TRU SA - Ngõ Hạnh

27 Tháng Sáu 201810:28 SA(Xem: 5240)
TRU SA - Ngõ Hạnh


Tặng Yên Cơ

Tôi đứng nội soi (1) dưới đêm vàng. Ngày như ngày đêm tuần tự đêm ngày trắng ngày đêm xoáy đêm, vết đồi mồi. Chân tôi không cứng đơ như thứ rễ bắt xuyên xuống lớp gạch lót đường, cào tìm đất mẹ, tôi đi lại, thậm chí đi còn quá nhanh. Các dãy phố lùi khỏi tôi, tôi vẫn đứng, đắm vào những chuyển động. Đêm nay rất vàng. Thành phố hoa lệ, nơi tôi neo lại nhiều năm ròng luôn sáng đèn mỗi lúc bóng tối trút xuống như đại dịch. Các cao ốc ngút trời và ngút hết tầm nhìn, dăm ô cửa tối mù, dăm ô khác sáng rực như sọc đen trắng trên bàn cờ vua. Một đôi trai gái khoác vai nhau đi cạnh tôi, leo lên trước rồi thụt lùi lúc nào không hay. Hẳn tôi đã lẽo đẽo bước ngắn bước dài khắp đường phố. Khác với những người hám sự lang thang lạ miệng, tôi không chụp cảnh trí vào trong mắt, không thèm một phút dừng chân nghe tiếng piano vụng về của cô gái trẻ trên một cửa sổ bất kì. Quán đêm, lẩu, đồ nướng, bar, trò đua xe liều mạng không dỗ được tôi một lần sạch túi, tôi không sơ suất để mình yếu đi trong cảm giác ai cũng có đôi, ta một mình, đến mức tìm đến rượu, thuốc lá, vớ tạm một bạn đời. Đứng, không một chỗ, tôi đứng thế trong sự nội soi đầy kỳ thú. Mắt tôi nhìn, cũng như nghe còn tâm trí tôi tẩy xóa mọi dấu vết dẫu của người hay vật. Đồ đạc là vật chết, lắm lần tôi đứng và ngửa mắt lên tìm một chiếc lá. Tầm nhìn khua lên từng cành cây, bới một chiếc lá ưng ý. Số lá to nhỏ không đều, hoen đỏ như nhau, cài lên nhau che hết màu bầu trời. Có một chiếc lá đẹp nhất chếch bên trái, sẫm màu hơn số lá còn lại. Đứng mãi thế, ánh nhìn tôi xoay chuyển sang xung quanh, lúc trái lúc phải, khi men dọc xuống thân cây rồi đánh võng từ mầm cây con dưới gốc lên ngọn cây rồi lướt xuống một lần nữa về hồng tâm mình chọn, chiếc lá. Cái lá dường như to và đậm lên như một dấu son giai nhân, vết máu hoa anh đào trên mặt tuyết. Trước khi tôi ngắt chiếc lá xuống bằng phép dài tay tưởng tượng thì nó rụng xuống, không, tôi nhớ nhầm, chiếc lá đã tách khỏi cành rồi vờn vờn, vút mất, tôi lại nhầm, một cánh bướm mà thôi. Em bé ngủ gật.

Mặt trời xong trách nhiệm thổi tắt bóng tối vào ban ngày, liền thổi tắt mình. Trăng mải chơi hơn, trốn sau những tầng mây. Đèn thành phố thắp thay cho mọi thứ ánh sáng thuộc về thiên nhiên, chúng giả hiệu, đầy cợt nhạo, thực sự thì không sức mạnh nào đe dọa được bóng tối. Đêm vàng, bóng tối cũng vàng bởi tôi đang trong đêm, mười hai giờ. Nhân loại này như dãy phòng khổng lồ, nơi mặt trăng mặt trời kéo chân nhau trong ổ công tắc. Ánh sáng là một toan tính của đấng tối cao hòng xóa mờ đi sức mạnh tỏ tường của bóng tối, khi mực đen làm lộ tẩy chất liệu xương người cấu tạo từng căn phòng, dòng chữ chạy trong đầu tôi. Mạch văn chỉ thế, không tiến sâu, la đà cho một phát quang, tôi chỉ đang nhẩm lại lời người khác. Đoạn văn đang quẩn quanh trong đầu tôi tương tự như nhiều câu văn tôi đọc từ Ngõ Hạnh, một tay viết đáng mặt nhà văn nhưng bất thành danh. Thứ văn chương vô hình sục sạo trong đầu tôi, đôi lần, chúng khử đi cơn buồn nôn chợt cuộn trào trong tôi. Chắc hẳn khi đấy tôi bị người ta ép rượu, lý do công việc buộc phải gặp những người mình không muốn liên hệ, lắm lúc những cuộc họp giao ban thường xuyên, mớ báo cáo, tự kiểm điểm, những diễn văn viết một lần và đọc nhiều đời người khiến tôi gai ốc khắp thân mình. Đám đồng nghiệp của tôi ngáp đủ tư thế. Kênh dở, bấm nút một cái là khuất mắt, cuộc đời thì không như vậy, tôi và nhiều kẻ xưng tôi trên cõi đời này vẫn luôn phải đóng thế một vai diễn không phải mình. Miệng mỉm cười còn sau viền môi, răng nghiến gầm gừ. Chợt, một tiếng gọi réo sau tai, mấy cái với tay hướng về phía tôi trong ánh đèn vàng, tiếng còi rú điên dại. Một kẻ lơ đễnh mải nghĩ, cắm đầu đi mãi không biết đang bước trên lằn vôi ngăn cách, đèn đỏ chuyển xanh. Một cú tông xe là đáng đời cho cho kẻ vụng về không tôn trọng pháp luật. Tôi sẽ nằm đo đất, không gãy chỗ này cũng bầm dập chỗ kia nhưng lầm cả rồi, tiếng gọi cùng cái với tay ra hiệu của người đi đường, tiếng toét còi cảnh sát cũng thừa với tôi. Tôi thấy và nghe biết hết, lúc chiếc xe hơi cố hãm phanh tối đa, nhả hàng loạt còi báo thì tôi chậm rãi lướt khỏi tầm pháo kích.

Thành phố vẫn đêm và đêm vẫn vàng. Tôi đang đi, đi mãi, biệt khỏi con phố quen.

Bắt một chiếc xe, tôi dự định sẽ đi đâu đấy. Chiếc taxi vọt qua tôi dù trên xe không có khách. Mấy hôm trước tôi lần giở những lá thư mình từng viết cho Ngõ Hạnh mà không thấy. Phải một lúc lâu tôi mới sực nhớ rằng những lá thư qua lại giữa hai người tôi đều xé nhỏ rồi đốt hoặc rải chúng xuống một nơi bất kỳ. Tay nhà văn ẩn dật này có đối đãi tử tế với thư từ không thì tôi chịu. Mấy truyện gần đây của Ngõ Hạnh tôi đọc không vào, có lúc đọc hiểu ngay nhưng rồi chúng tắt ngấm sau một giấc ngủ. Hôm sau nhớ lại thì đầu trắng xóa, lục lại đọc, óc tôi rỗng như mất trí.

