TRẦN BẢO ĐỊNH - Cái tên hồi nhỏ

26 Tháng Mười 201610:36 SA(Xem: 5005)
TRẦN BẢO ĐỊNH - Cái tên hồi nhỏ

1.

Lạ là, gần một hai trăng trở lại đây, nó thường thức giấc lúc nửa đêm và mỗi lần thức giấc như vậy, nó hay nghĩ về cái thời thơ ấu khoái trần truồng chạy long nhong tắm trong mưa, đạp bong bóng nước.

Người đời quen miệng, nói: ''Cha sanh, mẹ đẻ''. Có lẽ, cái thời cha sanh nó nhằm lúc Phát-xít Nhật đang rơi vào thời nguy khốn và, cái khắc cha sanh nó ngay lúc mẹ thăng hoa. Chín tháng, mười ngày sau, mẹ đẻ! Đẻ vào buổi nắng thu ngả chiều, năm Giáp Thân (1944). Nó lồm cồm bò ra cửa đời, kéo sợi dây nhau lòng thòng theo cuống rún bởi, mẹ đẻ rớt, không có mụ đỡ và cha thì, vắng nhà! Mẹ nói: ''Mẹ mừng húm khi thấy con cặt. Vì, con cặt chắc mẻm là con trai, mà con trai thì,... trời ơi! Cha sẽ cười và vui nhảy cửng!''. Nhưng rồi, mẹ hết hồn mất vía, khi thấy thằng con nín thinh, không la không khóc. Mẹ phát hoảng, ráng nắm hai cẳng chổng ngược thằng con lên và vỗ tay vào mông cho nó ói nhớt, bật tiếng khóc chào đời!

*
Hồi đó, xóm nó có câu nói thiệu, nhại từ một câu sấm: ''Mười đứa chết bảy, còn ba/ Chết hai còn một, mới ra ... con người''(!?). Nghĩa là, không biết cái xóm mắc ông bà ông vãi gì, mà con nít chết láng địa...Gái hay trai, ngoài tên chữ thôi thì, không nói. Tên tục, đứa nào cũng như đứa nào, đều mang cái tên khi gọi, nghe mắc cười muốn chết!

- Cặt ơi! Có dì Bảy sang chơi, nè con!

Nghe tiếng mẹ kêu, tôi buông cục đạn đất bắn lọt lỗ, chạy ù vô nhà.

- Tui đã nói chị rồi, thằng nhỏ ngon tiền vầy, bộ hết tên đặt sao chị đặt nó tên Cặt?

Dì Bảy cằn nhằn trách móc, mẹ tôi cười:

- Thì, cha nó với ông bà nội đặt tên, chớ chị đâu có đặt mà dì cự nự!

Cặt ngả vào lòng dì Bảy, cười hồn nhiên của cái tuổi hồn nhiên vừa bước qua ba cái vá tóc trên đầu. Dì Bảy ôm nó, nựng hai má và vỗ mông đít.

- Đi học, có đứa nào kêu tên con, ghẹo chọc không?

- Trời đất! Đâu có đứa nào kêu tên nhau mà ghẹo chọc. Trong lớp con, nhóc đứa tên Cặt!!

Dì Bảy cắt ngang, hỏi:

- Nhóc đứa là, mấy đứa?

Cặt đếm lóng tay, tính thầm:

- Dạ! Tám đứa, thưa dì! Chưa cộng vô hai đứa con gái cũng có tên Cặt.

- Vậy là, một chục tính mười?

Dứt lời, dì xô nó ra; rồi ôm bụng cười như nắc nẻ...



2.

Nắng lang thang bên kia sông!

Cặt cùng mấy đứa bạn đồng trang lứa trong xóm, hát nghêu ngao trên đường đi học về.

- Cặt ơi! Mẹ luộc mấy củ mì chín hổi trong nồi, vô bếp lấy ăn đỡ đói, đi con!

Mẹ nó quần vo sát háng, lội sình nhổ rau bồng bồng để mần dưa Tết.

