TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG - Huyết Vũ

06 Tháng Bảy 20179:52 SA(Xem: 5624)
TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG - Huyết Vũ

(Viết cho Q và Đ)

Lúc này bên ngoài đang mưa, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn qua khung kính chỉ thầy nhờ nhờ một màu đỏ khé. Q đang chăm chú vẽ. Suốt tuần nay Q dường như chả quan tâm đến chuyện gì ngoài việc chúi đầu vào sáng tạo.

- Bằng mọi giá tao phải kiến thiết nên một kiệt tác bất hủ. Tao suy nghĩ mấy tháng nay rồi, chỉ có thiết kế lại thành phố này mới xứng đáng gọi là kỳ tích. Còn chú mày nữa, chả nhẽ cứ ru rú sống vậy sao, phải làm cái gì đó kinh thiên động địa chứ?

Tôi im lặng, nhắm mắt nghe tiếng mưa rơi xuống mái ngói.

“Tại sao mưa nơi thành phố này lại có màu đỏ anh nhỉ?”

“Những chốn khác người ta sống bằng cơ thể loài thượng đẳng, máu nóng và não nhiều nếp nhăn. còn ở đây là thành phố của loài thực vật, bởi vì máu của chúng ta đã hóa thành những giọt Huyết Vũ kia”.

Q dừng bút ngước lên, tôi cũng chẳng rõ anh đang nhìn mưa hay nhìn tôi, cũng có thể anh đang nhìn vào cõi mơ hồ nào đó, hai mắt vằn lên những tia máu, sắc lạnh và xanh biếc.

Bên ngoài mưa mỗi lúc một dữ dội, mái ngói cũ những cụm rêu mưa xối nát bét như vết thương bị banh ra, dòng nước đỏ theo rãnh ngói chảy xuống đường. Cả khu phố chìm trong biển máu. Tôi đưa tay qua cửa, những giọt nước nhỏ lên bàn tay tôi như kim chích, buốt nhói tận tâm can. Trước mắt tôi tất cả như nhòe nhoẹt đi, những tiềm thức từ thuở xa xôi nào đó ùa về rần rật náo động trong trí não tôi, đầu óc tôi bỗng choáng váng, mắt tôi hoa lên. Tôi chìm vào cơn hôn mê. Bên ngoài mưa sôi lên sùng sục, như nồi máu đang tăng lên ngàn độ. Q vẫn chúi đầu vào vẽ, năm đầu ngón tay Q như năm chiếc dương vật bị lột da, nhơm nhớp máu.

“Thành công rồi, cuối cùng tao cũng thành công rồi, này Đ, ngày mai tao sẽ đưa mày ra ngoại ô câu cá, đã đến lúc tao sống chuỗi ngày thanh thản rồi”. Q hét lên, anh nhảy như một tên điên.

Không nghe tiếng tôi đáp, Q vội chạy lại, bàn tay Q vừa chạm vào người tôi đã nhũn ra ngã luôn xuống nền nhà.

*
“Đây là căn bệnh lạ, chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, có thể cuộc sống u uất đã tạo nên nó”.

“Không thể nào, mười mấy năm nay gia đình chúng tôi chưa từng bỏ bê thằng bé, bao giờ chúng tôi cũng dành sự chăm sóc lớn nhất cho nó”.

Tôi nằm trên giường bệnh, hai mắt nhắm nghiền, loáng thoáng những âm thanh trao đổi giữa cha tôi và tay bác sỹ. Tôi muốn mở mắt ra nhưng không thể, có vẻ như lúc này toàn thân tôi đã biến thành loài thực vật.

“Có khi vì nó bị đẻ rơi nên bây giờ trở nên như thế!”

Tiếng mẹ tôi lành lạnh.

“Thằng bé bị đẻ rơi sao? Trong hoàn cảnh nào vậy?”

Tiếng tay bác sỹ.

“À hôm đó tôi cùng cô ấy đi chùa dâng hương, trên đường xuống dốc cô ấy đã sinh thằng bé dưới gốc cây bồ đề” Cha tôi nói.