Một cuốn đọc đã lâu, bám mốc vào thời gian, tôi còn nhớ, Ngõ Hạnh viết về nhóm người đi săn Phượng Hoàng. Chuyến đi gồm một tên cướp, một sinh viên đọc làu sách kim cổ cùng một nhà sư tuổi tuế nguyệt. Nhà sư chối bỏ chức thượng tọa, đốt chùa sau tiếng Phượng hót xuyên tiếng mõ kinh, chàng sinh viên tìm Phượng Hoàng trong di huấn tổ tiên, tướng cướp rong ruổi năm châu với tham vọng uống máu linh vật của trời đất. Tôi không đọc thấy một con Phượng Hoàng nào đủ lông cánh. Ba người bạn đường tranh luận không biết mệt về loài thần thú này. Kẻ viết tưởng tượng và chia nhỏ vào từng nhân vật, mỗi kẻ khổ sở trong cái túi ngủ không đáy. Văn phong của Ngõ Hạnh bỏ qua phần xác tôi đang lật từng trang giấy, gã tóm lấy phần vô thể của tôi rồi trói rọ ném vào bể chữ nghĩa vô cùng. Tôi bỏ ăn, bỏ uống vì đọc. Lắm lúc, tôi phải hiến tế mình để nhập, thế thân vào các nhân vật, từ cử chỉ, tiếng nói lẫn thói quen. Lúc Ngõ Hạnh viết nhà sư nằm mơ thấy Phượng Hoàng, sáng dậy linga thẳng như ngọn tháp còn ướt mưa, tôi cười phá lên. Chương viết cảnh tướng cướp chén óc khỉ khi con vật vẫn sống, nhổ trụi lông chim thiên đường, cắm vào những mũi dao rồi ngắm nhìn chim nhảy múa trong vũng máu, đoạn nhà sư bịt mắt mình rồi cùng toán cướp ăn sống một con gấu, trường đoạn về kẻ bóp cổ mình nhưng càng bóp mạnh, cổ y càng dài ra…Ngõ Hạnh như cái bể bơi có cấu trúc xoáy âm dương, tôi, kẻ bị chuột rút, bị dìm xuống. Không chết đuối, tôi trầm sâu mãi, nội soi trong vực tam giác quỷ. Con thuyền vỡ vụn trên mặt cát sau khi lướt biển chán chê. Xác thủy thủ chìm vào cát, cát sáng ròng như vàng, các mảnh thuyền vỡ bị bầy kền kền tha bay đi. Tôi sải mình trong những hàng chữ nổi trên giấy. Tôi có thành một loại kền kền rúc ăn các con chữ được tạo tác trong trí tưởng tượng điên khùng. Nhà sư buông sợi thừng cứu mạng để nhập thiền dưới đầm lầy. Tướng cướp sau khi đập vỡ tấm gương trong tầng tháp, lăn ra chết. Chàng sinh viên, con người cuối cùng của cuốn sách. Tòa tháp chuông cổ, chàng sinh viên thấy Phượng Hoàng. Từng cái chết tiếp lửa cho đôi mắt lờ đờ, kém tinh tường nhất một thiên mệnh. Đeo chuỗi hạt tràng nhà sư vứt lại, cầm thanh kiếm gãy đôi của tướng cướp, đôi mắt người sinh viên sáng hơn. Chín trăm chín mươi chín bậc cầu thang vắt kiệt sức chàng, sót lại hơi thở tàn tạ. Chàng giữ chắc giọt sinh khí cuối cùng, sợi lửa trong đêm tàn, cho đến bậc cao nhất của tháp chuông, chàng sẽ chẻ xuống Phượng Hoàng, ánh nhìn của kẻ chiến thắng.

Lửa ngụt lên…Tro bay trên lửa…Dòng cuối cùng của Ngõ Hạnh, của cuốn sách.

Tôi cố giở trang còn lại, mong thấy chàng thêm một lần. Cuốn sách vỹ thanh ở đấy, phía sau là mục lục, bìa cuối. Đọc lùi từ trang cuối đến phần giữa, lướt lên trang đầu, tôi vẫn không tìm thấy người sinh viên, chàng đã bị xóa sổ. Tôi không hiểu được cách giết người này của Ngõ Hạnh, gã quá điên hay quá thừa sự ác, dù với người đọc, tôi hay các sinh mệnh tưởng tượng, con đẻ của mình.

Mười hai giờ, đêm, kẻ viết lấy khung giờ này viết lại cuộc đời mình. Ngõ Hạnh cũng vậy. Mười hai giờ, ngày, tôi đọc sách. Mối giao hảo giữa tôi và gã chỉ là thư từ hoặc bản thảo. Tiểu sử về Ngõ Hạnh không có ảnh chân dung, dưới dòng chữ Ngõ Hạnh là tuổi và địa chỉ. Lẽ dĩ nhiên, tôi dành sự cảm kích bằng một lá thư gửi từ bưu điện đến nhà gã. Lá thư đấy tôi không còn nhớ, cũng quên rồi thư hồi đáp gã viết cho mình. Thư qua thư lại, lúc thì vài lời hỏi thăm, một dòng viết dài ngẵng những nghiệm suy của tôi trước văn chương của gã và ngược lại, Ngõ Hạnh gửi tôi bản thảo mới, in trên giấy đẹp, có lúc tôi nhận được bản viết tay, chữ không đều, lúc đẹp lúc xấu, khi đổ nhào, gạch xóa lem nhem.

Phải hiểu anh thế nào mới phải đây, tôi viết cho gã trong thư, chần chừ mãi không gửi, sau cùng, tôi thử hoán chuyển mình với Ngõ Hạnh và nhận lấy thất bại ê chề trong trang giấy chẳng đậm hơn dòng câu hỏi tôi đã viết. Khung giờ vẫn thế, kim giờ mười hai còn kim phút rùa bò một vòng tròn.

*

Thành phố tôi sống hoa lệ hơn nơi tôi chào đời. Tuổi thơ lứa bọn tôi là những chuyến ngược xuôi hết nơi này đến nơi kia. Đất nước chia đôi đã là chuyện quá khứ. Cắt ra rồi gắn lại không giống như việc lấy dao chém qua lửa. Tôi không kết hôn nhưng vẫn nói với lũ trẻ con trong khu mình sống về bài học bó đũa, chuyện ngụ ngôn hai anh em nhà gấu. Lúc một cặp anh em tranh nhau quả đào, tôi giật lấy rồi ném thật xa.

