TRẦN THÚC HÀ - Ngược gió

22 Tháng Giêng 20189:33 SA(Xem: 6763)
TRẦN THÚC HÀ - Ngược gió

Đứa con

Biệt phòng giam kẻ tử tù lạnh lẽo tối tăm. Chút ánh sáng từ cửa sổ trên cao qua chấn song sắt rọi xuống như là thứ ánh sáng yếu ớt của mặt trời xuyên qua rừng rậm thâm u, đầy sương mù dày đặc, nên chỉ nhìn thấy lờ mờ bên trong biệt phòng ấy có chiếc chiếu trải trên bệ xi măng làm giường có một thân hình trai tráng mạnh khỏe, đâu chừng hai ba tuổi, nằm ngửa, hai tay gác sau gáy, mắt nhìn trần nhà. Chẳng hiểu hắn đang nghĩ gì! Nếu vứt bỏ những khung cảnh của phòng biệt giam, mà thay thế vào đấy là một thư phòng thì người ta có thể liên tưởng đây là người làm thơ, đang ngẫm ngợi một vần thơ. Làm thơ! Điều đó có thể xảy ra bởi ai yêu đời, mơ mộng xuất thần cũng làm ra một câu thơ cho mình lắm chứ! Nên, khuôn mặt hắn lúc này trông thật đáng yêu. Có thể nói một khuôn mặt thánh thiện nhập nhòa trong sáng tối chứ không phải một tên tử tù.\

Thật ra, người ta không nghiêm khắc đối xử với tử tù như vậy! Người ta muốn những kẻ trước khi phải chịu hình phạt nặng nề này được hưởng những ngày dễ chịu hơn. Nhưng với hắn, hắn không quan tâm điều đó. Khi bước chân vào phòng giam tù tử hình, hắn không còn bình tĩnh như những ngày trước đó. Hắn hoảng loạn trước cái chết, bao nhiêu sức lực trong con người hắn dồn vào đập phá, gào thét, chửi bới. Người bạn tù chung phòng với hắn, đã bị hắn đánh đập thâm bầm, buộc người ta phải đưa hắn vào phòng biệt giam không nghe tiếng, không thấy đồng loại với thứ ánh sáng tù mù. Ở đấy hắn vẫn phá phách. Mở đầu cho một cơn cuồng nộ hắn vừa đấm đá vào không khí, vào những bức tường xi măng như là kẻ đã đưa hắn vào ngục tối làm hai đầu tay hắn tóe máu và gào lên: Tao căm thù! Căm thù tất cả. Ra khỏi nơi này, tao sẽ giết hết, giết hết bất kỳ ai! Mỗi lần gầm rú, đập phá như vậy phải đến vài tiếng đồng hồ hắn mới kiệt sức, lăn ra nằm một lúc rồi thiếp đi. Quản giáo thật vất vả mỗi lúc đưa cơm nước cho hắn. Có khi không nhanh tay, hắn hất cả tô cơm vào mặt.

Cái biệt phòng khắc nghiệt vậy mà có tác dụng với hắn. Hắn không nhìn thấy ai để mà căm thù, đòi xé xác. Cùng với ánh sáng mờ mờ làm cho thần kinh hắn bớt kích động, để dần dần hắn nhận ra rằng không có cách gì cản được cái chết đang đến gần. Hắn bất lực! Đôi khi hắn buông một tiếng thở dài. Hắn khao khát sống quá chừng! Ôi! Lúc này hắn ước giá như được tự do ở bên ngoài. Hắn mới nghĩ như vậy mà trong giấc ngủ hắn đã hốt hoảng khi thấy ba mạng người bị hắn giết cùng thân nhân của họ đang đợi sẵn hắn người cầm dao, kẻ cầm búa đòi xé xác, đập vỡ sọ để trả nợ máu, Hắn chạy đến đâu người ta đuổi theo đến đó. Chẳng may hắn vấp ngã. Hắn rú lên khiếp hãi khi thấy một người đàn ông đuổi kịp hắn đang định giáng cái búa vào đầu hắn và hắn tỉnh giấc mơ! Người hắn đẫm mồ hôi, thở gấp. Thừ ra một lúc rồi hắn nhớ lại quãng đời của hắn cho đến giấc mơ khủng khiếp vừa qua: Người thứ nhất bị hắn giết là một phụ nữ. Khi hắn thua bạc không còn tiền tiêu xài, hắn vào nhà người phụ nữ đáng tuổi mẹ hắn lúc ban chiều, lúc cả nhà đi làm vắng, hắn bóp cổ giết bà, trộm đồ nữ trang và lấy đi một chiếc xe máy. Hắn qua Cam pu chia, nơi hắn từng đồng bọn rủ nhau sang sạt phạt và chơi gái ở những xóm ổ chuột. Hết tiền, hắn lân la trong đám Việt kiều. Thương tình đồng hương, người ta cưu mang giúp đỡ hắn kiếm sống. Người ta khuyên hắn về nước, chứ chui lủi bất hợp pháp sẽ không yên với chính quyền sở tại. Biết ở không ổn, trước sau gì rồi cũng bị lộ, hắn đã giết một ông già từng cho hắn nương náu trong nhà mà xem hắn như cháu con để cướp tiền rồi tẩu thoát. Việt Nam, Cam pu chia ra lệnh truy nã đặc biệt đối với hắn. Về nước, hắn tránh xa nơi quê quán hắn ở. Một băng đảng đen từng nghe hắn đã hai lần giết người liền thu nạp hắn. Chúng tạo điều kiện cho hắn nương náu, sống ngoài vòng pháp luật mà không bị phát hiện. Chúng còn bày cách cho hắn dùng dao găm, mã tấu. Đã đôi ba lần hắn cùng đồng bọn đi cướp. Phi vụ nào hắn cũng tỏ ra là một tay lanh lẹ, liều mạng. Hắn được tin dùng, hắn không từ chối thực hiện một mưu đồ nào dù nguy hiểm. Phi vụ cuối cùng là hắn phải giết chết tên Y mà không phải cướp của theo lệnh của tên đầu đảng. Hắn cũng không biết tên đó thuộc băng nhóm đối nghịch nào hay giết thuê cho một kẻ vai vế có hận thù nhau. Hôm đó hắn dùng dao đâm chết tên Y trong nhà riêng của tên Y. Trước khi hắn lao ra đường, nhảy lên xe máy của đồng bọn đợi sẵn hắn còn kịp trông thấy một bà già gục xuống xác con gào khóc kêu cứu. Tên lái xe máy lao bạt mạng, lạng lách giữa phố xá đông người tháo chạy khỏi khu vực có thể bị phát hiện, rượt đuổi. Số phận hắn đã kết thúc khi chiếc xe máy của tên đồng bọn đâm phải một chiếc xe đi ngược chiều, cả hai văng xuống đường, tên cầm lái chết ngay tại chỗ, hắn bị kẹt giữa gầm ô tô và xe máy. Người ta lập biên bản một vụ tai nạn giao thông. Công An phát hiện ra hắn là tên tội phạm có lệnh truy nã đặc biệt. Tại nơi hỏi cung, hắn không thừa nhận hành động giết hai người trước đó. Với tên Y, hắn nói tên lái xe đã chết, thấy hắn lang thang cầu bơ cầu bất đã thuê hắn, hắn biết chỉ có thế! Ròng rã cả tháng trời hắn không khai báo, không phải hắn nhớ lời tên cầm đầu băng nhóm đen răn đe đồng bọn: Đã đi giết người, bị bắt là bị người giết. Thà mình bị giết chứ khai báo đồng đảng thì người thân sẽ không được yên ổn. Thực ra hắn không sợ điều đó! Hắn đã cầm dao giết người, đã thấy những nạn nhân của hắn vùng vẫy trong vũng máu, thì điều hăm dọa của đồng bọn là không cái gì cả. Hắn đã cạn kiệt tình người! Mẹ như cái bóng, mấy năm nay cách biệt. Còn cha hắn ư? Cha hắn hơn gì hắn! Xóm làng thân thích ghê tởm cha hắn như một con chó ghẻ, một bệnh dịch nguy hiểm. Cha hắn biết đến cờ bạc khi mười bốn mười lăm tuổi là lúc ra chốn thị thành, góc hẻm cá cược, chơi bài ăn từng đồng tiền lẻ. Máu me cờ bạc rượu chè càng lớn lên cùng với tuổi đời của cha hắn. Cha hắn có một tiệm sửa chữa xe đạp ở quê – nơi nửa thị trấn nửa đi cày. Đã không chuyên chú làm ăn lại còn giở thói gian xảo đánh tráo phụ tùng xe khi khách hàng đến sửa chữa; lại là nơi đục số thay khung của bọn ăn cắp xe đưa đến. Khách hàng tẩy chay. Thế là sập tiệm. Cha hắn chạy xe ôm. Cha hắn móc nối với bọn bất hảo trên thành phố về dụ dỗ gái trẻ thích đua đòi trong làng ra thành phố làm đủ nghề, kể cả bán dâm. Trai thì hứa hẹn tìm công ăn việc làm nhưng thực chất là đem bán cho những bãi đào vàng, làm khổ sai nơi rừng núi âm u. Không những thế, cha hắn còn gạ người này nợ người kia mà không trả, rồi rượu vào lè nhè, liều mạng đi đâu cũng gây sự đánh nhau, làm náo loạn cả thôn xóm. Người ta thấy cha hắn là sợ, như sợ một con chó dại. Nhưng rồi cha hắn bị một nhóm người bịt mắt đánh cho một trận đòn nhừ tử, cha hắn phải bỏ làng ra đi từ đó. Và cha hắn cũng chẳng thương xót gì hắn thường cho hắn những bạt tai nên thân khi hắn cũng đi đánh bạc, trong túi có ít tiền không đưa cho cha uống rượu. Thế đó! Hắn không khai chẳng phải vì người thân của hắn bị hăm dọa, hắn muốn chứng tỏ cho đồng bọn biết hắn không phải hạng xoàng mà là tay anh chị trước nay có bản lĩnh.

