp mì ăn liền ngon tuyệt vời vì các bạn tôi ăn trong lúc đói và vui. Niềm vui bao giờ cũng làm cho những gì tầm thường trở nên quý hoá và đáng nhớ.

Lái xe về một mình giữa đêm trăng tháng 9, lòng mình ngây ngây niềm vui khó diễn tả. Như vậy là mình có thêm mùa Trung Thu đẹp. Trăng vẫn sáng và tiếng nói cười nô đùa của tuổi thơ Mỹ Việt vẫn vang lên giữa đêm Thu chốn này. Buổi trưa, có người bạn ở xa điện thoại thăm. Anh hỏi tôi, “Tối thứ Sáu làm gì?” Tôi trả lời bận phụ chương trình Trung Thu cho thiếu nhi và học sinh Việt Ngữ. Anh cười khan qua điện thoại.

“Sao hay làm chuyện vớ vẩn thế? Chuyện lớn không làm.”

“Chuyện gì lớn?” Tôi trả lời.

“Chuyện đất nước quê hương.” Anh khẳng định.

Tôi chỉ cười ruồi rồi lảng sang chuyện khác. Với tôi, thật ra bây giờ quê hương là cộng đoàn người Việt ly hương ở quanh tôi. Mình chỉ mong làm được gì, dù nhỏ bé tầm thường, cho thế hệ con cháu có cơ hội bám vào cội nguồn Việt. Chỉ như vậy thôi cũng đã khó rồi. Việc đại sự xin dành cho những ai có khả năng và chí lớn hơn mình. Thôi thì mình hãy nhận vầng trăng nơi đây như vầng trăng cố hương. Việc các bạn tôi và tôi có thể làm bây giờ là giữ cho vầng trăng cổ tích Việt Nam sáng mãi trong tâm hồn tuổi thơ Mỹ-Việt.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 270)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 339)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 341)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 545)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 541)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 394)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 815)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 674)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 811)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 727)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 621)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 993)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1182)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22474)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,