“Ồ vậy ra thằng bé này có duyên với nhà phật”. Tay bác sỹ thốt lên đầy ngạc nhiên.

Tiếng bước chân rời phòng xa dần rồi im hẳn. Căn phòng trở nên vắng tanh như nhà mồ. Tôi nằm im để mặc tâm trí trôi vô hướng, bên ngoài hình như trời lại mưa.

Lần đó giới doanh nhân của thành phố tổ chức hội nghị. Sáng sớm mẹ đã lên cơn đau bụng, mẹ muốn vào viện nhi nhưng cha tôi ngăn lại, cha nói bằng mọi giá mẹ phải đi theo cha đến hội nghị. Hôm đó trời mưa, cơn mưa trong vắt như pha lê, cơn mưa cuối mùa xuân.

Trên đường đi, mẹ liên tục ôm bụng, người tài xế hỏi ý cha tôi nên quay xe đưa mẹ tôi vào viện hay không, cha tôi nhìn đồng hồ, xua tay bảo tài xế chạy tiếp.

Cuối cùng cũng đến nơi diễn ra hội nghị, mẹ tôi mệt mỏi bước xuống xe. Nước lênh láng mặt sân. Mẹ thận trọng di chuyển từng bước. Từ trong bụng mẹ, bản năng nguyên thủy trỗi dậy, tôi bức bối quẫy đạp đòi thoát ra khỏi sự giam cầm, cơn đau thốc lên tận não, mẹ chới với ngã xuống, máu từ tử cung mẹ tuôn ra xối xả, người tài xế tái mặt hét lên, cha tôi ngoảnh lại nhìn, dửng dưng ra lệnh cho người tài xế đỡ mẹ dậy, nhưng không còn kịp nữa.

Theo sự tuôn trào của máu, tôi văng ra khỏi cơ thể mẹ. Mẹ tôi ngất lịm đi. Tiếng khóc của tôi như tiếng mèo kêu trong đêm…

*
Tôi cắm đầu chạy mãi, con đường trước mặt trải dài dường như vô tận. Bầu trời đậm đặc một màn Vân Huyết. Tuổi thơ bình yên toe miệng cười trước mặt tôi đầy vẻ khiêu khích, tôi giơ cánh tay gầy guộc cố chạm vào nó, càng cố nó càng trở nên mơ hồ xa vời.

“Đừng chơi với nó, nó là quái thai đấy”

“Mẹ tớ nói nó được sinh ra từ máu, nó là ác quỷ”

Tôi ngồi thu lu nơi góc sân trường dưới gốc cây trụi lá, từng đợt gió mùa đông như dao khứa, bọn nhóc chỉ trỏ tôi, hả hê buông những lời cay nghiệt.

Tôi không giận chúng, những lời của chúng đều do cha mẹ chúng bày dạy. Trong con mắt của mọi người nơi thành phố này, tôi không phải là người.

Sau lần sinh tôi tử cung mẹ bị tổn thương trầm trọng, dạ con biến dạng, bác sỹ kết luận mẹ không còn có thể thực hiện thiên chức thiêng liêng của người đàn bà.

“Mày đừng quan tâm đến miệng lưỡi thiên hạ, lời lẽ của con người còn độc hơn cả nọc rắn rết”, Q thường nói với tôi như vậy.

Q hơn tôi mười hai tuổi, Q trải qua một tuổi thơ đầy bình yên và tươi sáng, sống một cuộc sống êm đềm trong vòng tay gia đình và những kẻ xung quanh. Cha mẹ tôi lấy nhau khi cả hai đang học đại học, mẹ con nhà nghèo, gia đình cha thuộc tầng lớp đại gia. Q là kết quả của mối tình sống thử. Ra trường cha được thừa kế công ty và số tài sản kếch sù ông nội tôi để lại. Trong vòng chưa đến năm năm, với khả năng nhanh nhạy, cha đã đưa công ty gia đình lên tầm cao vượt qua những doanh nhân kỳ cựu. Sự ra đời của Q khiến cha vui bao nhiêu thì sự có mặt của tôi trên cõi trần thế này gây cho cha ức chế bấy nhiêu.