“Cùng nhau tìm đào đi chứ!” Tôi nói trong sự ngơ ngác của hai đứa nhỏ. Có cặp anh em sợ tôi, khóc vạ, đứa chạy đi tìm, đứa kia ở lại trong vai diễn con tin hảo ngọt. Lẽ dĩ nhiên, các bà mẹ sẽ dỗ dành con mình bằng việc mua cho mỗi đứa một quả đào chín ngon hơn. Tôi không rõ tung tích về trái đào mình ném đi. Tầm ném của tôi không mạnh như Lữ Bố, dăm chục bước chân là thấy, trừ khi quả rơi vào nhà ai đó, kẹt trên mái nhà, đáp xuống lòng đường rồi bị xe cán nát, lắm khi rơi trúng đầu một người đi đường. Tôi không chắc sẽ tìm được trái đào nếu nó nằm lẫn vào một rổ đào bất kì ngoài chợ, lăn lóc vào một xó xỉnh không ai thấy, chờ ngày bị nấm ăn. Mẹ một đứa bé nhắc rằng tôi chỉ là kẻ bắt nạt hoặc ngốc nghếch không biết bầu bạn với trẻ con.

Có thể tìm lại quả đào bị lấy đi không, tôi đã nói thế và luôn câu này cho tất cả thắc mắc của bất kì ai. Một người nói có, rất hờ hững, chào tôi rồi đi tiếp, người nói không nhiều không xuể. Không ai rảnh đến mức tốn thời gian cho lũ trẻ tìm, nhặt lại quả đào biết chắc đã không còn lành lặn. Vài trăm ngàn là có thể no một bụng đào. Lấy đồ của trẻ nhỏ rồi ném đi vẫn là một trò đùa ác ý của tôi.

Một, chỉ một lần tôi thách thức mình trên sân thượng. Tôi mua một quả đào rồi ném về phía nam. Tầm mắt tôi bám rễ theo đường bay trái quả, một cú vòng cung. Sau đó, tôi đi xuống, lùng sục khắp nơi. Hỏi rằng, có ai thấy quả đào nào rơi không thì thật vô bổ và tôi vẫn luôn làm điều vô bổ. Tôi đoán chắc ai cũng sẽ lắc đầu, bỏ đi, hoặc lầm bầm, lắm người luôn trữ sẵn một dòng không biết trong đầu, chỉ đợi một câu hỏi, chữ nhả thành lời. Biết sẵn câu trả lời, tôi vẫn hỏi. Tôi đứng trước những người lạ, chăm chú vào mỗi lời chối từ. Người thì nói rất nhanh, có kẻ nói chậm, mấy tiếng ấm ớ chỉ loạn xạ. Đường xá, nhà cửa được ghi nhớ, thuộc làu hơn trái đào nhỏ. Từng có một ông già chống gậy bảo với tôi rằng biết quả đào tôi ném đi. Ông già dẫn tôi đi lòng vòng, cái lưng còng quá mức khiến ông ta lùn đi, tròn vo như một chú rùa. Tôi trai tráng và khỏe mạnh hơn một ông già hom hem, không có gì ngoài một cây gậy tre víu giữ cho tuổi trời lung lay không biết khi nào rụng. Ông ta đi chậm, tôi cũng rề rà theo từng dấu chân già. Cây gậy lúc cắm thẳng, giữ cơ thể ông già không đổ gục, khi thì hua hoắng như đuổi người. Dần dần tôi quên béng chuyện trái đào, ý nghĩ tôi chiếu vào ông già lạ mặt kia, đâm tủa những nghi vấn về khuôn mặt nhăn nheo, một vết sẹo chém qua mắt và liếm mất con mắt, thật thế, tôi hào hứng với tuổi xuân của ông lão này, hẳn vết sẹo kia đến từ một trận chiến một mất một còn, chứng tích của cuộc ám toán trong bóng tối. Mâu thuẫn gia đình. Giang hồ thanh toán giang hồ. Nội chiến Bắc, Nam. Lý do gì chăng nữa cũng vậy thôi, chỉ vết sẹo và con mắt tàn đi khỏi hốc nhìn là thực. Cái lưng còng của kẻ dẫn đường giúp tôi nhớ về một dòng viết của Ngõ Hạnh, lưng nàng đổ nhào như một số phận, một con đường rẽ trong hiểm nguy, đâm xuống vực chết hoặc uốn vô hạn trong tiếng khèn thiên đường. Lưng nàng gập, đốt xương dẻo hơn và rất cố tình trườn lên mình tôi, quấn chặt, siết một cú cắn ngọt lịm như dao. Thế rồi, không biết từ lúc nào, ông già đã khuất xa khỏi tôi. Tấm lưng ông già gù xuống, nặng nề chứ không mềm dẻo theo một đường cong ngọt hương trời. Tôi tưởng mình bám rất dính theo ông già chứ, có khi tôi nhầm hoặc niềm háo hức về trái đào đã nhờ mất. Tiếng í ới, chào hàng khắp tai. Chỗ tôi đứng lúc đó là một cái chợ nhỏ. Đầu chợ là những quầy hoa quả. Đào cả thúng. Họ chào hàng tôi vài tiếng rồi chào sang một người khác đang đi vào chợ. Khoảng nửa ki-ốt, khuất hết các quầy hoa quả, rau dưa và trứng, tôi thấy những cái đầu lợn treo lủng lẳng, mắt mở trừng trừng. Máu trên mõm thủ cấp mọng hồng hơn vỏ đào. Giọt máu ngấn ngấn đầu mõm chứ không rơi.

Tôi yêu cũng nhiều. Kha khá các cuộc tình tôi đã quên bẵng, kha khá cuộc tình khiến tôi ê ẩm một thời gian. Tôi chưa từng khóc vì người đàn bà nào. Không khóc nghĩa là tôi chưa từng yêu sâu đậm đến mức phế bỏ cả tính mạng, tôi hỏi mình và xóa đi dấu hỏi rất nhanh, yêu, không tồn tại nước mắt, thậm chí còn không cả tiếng cười, muôn đời ái tình là những cơn rữa, hủy đời dần theo năm tháng.

Thư, người phụ nữ đặt dòng khai tử trên bia mộ ái tình đời tôi đã gửi tôi một món quà chia tay. Một gói quà không màu, bên trong giữ dải tóc dài buộc gọn trong sợi chun, một ngón trỏ. Lúc mở gói quà, tôi ngửi lại mùi tóc, biết đấy là tóc Thư, ngón tay cũng của nàng, ngón tay này tôi từng hôn, ngậm trong miệng. Thư cắt sát hết ba đốt tay, đốt thứ hai của nàng có một nốt ruồi, ngón tay trong hộp quà cũng chấm một nốt ruồi. Vài tháng trước, trong lúc đứng trên tầng thượng một quán café kiến trúc classic, từ bàn ghế, bức tường long gạch lẫn cốc chén hoặc cũ, mốc hoặc nham nhở viền răng cưa, một bản nhạc thoắt qua tai, tôi nhìn thấy Thư. Tương tự mọi cặp tình nhân, tôi và nàng luôn ở cùng nhau. Đi chơi, ăn rồi uống, rỉ tai những buồn vui thơ ấu, trói xiết nhau trong một vòng ôm cùng nụ hôn dài như một cáo phó lịch sử. Thư viết lên bàn tay tôi về giấc mơ đám cưới, khúc khích cười khi nói đến ngôi nhà và trẻ nhỏ. Tôi nháp lên thân thể Thư nhiều hơn thế nhưng tất cả chỉ là sự hùa theo ý nghĩ của nàng. Tôi xuyên ánh nhìn của mình vào những gì Thư đã biểu lộ, trí óc tôi móc lấy từng tiếng miệng, hơi thở của nàng rồi liệng một đường dao ngọt, tách da khỏi xương và chẻ xương khỏi xương, nội soi mọi thật giả trong nàng.