Nó máng cái cặp bàng lên vách lá, lột áo.

- Mẹ ơi! Con nhảy xuống phụ mẹ nhổ bồng bồng nghen!

- Thì, con ăn cái đã!

- Lát nữa, mẹ con mình cùng ăn!

Tháng chạp mả, quê nó buồn khôn tả. Trời ít nắng, nhiều mây và mỗi chiều, dường như mây thấp hơn vì chở sương. Gió chướng, có lẽ làm mẹ nó không thể giấu được nỗi nhớ chồng. Nó từng lặng lẽ nhìn lén những hạt nước mắt của mẹ rơi âm thầm trong đêm, lúc mà mẹ tưởng rằng thằng Cặt đã ngủ! Nếu ai đó cất tiếng hò sông nước, mang hàm ý: ''Muốn đoàn tụ phải chuẩn bị phân ly'' thì với mẹ con nó, đã phân ly từ lâu lắm rồi, cần chi chuẩn bị(?).
Chiến tranh, người làng về xứ chạp mả ngày một thưa dần. Mẹ con nó và những bà con xóm giềng còn ở nán lại bám đất thường rủ nhau đi chạp mả, dù mả lạ hay quen.

Vùng xôi đậu, đất da beo. Dân sống đu dây giữa hai làn đạn: ''Đêm đàng mình, ngày đàng họ'', mà đàng nào rồi cũng khổ. Mình và họ có gì khác nhau. Lật đít lên, không thằng trong xóm thì cũng thằng trong làng; không thằng Cặt thì cũng thằng Dái... Không con chị Sáu thì cũng cháu thím Ba... Những bà mẹ chọn những cái tên tục xấu nhứt trong cõi nhân gian để đặt tên con, không có nghĩa những bà mẹ đó vô tâm, chẳng biết lựa tên đẹp đặt tên con. Bởi, bà mẹ nào mà chẳng giống nhau: ''Mong con mình được sống''!

Đặt tên con xấu, lòng cầu có thể lừa ma quỷ, thần thánh không bắt chết con. Nhưng, mẹ nào ngờ và nghĩ đến chiến tranh, dẫu con mẹ có tên đẹp hay xấu đều không thể lừa được đạn bom. Và, những người bạn trong xóm của Cặt cứ mỏng dần, mỏng dần theo từng mùa tiệp màu thời gian chết chóc.

*
Cây rơm nghiêng trăng mười sáu, cánh đồng sáng vằng vặc trăng. Mẹ ngủ nóp, Cặt chui vô đống rơm. Tiếng dế kêu khàn giọng, chẳng nghe tiếng côn trùng nào sẵn lòng đáp lại. Vì, vô cảm hay vì, không còn biết tin ai giữa thời nhiễu nhương, tao loạn?

- Mẹ ơi! Thầy sửa tên con!

Méc với mẹ mà lẽ ra, nó méc với mẹ từ hồi ăn bữa cơm chiều.

Mẹ mở nóp, ló đầu ra ngoài, hỏi:

- Thầy sửa hồi nào? Mà sửa mần sao?

- Thầy nói Cặc ''xê'', chớ không phải Cặt ''tê''!

Tình thiệt, nó méc thiệt với mẹ; nghe sao nói vậy!

- Con nhớ, chữ ''xê''(c) nó ngắn hơn chữ ''tê''( t ). Viết chữ ''tê'' là ước muốn cặt dài cho nó chắc ăn. Cha con đã thích vậy, thì con cứ để vậy!
Cuộc đời dài ngắn khó lường. Lúc thắng cần chuẩn bị khi thua, ''An cư tư nguy'' chăng? Nó nhớ hoài điều mẹ nói.

Rồi, cái xóm nghèo nằm bên bờ sông Bảo Định không còn ai nghèo, do cái nghèo được người trong xóm mang đi tản cư khắp bốn phương. Bom đã làm biến dạng xóm, vắng tênh!



3.