Mấy tháng trời ở nơi tạm giam hắn không cung khai. Khi người ta đưa bằng chứng tội ác giết người của hắn, hắn chỉ nhún vai rồi im lặng. Nhà chức trách đã vận dụng nhiều biện pháp nhưng không kết quả. Người ta đã nhận ra hắn là loại ngoan cố, cứng đầu, biện pháp mềm dẽo không thành công, phải đánh vào tính khí ngạo mạn bất cần đời của hắn. Một hôm, người phụ trách vụ án của hắn đưa ra đơn tố cáo của gia đình ba nạn nhân bị hắn giết, trong đó có một bức ảnh chụp chung với chủ nhà Việt kiều ở bên Cam pu chia trong một cuộc vui mừng ngày sinh nhật cháu của người bị giết, nhìn thẳng vào mặt hắn quát: Ngang dọc du đảng vậy mà hèn! Hèn! Hèn hơn cả một con chó cụp đuôi! Anh ta quát vào mặt hắn tới tấp, đầy khinh bỉ. Máu trong người hắn bốc lên, mặt đỏ bừng. Không giữ được sự lì lợm như trước đây, hắn đứng dậy, hét lên: Ông muốn gì? Tôi muốn anh ký vào sự thật. Đưa đây! Thằng này đâu phải con giun, con dế!

Hắn nhớ tiếp. Phiên tòa xử hắn. Tòa phán quyết: Tử hình! Tòa cho hắn nói lời cuối cùng. Mặt lạnh như băng giá, hắn nói: Chẳng có gì nói hết!. Hắn đưa mắt nhìn về phía hàng ghế bên cạnh, phía sau hắn một chút, nơi dành riêng cho những thân nhân gây hại, bên bị hại và những người đến dự phiên tòa khi ở đó có tiếng nấc lên: Con ơi! Bất chợt hắn nhìn thấy mẹ hắn người gầy gò xanh nhợt gục xuống. Một bà già cạnh đấy bên hàng ghế bị hại đã kịp đỡ mẹ hắn. Năm sáu năm không trông thấy mẹ, bây giờ gặp mẹ trong khi cái chết đã được định đoạt làm lòng hắn bỗng mềm lã đi, hắn thốt: Mẹ! Mẹ! Bà già đang đỡ mẹ hắn, lay lay mẹ hắn nói: Bà ơi! Bà tỉnh dậy đi! Tỉnh dậy nhìn con lần cuối. Những người còng tay hắn cũng không muốn giải hắn đi ngay. Họ cố ý chầm chậm để cho mẹ hắn được nhìn con. Mẹ hắn cố lắm mới ngước lên nhìn hắn, bà thốt giọng run rẩy: Mẹ đau đớn lắm con ơi! Bà lả đi bên vai bà già không quen biết. Hắn nghe bà già nói với mẹ hắn: Hãy cố gượng dậy, đã cô đơn rồi đổ bệnh càng thêm khổ!

Những cơn điên cuồng gào thét hung bạo của con người trong một tình thế tuyệt vọng, cũng như những cuộc chiến tranh ngu xuẩn thảm khốc lên đến đỉnh cao thì theo luật tự nhiên nó sẽ nguội dần, sang một trạng thái khác. Hắn không hay quy luật đó. Hắn chỉ biết gào thét đập phá mãi cũng chẳng ích gì, không thể cứu hắn ra khỏi tù đày. Hắn trầm lặng như một người tu hành đang tĩnh tọa. Khi thì nằm gác tay lên trán suy ngẫm cuộc đời. Hắn tự hỏi vì sao hắn chết không phải bệnh tật, không phải vì già lão? Hắn cho cái sự thờ ơ lạnh lùng tàn nhẫn của vật chất, nó được đua nhau phô bày, được ra rả quảng cáo, trưng diện mời chào hưởng thụ bất tận làm cho ai cũng phải thèm khát ham muốn! Mà ham muốn hưởng thụ vốn bản tính thâm căn cố đế của con người khi mới sinh ra. Mỗi người tìm mỗi cách chiếm đoạt. Với hắn, của cải vật chất phơi bày ra kia là một sự kích thích, như mỡ treo đầu miệng mèo, như nhà giàu không khép cửa, như gái lẳng lơ trước mặt trai càng thôi thúc sự tham lam hưởng thụ, khi hắn là thằng hỉ mũi chưa sạch mà ngón nghề cờ bạc đã nhiễm trong máu, ngay cả trong giấc mơ hắn cũng chỉ toàn thấy mưu mô, gian dối, lừa đảo thì cách kiếm sống của hắn là trộm cướp, giết người và dẫn đến cái chết. Cái chết của hắn được cha hắn định sẵn khi hắn lên bảy tuổi. Bấy giờ cha hắn cho hắn ngồi bên chiếu bạc để sai vặt. Mười tuổi, cha hắn bày cho hắn mưu mẹo, gian lận trong sát phạt đỏ đen. Mười ba tuổi, hắn lang thang trong đám trẻ bụi đời cờ bạc, cướp giật để kiếm sống. Và rõ ràng đưa hắn đến pháp trường người đầu tiên là cha hắn! Cha hắn không thể chối cãi khi tuổi thơ của hắn, cha hắn đã treo lủng lẳng đồng tiền trước mắt để hắn chạy theo. Hắn cũng như bao đứa trẻ khác: Mẹ là tình thương, là nơi an ủi. Cha là chỗ nương tựa, dìu dắt trên bước đường đời. Tại sao cha hắn lại cặp kè hắn bên sòng bạc? Tại sao cha hắn lại bày cho hắn ngón nghề gian lận? Tại sao? Tại sao? Đáng lẽ lúc ấy cha hắn phải chăm chút hắn học hành. Thế mà cha hắn lại để hắn vất vưởng, học chưa hết lớp ba. Hắn lại nghĩ cứ cho cha hắn không kè kè hắn bên những chiếu bạc, nhưng vẫn cứ lao vào cờ bạc thì hắn cũng hư thân, bởi làm sao cha hắn giấu giếm, che đậy tâm trạng cái xấu xa, gian dối, mà không bộc lộ tác động qua lại thường ngày trong một ngôi nhà? Cha là tấm gương soi! Hắn đang độ tuổi điều gì cũng muốn biết, cái gì cũng háo hức bắt chước thì con nào cha ấy là không thể tránh khỏi! Về sau, khi đã từng trải trong bọn giang hồ lưu manh hắn mới nhận ra thêm điều này: Không chỉ có hắn hư thân cha nào con nấy trong lớp cặn bã của xã hội đều là những kẻ vô học, nghèo khổ như hắn! Mà có đứa tuổi còn ít hơn hắn, đi xe hơi ở nhà lầu, cha mẹ cung phụng vô điều kiện để cho chúng ăn chơi trác táng, có lúc chúng ném bốn năm triệu bạc nơi tửu quán đệ nhất quốc chỉ uống một li rượu, thậm chí một li sữa để giành giật các em chân dài vuốt ve mơn trớn bên mình, và chứng tỏ ta là đẳng cấp trên cả đại gia. Khi cha mẹ chúng tù tội, sạt nghiệp thì chúng không có con đường nào khác là lừa đảo, cướp trộm thành băng đảng lớn còn nguy hại cho nhiều người hơn là bọn mạt hạng như hắn, bởi chúng có mánh khóe của bọn lớp trên, bọn có ít nhiều hiểu biết mà chúng ngay từ nhỏ đều đã thấy, đã bắt chước cha mẹ chúng từng là kẻ có vai vế nhưng bất hảo, vô lương để trở nên giàu có. Rõ ràng, sản sinh ra lưu manh bắt đầu từ trong nhà, từ kẻ làm cha làm mẹ. Nghĩ thế, hắn khinh bỉ, căm hận những kẻ làm cha làm mẹ không xứng đáng, trong đó có cha hắn, đưa hắn đến chỗ chết.