Anh đâu rồi, Thư nói không chỉ một lần khi tôi còn ở bên nàng. Trong bản sonat ánh trăng từ máy cát-xét cũ của quán, nàng lặp lại một lần nữa Anh, này anh, đi đâu rồi, và nàng nhìn vào tôi, vuốt mặt tôi, ôm siết, hôn cũng siết. Em sao thế, anh vẫn ở đây mà, tôi nói, còn Thư vẫy vùng, mắt nàng nhìn tôi chòng chọc. Không một lần chớp mắt, Thư đang lùng sục một cái chớp mi, đảo mắt cho một thắng lợi đã lật tẩy được người tình hai mặt. Tôi đoán rằng lúc đấy mình quá chăm chú vào bản nhạc và quên mất nàng, cũng tôi lúc này đoán thêm một quẻ cho mình, khúc nhạc gai nhọn của môn đồ Mozart tôi đã làu làu, thời điểm đấy tôi đang soi chiếu một cái gì đó, thứ người tình của tôi nhiều lần muốn quật ra. Tôi yêu Thư, một sự thật, nếu không tôi chẳng dứt khoát đem chuyện ái tình chôn xuống vực sâu. Thư yêu tôi. Có hoặc không, thật hay giả, tôi chẳng biết nữa. Ngón tay cùng búi tóc Thư không xẻ trái tim tôi trong nỗi dằn vặt. Khúc Thụy Du là ân sủng cho lứa đôi, mũi nhọn và chim bói cá. Ái tình đau hơn đau đẻ, tiếng khóc vì tình thê thảm hơn hoạn. Tôi có đau và biết đau nhưng tôi không khóc. Nước mắt của tôi kết dính bên trong rồi hóa tuyết, lớp tuyết dày lên theo từng tíc tắc, thành băng, lớp băng rào thành tường mộ. Bọn trẻ giành nhau quả đào bởi ý thích. Cắt đôi quả đào, mỗi người một miếng chỉ là giải pháp lừa mị. Ham muốn độc chiếm mới là vị ngọt của trái tiên. Lịch sử mỗi quốc gia luôn là trò chơi tranh đào, sự cát cứ tứ phương cũng vậy, một binh pháp chờ thời cho đến khi quân đội hai miền đủ hỏa lực đánh một trận đất bằng dậy sóng. Tôi không cố trói buộc Thư vào mối tình thủy chung, tôi cho nàng cơ hội. Lúc mới yêu, tôi đã dự định cho ngày tàn của mối tình. Xâu mình vào cuộc đời nàng trong ngọt ngào, tôi chừa lại phần tâm đắc nhất của mình trong một góc khuất, nơi tôi quan sát, chứng kiến phút lâm chung của cuộc tình.

Trong hộp quà không hề có quả đào nào. Gói quà mở vào một đốt ngón tay, búi tóc mềm.

Anh đoán xem, tôi đã làm gì với gói quà của nàng, đem chôn vào đất hay nướng lên rồi giữ chúng trong máu thịt của mình, tôi viết cho Ngõ Hạnh. Đợi từng ngày, thư không hồi thư.

Mọi thư từ đã lún vào dĩ vãng, chuyện hộp quà cũng thế. Cơ thể Thư không thể hòa vào tôi dù trong đất hay trong lửa. Hôm đấy, tôi đã…còn hôm nay, tôi đứng trước tấm gương trong Nhà Cười. Thân hình tôi lúc tròn lăn, lúc dài như cây tre hóa thánh đời người trong máu giặc. Lớp gương thứ hai uốn nhàu tôi. Lớp gương kế tiếp trả thân hình tôi về nguyên dạng nhưng cần cổ dài lên bất tận. Tứ phía là gương, mỗi gương khoác một biến dị của kẻ đang đứng. Tôi ngoảnh, hình trong gương ngoảnh theo. Bất chợt tôi cười lớn, bốn bề gương cũng cười, cùng lúc đấy là tiếng hoảng hốt của một ai đó phía bên kia Nhà Cười. Chắc tôi đã cười quá lớn, đến mức một kẻ đang đứng chia mình trong các tường gương giật mình, bởi miệng y đang mím mà gương đã cười. Tiếng kêu oái của người lạ mặt không khác giọng Thư lúc tôi dẫn nàng vào Nhà Cười. Dãy hành lang khác, sâu hoắm hơn nơi tôi đang đứng bây giờ, dĩ nhiên, bữa đó đèn trong phòng cũng sáng trắng như hôm nay. Thư không ái ngại gì với ảnh mình trong gương, nàng từng viết lên lưng trần tôi khi tôi nằm úp, chưa ngủ nhưng vờ ngủ. Mặt em như một xác chết, xác không thành xương, cứ vạ vật hình người, sau đó nàng gục lên lưng tôi, dòng chữ được tẩy đi còn tôi thì thuộc làu. Giọng cười của tôi đã tắt, miệng hết mỉm. Tấm gương đối diện nhìn tôi, tôi không thấy nó. Nhuyễn thể của tôi đang dò vào cái gì đó, những dấu chấm đổ dài tăm tắp, Thư…Nàng loay hoay trong ngày hôm trước, độ sáng của gương tổng hòa vào ánh đèn huỳnh quang, quắc càng thêm quắc. Sẽ có người chóng mặt nếu đi trong Nhà Cười quá lâu. Thư gọi réo tôi. Một sải chân quá xa, tôi đứng cách Thư một đoạn. Lúc lại gần, nàng vẫn gọi tôi, không biết cái quờ tay của nàng cào về tôi hay ảnh tôi trong gương. Cái lạnh của mặt gương khiến tôi sực nhớ rồi đánh rơi chi tiết chính của hàng dấu chấm. Bàn tay tôi đang áp trước gương. Năm ngón trước gương dán khít năm ngón ngoài gương. Kẻ bên trong gầy nhom, cái đầu y lớn gấp bội cơ thể tôi.