Trong con mắt của ông, tôi như không tồn tại, hay vẫn tồn tại nhưng như một thứ phế phẩm của tạo hóa. Hai cha con tôi cùng thở chung một bầu không khí, thế nhưng mỗi lần thấy mặt tôi cha lại tỏ thái độ như đang phải hít thứ mùi ô uế. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa một lần được ông bồng bế. Tôi là một đứa trẻ chậm nói, mãi đến khi tôi lên bốn mới cất tiếng đầu tiên, trái hẳn với những đứa trẻ khác, tôi không gọi bà hay mẹ, tôi gọi bố. Thay vì vui mừng ôm tôi nựng nịu cha tôi lại lạnh lùng ngoảnh đi bước ra ngoài, bỏ mặc tôi đứng bơ vơ giữa căn phòng rộng lớn đầy trống trải. Tôi chạy theo cha khóc thét lên, gọi lớn, tiếng gọi của tôi chìm vào thinh không vô cảm. Tôi vấp phải ngạch cửa ngã đập mặt xuống nền thềm, cú ngã khiến trán tôi tóe máu. Nhà không có ai, tôi gượng dậy, lê vào nhà, cơn đau làm tôi choáng, ngã xuống nền nhà, người giúp việc về thấy tôi nằm trong vũng máu hốt hoảng tìm bông băng sơ cứu cho tôi. Mẹ tôi về bà trách cha tôi chẳng chịu trông nom tôi tử tế. Cha tôi lạnh lẽo đáp “Kệ nó chả chết đâu mà lo, va vấp nhiều cho nó dày dạn lên, em có thấy cả thành phố này có đứa trẻ con nào như nó không. Bốn tuổi đầu còn chưa biết nói. Nhiều khi anh tự hỏi nó có phải là con của chúng ta hay không nữa”.

Q vào phòng thăm tôi, anh ngồi bên giường nắm tay tôi và khóc.

“Mày bước ngay ra ngoài cho tao, không ai được chăm sóc nó kể cả mẹ mày, hãy để những kẻ giúp việc lo”. Cha tôi quát lên, nắm Q lôi ra ngoài. Tôi nằm trên giường nhìn quanh đầy ngơ ngác và hốt hoảng, khi ấy tôi chưa thể ý thức được sự vô tình của cha đối với mình, tôi chỉ nghĩ có lẽ mình đã làm sai điều gì đó khiến cha tôi tức giận.

Từ sau lần đó cho mãi đến sau này mỗi lần giáp mặt, tôi không bao giờ dám mở miệng gọi tiếng cha.

“Nếu như mày là con gái chắc đã khác. Một người thầy bói đã nói với cha chúng ta mày là kẻ sẽ đem tai họa cho dòng họ này, tao cũng chẳng biết có đúng như vậy không, nhưng trong tâm trí của cha chỉ khao khát mẹ sinh ra một đứa con gái, bây giờ thì điều đó không thể nữa rồi. Tuy nhiên mày yên tâm tao vẫn luôn xem mày là em trai tao, tao sẽ không bỏ rơi mày đâu”. Trong một lần uống rượu say Q đã buột miệng tiết lộ cho tôi điều đó. Trên thế gian này, với tôi Q là người bạn chân thành duy nhất. Cũng như bố, mẹ dường như không hề muốn sự tồn tại của tôi trong căn nhà này, phía sau những cử chỉ âu yếm tôi luôn nhìn thấy sự ghẻ lạnh trong đôi mắt của bà.