Khi nỗi thù oán tất cả những gì chung quanh ngập tràn trong lòng hắn, tưởng không còn một chỗ cho tình người, thế mà, bất chợt trong trái tim chai sạn của hắn lại lóe lên một hình ảnh ban đầu mờ mờ như trong đám sương mù rồi hiện dần lên rõ nét: Đó là lúc hắn thấy mẹ gục xuống trong phòng xử án. Bây giờ nhớ lại, hắn ôm ngực, ngực hắn như có ai cào ai xé! Hắn đã làm được gì cho mẹ, mẹ hắn sẽ sống như thế nào đây khi có một người chồng bị xóm làng xua đuổi, một đứa con bị tội chết? Hắn thương mẹ quá chừng! Lúc này hắn muốn được chạy về bên mẹ, sà vào lòng mẹ nói với mẹ rằng con đã về đây! Nhưng hắn như một con thú bị trúng đạn, người hắn mềm oặt như thân một cây chuối héo lúc hắn ngước nhìn bốn bức tường chung quang lạnh lẽo của chốn ngục tù, bất giác hắn khóc nức nở. Lớn lên hắn chưa bao giờ biết khóc, kể cả khi bị cha hắn đánh đòn người thâm tím. Thế mà giờ đây hắn khóc! Tiếng khóc dồn đọng hối hận cả tuyệt vọng của hắn thảm thiết quá! Nghe đâu như từ chốn âm ti dưới lòng đất của phòng biệt giam ri rỉ vọng lên, len qua cửa sổ lan ra ngoài làm cho không khí chùng xuống ảm đạm. Ông giam thị đi ngang qua ngạc nhiên, dừng lại. Ông nghe thấy hắn nấc lên: Mẹ ơi! Một đời mẹ vì con từ bé cho đến khi con hư hỏng mẹ không nặng lời, mẹ chỉ khuyên bảo dạy dỗ thế mà con không nghe lời mẹ để đi đến cái chết! Mẹ cô đơn đau đớn, liệu mẹ có sống nổi không! Bây giờ con biết lấy gì tạ tội mẹ! Ông giám thị thấy động lòng tình mẹ con. Ông biết hắn đang hối hận, tình người trong hắn đã sống lại. Nhưng tất cả đều quá muộn! Tuy thế, ông cũng nghĩ ra được điều nhân đức để an ủi hắn. Ông mang cho hắn một li cà phê, một chiếc bánh. Hắn trố mắt nhìn ông. Ông bảo: Anh dùng đi! Hắn nốc một hơi cạn li cà phê, nhai ngấu nghiến chiếc bánh. Ông nói: Anh có muốn gặp mặt mẹ anh không? Hắn cúi đầu xuống nói: Ông nhân hậu quá! Ông tiếp: Ngày kia anh được phép gặp mẹ. Anh hãy tạ tội với mẹ để cho mẹ anh bớt đau đớn tủi hổ vì anh.

Mẹ hắn, một người đàn bà chỉ hơn bốn mươi, người gầy, mặt ốm, hai hố mắt sâu hoắn khô khốc, tóc bạc nửa mái, vai mang chiếc bị cói đựng những thứ thăm nuôi con vừa bước đến phòng có chiếc bàn nhỏ để cho phạm nhân và người nhà gặp nhau. Bà khựng lại, liêu xiêu khi thấy hắn đã chờ sẵn ở đấy. Người quản giáo giám sát hắn đã nhanh chóng đỡ bà, đưa bà vào ghế ngồi, nói: Bà bình tĩnh mà chuyện trò với con! Suốt mươi lăm phút gặp con bà không nói được gì, chỉ thấy trong hai hố mắt khô cằn ấy nước mắt ứa ra. Hắn cũng ràn rụa nước mắt, hắn quỳ xuống bên bà: Con lạy tạ mẹ! Con đã không báo đáp công ơn của mẹ lại còn làm cho mẹ đau đớn tủi nhục vì con. Con xin mẹ tha thứ cho con! Mẹ ơi… Hắn khóc nấc lên từng cơn nghe đến nát lòng.

Hắn trở lại phòng giam. Đêm hắn không ngủ, không phải tìm cách để quậy phá hay vượt ngục mà hắn trằn trọc về mẹ hắn. Một người mẹ dồn tất cả yêu thương, chăm bẳm con từ bé. Hắn nhớ có dạo đói quá, mẹ hắn không những không đụng đến hạt cơm mà củ khoai phần mẹ bà cũng để dành cho hắn hôm sau, bà uống ngụm nước lã đi ngủ. Rồi ngày hắn xa quê đi bụi, bà khuyên răn níu kéo hắn ở nhà nhưng hắn không nghe, mẹ hắn rưng rưng nước mắt dúi cho hắn ít tiền ki cóp từ mớ rau, quả trứng. Hắn nhớ lại sao lúc bấy giờ hắn nhẫn tâm đến thế! Hắn đấm vào ngực, dày vò bức tóc bức tai hối hận. Hắn ước gì được trở lại ngày ấy để nói với mẹ rằng từ rày con không đi đâu nữa! Ôi, giờ thì không còn gì nữa, dù chỉ đưa cho mẹ chiếc khăn lau mặt. Bây giờ chỉ có con đường đi đến pháp trường! Và mẹ sẽ đến nhận xác con về chôn cất trong nỗi tủi hỗ của một người mẹ có con giết người bị xử bắn. Hắn không thể chịu đựng được khi nghĩ đến thế! Đầu óc hắn nóng ran như muốn nổ tung, Hắn quằn quại đau đớn. Hắn cắn vào tay hắn cho đến tứa máu để bớt dằng xé trong lòng. Trong nỗi hối hận tận cùng, chợt hắn nghe ai nói đâu đó trước khi chết có thể làm một điều gì đó có ích! Làm gì? Làm gì khi hắn là một tử tù trong phòng biệt giam chờ ngày xử bắn? Hắn lục lọi tìm kiếm trong trí óc làm một điều gì đó nhưng vô vọng, chẳng khác gì bảo hắn mò kim dưới đáy biển. Nhưng quả thật khi đến tận cùng mà chưa bị hủy diệt tất có một con đường! Điều đó đã lóe lên trong đầu óc hắn. Hắn nhớ những ngày khi chưa sa vào tù tội, hắn có nghe người ta hiến xác, cho thận để cứu người. Hắn còn khỏe mạnh, còn trai tráng tại sao hắn lại không nhỉ? Hắn như gặp được chiếc phao trong nỗi tận cùng của tuyệt vọng. Hắn báo cho trại giam, hắn xin hiến xác sau khi hắn chết. Hắn sẽ biên thư cho mẹ hắn: Chết là hết! Thân thể dưới đất biến thành cát bụi. Con không muốn thế, con muốn tim, gan, thận, một phần thân thể của con sẽ giúp cho con bù đắp những gì con đã gây ra cho người khác và những người bệnh cần đến. Con sẽ để lại lời cam kết như thế! Trước, một phần con tạ lỗi với đời. Sau, con nghĩ người đời sẽ nói tuy mẹ là mẹ của một tên giết người nhưng bà ta cũng có một đứa con hiến xác cứu sống được nhiều người. Quyết định và nguyện vọng của con là như vậy!

Ban giám thị bất ngờ khi nhận được đơn tự nguyện hiến xác của hắn. Chuyện không đơn giản, chưa có tiền lệ. Ban giám thị tiến hành thủ tục đầu tiên là phải biết ý kiến của cha mẹ hắn ký đơn tình nguyện hiến xác để có lý do báo cáo cấp trên.

Mẹ hắn cũng tìm được cách nhắn nhủ cha hắn về nhà. Cha hắn về nhà chập choạng tối, ra đi lúc trời chưa sáng. Gã sợ lối xóm.

Phòng biệt giam. Hắn vừa trông thấy cha hắn đến, mặt hắn tái lại đầy căm giận, hắn xỉ vả cha: Ông là kẻ thất đức xấu xa! Theo gương ông con ông đi đến chỗ chết. Ông thật không xứng đáng làm người! Gã đứng lặng. Nỗi đau trào dâng lên khắp cơ thể gã không phải vì những lời mắng mỏ, thậm chí hắn có vác gậy gộc đánh vào gã, mà hiễn hiện trước mắt là con gã, một phần máu thịt của gã chỉ ngày một ngày hai sẽ không còn nữa. Hồi lâu gã mới nói: Cha biết! Tội lỗi từ cha. Hối hận với con bây giờ quá muộn. Thôi, cha xin con đừng nói gì nữa! Con hãy để cho cha bên con một chút, cho cha nhìn thấy con lần cuối. Nói xong gã khóc òa. Nghe thế, thấy thế người hắn mềm nhũn, một luồng điện sức sống của cốt nhục tỉnh dậy xô hắn về phía cha hắn, hắn ôm cha hắn, nước mắt dầm dề, thốt lên: Cha! Mẹ hắn ngất xỉu, hai tay chới với về phía hai cha con…