Mười hai giờ. Trưa. Tôi trở về chung cư. Hành lang không một ai, thang máy cũng vậy. Phòng tôi nằm ở khu thứ hai, tầng 24…Cuộc họp dai dẳng sáng nay đã rút kiệt sức tôi. Như thường lệ, tôi ngồi một chỗ, chẳng ý kiến này nọ, tai ù lên trong bài diễn văn của thủ trưởng. Tình đồng nghiệp khó thiện chí cho một tình bạn, cấp trên càng không. Giữa bọn tôi chỉ có sự hỗ trợ, tận dụng lẫn nhau trong công việc. Trong rào lưới mắt cáo của tôi-kẻ đắc lực trong công ty, khách hàng vừa giống mẹ mìn, vừa như đứa trẻ ngẩn tò te. Hợp đồng, cái bắt tay cùng những hứa hẹn là thứ chúng tôi mang về công ty mẹ. Đây ly rượu mừng, mọi người uống cho túi tiền đầy được chia sẻ thật chi ly cho mỗi nhân viên. Một cái bấm nút, thang máy đưa tôi đến bất cứ nơi đâu tôi muốn. Từ hầm lên tầng thượng, từ tầng trệt xuống gian giữa hoặc chui xuống hầm một lần nữa. Xe máy, ô tô ngổn ngang. Có lần tôi đứng mãi trong thang máy, mặc ai vào bấm số thì tôi lên hoặc xuống theo họ. Đứng một vị trí nhiều giờ, mắt tôi mở ra cùng cửa thang máy.

*

Giấy Vô là cuốn sách đầu tiên tôi đọc của Ngõ Hạnh, những kẻ săn Phượng Hoàng. Sách dày trên 300 trang, chia nhiều chương, mỗi chương không đánh số. Sách tự in bởi tôi không thấy đơn vị nhà sách, chỉ có tên nhà xuất bản. Giấy phép là thứ có thể mua bằng tiền, một thuận lợi cho những ai muốn in sách để thôi quanh quẩn với bản thảo trong thư mục máy tính. Tôi mua Giấy Vô hoặc được ai đó tặng, cũng có thể tôi tìm thấy cuốn sách trong hội chợ sách, gian đồng giá, sách xỉ lẻ mười ngàn một cân.

Thư viện, cõi nương náu thường xuyên của Ngõ Hạnh. Lâu lâu, tôi cũng vào thư viện. Khác với thành phố Ngõ Hạnh đang ẩn mình, thủ đô của tôi rất ít thư viện, bù lại mỗi thư viện đều ngăn nắp và nhiều sách. Người đọc không có mấy, phần lớn là sinh viên tự học, tìm tư liệu, mọt sách đếm trên đầu ngón tay, lác đác hơn là những kẻ chọn thư viện làm chỗ ngủ gật, cõi yên tĩnh có sách có cây, tiếng chim sẻ vờn ngoài cửa sổ. Tôi thích đi qua các dãy tủ, lật, sờ sách hơn là đọc. Mỗi gian một thể loại, rất hiếm một gian riêng biệt dành cho một người, trừ các lãnh tụ. Sách gáy dày, gáy mỏng, khổ lớn và đóng nhiều tập, sách văn học, sử, triết, mỹ học, thơ…tất tần tật là kết tinh của một đời người. Nhà văn sống chết vì tác phẩm bởi chỉ tác phẩm mới giúp y kéo dài thọ mệnh ngay cả khi đã chết. Mỗi quyển sách là một đầu lâu tươi của người chết. Tôi đi dọc ngang, lục từng hộp sọ, mở một lèo, mặc cho suối chữ chạy vọt đi, đột ngột thấy một dòng viết hay, tôi lật lại. Những khối sọ trên giá sách không hăm dọa được ai nhưng cũng khiến kẻ đọc phải chùn mình. Mỗi lần tôi vướng vào một cuốn sách, quá nhập thần, tôi ngửi thấy mùi óc tươi, nếm thấy vị thịt da quẫy đạp trên giấy. Nỗi buồn dài hơn, lê thê cho một tiếng cười.

Đọc là một cái thú khuây khỏa để lòng thôi trống rỗng, quên đi sự đục mờ của trí óc trong chuỗi thời gian ê chề được bù đắp bởi các linh hồn chết. Lắm lần, đọc thấy lòng thêm nặng nề, lúc lúc tôi thấy nhẹ bẫng và khoan khoái, muốn cười nhưng cười không nổi, miệng thở vút ra một hơi dài như khói thuốc. Giấy Vô không có trong thư viện, tôi cũng không định đem Giấy Vô của mình ký gửi cho thư viện. Rồi đây, sẽ một lúc nào đấy tôi nhớ ra… hoặc không cần thiết, quan trọng là tôi đã đọc Giấy Vô và tìm thấy Ngõ Hạnh.

Tướng hình của Ngõ Hạnh, phải là một kẻ mình hạc xương mai (2) tóc dài thả hết lưng, đói khát nay đây mai đó. Gã không hảo hữu với gia đình, điều này tôi chắc chắn, phần lớn các văn sỹ máu mặt đều không gia đình. Những khối óc thông tuệ, tâm hồn bát ngát gió trời đâu thể thủ cựu, co coắm trong tổ tò vò.

Kiếm tiền, lập nghiệp, cưới vợ, xây nhà rồi sinh con, bánh luân xa lăn tròn rồi lại tròn tròn…Ngõ Hạnh từng viết về một gia đình chỉ có tóc khi trưởng tử chết đi. Trong gia tộc, đầu ai cũng trọc lóc, thuốc mọc tóc vô dụng bởi từ lúc lọt lòng họ đã trọc đầu, từng người giấu giếm ánh nhìn người ngoài bằng khăn, mũ và tóc giả. Mái tóc này là sự kế tục đời đời từ tổ tiên, nó dài ra, nhiều lên, càng rậm và đẹp. Cô gái trong truyện, sau những tháng ngày sống như con vật, trở thành người kế thừa. Mái tóc đã chọn cô bé chứ không phải đấng cha già quyền lực. Dòng cuối truyện, Ngõ Hạnh viết Đã nửa mái tóc ông trụi lốc. Cái đầu lồi lõm, chằng chịt sẹo của cô út, tóc vươn ra hàng ngày…Không một lá thư kèm dính nhưng tôi biết Ngõ Hạnh đang thách thức tôi. Dòng cuối của bản thảo, gã có ghi hàng chữ bằng bút chì truyện chưa xuất bản. Đăm chiêu một mình, tôi lật các trang truyện, đọc xuôi rồi đọc ngược, xem kỹ từng đoạn, soát từng câu vụn lẫn chấm phẩy. Lúc tưởng đã hiểu nhưng khi viết thư cho Ngõ Hạnh mới té nhào, mình chẳng hiểu gì sất. Cô gái út sẽ thành người thừa kế, tóc lại dày thêm một lọn, vòng xoay lại chuyển bánh. Đấy là một cái kết thông thường nhưng dường như không đúng với văn chương của Ngõ Hạnh. Có lần, gã viết cho tôi Tên tôi là Ngõ Hạnh, tôi sống ở ngõ Hạnh, da tôi vàng ủng, tóc đầy đất. Gia tộc đấy ắt phải mang một lời nguyền truyền kiếp. Đầu trọc và đầu có tóc không khác nhau mấy, khi ra đời ai chẳng đầu trọc và khi chết đi cũng vậy. Tôi có một người bác, ông ấy qua đời lúc tôi học cấp hai. Ngày khâm liệm, người nhà tôi không cho tôi xem mặt bác lần cuối, theo lời họ thì người trong bệnh viện đã cạo trọc ông ấy, họ sợ tôi sẽ yếu bóng vía, mang nỗi ám ảnh đến hết đời. Trẻ sơ sinh ra đời bằng cái đầu trọc và người chết giã từ cuộc đời cũng bằng hộp sọ nhẵn. Tóc là sợi dây trung gian, nối giữa ngày sống và ngày chết. Tôi không băn khoăn về ẩn dụ mái tóc trong truyện của Ngõ Hạnh. Cô út. Thư. Búi tóc trong hộp. Cô út sẽ làm gì với quyền lực của mái tóc, cô bé có hăm hở như những đàn bà trong gia đình. Có hay không, một liều thuốc giết tóc trong bát cháo tim gan, tóc mọc che hết dấu vết bạo hành còn lòng cô sẹo đã liền hay ngoác thành miệng cá sấu.