*
Q học một lúc hai trường kinh tế và kiến trúc, cha tôi muốn Q thừa kế công ty. Q ra trường với những tấm bằng loại ưu. Về làm cho công ty của gia đình, cũng như cha tôi, Q luôn được mọi người tôn sùng. Chỉ mới hai năm Q đã trở thành thần tượng trong mắt nhân viên. Cha tôi rất tự hào về Q, ông xem anh như là món quà kỳ diệu của chúa trời. Mẹ tôi cũng chẳng thể che giấu được niềm hân hoan của bà đối với Q. Trong mọi bữa cơm gia đình, tôi chỉ biết cắm cúi ăn và ăn, trong khi cha mẹ tôi hết lời khen ngợi Q. Tự sâu thẳm tâm hồn tôi luôn ghen tỵ với Q , ngay cả trong giấc ngủ tôi cũng luôn mơ ước mình được một phần nhỏ của Q. Dường như biết được điều đó nên chưa bao giờ Q nói về việc công ty hay thái độ của mọi người dành cho Q với tôi. Mỗi lần ở gần nhau hễ tôi gợi đến vấn đề công việc của gia đình, Q đều mau chóng gạt đi. Về mặt nào đó, phía sau sự gần gũi tình cảm của tôi và Q tồn tại một khoảng cách rất lớn, như mặt đất và bầu trời.

Một đêm nọ, tôi nằm ngủ và mơ thấy sa mạc. Tôi thấy mình đang mang trên vai một chiếc túi thật nặng, uể oải lê từng bước trên biển cát mênh mông dưới cái nắng như thiêu như đốt, những giọt mồ hôi đỏ như máu thi nhau rỏ xuống cát réo xèo xèo. Cát nóng bỏng khiến chân tôi rộp lên, nhức nhối, tôi cố cắn răng chịu đựng, trong cõi mơ hồ ong ong tiếng ai đó- hãy cố lên con trai, trên vai con là khát vọng của chúng ta, chúng ta đã chịu đựng quá lâu dưới gông xiềng của bầy dị thú, chỉ có con mới cứu được chúng ta thoát khỏi chốn khổ đau triền miên này- những lời đó như tiếng hối thúc, tôi oằn mình cố chạy. Mỗi bước tôi chạy, máu từ hai bàn chân lại tứa ra, thấm vào cát. Từ trong cát mọc lên những cánh hoa đỏ tươi.

Mặt trời lặn. Sa mạc chìm vào màn đêm. Bốn bề nhoi nhói tiếng các loài thú đêm, âm thanh nhọn hoắt xuyên vào màng nhĩ tôi, máu tràn ra hai lỗ tai chảy xuống bờ vai, máu nóng như diêm sinh, vai tôi run rẩy bởi những cơn đau dữ dội. Tôi vấp phải những bộ xương thú và ngã sấp mặt xuống cát, suốt cả ngày mải mê chạy tôi quên cả đói, lúc này nó dồn lên hạnh hạ tôi. Tôi đưa tay vốc từng nắm cát cho vào miệng. Cát tanh rình như máu người.

Tôi bất chấp, nhai ngấu nghiến. Cơn đói giảm đi. Tôi gượng mình vùng dậy. Đôi mắt lờ đờ nhìn về phía trước. Cát. Bạt ngàn cát.

Tiếng gõ cửa dồn dập. Tôi choàng tỉnh.

“Ai vậy?”

“Mở cửa đi, anh Q đây. Hãy cho anh vào?”

Tôi tốc chăn, không khí đêm nồng nồng như mùi xác cá chết hôm tôi ra biển. Hôm đó sóng đánh giạt cá chết vào bờ, khắp mặt cát xác cá nằm trắng bụng, lũ dòi nhung nhúc, tiếng ruồi như khúc nhạc vong hồn. Chúng đã ám ảnh tôi suốt cả tháng trời.

“Đ, hãy ôm chặt anh, đừng buông anh ra Đ ơi”, Q ôm chầm lấy tôi khóc lên nức nở như đứa trẻ mới bị bạn giật mất món quà quý giá. Toàn thân tôi run lên không phải vì xúc động mà vì ngạc nhiên. Tôi không thể đoán ra điều gì khiến Q sụp đổ, sự nghiệp đang trên đà thăng tiến, xung quanh mọi người đối xử với Q như báu vật.

Tôi với tay bật điện. Q ngăn lại. Q nói anh muốn ngồi nói chuyện với tôi trong ánh sáng nhờ nhạt của ngọn đèn ngủ. Tôi dìu Q đến giường, toàn thân Q nồng nực mùi rượu cồn.