Người cha

Gã bây giờ cũng chỉ mới ngoài bốn nhăm tuổi, vẻ gian giảo dữ tướng của gã thể hiện lên khuôn mặt sạm, tái khô y như ngọn lá héo bị lửa táp với hai con mắt hẹp luôn đảo qua đảo lại cùng hàm râu tua tủa như những chiếc đinh ngắn hoen rỉ và mái tóc râu ngô phủ gáy, lút tận mang tai. Gã là một tên bụi bặm tận cùng của bọn bụi bặm. Hồi không ai đi xe thồ của gã vì khi chưa đến gần gã đã nghe mùi men nồng nặc, gã đi phụ hồ, được một vài hôm thì người ta đuổi vì mắt gã lúc nào cũng lấm lét và khi ra về thế nào cũng đánh cắp một vật gì đó, lận trong người. Người ta biết mặt gã, chẳng ai thuê mướn. Đói. Gã mang bộ mặt tang thương đi xin đểu, bảo mình có người mắc bệnh nan y chờ chết, không có tiền đưa người thân về quê. Ai không cho thì chửi, dọa ban đêm sẽ mang xác người chết ném trước cổng nhà. Một hôm lên cơn khát, gã vào một quán rượu, thấy bàn bên mấy người sang trọng đang nâng ly gã xin một ngụm. Nhìn gã ăn mặc tồi tàn, đám người quần áo bảnh bao không có lấy nửa lời, dồn các cốc rượu thừa đẩy cho gã. Nhận ra mình bị khinh miệt, gã cầm cốc rượu màu đỏ hắt vung lên trời, rượu như mưa máu rơi xuống đám người sang trọng rồi giằng cái cốc xuống mắt bàn, cốc vỡ tan, gã hét to: Chúng mày không được láo, cho tao rượu thừa! Tao là thằng lưu manh tên trộm cướp đây! Chúng mày chẳng hơn gì tao. Chẳng qua chúng mày khéo che đậy bằng cái lốt bên ngoài đó mà thôi. Đám người sang trọng lủi ra cửa. Chị chủ quán nhanh ý, đến bên gã nở nụ cười tươi nói: Em rót cho anh ly rượu ngon nhé! Gã nốc cạn, xin ly thứ hai. Gã chùi mấy giọt rượu dính quanh miệng rồi thốt lên: Đời là cục cứt. Đời là cô chủ quán cho cốc rượu. Một hôm mấy người xe ôm đợi khách bên vệ đường chuyền cho nhau một tờ báo, bàn tán đến vụ một thanh niên giết ba mạng người bị kết án tử hình. Gã cũng luẩn quẩn ở đấy chờ có hai thuê mướn gì. Gã đến ghé mắt. Người ta đưa cho gã tờ báo, gã xem hình, tên tuổi kẻ phạm tội, gã nhận ra con trai mình. Gã choáng váng, bỏ buổi đi kiếm việc. Thế là gã mất đứa con, dù hắn là một đứa thất nhân nhưng là con gã. Gã nhớ lại. Phải! Gã đã dẫn con gã đi vào con đường hư hỏng. Ngày trước gã bảo cha mẹ sinh con trời sinh tính. Nhưng nếu ngày ấy gã không cho con đến gần chiếu bạc, không bày vẽ tính toán mưu mô mà cho nó đi học hành tử tế thì đâu đến nỗi, ít ra nó cũng được thầy cô dạy cho đôi điều trái phải. Bấy giờ gã không nghĩ được như thế. Sáu tuổi gã đã ở với dượng ghẻ. Mười bốn tuổi thì mồ côi mẹ. Bị dượng ghẻ hất hủi, hành hạ không khác gì một con vật, gã lần ra phố. Nơi mà một đứa trẻ hiền như đám lúa non chỉ biết chăn trâu, tập tành đôi ba đường cày bừa đều thấy xa lạ. Ở đấy nhà cao vút trời bên cạnh những mái tôn lụp xụp. Ở đấy có người đi xe hơi, có người lê lết trên đường phố ngã tay xin ăn. Ở đấy có nhà trí thức thông thạo ngôn ngữ đông tây thì có không ít người một chữ a cũng không biết. Ở đấy có chùa chiền, có nhà sư phúc đức thì cũng có lắm tên cướp của giết người. Nhưng trong mớ hổn tạp nhiều cung bậc cao thấp ấy, sẵn sàng chứa chấp tất cả mọi hạng người từ hoa khôi mệnh phụ cho đến đĩ điếm, đui què mẻ sứt. Nó như là miệng một con cá mập khổng lồ ngoác mồm ra hớp lấy tất cả từ đàn cá nhỏ cho đến rong rêu rác rưởi. Gã là thứ bậc tận cùng của đáy, chẳng bao giờ kiếm được một chút tình người. Sau một thời gian làm tôi tớ cho một cửa hiệu xe đạp, có được cái cờ-lê, cái kềm, cái bơm cùng ngón nghề cờ bạc mà những ngày ở phố gã cùng bọn trẻ hư thân sát phạt nhau từng đôi ba đồng bạc lẽ, gã về quê mở cửa hiệu sửa chữa xe đạp. Ngoài cái nghề chữa xe đạp đã sập tiệm gã còn gì để truyền cho con? Đó là cờ gian bạc lận, là tham lam, dối trá, gian giảo cái vốn gã đã thâu nạp được nơi thị thành mà chung quanh gã là những tay xỏ lá đại bịp! Rồi gã mơ hồ nhận ra gã đã đưa con đến chỗ chết từ khi nó chưa sinh ra, từ khi mà gã không còn lối thoát của một đứa trẻ quê mùa kiếm sống bằng những thói hư tật xấu đã nhiễm sâu vào máu? Gã không biết trách ai! Gã cho đấy là số phận! Số phận? Có hay không có số phận? Nhiều khi bên dưới gầm cầu gã ngồi nhìn đời ngược xuôi gã đặt một câu hỏi như thế. Nếu có. Vậy thì số phận nó ở đâu? Ai đã bày ra số phận? Nhất định gã sẽ đi đến nơi đến chốn, hỏi cho ra nhẽ và gã sẽ đập cho nó tan tành tơi tả! Nghĩ nát óc gã cũng không thấy con đường đi tìm số phận. Mù mịt, bế tắc gã đổ người xuống nền đất như một con chó ghẻ đói khát nằm dí bẹp.

Từ trại giam gã về nhà, nơi mà gần năm trời vắng bóng gã. Ngôi nhà của gã cũng chỉ là mái lá vách đất. Bên trong không có gì ngoài một chiếc giường tre cũ kỹ, cái bàn gỗ ọp ẹp. Bao năm qua trôi dạt chẳng có gì đáng nhớ đối với gã. Vậy mà khi từ biệt đứa con trong ngục tù, gã lại bồi hồi nhớ đến có những lúc cha con vợ chồng ấm cúng bên mâm cơm tô canh cua đồng, đĩa cá bống kho cùng bát cơm gạo mới thơm lừng. Gã nhớ đến con, nhớ thắt ruột. Gã như người tâm thần, đi tìm hơi ấm của con trong chiếc áo của con ngày còn bé, gã lật trong đống đồ cũ vứt xó thấy chiếc khung tre làm diều, thấy chiếc ná cao su mà hình dung bóng dáng con ngày trước. Gã đi ra mảnh vườn để cho khuây khỏa. Kia là cây bưởi, kia là cây ổi xanh tươi ngày nào cha trèo hái con hứng lượm. Gã thầm rên lên trong lồng ngực: Cây còn đó cha còn đây mà con không về nữa! Những kỷ niệm đầm ấm giữa cha con cứ trào dâng bao nhiêu thì làm cho gã hối hận bấy nhiêu. Hối hận mà không có cách gì chuộc lỗi. Làm sao chuộc lỗi khi bao nhiêu người liêu xiêu rơi vào khốn cùng vì những hành động lừa đảo, cướp giật, côn đồ của gã. Và đau đớn hơn, con gã chết mà nguyên nhân từ gã. Gã nhận ra có được sự hối hận ấy là lúc ở trong phòng tử tù, lúc con gã thốt lên tiếng cha!

Bát cơm tối vợ nấu gã không nuốt nổi. Gã ra hàng hiên ngồi nhìn trời cho đến khi nửa vành trăng đầu tháng rơi xuống núi. Gã rạch mắt nhìn bóng đêm. Từ mơ hồ gã nhận rõ bóng dáng của một con quỷ khủng khiếp không tay, không chân, chỉ cái sọ với hố mắt sâu hút đen ngòm lù lù đến gần gã nói với gã: Mày đã đi, đã dẫn con mày đi ngược gió! Mày phải chết! Chết mới thoát khỏi ân hận mà không có cách gì xóa được! Chết đi là cho sự sống sạch sẽ hơn! Chết đi để người đời thôi nhắc đến một con người bất hảo như mày. Gã choáng váng gục đầu sợ hãi khi cái chết tỏ ra quyết liệt hối thúc gã. Gã yếu ớt thầm thì: Chết thì tiếc lắm! Nhưng cái chết đã trừng mắt nhìn gã: Thằng Thấu chó! Mày có tên họ Lê Thấu đàng hoàng, thế mà mày đã làm cho người ta đã khinh miệt gọi mày là Thấu chó. Vậy mày tiếc cái gì khi mày là một thằng vô dụng, thân tàn ma dại, con sâu rượu hành hạ mày, hút máu hút tủy mày, làm cho máu mày đen, cho tủy mày nhủn ra đau đớn, quặn quại, vật vã ngày đêm! Đây không phải lần đầu cái chết đến với gã. Những lúc góc đường xó chợ đói khát bị người ta hất hủi, xua đuổi, đánh đập gã đã muốn đâm đầu vào ô tô, hay nhảy xuống sông mà kết thúc cuộc đời khi gã tự hỏi ta cũng là người ai đưa ta đến đốn mạt như thế. Nhưng cái sống còn chưa bị đánh quỵ Bây giờ thói xấu không những nặng thêm, không phương cứu chữa mà cùng với sự dày vò đau đớn tình cha con gã cảm thấysợi giây bám giữ mảnh quá rồi, cái chết giờ dễ chịu hơn. Gã ngẩng đầu lên nói với thần chết: Đừng thuyết phục tao nữa! Tao sẽ chết! Tao sẽ chết làm cho ngực gã ứ nghẹn. Gã đi vào nhà, ngọn đèn dầu liu hiu vẫn cháy ở góc bàn. Gã đến bên người vợ, gã nhìn người vợ đang thiếp đi vì những cơn xúc động nơi trại giam làm cho bà kiệt sức. Gã muốn đánh thức bà dậy, nhưng gã sợ vì bà sẽ níu kéo, gã không còn can đảm. Mà gã không muốn kéo dài nỗi dằn vật dày vò như ai cấu, ai xé trong tim gan làm gã không còn đủ sức chịu đựng. Gã cũng không muốn làm cho bà đau lòng thêm khi gã sống vật vờ, tàn tạ nửa quỷ nửa người mà không còn cách gì thay đổi được! Tội nghiệp cho bà, sống với gã niềm vui thì ít mà nỗi bất hạnh đau đớn thì nhiều. Cũng như với con gã, giờ đây hối hận không sao chuộc lại lỗi lầm mà gã để lại tai tiếng cho bà với xóm làng. Chỉ có chết! Chết mới cất được gánh nặng tủi nhục đè lên tấm thân gầy guộc, khô héo của bà. Chết mới xóa bỏ những gì gã đã gây ra cho mọi người. Chết mới khơi gợi được chút thương xót của xóm làng cho bà. Gã đi tới chiếc bàn, vặn to ngọn đèn. Gã hí hoáy viết mấy chữ vì sao gã tìm cái chết vào một mảnh giấy, rồi lấy cây đèn chặn lên. Gã đến bên bà, bên đứa con gái sáu tuổi đang nằm co quắp ôm lấy bà. Gã lục trong túi áo của gã còn lại ít tiền, gã đặt bên cạnh đứa con gái rồi nhìn hai mẹ con lần cuối. Gã thầm thì: Con, cha đi đây! Mình, gắng nuôi con! Nước mắt gã ứa ra...