Quá căng thẳng, tôi gãi đầu. Móng tay tôi chưa cắt ngắn nên lúc gãi mạnh, da đầu trầy một vết máu. Cô út nhuộm máu mái tóc, dòng chữ lóe trong đầu tôi. Lá thư tôi viết cho Ngõ Hạnh cũng chỉ một dòng này. Lúc gửi xong, hôm sau tôi cuống cuồng chạy đến bưu điện, xin hủy bưu kiện nhưng không kịp. Đáng lẽ tôi phải nuôi chín hơn dòng ngẫu hứng của mình, phân bua giữa việc cô út nuôi mập mái tóc bằng máu người và lấy dao dóc tóc khỏi đầu, máu nàng sẽ rửa trôi tất cả. Lá thư của tôi bay đi, đến cửa nhà Ngõ Hạnh thì tuyệt tăm. Vài tuần sau, Ngõ Hạnh lại gửi thư cho tôi. Như thường lệ, trong thư là truyện Nhựa, dòng chưa xuất bản bằng bút chì được thay thế bao giờ về ngõ Hạnh, cũng nét bút chì, chữ mảnh nhưng đậm và sắc. Tôi không đọc lại nên không rõ truyện có chỉnh sửa gì không. Công việc bộn bề kéo chân tôi khỏi bàn đọc sách, tôi tiếp tục thói đời, kiếm thật nhiều tiền trong một trái tim tàn tật.

Mười hai giờ, ngày, công ty nghỉ ăn trưa. Tôi tách nhóm với lý do về một cái hẹn ăn riêng. Cơm văn phòng, một ly café thật đặc sẽ ích hơn trong công việc. Trời hôm nay hơi âm u nên giữa trưa đã tối mò. Mây sầm sì trên đầu, đường phố sạch hơn khi không ai ra đường nhiều vào giờ này. Thực tình, thành phố này rất ít người. Đường xá luôn sạch bong rác, ngửa cổ là thấy trời mây. Không có nhiều ẩu đả vô cớ từ cú huých vô tình khi đi đường, cái liếc trộm cô gái đẹp bị tình nhân nàng tóm được. Lũ bạn tôi, trước và sau giờ làm vẫn hẹn hò nhau ở quán café. Không có mấy chuyện để nói, mỗi người một máy điện thoại.

Bàn tay tôi nắm lại, thấy cứng, xòe ra thì thấy một quả đào. Trái quả nhỏ, còn xanh nhưng chắc nịch, giòn tan. Lúc sáng, tôi có gọt một trái đào to, đặt nó trên bàn làm việc. Hột đào rất rắn nên tôi phải lách dao, tẽ từng chút. Bẵng ánh nhìn khỏi quả đào, đến lúc quay lại thì một đồng nghiệp của tôi đã ăn mất một nửa.

“Có thể tìm thấy quả đào bị lấy đi không?” – Tôi nói.

“Cho em một nửa đi?” – Cô bạn nói.

“Đào ngon không?”

“Ngọt lịm, đúng là đào chín cây.”

“Quả chẻ đôi, gắn lại vẫn không thể liền.”

“Anh bổ chứ ai bổ. Em bù lại anh một chầu café nhé.”

“Có ai ăn đào không?” – Tôi nói vang nhưng không ai để ý. Tôi đành đưa nửa còn lại cho cô bạn. Đang đói, cô gái ăn luôn. Tôi nhìn hột đào còn sót trên mặt bàn trong tiếng nhai rồn rột. Hai nửa liền với nhau trong bụng, hạt nhân thì còn đây, tôi lập bập miệng, nén tiếng chữ trong đầu mình. Cô bạn tôi mà nghe thấy lời này, sẽ dỗi tôi như lần tôi buột miệng nói chiếc dây chuyền mặt thánh giá trên cổ cô ấy hợp với Thư.

Quả đào xanh cứng hơn trong quả đấm siết chặt. Một lần nữa, tôi vung cánh tay ra sau và ném trái đào đi. Hướng nam, sân thượng tầng ba thư viện. Quả nhỏ nên bay xa. Đường bay kéo vút, dài như chiếc mỏ hạc. Đang lưng chừng, quả đào đập phải gáy bức tượng đồng xây giữa thư viện, mỏ hạc gãy lìa, rụng xuống.

Thư viện France in VietNam, ba tầng, sân rộng, tường cao không hàng rào. Tượng Camus đứng giữa. Trái đào xanh dưới chân tượng cùng những lá bàng khô. Thật dễ để nhặt lại quả đào, tôi lắc. Cuộc gọi từ một đồng nghiệp trong công ty réo lên, một tin nhắn nối tiếp sau cuộc gọi bất thành.
Đi đâu thế, đến giờ làm rồi, sếp gọi anh đấy.