“Tao cứ ngỡ trong cái nhà này chỉ có mày là kẻ khổ đau nhất, nhưng thật sự chính tao mới là đứa đáng thương nhất. Q nói, bàn tay anh trong tay tôi run lên. Bao nhiêu năm nay chính cha chúng ta đang từng ngày tham gia vào cuộc tàn sát đồng loại, một cuộc tàn sát vô cùng độc ác và khốn nạn, và tao suốt mấy năm qua cũng đang bị lường gạt cuốn vào trò chơi máu lạnh ấy…”

“Sao vậy Q, anh bị gì vậy”. Tôi hốt hoảng nắm vai Q lay. “Ai đã làm gì khiến anh trở nên điên loạn thế này?”

“Tao không điên, mày hãy im lặng nghe tao nói”, Q đặt tay lên vai tôi, “Ngay lúc này đây tao ước gì tao có thể trở thành một kẻ như mày Đ ạ, gia đình ghẻ lạnh có gì đáng sợ, xã hội ghê tởm cũng chả là cái chó gì, chính chúng ta tự căm thù mình mới là điều kinh hoàng nhất Đ ơi.”

Bên ngoài sương khuya đã buông dày, ánh trăng xuyên qua màn sương chiếu vào khung cửa sổ, sương đỏ quạnh, sương máu. Những lời của Q như tiếng cú đêm vẳng ra từ cánh rừng thăm thẳm, mỗi lời là một mũi kim đâm vào màng não tôi, toàn thân tôi xuất mồ hôi lạnh.

“Bề ngoài, công ty của cha là công ty xây dựng nhưng thực chất là cơ sở sản xuất thuốc trá hình. Cha đã xây dựng lên một loạt nhà máy chuyên chế biến các loại thuộc tây y nhập lậu nguyên liệu dởm, những loại thuốc ấy không hề có tác dụng tốt với cơ thể con người. Thay vì chữa trị bệnh tình cho người ta thì chúng lại gieo thêm mầm bệnh. Với sự làm ăn vô nhân tính ấy mà suốt những năm qua cha chúng ta đã nghiễm nhiên trở thành một trong những tỷ phú hàng đầu trên đất nước này. Tồi tệ hơn, cha đã kéo theo một số người khác tham gia vào đường dây ấy. Bấy lâu nay tao chỉ biết cắm đầu cắm cổ làm công việc được cha giao phó chứ nào hay biết chính mình cũng đang góp phần đẩy bao nhiêu người đến bên bờ vực của cái chết. Tao đã sống như một tên mù, mặc cho người ta dẫn dắt. Đổ vỡ hết cả rồi Đ ơi. Ôi đứa em trai khốn khổ của anh, mà không, chính anh mới là kẻ thảm thê nhất Đ ạ.”

Q gục đầu vào vai tôi khóc rưng rức. Sương nhuộm mờ khoảng trời bên ngoài. Tôi có cảm giác sương đang tràn cả vào căn phòng, thứ sương tanh nồng, đỏ như máu, nó cứ dâng mãi, dâng mãi, tôi và Q như bị nhấn chìm trong bể máu, tôi ôm chặt Q cố hết sức đưa người anh tội nghiệp của mình thoát khỏi cơn hồng thủy. Tôi thấy cha mẹ tôi bị những kẻ bịt mặt mặc những bộ quần áo đầy gai xích tay dẫn ra pháp trường. Cha tôi bị nhét lựu đạn vào mồm, trước cổ treo lủng lẳng một chùm thuốc nổ. Mẹ tôi bị nắm tóc treo ngược lên chiếc cọc sắt được nung đỏ lừ. Máu từ đỉnh đầu bà đang rỉ xuống như những giọt mưa tôi thường nhìn thấy những hôm thành phố nhiễm bệnh. Xung quanh bất ngờ xuất hiện rất nhiều người, tất cả đang nhìn hai anh em tôi bằng ánh mắt hả hê, bao lâu nay họ ghen tức với sự giàu có của gia đình tôi, bây giờ khi thấy gia đình tôi đang sa xuống vực thẳm, họ tìm đến để chứng kiến nỗi đau của chúng tôi với niềm phấn khích cao độ. Từ cơ thể họ, đột nhiên xuất hiện những chiếc xúc tu, chúng dài ra, vươn về phía anh em tôi, quấn chặt hai anh em tôi lại như con trăn quyết tâm nghiền nát con mồi trước khi nuốt chửng.