- Trời ơi! Anh Cặt còn sống, mấy đứa bây ơi!

Năm Bẹn nhổ giò trổ mả, lớn chồng nhồng. Mừng quá, hóa ra quên mắc cỡ. Vừa chạy vừa la làng, nhảy phốc một cái đeo dính lưng nó. Cả đám bạn trong xóm hồi nhỏ vui buồn chơi với nhau, chạy túa ra sân níu kéo.

- Mấy đứa buông ra, kẻo nó chết ngộp bây giờ!

Chú Năm đứng ở hiên hàng ba, rầy dội xuống sân. Đứa ngắt, đứa nhéo... ê ẩm cả mình, nhưng thiệt tình tôi vui sướng muốn chết!

- Chiến tranh tự nó kết liễu. Hòa bình, buông súng trở về xóm nhỏ cầm cày mần ruộng. Tau tính vậy, còn mầy tính sao, thằng Cặt?

Lời bộc trực, chú Năm nói huỵch toẹt với nó.

- Thằng nhỏ đi xa mới về, ông để cháu nó bụng no rồi muốn nói gì thì nói!

Thím Năm ''kỳ đà cản mũi'' chú!

*
Trên miếng gò biền thí cuối xóm, dưới táng cây trâm bầu xanh mượt che chắn mưa nắng, buổi chiều chầm chậm qua.

- Mẹ ơi! Cặt, con của mẹ đã về!

Nó quỳ ôm nấm mộ, đầu gục lên núm mồ. Nền trời màu ngọc bích, những cánh cò bay bỏ đồng thêu đường chỉ trắng phau, như màu trắng chiếc khăn tang quấn quanh đầu thằng Cặt.

Sau chiến tranh, ở quê thằng Cặt, chẳng có chuyện ''kẻ vui, người buồn''; mà chỉ có chuyện tất cả đều vui, tất cả cùng buồn. Cặt hỏi chú Năm vì sao? Chú Năm nói:

- Đều vui vì, yên tiếng súng! Cùng buồn vì, gia đình nào cũng thiếu vắng những đứa con! Ruột rà mà con, dù ''đàng mình hay đàng họ'' cũng là người trong xóm trong làng, chớ có lạ lẫm gì đâu.

Cặt cắn môi, cố ngăn nước mắt đương chực trào ra khóe. Nhưng, cái cắn môi đó, chưa đủ sức ngăn nước mắt trào theo niềm vui, nỗi buồn cho mình và cho chòm xóm.

Cặt bật khóc!

Chú Năm im lặng và lắng nghe tiếng khóc của đứa cháu từ cuộc rong chơi chơi trò bắn giết ở chiến trường về. Tiếng khóc của chiến binh bao giờ, cũng là tiếng khóc thiệt thà và sau tiếng khóc, là sự bình thản(?).

- Mẹ ơi! Cặt, con của mẹ đã về...

Cặt của mẹ sống sót quay về chốn cũ, còn chín Cặt khác trong đó, có hai Cặt gái đã nằm rải rác phương nào chẳng ai biết. Sau ngày hòa bình, những bà mẹ nơi cái xóm nghèo khó, cứ chạy đôn chạy đáo tìm con.

Lúc Cặt trưởng thành, đêm cuối cùng trong mái nhà tranh trước khi cha dẫn Cặt đi xa. Mẹ Cặt nói với con, rằng:

- Mẹ đặt tên xấu cho con, là những mong con được sống trước cái tốt đã bị nhân danh. Vả lại, tránh kỵ húy vua quan, phạm húy trong tộc họ. Ở đời, ''làm người thì khó, làm chó thì dễ''; mẹ chọn làm chó để che giữ chất người. Con thương mà hiểu cho mẹ!

- Cặt là cặt, chớ cặt nào biến ra cái chi khác mà mặc cảm hay xấu hổ, hở mẹ! Con thương mẹ!