*

Trước mặt tôi là Ngõ Hạnh, hẻm ra vào hun hút. Ngõ Hạnh sống trong nhà thứ…thuộc dãy số lẻ nằm cuối ngõ. Dân cư nơi đây san sát, mọi ngõ ngách đều được tận dụng bán hàng. Quán trà, quán phở, bún, cơm rang, một quầy tạp hóa nho nhỏ, một cái nhà chia hai, nửa trái là hàng photo, nửa phải bán phù hiệu, cờ đảng, áo cờ đỏ, nón lá cùng bức chân dung Hồ Chí Minh trên bàn thờ. Tôi đứng một chỗ, nhìn xuyên từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Mắt quét qua mấy người đàn bà đang tay đôi, mặc cả ở nhà bán dưa cà, quét lên trên rồi phất ngược về đầu ngõ, một quán café vỉa hè đầy ruồi. Đứng một chỗ và chính xác chỉ một vị trí, tôi đảo mình khắp nơi, đi một mạch vào Ngõ Hạnh. Cái ngõ này đẹp mắt hơn đoạn ngõ tôi chào đời và gia đình tôi vẫn đang sống. Cái ngõ ấu thơ của tôi ngoằn và thắt vào trong, càng đi càng sâu hút. Vào một ngày nhập nhoạng, mẹ tôi bế tôi ra ga, trước một chuyến tàu xuyên tổ quốc. Trí nhớ tôi lờ đờ và may mắn sao Giấy Vô đã gọi thức lại phần kỷ vật đã vãn. Chương thứ…gã tướng cướp thuật lại ngày rời khỏi quê. Quê hắn là vùng đất người ăn nhau không chừa xương, bởi thời loạn, triều đình thiếu binh lực nên phải bắt đàn ông theo phục dịch. Lệnh vua là ý trời. Mẹ gã sợ con sẽ chết trận nên đã lập một ngôi mộ giả, bảo rằng con mình đã chết. Quân lính không tin, lấy cuốc xẻng quật mộ. Trong lúc đám lính đào mồ, ông ngoại hắn đưa hắn ra cửa sau, tay đồ tể đợi sẵn ngoài cửa. Hàng ngày, gã đồ tể vẫn đưa thịt lợn ra khỏi làng, chỉ khác, lần này trong bụng con vật là gã tướng cướp. Đám lính đào mộ rất nhanh, cỗ xe chở xác lợn chuyển bánh cũng nhanh. Roi đồ tể quất toạc da con ngựa, tiếng hí tẩy mờ tiếng mũi giáo chọc tiết người quả phụ, ông nội gã lủng lẳng trên xà nhà. Mặt ông nội vẫn hiền như lúc tiễn cháu khỏi làng…Trên chặng đi, gã tướng cướp thoạt tiên nghĩ mình như con mồi bị nuốt sống, lúc thì nghĩ mình như phần gan ruột còn sống của con vật chết. Chặng sau, quá đói nên gã gặm thịt con lợn từ trong bụng, liếm tiết khô thay nước. Khi đấy, gã tướng cướp mười hai. Còn tôi, gấp Giấy Vô, nhớ đến năm mình mười tuổi. Mẹ ẵm tôi đến sân ga, trước giờ tàu chạy. Nội soi trong một tíc tắc, đôi mắt mẹ không nước mắt, bà chuyền tôi qua ô kính cửa sổ tàu, gửi gắm cho chú, dì tôi. Đoàn tàu lăn bánh, chuyến dài xuyên Nam Bắc. Ga tàu sau lưng, phố cổ sau lưng, bom đạn cũng sau lưng, cỏ xót xa đưa…(3)

Ngày hẳn phải khác đêm hoặc không khác mấy, đời sống con người muôn đời vẫn trong một cái vòng lặp, chết già hoặc chết trẻ, những cái tên ngoi lên ngoi xuống cho đến lúc hơi tận trên bia đá. Cái ngõ Hạnh này cất giấu một cái gì đấy. Lúc đi vào, tôi suýt vấp ngã bởi một viên gạch lồi lên, lúc sau cũng một cái vấp khi dẫm phải một viên gạch trống, để hở một hố đầy cát. Đường phố nơi tôi sống phẳng lỳ, tuyệt không một dấu bẩn. Nơi này, miền đất cố hương, bừa bộn và trêu ngươi người. Hết một vòng, tôi ngơ ngác không biết đâu mới là nơi Ngõ Hạnh ẩn thân. Tường gạch loang tróc, cánh cửa sổ xanh nghét nửa gập nửa khép. Rác nhiều lên không ngừng, mái trời xanh lẩn khuất bởi hàng rào dây điện, nhà cửa thấp cao không đều, mái ngói, mái bằng, chỗ dột chỗ không, khác xa với những giấc mơ của tôi về một dĩ vãng tối cổ trong thành phố cấm. Mười hai giờ, đêm, Ngõ Hạnh viết trong lá thư gửi tôi gửi người phê bình của tôi. Mười hai giờ nhiều hôm sau, ngày, tôi nhận thư và đợi khi thành phố đã tàn tạ trong bóng tối. Một đêm vàng, giờ thứ hai tư, tôi mở lá thư, một bản thảo. Lá thư hồi đáp của tôi không bàn về bản thảo gần trăm trang của Ngõ Hạnh, suy nghĩ tôi lúc đấy lục đục, nhộn nhạo trong điều gã viết trong dòng mào thư, kẻ phê bình, Ngõ Hạnh đã mềm lòng trong chén rượu rồi. Không có đâu, tôi không phê không bình ai hết. Tôi cũng tin trên đời không tồn tại nhà phê bình. Giữa người viết và người đọc những dòng viết luôn tồn tại giao cảm nội soi. Người phê bình là ngưỡng cao hơn người đọc khi y có thể đi xa hơn vào cõi văn chương của kẻ viết. Đọc, tham tường thật giả, bới tay sâu vào lớp chữ nghĩa, chuồi lên, liệng một cú cao và kéo xuống sáu trăm sáu mươi sáu (4) bậc thang che giấu chân diện của tác giả, nội soi thật giả một lần nữa. Thư từng thều thào với tôi trong lúc mếu em mơ thấy những xác chết không mặt, em như cái mặt của chúng, giấc mếu vô hồn, Thư càng vô hồn và tôi cũng vậy. Tôi ngờ ngợ nhà văn cũng tương tự giấc mộng của Thư, những kẻ vô diện trong họa hình con người với bản năng tiền sử ngàn năm, họ, Ngõ Hạnh, sống kẹt giữa trần gian, bởi mắt y sáng những luồng sắc, biết hết nguồn cơn nhưng vô lực trước thế quyền nhân gian, đành biệt lập mình sau lớp gương kính Nhà Cười. Viết, ừ, Ngõ Hạnh không lưu đày bản thân (5), gã tái tạo lại bản thân đồng thời bức ép thứ sử quan già nua một tiếng tru trước ngày nhắm mắt. Trọng trách của kẻ phê bình, như Ngõ Hạnh gán vào tôi không giống với việc treo cổ cả người sống lẫn người chết trên pháp trường sẽ vinh danh bản thân, nhà văn đã lấy mạng mình hiến thành chữ, người đọc có trách nhiệm làm sống những dòng chữ thành nghệ thuật.

“Ngõ Hạnh…” – Tôi buột lời.

“Đúng rồi, đây là ngõ Hạnh, anh hỏi ai, tìm nhà ai, ăn một bát cháo lòng nhé…”

“Có ai là Ngõ Hạnh…”

“Ngõ Hạnh ở đây chứ đâu.”

“Cậu tìm người tên Hạnh à, ở đây nhiều người tên thế lắm. Cậu tìm Hạnh nào.”

“Phượng Hoàng ở Ngõ Hạnh.”

“Sao… sao…”

Tiếng gì gì đấy khuất khỏi lối đi. Một người trong lúc cố len vào ngõ, đẩy tôi ra, nhìn một cái rồi đi thẳng. Mấy người chỉ trỏ, lẩm bẩm đủ to để tôi đọc rằng mình đang được tạo tác trong vai diễn kẻ thất tình, người bất bình thường, thằng trai đẹp mã nhưng ngẩn ngơ…Nắng hắt vàng vàng. Dãy tường cháy xám lên màu, tóc tôi cũng lên màu, như rơm. Một dáng người dong dỏng, tóc dài nghệ sỹ thoạt qua, tôi nghĩ ngợi về một người rồi để lạc tên người đó. Chỉ là một cụ già xõa tóc sau khi gội đầu, tóc cụ nhuộm đen còn khuôn mặt cỗi tuổi, những nếp nhăn đã khô mộc như vỏ cây xế chiều.