“Làm sao anh biết được điều này?” Tôi hỏi Q như người mê sảng.

“Chiều hôm kia khi tao dắt xe khỏi tầng hầm của công ty, bất ngờ đụng phải cô thư ký của cha, làm rơi tập hồ sơ cô ta đem theo, trong khi phụ cô ta nhặt lên tao vô tình đọc được tiêu đề văn bản, đó chính là tài liệu về việc làm ăn nhơ bẩn của cha. Cô gái ấy từ lâu đã đem lòng yêu tao, vì thế khi tao gặng hỏi cố ấy đã khai tất cả?”

“Bây giờ phải làm sao hả anh. Anh sẽ đi tố giác cha của chúng ta sao?”

“Không, tao sẽ im lặng, nhưng tao sẽ không tham gia vào công việc của công ty nữa, tao là một kiến trúc sư, nhiệm vụ của tao là thiết kế nên những công trình bền vững phục vụ xã hội chứ không phải góp phần hủy hoại đồng loại”.

Q rời khỏi phòng tôi, tuy không nhìn thấy nhưng tôi biết anh vẫn đang rơi nước mắt, những giọt lệ đắng cay hờn tủi. Q đi rồi nhưng tôi vẫn còn bơi mãi trong đại dương ý nghĩ đen tối. Những chiếc xúc tu khinh thị của người đời mỗi lúc càng thít chặt thêm. Tôi có cảm giác nghẹt thở. Bên ngoài, sương miên man. Sương máu.

*
Mỗi ngày trôi qua trong bệnh viện với tôi dài như hàng thế kỷ. Đều đặn ngày ba bữa cha mẹ sai người đem cơm đến cho tôi và đem quần áo mới đến thay cho tôi, sau đó đem quần áo cũ về giặt. Vòng tuần hoàn ấy diễn ra hơn một tuần. Hôm nào tôi cũng khắc khoải chờ Q. Tôi biết sự vắng mặt của tôi trong nhà không mảy may làm cha mẹ tôi chạnh lòng xót nhớ, chỉ khiến họ vui hơn. Một niềm vui cay độc.

Nhưng Q thì sao? Chẳng lẽ Q cũng bỏ rơi tôi? Người anh, người bạn chân thành duy nhất trong cuộc sống “khuyết tật” của tôi cũng đã bỏ tôi mà ra đi?
Đêm nào cũng thế, vẫn giấc mơ sa mạc ấy tìm đến dày vò tâm tưởng tôi. Cơn mưa máu, làn sương huyết bao bọc tôi trong một hình tròn xoay mù như con vụ, chúng khiến tôi có cảm giác mình như đang bị xay nghiền thành muôn triệu hạt nhỏ. Mỗi hạt là một nỗi đớn đau cay đắng, cô đơn và lạc lõng.
Ngày thứ tám. Thành phố có nắng. Tôi mở cửa sổ phòng bệnh viện nhìn ra ngoài. Trên những nhành lá vẫn còn sót lại những hạt mưa máu, nắng sớm chiếu vào làm chúng ánh lên như huyết ngọc. Cha tôi đang đứng ngoài hành lang cùng tay bác sỹ. Họ đang bàn bạc về việc cho tôi ra viện. Tôi cố lắng tai nhưng chẳng nghe thấy gì ngoài mớ âm thanh lùng bùng như tay hề đang chơi trống trên phố.