Đưa tang

Mới sáng, ông trưởng thôn tuổi ngoài bốn mươi một chút đang ngồi chồm hổm trên chiếc ghế tựa bằng gỗ nâu bóng rít thuốc lào thì có dân quân vào nhà: Ông trưởng thôn! Có người treo cổ tự tử!

Chờ cho khói thuốc phả ra lòa xòa tan dần trên khuôn mặt trán to cằm nhỏ, với hàng ria mép dài như hai vết mực đen ngoặc xuống mồm, ông trưởng thôn mới thủng thẳng hé mở cặp mắt lim dim phê thuốc nhìn anh dân quân hỏi: Ai vậy? Một anh dân quân đáp: Lão Lê Thấu - Có phải thằng Thấu chó bị tống khứ ra khỏi làng mấy năm nay và có đứa con giết ba mạng người, bị án tử hình, đợi ngày đem bắn? - Dạ phải! - Chết lúc nào? - Không rõ. Đi ngang nghe mụ vợ khóc ai giúp tôi với, ghé vào thì thấy xác lão ta treo lủng lẳng dưới xà nhà. - Đã ai hạ xác hắn chưa? - Dạ chưa. Đang cho người canh giữ. Đợi trưởng thôn đến.

Ông trưởng thôn khoác chiếc áo màu xanh loại bốn túi được cải tiến đã hơi nhờn nhợt chút ít, đi theo anh dân quân.

Ngồi dưới xác của chồng, người vợ ôm mặt gục xuống hai đầu gối khóc: Chết oan chết uổng chưa anh ơi! Sao anh ra đi mà không nói với vợ con một tiếng. Anh ơi là anh...

Ông trưởng thôn thấy cái xác cũng rùng mình: mắt trợn ngược, lưỡi thè ra, tóc rủ xuống như một con ma nước. Ông trưởng thôn lên tiếng: Này mụ kia! Thằng Thấu chó treo cổ lúc mấy giờ? - Dạ thưa trưởng thôn! Tôi không biết, trời sáng, tôi dậy thì thấy… Người vợ ngẩng lên nhìn ông trưởng thôn nói. - Thằng Thấu chó có bị ai hăm dọa hay bức bách mà chết không? - Tôi cũng không rõ! Chỉ khi đi thăm con trong biệt giam án tử hình thì anh buồn lắm. Tôi thức với anh quá nửa đêm cũng không thấy anh nói gì. Nhưng anh chết vì không thể bỏ tật hư thói xấu, vì hối hận với mọi người, với vợ con. Anh tìm đến cái chết để tạ tội. - Hừ! Thằng Thấu chó mà biết hối hận! Lâu nay ai có mắng mụ mụ cũng nín thinh! Thế mà hôm nay mụ nhiều lời, khéo vẽ ra cho thằng chồng đốn mạt là kẻ biết điều, tạ tội. - Ông trưởng thôn chớ nói vậy! Tôi đâu dám thế. Xin ông đừng xúc phạm đến lương tâm của chồng tôi đã chết! Người vợ gục xuống hai đầu gối, úp mặt vào ngực áo nơi có tờ giấy của chồng để lại, khóc rấm rức. - Lương tâm! Bây giờ ru bi hồng ngọc còn dễ kiếm chứ lương tâm đào nát rừng nát núi một chút bằng đầu móng tay cũng không thể có, vậy mà thằng đổ đốn xấu xa ấy có được! Mụ nói không lọt tai.

Chuyện chẳng khác gì trời nằm dưới đất nằm trên! Tao không tin. Tao đâu phải thằng con nít! Một phường láo toét! Ông trưởng thôn ngừng một lúc rồi nói tiếp: Gì thì gì tao không cần biết. Một con sâu đã chết, nó không làm rầu thôn làng là tao nhẹ người. Ông đưa mắt thấy mấy anh dân quân đang đứng xó ró bên cửa ra vào, ông lớn tiếng: Cho hạ xác nó xuống!

Người nhà Lê Thấu chẳng còn ai. Đôi ba ông chú ông bác gần xa đến lo liệu khâm liệm đưa tang gã. Thật khốn khó, bà vợ chỉ đủ tiền mua cho chồng tấm vải liệm, cho mình chiếc khăn tang, mà không có cách gì lo nổi chiếc áo quan. Bà con họ Lê của gã trong thôn này cũng ít người, quanh đi quẩn lại chừng mươi nóc nhà. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, mỗi người góp vô chút ít mua cho gã chiếc quan tài rẻ tiền nhất. Khốn nỗi, có quan tài rồi nhưng không biết tính thế nào đây để đưa gã đi chôn cất! Trong thôn thì không có đội âm công. Ngoài thị trấn có đoàn mai táng chuyên nghiệp bằng ô tô, tiền thuê có đơn giản đến mấy cũng mất vài ba triệu. Khiêng đòn thì đường ra nghĩa địa xa quá. Chú bác năm sáu mươi tuổi đôi vai không chịu thấu. Bọn thanh niên bây giờ nó kiêng tới gần người chết, lý do này nọ chúng biến sạch. Nghĩ mãi rồi các vị cũng tìm ra cách thích hợp nhất mà không tốn kém: Cho trâu kéo! Người ta lấy một chiếc xe ba gác để chở quan tài. Lấy hai đoạn tre nối dài càng xe vừa đủ đặt chiếc quan tài, vừa quàng cái ách vào vai cho trâu đi không vướng.

Chiều hôm đó, chiếc xe tang trông cũng không đến nỗi tệ. Mấy tàu dừa cong cong làm mái phủ kín, trước, sau mái cong ấy là chùm lá ngâu rủ xuống làm rèm trông như một mái nhà nhỏ. Đằng trước chiếc xe, người ta khéo kết lên đấy một bàn thờ nhỏ bằng tre, trên để lư hương cắm nhang.

Đưa ma. Con trâu thong thả từng bước kéo xe tang, đôi mắt nó mở to, vẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì khác thường đang xảy ra với nó. Theo sau xe tang vài mươi lăm người tuổi đã lớn, không nghe ai khóc. Bà vợ kẻ xấu số đầu bít khăn trắng, hai chéo khăn vải xô chảy dài xuống lưng cùng mái tóc rối bù, một tay bám vào thành xe, một tay nắm lấy tay con, đứa con gái đã gần bảy tuổi chưa biết chữ ngơ ngác đầu cũng bít khăn tang túm lấy mẹ theo sau chiếc quan tài, bà vừa đi vừa khóc. Hòa với tiếng khóc, chốc chốc có tiếng trống con lại gióng lên hai tiếng một chậm rãi đưa người xấu số, trùm lên bầu không khí một quãng làng quê u buồn, não nề!