Mười hai giờ, ngày. Chân tôi vẫn một chỗ nhưng khác với lúc trước tôi ngồi ở quán café đầu ngõ, gọi một cốc café đen. Cốc nước đúng ý tôi, đen, đặc, không đường không đá, sánh ngầu như bóng tối đóng băng. Chất lượng café làm nhụt tôi một điếu thuốc say, hẳn ông chủ đã pha tạp nhiều thứ, cốt café không còn mấy.

“Cậu là Việt Kiều à?” – Lúc mang café cho tôi, ông chủ nói, cái cười gượng như hóa trang.

“Cháu là người Việt.”

“Ai chẳng biết, nhưng Việt Kiều nước nào?”

“Người Việt thuần chủng.”

“Chắc chú mày về đây tiêu tiền rồi lại đi chứ gì.”

Mười hai giờ, nhiều ngày trước. Bức tượng Camus quay lưng dưới sân thư viện. Trái đào xanh, non nớt va vào gáy tượng.

Một va đập ngay ót gáy, ai cũng phải quay đầu, sực tỉnh. Cú ném vào đầu, trán, ngay trước mặt thì không cần thiết bởi tôi đã nhìn thấy trước tai nạn hoặc sẽ thấy nguồn cơn khi ngẩng lên. Ngõ Hạnh từng xuýt xoa tôi về những lời bình luận, dấu hiệu cho một cảm tác mới. Camus chết bởi một cú đâm xe, trước lúc tai nạn xảy ra, nghĩa là khi cái chết gần kề, ông ta thấy gì…Ngõ Hạnh đợi tôi hồi thư nhưng thư không đáp thư. Tôi không biết nhiều về Camus, trừ vài tác phẩm buộc phải học trong trường, tôi không còn nhớ gì ngoài việc ông ta từng gây gổ với Jean Paul Satre, kẻ chú và dì tôi luôn khó chịu. Thư viện có rất nhiều sách của Camus và chúng không cám dỗ tôi trở thành con chuột gặm xương. Trong Giấy Vô, tôi có đọc một chương về cái chết gần kề. Ngõ Hạnh dành hẳn chục trang giấy viết cảnh trước lúc nhà sư lịm xuống đầm lầy. Vị sư đã nhìn thấy phượng hoàng, nghĩ rằng thần thú đến đón mình, cũng suy nghĩ đấy khiến nhà sư biết mình sắp bị ăn thịt, phượng hoàng trước mặt chẳng giống như mình tưởng, một chặng trí nhớ đi đi về về, cho đến dòng cuối, ông ta không còn nhìn thấy phượng hoàng, cũng không nhìn, nghe gì cả ngoài một thế thiền nhẹ nhõm. Trước lúc tai nạn xảy ra, Camus sẽ thấy người lái xe, hắn ta, một khuôn mặt lạ mà quen lỡ liếc một cô gái đẹp, không biết rằng mình sắp gây ra một tội ác thế kỷ…gần kề cái chết, Jean Paul Satre đứng phía kia đường với nụ cười đánh lạc hướng tiếng còi xe…nghĩ đến Nhà Cười, Camus thấy Camus…Tôi vẫn chỉ là tôi chứ không phải Ngõ Hạnh. Mười hai giờ, lúc này, tôi một lần nữa phì cười khi nghĩ rằng Camus chẳng thấy gì mà ông ta đang bị thấy bởi tôi, bởi Ngõ Hạnh.

Cốc café đã nguội và ấm lên bởi trời nóng. Nắng vào mắt là dễ giết người, ông thầy tôi nói thế trong một bài giảng về Camus, ông ấy cũng lấy câu này làm lời quảng cáo cho cửa hàng mũ mùa hè của vợ. Tôi nhớ máng máng, Albert từng có liên quan đến một vụ nã súng vào người Thổ.(6)

*

Mười hai giờ. Nhà Cười. Không ai đến cười. Anh đến với em thật dễ dàng, còn em thì không. Em không thể nhìn thấy anh, điều gì đã thu hút anh hơn cả tình yêu của đôi ta. Em sẽ rời xa anh, tình yêu của em càng sâu đậm, còn anh, anh có tìm được đường về không, sẽ hiện hữu một lần hay không bao giờ… Thư viết thế, dòng chữ máu được cuộn trong dải tóc mềm. Chiếc hộp phong kín.

*

Mười hai giờ, ngày và đêm. Tôi vặn lại đồng hồ không chỉ lần này. Tôi trả tiền cho cốc café bỏ dở. Nắng đã xong phận sự và nhòa mất từ bao giờ. Chẳng mấy mà đêm lại vàng khi những cột đèn tỉnh giấc.

“Bị cho leo cây à?” – Chủ quán hỏi tôi, không vờ cười nên mặt ông ta dễ coi hơn.

“Cháu không hiểu?” – Tôi hỏi.

“Nghĩa là hẹn bạn mà bạn không đến ấy.” – Ông ta trả tiền thừa, tôi gạt, cho luôn.

“Cháu không đợi ai hết.” – Tôi nhìn vào con ngõ đang thui dần.

Ngõ viết một chữ Hạnh. Bao giờ về Ngõ Hạnh. Tôi bỏ tay vào túi. Ngõ Hạnh không ở Ngõ Hạnh. Chữ Hạnh viết trước biển ngõ. Quả đào cắt đôi. Hột nhân một khối.

Chuyến bay sắp cất cánh. Con tàu một lần nữa tiễn tôi khỏi phương Nam, kéo gần tôi đến thành phố đã nuôi lớn những cơn đói triền miên.

Ngõ Hạnh không ở Ngõ Hạnh. Ngõ Hạnh không trong Giấy Vô. Chiếc đồng hồ đã chạy lại, đảo những đường kim lạc số thời gian.

Ngõ Hạnh. Thành phố sau thành phố. Tôi và gã, mỗi người một thế giới, hai ốc đảo giữa bạt ngàn ốc đảo, những con mắt và đôi tai đợi chờ tiếng đồng bào trong lằn ranh của những nội soi sáng tối, leo lét không một lần tuyệt vọng.


8/5/2018

_________

(1) Chữ của Thụy Khuê.
(2) Trong ca khúc "Đóa hoa vô thường" của Trịnh Công Sơn.
(3) Một bài hát của Trịnh Công Sơn.
(4) Nhân vật liên kết với 999 bậc thang trong Giấy Vô nhưng nhớ sai. 666 là số của quỷ Satan, dụng ý khác của người viết.
(5) Quan niệm của Linda Lê về nghề viết, viết là lưu đành bản thân, lời đề từ cuốn tiểu thuyết Vu Khống ( Calomnies )
(6) Tình tiết trong tiểu thuyết The Stranger của Albert Camus, nhân vật trong truyện bắn súng vào người Thổ vì bị ánh nắng làm chói mắt. Nhân vật nhớ nhầm giữa đời sống và tác phẩm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 234)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 183)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 129)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 507)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 390)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 541)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 457)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 330)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 464)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 365)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,