Một con kiến bò lên tay cha tôi, nó gồng mình cắn vào bắp tay ông khiến ông hơi nhăn mặt vì đau. Ngón tay ông ngay lập tức đè lên con kiến, di đi di lại cho đến khi xác nó hoàn toàn tan biến. Tay bác sỹ nhận từ cha tôi một gói gì đó, nét mặt giãn ra, kèm theo nụ cười điêu trá.

*
Sau nhiều ngày vật lộn trên đại dương cát, chiều kia tôi đến một ngôi làng. Những con đường đầy cỏ dại, nhan nhản xương người, những mái nhà im ỉm, xung quanh không hề phảng phất chút mùi của sự sống. Nằng hoàng hôn như những tia máu rải khắp ngôi làng, gió u uất như tiếng thét gào của yêu ma. Tôi như một gã điên chạy quanh làng, vừa chạy vừa gọi mọi người, tiếng của tôi vang xa mãi tới tận chân trời rồi vọng trở về, đáp lại sau đó là chuỗi lặng câm đến rợn người. Mệt mỏi, tôi ngồi bệt xuống đất, ôm mặt khóc. “Con đã về quá muộn rồi con trai”. Một thanh âm như vẳng về từ cõi âm ty. “Mọi người đã chờ đợi con, đã hy vọng con sẽ về kịp và cứu dân làng thoát khỏi sự diệt vong do bàn tay độc ác của lũ dị thú, nhưng chúng ta càng chờ đợi, tin tức của con càng như hình sương bóng khói. Cho đến một chiều kia, sau một thời gian cho chúng ta cơ hội suy nghĩ cách lựa chọn con đường tuân theo chúng hay là chịu chết, chúng đã kéo đến và tàn sát cả làng. Những cái chết đớn đau và thương tâm làm sao. Chúng đã lấy máu mọi người pha với rượu, mổ thịt mọi người nướng lên rồi say sưa ca hát. Bây giờ con trai của ta, con hãy mạnh mẽ đứng lên, con có nhìn thấy ngôi sao kia không, ngôi sao trên mỏm núi Giải Thoát đấy con trai, hãy chạy về phía đó con sẽ thoát khỏi nơi đầy rẫy tai họa này, con sẽ đến bên một bờ sông, hãy gọi thật to cái tên Sự Trỗi Dậy Của Những Oan Hồn, sẽ có người chèo đò xuất hiện đưa con sang sông. Hãy tiếp tục sống cho xứng đáng với sự hy sinh của mọi người nhé con trai…” Tôi làm theo lời người đàn ông kỳ bí ấy. Một chàng trai che mặt đã đưa tôi sang sông. Dòng sông cuồn cuộn sóng, nước đỏ như máu. Cập bờ ở một thành phố, anh ta nói với tôi: “Đến nơi rồi anh bạn trẻ, nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, chúc cậu có một cuộc sống bình an hạnh phúc”.

Giấc mơ sa mạc đã chấm dứt như thế. Bác sỹ khám cho tôi lần cuối và kết luận, căn bệnh của tôi đã tạm thời bị khống chế.

Q đã sang Mỹ du học. Q ra đi đúng vào hôm thứ ba tôi nằm viện, cha mẹ tôi đã không cho phép Q đến từ biệt tôi.

“Em trai của anh!

Anh phải ra đi theo quyết định của cha, em hãy ở lại và cố gắng vượt qua mọi nỗi đau, sống cho thật tốt nhé. Cô thư ký của cha đã kể cho cha nghe sự việc anh phát hiện ra chuyện làm ăn mờ ám của cha. Đối với ông ấy, chuyện đó quá bình thường, phía sau ông ấy là cả một hệ thống điều khiển nắm trong tay quyền hành vô cùng ghê gớm vì thế dù mọi sự có bại lộ cha chúng ta cũng không hề ảnh hưởng. Nhưng ông ấy không muốn anh ở lại, bởi vì ông ấy hiểu cho dù có giữ lại anh cũng chẳng còn tác dụng gì đối với công ty của ông. Em trai hãy luôn nhớ về anh nhé. Em đừng ngắm những cơn mưa máu nữa, chúng chỉ khiến em thêm đau khổ và cô độc mà thôi. Khát vọng kiến thiết lại thành phố thực vật của chúng ta anh đã không thể tiến hành được nữa, nhưng nhất định một ngày không xa anh sẽ trở về và hoàn thành điều đó”.