Khi đám tang trên đường ra nghĩa địa, mới đi chừng năm bảy chục mét thì đến đoạn đường gần nhà ông trưởng thôn, làm ông giật mình: Láo thật! Nó đem người đi chôn mà không thưa với mình một tiếng! Đã thế thì ông cho biết tay! Mà thằng này không nên để hắn nằm trong nghĩa địa. Ông gọi dân quân, cho người nhà báo với họ hàng thân thích của ông rằng không để thằng cha Thấu chó nằm chung với ông bà tổ tông đáng kính của họ trong cùng một nghĩa địa. Hãy ra ngay chặn nơi ngả ba, bắt nó đi về phía đồi hoang! Con trâu cứ thủng thẳng kéo xe tang, nhưng đi đến ngả ba thì bị đám đông chặn lại. Đây là lúc ông tỏ cái uy của một người đứng đầu thôn làng, ông giơ tay ra lệnh: Đi về phía đồi hoang! Trong đám đưa tang một ông già tóc bạc trắng, dáng hom hem – cha vợ của Lê Thấu nói: Sao lại phải đi về phía đồi hoang mà không được đi vào nghĩa địa? Trưởng thôn gắt giọng: Trong cái làng này trưởng thôn đã nói thì không ai được trái ý. Không hỏi, không trăng sao gì hết! Tôi không cho phép thì không được, chỉ thế thôi! Ông già cãi lại: Nhưng nghĩa địa là nơi chôn người chết xưa nay của làng! Ông trưởng thôn lớn tiếng: Xưa khác, bây giờ khác! Các người có biết trong nghĩa địa có những ai trong đó không? Có các vị liệt sĩ đã quên thân mình cho sự nghiệp độc lập cao cả của tổ quốc mà gia đình đã đưa họ về để được yên nghỉ bên người thân thích. Chúng tôi không để các anh hùng nằm chung với một thằng khốn nạn rượu chè be bét, trộm cướp làm ô danh thôn xóm. Ông quay về phía những người họ hàng của ông, nói lớn: Bà con thấy tôi nói thế có đúng không? Trong đám ấy có người nói: Đúng! Đúng. Phải thế! Ông cha chúng tôi không nằm chung với kẻ rác rưởi, tù tội. Phải đưa cái thây ma ấy đi nơi khác! - Tôi không đưa cháu tôi đưa đi đâu cả! Chúng tôi cứ đến nghĩa địa của làng mà chôn cất. Ông cha vợ của Lê Thâu nói. - Vậy ông không nghe mọi người phản đối hả? - Không mọi người nào hết! Người họ hàng của ông về hùa với ông đó thôi. - Không lý sự! Tôi bảo các ông đưa ra nơi đồi hoang là các ông phải ra đồi hoang. Giọng ông trưởng thôn lạnh như đá, nặng như chì. -

Chúng tôi không chôn đồi hoang. Ông có quyền gì xua đuổi, ra lệnh chúng tôi? - Quyền! Ông mù hay người đâu đến mà không biết tôi là trưởng thôn? Ai không nghe lệnh trưởng thôn là kẻ phá hoại, chống đối. - Cứ đi! Mấy chú mấy bác đánh xe cho trâu đi để xem ông trưởng thôn làm gì nào? - Ông giám thách thức hả? Dân quân đâu? Thi hành nhiệm vụ! Chặn lại!

Vốn đã sợ đám đông đứng chắn trước mặt nên khi thấy tốp dân quân vung gậy dí về phía đầu mình thì con trâu hoảng hốt! Nó lồng lên, cái ách tuột ra, nó lao lên phía trước. Đám người ngăn đám tang không kịp tránh, có người toạc sườn, người bị trâu dẫm gãy chân la hét hổn loạn. Bấy giờ người vợ đi sau xe tang vẫn úp mặt vào cánh tay níu thành xe. Khi nghe hai bên lớn tiếng, bà nín thinh. Nhưng lúc con trâu lồng lên, cái càng xe giật ngược làm cho xe tang dựng đứng, lật nghiêng, chiếc quan tài văng ra bên vệ đường thì người vợ lao tới, ôm quan tài rồi kêu: Vì sao chồng tôi nằm trong quan tài rồi mà cũng không được yên? Vì sao chồng tôi chết mà không được chôn trong nghĩa địa? Tôi đã chịu bao cảnh đau đớn dồn dập mà ông trưởng thôn nỡ đối với tôi như thế hả? Trời ơi là trời! Rồi sắc mặt chị trở nên hung tợn, không như mấy lâu nay cam chịu nhận nhục với chồng con, với mọi người, chị đi đến trước mặt ông trưởng thôn. Trái với dáng vật vờ tơi tả như bóng ma, đôi mắt chị trừng lên, nét mặt đanh lại làm cho mấy nét nhăn trên khuôn mặt khô sạm hằn lên, biến dạng như của một con thú dữ cùng đường nhưng không chịu lùi, chị gầm: Ông bạc ác vừa vừa với! Ông hà hiếp chúng tôi quá! Tôi hận ông mà không dám nói ra vì sợ ông là hạng người hay thù vặt. Ông tưởng rằng tôi không biết ông đã cho người đến đánh đập chồng tôi, đuổi chồng tôi ra khỏi làng trong lúc tôi bụng mang dạ chửa, khốn khó trăm bề. Tôi nín lặng vì tôi đàn bà cô đơn, thấp cổ bé họng. Bây giờ thì tôi không còn gì mà phải sợ!

Ông bác của ông trưởng thôn người thứ bậc lớn nhất của họ Phan cũng có mặt. Ông bây giờ đã ngoài bảy mươi, có khuôn mặt rắn rỏi của người quyết đoán lạnh lùng. Thời bao cấp ông làm chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp. Bây giờ thỉnh thoảng đi họp người cao tuổi, khề khà chén rượu kể chuyện hồi trước. Ngày bầu trưởng thôn mới, ông đã nói một tiếng với mấy anh để thằng cháu con ông chú được làm trưởng thôn. Ông đưa mắt nghiêm nghị nhìn cháu, nói: Anh trưởng thôn, anh cầm cương nảy mực mà anh để cho nó lông loàn thách thức chính quyền đến vậy!

Như lửa đổ thêm dầu, ông trưởng thôn mặt sạm tựa tiết gà bầm quát lớn: - Con mẹ bỏ xó kia! Chồng mày treo cổ chết, con mày rồi cũng ra pháp trường mà chết, mày muốn chết cho mày chết. Dân quân đâu! Trói gô nó lại!

Đám dân quân đang chần chừ thì những người họ hàng của bà ta đã kịp kéo bà lùi lại, khuyên bà không nên liều mạng lúc này, vô ích…

Trời về cuối chiều, đám người đưa tang bị chặn và biết dù có được đưa ra nghĩa địa hay chôn cất một nơi nào đó cũng không kịp nữa. Ông cha vợ của Lê Thấu nói hãy đưa về nhà, sáng mai liệu. Họ sửa lại chiếc xe, hì hục khênh quan tài lên, đưa mắt tìm trâu. Trâu đã tháo cháy mất hút. Không còn cách nào khác hơn là mấy chú, mấy bác già ọp ẹp còng lưng kẻ kéo người đẩy xe tang trở về khi trời đã chập choạng tối. Ông trưởng thôn thấy chiếc xe tang thất thểu ra về, nhưng ông chưa an tâm. Ông dặn mấy dân quân đứng coi chừng cho đến sang canh mới được giải tán.

Khi xe tang về đến nhà, những người đưa tang uất ức thấy người thân của họ không được đưa vào nghĩa địa mà phải chôn ở nơi hoang vắng. Một người nói: Đã đến nước này ngày mai phải ăn thua với thằng trưởng thôn! Không có làng nào mà trưởng thôn quyền hành độc đoán như làng ta. Nhưng cha vợ của Lê Thấu nói: Vậy là vạ lớn! Không ai được làm như thế. Đêm nay tôi với một người nữa lên gõ cửa uỷ ban xã khiếu nại.

Người đàn bà khóc ri rỉ bên quan tài. Bóng đêm với mấy nén hương leo lét trên bát nhang đặt đầu phía quan tài làm cho căn nhà vốn cô đơn nay càng thêm u ám buồn thảm. Những kẻ sắt đá đến mấy trông cảnh tượng như thế cũng mềm lòng. Người đàn bà vẫn khóc. Chị thở than với chồng: Một đời mình sống chui lủi như con giun con dế. Bây giờ chết cũng không được yên xác. Chao ôi, chết đi ai cũng được mồ yên mả đẹp bên cha mẹ họ hàng thân thích. Vậy mà anh không được! Em thà chịu chết cùng anh chứ làm sao mà em chịu thấu cảnh anh phải nằm xuống trên đồi hoang cô đơn lạnh lẽo. Trời ơi, em biết làm gì bây giờ? Không! Không thể được. Đến nước này em phải liều mạng với ông trưởng thôn đến lúc nào ông phải cho đưa anh vào nghĩa địa mới thôi. Người đàn bà đốt thêm nén nhang rồi tiếp: Anh sẽ phù hộ cho em sức mạnh!

Người đàn bà tiều tuỵ thân hình nhỏ nhoi quàng vai vào càng chiếc xe ba gác kéo đi. Chị ráng hết sức mà chiếc xe tang chỉ nhúc nhích từng tí một, trông tựa như con kiến phải tha một vật nặng. Vừa đi chị vừa khấn thầm: Vong linh anh hãy giúp em một tay! Đi được một quãng, mồ hôi đã thấm ướt vai áo, chân lúc thì như bị đất níu lại, lúc thì hẫng hụt bởi đường đêm không thấy ổ gà ổ vịt làm cho chị chóng mệt, chị nghỉ một lúc. Chị sửa lại bát nhang nó đã bị xô lệch một bên bởi xe nghiêng ngã. Chị đốt thêm một nén nhang nữa rồi quàng vai vào xe tang. Chị gồng mình, cả thân người chị trườn về phía trước như người ta lấy hết sức kéo chiếc xe quá nặng đi ngược cơn gió lớn. Trong khoảng tối mờ mờ của đêm đầy mây, những bóng cây đen thẫm hai bên đường cứ lùi dần, lùi dần từng tí một. Phải đến cả tiếng đồng hồ chị mới đi được hơn trăm mét. Và kia rồi! Cổng nhà ông trưởng thôn đã đến - cái cổng xây bằng gạch to nhất làng, xung quanh tường trên cắm mảnh chai, hai cánh cổng khung bao được làm bằng sắt, tôn bịt kín, sơn màu nâu giả gỗ - chị dừng xe. Chị tìm một chỗ trên xe, ngồi bó gối cạnh quan tài. Mấy con chó từ trong nhà ông trưởng thôn nghe tiếng động nhỏ, chúng cắn lên vài tiếng, mũi khịt khịt đánh hơi biết mùi tử thi, chúng sợ. Chúng tìm chỗ vắng, khẽ tru lên mấy tiếng rồi im bặt.