Dù con dao thời gian đã cắt cứa tâm hồn, Cặt vẫn không hề hấn chi đến những vết cắt cứa, nó không quên điều mẹ nói:

- Họ còn thay đổi, thì sá gì một cái tên? Thay họ, đổi tên vì, sợ liên lụy tới mấy cái án ''tru di tam tộc'', hạng dân dã như mình mần sao thấu được!

Nhớ cái đêm đó, chú Năm qua nhà tiễn Cặt và uống rượu thầm với cha. Chú góp lời:

- Con cặt không thuộc bộ phận vô cơ mà là, bộ phận hữu cơ gắn liền số phận với con người. Nhưng rồi, con người có lúc tham lam, hốt trọn ổ vô cơ, hữu cơ vào chung con cặt; thành thử con cặt có một thời rực rỡ được tôn thờ, là Thần Linga!

Đêm tịch mịch đầy tâm cảm và linh cảm ngày mai, chưa chắc trùng phùng!

Côn trùng ngoài vườn kêu ra rả, tiếng chú Năm đều đều:

- Cặt đích thực tổ tông con người, không có cặt, đố có con người. Và, chính cặt hứng bao hàm oan cay đắng, thậm chí bẩn thỉu. Con người thường lau mép đổ thừa, lấy con cặt thế thân khi con người đối xử với con người còn thua cả con thú. Gặp chuyện bí bầu, gặp cơn hụt hơi bơi sông, gặp việc lôi thôi nhầy nhụa... Con người trưng và quát tháo: ''Cái con cặt! Con cặt tau!...''. Sao con người chẳng dám trưng cái bản mặt của mình ra mà quát tháo: ''Cái con người! Con người tau!...'' Thiệt là hết chỗ nói!

Mẹ nói lớn để át tiếng gió đang xô giạt căn nhà trống hoách.

- Con người dùng con cặt che giấu, lấp liếm điều xằng bậy với đồng loại; nghĩa là, còn biết xấu hổ thì họ cũng còn một chút gì đó là người. Vậy, thôi cũng tạm được, chú Năm!

Trong bóng đêm, mẹ bưng nồi cháo cá mà hồi chiều mẹ con đã bắt ở ngọn rạch Bà Tàu đãi mọi người và tiễn núm ruột của mình ra đi theo cha nó.

Rồi, thằng Cặt đi biền biệt. Người mẹ chờ con đến tàn hơi!



4

Bây giờ, nhiều người muốn Cặt đổi tên, một cái tên đẹp, rất thơ và rất lãng mạn; hoặc giả, mang tên núi tên sông thể hiện tấm lòng thương dân thương nước... Dùng mỹ miều che điều xấu xa, bỉ ổi! Cặt nhẹ nhàng mà dứt khoát từ chối. Có bề trên khuyên:

- Nhiều người, có nghĩa là số đông của tập thể, muốn cậu đổi tên Cặt ra một cái tên khác cho dễ nghe hơn!

Thấy Cặt mỉm cười, bề trên nghiêm sắc mặt.

- Cậu nên nhớ: ''thiểu số phục tùng đa số''!

- Đâu phải đa số lúc nào cũng đúng, thưa thủ trưởng!

*
Bà con chòm xóm giúp Cặt dựng lại mái nhà xưa trên nền đất cũ, cái nơi Cặt ''lồm cồm bò ra cửa đời, kéo sợi dây nhau lòng thòng theo cuống rún''.

Thắp nén nhang chở nhớ, gửi thương về cha mẹ nơi cõi xa, nó không quên lời mẹ dặn:

- Cặt không thấy cặt mới là cặt, nghen con của mẹ!

*
Cặt đứng tần ngần nhìn mây chiều cõng sương qua bến nước...

TBĐ




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 248)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 313)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 322)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 533)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 516)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 375)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 799)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 660)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 785)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 699)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12248)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18971)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8320)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 600)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 971)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1155)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13983)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7885)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8805)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8495)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11052)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30704)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20812)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25500)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19778)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19247)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16109)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31943)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34929)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,