Tôi buông rơi lá thư của Q. Qua khung kính tôi chỉ nhìn thấy một màn mưa mờ mờ đỏ khé đang rơi đều đều xuống mái ngói đầy rêu… Cái thứ mưa ma quỷ ấy sẽ còn bám riết lấy tôi cho đến tận hơi thở cuối cùng. Vĩnh viễn tôi không thể nào thoát khỏi sự ám ảnh của những sự ghẻ lạnh, khinh miệt thậm chí là ghê tởm mà những người trong thành phố này “ban tặng” cho tôi. Ở miền đất xa xôi ấy, liệu Q có thật sự tìm thấy cho tâm hồn anh sự giải thoát, bàn tay hạnh phúc có xoa dịu những vết thương trong trái tim của anh? Tôi chẳng thể làm gì ngoài việc cầu chúc sự nhiệm màu sẽ đến với Q và một ngày không xa nào đó anh sẽ vẽ thành công bức họa tươi sáng của đời anh. Còn tôi. Tôi sẽ đi về đâu. Hay vĩnh viễn chỉ là chiếc bóng nhỏ nhoi vật vờ sống qua ngày nơi thành phố này? Q sẽ trở về tôi tin như thế. Nhưng cái ngày Q về anh có còn cơ hội gặp lại tôi? Biết đâu lúc ấy linh hồn của tôi đã tan biến theo cơn Huyết Vũ.

Tôi sinh ra từ máu, tôi là ác quỷ hay chính ác quỷ đã sinh ra tôi để suốt đời tôi là hạt máu côi cút giữa vũng lầy trần gian vô định?…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 7319)
Tôi làm việc ở một siêu thị nhỏ, chi nhánh của Intimex. Làm nửa ngày, và có thể đổi ca nếu thỏa thuận được với đồng nghiệp.
19 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 6356)
Bây giờ nghĩ lại không dám nghĩ lâu và có khi kỷ niệm về mình lại muốn lặp lại.
17 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 7721)
Những buổi chiều vàng trên quê hương, từ miền thôn quê đến chốn kinh kỳ nơi nào cũng ảm đạm, héo hắt một mầu thê lương!
14 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 6758)
Thật ra, khi gã đến với ả thì lòng gã rất trong, nghĩa là gã chỉ muốn tìm một chỗ làm, cho ấm cái thân già.
10 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 8802)
Lúc sanh thời. Lão thường ngâm nga câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: ''Lận thế mang dê đi bán chó / Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền''
04 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 8544)
Người bệnh Vũ Tuấn, nhân cách đã tan rã, lầm lì phẳng lặng, suốt ngày ưa nằm phơi nắng đen thui, thế mà mỗi lần xin được điếu thuốc dù chỉ vài hơi tàn, đều cám ơn rối rít..
27 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 7604)
Khuya lắm rồi. Gió hắt nhẹ từng cơn. Mảnh bán nguyệt mắc chơi vơi giữa trời
24 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 7306)
Một nhà văn dắt con gái là sinh viên vừa phát bệnh vào viện. Cô gái trẻ và xinh đẹp vậy mà la hét om sòm, rồi hát… rồi cười…
20 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 8488)
Tôi nhận ra mình hơi trẻ so với tuổi tám mươi khi nói câu này. Đó quả là một tự thú trung thực, nhưng gây buồn cho tuổi của tôi, cái tuổi mà đã lâu rồi, giả vờ không biết đếm.
15 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 7887)
Không biết bắt đầu hoang mang từ khi nào, sáng sớm mới thức dậy còn nằm trong giường, câu hỏi đầu tiên của cu Dan 3 tuổi:
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16808)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12043)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18825)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9020)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8117)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 446)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 816)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1016)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22337)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13896)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19083)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7778)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8691)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8389)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10934)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30585)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25362)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21611)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19667)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17960)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16822)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24369)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31804)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34840)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,