Về đêm, mùa thu, sương rơi, lạnh, đám dân quân đứng chặn nơi ngã ba mệt mỏi, buồn ngủ, vả lại lúc này biết cái xe tang ấy không qua đây nữa, họ ra về. Khi gần đến cổng nhà ông trưởng thôn, từ xa họ đã thấy tia lửa lập lòe, họ nghĩ là đom đóm. Đến gần, họ sững người lại. Trong bóng tối nhập nhòa họ trông thấy mờ mờ hình bóng chiếc xe tang ban chiều không một bóng người. Quái lạ! Họ đã cho người đến tận nhà người chết trông thấy nó nằm trong đó và những người kéo xe tang đã ra về, sao bây giờ lại hiện nơi đây? Với lại những con chó nhà ông trưởng thôn rất hung dữ, tinh khôn sao cả chiếc xe tang nằm lù lù ra đó mà không hề nghe tiếng sủa. Tí nhang le lói làm cho họ nghi ngờ. Họ nghĩ đó có thể là nỗi ám ảnh rờn rợn ban chiều khi mà họ chưa bao giờ thấy một chiếc quan tài văng bên lề đường. Họ đến gần hơn nữa. Thì đúng là chiếc quan tài và chị vợ của người chết. Họ định nói gì đó nhưng người đàn bà ngồi bên cạnh quan tài đã nói: Mấy chú về đi! Ở đây tôi không quấy rầy gì đâu. Tôi chờ đến sáng để tôi xin ông trưởng thôn cho tôi được chôn cất chồng tôi trong nghĩa địa. Họ lưỡng lự một lúc. Họ thấy lúc này cảnh tượng đáng thương, một lời nói nặng nề hay một lời khuyên cũng không ích gì. Và giờ đã khuya khoắt lắm rồi, đứng lại nơi đây cảm thấy sờ sợ. Một người nào đó cởi chiếc áo của mình đưa cho chị, nói: Thím khoát thêm vào kẻo sương xuống lạnh.

Đêm. Nhiều nhà trong làng không ngủ khi tốp dân quân về nói họ đã nhìn thấy chiếc xe tang ban chiều nằm trước cổng nhà ông trưởng thôn. Đôi nhà đỏ đèn rồi thầm thì bàn tán: Nghĩ lại, đến như thế là thất đức lắm! Câu nệ gì cho lắm, cứ cho đưa chú ấy vào nghĩa địa, bớt đi nỗi đau buồn cho vợ chú ta. Bây giờ người ta không gọi Thấu chó nữa mà người ta gọi: chú ấy. Nhà ông bác ông trưởng thôn thì khác. Khi nghe thằng cháu làm dân quân về kể lại liền vùng dậy, ông nói lớn: Con mẹ này ăn vạ đây, không thể như thế được! Giọng ông oang oang tức giận đến nỗi bà vợ ông bị thấp khớp mới tháng nay làm cho tay chân bị ê ẩm nhức mỏi cũng không nằm yên. Ngày khi người ta gọi cơ chế thị trường, chợ búa trở nên tấp nập hơn bà cũng xách cái rổ ra chợ mua mớ rau, bán quả trứng để kiếm thêm tiền. Lâu dần, cái giọng nhà quê hiền như củ khoai củ sắn trộn lẫn với tiếng nói của chợ búa làm cho bà mạch lạc, sắc sảo hơn. Bà nói: Điềm họa rồi đấy ông à! Ông thử nghĩ người ta chết sao không cho người ta được nằm chung với người thân của người ta? Ông nói: Tôi với bà cũng cao tuổi rồi, nay mai sẽ về với đất, tôi không thể nằm chung trong nghĩa địa với nó, với một thằng khốn nạn! Bà tiếp: Ông nói vậy mà nghe được hả! Mồ ông thì ông nằm, nó có chỗ của nó chứ đâu giành giật của ai. Ông lại to tiếng: Bà không được ăn nói như thế! Vàng thau không được lẫn lộn. Bà nói: Thế ông bảo nó ra ngoài đồi hoang mà nằm hả? Ông xẵng giọng: Chứ sao! Cái loại ấy phải vậy. Ông à! Bà nói: Mình xử sự làm sao lấy cái phúc, cái đức chứ đừng ganh tị gì với kẻ sa cơ lỡ bước. Ông nặng lời: Thôi! Bà đừng có dạy khôn! Tôi không nói chuyện với bà. Bà không chịu lùi: Thì tôi thấy cái lẽ đời mà nói. Ông kiên quyết: Ngày mai nhất định tôi nói với thằng cháu trưởng thôn cho người kéo quan tài nó ra nơi đồi hoang. Bà cũng căng lên: Hà! Khổ! Đàn ông đè đàn bà, rồi cái thói ấy các ông đè người ta. Bác cháu ông từng làm cho dân làng im hơi lặng tiếng, hể ai không về hùa với cháu ông, không nghe lời cháu ông thì cứ hằm hằm cái mặt buộc tội cho là chống đối, làm mất trật tự thôn xóm mà khoá miệng người ta lại! Ông quát lên: Bà im đi! Bà ác mồm với cháu tôi! Giọng lưỡi của bà y như giọng lưỡi của con mẹ Thấu chó ban chiều. Đàn bà toàn là loại ngồi lê mách lẻo, đặt điều. Bà đốp chát lại: Phải! Nhờ ngôi lê mách lẻo mà mấy năm ra chợ nên tôi nghe được nhiều chuyện. Ông có nhớ năm đó xã phân về cho thôn một suất dọn dẹp trật tự và thu vé chợ của những người buôn bán vặt vãnh không cần đăng ký? Người ta bảo cho lão Tợ đã ngoài năm mươi tuổi, chân đi cà thọt, không cày ruộng được thì trưởng thôn, cháu ông gạt đi mà chuyển cho một người khác, bảo tàn tật vậy không làm tròn công việc. Nghe ra cũng phải. Nhưng việc xì ra khi người đàn bà vợ của người được cháu ông cho cái chân lấy thuế chợ ấy ngồi lê mách lẻo với đám đàn bà rằng, chị ta khốn khổ lắm mới vay được ít tiền lo cái chân quét chợ, thu thuế cho chồng. Chuyện đến tai cháu ông. Chỉ tháng sau đã có người mới thay thế cái chân quét chợ thu thuế. Nhưng cái bọn đàn bà mách lẻo chúng tôi biết đâu là thực, đành làm con chó bị bịt mỏm, không muốn dây chuyện khó dễ mà không sủa lên đó thôi. Đấy! Đàn bà hay đặt điều! Ông điên lên không chịu được những lời sắc như dao, cay như ớt của vợ, ông đập tay xuống bàn: Câm mồn đi! Bà vợ cũng không vừa: Thì tôi câm mồm, cũng như thiên hạ câm mồm! Nhưng tay chân họ không câm, không què. Ngày xã cho làm đường, đường lấn vào cổng trưởng thôn thì trưởng thôn cho làm quẹo, qua vườn người khác, họ đề nghị làm đàng kia trước, ít hôm rồi quay lại để đám đậu kịp chín tới. Nhưng cháu ông có bao giờ chịu nghe ai, cứ cho xe cào bằng, bảo đã có nghị quyết, không đề nghị yêu cầu gì hết. Ngày hoàn thành con đường, hôm sau trước cổng nhà trưởng thôn đầy phân người, phân súc vật. Dân gian nói có sai đâu “dạ trước mặt trẻ c. sau lưng”!

Trời vừa sáng, ông bác của ông trưởng họ tay cầm gậy giận dữ đi đến cổng nhà thằng cháu trưởng thôn xem hư thực ra sao. Ông tưởng có mỗi mình ông, nào ngờ nhiều người trong xóm đã đến đây từ sớm. Ông không biết rằng hồi đêm những dân quân về nhà, họ cũng thức dậy như nhà ông. Nhưng họ không phẫn nộ mà thấy xốn xang, có điều gì đó không phải trong lòng khi ban chiều đã về hùa với trưởng thôn không cho cái xe tang đi vào nghĩa địa, để cho người đàn bà ngồi bên quan tài của chồng suốt đêm sương lạnh, và để xem sự việc sẽ xảy ra như thế nào. Thấy họ lặng lẽ, không ai chào hỏi gì ông cũng làm cho ông bớt hung hăng. Tuy thế, dù sao mình cũng kẻ cả trong làng, ông ra uy: Thằng trưởng thôn đâu? Im lặng! Nhìn quanh nhìn quẩn đã không thấy trưởng thôn mà cổng nhà trưởng thôn lại đóng im ỉm, ông tức điên, ông lấy gậy nện vào cánh cổng làm cổng rung lên ầm ầm. Nghe tiếng đập phá dữ dội bầy chó sủa vang, ông trưởng thôn cũng cầm gậy chạy ra cổng. Thấy trưởng thôn, ông bác gầm lên: Này trưởng thôn chó chết! Việc tày trời xảy ra trước cổng nhà anh mà anh không hay biết! Mở mắt ra mà xem. Ông trưởng thôn lí nhí biết lỗi: Hôm qua mệt với cái đám tang, đêm về có mấy chén rượu nên ngủ li bì, không nghe động tĩnh gì hết. Ông bác chỉ gậy về chiếc xe ba gác chở quan tài mà bà con lối xóm đã vây quanh làm cho ông trưởng thôn không nhìn thấy, ông nói: Anh có thấy gì đấy không? Con vợ thằng Thấu đem quan tài đến trước cổng nhà anh nằm vạ. Bây giờ anh tính sao? Miệng còn hơi men nhưng ông trưởng thôn cũng đã nhận ra cái quan tài và vợ thằng Thấu. Ông đến, ông chỉ gậy vào mặt bà ta quát: Liệu mà cút xéo đưa cái thây ma ra đồi hoang! Người đàn bà vẫn im lặng. Ông trưởng thôn cao giọng: Có đi không nào? Người đàn bà đáp: Tôi không đi! - Thế mụ muốn gì? - Tôi muốn trưởng thôn cho tôi chôn chồng tôi trong nghĩa địa của làng như bao nhiêu người khác. - Không được là không được! Tao đã nói hôm qua rồi. - Vậy thì tôi không đi đâu hết. - Tao sẽ cho dân quân kéo ra đồi hoang! Người đàn bà vẫn ngồi trong xe, ôm quan tài chồng, nói: Ai động vào xe tang này thì tôi đập đầu vào quan tài tôi chết! - Mày thách thức hả? Dân quân đâu? Có ai đó trong đám đông nói: Xin ông trưởng thôn đừng như thế. Đường cùng, sẽ xảy ra một cái chết nữa. Hôm qua đã hai người bị thương, nay làng thêm người chết thì chẳng hay ho gì! Thấy không ai ủng hộ mình, lại có người can ngăn làm cho trưởng thôn nao núng. Ông quay lại ông bác, hỏi: Thế bác cho xử lý như thế nào? Ông bác khuôn mặt lúc này vẫn hậm hực nhưng lúng túng. Vốn xưa nay ai cũng phải nể cái uy của ông, đến cháu con cũng như thiên hạ chỉ một mực thưa thưa dạ dạ, lẽ nào bây giờ ông cùng cháu ông thua con mụ đàn bà làm liều! Ông là người khôn ngoan, từng trải, ông biết cách không để mất mặt trước đám đông khi thằng cháu dồn ông vào chỗ bí. Ông và cháu phải tính mưu tính kế. Ông nói tỏ ra kiên quyết nhưng giọng đã chùng: Anh làm trưởng thôn mọi việc xảy ra trong thôn xóm thì anh phải biết cách xử lý chứ. Ông đưa mắt cho trưởng thôn. Trưởng thôn hiểu ý, nói: Vì chuyện xóm chuyện làng mà làm bác vất vả. Xin mời bác vào nhà uống chén nước nghỉ ngơi đã. Cháu sẽ có cách bắt nó nghe lời! Trưởng thôn quay về phía mọi người, nói cứng: Cứ để cái xe tang mặc cho nó phơi nắng!

Đám đông đang tụ tập bên chiếc xe tang, có người nói gì thì gì người ta cũng đã chết rồi, dằng lên để xuống không cho người ta mồ yên mả đẹp là thất đức lắm! Có người bảo: Chúng ta mỗi người hè một tay đẩy xe tang ra ngoài nghĩa địa, an táng giúp cho người ta. Người đàn bà trên xe tang nghe thế thì chị ta nói: Tôi xin cảm ơn lòng tốt của bà con. Nhưng như thế chồng tôi được đưa đi chôn chui chôn trộm, tôi không muốn thế. Tôi muốn bà con giúp tôi là nói với ông trưởng thôn cho tôi đưa chồng tôi mai táng trong nghĩa địa như mọi người! Nhiều người đồng tình nói lên: Phải đấy! Không thể khác được.

Đám đông đang nhốn nháo chờ đợi ông trưởng thôn, thì có hai người lạ xuất hiện. Người ta nhận ra đó là hai cán bộ trên xã. Họ về theo lời khiếu nại của những người bà con của kẻ đã chết. Họ vây quanh hai cán bộ, họ kể sự tình cái đám tang từ chiều hôm qua cho đến bây giờ. Hai cán bộ nói rằng họ đã được tường trình tất cả. Họ về giải quyết thỏa đáng để xóm làng đoàn kết, yên ổn. Họ hỏi đám đông: Để cho anh Thấu yên nghĩ trong nghĩa địa của làng, làng có thấy khó chịu không? Môt người trả lời: Chẳng việc gì phải khó chịu. Ai có phận nấy! Cán bộ xã nói tiếp: Đúng như thế! Làng không những không mang tiếng xử tệ với người chết, mà người ta thấy rằng dân làng bao dung quá. Ai chết rồi cũng được nằm trong vòng tay thương yêu của dân làng, không ghét bỏ ai! Đám đông nhao nhao lên: Phải rồi! Cán bộ xã giải quyết như thế là tình người, là hợp lẽ. Phải để đưa anh Thấu vào nghĩa địa của làng.

Hai cán bộ vào nhà ông trưởng thôn. Biết có ý của xã khác nhưng ông trưởng thôn vẫn nói cứng: Là tôi muốn nơi đây là nơi dân lành của làng yên nghỉ, lại có mấy ngôi mộ liệt sĩ. Nếu để một kẻ bất nhân như tên Thấu hóa ra đánh đồng tất cả. Các liệt sĩ người ta sẽ thấy mình không được tôn vinh. Cán bộ xã đáp: Ở đâu các liệt sĩ cũng được tôn vinh. Linh hồn các liệt sĩ không cạn hẹp như ta nghĩ đâu! Các liệt sĩ trước ngày hy sinh, trong chiến trận khi kẻ thù bị thương, họ còn băng bó, còn nhường cho giọt nước cuối cùng, thì với người cùng làng dù có lầm lỗi sa đọa, linh hồn các liệt sĩ không vì thế mà không an ủi trò chuyện với đồng hương! Ông trưởng thôn cúi đầu, ông nói: Thì xã quyết định như thế nào chúng tôi chấp hành như thế đấy. Hai cán bộ xã nói: Lãnh đạo xã đã họp rồi. Lãnh đạo xã thấy đừng để dân tình người ta có ấn tượng không tốt quanh việc một người đã chết. Xã quyết định hỗ trợ tang gia người nghèo, xã sẽ chi tiền thuê một chiếc xe tang đưa người quá cố ra an táng nơi nghĩa địa của làng. Trưởng thôn vận động dân làng mỗi người một tay trong việc đào huyệt, đắp mộ.

Ngôi mộ đã được đắp xong. Hai cán bộ xã cắm lên đấy một nén nhang rồi ra về. Dọc đường một người nói: Để xảy ra nhiều chuyện quá, phải cho tay trưởng thôn này nghỉ việc. Người kia đáp: Có lẽ đã đến lúc rồi đấy!

Một làn gió mát ban mai trong lành ùa tới, làm cho hai cán bộ thấy dễ chịu, xua tan cái mệt mỏi thức từ nửa đêm cho đến sáng để bàn về đám tang của Lê Thấu.


Trần Thúc Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 202312:58 CH(Xem: 1809)
Lần này là một cuộc chạy trốn.
30 Tháng Tư 202311:19 SA(Xem: 1647)
Chị đã nấp dưới khăn liệm để được ôm ấp chồng đêm cuối trên dương thế.
16 Tháng Tư 20235:09 CH(Xem: 2444)
Nguyễn Tuân là người sinh ra Nguyễn Tuân. Nói cách khác, ông tự làm ra tính cách ông, làm ra cái sự độc đáo, cái sự không giống ai cho riêng ông.
11 Tháng Tư 202311:16 SA(Xem: 2518)
Không công dân nào có thể tốt hơn công dân đã nằm dưới mộ.
03 Tháng Tư 20239:50 SA(Xem: 2049)
Chuyện về thời đã qua sẽ thú vị không chỉ cho con cháu, mà cả cho những người khác nữa.
29 Tháng Ba 202310:53 SA(Xem: 2919)
Và cuộc hành trình trên cõi đời này tôi mãi tìm em.
24 Tháng Ba 20235:39 CH(Xem: 1761)
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ.
22 Tháng Ba 20233:29 CH(Xem: 3634)
Lâu lắm rồi Ngần mới lại khóc, những giọt nước mắt buồn đến tê dại.
12 Tháng Ba 20231:11 CH(Xem: 1661)
Khải nói qua điện thoại, từng chữ một nhả chậm.
23 Tháng Hai 202310:06 SA(Xem: 2967)
Ừ! Nó phải trở lại thôi. Nợ trần chưa dứt. Cõi nhân gian đang đợi nó về...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30715)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24505)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,